Hôm nay,  

Sứ Mệnh Tinh Thần

21/07/201700:00:00(Xem: 11787)

Tác giả: Yên Sơn
Bài số 5172-19-31016-vb6072117

Tác giả tên thật là Trương Nguyên Thuận, tuổi 60', cựu sĩ quan không quân VNCH, di tản sang Mỹ từ 1975, kỹ sư điện toán, từng làm việc với Hewlett Packard/ Houston... rồi mở lò dạy võ. Ông đã góp nhiều bài viết đặc biệt và nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2004. Sau đây là bài mới sau nhiều năm ngưng viết.

* * *

1.

Tôi đã rời xa Quảng Ngãi nhiều năm; bây giờ về đây, thấy đâu đâu cũng đều xa lạ, nhưng trong tôi vẫn như bùi ngùi, luyến tiếc một thứ gì đó. Có lẽ tuổi xuân chăng chứ cảnh cũ không còn và người người đều xa lạ.

Từ khách sạn Trung Tâm trên đường Lê Lợi, tôi đã đi loanh quanh khu phố cũ để nhớ về một thời… Trên đường Quang Trung, ngày xưa, tôi cũng có “người yêu bé nhỏ” nhà có tiệm bán xe đạp ở trên con đường này. Khi ngang qua trường Trung học Trần Quốc Tuấn – ngôi trường nổi tiếng năm xưa không biết bây giờ có còn được dư hương ngày tháng cũ hay cũng chỉ còn là những kỷ niệm muôn màu như tuổi ấu thơ của tôi đã biệt mù trong thế kỷ trước… Ngôi trường đồ sộ hơn nhiều so với “năm xưa”. Bây giờ đang là mùa Hè, sân trường lác đác người và xe cộ, những tàng phượng vỹ đỏ ối sân trường cho tôi nhiều bồi hồi nhớ tiếc.

Trời nắng chói chang, tôi bước vào quán cà phê bên đường ngồi xuống. Trong lòng xôn xao lạ. Biết là không gian này không phải là sự chon lựa của tôi. Có bóng dáng của các em bé bán vé số dạo. Tiếng mời chào đủ các âm giọng ba miền đất nước. Đầu óc tôi mụ mị trong không gian hổn tạp tiếng người, tiếng còi xe; trên tay ôm một chiếc bình sành nhỏ đựng tro cốt của Huệ – một người học trò ngoan hiền- đưa về từ Mỹ.

Vừa ngồi vào bàn thì một đám nhóc bán vé số nhào tới mời chào. Tôi lắc đầu nói không mua mặc dù chúng nó năn nỉ dai dẳng. Tôi ngồi làm thinh, mặt mày nghiêm và buồn được một lúc thì chúng nó bỏ đi. Xong lại có thằng bé đánh giày trờ tới “chú đánh giày không chú”. “Trời đất, chú mang giày thể thao mà đánh nỗi gì?” “Giày thể thao thì đánh theo giày thể thao chú ơi.” “Không đâu cháu, chú cần uống ly nước rồi đi công việc gấp.”

Thằng bé vừa đi thì một bé gái rất nhỏ – có lẽ chừng 5-6 tuổi là cùng – sà đến bên tôi: “Chú mua giùm con ít vé số đi chú?” “Không, chú không mua đâu cháu.” “Chú làm ơn giúp con; mua mấy tờ cũng được. Con cần bán rất nhiều vé số hôm nay vì mạ con đang bệnh, cần tiền mua thuốc!”

Tôi nghĩ tụi nhỏ bán vé số bao giờ cũng có những lý do bi đát để câu khách nên tôi chẳng quan tâm gì lắm. Chỉ khi nhìn kỹ con bé, thấy mặt mũi sáng sủa, xinh xắn nhưng gầy gò, chiếc áo bà ba có hai miếng vá ở khuỷa tay và vai, chân đi đôi dép mòn cả gót làm tôi chạnh lòng! Với số tuổi này đáng lẽ cháu ở nhà vui chơi sao lại tả tơi bán vé số! Nhìn quanh một lượt thấy lũ nhóc bán vé số đều không khác gì nhau mấy nhưng tự nhiên tôi có thiện cảm với con bé này. Không biết vì cái giọng Huế nhỏ nhẹ dễ thương của nó có dự phần trong tình cảm bất chợt này không; đối với trẻ con, nhất là các bé gái bao giờ tôi cũng dành nhiều cảm tình hơn. Tôi dạy con nít hơn 40 năm qua nên tôi rất yêu mến trẻ con; thế nhưng, tuổi đời đã đi qua ngả sáu rồi, tôi vẫn chưa có cơ hội thực tập hai tiếng “ông cháu” mầu nhiệm.

- Chú không mua vé số nhưng chú có thể tặng cháu ít tiền ăn bánh mì được không? Miệng nói tay móc túi lấy ra một ít tiền lẻ đưa cho con bé.

- Nó khoa tay từ chối và đi thụt lui vài bước:

- Dạ không được mô chú. Chú mua vé số thì con rất vui. Rất cám ơn chú nhưng con không xin tiền.

- …? Tôi bỡ ngỡ, chưa biết ứng xử sao.

- Mạ con dặn không được lấy tiền của người khác.

- Thì cháu có lấy của ai đâu, chú tự nguyện, kể như tiền chú mua vé số thôi mà?

- Chú mua vé số thì con bán. Còn không mua thì con không lấy mô. Chú mua giùm con một ít đi?

- Chú không thích vé số. Người ta nói trúng số xui lắm!

- Con mới nghe chú nói lần đầu. Chú không mua thì con đi nghe.

- Con bé mới chừng ấy tuổi mà đối đáp như người lớn. Nó dợm bước đi, tôi vội vã nắm tay con bé giữ lại:

- Được rồi, được rồi! Chú mua.

- Con bé nhoẻn miệng cười dễ thương hết sức:

- Chú mua mấy vé nì?

Thấy con bé cầm trên tay một xấp, tôi hỏi:

- Một tấm bao nhiêu tiền cháu?

- Dạ 10 ngàn!

- Phần cháu lời được bao nhiêu mỗi tấm

- Dạ tám trăm!

- Từ sáng tới giờ cháu bán được bao nhiêu?

- Dạ tệ lắm! Chắc chỉ khoảng hơn 10 tấm thôi!

Trong đầu tôi làm vội một con toán: 10 tấm được 8 ngàn, khoảng 40 xu Mỹ.

– Bán bao nhiêu mới đủ tiền thuốc cho mẹ cháu?

– Dạ không biết nơi, nhưng chắc cần bán nhiều lắm

– Cháu đếm thử cháu còn bao nhiêu tờ?

Con bé mở to đôi mắt có vẻ ngạc nhiên, quẹt ngón trỏ bé tý vào miệng, cắm cúi đếm một hồi rồi ngước lên nói:

– Dạ còn đúng 86 tờ.

– Nếu hết ngày mà cháu bán không hết thì làm sao?

– Cuối ngày phải trở lại đại lý để thanh toán. Số không bán được sẽ bị phạt 10%.

– Vậy làm sao? Bây giờ đã xế bóng?

– Có lẽ con phải bán tới khuya!

– Cuối ngày! Tới khuya!?

Như hiểu ý tôi nó nói liền:

– Dạ cuối ngày là lúc mình đem tới đại lý thanh toán. Con xin người ta tới 10 giờ đêm. Nếu hết sớm thì được về sớm. Chú mua giùm con 10 vé nghe?

– Nếu chú mua hết thì cháu về nhà với mẹ hay đi bán tiếp?

Con bé trố mắt như không tin những gì nó vừa nghe:

– Chú noái thiệt không?

Tôi không nói gì, chờ đợi câu trả lời tiếp của nó.

– Rứa thì con sẽ về mua thuốc cho mạ trước rồi tính tiếp. Con bé nói như reo.

Tôi đưa tay đỡ tập vé số trên tay con bé, móc bóp đưa cho nó tờ 50 đô. Nó ngập ngừng một thoáng xong cầm tờ giấy bạc rồi móc cục tiền bó bằng dây thun trong túi đưa hết cho tôi và nói: “đây là tiền thối lại cho chú nè.” “sao cháu chưa đếm mà đưa hết cho chú vậy?” “đó là tiền con bán 14 tấm vé số từ sáng giờ đó.” Tôi đẩy tay nó, bảo giữ luôn không cần thối lại, nó không chịu; nó nhất định chỉ lấy đúng số tiền vé số mà thôi.

Vì thấy nó có vẻ ngập ngừng khi cầm tờ 50 đô nên để chắc ăn, tôi dắt nó qua tiệm vàng kế bên đổi ra tiền VN và đưa cho nó đúng con số nó muốn. Nó đếm lại lần nữa rồi ngước mắt lên nhìn tôi nhỏen miệng cười nói:

– Con đếm lại cho chắc chú không đưa hơn số tiền vé số.

Tôi cười méo vì thương tính nết ngay thẳng và hồn nhiên của con bé; tôi đưa tay xoa đầu tạm biệt con bé với nhiều lưu luyến, và cũng không quên chúc mẹ nó chóng lành bệnh.

2.

Xế chiều, tôi ngoắc một anh xe ôm. Địa chỉ tôi cần tới ở trong hẻm Ngô Quyền với hai cái xẹt (sur), khu chợ Quảng Ngãi, rất khó tìm, nhưng rồi cũng tới nơi. Đó là một căn nhà nhỏ trông gọn gàng, sạch sẽ. Tôi gõ cửa, nghe tiếng trả lời giọng Huế; rồi cửa xịch mở. Một bà cụ lưng còng, gầy gò ốm yếu, ngó tôi từ đầu tới chân:

– Cậu muốn tìm ai?

– Thưa Bác có phải cô Phương Lan ở đây không ạ?

– Cậu là ai mà biết tên con gái tui?

– Thưa Bác có người bên Mỹ nhờ cháu tìm giúp.

– Phải thằng Huệ nhờ cậu không?

– Dạ phải.

– Mời cậu vào nhà nói chuyện.

Sau khi anh tài xế đi khuất, tôi theo bà cụ vào nhà. Căn phòng nhỏ trông rất tươm tất, vắn khéo nhưng có vẻ đạm bạc. Bà cụ mời tôi ngồi vào chiếc ghế duy nhất bên cạnh chiếc bàn con kê sát tường; tôi ý tứ đặt hũ tro cốt mang theo xuống chiếc bàn. Bà cụ vén tấm màn ngăn làm phòng ngủ và ngồi trên cạnh giường.

– Mạ con hắn vừa ra chợ chắc cũng sắp về. Cậu ngồi đợi được chớ? Dường như cậu ở bên Mỹ về?

– Sao Bác biết?

– Thì trông bộ dạng của cậu và nghe cậu nói thằng Huệ bên Mỹ nhờ cậu ra đây tìm em Lan.

– Dạ vâng! Tên cháu là Phong. Để Phương Lan về cháu sẽ kể hết đầu đuôi luôn ạ.

Chờ một lát, tôi sốt ruột, đứng lên ngó mong ra cửa.

– Thưa Bác cho cháu để cái bình ở đây, cháu ra hẻm mua bao thuốc lá về liền.

– Được được, cậu cứ để đó tôi coai cho, không mất đi mô mà lo.

Tôi lang thang ra đầu hẻm, ngồi ngay quán cóc đầu con hẻm để ngó chừng; gọi ly cà phê đá và mua gói thuốc lá của một bà bán bên cạnh, phì phà chờ đợi. Tôi nghĩ ngồi ở đây, nếu mẹ con cô ấy về nhà nhất định phải đi qua con hẻm này, nên yên tâm ngồi chờ. Thế mà tôi đã hút hết hai điếu thuốc, uống hết ly cà phê mà vẫn không thấy tăm dạng hai mẹ con Phương Lan. Tôi nghĩ tôi phải vô nhà kẻo bà cụ trông.

Tính đưa tay gõ cửa thì cửa xịch mở. Một thiếu phụ với suối tóc đen mượt, dài chấm lưng, gương mặt thanh tú, khả ái nhưng trông võ vàng, tiều tụy. Đôi mắt đỏ ngầu, dường như vừa mới khóc. Tôi lúng túng hẳn. Nàng cũng chưa kịp nói gì thì một con bé phía sau lưng vượt lên trước:

– Ủa chào chú!

Tôi kinh ngạc thấy con bé bán vé số khi trưa.

– Mạ ơi, đúng là chú ni là người mua hết vé số của con khi trưa mà con noái với mạ đó! – Con bé quay sang nói với mẹ nó.

– Chào anh. Anh Phong phải không? Tôi là Phương Lan, mẹ của cháu Lan Huệ! Rồi nàng quay qua con, nói con qua dì Tám đi...

Con bé dạ rồi đi ra. Bà cụ vẫn ngồi trên giường mặt buồn dàu dàu:

– Tôi tưởng cậu đi luôn rồi chớ!

– Xin lỗi Bác, cháu đợi lâu sốt ruột quá nên ra ngoài đầu hẻm uống nước. Tưởng đâu Phương Lan về đường đó mà không thấy nên ngồi hơi lâu.

Phương Lan đẩy chiếc ghế về phía tôi và ngồi chiếc đối diện. Chắc có lẽ chiếc ghế để trong bếp mới được mang ra. Tôi chưa biết mở lời cách nào thì nàng nói tiếp:

– Mạ con em đi đường trong nên anh không thấy là phải. Khi vô tới nhà, thấy trên bàn có cái bình sành này, bé Lan Huệ nói liền “sao giống cái bình của chú mua vé số của con khi trưa quá!”

– …

– Con bé về lúc trưa, khoe với em, “có một cái chú chắc ở đâu mới tới; tụi thằng Tèo, thằng Dũng bị chú từ chối mà chú lại mua của con, còn mua hết nữa chứ!” Rồi nó khoe là “chú nớ cố cho tiền con mà con nhớ lời dặn của mạ nên nhất định không lấy.”

– Vâng, sự thực là vậy! Phương Lan dạy con hay quá! Chính vì sự thông minh và thực thà của nó mà tôi đã “phải lòng nó”.

– Cám ơn anh, tuy gia đình em nghèo nhưng lúc mô em cũng nhắc con “nghèo cho sạch, rách cho thơm”. Em đâu có muốn bắt con đi bán vé số, chỉ vì thời gian gần đây em bệnh triền miên không làm ăn chi được. Cả tuần nay lại nằm liệt một chỗ, ăn uống khó khăn. Cũng may, đang mùa hè cháu nghỉ ở nhà không việc chi làm. Trưa nó về lại mang theo một chị y tá chích dạo… cách đây vài tiếng đồng hồ, em mới ngồi dậy nổi, ráng cùng đi với cháu ra nhà thuốc tây mua thuốc theo lời dặn của cô y tá...

Nàng thao thao như để che giấu cảm xúc; như để cho tôi có thêm bình tĩnh. Ngồi nghe nàng nói mà lòng tôi xót xa, bối rối, vẫn chưa dám mở lời.

Cánh cửa xịch mở, con bé đã về cầm theo mấy lon nước ngọt và một cục nước đá nhỏ. Nó đi thẳng vào bếp, nghe tiếng nước chảy, tiếng chặt đá và tiếng ly tách lịch kịch. Bà cụ vẫn ngồi yên kiên nhẫn nhai trầu. Lát sau con bé đem cho bà một ly nước trước khi đặt hai ly trên bàn chúng tôi ngồi, xong tới ngồi bên cạnh giường gần bà ngó tôi… Tôi bảo con bé “chú không uống nước ngọt được, uống vào là sưng cuống họng, ho liền trong vòng 30 phút. Cháu cho chú tách nước lạnh rất tốt. Con bé ngó mẹ, thấy Phương Lan gật đầu, nó lại chạy xuống bếp đem lên cho tôi một ly đá lạnh. Tôi đưa ly nước ngọt cho nó, nó ngần ngừ nhìn mẹ và mẹ nó gật đầu ra dấu đồng ý.

Bỗng nhiên, nàng nhìn hũ sành trên bàn, rồi nhìn thẳng vào mắt tôi:

– Có phải đây là hũ tro cốt của Huệ?

Tôi bối rối nhìn bà cụ rồi nhìn con bé. Không gian vô cùng tĩnh mịch, nghe cả tiếng rao hàng của những người bán rong đi ngang trước cửa. Mọi người như rất chú tâm nghe tôi xác nhận. Phương Lan đứng lên, ôm hũ tro cốt tới đặt trên bàn thờ... Khi quay lại chỗ ngồi, nàng nói bằng giọng sũng nước mắt nhưng bình tĩnh:

– Em cám ơn anh đã giúp cho Huệ về với mẹ con em. Cả tháng ni em đã linh tính có điều bất thường, mặc dù đã hơn hai năm rồi không nghe tin tức chi của Huệ. Dù vậy, em vẫn nhất quyết không tin Huệ quên bỏ mạ con em.

– Vâng, Huệ không bao giờ quên, không bao giờ bỏ mẹ con Phương Lan. Có nhiều chuyện đau thương đã xảy ra cho Huệ... Tôi là thầy dạy võ của Huệ. Huệ đã học với tôi gần bốn năm. Tính Huệ hiền hòa ít nói nhưng siêng năng và vô cùng lễ phép. Những ngày lễ tết, Huệ thường đến nhà thăm. Biết Huệ cũng là một đồng hương Quảng Ngãi, tôi coi Huệ như một người thân và không lấy tiền học phí của nó nữa. Lâu lâu không thấy tới thì tôi gọi hỏi thăm. Rồi Huệ lại bất chợt xuất hiện, vẫn tập tành siêng năng, kỷ luật như thường, và rồi lại bất ngờ biến mất.

Tôi ngưng lại, bưng ly nhấp một ngụm nước đá lạnh, cố giữ cho giọng nói bình thản.

– Cách đây khoảng hai năm, bà mẹ của Huệ tạ thế vì bị ung thư, biết Huệ ngoài bà mẹ, không còn ai là thân nhân, tôi có đề nghị “hay là em về ở chung với Thầy”, Huệ nói nó không muốn bán căn nhà kỷ niệm của mẹ nó. Những khi tôi thắc mắc về sự tập tành không đều đặn của Huệ nó đều nói “thầy đừng lo nhiều cho em, khi nào khỏe em sẽ đi tập.” Sau một thời gian bặt tin, cách đây hai tháng, bỗng có điện thoại của Huệ gọi nói muốn gặp tôi gấp, có việc vô cùng hệ trọng cần nhờ. Tiếng nói nghe rất yếu ớt. Địa chỉ là nhà thương MD Anderson, khu Medical Center gần trung tâm phố Houston. Lòng tôi nghi nghi ngại ngại. MD Anderson là trung tâm ung bướu nổi tiếng thế giới cũng là nơi làm việc của nhà tôi gần 20 năm qua. Buông điện thoại xong là tôi lái xe đi ngay. Vào đến nơi mới biết Huệ đang nằm điều trị tại khu chăm sóc đặc biệt (intensive care unit). Hình ảnh chú học trò văn vẻ, mạnh khỏe, đẹp trai chỉ còn lại vài đường nét lu mờ trên người bệnh. Huệ bị ung thư ruột già thời kỳ chót; đã qua hóa trị rồi xạ trị nhưng không thoát. Tôi bốc điện thoại gọi nhà tôi nhờ hỏi thăm vị Bác sĩ chuyên môn xem lại hồ sơ. Hóa ra, vị Bác sĩ chuyên môn này lại là cấp trên của nhà tôi và cũng là Bác sĩ đang chăm sóc cho Huệ. Ông ta nói với tôi rằng khi Huệ nhập viện thì đã quá trễ! Ông đã cố gắng hết sức nhưng không cứu được. Vì Huệ không có thân nhân nên họ đang làm thủ tục chuyển Huệ qua hospice- nơi chăm sóc cho những bệnh nhân không còn phương án trị liệu. Nói cách khác là nằm chờ chết!

Tôi phải dừng lại vì Phương Lan bỗng bật khóc nức nở. Lẫn trong tiếng khóc là tiếng kêu: Trời ơi. Huệ ơi. Huệ có vợ có con mà sao... Con bé lấy khăn ướt lau mặt cho mẹ nó. Được một lúc, nàng trấn tỉnh lại nói tiếp:

- Em xin lỗi anh. Nhờ chuyện anh kể, em biết là mình đã trách oan anh Huệ. Hai năm trước, em nhận được 10 ngàn đô la của Huệ gửi cho, kèm theo bức thư nói rằng “em cố gắng dùng số tiền này buôn bán đỡ đần trong thời gian tới chờ anh làm thủ tục giấy tờ bão lãnh.” Thế rồi bặt tin luôn. Em có gửi thư và gọi điện thoại nhiều lần nhưng không thấy hồi âm. Em cay đắng nghĩ rằng, Huệ đã thí cho mạ con em 10 ngàn để rồi trốn biệt! Em cố nghĩ tốt cho Huệ nhưng càng ngày em càng thấy suy nghĩ Huệ đã bỏ mạ con em đúng hơn tất cả những lý do em bào chữa khác.

Kể tới đây lại khóc òa. – Anh biết không, “tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống”. buôn bán nhỏ để nuôi ba miệng ăn nên càng ngày vốn càng hao hụt. Vì thế, tháng trước khi con em nghỉ hè, em quyết định dọn về thành phố để xoay xở may ra khá hơn; Em gom hết số tiền còn lại nộp tiền sang một cái sạp bán trái cây ngoài chợ Quảng Ngãi. Khi tới nhận sạp thì mới biết đó là trò lường gạt. Không tìm được thủ phạm, lại tiếc tiền và lo sợ không biết gia đình sẽ sinh sống ra sao nên kiệt sức quỵ dần, nằm liệt giường cả tuần nay. Đó là lý do em đành lòng để Lan Huệ đi bán vé số tạm thời.

Trời tối đã lâu, câu chuyện và cả công việc phải còn cần nhiều thì giờ mà không tiện ở lâu, tôi đề nghị ngày mai tôi trở lại sớm để nói cho hết câu chuyện. Phương Lan dụ dự nhưng đồng ý. Thấy hũ tro cốt của Huệ trên bàn thờ có nén hương đang cháy, tôi nói:

– Thưa Bác và cô Phương Lan, trước khi ra về, tôi muốn được thắp nhang cảm tạ trời đất và tạm an vị tro cốt của em Huệ.

– Cám ơn anh đã chu đáo!

Phương Lan vừa âm thầm khóc vừa bước tới trước bàn thờ, lấy một nén nhang run run đốt. Tôi nghĩ có lẽ nàng sẽ khóc suốt đêm nay. Tôi không biết an ủi cách nào, đành lặng lẽ cầm nén nhang từ tay nàng trao, đứng trước bàn khấn vái lớn cho mọi người cùng nghe.

– Huệ ơi! Cuối cùng thì em cũng đã về bên vợ con như ý nguyện. Thầy cảm tạ hương linh em đã giúp Thầy vượt qua nhiều thử thách để có thể chu toàn lời hứa với em. Em đã về được đây, xin em an nghỉ và ở bên phù trợ vợ con sớm vượt qua tất cả nghịch cảnh do ông trời thử thách, được bình an mạnh khỏe. Như đã hứa với em, ngày mai, Thầy sẽ trở lại đây để lo cho xong trách nhiệm em giao phó. Tạm biệt Huệ.

Tôi cắm nhang xong quay lại đã thấy Phương Lan mắt lệ đầm đìa.

– Mạ con em đội ơn anh. Còn nhiều điều em nôn nóng muốn biết nhưng không còn thắp thỏm như mấy năm qua nữa. Huệ đã về với mạ con em dù chỉ là di cốt nhưng trong thâm tâm em cũng đã thấy mãn nguyện lắm rồi. Vô vàn cám tạ tấm chân tình anh đã dành cho chúng em, và đặc biệt cho mạ con em.

Tôi chào bà cụ, chúc bà ngủ ngon. Mẹ con Phương Lan đưa tôi ra ngoài ngõ. Tôi nói sau khi đã hẹn giờ trở lại:

– Phương Lan có thể yên tâm nghỉ ngơi đêm nay. Không cần phải lo lắng nhiều nữa. Huệ đã trở về. Tất cả sẽ tốt đẹp. Có thể cả ngày mai sẽ bận rộn vì chúng ta phải cùng làm một số công việc theo yêu cầu của Huệ.

Tôi trở về khách sạn bằng xe ôm. Suốt buổi tối còn lại, tôi ôn lại câu chuyện về Huệ. Sẽ phải kể lại đầy đủ cho Phương Lan, nhưng cũng phải thu xếp sao cho thuận tiện để hoàn tất “sứ mệnh tinh thần” của ông thầy dạy võ được học trò ủy thác.

3.

“Thưa thầy, xin thầy đừng bận tâm tới sức khỏe của em. Em biết thời gian của em không còn được bao lâu. Bác sĩ đã nói cho em biết là em có thể ra đi bất cứ lúc nào. Em luôn biết ơn thầy đã coi em như đứa em trong nhà. Xin thầy tha lỗi cho em khi chưa được thầy cho phép đã tự ý sắp xếp nhiều việc. Thầy là người duy nhất em có thể trông cậy...” Đó là lời Huệ nói để bắt đầu câu chuyện khi tôi ngồi bên em trong khu hospice.

“Em an tâm. Thầy hứa trước là sẽ tận lực làm tròn mọi điều em ủy thác.” Tôi cầm tay Huệ, hứa. “Thầy ơi, vợ con em đang còn ở Việt Nam. Xin thầy giúp em...”

Sau đây là câu chuyện Huệ kể:

Bảy năm về trước em đi cùng mẹ em về Mỹ Khê, Quảng Ngãi lần đầu tiên thăm mộ phần của ba em. Theo lời mẹ em kể, ba em bị giết trong trại tù Cộng sản vì trốn trại khi em chưa đầy tuổi. Trong chuyến đi này em gặp và thương yêu một người con gái đồng cảnh ngộ tên Phạm Thị Phương Lan, dân Mỹ Khê gốc Huế. Sau khi về Mỹ, chúng em vẫn thường xuyên liên lạc càng ngày càng mật thiết. Chúng em thật sự yêu nhau, muốn tiến đến hôn nhân. Trong thời gian quen biết em nhận thấy Phương Lan là một cô gái hiền hòa, xinh đẹp, tâm hồn đoan hậu và là một người con hiếu đễ. Nàng không hề đòi hỏi bất cứ một điều gì ở em, kể cả khi em đề nghị làm giấy tờ cho nàng sang Mỹ. Đến lúc này em mới biết mẹ con Phương Lan không còn thân nhân nào ở Việt Nam!

Dĩ nhiên tất cả việc riêng tư này em đều cho mẹ em biết. Mẹ em nói em đủ khôn lớn rồi có thể tự quyết định tương lai cho mình; mẹ không lo được gì và cũng sẽ không phản đối.

Vì quá yêu thương và tin tưởng lẫn nhau, sáu tháng sau, em xin phép Mẹ trở lại Quảng Ngãi một mình để làm một đám cưới đơn giản nhằm hợp thức hóa hôn nhân. Em về lại Mỹ hỏi thăm nhiều Luật sư Di trú về trường hợp của chúng em. Ai cũng nói là không có cách nào cho tới khi Phương Lan trở thành công dân Hoa Kỳ mới bảo lãnh cho mẹ nàng qua được.

Tụi em chưa biết tính sao thì được tin Phương Lan có mang. Em vừa mừng vui vừa buồn bã… Rồi Phương Lan sinh hạ một bé gái. Em tức tốc bay về khi nàng còn trong nhà thương. Chúng em đồng ý đặt tên cho con là Lan Huệ để đánh dấu mối tình sâu đậm của chúng em. Việc bảo lãnh vẫn dậm chân tại chỗ. Không ai nói với ai nhưng trong thâm tâm đều biết rất khó để chúng em đoàn viên trong nghịch cảnh éo le này. Em thương yêu mẹ của nàng như yêu thương mẹ của em. Chúng em cùng đau đớn chấp nhận số phận.

Khi mẹ em ngã bệnh rồi mất vài năm trước như Thầy đã biết. Trong thời gian mẹ bệnh, em phải luôn ở bên mẹ sau giờ đi làm, dù Mẹ ở nhà hay trong bệnh viện, vì chỉ có hai mẹ con. Ngoài ra, em còn phải cáng đáng tài chánh cho mọi chi phí trong gia đình kể cả thuốc men. Những khó khăn này em chỉ giữ riêng em chứ không dám nói với Phương Lan vì em nghĩ chẳng lợi ích gì mà còn tạo thêm sự lo lắng cho nhau hơn thôi. Em chỉ nói với Phương Lan về bệnh tình của mẹ em. Phương Lan tỏ ra rất thông cảm và khuyên em yên tâm lo cho mẹ là quan trọng hơn hết. Sự cao thượng của nàng đã an ủi em không ít. Trong khi đó tiền để dành càng ngày càng cạn dần, em lo sợ nếu không tính ngay thì cuộc sống của mẹ con Phương Lan sẽ rất khó khăn; vì thế, em quyết định lấy ra 10 ngàn đô gửi cho nàng, khuyến khích tìm cách buôn bán sống tạm trong thời gian khó khăn sắp tới. Bệnh tình của mẹ em trở nên nguy kịch nên em không còn tâm trí nào để nghĩ tới việc riêng của mình. Để rồi chưa đầy năm sau mẹ em lìa đời! Tang lễ cho mẹ xong, tinh thần em suy sụp đáng kể, tài chánh kiệt quệ. Trong thời gian bị bệnh em có nghĩ nhiều về vợ con nhưng em không muốn liên lạc trong lúc cùng quẫn. Em dự định trở lại sở làm một thời gian để dành đủ tiền sẽ về thăm mẹ con Phương Lan; lúc gặp nhau sẽ giải thích sự vắng bóng của em trong thời gian qua cũng không muộn. Nhằm lúc kinh tế khó khăn, hãng xưởng sa thải nhân viên hoặc đóng cửa và vì vậy em bị cho nghỉ việc luôn!”

Thấy Huệ ra dấu xin uống nước, tôi nói em nghỉ một lát nhưng Huệ lắc đầu. “Thầy để em nói, phần này mới là quan trọng.”

Ba tháng sau em vẫn chưa tìm ra việc làm, em buồn chán quá sức, ăn ngủ thất thường lại nhớ vợ, nhớ con đứt ruột… rồi ngả bệnh. Ông bác sĩ gia đình chỉ nói có lẽ tại em buồn rầu rồi sinh bệnh; bảo em về cố tĩnh dưỡng, ăn uống, ngủ nghỉ điều độ một thời gian sẽ khỏi; rồi cho cái toa mua mớ trụ sinh về uống.

Thấy cơn đau bụng thuyên giảm đi nhiều em chưa kịp mừng thì phải nhờ ông bạn hàng xóm đưa đi cấp cứu vì bụng dưới của em đau không chịu nỗi!

Sau khi khám nghiệm, bác sĩ nói em có vấn đề ở ruột già! Họ gửi em đi các chuyên khoa để xác nghiệm… Sự xác nhận cuối cùng là em bị ung thư ruột già không còn cách chữa trị như Thầy đã biết. Họ đề nghị em làm xạ trị không ổn, đổi qua hóa trị cũng vô phương. Trong thời gian điều trị, em sợ em khó thể vượt qua nên đã lo sắp xếp mọi thứ từ ngân hàng, nhà cửa, xe cộ, hãng bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm nhân thọ; đi luật sư làm di chúc; làm giấy ủy quyền pháp lý (power of attorney). Em đã để tên Thầy là người đại diện pháp lý, có toàn quyền định đoạt về tài sản khiêm nhường của em kể cả thân xác này sau khi em không còn tự quyết định được nữa. Em hoàn toàn tin tưởng vào tấm lòng nhân ái của Thầy; và Thầy là người thân duy nhất của em bên Mỹ. Tất cả sổ sách, giấy tờ, chìa khóa em đựng trong hộp sắt để tại Chase Bank ở số 13070 Bellaire Blvd., Houston, TX 77072 đường Synott; và đây là chìa khóa chiếc hộp sắt em xin trân trọng giao lại cho Thầy quản thủ. Sau khi em chết rồi, Thầy cứ theo di chúc mà giúp em hoàn thành tâm nguyện.

Nói xong, Huệ cởi chiếc chìa khóa đeo trên tay đưa cho tôi rồi nhắm mắt lịm đi. Hơi thở gấp gáp, mặt tái nhợt! Tôi hoảng hốt gọi y tá trực vào phòng xem xét… Một lúc sau Huệ tỉnh lại. Huệ nhìn tôi gượng mỉm cười, môi mấp máy, yếu ớt nhưng thần thái có vẻ tự tại lắm. Tôi nắm chặt tay Huệ và áp tai để nghe:

– Bây giờ thì em yên tâm rồi. Thầy hứa với em đi! Em biết Phương Lan đang buồn trách em và rồi nàng sẽ đau đớn lắm khi biết tất cả sự thật. Và em cũng ân hận không được nhìn được mặt đứa con gái yêu quý; hơn ba năm qua chắc nó đã lớn lắm rồi…

Nói tới đây Huệ nhắm mắt lại, hai giọt nước mắt lăn dài trên đôi má gầy nhom. Tôi ngó nhịp tim vẫn đập nhưng không đều đặn và hơi thở yếu dần đi. Một tay nắm, một tay ôm vai, tôi áp miệng vào tai Huệ thì thầm: “Thầy tuyên hứa với em sẽ làm tất cả những gì em muốn Thầy làm.” Huệ mở bừng mắt ra, cố siết nhẹ tay tôi, mỉm miệng cười...

Sau khi Huệ trút hơi thở sau cùng, ngay trong lúc chờ giảo nghiệm, tôi dàn xếp với nhà thương rồi cấp tốc chạy về ngân hàng Chase mở tủ sắt đọc di chúc để biết phải làm gì.

Trong di chúc, Huệ cho tôi chi tiết để liên lạc với hãng bảo hiểm nhân thọ AIG ngay sau khi Huệ tắt thở để được hướng dẫn. Huệ muốn được hỏa thiêu; nhờ tôi tìm cách bán căn nhà và chiếc xe; đến nhà băng đóng trương mục, lấy hết tiền ra; đến ngôi chùa nơi để di ảnh của Mẹ, trích ra $5 ngàn để cúng chùa. Khẩn cầu tôi đi Việt Nam về Mỹ Khê tìm gặp mẹ con Phương Lan trao lại tất cả số tiền còn lại để nàng buôn bán nuôi con và lo cho mẹ già sau khi chi trả tất cả những khoản chi phí cần thiết, kể cả chi phí cho chuyến đi của tôi; tiền bảo hiểm nhân thọ ký thác vào quỹ học vấn cho con gái Lan Huệ. Huệ cũng bày tỏ ước mong Phương Lan sẽ thay Huệ chăm sóc mồ mả của Ba Huệ ở Mỹ Khê…

Tôi chảy nước mắt vì những toan tính tình nghĩa và chu đáo của Huệ. Tôi gọi ngay cho hãng bảo hiểm. Ngạc nhiên thay, họ đã biết trước, đã chuẩn bị sẵn giấy tờ cho tôi ký nộp qua internet. Tôi thắc mắc hỏi họ, họ chia buồn và nói với tôi Huệ đã chuẩn bị cho việc ra đi từ mấy tuần trước. Nhờ vậy mọi thủ tục rất suông sẻ.

Sau khi xong việc tang lễ, tôi mang hủ tro cốt để tạm vào chùa (cho tới khi tôi mang đi Việt Nam) nhân dịp đến cúng viếng theo lời dặn của Huệ. Vị trụ trì cũng là chỗ quen biết lâu dài nên dành cho tôi mọi sự dễ dàng. Tôi nhờ chú em làm địa ốc đăng bảng bán nhà sau khi đã mướn người dọn dẹp, lau chùi, cắt cỏ sạch sẽ. Nhà trệt có 3 phòng ngủ, rộng 1700 square feet, hai phòng tắm, mái nhà thay chưa quá 5 năm, nhà để xe riêng, khoản đất ¼ mẫu, bàn ghế tủ giường còn nguyên vẹn. Chú em đề nghị đăng giá $120 ngàn gồm luôn đồ đạc. Đồng thời tôi cũng liên lạc với một người bạn quen, có công ty mua bán xe cũ để bán chiếc xe của Huệ. Chiếc xe Toyota Camry 2008, bạn nói vì thương hoàn cảnh của Huệ nên mua giúp $10 ngàn, không tính thuế. Tôi liên lạc với hãng bảo hiểm AIG làm thủ tục chuyển hết số hiện kim vào một trương mục đặc biệt tôi vừa mở ở ngân hàng Citibank. Trong khi đó tôi cũng xếp đặt công việc ở trường võ, giao cho một học trò lớn tuổi, cao đẳng nhất để trông coi trong thời gian tôi vắng mặt.

Trong đời tôi thăng trầm cũng lắm, gian nan cũng thừa trong bất cứ công việc gì tôi làm; thế nhưng, trong tiến trình lo cho Huệ mọi việc đều trơn tru, mau lẹ. Nhiều lúc tôi nghĩ có lẽ Huệ theo phò hộ cho tôi nên mọi chuyện mới êm thắm như vậy.

Nhà đăng bảng chưa đầy một tháng đã có mấy người muốn mua; trong số đó có một cặp vợ chồng lớn tuổi người Việt ở California mới dọn về, muốn mua một căn nhà nho nhỏ, trả tiền mặt, để an hưởng tuổi già. Họ hẹn đến xem nhà rồi đồng ý mua luôn với giá $122 ngàn tiền mặt, đặt cọc 20% ngay trong ngày. Chú em tôi vui mừng gọi báo cho biết; rồi năm ngày sau, giấy tờ sang nhượng hoàn tất. Chú em chỉ lấy ít tiền công tượng trưng.

Tôi làm một cuốn sổ nhỏ, ghi tất cả những dữ kiện về tài chánh của Huệ để sau này trao lại cho Phương Lan.

4.

Sáng hôm sau, khi tôi trở lại, vừa bước vào nhà đã thấy mùi khói nhang nồng nực. Sau khi chào hỏi và đẩy cánh cửa sổ mở rộng hơn, tôi tự động ngồi xuống chỗ ngồi hôm qua. Trên bàn đã có sẵn bình trà nhỏ. Phương Lan vẫn ngồi ghế đối diện, có vẻ bình tĩnh hơn. Nàng khoan thai rót trà ra tách, đẩy về phía tôi một chung, gật đầu thay lời mời và hai tay bưng một chung đứng lên mời bà cụ. Trở lại ghế ngồi, nhắm môi vào chung trà rồi nhẹ nhàng đặt xuống, nhìn thẳng vào tôi, giọng tâm sự:

– Thưa anh, suốt đêm qua em đã nghĩ thấu đến thực tế đời mình. Huệ đã an phần và em có bổn phận phải sống tốt để lo cho cháu Lan Huệ. Chừ em đã bình tĩnh nhiều rồi; anh có thể kể hết ngọn ngành câu chuyện.

Nhờ đã sắp đặt sẵn, tôi lần lượt kể lại câu chuyện, Phương Lan lặng lẽ nghe, không khóc. Nhưng khi nghe kể tới lúc Huệ trút hơi thở cuối cùng thì nàng thình lình té xỉu. Cũng may, tôi đã đề phòng nên đỡ nàng kịp lúc, bế xốc nàng đặt lên giường, xoa bóp ở hai huyệt Nhĩ Môn và Thái Dương, rồi nắn bóp thêm huyệt Thần Đình trên đỉnh đầu để trợ não. Tôi thực sự lo sợ cho sức khỏe của nàng, nên vừa nắn bóp các huyệt đạo vừa bảo con bé mở toang các cánh cửa cho thoáng khí và chạy tìm gấp người y tá. Nó vừa khóc vừa chạy đi. Bà cụ lu bu xức dầu xanh lên mũi, lên thái dương Phương Lan. Tôi xem mạch nàng vẫn điều hòa dù hơi thở có yếu ớt. Ít phút sau, cô ý tá và con bé hớt hải vào nhà. Người y tá hành sự thành thạo, bày đồ nghề và chích cho nàng một ống thuốc khỏe.

Lát sau Phương Lan lai tỉnh, ngỏ lời xin uống nước. Tôi lấy tách trà và giúp nàng ngồi dậy. Thân hình nàng ẻo lả như cọng bún; phải tựa vào hai chiếc gối chồng cao, nhưng chỉ sau mấy ngụm trà, Phương Lan lập tức bình tĩnh lại.

– Xin lỗi anh. Bi chừ em thấy khỏe nhiều rồi. Xin anh cho biết những việc em phải làm mà anh noái rất cần?

Tôi bảo Phương Lan:

- Phần buồn nhất của câu chuyện đã xong. Những việc sắp phải làm sẽ là chuyện vui mà Huệ muốn tôi mang về cho Phương Lan và cháu bé. Buổi trưa các ngân hàng có làm việc hay không?

– Em không lui tới những chỗ nớ nên không rõ. Chắc ăn mình có thể tới đó sau 1 giờ chiều. Ở trên đường Hùng Vương gần nhà có Ngân Hàng Ngoại Thương Việt Nam, đó là chi nhánh của Vietcombank.

Sau bữa ăn trưa đơn giản ngay tại nhà, hai giờ chiều chúng tôi có mặt ở ngân hàng. Phương Lan rất đỗi ngạc nhiên thấy tôi mở hai trương mục, một cho nàng và một dành riêng cho con bé. Càng ngạc nhiên đến nỗi không tin là sự thật khi tôi chuyển ngân vào mỗi trương mục. Tổng số tiền cho nàng là $124+ ngàn (gồm tiền bán nhà, bán xe, sổ tiết kiệm); của con bé $105+ ngàn (gồm $100 ngàn trị giá bảo hiểm và tiền lời). Tôi đề nghị nàng lấy ra một ít để chi dụng và lo thuốc men, số còn lại để trong nhà băng cho an toàn, lúc cần dùng thì lấy. Nàng đồng ý lấy ra 10 triệu tiền mặt.

Mọi sự việc được tiến hành suông sẻ nhanh chóng hơn mức tôi tưởng tượng. Khi mọi thủ tục đã xong, tôi mở xách tay lấy ra tờ di chúc của Huệ để lại cho riêng tôi, và cuốn sổ tài chánh trao lại cho Phương Lan giữ làm kỷ niệm. Tôi cũng nói luôn ước nguyện của Huệ muốn nàng thay Huệ chăm sóc mộ phần của ông cụ ở Mỹ Khê.

Sau khi cám ơn người nhân viên ngân hàng, chúng tôi rời khỏi nhà băng. Sức khỏe Phương Lan quá yếu, tôi phải dìu nàng ra cửa gọi taxi về nhà. Xe vừa tới đầu ngõ đã thấy bà cụ và con bé bắc ghế ngồi trước cửa như trông đợi. Con bé thấy mẹ chạy lại ôm chằm, dìu mẹ nó vào giường rồi xoay lại ôm tôi và khóc. Tôi ôm chặt con be, thủ thỉ:

– Từ nay về sau cháu ngoan của chú không cần phải đi bán vé số nữa. Ba của cháu đã chuẩn bị hết việc học hành cho cháu rồi. Cháu phải hứa với chú học hành ngoan ngoãn để nên người hữu dụng mai sau. Đó cũng là ước nguyện của ba cháu. Ba cháu thương nhớ cháu vô cùng!

Con bé khóc lớn, nói trong tiếng nấc:

– Dạ con hứa với Ba, con hứa với Chú!

Tôi gật đầu chào bà cụ, dắt tay con bé cùng đến trước bàn thờ khói hương nghi ngút, đốt hai nén nhang, trao cho con bé một… Phương Lan cũng tới đứng một bên từ lúc nào, tôi trao nén nhang còn lại cho nàng và đốt thêm một cây khác. Tôi khấn lớn:

– Huệ quý mến, Thầy đã giữ trọn lời hứa với em, đã chu toàn tốt đẹp sứ mạng tinh thần đầy nước mắt. Thầy biết chắc có sự phù trợ của em nên mọi việc đều thông suốt. Thầy mong em yên tâm, mãn nguyện. Định mệnh có nghiệt ngã với em, nhưng Thầy chắc những người thân yêu này sẽ làm rạng danh em. Cầu xin linh hồn em đời đời an lạc nơi cõi vĩnh hằng.

Phương Lan cắm nhang rồi phủ phục xuống đất lạy trước di cốt của Huệ. Con bé cũng quỳ lạy theo mẹ. Cụ bà ngồi ở cạnh giường tự nãy giờ cũng lặng lẽ đứng dậy thắp nhang lên bàn thờ.

Ngoài hiên bóng chiều mờ dần, tiếng ồn ào của thị tứ cũng lắng xuống cùng với tiếng rao hàng thỉnh thoảng vang lên. Tôi ngỏ lời chào tạm biệt nhưng ai cũng năn nỉ tôi ở thêm chút nữa. Phương Lan vừa khóc vừa nói:

– Lần chia tay này không chắc có lần tái ngộ. Xin anh ở lại dùng bữa cơm cuối cùng với chúng em. Em không biết nói gì hơn ngoài tấm lòng tri ân sâu xa của gia đình em đối với nghĩa cử cao đẹp của anh...

Thình lình, nàng quay sang phía tôi, quì ngay trên nền nhà:

- Xin anh nhận cho mẹ con em một lạy nhớ ơn...

Bé Lan Huệ cũng quì ngay bên mẹ. Tôi vội nhảy tránh qua một bên để nghe nàng nói tiếp:

– Em xin hứa với anh và vong linh Huệ, em sẽ tự lo thân mình, bảo trọng sức khỏe và tận tình chăm sóc Lan Huệ; nhất định cháu sẽ học hành tới nơi tới chốn để có một tương lai rạng rỡ như di ngôn của Ba nó. Việc mồ mả của Ba Huệ, em đã là vợ của Huệ nên đã và đang thay mặt chồng lo việc hương khói từ lúc cưới nhau đến giờ.

– Cậu ráng ở lại với chúng tôi một lúc nữa nghe. -Bà cụ nói.

– Chú đi con buồn lắm!

Nói xong nó lại khóc ròng. Tôi cũng buồn bã nói:

– Trước sau gì cũng phải chia tay. Tôi sẽ đưa số điện thoại của tôi bên Mỹ cho Phương Lan để khi nào cần thiết thì liên lạc. Việc tôi làm hoàn toàn do lòng tự nguyện và do tấm lòng quý mến người học trò đầy tình nghĩa của tôi. Vì thế, tôi không dám nhận cái lạy đền ơn của cô nhưng tôi nhận lời với mọi người… ở lại dùng cơm tối với gia đình.

Tôi lại đi với Bé Lan Huệ mua thức ăn đổi món nhưng bà cụ và Phương Lan cũng chẳng ăn uống gì khá hơn mặc dù cô ý tá đã trở lại chích thêm cho nàng một ống thuốc khỏe.

Khoảng 9g tối tôi từ giã, đi bộ về khách sạn, chân bước lâng lâng, tâm hồn nhẹ nhàng…

5.

Tôi xếp đặt thì giờ để đi Mỹ Khê thăm nhà thờ Đại Tôn, nhà thờ Tiểu Tôn và nhà thờ Thái Bảo Trương Đăng Quế một chuyến; nhân tiện ghé thăm một vài người bà con thân thuộc rồi sáng mai trở về Saigon, tuần sau về lại Mỹ.

Vừa bước ra phòng khách, tôi khựng lại vì thấy Phương Lan đã đứng đó từ lúc nào! Tôi chưa kịp nói gì thì nàng đã nói:

– Em sợ anh đi sớm nên đến đây chờ từ lúc 6g sáng. Hỏi thăm chị Lễ Tân (front desk), biết anh còn đang ngủ nên ngồi chờ tới bây giờ.

Tôi ái ngại nhìn nàng hỏi:

– Có chuyện gì không Phương Lan?

– Dạ không có gì anh. Tối qua khi anh về rồi mấy mẹ con em cầu kinh cho Huệ. Sau đó không ngủ được, em lấy bản Di Chúc của Huệ và cuốn sổ nhỏ anh đưa ra xem. Em thấy anh ghi tỉ mỉ việc tài sản của Huệ và chi tiết chi tiêu nhưng không thấy chi phí cho chuyến đi của anh như lời Huệ muốn nên em đến tìm anh để xin anh cho em gửi lại tất cả chi phí theo lời dặn dò của Huệ trong di chúc. Nếu không, em sẽ áy náy suốt đời.

– Phương Lan không cần phải áy náy. Như tôi đã nói, công việc này hoàn toàn tự nguyện như một nghĩa cử cuối cùng đối với một người học trò yêu quý đã đặt hết niềm tin vào mình. Thật ra, tất cả những chi phí cho chuyến đi này đối với tôi không đáng là bao, mong cô yên tâm để cho tôi có cơ hội làm được một việc đáng làm và kể như quà tặng của tôi dành cho gia đình cô vậy.

Phương Lan đứng lên tiến lại phía tôi. Tôi cũng ngập ngừng đứng dậy, nàng ôm choàng tôi vừa khóc vừa nói:

– Anh đã noái rứa thì em xin vâng. Mạ con em xin kết cỏ ngậm vành cảm tạ tấm lòng cao thượng của anh.

Thấy mọi người nhìn, tôi luống cuống, gỡ tay nàng dìu ngồi xuống ghế:

– Xin đừng nói chuyện ân nghĩa nữa. Cô hãy ráng bảo dưỡng sức khỏe thật tốt để lo cho bà cụ và cháu Lan Huệ. Tôi không cần nhắc cô cũng thừa biết là rất nên cẩn thận trong việc giao tế. Cũng không cần bày là cô cần phải làm gì để có tương lai tốt đẹp hơn. Tôi quý mến con bé lắm, nó rất thông minh, hiếu nghĩa giống ba mẹ nó. Xin giữ liên lạc; nếu tôi có dịp trở lại Quảng Ngãi lần sau, tôi sẽ tìm thăm mọi người. Bây giờ thì tôi phải đi Mỹ Khê. Kể như đây là lần từ giã cuối cùng.

– Em ước phải chi sức khỏe của em tốt em sẽ đi cùng với anh về Mỹ Khê hôm nay luôn.

– Khi nào xong hết mọi việc và sức khỏe cho phép, cô về cúng ông cụ mâm cơm là tốt rồi!

– Em xin nghe lời anh. Chúc anh đi bình yên.

Chúng tôi cùng sánh vai bước ra cửa. Không gian bên ngoài tràn ngập tiếng còi xe và tiếng người qua lại ồn ào bất tận. Phương Lan cúi mặt bước đi bên tôi, nghe tiếng nàng sụt sịt nhưng tôi làm như không để ý, nói lời từ biệt lần nữa. Bất ngờ nàng quay lại ôm chặt tôi, sau một khoảnh khắc, buông tay quay mặt vội vã bước đi hòa lẫn vào đám đông tấp nập trên đường.

Ánh nắng hè chói chan, cùng tiếng ve sầu râm ran hòa nhập vào đủ loại âm thanh của thành phố cố vươn mình lên trong một xã hội phát triển không mấy trật tự.

Đó, Quảng Ngãi quê tôi!

Yên Sơn

Ý kiến bạn đọc
11/04/201819:25:59
Khách
Chân thành cám ơn các bạn đã chia sẻ câu chuyện với tác giả.
09/08/201717:27:05
Khách
Anh Bốn! Chuyện thật này hiện hữu trên cõi đời đọc mà như tiểu thuyết Số phận luôn nghiệt ngã với thân phận đàn bà.. Nhưng lòng người thì "Ô trọc "Có biết bao người phụ nữ bị hiếp đáp cô độc từ tinh thần lẫn thể xác giữa xứ lạ quê người không có ai bảo vệ nương nấu.. Gần 5 năm chung sống và 4nam lui tới nữa vòng trái đất.. Mà không có một góc bình an... Từ thể xác lẫn tâm hồn đó Anh.. Chuyện tình -Cuộc đời... Muôn điều trắc ẩn..
02/08/201704:17:31
Khách
Câu chuyện cảm động quá mà xảy ra lúc nào sao giờ mới kể.Người thực còn đây không? Anh cho địa chỉ để có thể em liên hệ.
28/07/201705:43:10
Khách
Cảm ơn anh Yên Sơn đã chia sẻ một câu chuyện rất xúc động và ý nghĩa.
26/07/201703:15:28
Khách
Xin thân chào tất cả quý vị độc giả. Cám ơn quý vị đã đọc và thích câu chuyện cùng những lời khen tặng chân tình.
Đã gừi qua VB bài tiếp theo, xin mời quý vị đón đọc.
Thân chúc quý vị luôn an vui, hạnh phúc.
23/07/201713:40:59
Khách
Cảm ơn niên trưởng chia sẻ một chuyện rất cảm động . Hoành 69A
22/07/201714:30:14
Khách
Bài viết cảm động quá.
22/07/201703:44:26
Khách
Một câu chuyện cảm động với các nhân vật chính tất cả đều có nhân cách đáng quý. Ông thày dạy võ đã thực hiện chu toàn lời đã hứa với người võ sinh của mình trước khi anh ta qua đời. Người võ sinh trước khi chết đã cố gắng lo tròn trách nhiệm của một người chồng và một người cha cho dù gia đình của mình ở tuốt bên kia bờ đại dương. Cô bé Lan Huệ hiếu thảo không những giúp mẹ kiếm tiền mà còn biết nghe lời giáo huấn của mẹ không tham lam tiền bạc.
21/07/201720:34:58
Khách
Cô Lan có khôn ngoan khi nào Tiền về đến nơi, thì mua vàng hay đô la để dành, chứ tien Việt thì thôi nó' bay hơi ráo trọi với sự lạm phát ở bên đó.
21/07/201713:25:47
Khách
Xin chao anh Yen Son, tac gia cua bai SU MENH TINH THAN ma toi vua doc hom nay (21st July 2017) tren VIETBAO. Toi la Software engineer o Paris, lam viec cho Airbus. Toi thinh thoang co doc nhung bai VIET VE NUOC MY tren VIETBAO, nhung bai viet cua anh lam cho toi rat cam dong. Mong se duoc doc bai viet khac cua anh trong tuong lai.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,881,998
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.