Hôm nay,  

Tết này, Nhớ Má Tôi Tuổi Dậu

05/02/201700:00:00(Xem: 8819)

Tác giả: Song Lam
Bài số 5037-18-30737-vb8020517

Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey, một vùng rất ít cư dân Việt. Sau đây, thêm bài mới của Song Lam.

* * *

Ngoài sân, trăng thật đầy, thật tròn: trăng tháng chạp; nghĩa là Tết đã đến bên lưng rồi. Ở đây không ai có giờ nhìn trăng, có khi quên lững vầng trăng hiện hữu trên trời. Ngày còn đi học, tôi hay sưu tầm những bài thơ trăng, không hiểu tại sao. Câu thơ: “Có những đêm rằm, đèn tắt vì trăng” tơi yêu thích đến bây giờ, nhưng không nhớ ai là tác giả.

Má tôi cũng vậy. Bà là người ít học nhưng lại có tâm hồn văn chương, bà thích nhìn trăng và thuộc lòng rất nhiều ca dao, tục ngữ. Có thể nói Má tôi chất chứa nguyên kho tang văn học dân gian, câu hò, điệu hát phương Nam. Điều này, Má tôi giúp tôi rất nhiều trong kỳ thi tốt nghiệp với luận án bao quát, rộng rãi với đề tài: “Văn chương bình dân với dân ca, ca dao miền Nam Việt Nam.”

Văn thơ nói về người Mẹ thì vô cùng. Nhiều, nhiều lắm. Viết về Mẹ là đề tài dễ viết, dễ đọc. Âm nhạc cũng thế. Từ trước 75, những bài nhạc như: “Mẹ tôi” (Nhị Hà), “Lòng Mẹ” (Y Vân), “Xuân này con về, Mẹ ở đâu” (Nhật Ngân) nổi tiếng đến bây giờ, mà mỗi lần nghe, chúng ta vẫn còn bồi hồi, xao xuyến. Đó là những bài hát bất hủ vì nó chạm vào trái tim người thưởng ngoạn bằng những cảm xúc thật, rất thật, y như người nhạc sĩ đó nói giúp cho mình…

Mới đây, nhạc sĩ Trần Tiến có thêm bài “Mẹ Tôi”, với lời ca thật chân tình, cảm động:

“Mẹ ơi, con đã già rồi
Còn ngồi nhớ Mẹ, khóc như trẻ con
Mẹ ơi, con đã già rồi
Còn ngồi ngớ ngẩn, nhớ ngôi nhà xưa
Biển song thét gào…
Một ngày khóc Mẹ, sống trào khơi xa
Mẹ ơi, thế giới mênh mông
Mênh mông không bằng nhà mình
Dù cho phú quí vinh quang
Vinh quang không bằng có Mẹ…”

Tác giả đã so sánh Mẹ hơn cả vinh quang rực rỡ, danh lợi phù hoa của người con. Có mẹ là có tất cả!

Người Mẹ có một vị trí đặc biệt quan trọng bậc nhất trong lòng của mỗi người con. Diều này khong ai phủ nhận được. Nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng với tác phẩm “Ai cũng cần có bà Mẹ” nổi tiếng một thời. Với ông, người Mẹ là điều kiện ắt có và đủ cho mỗi người, vì đơn giản hơn, ai cũng có người đã sinh ra mình; ai cũng có người Mẹ, dù là vua quan tột đỉnh cao sang hay chỉ là người dân nghèo áo ôm khố rách! Nhưng, không phải ai cũng có!

Cò những trẻ em từ thuở sinh ra đến khi trưởng thành không hề biết cha mẹ của mình là ai, còn sống trên cõi đời này hay đã mất. Nững đứa trẻ ở cô nhi viện, hoặc vì hoàn cảnh chiến tranh, hoặc hoàn cảnh xã hội lạc cha lạc mẹ sống với người nuôi dưỡng, coi họ là cha mẹ mình, không hề biết gốc gác, người sinh đẻ ra mình. Ở Mỹ này cũng vậy: biết bao trẻ lai ráo riết tìm ai là cha mình, có kẻ tìm được, có người không.

Theo những giáo sư Tâm Lý Học, những đứa trẻ không biết nguồn gốc mình thường bị lệch lạc về tâm lý, bất cần đời, bất mãn với đời, bị tâm thần nhẹ nếu họ không tự kèm chế hay kiểm soát được bản thân. Ngay cả những đứa trẻ cha mất sớm, hay người cha bỏ đi với người phụ nữ khác, tâm lý họ cũng bất ổn. Có thể họ nhút nhát, không tự tin và không mấy thành công trên đường đời!

Người viết còn nhớ khi còn ở trung học (middle school) thầy giáo ra đề bình luận câu nói của một nhà văn Pháp như thế này: “Ôi, tình yêu của Mẹ, một thứ tình yêu càng chia ra càng tăng lên”. Đám học trò tuổi 14, 15- trong đó có tôi- bối rối không biết phải bắt đầu bài luận văn ấy thế nào, và tại sao tình yêu của Mẹ lại được so sánh nghịch lý đến như vấy!

Bây giờ tôi hiểu được, chúng ta hiểu được, tình yêu ấy không có ranh giới, bến bờ nào hết và không có điều gì so sánh kịp. Vì đó là tình yêu vô vị lợi, tình yêu “cho không, biếu không” không có chờ báo đáp hay hoàn trả. Người Mẹ với trái tim rộng lớn lúc nào cũng muốn dang đôi tay che chở, bảo bọc cho đàn con, cho dù đứa con có hư hỏng, bất trị đến mức nào, trái tim người Mẹ lúc nào cũng bao dung, tha thứ!

Cũng như hàng triệu người phụ nữ trên trái đất này, Má tôi cũng có được những đức tính quí báu nêu trên. Bá ít học- đúng hơn vào thời đó phụ nữ không được học nhiều- không ra ngoài xã hội xông xáo kiếm tiền, chỉ quanh quẩn với ruộng vườn, cực nhọc bươn bả nội trợ lo cho chồng con. Bà hy sinh cả đời, luôn giành lấy sự thiệt thòi cho bản thân mình: “chỗ khô con ngủ, chỗ ướt mẹ nằm” là như vậy.

Tôi vẫn còn nhớ như in Má tôi dáng người thon thả, mình dây, dong dỏng cao, thường mặc áo bà ba đen, quần vải ú. Sau này, gia đình khắm phá khi các con ra trường làm việc, Má tôi có chút tươm tất hơn: áo lụa màu, quần mỹ-a láng mượt. Má tôi bới tóc sau ót, mái tóc dầu dừa đen bóng với cái mồng nhọn, gọn ghẽ. Má tôi trán cao, rộng, mà người thời đó gọi là “trán vồ”. Tồi giống Má nên lũ trẻ hàng xóm trêu chọc, tôi nằm vạ khóc lóc cả buổi. Má tôi thường ăn trầu, môi cắn chỉ, đỏ hồng với nụ cười tươi. Và đôi mắt? Phải, anh em chúng tôi “thừa hưởng” đôi mắt to, lông mi dài cong vút của Má, đôi mắt biết cười…

Những ngày cận Tết như tuần này, nỗi nhớ Má càng hiện rõ trong tâm trí tôi. Má tôi lo thúc giục chị tôi đi chợ mua nếp, đậu xanh, lá chuối, đậu đen, bột, đường,… để Má gói bánh tét, bánh ít. Gia đình tôi người Nam đặc sệt, không biết làm bánh chưng, hành nén như người miền Bắc.

Nhà tôi chung quanh trồng chuối, trồng dừa. Đây là lúc thu hoạch rôm rã. Má biểu anh trai tôi hái dừa khô để làm nhân bánh, hái dừa tươi để chưng cúng 3 ngày Tết. Cái quan niệm: “Cầu đủ xài” được ba má tôi cho thêm: “Cầu vừa đủ xài” tức là bốn thứ trái cây: măng cầu ta (quả na) dừa xiêm, đu đủ, và xoài cát.

Tôi vừa xem được những tấm ảnh “Ngày Tết thuở xưa ở miền Tây Nam bộ” mà nao lòng. Trời ơi, người xưa ăn Tết vui vẻ, thanh bình biết bao nhiêu. Quí bà ngồi giữa sân nhà bên cạnh những thúng mủng gạo nếp, đậu xanh, bánh tét gói xong treo lủng lẳng trên xà ngang. Trẻ con lăng xăng chạy loanh quanh vui mừng đón Tết. Bên góc sân là mấy bộ lư đồng được tháo rời, sửa soạn đánh bóng. Trong nhà thấp thoáng cành mai chực chờ nở, mai tám cánh đầy đặn sự may mắn, hanh thông. Trời ơi, ngày ấy qua rồi, ngày ấy qua rồi…

Mấy mẹ con tíu tít trong bếp nấu nấu nướng nướng trong khi ba tôi và các anh trang hoàng nhà cửa. Treo tứ thời đi con, ở bên vách kế bên bộ ván gõ trải chiếu bông. Bộ tứ thời gồm bồn cuộn giấy có giày treo chỉ dành treo ngày Tết: đó là gương “Nhị Thập Tứ Hiếu” – 24 người con Hiếu - bên Tàu – mà ba tôi cứ kể cho các con nghe những đêm trăng sáng.

Ba tôi đứng ngắm nghía, “chỉ đạo” cho các anh ké bộ lư đồng và chưng trái cây cho ba gian bàn thờ.

Những ngày Tết, tôi thấy Má tôi than mệt nhưng bà vui lắm. Đôi mắt bà hình như long lanh hạnh phúc, và đôi môi ăn trầu hình như thắm đỏ hơn ngày thường. Nhìn các con có được bộ quần áo mới, có được những bữa ăn ngon, bà mẹ nào cũng hả hè vui sướng. Má tôi lo từ việc nhỏ nhặt như nhắc các con mua dầu hôi để chong đèn trên bàn thờ, lo lau chùi cái bóng đèn trứng vịt… lo bánh mứt, rượu trà đãi khách mà phần lớn là mấy mẹ con tự làm ở nhà từ hôm rằm tháng chạp…

Người mẹ là món quà cao quí nhất mà Thượng Đế dành cho mỗi người. Đây là sự công bằng nhất của đất trời: “Ai cũng có một người mẹ” cho dù là vua quan quyền quí hay nghèo nàn cơ cực, người mẹ vẫn luôn là ánh sao trời soi sáng đời con.

Mới đây, trên Facebook, có người post lên hình ảnh hai mẹ con ở vùng nông thôn nghèo. Người mẹ già ngoài 90 được con gái dắt ra sau nhà tắm gội. Hình ảnh đó thật đẹp, phải không quí vị? Nhưng, không hiểu vì lý do gì, người con- người phụ nữ trung niên- vừa xối nước tắm rửa cho mẹ mình vừa đập liên tục gáo nước lên đầu mẹ mình. Bà cụ run rẩy né tránh. Cái gáo cứ vụt tới liên hồi, không dứt. Cái clip cận cảnh đó không cho người đọc lời bình phẩm, ghi chú nào, nhưng chừng ấy động tác cũng đủ gây phẫn nộ, làm se thắt trái tim người xem.

Sau đó vài ngày, cũng có một trường hộp tương tự. Lần này, người đàn ông cõng người mẹ già băng qua nhiều con đường nhỏ, dọc theo triền núi. Người đàn ông muốn đem bỏ mẹ mình vào hang núi sâu hiểm trở. Có thể vì cụ bà già quá rồi, anh ta muốn quẳng đi gánh nặng chăm sóc, nuôi dưỡng? Cụ già có lẽ biết được thâm ý của con trai nên sửa soạn nắm trái cây khô để rải dọc đường hai mẹ con đi qua. Khi đặt mẹ xuống với ý định trở về một mình, người đàn ông này thấy được điều đó, giống như nàng Mỵ Châu rắc lông ngỗng chỉ đường cho Trọng Thủy, ngày xưa!

Anh ta hỏi lý do, và bật khóc khi được Mẹ giải thích: “Mẹ làm dấu đó, con à. Vì Mẹ nghĩ rằng, khi trở về không có Mẹ, con sẽ lạc đường”.

Phải, trên đường đời, nếu không có Mẹ, chúng ta đôi lúc cũng sẽ lạc đường, phải không, quí bạn đọc thân yêu?

Câu chuyện ngừng lại ở đó; người post không nói thêm. Kết luận thuộc về người đọc.

Hai câu chuyện về người Mẹ đem đến cho chúng ta chút suy nghĩ: chữ hiếu thời nay được hiểu như thế nào?

Hãy bỏ qua quan niệm cổ về chữ Hiếu. Ngày xưa: “Phụ mẫu tồn, quân tử bất khả viễn du” có nghĩa là cha mẹ còn sống, người trai không thể xa nhà; tức là phải cận kề phụng dưỡng “sớm thăm tối viếng mới là đạo con”. Đời sống công nghiệp hiện nay, người con không thể chu toàn nhiệm vụ này được. Nhưng, theo thiển ý người viết những dòng này, chữ “Hiếu” trong đó có chữ “Tâm” tức là trái tim, là tấm lòng của người con đối với cha mẹ mình, tùy theo hoàn cảnh. Những lúc lưu lạc phương trời xa như chúng ta hiện nay, đôi lúc nhớ nhà, nhớ cha mẹ tha thiết, nhất là ngày Tết, ngày sum họp truyền thống của người Việt. Thúy Kiều khi trôi nôi tên bước đường lưu lạc giang hồ, có lúc cũng đau nhói tâm can: “Lòng quê theo ngọn mây Tần xa xa” hay “Xót thay huyên cỏi, xuân già”. Xuân là cha; huyên là mẹ. Tình cảm này, ai cũng có được trong đời!

Nếu được phép của quí độc giả, tôi xin được nói về mình đôi chút: Tôi cũng là người Mẹ, người Bà và tuổi đời cũng không còn trẻ nữa. “Tuổi già hạt lệ như sương” (Nguyễn Khuyến). Nhưng ngày Tết đến, nghĩ đến cha mẹ đã quá vãng tôi cũng thấy lòng se lạnh.

Tôi hoàn toàn không biết khi đã về già, tôi có bị đối xử như hai trường hợp nêu trên hay không. Dù sao, chúng ta là những người “hoàng hôn tắt nắng” chuẩn bị tinh thần cho những “hạnh phúc hiếm hoi” đó, nếu có. Chuyện người già là chuyện phim nhiều tập, còn dài hơn nhiều nếu so sánh chuyện phim nhiều tập của Đại Hàn.

Năm nay Tết con Gà. Má tôi tuổi Dậu, Tân Dậu 1921. Nhớ Má, cầu nguyện cho Má an lạc chốn yên nghỉ vĩnh hằng, tôi cũng ao ước như lời sấm truyền “Thân Dậu nên lai Kiến Thái Bình” vì từ khi trái cầu countdown rớt xuống đêm 31 tháng 1 năm 2016 ở New York City đến nay, thế giới đầy những tai ương.

Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ Donald Trump sẽ đem đến cho nhân dân Mỹ sự tươi sống, hạnh phúc nào không? Mọi sự sẽ còn ở phía trước!

Phút giao thừa, phút gặp gỡ của năm mới và năm cũ, giây phút thiêng liêng và cảm động của tuổi thơ, tuổi thành đạt, và tuổi già. Ai cũng đang chờ mong.

Lịch sử vẫn trôi. Lịch sử hãy còn phía trước và năm Đinh Dậu 2017 đang đến. Người viết những dòng này, bằng tất cả tình cảm tốt đẹp nhất của riêng mình, gửi đến bè bạn xa gần, quí đọc giả, những người yêu chuộng tình Mẹ, tình người, lời chúc nồng ấm tình yêu thương. Chúc mọi người mọi nơi sự bình an, sức khỏe, may mắn, hạnh phúc.

Đêm thật sâu. Ai cũng đang chờ đợi tiếng gà chào sáng. Trời sang dần. Bình minh sẽ lên chan hòa nắng ấm, xua tan bóng đêm.

Chúng ta đang trông chờ ngày mới.

Giáp Tết Đinh Dậu

Song Lam

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,080,530
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.