Hôm nay,  

Đêm Qua Mưa...

24/06/201400:00:00(Xem: 9373)

Tác giả: Phan
Bài số 4257-14-29657vb3062414

Phan là một nhà báo quen thuộc, trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí xuất bản tại Dallas. Từ nhiều năm qua, ông liên tiếp góp nhiều bài viết về nước Mỹ, luôn cho thấy tấm lòng cùng sức viết mạnh me, và đã nhận giải Vinh Danh Tác Giả Viết Về Nước Mỹ 2013. Bài viết mới của Phan là tự sự buồn của một chàng lưu vong.

* * *

Tháng sáu. Cây lá như cô gái đã trưởng thành, chỉ còn việc đơm hoa kết trái từ nhựa sống dâng tràn. Sự hình thành thế hệ tiếp nối sẽ lấy đi sự sung mãn của cây mẹ; một lớp hậu duệ là hoa, trái, được vắt ra từ tinh hoa của cây mẹ nên cây mẹ già đi, xác xơ khi thu về, và tàn rụng theo mùa đông sẽ đến.

Tháng này mưa nặng hạt ở quê xa, mùa bãi trường đã bắt đầu từ cuối tháng năm nên bờ sông, sân bóng thật nhiều những tên bể tiếng ồm oàm theo nhau đi phá làng phá xóm. Bọn chúng tôi một hôm trên đường đi đá banh từ sáng sớm, đã thấy một bọn thò lò mũi xanh nhếch nhác, có đứa chưa rửa mặt, mắt còn hai cục ghèn tổ cha, chúng lôi thôi lếch thếch theo nhau đi bắt dế khi sương còn trĩu lá cỏ ven đường. Chúng tôi chẳng nói gì với nhau nhưng dường như tất cả bọn tôi đều hiểu là thời tay không đào bới tuổi thơ của bọn mình đã qua. Đó là lúc chúng tôi thường túm năm tụm ba sau một trận đá banh từ sớm cho mát; chúng tôi thường tụm lại dưới một gốc cây to nhà ai đó để tán vóc với nhau mà chờ cơm trưa ở mỗi nhà. Nhưng giờ thì cả đám con trai thường tụ lại sân nhà một cô bạn học có vườn cây ăn trái mát rượi; có tiếng cười trong veo của những cô bạn học khác cũng thường đến chơi, vì nơi đó đã trở thành điểm hẹn tự bao giờ; nơi cứ đến sẽ gặp bạn bè, đứa tạt qua trên đường vô công rỗi nghệ, đứa đi mua gì đó cho mẹ nó cũng ghé qua để tào lao một chập với bạn bè. Và chúng tôi đã hình thành từ mảnh vườn đó nỗi nhớ những nồi khoai mì luộc - càng ngon khi chấm vào lòng bàn tay cô bạn học một chút muối đậu. Ôi, những bàn tay làm cho muối ngọt và đậu-lại trong mơ; những bàn tay ngổ nghịch trước hôm bãi trường, chắc nhờ rửa nước mưa tháng sáu nên ngón dài ra, trắng, mềm... Nhưng lại không phải là những bàn tay cho bọn con trai chúng tôi nắm được trong đời mình. Vì đó chỉ là hoa, là trái vắt ra từ sự trẻ trung của những người mẹ đang già đi thấy rõ với cơm áo trong thời gạo châu củi quế cho con cái lớn khôn. Những bàn tay con trai của chúng tôi cũng đã gân guốc nhưng không để che chở, nắm, dắt những bàn tay yếu mềm kia vì vận nước đã tối tăm. Những bàn tay chúng tôi không được nắm bắt hạnh phúc theo quốc tế nhân quyền mà bị ép cầm súng vì tham vọng bá quyền của chủ nghĩa không tưởng.

Thế là chúng tôi tan đàn xẻ nghé, chúng tôi đi từ đó đến bây giờ vẫn chưa về. Những người bạn xòe tay cho chúng tôi chấm ké tí muối đậu thơm ngọt đã thành những người mẹ đang vắt hết tinh hoa còn lại của đời mình cho con cái họ thành tài bên ngoài lãnh thổ Việt nam.

Tháng sáu vô định trong đời người lưu vong vì quan trọng nhất là lần đầu tiên rời xa quê - đã rời. Cả đời chỉ còn lại quan niệm đất lành chim đậu chứ chẳng có nơi đâu là chốn quê nhà nữa. Nên tháng sáu ở những góc trời riêng mang, nửa vầng trăng treo trên ngọn cây nước Mỹ, nước Úc, nước Pháp... đều mang nỗi nhớ trăng quê, mây tháng sáu ở đâu cũng lười di chuyển vì nặng hơi mưa, mây trầm luân nơi này cùng tôi im tiếng, trăng soi bóng hình biếng nhác cỏ cây vì tâm cảnh đã già. Bỗng thèm một người bạn khi nỗi nhớ thức giấc. Và tôi nhớ một thằng bạn hơn mấy thằng bạn khác; nhớ hơn cả bàn tay chúm muối đậu dành phần cho mình còn chưa đủ mà dành cả phần cho tôi vì tử vi hai đứa thường gây nhau trước mặt bạn bè nhưng lại rất hạp nhau ở chữ nghĩa tập tành thuở đó...

Bỗng nhớ thằng bạn đã ngồi qua đêm trong trại tập trung với tôi khi bị bắt nghĩa vụ quân sự từ một quán cà phê, bị lùa lên xe vận tải như bầy gia súc và chở về lò sát sanh. Sáng ra, khai tên họ để lên đường sang Campuchia. Tôi nhớ đời cái buổi sáng ở sân Hội đồng xã cũ, người xã đội phó đi thu lý lịch tự khai của đám bị bắt đêm qua đã nói với bọn tôi:"Đụ mẹ tụi bay, đưa tiền không đưa. Đưa giấy làm chi! Tao đâu biết đọc. Cho tụi bay đi Campuchia cho chết mẹ tụi bay hết..."


Sáng tháng sáu năm đó sao không khí nghẹt thở dù cơn mưa đêm qua đã gội rửa đất trời. Cái buổi sáng định mệnh ấy cũng như bao buổi sáng thức dậy trong âu lo cơm áo gạo tiền, vấn đề nghĩa vụ quân sự được đưa lên hàng đầu trong lớp trẻ vì bạn bè đi không thấy về, lưa thưa một vài thằng về thì không nguyên vẹn, báo hại gia đình đã khánh tận càng khánh tận hơn. Trong đám mới bị bắt đêm qua, thằng Đeo rỉ tai tôi, "khi xe đưa bọn mình đi, xe chạy ngang khúc đường nghĩa địa thì nhảy và chạy trốn vô trong nghĩa địa là khó bắt lại được vì bọn mình đều là thổ địa của khu nghĩa địa." Nó đề nghị nhảy càng nhiều càng tốt cho mấy khẩu AK không biết bắn vô ai! Nhưng khi điều đó xảy ra, khi nhảy thì chỉ vài thằng. Mới biết, dù hoàn cảnh nào thì người ta cũng sợ chết.

Nhưng tôi với thằng Đeo, (bây giờ bên Úc) đều nhớ thằng bạn không nhát gan nhưng nó thật là không muốn liên lụy gia đình. Nó chỉ sợ trốn chạy với bọn tôi thì gia đình nó bị tịch thu Tờ Hộ khẩu. Anh chị nó không đi làm được, má nó cũng khỏi đi xếp hàng mua nhu yếu phẩm hay vài ký gạo cho gia đình vì không có Tờ Hộ khẩu. Cái tư tưởng không giúp đỡ được gì cho gia đình thì đừng báo hại người thân của nó thật cao quý, nhưng quá đắt. Vì chỉ năm sau, nó đã về nhà trong sáu miếng ván bằng gỗ tạp ọp ẹp, tôi đoán là gỗ cây cao su.

Trong đau khổ tận cùng, nhạt nhoà nước mắt của má nó, bà như cây lá tháng sáu bỗng không có mùa thu mà sang đông thẳng thuột để tàn rụi, khi bà khom xuống châm thêm chút dầu lạc cho dĩa đèn dưới quan tài cho đứa con yêu của bà được ấm áp chút nữa; chút nữa thôi, trời sáng, nó sẽ rời nhà lần cuối cùng. Hình ảnh người mẹ leo loét với ánh sáng hắt hiu từ dĩa đèn dầu lạc dưới quan tài đứa con trai đã ám ảnh tôi suốt đời. Bà không có ai an ủi được niềm đau trong lòng nên tự bà an ủi mình là bà có thằng con ngoan, nó chết đã gần tháng nay, thế mà chẳng hôi thối gì thân xác...

Có lẽ mùi nhang mịt mù đã át mùi cá ươn chứ không phải xác người thối rữa. Những thằng bạn chó chết của nó ngồi thâu đêm bên chai rượu đế với những ý nghĩ riêng tư nhưng tựu chung cùng một điểm là thân xác nó đã vùi sâu hay mục ruỗng bên rừng rậm Cao Miên. Chúng tôi cậy quan tài nó ra để đời đời nhớ kỹ là chỉ có đất đá bên trong và nhúm ruột cá thối.

Thôi. Dù gì má nó cũng về trời vài năm sau đó trong niềm tin bà có con ngoan - chết gần tháng trời mới đưa được xác về nhà mà không hôi thối.

Từ đó về sau ngồi nhìn mưa tháng sáu, nhất là mưa đêm, chuyện đám tang một thằng bạn ngập ngụa trong mưa tháng sáu ở quê nhà cứ hiện về trong tâm trí tôi như mới hôm qua. Biết là một ngày nào đó, tôi cũng thành nắm tro bụi bơ vơ, lạc loài nơi tha phương như xác thân nó trong rừng Miên u ám. Thế hệ chúng tôi được sinh ra để chết xa quê, chết như một thế hệ vô thừa nhận là vinh quang của chủ nghĩa con bò.

Có nhiều khi tôi tự hỏi nơi cõi âm, cuộc sống có bắt bí nhau như cõi đời ô trọc này? Ngày xưa, khi nhảy khỏi cái xe vận tải, chạy vô nghĩa địa với thằng Đeo, tôi thấy mình may mắn hơn thằng bạn chết mất xác. Khi bạn bè chúng tôi lừa má nó đi ngủ- "để tụi con thức với nó... đêm cuối cùng. Bác đi nằm chút đi, ngày mai, còn đưa nó ra đồng..." Tôi thấy mình may mắn hơn nó -trở về bằng một sự lừa gạt vô nhân đạo nhất trong thế kỷ 20. Nhưng giờ đây, từ một góc trời vô định của đời người lưu vong. Tôi đã biết mình không có sự trở về, dù chỉ là một sự trở về giả dối.

Tôi còn nhớ hôm đi ăn cưới cô bạn gái của nó, nhưng rồi cũng đi lấy chồng sau đó vì nó đã xanh mồ (giả). Cảm nghĩ mình may mắn hơn nó lúc đó cũng đã nhạt phai. Sự may mắn hơn người bạn chết bất minh nơi rừng hoang nước lạ... theo ngày tháng hoá thành câu hỏi: Sự may mắn còn sống có gì vui với những cơn mưa tháng sáu vò võ xa quê ở tuổi nhớ nhiều về kỷ niệm.

Phan

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,324,548
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.