Tác giả: Nguyễn thị Hữu Duyên
Bài số 4056-14-29456vb7110913Tác giả sinh năm 1957, cư dân Santa Ana, công việc: làm nail. Tham gia viết về
nước Mỹ từ 2011, với bút hiệu Hữu Duyên Nguyễn và bài "Cám Ơn Bố", bà
đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2012. Sau đây là bài viết mới nhất của
bà.Sinh hoạt tại lớp học “đờn ca tài tử; Và tác giả trình diễn vọng cổ.
* * *
Đọc bài “Con sáo sang sông trên đất Mỹ” cuả cô Khôi An và bài “Chuyện ông Mỹ
hát nhạc Việt” của tác giả Sáu Steve Brown tôi được thôi thúc viết bài này.
Để xem, tôi phải bắt đầu từ đâu nhỉ? Có lẽ từ hai chữ “vọng cổ.”
Nói đến nhạc dân tộc Việt nam mà không nói về Vọng cổ là một thiếu sót lớn. Không
có dân tộc nào có các lọai đàn như dàn đàn trong dòng nhạc vọng cổ của dân tộc
Việt nam, miền nam. Cũng không có dân tộc nào có dòng nhạc cổ truyền đa dạng
như dân tộc Việt Nam.
Từ nhỏ tôi rất ghét vọng cổ, đến khi tập tểnh làm thơ thời trung học thì tôi
hơi thích thích. Bạn hỏi tại sao ư? Thích làm thơ, có dính líu gì đến vọng cổ? Thưa
có, bởi vì tôi thích thơ Hàn Mạc Tử mà chiều chiều bài vọng cổ: “Tâm sự Mộng Cầm”
chú Ba hàng xóm cứ ca hoài.
Còn nhớ, một đêm giữa tháng Tư, trăng lên sớm, lồ lộ giữa trời. Đu đưa chiếc
võng ngoài sân, ca nghêu ngao phần tân nhạc, chuẩn bị vô vọng cổ chú Ba chợt
ngưng ngang. Rướn người, nhìn qua hàng rào thấy em trai tôi học bài bên cửa sổ,
chú gọi ơi ới:
“Tí, qua đây chú Ba hỏi cái này.” - Tí xếp tập, chạy qua đứng bên cạnh võng.
“Dạ chú muốn hỏi gì con?”
“Con có thấy trăng không?” - Vừa hỏi, chú vừa chỉ vầng trăng đang lơ lửng trên
đọt dừa.
“Dạ có.”- Tí nhìn trăng.
“Giỏi, vậy con biết trăng của ai không?”- Nhìn chăm Tí, Chú cười hì hì.
“Dạ, trăng của ông Trời.” - Tí đáp nhanh không cần suy nghĩ.
“Xạo mầy, ai nói trăng của ông Trời?” - Chú trợn mắt.
“Thì, …thì.” - Tí ấp úng chưa biết trả lời sao, Tí thường nghe mọi người nói
ông Trời tạo nên mọi thứ, sao chú ba lại bảo nó xạo?
Thấy Tí ngẩn ngơ chú cười ha hả:
“Trăng của Hàn Mạc Tử, biết chưa con? Tao hỏi mầy, nếu không phải trăng của ổng
sao ổng rao bán hoài vậy, nè mầy nghe ổng rao nè.”
Tí còn đang ngẩn ngơ thì chú đã dạo đàn và cất giọng ngâm nga: “Ai mua trăng
tôi bán trăng cho, trăng nằm yên trên cành liễu đợi chờ. Ai mua trăng tôi bán
trăng cho, chẳng bán tình duyên ước hẹn hò…chú lấy hơi vô vọng cổ: Ai mua trăng
mà người đem đi bán, vậy chớ người định bán bao nhiêu một ánh…á…a… trăng…ơ …
vàng…”
Chú ôm cây lục huyền cầm vừa đàn vừa ca say sưa.
Tôi ngồi bên nhà nghe thấm vào lòng từng chữ từng câu. Thấm ở chỗ vọng cổ diễn
tả tình ý thật thâm thuý; sâu sắc; Ví dụ: “Tôi muốn hỏi người để mua đứt một vầng
trăng. Nhưng chỉ sợ rằng trần gian u tối….ớ…ờ.. ơ….”. (dứt câu một) giọng chú ơ
nghe hay lắm.
Thỉnh thỏang chú Ba tổ chức đàn ca tại nhà, các bạn chú đến mang theo mấy loại
đàn khác nhau. Họ họp thành một ban nhạc, chơi cả đêm. Tôi chỉ biết tên gọi cây
ghi ta phím lõm của chú là “lục huyền cầm” và cây đàn tranh còn mấy cây kia tôi
mù tịt, nhưng không có dịp hỏi chú. Ấy, tôi bắt đầu thích nghe vọng cổ từ đó. Thỉnh
thoảng tôi có xem những tuồng cải lương của các đoàn lớn phát trên tivi vào dịp
cuối tuần.
Năm 1975, sau ngày mất nước, gia đình tôi không còn ở đó mà về nhà ngoại ở nên
không nghe chú ba ca vọng cổ nữa (Cũng không biết chú còn rảnh rỗi để ca hát nữa
hay không?) Tivi và Radio lúc bấy giờ rất ít phát những bài vọng cổ và cải
lương. Chỉ có những bài ca chống Mỹ, ca tụng chế độ Cộng sản, ca tụng những cô
Du kích, những anh bộ đội v…v… Ba tôi cấm không cho nghe.
Khoảng năm 1983-1990 nền cổ nhạc hồi sinh ở miền Nam Việt nam. Nhưng thời gian
này bận rộn với gia đình nên tôi không để ý gì đến vọng cổ, cải lương nữa.
Năm 2001 tôi sang Mỹ đoàn tụ với chồng, ở một tỉnh miền đông, tại một thành phố
bé nhỏ không có người Việt nam.. Tất bật với bao nhiêu việc: học hành, đi làm,
lo cho gia đình, hầu như máu thơ và nhạc trong tôi đã đong lạnh theo từng đống
tuyết trắng trước sân. Muốn mọi người chú tâm vào tiếng Mỹ cho mau hội nhập chồng
tôi không cho vợ con xem phim Viêt nam, nghe nhạc Việt nam. Chỗ tôi ở không có
radio hay tivi đài Việt nam, nên muốn xem hoặc nghe cũng không có, chỉ có trên
internet. Những thứ thuộc nhu cầu không cần thiết thì quên đi, chồng tôi nhắc
nhở. Thế là một thời gian dài tôi không có dịp nghe vọng cổ hay cải lương gì cả.
Cuối năm 2010 gia đình tôi chuyển về miền Nam Cali, sống gần Litte Saigon. Cả
nước Việt Nam như thu nhỏ ở đây. Đặc sản ba miền muốn gì cũng có. Lần đầu tiên
được nắm tay chồng dung giăng dung giẻ dự Hội chợ Xuân ở Mỹ khiến nỗi nhớ quê
nhà quay quắt trong tôi.
Dịp này tôi gặp lại cô bạn học cũ, Trúc.
Trúc là danh ca số một của trường tôi. Chúng tôi cùng trong ban văn nghệ, tôi
chuyên về kịch, Trúc hát solo. Gia đình Trúc đi Mỹ trước tôi khoảng ba năm,
chúng tôi mất liên lạc từ đó. Hôm ấy, trong chương trình văn nghệ ngoài trời ở
sân Phước Lộc Thọ, Trúc xuất hiện trên sân khấu với bộ bà ba, trong trích đoạn
cải lương Hàn Mạc Tử. Trúc thủ vai Mai Đình đến đón Hàn Mạc Tử xuất viện về quê
sau khi nhận được giấy báo bệnh “cùi”.
Trúc nhập vai xuất sắc với những cảm xúc dường như thật, giọng ngọt ngào hòa với
tiếng đàn mùi mẩn, não nuột của làn điệu vọng cổ khiến cánh khán giả nữ ai cũng
sụt sùi.
Chúng tôi cùng đi ăn khuya. An toạ, tôi nhìn chăm Trúc thắc mắc:
“Trời ơi, Trúc biết hát vọng cổ nữa, hát từ hồi nào, trả lời mau.”
“Từ từ, gì gấp vậy, nói chuyện gia đình bạn trước đi.”- Trúc ân cần.
Người hỏi kẻ đáp hết chuyện này đến chuyện nọ. Chuyện con cái, chuyện gia đình
rồi đến chuyện cộng đồng. Qua Trúc, chúng tôi được biết nhiều hơn về sinh hoạt
cộng đồng ở Cali nói chung và lãnh vực văn nghệ nói riêng.
Trúc thường hát cho chương trình ca nhạc của Phước Lộc Thọ vào mỗi chiều cuối
tuần.
“Hát cho vui, cho đỡ ‘sì trét’ chứ có tiền bạc gì đâu. Chồng chết, mấy đứa con
thì lớn hết rồi, cũng phải tìm một cái gì cho riêng mình chứ.”
Búng tay “tách” một cái, Trúc cười, đó là thói quen mỗi khi muốn diễn tả một điều
gì hào hứng. Trúc vẫn như xưa!
Giọng Trúc đều đều vừa ăn vừa nói. Cách đây tám tháng, Trúc quen một nhóm “đờn
ca tài tử” trong dịp người bạn “ tái giá.” Chương trình văn nghệ có cả tân lẫn
cổ nhạc. Trúc hát tân nhạc, bài “Đám cưới trên đường quê hương” rộn ràng, vui
tươi. Phần cổ nhạc thuộc nhóm đờn ca tài tử Garden Grove phụ trách. Họ làm
quen, rủ Trúc đến chơi vài lần, ngõ ý mời Trúc vào nhóm. Ban đầu Trúc định thử
cho vui, sau đó Trúc thích và mê luôn.
“Mình chưa ca trúng nhịp lắm đâu, nhưng thiếu người thì ca đại vậy mà. Cần phải
học thêm nhiều lắm. Vả lại…ca vọng cổ cho đỡ nhớ quê nhà.” Trúc hạ giọng.
Thời điểm ấy, Cali đang có phong trào “về nguồn”. Tức là rủ nhau học ca vọng cổ,
họ có từng nhóm chơi với nhau, tên của nhóm thường được lấy theo điạ phương họ ở.
Trúc quen biết năm nhóm như vậy, họ thay nhau tổ chức ở nhà riêng và cùng đàn
ca có khi đến suốt đêm vào những dịp lễ hoặc cuối tuần.
Một nhóm đờn ca tài tử.
Danh xưng “đờn ca tài tử” từ Việt nam sang đến Mỹ. Đám cưới, sinh nhật hay đám
giổ, con cái tốt nghiệp hoặc gia đình ở Việt Nam mới qua v…v…họ đều có cớ để tụ
tập lại ăn uống đàn ca.
“Vậy sao?” - Tôi tròn mắt.
“À há.” – Trúc hé nụ cười nhẹ.
Sau lần chia tay ấy, chúng tôi gặp lại nhau hàng tuần trong những nhóm vọng cổ.
Vui chi lạ. Họ ca với nhau những bài tân cổ giao duyên hoặc những bài vọng cổ
như: “Căn nhà màu tím,” “Áo em chưa mặc một lần,” “Con gái của mẹ”, “Tâm sự Mộng
Cầm”…, những trích đoạn cải lương như: “Đời cô Lựu”; “Máu nhuộm sân Chùa”; “Kiếp
nào có yêu nhau” “Ông Cò quận chín”… Đúng là “nghe câu vọng cổ nhớ quê nhà”. Hình
ảnh chú Ba ôm đàn ca hát ngày nào sống lại trong tôi.
Bây giờ có thời gian nghe kỹ từng câu từng chữ, từng điệu lý, điệu hò tôi mới
thấy rõ “âm điệu quê hương” ẩn hiện trong đó.
Tôi muốn ca vọng cổ. Chuyện khó tin nhưng có thật!
Thầy đàn của nhóm Trúc, khoảng bảy mươi tuổi. Thầy dạy không lấy tiền vì mục
đích của Thầy là muốn bảo tồn nền cổ nhạc, cải lương nơi hải ngoại.
Buổi đầu tiên đến gặp, Thầy bảo tôi ca thử một câu, nếu nghe được Thầy sẽ dạy. Trời
đất, tôi nhìn Trúc rồi nhìn Thầy.
“Dạ,… em đâu biết ca… câu nào đâu Thầy, em…em chưa từng ca vọng cổ bao giờ.” -
Tôi ấp úng.
“Nhưng hổm rày đi chơi với Trúc và nghe anh em ca, câu nào cô thích nhất, ca lại
cho tôi nghe.” - Thầy khoanh tay, nhắm mắt chờ nghe.
Một phút trôi qua, Trúc khều tôi nháy mắt ý nói “ca đại đi.” Đưa tay gãi đầu cố
moi óc xem câu nào mình thích, nhiều câu thích quá mà tôi không nhớ nổ câu nào.
Hai phút, Thầy vẫn nhắm mắt, đằng hắng lấy giọng tôi cố gắng vô câu vọng cổ: “Ai
mua trăng mà người đem đi bán, vậy chớ ông định bán bao nhiêu một ánh….á….á…
Trăng…a...vàng……” (hết hơi)
Tôi le lưỡi, lắc nhẹ đầu nhìn Trúc, nhìn Thầy; hai người vỗ tay “bốp, bốp, bốp…”
Thầy khen tôi hát rõ chữ, giọng miền nam mộc mạc và ngọt, học được.
Tôi bắt đầu học ca vọng cổ. Chuyện khó tin nhưng có thật!
Thầy thử giọng tôi với dây đàn và cho biết dây của tôi hát giống dây của nghệ sỹ
Mỹ Châu. Trúc vỗ tay:
“Vậy là nhóm mình có Lệ Thuỷ (Trúc) rồi bây giờ có Mỹ Châu nữa, anh Sáu là Minh
Cảnh, anh Hùng là Thanh Sang, Thầy lập đoàn được rồi. Hi hi hi.”
Có vào hang mới biết hang rộng, hẹp. Vào học, mới biết nghệ thuật vọng cổ nông,
sâu thế nào, một thời gian ngắn khó có thể hiểu thấu được. Không chỉ đặc biệt về
dàn đàn như: đàn lục huyền cầm, đàn kìm, đàn độc huyền cầm, đàn tranh, đàn sến,
v…v….(*) Mà còn kết hợp với những điệu lý, điệu hò như: Lý cái mơn; lý con sáo;
lý cây bông; lý mù u, lý trăng soi, lý chiều chiều, lý giao duyên … Hò và nói lối
cũng không thể thiếu trong những phần đầu trước khi vào câu vọng cổ nếu không
có những bài bản lớn hay bài bản nhỏ, như: khóc hoàng thiên, tử quy từ, cao
phi, vọng Kim Lang; Xang xừ líu; Văn Thiên Tường; Đoãn khúc lam giang; Phụng
hoàng, nam ai, nam xuân…Ngoài ra còn có những “bản vắn” gì gì nưã, tôi chưa biết
hết. (**)
Vọng cổ gồm sáu câu, kết cấu mỗi câu tám khung, mỗi khung có hai dòng, gồm bốn
nhịp…
Mỗi câu có quy luật dứt bằng những chữ: Xang, xừ, xê, cống, liêu… tuỳ theo câu.
(**) Ví dụ câu một: phải dứt bằng chữ “cống”(dấu sắc hoặc ngã hay hỏi)
Lúc trước nghe những bài vọng cổ, hoặc những tuồng cải lương, tôi không hiểu
sao nghệ sỹ nhớ nổi. Khi học mới biết, để thuộc được một điệu nào đó học tới học
lui nhịp, câu có mấy nhịp, nhịp rơi vào chữ nào,v...v…tự nhiên thuộc lời khi
nào không biết.
Tôi học với Thầy khoảng bốn tháng, mỗi tháng bốn tuần, mỗi tuần một tiếng rưỡi.
Sau đó cả hai Thầy trò đều bận nên tôi ngưng và tự học trên internet (**). Tôi
không những học ca mà còn vô Google học cách viết vọng cổ nữa. Lại chuyện khó
tin nhưng có thật!
Ca vọng cổ do mình sáng tác
Tết năm đó tôi viết một bài vọng cổ nói lên nỗi lòng thương nhớ gia đình. Sáng
mồng một tết Việt nam, theo thông lệ các anh chị em và các cháu tề tựu về nhà mẹ
tôi chúc tết. Tôi nói chuyện với gia đình qua webcam. Tôi ngõ ý muốn ca tặng
gia đình một bài vọng cổ. Cả nhà cười rần.
“Cái gì, Chị ca vọng cổ?” - Cậu em ngạc nhiên.
“Ừ.” – Tôi tỉnh queo.
“Chị học ca hồi nào vậy?” - Em gái tròn mắt.
“Học mấy tháng rồi, hỏi chi vậy.” -Tôi cười hì hì.
“Ai đàn cho chị ca.” - Cậu em thắc mắc.
“Sound track.”- Tôi giơ CD lên cho mọi người xem.
Cả gia đình ồn ào về chuyện tôi ca vọng cổ. Mẹ ngồi ghế giữa, mọi người bu
quanh. Tôi nói mấy lời chúc tết mẹ và gia đình, sau đó mở sound track bắt đầu
ca. Giọng tôi nghèn nghẹn khi dứt câu sáu (là hai dòng cuối cùng của bài vọng cổ):
“Cầu xin Thượng đế thương tình. Cho mẹ sống mãi để gia đình mừng vui.” (hụt hơi
vì sắp khóc)
Mẹ chùi nước mắt, các chị em gái đều sụt sịt, một lúc sau mọi người sực tỉnh vỗ
tay vang nhà.
“Ai mà tưởng tượng được người Mỹ (là tôi) cũng ca vọng cổ. Rồi nhạc Mỹ ai hát
đây ta? Ha ha ha…” - Anh Hai cười ha hả.
Ấy, tôi đã ca được vọng cổ do mình sáng tác rồi. Chuyện khó tin nhưng có thật!
Bây giờ, mỗi tối Chúa nhật chúng tôi đều họp lại hát ca với nhau, người đi trước
dạy kẻ đi sau nên trong nhóm lúc nào cũng có người mới đến tham gia. Không chỉ
riêng người lớn tuổi, mà có cả mấy em trai, gái lớn lên ở Mỹ cũng học ca vọng cổ.
Em Phúc, hai mươi sáu tuổi, chở mẹ đi học ca, nghe riết rồi cũng mê nên xin học
theo. Nay em ca rất hay. Thầy nói giọng em Phúc là giọng kép mùi. Chuyện khó
tin nhưng có thật!
Tuần trước tôi đi dự sinh nhật nhà người bạn ở thành phố Highland vùng San
Bernadino… Anh chị này hát vọng cổ không thua gì Minh Vương, Lệ Thuỷ. Trước
ngày miền nam bị Cộng sản xâm chiếm, cha anh là thầy dạy cho các nghệ sĩ cải
lương đoàn Hương Miền Tây, gia đình anh ai cũng biết hát, cưới chị về, chị lén
nghe ba dạy học trò rồi hát theo. Trong phong trào “Về nguồn”họ thành lập nhóm
đờn ca tài tử của thành phố đó. Hai vợ chồng diễn xuất sắt trích đoạn Huyền
Trân Công Chúa ở hội chợ xuân năm ngoái.
Liên, con gái anh chị, vừa tròn hai mươi tuổi nên sinh nhật tổ chức linh đình,
riêng bạn bè cháu khoảng bốn mươi em chiếm hết sân sau. Anh chị mời sáu nhóm đờn
ca tài tử các nơi đến chơi ở sân trước. Có nhóm về từ Sandiego, có nhóm ở L.A,
nhóm ở Bolsa, nhóm ở Irvine… Chương trình văn nghệ hội tụ đủ các giọng ca hay,
và các tay đàn giỏi với đủ loại đàn.
Cháu Liên sinh ở Việt Nam, qua Mỹ năm lên ba, tiếng Việt nói không rành.
Thật hết sức bất ngờ vì người mở đầu chương trình văn nghệ mừng sinh nhật cháu,
chính là cháu.
Mà lại ca cổ nhạc mới hết hồn.
Cháu Liên mặc đầm đỏ.
Cháu ca liên khúc các bài bản và các điệu lý khi réo rắt, lúc thâm trầm, điệu:
Khóc hoàng thiên, vọng kim lang, lý trăng soi, trăng thu dạ khúc, lý cây bông. Nội
dung ca ngợi tình mẫu tử để tỏ lòng biết ơn cha mẹ đã sinh ra và cực khổ nuôi nấng,
dạy dỗ cháu nên người. Nghe cháu ca, tưởng là “Mỹ hát tiếng Việt”. Cháu nghiêng
đầu và nghiêng cả người, nghiêng qua, nghiêng lại, diễn tả điệu lý cây bông:
“Hoa lan, hoa cúc rồi lại hồng nhung ơi người ơi, muôn hoa trên đời gom lại ơi
người ơi. Rằng a í a sao bằng hoa tình thương mẹ với con. Rằng a í a sao bằng tấm
lòng quảng đại của cha…” Giọng cháu ngân nga, tiếng cháu lờ lợ, khoẻ, ngọt
ngào, cử chỉ ngây thơ hiền thục, ánh mắt yêu thương nhìn cha mẹ làm sao mà
không xúc động lòng người? Làm sao mà không rơi lệ chứ?
Mọi người vỗ tay rầm rầm, nhất là các bạn cháu tuy không hiểu tiếng Việt nhưng
nghe điệu nhạc lạ tai nên la hét, cổ vũ um sùm.
Được biết, cháu nhờ thầy đàn vọng cổ soạn bài ca và dạy cháu ròng rã hai tháng
cháu mới ca được ngày hôm ấy. Chuyện khó tin nhưng có thật !
Từ năm 2005 trở lại đây phong trào đờn ca tài tử ở hải ngoại phát triển. Năm
2006 Hội Cổ Nhạc Miền Nam Việt Nam tại Nam Cali tổ chức cuộc thi giải Phụng
Hoàng để tuyển lựa tài năng mới, vì thế tinh thần học ca của các nhóm đờn ca
tài tử sôi động thêm nhiều. Các thầy đàn được biết đến trong các nhóm đờn ca
tài tử như: Văn Hoàng, Văn Cường, Ba Châu, Hoài Nam, Hoàng Phúc, Huy Thanh, Bá
Nguyên, Lê Khiêm, Năm Thuận, Văn Tùng, Văn Điền… Các chương trình cải lương, vọng
cổ trên đài tivi Việt nam, miền nam Cali cũng phát sóng nhiều hơn và phát đi
nhiều tiểu bang. Hiện tại chương trình: “Cổ nhạc Phương Nam” của nghệ sĩ Tuấn
Châu hợp tác với nghệ sĩ lão thành Văn Chung và nữ nghệ sĩ kỳ cựu Ngọc Đáng
phát trên đài VHN-TV băng tầng 2073 thường có mời những giọng ca hay của các nhóm
đờn ca tài tử đến ca. Họ được rất nhiều khán giả ở trong và ngoài tiểu bang hâm
mộ, gửi thư về khen tặng và khích lệ.(***) Năm 2008 đoàn “Nghệ Thuật Sân Khấu
Văn Lang” được thành lập gồm các nghệ sỹ tài danh và các nghệ sỹ trẻ cùng đứng
chung trên sân khấu. Ngoài ra thỉnh thoảng các nghệ sĩ kỳ cựu Bạch Tuyết, Lệ
Thuỷ, Minh Vương hay nghệ sĩ mới sau này như Kim tiểu Long, Lý nhân Hậu … ở Việt
nam qua thì các bầu sô liền tổ chức các chương trình “Ca nhạc cải lương” bán vé
cho đồng bào Việt nam trong vùng. Thường họ tổ chức tại các nhà hàng nên vé bán
có phục vụ ăn uống. Nghe nói có nhiều người bao trọn từng bàn rồi mời cha mẹ,
cô dì, bạn bè đến xem cho thoả thích.
Điều này chứng tỏ, dòng cổ nhạc và cải lương Việt nam hải ngoại nói chung, ở miến
Nam Cali nói riêng đang được sinh sôi nảy nở sau hơn ba mươi năm tưởng như tuyệt
tự.
Chuyện khó tin nhưng có thật!
Theo sưu tầm, danh từ “Cải lương” xuất hiện lần đầu vào năm 1920 tại bản hiệu
gánh hát Tần Thịnh trên câu liên đối:
"Cải cách hát ca theo tiến bộ
Lương truyền tuồng tích sánh văn minh"(**)
Đã một thế kỷ qua mà tuồng tích và giọng ca của các danh nghệ sĩ cựu vẫn còn được
mọi người nhớ đến. Ngày nay các nhóm đờn ca tài tử hải ngoại họ cũng hát lại
các tuồng tích đó. Có một số anh chị em bắt chước giọng ca và cách ca của nghệ
sĩ mình yêu thích.
Tại hải ngoại có một số sáng tác mới về vọng cổ nhưng hầu như chưa thấy có tuồng
cải lương mới nào đáng nói.
Riêng tôi, không thể bắt chước giọng hay cách ca của các ca sỹ lão thành. Làm
sao tôi hát được giống những nghệ sĩ nỗi tiếng khi tôi là kẻ hậu sinh, mới tập
tành ca hát. Mất bao nhiêu lâu giọng ca các nghệ sĩ ấy mới đi được vào lòng
khán giả, còn tôi, ca được vọng cổ đã là chuyện khó tin rồi…
Chỉ ước ao góp một viên gạch trong việc xây dựng, giữ gìn, phát triển nền cổ nhạc,
cải lương hải ngoại với giọng ca non yếu của mình như con chim én nhỏ góp phần
báo hiệu vào xuân.
Đúng là chuyện khó tin nhưng có thật một trăm phần trăm.
Santa Ana, Tháng10/2013
Nguyễn Thị Hữu Duyên
Ghi chú:
(*) Ngày nay có cây ghita phím lõm cách biệt (cải cách đặc biệt) gồm hai cây
ghép lại thành một. Tôi chỉ mới thấy Hoàng Phúc đàn loại này chứ chưa thấy ai. (Muốn
xem cây đàn này xin vào Google search “Hoàng Phúc đàn Giang Tô Điểu Ngữ qua vọng
cổ 5&6 dây Ngân Giang Kép.)
(**)Lý thuyết về các bài bản trong vọng cổ Việt Nam (by Giang Tuyền) theo
www.Conhacvietnam.comhay
www.cailuong.com(***) Các bạn có thể vô youtube tìm “Chương trình cổ nhạc Phương Nam” Kỳ
24-1,2,3,4 hoặc kỳ 20 -1,2 để thưởng thức giọng ca của một vài ca sỹ tài tử ở
Bolsa.