Hôm nay,  

Hai Lúa Đi “Mega Bus”

02/07/201300:00:00(Xem: 272506)
viet-ve-nuoc-my_190x135Tác giả sinh năm1949, định cư tại Mỹ theo diện HO năm 1991, hiện là cư dân Westminster, California. Nghề nghiệp trước 75: dạy học. Công việc làm ở Mỹ: du lịch. Hiện đã hưu trí. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của tác giả góp cho giải thởng năm 2013 là “Kock and Me / Vi trùng lao và Tôi.” Mong tác giả sẽ tiếp tục viết.

Vừa đi chơi Canada thăm em về, chưa kịp hồi phục dung nhan và sức khỏe, ông Hai rủ bà Hai đi thăm con gái.

- Bà ơi, tui nhớ mấy đứa cháu ngoại quá, tui với bà đi qua xứ cao bồi chơi.

- Đi thì đi, tui chỉ sợ cái con “gao” nó hành ông, ông ngồi đó mà ôm cái chân gà. Lần nào đi chơi, ông cũng ôm giò ôm cẳng. Chán ông quá!

-Y ́ bà chê chân tui khẳng khiu giống cái chân gà? Tui nói cho bà biết, bà càng “vỗ béo” tui bao nhiêu thì con “gao”nó càng hành tui bấy nhiêu. Thịt bò tui không dám ăn, bà ép tui ăn sợ tui thiếu máu. Ăn đậu hủ và chất đậu nhiều thì dư prô-tê-in, thừa a-xít u-ric, thận tui nó cũng già như tui, nó đâu còn sức để lọc, bà cứ chè… đa đậu bà cho ăn mỗi ngày. Tui không ăn, bà buồn. Tui ăn thì cái miệng làm hại cái thân. Bà hảo ngọt thì bà cứ ăn, đừng ép tui. May mà tui và bà không ai bị tiểu đường.

- Ông nói đã chưa? Tui thấy ông ròm quá, tui muốn ông có “hảo tướng quang minh” nên bày ra cho ông xơi, ông hưởng chút của ngon vât lạ mà ông cứ “Em chả!”, “Em chả!”. Thế là thế nào?

- Là…Là… bà cứ để con số 108 của tôi nó nằm yên tại chỗ. Tui năm nay 73 tuổi vậy mà thằng Cang cháu bà nó nói tui …gần 80. Nói vậy, tui lỗ 7 tuổi đó bà. 73 tuổi mà tui không bị ba cao, một thấp, không cao máu, cao mỡ, cao đường, không bị thấp khớp, chỉ có con “gao”, khi nào tui …thương bà, ăn …theo bà, tui ngồi ôm chân, lúc đó tui giận bà, í quên, tui giận tui dễ sợ. Bác sĩ gia đình còn khen tui “ốm” mà không “yếu”. Hổng tin, bà muốn…thử hông? Hì! Hì!.

Thôi đủ rồi nha. Chuyện “thử”, ông cho tôi hai chữ bình an nha ông. Tui già rồi! Ông nói vậy từ nay tui không “kềm kẹp” ông chuyện ăn uống nữa. Ông Quang bạn ông có con “gao” giống ông, tưởng mình còn trẻ, ôm con “gao” mà tưởng là con “gái”, nhè mấy em chân dài ở Việt nam nên “hui nhị tì”sớm.

- Thì chữ “gao” liền với chữ “gái” xem ra một vần.

- Vậy mà nhóm bạn CVA của ông nói ổng lẫn. Lẫn gì mà khôn vậy trời! Vợ già thì chê đi mê gái nhí.

- Thôi bỏ chuyện gái gẩm đi, nếu tính đi, tui book vé máy bay liền nè.

Nghe tin bố mẹ lên kế hoạch đi thăm cháu ngoại, cậu con trai tặng cho hai cái vé máy bay. Hai năm rồi vợ chồng Hai Lúa mới trở lại Texas. Con gái ở Dallas, em gái ở Houston, ông bà lại muốn qua Oklahoma thăm bà Thím. Chuyến đi chơi rơi vào ngày thường nên các em, các con ai cũng bận không chở đi xuyên bang được. Cô em từ Houston gọi qua tới tấp:

- Book nhanh lên. Nhanh lên. Anh chị hên quá! Có ông… Obama lo cho anh chị rồi!

- Sao? Anh chị đi bằng cách nào từ Dallas qua Houston rồi từ Houston qua Oklahoma?

- Em book cho anh chị đi bằng xe buýt Mỹ. Tiện lắm. Đang sale. Giá rẻ không ngờ!

- Anh chị chưa đi xe buýt bao giờ. Đường đất xứ Mỹ này nó mênh mông lắm. Tiếng Anh như gió tiếng có tiếng không. Anh chị sợ lạc lắm em ơi!

- Anh chị không phải lo. Chỉ ngồi trên xe, đến trạm, chúng em ra đón.

- Thế giá vé bao nhiêu?

- Mùa sale, giá thấp nhất chỉ có… một đồng.

- Một đồng? Thiệt hả? Sao hên quá vậy? Thế giá bình thường là bao nhiêu?

- Rẻ thôi. Khoảng từ 30 đến 40 đồng đi và về. Em book ngay nhé kẻo hết.

Một đồng? Đâu mà có cái giá sale đến tận cùng …trái đất này vậy trời! Hổng lẽ họ cho mình đi không tốn tiền? Xứ Mỹ này có những chuyện không thể tin được thế mà vẫn xảy ra như đi “Mega bus” chỉ có một đồng.

“Mega bus” là tên một công ty chuyên chở tư nhân chạy khắp các tuyến đường từ thành phố này đến thành phố kia trong các tiểu bang ở nước Mỹ. Năm 2006, công ty này có khoảng 25 triệu hành khách. Trước đây, Mega bus là một công ty điều hành giống như cái bánh xe, giữa là cái trục trung tâm, chung quanh là các căm xe tỏa ra. Cái trục là tuyến đường chính, các căm xe là các tuyến đường phụ. Năm 2006, công ty Mega bus có trục chính miền Đông Bắc nước Mỹ là Chicago, các tuyến đường phụ là Cleveland Cincinati, Columbus, Detroit,…. Năm 2007, Mega bus thành lập các tuyến đường San Francisco là trục chính, các tuyến đường phụ là Los Angeles, San Diego… Năm 2008, Mega bus nới rộng vùng Đông Bắc, New York là trục chính, các tuyến đường phụ là Albany, Baltimore,Boston, Philadel-phia, Toronto, Washington DC... Năm 2012, Mega bus có thêm Dallas là trục chính, các tuyến đường phụ là Dallas Ft, Houston, Austin, San Antonio, Oklahoma…

Lúc đầu, Mega bus là một công ty nhỏ, sáp nhập với công ty lớn hơn là Eastern Shuttle. Hai công ty này chủ nhân của nó là công ty mẹ Coach USA. Sau đó, Mega bus mua Coach USA, bành trướng thêm về phía Bắc Mỹ như Toronto, Montreal. Mega bus có hệ thống xe bus toàn mới, màu xanh, hai tầng. Các trạm ngừng của xe bus là các trung tâm thương mại hoặc các bãi đậu xe công cộng. Giá vé rất rẻ so với các phương tiện chuyên chở khác. Mega bus luôn luôn chạy đúng giờ …v…v.

Ông bà Hai đang ở nhà con gái. Lâu lâu bố mẹ sang chơi, con gái có dịp trả hiếu và trổ tài nấu nướng, sáng cơm gà, chiều cá gỏi, hôm thì hủ tiếu Mỹ tho, hôm thì mì Quảng, thức ăn ê hề chè, cháo, bánh trái của ngon vật lạ, vợ chồng thi nhau phục vụ tối đa. Ban ngày đi shopping mua quà tặng bố mẹ, đưa đón hai cháu ngoại đi học về.

Rảnh thì đã có phòng xem phim, âm thanh vang như trong rạp, ghế dựa có chân gác thoải mái, popcorn thơm mùi bơ, ánh sáng mờ ảo, vừa xem phim, tay ôm cháu trong lòng… có còn hạnh phúc nào hơn? Đó là chưa kể đêm về đã có chăn êm, nệm ấm, giường cao, cột bự, máy điều hòa không khí mát mẻ cả ngày lẫn đêm. Thiệt là “Con hơn cha, nhà có phúc”.

Chuyến xe mega bus đi Houston khởi hành lúc 11giờ. Con gái giống tính ông Hai ưa trừ hao, chở ông bà từ nhà đến bến xe chỉ mất 15 phút thế mà ông Hai nhất định đòi đi cho thật sớm để …chờ. Chưa đến 9 giờ, ông đã thúc giục mọi người lên đường. Mỗi người chỉ được một va li năng 25 pound. Ông bà Hai còn một túi thức ăn và nước uống đủ cho một ngày trong khi từ Dallas đến Houston chỉ mất 4 tiếng.

Trạm xe bus là một cái nhà đơn sơ, cũ kỹ, một văn phòng nhìn vô chỉ có một bà Mỹ đen đang lúi húi gõ máy. Cạnh đó là một cái restroom. Nhân viên của hãng chỉ có hai người làm việc, mặc đồng phục mang phù hiệu Mega bus. Phòng chờ đợi là một khoảng sân rộng có mái che, không tường vách. Vài băng đá cũ kỹ gần đó đã đông người toàn là Mỹ đen. Vài cái xe bus màu xanh, hai tầng, mới toanh chạy vào sân rồi lại chạy ra.

Con gái đã về, chỉ còn lại hai ông bà lớ ngớ nhìn tới nhìn lui xem có gặp đồng hương không? Ông hỏi bà khi thấy một bà Mỹ đen nói bằng micro:

- Bà nghe Mỹ nói giỏi hơn tui, họ nói gì vậy bà?

- Họ nói khó nghe quá! Hình như nó nói chuyến 10 giờ đi Austin, chuyến 11 giờ đi St Louis, chuyến 11 giờ đi Houston.

- Chắc không ?

- Hổng tin thì Ông đi ra hỏi cho chắc ăn.

Ông chắp hai tay sau đít đi tới chỗ bà Mỹ đen. Không biết ông Hai lúa này nói cái gì mà bà Mỹ đen trố mắt nhìn, cặp mắt kiếng của bà trễ xuống mũi, bà nghiêng đầu ghé sát vào miệng ông Hai để lắng nghe. Một lát sau, thấy bà nhăn mặt, lắc lắc cái đầu còn ông Hai thì lấy ngón tay chỉ trỏ lung tung.

Bà Hai nghĩ thầm:

- Rồi! Chia động từ “to quơ” rồi. Làm tài lanh không hà!

Ông Hai trở lại, thấy bà Hai cười chọc quê, ông giả lả:

- Mỹ đen ở “Téc-xịt” nói không nghe nổi! Cái giọng của họ eo ẻo trong họng. Bà biết không, bà Mỹ đen này bả đi cà ục cà ịch vậy mà nói nhanh còn hơn xe lửa. Bả là người sắp xếp các tuyến đường cho hành khách lên xe.


- Sao ông biết?

- Đoán vậy!

- Lúc nãy ông nói gì với bả vậy?

- Tui nói bả không hiểu bà ơi! Tui nói Mỹ trắng hiểu, Mỹ đen không hiểu.

- Tại sao ông biết bả không hiểu?

Thì bả cứ “quách”, “quách” hoài, tui bực quá bỏ đi cho rồi! Cái mặt bà này nhìn dữ dễ sợ! Bả kênh kênh tui kìa.

- Bả nhìn ông chứ kênh kênh cái gì. Ông thành kiến với Mỹ đen. Hình như Ông “kỵ” Mỹ đen. Nãy giờ, Ông nói xấu Mỹ đen nhiều lắm nha, nào là sao mà họ xấu thế, đen thế, đàn bà gì mà cánh tay bự bằng cái đùi ông, tóc tai gì mà không xù lông nhím thì lòng thòng như sợi giây thừng, lắc qua lắc lại. Ông đừng quên họ là đồng hương của ông Tổng Thống xứ này đó.

- Biết. Biết. Tui biết ông tổng Thống xứ này là Mỹ đen. Tui sống ở công đồng người Việt quen rồi nên tui thấy cộng đồng của họ là lạ.

Lạ gì mà lạ. Mỹ đen ở đâu tui không biết chứ nãy giờ tui quan sát, tui thấy cộng đồng của họ có văn hóa. Ông thấy họ chưa? Họ không ồn ào, nghe nhạc vừa phải, lên xe, xuống xe sắp hàng trật tự, không chen lấn, không xẹt vô giữa, ăn uống bỏ vô thùng rác. Ông nhìn cái sân đậu có miếng rác nào không? Chả bù với parking lot chợ Việt nam, mấy tờ bill quăng đầy trắng cả bãi đậu xe.

- Chợ thì có chợ này sạch, chợ kia dơ, cũng như người thì có người này đẹp, người kia xấu…

Thà ông nói vậy đi. Lúc nãy ông vơ đũa cả nắm, ông nhìn bề ngoài đánh giá cả cộng đồng nên tui mới lên tiếng chớ. Tui mê cô Whitney Houston Mỹ đen mà đẹp hết biết. Cổ hát hay, chết trẻ quá, thiệt tội nghiệp! Ông Obama, ai ngờ ổng là Tổng Thống Mỹ da đen đâu!

- Ủa! nãy giờ tui với bà nói chuyện hay …gây lộn vậy bà? Thôi xe tới rồi không tranh luận nữa. Bà nghe thử coi họ nói gì? 11 giờ xe chạy. Xe này đến trước 10 phút. Chắc mình đi xe này.

Ông bà Hai Lúa mau mau ra sắp hàng theo lời chỉ dẫn của bà Mỹ đen lúc nãy. Bà này kiểm soát rất nhanh bằng danh sách đã có sẵn tên và số booking number. Hành lý 25 pound được một ông Mỹ đen rà bằng một cái cân nhỏ cầm trên tay. Tất cả các hành lý đi từ các lộ trình khác nhau được dồn vào khoang phía sau thế mà suốt các tuyến đường từ Dallas- Houston- Oklahoma- Dallas, Bà Hai để ý hành lý không bị thất lạc cũng như không ai “cầm nhầm” của ai. Sự trung thực là nét văn hóa, giáo dục và đạo đức tôi học được từ người Mỹ trong những sinh hoạt công cộng như đi chợ, mua hàng… từ những ngày đầu tiên tôi đến xứ Mỹ.

Bà Hai có cái tật lanh chanh, mau mắn hơn ông Hai. Bà dặn ông Hai đứng chờ hành lý cất vào khoang xe, bà theo hai người khách đầu tiên leo lên cầu thang tầng trên, chiếm chỗ thượng phong là hàng ghế đầu có cái “city view” rất là đã con mắt.

Ông Hai lên sau. Ông nhìn cảnh phía trước và hai bên thật thoáng không có hàng ghế nào che khuất, ông gật gù:

- Tui công nhận bà lanh thiệt. Ai biểu bà là bà Hai Lúa? Ghế này là ghế thượng hạng đó. Tài xế còn ngồi dưới… đít bà. Chà! Cái ghế này rộng, bật ra đằng sau như ghế dựa quá đã. Ghế mới tinh. Xe sạch bong. Máy điều hòa không khí nóng lạnh có đủ. Bao rác cột ở bên hông ghế. Nhìn lên nóc xe là kiếng nên xe đầy ánh sáng.

- Xe có mùi thơm bà ạ!

- Ừ, bây giờ ông ngồi đây chờ tui, tui đi khám phá cái restroom. Mới lên xe, giờ này vắng, chưa có ai... mở hàng để tui đi trước. Ông coi đồ chờ tui nghen.

Bà đi qua những hàng ghế đã đầy hành khách, 90% là người Mỹ đen. Hình như chỉ có cặp ông bà Hai Lúa là người đầu tiên đi loại xe bus xuyên bang này nên nhìn cái gì Hai Lúa cũng thấy lạ như người nhà quê lên tỉnh. Restroom ở tầng dưới. Tầng dưới cũng đầy người. Bà vô restroom sao mà sạch dữ vậy ta! Xe mới nên restroom cũng mới. Sạch và mới hơn trên máy bay nữa. Có chai nước vệ sinh rửa tay. Giấy lau chùi dầy, mỏng có đủ. Bà Hai enjoy cái rest room sạch như ở nhà. Bà có cảm giác yên tâm và thoải mái hết sức khi ngồi cạnh ông Hai thủ thỉ:

- Ông ơi! Ông đi liền đi. Sạch lắm! Giờ này chưa có ai. Ông vô thưởng thức cái sạch của cầu tiêu Mỹ mà phải trả có… một đồng.

- Từ từ…Bề nào bà cũng thượng phong cái cầu tiêu rồi. Sao kỳ quá, lúc nào tui cũng là người, đi cũng sau mà đến cũng sau bà vậy cà?

- Ông nhường tui. Vậy là ông có phước. Thôi đi đi…

Sau khi ông bà Hai lúa xả xong bầu tâm sự, ông bà đem giỏ thước ăn ra thanh toán nào là xôi bắp mỡ hành, bánh mì kẹp thịt, khoai luộc. Trái cây đã có cam quít. Ngoài ra còn có bánh bò nướng, nho khô, hạt bí nhâm nhi cho đỡ nhạt miệng. Nước uống đã có nước chai, nước cam… Ông thì thầm bên tai bà:

- Tiểu thơ con cái nhà ai mà chu đáo quá héng bà?

- Còn phải hỏi! Con tui phải giống …má nó chớ giống ai.

Bốn tiếng đồng hồ trên xe buýt, xe chạy suốt, không ngừng. Nhìn hai bên đường, chuyến xe đưa ông bà vượt qua các cánh đồng, nhà cửa, khu buôn bán, các thành phố mới lạ ông bà chưa bao giờ biết đến. Nhìn đất nước rộng lớn với hệ thống free way hiện đại nhất thế giới có hai dòng xe ngược, xuôi, chạy êm như mơ không lúc nào ngớt, bà rù rì với ông:

- Một đồng? Không biết họ lấy tiền đâu để trả cho các khoản chi tiêu nào là tiền lương tài xế, lương nhân viên, xăng nhớt, bảo trì xe… hả ông?

- Họ là chính phủ đó. Bà xót xa con bà phải đóng thuế 30% hàng năm là để chính phủ xây cầu đường cho xe bà chạy, xây bệnh viện chữa bệnh cho bà, trả lương lính để bảo vệ đất nước bà đang ở, xây trường học cho cháu ngoại bà có chỗ học hành… Mùa thuế sắp tới bà đừng càm ràm nữa nha. Con bà là một phần tử nhỏ trong hàng triệu người Mỹ đi làm đóng thuế để tạo nên phúc lợi và an sinh xã hội cho họ trong đó có bà, về già được đi chơi bằng xe buýt chỉ trả có một đồng.

Ông vẫn thao thao bất tuyệt nói về đất nước Mỹ đã cho ông có cơ hội làm lại cuộc đời khi ông qua Mỹ theo diện HO. Hai đứa con ông học hành thành tài có mức lương… sáu số. Vợ ông mổ hai lần không tốn một xu. Về già, ông có bảo hiểm y tế, có tiền già lai rai giúp ông sống bình an, thoải mái không phải nhờ con cái …v…v.

Bà không nhớ bà ngủ bao lâu, khi mở mắt, bà thấy ông nghiêng đầu, mắt nhắm nghiền. Ông có cái tật ngáy to. Bà ngồi yên, lắng nghe chuyến xe sao mà yên tĩnh lạ lùng. Chỉ có tiếng ngáy của ông và tiếng máy điều hòa không khí vang lên đều đều. Bà quay đầu nhìn phía sau, những người Mỹ đen trầm lặng, họ nghe nhạc bằng sợi dây gắn vào lỗ tai, họ chơi computer, họ nói năng thầm thì nhỏ nhẹ, họ ngủ…. Bà nhủ thầm khi nào Ông Hai thức dậy, bà sẽ góp ý với Ông vài cái tật xấu trước đám đông chẳng hạn như Ông có tật nói lớn tiếng, ngáy to, xì hơi… không tự chủ để ông hòa nhập vào đời sống văn minh của nước Mỹ. Chắc chắn Hai Lúa sẽ có đủ lý do để cãi nào là xì hơi vì bệnh bao tử kinh niên, nói to vì phổi tốt, ngáy to vì viêm mũi kinh niên… Đã là cố tật rồi khó sửa lắm. Ông Hai năm nay đã 73, bà nhớ con gái nói với Bà: “Mẹ ơi! Năm nay Bố 73 tuổi, Bố già rồi. Bố còn sống với mình bao nhiêu năm nữa mà mẹ muốn sửa Bố? Mẹ để cho Bố tự nhiên, ăn những gì Bố thích, cho Bố được ăn to nói lớn, cho Bố tự do ngáy to, tự do… xả những cái không tiêu trong bụng, tự do làm những gì Bố muốn làm. Bố còn sống với mẹ và con bao lâu nữa đâu!

Bà Hai nắm lấy tay ông Hai, bàn tay ông khô nhám. Phải cần bôi một chút lotion. Bà nghĩ vậy. Dù cho con gái nói gì đi nữa, bà vẫn không để ông… tự do nghĩa là bà vẫn thích được chăm sóc ông và hình như ông cũng muốn thế. Bà nắm chặt bàn tay Ông vì biết rằng một ngày kia, bà sẽ không bao giờ được nắm bàn tay nhăn nheo cũng như được nằm co mình như con tôm, nằm gối đầu trên cặp đùi khẳng khiu như chân gà của Ông Hai mà ngủ trong chuyến xe Mega bus tốn có một đồng này.

Phùng Annie Kim

Ý kiến bạn đọc
15/07/201314:14:08
Khách
Bài viết rất hay
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 843,987,309
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.
Nhạc sĩ Cung Tiến