Kết Hôn Để Qua Mỹ
Tác giả: Mai Hồng Thu
Bài số 2730-16208801- vb691809
Tác giả là cư dân San Jose. Hai bài viết về nước Mỹ gần nhất của cô đã được phổ biến là "Chồng Tếch Vợ Ly"; “Cái Bát Mạ Vàng”. Bài mới nhất là một cách nhìn khác, được người viết ghi chú như sau: “Có những cô gái Việt theo chồng theo diện kết hôn qua US, cũng đã hát bản Lầm! Chuyện sau đây ghi nhận một số tình tiết từ thực trạng, tên nhân vật không phải tên người thật, xin chia xẻ cùng bạn đọc.”
***
Tôi quen Nga trong một lần chạy xuống khu VN dạo chơi và ghé một chỗ sửa xe chủ là người VN để thay nhớt xe cho rẻ thay vì đem xe vào dealer như mọi khi. Trong lúc chờ đợi họ làm xe thì tôi và Nga cùng ngồi ở phòng tiếp tân nhâm nhi đọc mấy cuốn báo VN như người ta vẫn thường làm. Đọc chán mà xe vẫn chưa xong, chúng tôi quay qua nhìn nhau cười cầu tài và bắt chuyện tán dóc theo kiểu mấy bà xẩm chợ Hồng Kông bên hông Chợ Lớn.
Nói chuyện một hồi thì tôi mới biết là Nga cũng ở cách đấy gần 2 tiếng lái xe, cuối tuần chạy xuống đây chơi và thăm gia đình một người quen . Vì ở xa khu người Việt, cho nên thời đó chúng tôi gặp ai cũng tỏ vẻ thân thiện tình thương mến thương. Chúng tôi ngây thơ chơi cái trò kết bạn bốn phương, trao đổi số phone và hẹn ngày tái nạm.
Từ đó tôi và Nga bắt đầu thân nhau, cuối tuần nào rảnh là hẹn nhau ở khu người Việt, tôi lái xe một tiếng Nga lái xe hướng khác cũng gần một tiếng rưởi mới tới nơi; rồi cùng nhau hẹn thêm một ông anh bà con của Nga ra quán ăn xong lê la cà phê ngồi bù khú cho qua những ngày cuối tuần theo phong cách Việt chứ không chắc chúng tôi thành Asian Blond mất...
Nga hơn tôi khoảng 5 tuổi, lúc đó đã qua tuổi băm nhưng nhìn vẫn còn trẻ. Tuy Nga không đẹp tuyệt trần nhưng nhìn sáng sủa và có dáng. Nga lanh lợi và đang làm ở một hãng nhỏ làm về kẹo chocolate, nghe nói rất cực nhưng rành nghề nên ông chủ chỉ đì tiền lương chứ không tiết kiệm những lời khen giả dối nên Nga vẫn phải cong lưng làm hoài .
Thỉnh thoảng Nga hay đem những cây kẹo Chocolate có hình những bông hoa hay con thú rất đẹp rất dễ thương tặng cho chúng tôi. Kẹo Nga làm khéo đến nỗi chỉ để nhìn chứ không nỡ cắn ăn, dù lúc đó tôi rất khoái sô cô la Mỹ .
Bạn với bè, ăn với nhậu, nhiều khi khoái khẩu cười đùa, tôi nào có biết đâu...
"Lan Huệ sầu ai Lan Huệ héo, Lan Huệ sầu đời, trong héo ngoài tươi ..."
Đến một ngày lễ tôi thấy Nga đi chung với một ông khoảng 50 tuổi, ngoại hình lề xề, ăn mặc xốc xếch, da mặt đỏ hồng cái kiểu ăn da non của mấy người bị bệnh cùi, cùng chúng tôi đi dạo... chợ trời .
Theo lời bác Ti, mẹ anh Thanh, anh họ của Nga, người đàn ông ấy là người chồng bảo lãnh Nga qua đây, vừa mới ký giấy ly dị xong ngày hôm ấy.
Thì ra bấy lâu nay Nga hay chạy xuống khu người Việt không phải là đi chơi bời đàn đúm gì, mà là chạy đôn chạy đáo nhờ vả người ta để được an toàn bỏ chồng mà vẫn hợp pháp ở lại Mỹ .
Từ ánh mắt ngạc nhiên của tôi, cho đến lúc nghe bác Ti khen:
-Tao thấy thằng An chồng mầy cũng hiền đó chớ, sao lại bày đặt ly dị làm chi vậy con. Ăn ở phải có đầu có đuôi, con ạ!
Thế đấy, khổ thay cái thân gái lấy chồng Việt Kiều, nó nuôi gia đình, nó bảo lãnh qua đây, chỉ cho đường đi nước bước. Giờ đủ lông đủ cánh, nhưng có miệng mà lại cũng như câm. Có lẻ vì ấm ức lâu ngày, lại quê độ với tôi, một người dưng nước lã nhìn nàng với ánh mắt tò mò mà không dám hỏi, Nga bắt đầu phản chiến tố khổ ông chồng già.
Nga nói một cách ấm ức khi chỉ có riêng 2 đứa tôi:
-Mi biết không, tao cũng muốn ở với ổng luôn cho rồi, qua Mỹ rồi thì mới biết đá vàng. Một thân một mình tao tưởng phen này thôi kệ hy sinh cứu gia đình mà cả nhà ổng đâu có để cho tao yên. Tao nhịn nhục chờ đến ngày được ly dị mà không có tiền chi phí phải lạy lục năn nỉ thằng cha luật sư Mỹ nói tiếng Việt không rành còn tao tiếng Anh cũng chỉ quơ quơ mà tao cũng chơi luốt vì con mẹ thư ký đâu có thèm giúp tao đâu mi.
Trong bụng tôi thì cũng công nhận ông chồng Nga cũng hiền thiệt. Nhưng nhìn mặt ổng đỏ hỏn mất cảm tình, kiêm theo cái kiểu đệm ù mẹ ù cha của hắn thì cũng hơi khó nuốt thiệt.
Rù rì tâm sự mấy bận thì tôi được biết thêm về chuyện của Nga. Nga kể gia đình nàng ở Việt Nam nghèo rớt mồng tơi nghèo rơi con mắt, chỉ còn lại cha già ốm đau bệnh hoạn mà anh chị người nào lập gia đình cũng lo cơm 2 bữa chưa xong, con cái ốm tong bù lăn bù lóc lấy gì để mà lo cái trò "nước mắt chãy ngược" đâu chứ .
Nga thấy cái gương anh chị rồi bị ám ãnh mãi nên không muốn ôm tình yêu uống nước lã trong cái thời buổi nhiễu nhương Thạch Sanh thì ít Lý Thông thì nhiều. Nga nhất quyết không chịu lấy chồng nghèo dù đã lỡ thất thân và có một đứa con gái với 1 người bạn trai cũ thời mới lớn.
Bon chen miết Nga cũng tạm ổn định có việc làm văn phòng, tuy không dư dả nhưng cũng phụ giúp cha già và đứa em gái, cùng con gái cơm áo qua ngày.
Rồi thần tài gõ cửa khi ông An đến văn phòng nàng làm giấy tờ gì đó, thấy Nga vui vẻ và hoạt bát nên tự xưng là Việt Kiều và ngỏ ý rủ nàng đi chơi. Cơ hội ngàn vàng dể gì có mà phải suy nghĩ đắn đo. Vì trót dấu với mỗi người là có con riêng nên Nga đành phải bỏ con lại và theo chồng qua Mỹ theo diện mới hứa hôn mà thôi.
Từ ngày đặt chân đến Mỹ, Nga không được đi đâu ra khỏi nhà, cái kiểu lấy chồng hưởng phước, khỏi bị dãi nắng dầm mưa, chỉ cần đủ sức để cho ông chồng thoả thích là nhất rồi.
Chuyện vợ chồng nhỏ như con thỏ đang ăn cỏ đó, Nga nói thôi ráng đi cho qua cơn, thằng chả già rồi có "một cú bảy mạng" đâu nên đành ráng, con đường mình chọn đâu dám trách ai.
Nhưng muốn cũng khó yên. Nga than là cả dòng họ nhà nó từ lớn đến bé, cả những đứa cháu ăn chưa no lo chưa tới nó cũng ụ mẹ ụ cha, moi móc ông bà mình ra mà chửi xéo.
Nga nói cay nhất là ở đó người ta đua nhau đi học nail học tóc, Nga năn nỉ hoài mà chồng nó không cho đi học kiếm tiền phụ gia đình, sợ nó tạo phản . Tiền gởi về cho cha thì ít ỏi, tiền chi tiêu thì không có một đồng, đi đâu ổng cũng trả tiền, ổng hỏi tao cần tiền làm gì .