Đồng Hương
Tác giả: Karen N. Nguyen
Bài số 2569-16208646- vb432509
Karen N. Nguyen, sinh năm 1962, trưởng nữ trong một gia đình H.O., hiện là một dược sĩ, làm việc và cư trú tại Virginia. Cô đã góp nhiều bài đặc biệt cho giải thưởng viết về nước Mỹ: "Chuyện Cấm Đàn Ông;" "Viết Cho Em Trai Tôi..." và đã nhận một trong 4 giải chính Viết Về Nước Mỹ 2004. Sau đây là bài viết mới.
***
Đang cắm cúi đánh thời khóa biểu của mấy người làm việc trong pharmacy vào computer, Kim nghe tiếng bà manager của tiệm hỏi mình điều gì đó. Kim ngẩng lên, nhìn qua bà Kelly đang ngồi ở cái computer kế bên. Bà Kelly chỉ vào màn hình computer, hỏi Kim xem cái tên trên hồ sơ xin việc bà đang đọc có phải là tên của một người Việt Nam hay không. Kim nhìn vào, thấy cái họ Nguyễn rành rành trên đó. Đúng rồi đó Kelly, Kim xác nhận.
Cái anh chàng này nói tiếng Anh không có rành, bà Kelly nói với Kim, trả lời điện thoại khó khăn lắm. Vì anh ta nói tiếng Việt, tôi sẽ nhận anh ta vào làm ở bên quầy thịt để cho anh manager ở đó kèm cặp cho anh ta được thành thạo, bà Kelly nói. Theo lời bà Kelly, bên đó đang cần meat wrapper.
Manager bên quầy thịt là anh Hùng. Anh Hùng làm ở quầy thịt đã gần hai mươi năm rồi. Ngoài anh Hùng và Kim, tiệm còn có bốn người Việt Nam nữa, chị Hạnh và chị Linh làm cashier ở phía trên, anh Trí làm ở bên hàng bánh ngọt và chị Thanh bên quầy bán hoa tươi. Nghe nói sắp có thêm một người Việt Nam nữa vào làm, ai cũng thấy vui vui.
Hai tuần sau đó, bên quầy thịt có một nhân viên mới. Cái anh chàng nói tiếng Anh không rành, theo lời bà Kelly, hóa ra là một cậu bé khá cao, mặt mũi sáng sủa giống như mấy anh chàng trai trẻ trong mấy bộ phim Hàn Quốc vậy. Cậu bé tên Hưng. Tiếng Mỹ, tên không có bỏ dấu, cái bảng tên của cậu bé là "HUNG", giống y như cái bảng tên của anh Hùng. Thằng con nuôi của anh Hùng, mấy người Việt Nam trong tiệm gọi cậu bé như vậy. Anh Hùng làm ca nào, cậu bé làm ca đó! Lần nào có dịp đi ngang qua quầy thịt, Kim cũng thấy cậu bé lò dò đi theo anh Hùng để xếp thịt lên kệ, hay đứng cạnh anh Hùng xem anh cắt thịt rồi được anh chỉ cách xếp thịt vào khay, bọc nylon, in nhãn tiền ra sao.
Một thời gian ngắn sau đó, Kim có kịp hỏi thăm cậu bé Hùng. Hóa ra là Hưng qua Mỹ mới được có ba tháng. Nhà Hưng ở một tỉnh miền Tây, là đại lý bia, thuốc lá. Bố Hưng là tài xế của 1 công ty du lịch. Hồ sơ bảo lãnh từ người dì kéo dài cả chục năm, đến lúc gia đình Hưng có đủ giấy tờ để qua Mỹ định cư thì ông bố Hưng và bà chị lớn trong nhà quyết định không đi Mỹ. Chỉ có bà mẹ Hưng, Hưng và hai cô em gái nhỏ tuổi hơn đi Mỹ mà thôi. Bây giờ cả nhà đang sống với gia đình người dì của Hưng. Hai cô em của Hưng đi học ở high school.
Ở Mỹ sao mà buồn quá cô ơi, Hưng than thở với Kim, chẳng có đi chơi đâu được hết, cháu lẩn quẩn ở nhà hoài nên điền hồ sơ đi làm. Kim nhìn cậu bé, hai bàn tay với những ngón thon dài, nước da mịn màng, không có một vết chai, mới làm ở quầy thịt chưa tới 1 tuần là đã than tay bị ngứa rồi. Phòng thịt lạnh, ai làm cũng mang găng tay, Kim khuyên cậu bé tay ngứa có thể do dị ứng với 1 loại găng tay, hay do tiếp xúc với bao loại hóa chất cuối ngày dùng để khử trùng, làm sạch máy móc, quầy cắt thịt và cả sàn nhà. Hưng thử loại găng tay khác xem thế nào, Kim nói với cậu bé.
Nước Mỹ đâu phải là thiên đàng hạ giới đâu kia chứ, Kim thầm nghĩ, ai qua đây cũng phải làm lại từ đầu, đi làm, đi học, trầy vi tróc vảy để vươn lên, chứ đâu phải một sớm một chiều là có xe hơi, có nhà lầu, tha hồ ăn chơi vi vút đâu. Kim không nói với Hưng tất cả những gì Kim nghĩ trong đầu, chỉ khuyên cậu bé là bước đầu qua Mỹ ai cũng có khó khăn, phải ráng 1 thời gian. Hưng mới có hai mươi hai tuổi, trẻ, khỏe, còn bao nhiêu là sức lực, bao nhiêu thời gian để đi học, đi làm, để bươn chải vươn lên ở xứ người. Kim hỏi cậu bé có ý định học thêm hay không, khuyên cậu bé đến cái campus của community college ở gần đó để lấy danh sách lớp học, môn học xem thử, mấy tháng nữa là đến semester rồi, buổi đầu nếu ráng thì ghi danh đi học một lớp tiếng Anh ESL cũng tốt.
Bên quầy thịt, ngoài anh Hùng còn có mấy người nữa. Dạo anh chàng Julio người Mễ vào làm, cắt thịt rất giỏi nhưng tiếng Anh không nhuyễn, bà con khuyên cứ nói rồi họ sửa cho. Thời gian đầu Julio sợ chết khiếp mỗi khi phải làm ca tối, một mình một quầy thịt, khách hàng đặt mua thịt loại nào, loại nào Julio phải lặp đi lặp lui, hỏi xuôi hỏi ngược, lắm khi còn chạy qua quầy seafood kế bên túm anh chàng bên đó nhờ giúp dùm. Một thời gian sau, tiếng Anh của Julio tiến bộ rõ rệt, khách hàng đặt mua thịt loại gì, cắt mỏng cắt dày thế nào, anh chàng nghe trót lọt hết. Bây giờ, anh Hùng nói với Kim, ngoài chuyện dạy tay nghề còn phải dạy thằng Hưng tiếng Anh nữa. Hồi ở Việt Nam nó sống kiểu công tử quá, tiếng Anh đi học thêm rơi rụng đâu mất hết trơn!
Tiếng Anh, có mở miệng nói thì mấy người xung quanh mới giúp nếu mình nói sai, phát âm không đúng, còn vào chỗ làm không nói câu nào thì ai biết đâu mà giúp mình. Tui nói nó rồi, cùng làm ở trong tiệm với nhau, phải mở miệng nói thì riết rồi lưỡi nó mới trơn, chứ im thinh thít thì làm sao được. Tui nói với nó bằng tiếng Việt để chỉ nó làm cái này cái kia, nhưng từ từ nó cũng phải tập nghe tập nói tiếng anh để giao thiệp với mấy người khác trong chỗ làm chứ, anh Hùng bắt đầu than thở với Kim.
Thằng nhóc âm thầm làm việc, gói thịt, xếp thịt lên quầy, lấy mấy tảng thịt to tướng trong freezer đem qua phòng thịt để cắt, rồi đi đổ rác, đi rửa sàn nhà bên quầy thịt khi hết ca làm việc. Mấy lần buổi tối đóng cửa pharmacy xong, Kim đem bao rác trong pharmacy ra thì gặp cậu bé. Cậu bé ga-lăng nói Kim cứ để bao rác đó, nó sẽ quăng vào thùng rác lớn của tiệm dùm cho Kim.
Does he speak English" Mấy cô bé học high school làm cashier ở phía trên, giờ break 15 phút ngắn ngủi nhiều khi đến ngồi ở mấy cái ghế gần cửa ra vào của pharmacy, thấy Hưng im lặng đi ra đi vào từ quầy thịt gần đó, để ý và bắt đầu hỏi dò Kim. Yes, he does, Kim trả lời. Trả lời như vậy nhưng Kim biết là tiếng Anh của cậu bé cũng chưa được lưu loát. Cũng giống y như Kim hồi mới qua Mỹ vậy...
Thằng Hưng ăn vụng cua của bên seafood department, mấy tay làm bên seafood mét với tui!
Thằng Hưng đem bia vào chỗ làm, buổi trưa lunch break nó vừa ăn cơm vừa uống bia!
Thằng Hưng không có siêng, mình mà không để ý là nó lẩn đi góc kẹt nào đó mất biệt cả 10, 15 phút mới xuất hiện trở lại!
Gần một tháng sau khi cậu bé vào làm, anh Hùng thuật cho Kim nghe. Ba tháng probation, sau 3 tháng nó mà không ngoan ngoãn, không siêng làm, chắc tui phải xin kiếu không nhận nó vào làm quá, anh Hùng than thở với Kim. Bà Kelly nói với tui là bà nhận nó vào làm vì tin là nó chăm, làm việc năng nổ, bây giờ mà tui nói với Kelly là nó làm biếng, nhát việc, không qua nổi giai đoạn thử thách 3 tháng học nghề, không làm lâu dài ở tiệm được, khó ơi là khó! Nhức đầu dễ sợ luôn, anh Hùng nói. Đồng hương với nhau, mình muốn giúp lắm chứ, nhưng mà mướn nó luôn rồi nó làm biếng, tui gánh thêm phần việc nó không làm chắc chỉ có từ chết tới bị thương mà thôi.