Tác giả là cư dân Lawndale, CA, công việc: C.P.A., kế toán, khai thuế. “Quỳnh Hương có nhiều bạn tham gia giải thưởng hàng năm, nhiều lần khuyến khích... Lần đầu tiên, Quỳnh Hương gửi bài.” Tác giả cho biết. Bài viết đầu tiên của cô là chuyện về “một người già, đích thân đi lo các việc hậu sự, ma chay và xin lễ cầu nguyện cho chính mình sau này.”
*
Gia đình Hân có năm anh chị em. Từ lúc qua Mỹ, vì lý do học hành phải chuyển trường, người theo vợ, kẻ theo chồng, nên gia đình Hân ở tản mác khắp nơi. Cũng vì lý do riêng, cha mẹ Hân cũng mỗi người một nơi theo các con. Chị và em gái của Hân đi với mẹ lên phương Bắc, còn Hân và hai người anh thì ở lại với ba ở miền Nam. Mỗi năm vào dịp lễ lọc hay Tết nhất, thì mẹ lại cùng với hai người con gái xuôi Nam để đoàn tụ gia đình.
Ba Hân được sở Xã Hội cấp cho một căn phòng trong chung cư của người già, gần trung tâm Saigon Nhỏ. Hai người anh của Hân đã có gia đình riêng và ở không xa đó lắm. Còn Hân thì vì công việc nên phải thuê nhà ở gần sở làm, cách ông cụ và hai anh khoảng 45 phút lái xe. Hân là con gái duy nhất ở gần và lại không bị bổn phận gia đình ràng buộc như hai người anh, nên ông cụ thường trông cậy vào Hân vào những ngày cuối tuần để đến chở ông đi chợ và đi loanh quanh các cửa tiệm, ăn uống và dạo phố, v.v.
Cách đây vài năm, sau khi chở ông cụ đi chợ về, Hân đậu xe trước cổng chung cư để ông đi lên nhà một mình như mọi khi. Ông chậm chạp bước xuống và đột nhiên quay lại bảo Hân:
- Con xách hộ Ba mấy bao nặng lên nhà đi, Ba dạo này yếu rồi!
Hân chợt bàng hoàng và xúc động vì lần đầu tiên nghe ông nhận mình đã già vì từ trước đến nay, lúc nào ông cũng tỏ ra mình rất khỏe mạnh, thường hay đòi xách mấy bao đi chợ dùm cho Hân, hoặc từ chối sự giúp đỡ của những người khác khi cần phải khiêng những đồ vật nặng. Từ đó, Hân để ý mỗi lần đi phố với ông, thay vì đi song song với Hân như trước đây, ông bắt đầu đi chậm hơn và thường hay bị lùi lại phía sau lúc nào không biết, khiến Hân phải đi chậm lại để chờ ông. Nhiều lúc nói chuyện bằng điện thọai, ông hay hỏi lại nhiều lần vì nghe không được rõ nữa, hoặc là nói như hét lên vì ngỡ Hân cũng không nghe rõ như ông, khiến dạo này Hân cũng bắt đầu lây bệnh nói to trong điện thoại, vì đã quen phải lớn tiếng mỗi khi nói chuyện với ông.
Một ngày nọ, ngồi trên xe với Hân, ông bắt đầu tâm sự là ông đang lo không biết sau này khi ông qua đời, sẽ phải chôn ở đâu. Rồi ông quyết định sẽ về Việt Nam sống khi tuổi gần đất xa trời, để lỡ có gì thì còn được chôn cất ở quê nhà. Sau đó chẳng bao lâu, không biết nghĩ thế nào, ông lại đổi ý:
- Thôi, để ba mua đất ở nghĩa trang gần đây, dù gì các con cũng ở bên này hết. Nếu chôn ở Việt Nam thì các con sẽ không về thăm thường xuyên được và ba sẽ cô đơn, lạnh lẽo lắm.
Đứa cháu gái của Hân, lúc ấy mới có 10 tuổi, nghe được ý nguyện của ông, vọt miệng nói:
- Ông chôn ở Santa Ana đi ông, để ông còn đi lấy báo Việt Nam free về đọc nữa!
Câu nói ngây thơ khiến cả nhà cười ầm lên! Sự ra đi về bên kia thế giới, đối với gia đình Hân lúc ấy như là một chuyện xa vời và tự nhiên phải đến, nên không ai cảm thấy lo lắng và buồn rầu cả.
Thấm thoát, miếng đất mà ông cụ mua trả góp ở nghĩa trang gần đấy đã được trả hết nợ, ba Hân cảm thấy rất yên tâm và cuộc sống hằng ngày của ông cứ thế tiếp tục trôi qua êm ả. Mỗi sáng sớm, ông ăn mặc chỉnh tề, đi bộ ra đầu đường đón xe bus, đến nhà thờ cầu nguyện và sinh hoạt với các người già ở Trung Tâm Công Giáo Việt Nam. Xế trưa, ông lại đón xe ngược về phố Bolsa, xuống xe đi loanh quanh mua các tờ báo thường đọc, ghé vào đâu đó ăn tô mì hay bát phở, rồi về nhà nghỉ ngơi. Bước vào cửa, chưa kịp thay quần áo là đã đến mở radio đài Việt Nam lên, và cứ thế để oang oang suốt ngày cho đến lúc đi ngủ. Dường như cuộc sống một mình ấy đã khiến ông thèm khát có tiếng nói trong nhà chăng" Cơm chiều thì đã có thuê một người nấu ăn đem đến mỗi ngày rồi, nên ông không cần phải lo.
*
Tết năm nay là lần đầu tiên mà gia đình Hân quây quần ăn Tết đầy đủ dưới một nhà kể từ khi rời xa quê hương. Ngày mồng một, sau khi xem diễn hành ngoài phố, cả nhà kéo nhau đi ăn trưa ở nhà hàng, sau đó lại kéo về nhà anh của Hân ở gần đấy để hàn huyên tiếp, cùng thưởng thức các món bánh mứt đặc biệt chỉ có vào dịp Tết mà thôi. Mấy đứa cháu rủ nhau gây sòng chơi bài, người lớn thì tề tựu trước Tivi xem cuộn phim video mà anh Cả của Hân vừa mới quay được trong dịp về thăm quê ở Hải Nhuận, ngoài Bắc, trong mùa Noel vừa qua.
Xem video, lần đầu tiên Hân được thấy ngôi nhà thờ lớn của làng quê bên Nội, mà Hân đã từng nghe kể là do ông Cố khởi dựng xây lên từ trước 1954. Thấp thoáng bóng dáng nhiều người đang đứng trên những giàn thang gỗ dựng chung quanh các bức tường cao ngất, để xây thêm cái gì đó thì Hân không hiểu, nhưng chỉ thấy là trong một làng quê hẻo lánh và nhỏ bé như vậy, tại sao lại có thể có một ngôi nhà thờ to lớn, vĩ đại như nhà thờ Đức Bà ở Saigon, hay Notre Dame ở Paris như thế được nhỉ" Phải gọi đó là một thánh đường thì mới đúng! Thật là đáng phục thay cho tinh thần sùng đạo của những người trong ngôi làng nhỏ bé này. Từ đời này sang đời khác, cứ mãi trùng tu ngôi thánh đường ấy với những bàn tay nhỏ bé của các giáo dân và với số tiền nho nhỏ thu góp được trong các buổi lễ, hoặc của các bà con ở xa quyên góp gửi về. Có lẽ vì thế mà hơn 50 năm sau, ngôi nhà thờ ấy vẫn chưa được hoàn thành chăng"
Tối hôm đó khi ra về, ba Hân đưa cho năm anh em, mỗi người một phong bì lớn, bảo đem về nhà đọc.
Một tuần sau, sau khi khách khứa ra về hết, một mình trong căn phòng dùng để làm việc, Hân cầm cái phong bì lớn ấy, từ từ mở ra xem. Tờ đầu tiên Hân thấy là các giấy tờ di chúc nhà cửa, sang tên chủ quyền, v.v. của ngôi nhà mà gia đình Hân đã từng ở Saigon năm xưa, bây giờ đang được dùng làm nhà thờ tổ tiên. Thì ra ông cụ đã âm thầm làm giấy tờ khi ông về Việt Nam mấy lần trước và đã để tên năm đứa con vào giấy tờ chủ quyền. Ngoài ra lại có một xấp giấy kẹp vào nhau, tựa đề là Tập Ký Sử Gia Đình, đọc lời mở đầu thì được biết đây là gia phả lịch sử bên họ Nội của Hân.
L.T. Quỳnh Hương