Bài số 565-1103 VB4160604
Tác giả Hải Triều Lại Thế Lãng cư trú tại tiểu bang Vermont là một tác giả đã góp số lượng bài lớn nhất cho Viết Về Nước Mỹ. Sau đây là bài viết mới của ông, một truyện ngắn đầy tinh thần lạc quan.
*
Hắn đậu xe ở đầu con hẻm này đã khá lâu mà vẫn chưa kiếm được mối khách nào. Có mấy người ở trong hẻm vừa đi ra, họ đưa mắt nhìn hắn và chiếc xích lô cũ kỹ của hắn rồi bỏ đi kiếm xe khác. Hắn tiếp tục ngồi thu hình gần như bất động trên yên chiếc xe xích lô, có vẻ như bất cần. Thực ra hắn cũng biết người ta chỉ đi xe của hắn khi nào không còn tìm được chiếc xe nào khác. Hắn đã quá quen thuộc với cảnh này rồi.
Từ hướng đối diện với hắn lại một người phụ nữ đang đi tới. Hắn chẳng màng vì nếu người đó là khách đang tìm xe đi thì cũng chẳng đến phiên hắn. Hai ba chiếc xích lô đậu gần đó chắc chắn sẽ giành mất trước khi người khách đi đến chỗ của hắn. Nhưng người phụ nữ mặc cho những lời mời chào đã đi qua khỏi chỗ mấy chiếc xích lô đang chờ khách và tiến về phía hắn. Bỗng hắn chú ý đến người phụ nữ đang đi tới, không phải hắn trông đợi sẽ kiếm được một cuốc xe mà vì người phụ nữ có dáng đi rất quen thuộc. Hắn đã nhận ra người phụ nữ ấy là ai rồi. Hắn lật đật kéo cái mũ hơi sụp xuống để che bớt khuôn mặt, cố ý không để cho người phụ nữ nhận ra mình. Chờ cho người phụ nữ đi qua được một quãng xa hắn mới vội vã cho quay đầu xe trở lại và chậm rãi đạp xe theo sau người phụ nữ.
Hắn lẽo đẽo theo sau người phụ nữ cho đến khi nàng khuất dạng sau cánh cửa ngõ của một ngôi nhà kín cổng cao tường. Hắn dừng xe lại, thở dài tiếc nuối trong lúc hướng cặp mắt buồn bã về phía cánh cửa đã được đóng kín. Đây không phải là lần đầu tiên hắn đi theo người phụ nữ và cũng không phải là lần đầu tiên hình dáng người phụ nữ gợi lại một kỷ niệm buồn trong đời hắn.
Người phụ nữ đó đâu phải ai xa lạ. Nàng chính là Xuân, nhan sắc còn mặn mà, đã một thời là vợ của hắn. Ngôi nhà kia đâu có lạ lùng gì đối với hắn. Hắn đã từng được sống những ngày ngập tràn hạnh phúc ở trong ngôi nhà ấy. Nhưng chính hắn đã đạp đổ tất cả, chính hắn đã xua đuổi nàng để đến bây giờ ân hận, tiếc nuối thì đã quá trễ tràng. Hắn đang mơ màng hồi tưởng một quãng đời lầm lỗi của mình thì tiếng người nói ở phía sau lưng đã cắt đứt dòng suy tư của hắn.
- Chú xích lô ơi! Chú có đi không"
Hắn quay lai thì thấy một người đàn ông có lẽ cũng trạc tuổi hắn nhưng chắc là người sung sướng, có cuộc sống thư thả nên trông không già như hắn. Người đàn ông có nước da trắng hồng, ăn mặc lịch sự, trên vai có đeo một chiếc máy quay phim. Theo kinh nghiệm nhà nghề, hắn biết ngay người đó là một Việt kiều ở nước ngoài về thăm quê hương.
- Dạ đi chứ.-Hắn trả lời người khách mà trong lòng không được vui về cách xưng hô của ông ta. Hắn thầm nghĩ chú là chú em hay là chú bác đây" Coi hắn như chú em hay là chú bác hắn đều không thích.
Người khách leo lên xe nhưng không cho biếti đi đâu. Hắn cũng đang bận làm cái công việc thường làm nên chưa kịp hỏi người khách. Hắn vừa đẩy chiếc xe xích lô cho lăn bánh vừa chạy theo xe mấy bước cho có đà rồi mới nhảy lên yên xe gò lưng tiếp tục đạp để chiếc xe chạy tới khi đang có trớn. Đạp được một quãng hắn mới lên tiếng hỏi:
- Anh muốn đi đâu"
- Chú cho đi một vòng quanh thành phố rồi cho ra bến Ninh Kiều được không"
Nếu là những phu xe khác nghe vậy thì mừng quýnh vì trúng mánh, vừa gặp được mối Việt kiều lại đi một cuốc xe dài, nhưng hắn không tỏ vẻ gì là vui mừng mà còn nói như muốn từ chối:
- Nói thiệt với anh đi dài như vậy tôi sợ không đạp nổi.
Người khách ngạc nhiên khi nghe hắn trả lời nhưng nhìn thấy thân hình hắn gầy gò, chân tay khẳng khiu, nước da xám xịt đã nghĩ bụng nếu hắn không nghiện ngập thì cũng bệnh hoạn, cơ thể vì đó mà suy nhược nên tỏ ra thông cảm. Người khách ở Mỹ mới về thăm quê hương và cũng là lần đầu trở lại Cần Thơ, thành phố thân quen đối với ông ta. Vắng mặt tại thành phố đã lâu ông ta muốn đi một vòng xem thành phố thay đổi như thế nào chứ chẳng có việc gì gấp gáp, xe chạy chậm để quan sát thì càng hay. Ông ta vui vẻ nói với hắn:
- Chú cứ đạp từ từ, khi nào mệt thì ngừng lại ghé vào quán uống nước nghỉ ngơi cho khỏe rồi lại tiếp tục đi.
Thấy ông khách có vẻ dễ chịu, hắn bắt chuyện để gây cảm tình:
- Trước kia anh sống ở đây sao"
-Tôi sống ở Cái Răng nhưng học trường Phan thanh Giản.- Người khách trả lời.
- Tôi cũng học Phan Thanh Giản này- Hắn reo lên khi biết người khách là bạn cùng trường.
- Năm nào"
- Năm 19xx là năm cuối cùng. Tôi đậu Tú Tái I xong đi Không quân..
- Anh học ban nào"
- Ban A.
- A mấy"
- A 2
- Có phải cô Thủy dậy Vạn Vật, thầy Lợi dậy Lý Hóa không"
- Đúng rồi. Như vậy là tụi mình học cùng lớp. Ồ tôi nhận ra anh rồi. Có phải...Phong không"
- Còn chú... à... anh là...
- Cường. Trời ơi sao bây giờ mày khác quá vậy, Phong"
- Thì mày cũng thay đổi quá nhiều đến nỗi...
- Đến nỗi mày cho tao lên chức chú phải không"
- Thôi bỏ đi. Mình ghé vào quán nào kiếm cái gì vừa ăn vừa nói chuyện đi Cường.
- Quán bình dân được không" Vào quán sang tao ngại lắm.
- Quán nào cũng được mà.
Hai người bước vào quán. Phong cố ý chọn một cái bàn kê riêng ở một góc phòng để cho Cường được tự nhiên vừa khỏi làm phiền đến người khác trong lúc hai người chuyện trò.
Phong và Cường là hai người bạn thân thiết khi còn ngồi ghế trung học. Khi Cường đi Sĩ quan Không Quân, Phong còn học thêm một năm nữa lấy xong Tú Tài II rồi vào trường Sĩ quan hiện dịch Đà Lạt. Từ đó mỗi người một một cuộc sống, họ mất liên lạc với nhau cho đến nay mới gặp lại. Gọi đồ ăn, đồ uống cho mỗi người xong, Phong bắt đầu hỏi thăm về hoàn cảnh củabạn.
- Mày được mấy cháu" Chị và các cháu cũng ở cả đây chứ"
- Tao được hai đứa con, một gái một trai. Tất cả đều ở thành phố này nhưng kể như không bao giờ gặp nhau.
Cường tránh nói đến vợ và trong câu trả lời của Cường, Phong nhận thấy giữa vợ chồng Cường dường như có cái gì không ổn.
- Mày nói sao tao không hiểu. Đâu mày kể đầu đuôi cho tao nghe coi.
- Chuyện dài lắm, chỉ sợ làm mất thì giờ của mày.
- Kể đi. Hôm nay tao chỉ đi chơi, không có công chuyện gì cả.
- Mày còn nhớ Xuân không"
- Nhớ chứ, hoa hậu của trường mà. Xuân bây giờ ra sao"
- Mày hãy nghe tao kể rồi sẽ biết.
*
Ra trường Không quân được mấy năm, Cường được chuyển về làm việc tại phi trường Bình Thủy. Lúc đó Xuân cũng vừa mãn khóa sư phạm và được bổ về dậy tại trường nữ trung học Cần Thơ.
Cha của Xuân là một nhà thầu khoán giầu có. Ông có ý định gả con gái cho một kỹ sư kiến trúc nhưng Xuân không chịu vì đã yêu Cường. Ông đã dùng đủ biện pháp để thuyết phục Xuân, cương có mà nhu cũng có nhưng không thể làm cho Xuân xiêu lòng. Nàng nói thẳng với cha rằng “Nếu con không lấy được anh Cường thì con sẽ ở vậy suốt đời chứ nhất định không lấy ai khác”. Cuối cùng thì nhà thầu khoán đành phải nhượng bộ và còn mua tặng vợ chồng cô con gái một ngôi nhà xinh đẹp ở trong tỉnh để cho hai người xây tổ uyên ương.
Cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ trôi qua trong hạnh phúc. Nàng sanh bé gái đầu lòng rồi một bé trai kế tiếp. Dù con còn nhỏ, có lúc vợ chồng đã phác họa chuyện tương lai cho hai đứa con. Đứa con gái sẽ theo nghề của mẹ làm nhà giáo, còn thằng con trai thì phải là phi công lái máy bay như cha nó.
Vào những ngày nghỉ Cường thường đưa vợ con đi chơi chỗ này chỗ nọ, vừa để cho người lớn có dịp giải trí vừa tạo cơ hội cho hai đứa con có dịp học hỏi và hiểu biết thêm. Một buổi chiều thứ bảy Cường đưa vợ con đi hóng mát ở bến Ninh Kiều. Hôm đó Cường gặp lại một người bạn học cũ. Cường để vợ chơi với hai đứa con trên những chiếc ghế xích đu rồi kéo bạn vào một quán giải khát ở gần đó. Trong lúc chuyện trò vui vẻ, người bạn rút ra một điếu thuốc hỏi Cường:
- Có dám thử thứ này không"
Cường hiểu “thứ này” là cái gì. Vào thời kỳ đó Cường nghe nói nhiều đến ma túy nhưng chưa từng hút và không biết mùi vị của nó như thế nào. Vì tò mò Cường muốn hút thử cho biết, Cường đưa tay với lấy điếu thuốc từ tay người bạn.
- Cho tao thử
Ngậm điếu thuốc vào miệng, Cường hăng hái châm lửa đốt thuốc hút thử nhưng mới kéo được vài hơi Cường đã nhăn nhó vì cảm thấy choáng váng khó chịu. Người bạn phá lên cười, chê Cường nhà quê. Bị chạm tự ái, Cường đưa điếu thuốc lên miệng lần thứ hai kéo thêm mấy hơi nữa và cố giữ cho có vẻ tự nhiên mặc dầu Cường cảm thấy trong người khang khác thế nào.
Sau lần gặp gỡ đó hai người gặp nhau thường xuyên hơn và mỗi lần gặp nhau người bạn đều đưa thuốc cho Cường và Cường cũng đón nhận không chút ngần ngại. Với kiến thức của Cường, Cường dư biết tác hại của ma túy nhưng Cường cho rằng mình có thừa bản lãnh để kiềm chế, đâu có đến nỗi để cho nghiện ngập. Nhưng rồi Cường không kiềm chế được như đã nghĩ. Lúc đầu chỉ là giỡn chơi về sau Cường đã bị thuốc sai khiến, không còn tự chủ được nữa. Ngày ngày được đi mây về gió Cường thấy trên đời này chẳng có gì quan trọng hơn là những cữ thuốc. Cường đâm ra thờ ơ với người vợ trẻ đẹp, không còn tha thiết đến tương lai con cái và dửng dưng đối với công danh sự nghiệp của chính bản thân mình. Cường bắt đầu chểnh mảng mọi thứ, thường vắng nhà và bỏ bê công tác tại đơn vị.
Xuân vô cùng lo lắng không biết vì sao Cường lại thay đổi kỳ lạ như vậy. Nàng đi dò hỏi và biết được Cường thường lui tới một căn nhà qui tụ toàn những thành phần hút xách, bất hảo. Xuân tìm đến nơiõ và gặp Cường ở đó. Nàng khóc lóc van nài Cường hãy vì thể diện của mình, vì danh dự gia đình và vì tương lai con cái mà quay trở về với bổn phận. Đang lúc “phê” mà bị làm phiền, Cường mắng vợ thậm tệ.Trong cơn tức giận Cường đã nói thẳng với Xuân rằng vợ con, gia đình đối với Cường lúc này là vô nghĩa. Cường yêu cầu Xuân hãy coi cuộc hôn nhân của hai người như đã tan vỡ:
- Từ nay đường ai nấy đi đừng ai gây phiền hà cho ai nữa
Nghe Cường nói, Xuân giận đến tím mặt, nàng tát cho Cường một tát tai để cảnh cáo về những lời nói vô trách nhiệm, xong nàng ra về trong tủi hận sau khi nói một câu dứt khoát:
- Từ nay anh được tự do. Tôi hứa sẽ không bao giờ làm phiền anh nữa.
Khi bình tĩnh lại Cường thấy mình sai nhưng đã muộn. Vì tự ái Cường không về nhà nữa, Từ đó hai người không còn gặp nhau.
*
Sau biến cố 30-4 Cường cũng phải đi tù cải tạo như những sĩ quan khác. Khi được tha về, Cường lấy địa chỉ của mẹ ở vùng thôn quê làm địa chỉ cư trú. Nhưng rồi Cường lại ngỏ ý với mẹ muốn lên Cần Thơ làm ăn. Cường lấy lý do ở thành phố dễ sống hơn, kỳ thực Cường muốn thỉnh thoảng còn được nhìn thấy mặt vợ con mặc dầu Cường không bao giờ muốn vợ con nhận ra mình. Mẹ Cường đã chạy hết đầu này đến đầu kia mới gom được một số tiền đưa cho Cường. Ngày Cường từ giã mẹ, bà đã khóc hết nước mắt. Bà cằm tay Cường dặn đi dặn lại phải kiếm cách mà tự sinh sống, bà không thể nào giúp được gì nữa.
Với số tiền mẹ đưa, Cường mua được một chiếc xích lô đạp cũ kỹ. Chiếc xích lô ban ngày là phương tiện kiếm sống, ban đêm là nhà ở của Cường. Cường không có một nơi ở nhất định, nay ở chỗ này mai ở chỗ kia. Chỗ nào có thể đậu được chiếc xích lô thì đó là nơi cư trú của chàng. Việc bỏ quê lên thành phố và sống lang thang như vậy dĩ nhiên không thể yên với bọn công an. Cường luôn luôn bị làm khó dễ, mỗi lần bị hạch hỏi Cường lại phải tốn mấy điếu thuốc lá có cán mới được yên thân.
Sống những ngày buồn chán và thấy tương lai mờ mịt như vậy, Cường lại sa vào con đường cũ, lại muốn tìm đến những cảm giác lâng lâng để quên đời. Việc kiếm ăn mỗi ngày một khó khăn vì đội quân xích lô ngày càng nhiều mà khách hàng thì ngày một ít. Thời buổi làm ăn khó khăn người ta đi bộ nhiều chứ ít người chịu đi xe. Tiền kiếm hàng ngày đã chẳng được bao nhiêu lại có nhiều khoản chi tiêu như trả cho những cữ thuốc hàng ngày không thể thiếu, lại còn phải dành tiền mua thuốc lá có cán để hối lộ công an, khoản tiền dành cho việc ăn uống chẳng còn là bao. Vì thế mà cơ thể Cường ngày một tàn tạ, sức khỏe mỗi ngày một suy yếu, tinh thần càng ngày càng bacï nhược.
Cứ vậy, cho tới ngày gặp lại người bạn thân cũ nay đã thành Việt kiều.
Câu chuyện giữa hai người bạn đang xoay sang hướng khác:
- Mày đi tù cải tạo về còn giữ giấy tờ không" Phong hỏi.
- Còn chứ. Không có giấy tờ đó thì làm sao mà yên với tụi công an được.
- Sao mày không nộp giấy tờ đi Mỹ như người ta"
- Đi Mỹ hả" Tao đi Mỹ Tho còn chưa đủ tiền nói gì đi Mỹ.
- Nếu mày đồng ý tao sẽ giúp mày.
Cường không mấy quan tâm đến lời hứa hẹn của Phong vì nghĩ rằng đó chỉ là những lời đầu môi chót lưỡi nói cho qua. Tuy vậy Cường cũng không muốn làm phật lòng người bạn lâu ngày mới gặp lại nên nói:
- Tao như thế này ai cho đi Mỹ"
- Thì mày phải cai thuốc để lấy lại sức khỏe trước đã.
Hai người nói chuyện với nhau thật lâu. Lúc đầu Cường còn e dè về nếp sống cách biệt giữa hai người nhưng thấy Phong nói chuyện rất cởi mở và thành thật khiến Cường mất dần mặc cảm làm cho câu chuyện của họ mỗi lúc một rôm rả hơn. Có lúc hai người cười đùa vui vẻ, có lúc lại tranh luận sôi nổi giống như gây lộn. Những điều mà hai người hăng say tranh cãi xoay quanh vấn đề do Phong đưa ra là Cường phải từ bỏ cuộc sống bê tha hiện nay, phải cai thuốc để lấy lại sức khỏe và phải đi Mỹ để làm lại cụôc đời. Trong lúc Cường lại cho rằng cuộc đời của chàng kể như đã hết, không còn cách nào cứu vãn được và chỉ muốn buông xuôi. Mỗi người có lý lẽ riêng và dường như cả hai đều cố gắng bảo vệ lý lẽ của mình khiến cho cuộc bàn cãi rất gay go tưởng như không thể nào dung hòa được. Nhưng cuối cùng thì Cường đã đồng ý theo cách sắp xếp của Phong.
Trước ngày trở về Mỹ, Phong đã đưa Cường về nhà ở với mẹ và tìm được người có uy tín bảo đảm giúp Cường cai thuốc có kết quả. Bà Đức là mẹ của Phong, bà thương Phong lắm nhưng lại nhất định không chịu đi Mỹ vì không thể sông xa làng xóm và mồ mả ông bà. Bà Đức là người hiền lành thấy hoàn cảnh của Cường thì động lòng thương, bà coi Cường như con, bà rất lưu tâm đến việc bồi bổ sức khỏe cho Cường. Công việc cai thuốc của Cường có kết quả trông thấy, chẳng bao lâu Cường lấy lại phong độ.
Theo lời dặn của Phong, bà Đức nhờ người cùng đi với Cường lo giấy tờ đi Mỹ. Bà cũng sẵn sàng đưa thêm tiền để họ lo thủ tục “đầu tiên” nên thiếu giấy tờ gì cũng có người lo, đến chỗ nào công việc cũng trôi chảy. Hồ sơ xuất cảnh của Cường tiến triển tốt đẹp. Cuối cùng thì Cường đã có được tấm hộ chiếu trong tay. Trong lúc đó ở bên kia bờ đại dương, Phong đã lo liệu mọi thứ và có sẵn kế hoạch để Cường có thể hội nhập vào cuộc sống mới ngay khi đến Mỹ.
*
Từ những hàng ghế dành cho sinh viên tốt nghiệp đang chờ đợi, nét mặt Cường trông thật rạng rỡ. Xúng xính trong mũ áo của ngày ra trường, Cường không giấu được vẻ hớn hở khi nghĩ đến tương lai rạng ngời đang chờ đón chàng. Cường không thể nào ngờ được chàng có ngày hôm nay.
Làm sao có được ngày hôm nay nếu chàng không gặp Phong trên cuốc xe xích lô năm nào. Cuốc xích lô đó, đúng là cuốc xích lô định mệnh, đã chuyển đổi vận mệnh của chàng. Từ một phu xe nghèo khổ, tương lai đen tối, đang sống trên một đất nước nghèo nàn nay chàng sắp nhận bằng đại học và sẽ được nhận một công việc tốt tại một công ty lớn trên nước Mỹ, một đất nước giầu mạnh vào bậc nhất thế giới.
Càng nghĩ Cường càng mang ơn Phong, một người bạn hiếm có trên đời đã tận tình giúp đỡ và liên tục khích lệ chàng trong những năm chàng học ở đại học. Trong thời gian đi học, nhiều lúc Cường gặp những khó khăn không nhỏ, cũng có khi Cường thấy chán nản đến muốn bỏ cuộc. Nhưng khi nghĩ đến tấm lòng của người bạn tốt, Cường tự nhủ không thể phụ lòng Phong và rồi chàng có được nghị lực để tiếp tục phấn đấu và vượt qua được mọi khó khăn. Nghĩ đến công ơn của Phong, Cường nhớ tới câu chuyện Lưu Bình- Dương Lễ. Tuy Phong và chàng không hoàn toàn giống như Lưu Bình và Dương Lễ nhưng trong một khía cạnh nào đó, họ thật giống hai nhân vật này.
Ngoài Phong ra, bà Đức cũng là ân nhân của Cường. Bà đã lo lắng cho Cường giống như một bà mẹ lo lắng cho con. Lúc Cường sống tại nhà bà, bà mong Cường mau hồi phục cả về mặt cơ thể lẫn ý chí. Nghĩ đến bà Đức, Cường không khỏi chạnh lòng nhớ đến mẹ mình. Cường không thể nào quên được hình ảnh tất bật của mẹ khi bà chạy đôn chạy đáo để có tiền đưa cho Cường đi Cần Thơ. Nhờ tiền đó chàng đã mua được chiếc xích lô tạo cơ duyên để chàng gặp được Phong. Miên man trong suy nghĩ, Cường nghĩ tới Xuân và hai đứa con của chàng. Bỗng Cường thở dài...
Trong lúc đó thì tại vị trí của những thân nhân đến dự lễ ra trường, Phong cũng cảm thấy toại nguyện. Nghĩ đến giây phút Cường được xướng danh để tiến lên nhận bằng, Phong cảm thấy sung sướng, cái sung sướng có pha lẫn chút tự hào. Phong mang niềm vui của một người có bạn thân thành đạt nhưng hơn thế nữa, chàng còn sung sướng vì đã giúp Cường trở thành con người hữu dụng. Phong không dám nghĩ đã làm được một công việc đại nghĩa nhưng quả thực chàng đã làm được một công việc có ý nghĩa. Phong nghĩ nếu mẹ chàng, bà Đức có mặt ở đây chắc bà cũng vui mừng lắm.
Bỗng Phong nghĩ đến mẹ của Cường, một bà mẹ mang tất cả đặc tính của một bà mẹ Việt Nam, lo lắng cho con từ tấm bé cho đến lúc con trưởng thành rồi vẫn chưa hết lo. Phong được nghe kể rằng ngày Cường đi tù về bà mừng lắm nhưng bà cũng vô cùng buồn khổ trước hoàn cảnh trái ngang của con trai. Bà muốn mọi điều tốt đẹp cho Cường nhưng bà bất lực. Bà chỉ biết khóc. Khóc là cách duy nhất để giải quyết công việc của người bất lực. Phong nghĩ nếu bà thấy được cảnh sum họp của gia đình Cường chắc bà vui mừng lắm. Phong thấy vui vui nghĩ đến chuyến hồi hương sắp tới của chàng và Cường...
Buổi lễ ra trường đã bắt đầu. Sau những nghi thức thông thường là phần xướng danh những sinh viên tốt nghiệp. Khi tên của Cường được đọc lên, từ chỗ ngồi dành cho thân nhân, Phong đứng dậy vỗ tay thật to có ý lôi kéo đám đông vỗ tay theo để cổ võ cho Cường và đã được một số người Việt có mặt hưởng ứng. Tuy vậy tiếng vỗ tay dành cho Cường không nhiều bằng tiếng vỗ tay dành cho những sinh viên khác có nhiều thân nhân và bạn bè đến dự lễ. Nhưng Cường đâu có cần, Cường đang sung sướng nhận phần thưởng cao quý dành cho chàng sau mấy năm khổ công đèn sách.
Khi buổi lễ chấm dứt mọi người kéo nhau ra bên ngoài đứng thành từng nhóm trên những bãi cỏ xanh. Họ tặng quà cho tân khoa cùng với những cái ôm hay bắt tay nồng nhiệt. Họ quay phim, chụp hình lưu niệm. Phong đứng đợi Cường ngay cửa ra vào. Gặp nhau họ siết tay nhau thật chặt và cùng cười vang. Nhìn thấy những sinh viên vừa ra trường ở gần họ đều có quà tặng của thân nhân hay bạn bé, Phong nói với Cường:
- Tao cũng có quà cho mày nhưng ngay bây giờ mày chưa thấy quý đâu.
- Quà gì mà bây giờ lại chưa thấy quý"- Cường lơ đãng hỏi lại
- Một chuyến hồi hương.- Phong đáp
- Cái gì"- Cường tỏ vẻ ngạc nhiên
- Mày không tin hả" Vé máy bay đây nè- vừa nói Phong vừa rút từ túi quần sau ra một xấp trong đó có vé máy bay đưa cho Cường.
- Cám ơn mày, tao cũng muốn về Việt Nam một chuyến trước khi nhận việc. Mày làm tao bất ngờ quá.
- Ở đời luôn luôn có những chuyện bất ngờ và mày sẽ còn gặp bất ngờ nữa Cường ạ.- Phong nói với bạn nửa úp nửa mở
- Chừng nào đi"
- Tuần tới.
*
Sau một chuyến hành trình dài, máy bay hạ cánh tại phi trường Tân Sơn Nhất vào một buổi chiều đẹp trời.
Từ phòng hành khách phi trường bước ra, Cường thấy người đến đón thân nhân đông như một đám biểu tình. Nhiều người giơ những tấm bảng có ghi tên lên cao, không biết là tên của người xuống máy bay hay là tên của người ra đón. Cường đã nhìn thấy bà Đức, cạnh bà là mấy người nữa, chắc họ đến đón người nhà hay cũng có thể làø người nhà của bà Đức đi đón Phong, Cường chẳng mấy chú ý đến họ. Cường đi thẳng đến chào bà Đức và không quan tâm đến những người đang đứng gần bà.
- Cháu chào bác. Bác vẫn khỏe"
- Cám ơn cậu. Có nhận ra những ai đây không"- bà Đức vui vẻ hỏi Cường vừa đưa tay về phía những người đang đứng quanh ba.ø
- Má! Má cũng đến đón con"
Cường sửng sốt khi nhận ra má mình.
- Ừa. Có cả vợ con của mày nữa đây nè.
- Anh!
- Ba!
- Hai đứa con của Cường cùng lên tiếng một lượt.
Cường vô cùng ngạc nhiên, hết nhìn bà Đức lại nhìn Phong đoán rằng có lẽ Phong nói cho bà Đức biết để báo cho mẹ và vợ con của chàng. Để đánh tan không khí yên lặng, Phong lên tiếng nói với Cường:
- Bất ngờ phải không" Không phải chị Xuân chỉ được báo cho biết ngày mày về nước mà chị đã theo sát cuộc sống của mày từ ngày tụi mình gặp nhau.
- Nghĩa là sao"- Cường vừa hỏi lại vừa nhìn Xuân.
- Chính em đã nhờ anh Phong giúp đưa anh ra khỏi cuộc sống bê tha.
- Chưa hết, tất cả mọi chi phí từ tiền cai thuốc, ăn uống bồi dưỡng và lo giấy tờ đi Mỹ đều là tiền của cô Xuân. Cô Xuân nhất định không chịu để cho mẹ con tôi giúp đỡ tiền bạc cho cậu- bà Đức nói với Cường.
- Tiền mua xích lô cũng là tiền của vợ con đưa cho má đóù.- má Cường nói thêm.
- Em tha lỗi cho anh, các con tha lỗi cho ba- vừa nói Cường vừa giang hai cánh tay ôm choàng lấy vợ con đang đứng trtước mặt.
Khi Cường buông tay ra, đứa con gái của Cường nay đã lớn rút khăn ra lau nước mắt cho Xuân và cho Cường trong lúc trên khuôn mặt của cháu cũng đầm đìa hai hàng nước mắt. Như quên hẳn những người đang có mặt, Cường ôm choàng lấy Xuân và nói bên tai vợ:
- Em tốt với anh quá. Trong lúc anh hư đốn mà em vẫn coi anh là chồng"
- Em đã từng nói với cha em rằng nếu không lấy được anh thì em sẽ ở vậy suốt đời mà! Anh không nhớ sao"
- Nhớ, nhớ...Và em đã giữ mãi lời nguyền của mình.
Hải Triều