Tác giả Quang Danh đã góp một số bài viết đặc biệt ngay từ năm thứ nhất của giải thưởng Viết Về Nước Mỹ. Bài mới nhất của ông lần này là chuyện đàm thoại giữa hai thế hệ trong một tiệm hớt tóc. Nhan đề được đặt lại theo nội dung bài viết.
*
Một buổi chiều thứ Bẩy, trong ga ra hớt tóc ... "chui" mà tôi thường lui tới. Cảnh trí một tiệm hớt tóc (chui) ở Mỹ tất nhiên cũng có đổi thay so với bên quê nhà, nhưng cái hồn của một tiệm hớt tóc bình dân ở Việt Nam như vẫn còn phảng phất đâu đây.
Anh chủ "tiệm" tôi quen cũng có bản tánh của nhiều ông "phó cạo" khác mà tôi để ý, là thích bàn xa tán gần đủ thứ thiên hạ sự, đẩy đưa theo khách. Anh cũng có sẵn một bàn cờ tướng để giải khuây lúc rỗi rảnh, để khách trổ tài, hoặc theo dõi một ván cờ và có cơ hội để bàn ra, tán vào cho quên thời gian chờ đợi tới phiên mình . . . xuống tóc. Anh cũng chế biến một cây đờn ghi-ta thành cây đờn ...vọng cổ, rồi đôi khi cũng hứng chí lên bổng xuống trầm, ngân nga vài ba câu lúc gặp khách đa tài ôm đờn phụ nhạc với anh. Còn báo chí thì ôi thôi, không thiếu một tờ Việt ngữ nào của địa phương, dù đã cũ cả năm anh cũng không muốn bỏ, anh quan niệm báo chưa đọc là báo mới. Khách tới đây thường là đồng hương, thuộc diện "dân nghèo thành phố", thuộc "típ" ghiền được cạo mặt và lấy ráy tai như hớt tóc ở Việt Nam, ngoài ra cũng còn khách lối xóm tới vì ghiền. . . Việt ngữ.
Khi tôi tới, “tiệm” của anh cũng đã khá đông... đực rựa . Người đọc báo, kẻ chơi cờ, còn cây đờn ghi-ta thì đang chờ... đờn sĩ. Anh "phó cạo" thì dĩ nhiên là đang trổ tài xuống tóc cho một ông.. dài tóc. Mặc dù bận rộn, thấy tôi anh cũng không quên vồn vã:
-Khoẻ hả" Chờ nghe! Hai ba người nữa là tới... ông, hổng lâu đâu!
Tôi tỏ dấu OK, rồi lục lọi vài tờ báo cũ đọc... chờ thời. Bỗng nghe một cái "bạch", anh "bạn đọc trẻ" ngồi bên tôi đập tờ tuần báo cũ xuống đùi rồi hỏi trỏng:
-Ha! Phải chi hồi đó Ba mươI tháng Tư mà có cha tướng tá nào kéo quân vô... bưng hay ra ngoài Phú-Quốc cố thủ như tụi Đài-Loan thì mình đâu có đến đổi... phải hông"
Chẳng ai trả lời, nhưng anh chủ tiệm đã quay qua và... giao banh rất lẹ, anh chĩa kéo về tôi:
- Lính đó. Cũng học tập hai, ba năm... Sao trả lời coi!
Tôi dẫy nẩy:
- Lính như tôi biết gì... bài báo đó tôi đã đọc... họ cũng nói còn quá sớm để trả lời.
Không ngờ anh "bạn đọc trẻ" quay qua tôi.. bắn một băng:
- Sớm"....Mất nước bao nhiêu năm rồi mà còn sớm" Chờ mấy ổng chết hết ai trả lời cho đúng" Viết dã sử thì sớm, chớ viết lịch sử... Coi bộ trễ rồi đa!
Nói một hơi, rồi làm như thấy quá lời, anh nhìn tôi và dịu giọng:
-Anh đã học tập hả" Không mất nước thì bây giờ anh cũng lên tới.. Tá!...Thử.. thử trả lời coi.. . xếp!
Thiệt là tức cườI cái nhà anh "bạn đọc trẻ" xỗ sàng này, tôi đáp:
-Sao anh không nghĩ là tôi đã.... "xanh cỏ" mà còn cho lên tới Tá" Lo kiếm sống chưa xong,.. đâu có văn ôn võ luyện gì mà giải với đáp.
Câu chuyện bất ngờ, khiến một vị có tuổi đang chăm chú chơi cờ bỗng đổi lại thế ngồi, và quay qua góp chuyện:
- Xin lỗi!.. tui đây không biết bài báo ra sao, trả lời sao... Thế nhưng tui nghĩ như vầy...
Chưa dứt câu, ông quay lại với đối thủ chơi cờ:
- Cứ lo "đi" đi! Tui nói mặc tui.. Nói cho cùng, lúc đó...hồi "Bẩy lăm", mấy ông tướng muốn lập chiến-khu hay lui ra ngoài đảo cũng không phải dễ. Mấy chú cứ coi cái thế của lãnh thổ miền Nam ắt thấy. Phiá Bắc giáp... Việt Cộng... trên Việt Cộng lại là Tàu Cộng. Phiá Tây bấy giờ có Lào Cộng, và Miên Cộng, vì lúc đó Miên, Lào đã mất về tay Cộng Sản trước mình rồi. Nam với Đông thì giáp biển, mà nói tới đảo, thì mình chỉ có Phú-Quốc với Côn-Sơn là lớn... Phía ngoài xa cũng còn mấy giải đảo... phân chim là Hoàng-Sa, Trường-Sa gì đó... Quan-trọng về chiến-thuật, chiến lược, hay dầu mỏ ở mấy cái đảo này thì tui không biết.... chứ lập căn-cứ cho cả ngàn dân, quân sống và chiến đấu thì Hoàng-Sa và Trường-Sa chắc khó sài... Mà thiệt ra lúc đó, Trung-Cộng nó đã chiếm của mình từ hồi "Bẩy tư" lận! Tui còn nhớ trước lúc bị chiếm ít tuần, mấy "ông làm báo" nói là... ai kiểm soát được Thái Bình Dương là kiểm soát được luôn thế-giớị... và lúc đó mấy "ông hạm đội số 7" của Mỹ còn lòng dòng ngoài đó... để nhòm vô vịnh Bắc Việt... Ai dè ít ngày sau, mấy "ông nhà báo" lại loan tin hạm-đội số 7 của Mỹ vừa rút khỏi biển Đông! Kế đó mấy ông Mỹ còn sắp hạng cho hải-quân của mình đứng hàng thứ 12 trên thế-giới bất kể mình chưa làm nổi một chiếc tàu lớn, nhỏ nào! Rồi mấy "ông hạm đội số 7" vừa dông, "ông hải-quân Trung-Cộng" nhào ra liền, cướp Hoàng-Sa với Trường-Sa của mình cái một! Hồi đó Việt-Cộng còn xía vô binh... là của ngườI ta thì ngườI ta... lấy! Ôi mà thôi! Chuyện mấy cái đảo này còn lu bu cho tới bây giờ...
Ông ta có vẻ quên hẳn bàn cờ tướng, tiếp tục:
- Để tui nói về Phú-Quốc với Côn-Sơn... Hai đảo này làm sao mà so với Đài-Loan! Mấy chú coi trên bản đồ thì ắt thấỵ Đài-Loan bằng cỡ hột phọng, còn Phú-Quốc cỡ hột mè, Côn-Sơn thì nào thấy tăm hơi gì... Đài-loan dài trên dưới bốn trăm cây... rộng trên dưới một trăm mấy chục cây.... Xa lục địa cũng cả trăm cây lận... Máy bay thời "bốn chín" nếu Trung-Cộng mà có, bay ra tới đó thả bom chắc hổng đủ xăng mà quay đầu lại! Mà ngày nay hỏa tiễn cỡ bự ở trỏng mà bắn ra coi như cũng còn bù trất!... Cái hồi "năm bẩy" , "năm tám" gì đó, tụi Trung- Cộng có bắn ra, nhưng chỉ tới mấy cái đảo ở gần như Kim-Môn, Mã-Tổ... điều này không chừng mấy chú biết hơn tui...
Nói cho một hơi, ông ngưng , quay qua đi tiếp ván cờ. Anh "bạn đọc trẻ" vội hỏi dồn: Vậy... vậy còn Phú-Quốc"
- Phú-Quốc".. Xứ tui mà... Nhưng tui chỉ biết phỏng chừng.. nó cách Hà-Tiên ba mươI cây, bề dài nhứt khoảng năm mươI cây gì đó... núi non sông rạch đâu đáng kể. Côn-Sơn còn nhỏ hơn... xa đất liền đâu chừng bẩy chục cây... dài hai mươi, rộng bảy hay tám cây gì đó thôi... Làm sao so vớI Đài-Loan, nó lớn hơn tới mấy chục lần Phú-Quốc, mặc dầu Phú-Quốc cũng có dân, có cơ sở, có doanh trại, có bến tầu, có phi trường nhưng đáng kể gì! Bởi đó tui nghĩ mấy ông tướng của mình mới bó tay, không còn đường nhúc nhích. Mấy ổng có ngu là ngu không nói trơn miệng mấy "trận đánh để đời" trong sách Tây sách U gì đó... chớ mấy ổng đâu có ngu để không thấy rõ tình thế chiến-tranh ở xứ mình nó không giống một con giáp nào hết trơn, hết trọi... Nó "leo thang", "xuống thang" tùy theo kế-hoạch của mấy ông kêu bằng đồng-minh của mỗi bên ở tuốt đâu bên Nga, bên Mỹ, bên Trung-quốc... thay đổi hoài hoài! ... Hồi năm "sáu ba", "sáu bốn" một ông tướng quân-khu còn có thể bay đi, bay về Sài-Gòn như cơm bữa để giải-trí phòng trà, bồ bịch... Nhưng tới "bẩy mốt", "bẩy hai" nó khác, kinh-nghiệm cầm dân giữ đất của mấy ông trước mà mấy ông sau xài theo là trật lất, chớ nói chi tới chuyện đánh nhau ở bên Tây với ở bên Tầu cả trăm năm... cũ. Mấy ông tướng lúc sau này nếu thật giỏi là phải biết bao dàn cả cầm quân, lẫn cầm dân, bao trùm luôn cả chiến lược, cùng với mấy thứ kêu bằng tiếp-liệu, tiếp-vận gì đó nữa... Đó là cái khó!! Mấy bữa rày coi TV chiến tranh với Iraq, mấy chú đâu có thấy một ngày mỗi lính Mỹ cần uống bao nhiêu chai nước, ăn mấy bịch lương khô, mỗi xe tăng phải đổ thêm bao nhiêu ga lông xăng, mỗi khẩu súng phải có thêm bao nhiêu viên đạn, mỗi cái máy truyền tin phải thay mấy cục pin. Nếu không có nhiều đoàn xe hoặc trực thăng, mỗI ngày đi đi,về về, chạy theo, bay theo tiếp tế thì làm sao mà đánh đấm.
Rồi làm như thấy mình nói xa đề, ông ngưng ngang, cúi xuống bàn cờ. Nghe cái điệu kể lể, lý luận dông dài như chuyện đờI xưa, nên ông khách vừa mới hớt tóc xong, trả tiền, phủi tóc dính áo quần, nhưng cũng còn hứng nghe, nên lặng lẽ kiếm chỗ ngồi hóng chuyện.
Anh "bạn đọc trẻ" thì vẫn còn nôn nóng:
-Vậy chớ, sao không vô rừng lập chiến-khu" Xứ mình rừng núi hiếm gì!
Vẫn ngó xuống bàn cờ, ông già vừa khôi hài vừa chán nản:
-Điều này chú phải hỏi mấy... ổng. Nhưng tui nghĩ như vầy...
Ông hắng giọng, đi một con cờ. Mấy người khách đưa mắt nháy nhau, biết ông già lại bắt đầu... "mở máy".
- Rừng núi xứ mình dĩ nhiên là đâu có hiếm... ba phần tư đất đai chớ ít gì... đâu có trơ trụi, hang động như bên Afghanistan hay hoang vu như sa mạc bên Iraq. Khổ nỗi, hồi nào tới giờ mình ở thế bị tấn-công, bị xâm-lăng. Xâm-lăng từ miền Bắc, từ Trung-Quốc, từ Liên-xô... đâm ngang hông từ Lào, từ Cam-Bốt. Phía mình thì cũng có Mỹ giúp cho chớ chẳng phải không có. Nhưng ông Mỹ dậy mình đánh nhau theo cái kiểu nhà giầu, có bao nhiêu súng đạn phải bắn xả láng, phải dàn quân bố trận đàng hoàng thì mấy ổng đánh mới hay. Trước khi muốn làm lớn chuyện, mấy ổng phải có thưa, có gởi với quốc hội của mấy ổng đàng hoàng. Bởi đó, giống mấy người đời xưa đánh võ, trước khi nhào vô, phải đi mấy đường quyền tạ thầy, tạ thánh... Rủi mà gặp địch thủ cao tay nó biết ngay là muốn đánh kiểu gì. Xứ của họ dân chủ, chi thu nhiều ít cho cuộc chiến phải công bố đàng hoàng, thế là địch quân nó biết "leo thang" hay "xuống thang" dễ ợt! Do đó mình lo thủ không hà, mỗi cây cầu, mỗi khúc sông, mỗi ngã ba đường là phải có rải quân canh giữ, trong khi bọn Việt Công khoẻ re, muốn đánh thì gom quân, muốn nghỉ thì phân tán, phây phây giả làm.. phó thường dân! Bộ đội chết nhiều, thì chúng gom luôn cả đàn bà, con nít, đánh cái kiểu "biển người", kiểu thí quân thì đâu cần huấn luyện. Hơn nữa tụi Việt-Cộng nó đã lập chiến-khu trong rừng từ hồi nào tới giờ. Còn quân lính mình hồi nào tới lúc đó, phải lo cả trăm việc bảo vệ dân ở bên ngoài, đâu có mấy khi nhào vô tới mật-khu của chúng. Mà điều -kiện Việt-Cộng nó lập chiến-khu thế nào, thì đương nhiên mình cũng phải làm tương-tợ. Ấy, đó là cái dẫm chân lên nhau, mình với chúng sẽ đụng nhau ở gần con sông, con suối, hay đường mòn liên lạc ra bên ngoài, lúc mình chưa đủ lông, đủ cánh... Ừa mà việc vô bưng cấp thờI kể như xong đi, nhưng rồi năm bữa nửa tháng, việc lương-thực, việc thuốc men, đạn-dược hao-hụt, ai là người trong nước, ngoài nước tiếp-tế cấp thờI đây" ... Nội giải quyết cái việc truyền-tin, liên-lạc cũng đâu có dễ như mình trở bàn ta!.... Mình là xứ nghèo, xứ rách nát vì chiến-tranh, chưa làm ra được mấy cái thứ giết nhau, mà lúc đó rõ ràng là mấy cái ông đồng-minh của mình đem mình tới...Paris để bỏ mình. Vậy cấp thời ai giúp đây" Nếu không thì mình đâu đến đổI xuống tinh-thần, đến đổI phải lo lập chiến-khu, phải không"
Quang-Danh