Hôm nay,  

Hồi Ký Chuyến Đi Mỹ-thailand-saigon-hà Nội-đài Loan

20/05/200100:00:00(Xem: 210840)
Bài tham dự số: 02-249-vb0518

Sau một năm làm việc vất vả chạy đua theo cỗ máy tốc độ, theo tiếng tích tắc của kim đồng hồ, vợ chồng tôi lại bàn tính dành thời gian đi nghỉ xả hơi ở đâu. Tôi chỉ muốn đi đến nơi chốn nào yên lặng, chẳng hạn gần biển, hoặc trên núi để đầu óc được yên tĩnh, nghỉ ngơi sau một năm vận não quá nhiều. Còn chàng chỉ muốn đi nơi chốn nào, có anh em, bạn bè đông để lai rai, tán dóc chuyện gẫu tiếu lâm giao chỉ... Hai đứa tính tới tính lui... sau cùng, trước những lời năn nỉ xuống nước hằng đêm của chàng, tôi đồng ý là một tuần ở Thailand nghỉ mát vùng biển Pattaya, hai tuần vacation còn lại đi Việt Nam.
Dành dụm tiền heo đất, tính toán ngày đi làm, ngày vacation, book vé tháng nào cho rẻ và nhất là không đi vào mùa khí hậu nóng oi bức.....
Ngày nào đi làm về sớm tôi lại tạt vào shopping hôm thì Costco, hôm thì K-Mart, hôm thì Ross, hôm thì Rite Aid, Circuit Circuit... đủ các nơi, lựa chọn mua sắm, lớp mua quà cho người thân, lớp mua kẹo bánh, thuốc men cho các trại cô nhi... Tay xách nách mang xếp đầy "cóp" xe... Rồi cũng đến ngày đi, tôi đóng gói vào vali, xách lên cân rồi lại xách xuống bỏ bớt thứ này, cho vào thứ kia sao cho vừa vặn 32kg mỗi túi xách, gặp cái cân loại cân đứng nhỏ, thật khó cân chính xác. Thế là con bé phải cân luôn cả người và vali cho chắc ăn. Trời cuối đông, sắp vào xuân, khí hậu vẫn se lạnh, thế mà mồ hôi giọt giọt đổ xuống ướt đẫm áo.
Sắp đi chơi xa, chàng phải ở lại hãng làm thêm giờ cho xong công việc. Tôi cũng chẳng khác gì chàng, lớp đi làm ở nhà thương, lớp đi dạy học, lớp đi học thêm lên cao học, cũng bận tối mặt phải ráng thức khuya mỗi tối thêm vài giờ để đóng gói cho xong...
Tối thứ sáu 10 giờ ra sân bay, hai vợ chồng tôi gọi phone hẹn nhau ăn tối ở phở Bolsa lúc 8 giờ tối, xong là phóng xe về nhà sửa soạn đi. Trời hôm ấy mưa bụi bay, khí hậu se lạnh, chàng và bác tài phụ nhau khuân 4, 5 vali nặng gần 300 pounds đồ lên xe, chàng nhăn nhó "Sao em mang đồ gì lắm thế! Mỗi lần đi gần đây, em chỉ pack có một túi nhỏ quần áo cơ mà..." Tôi phải nhẹ nhàng trách chàng "Anh không nhớ à, đi về Việt Nam thì đừng bao giờ anh rên là phải khuân đồ cả, anh đã hứa với em là sẽ vui vẻ trong việc khuân vác đồ về cứu trợ cơ mà..." Thế là chàng hiểu ra và nhớ lời đã hứa với tôi là trong việc đi chơi, hai đứa sẽ kết hợp công việc từ tâm, mang thuốc men, kẹo bánh, đồ dùng đến các trẻ em mồ côi, mù lòa bên quê nhà...
Ở phi trường LAX chúng tôi chẳng làm gì gặp khó khăn trong việc gửi hành lý. Đúng là Mẽo mà! Làm việc gì cũng nhanh chóng và không có màn mè nheo, eo sách đòi tiền trắng trợn như ở phi trường Tân Sơn Nhất, phi trường Nội Bài - Việt Nam.
Đúng 1 giờ khuya máy bay cất cánh, hai vợ chồng tôi ngã ghế nằm cho thư giãn... Tôi ngã vào vai chàng cảm thấy niềm hạnh phúc trào dâng...
Chàng lên tiếng: "Tội nghiệp em đóng gói quà cáp cho người thân, trẻ em mồ côi, bên quê nhà một mình, anh không giúp được gì em mà lại cằn nhằn lúc khuân vác..."
Tôi chữa thẹn cho chàng: "Ông nào cũng mang bệnh nhăn giống nhau cả, em quên rồi và không bao giờ giữ cái buồn ấy trong lòng đâu, hi... hi... Hai đứa mình đã phối hợp chuyến đi chơi với làm việc thiện là vui lắm!"
Sau bữa ăn lót lòng vào giữa khuya, hai đứa trùm mền và chìm vào giấc ngủ thật sâu và thật hạnh phúc, ấm cúng bên nhau...
Ngủ hơn 6 tiếng đồng hồ, các cô tiếp viên đưa khăn mặt nóng cho khách lau mặt, chuẩn bị bữa ăn kế....
Tiếng loa từ speaker "còn hơn hai giờ nữa là đến phi trường Bankok." Thời giờ đi nhanh quá! Thế là tụi tôi đã ngồi máy bay hơn 14 tiếng.
Bước xuống khỏi máy bay, mỗi hành khách được choàng vào cổ một vòng hoa lan, hương hoa thơm tỏa ngát. Phi trường Bankok thật sạch và đẹp, màu vàng nhũ ánh bạc thật hài hòa với kiến trúc kiểu mái nhà cong cong, nhọn hoắc mỗi góc của người Thái.
Các gian hàng mỹ nghệ, vòng vàng, bạc, đá quí đủ loại, nhất là các bóp xách, giầy dép làm bằng da cá sấu đã thu hút du khách vào xem và mua quà lưu niệm. Mỗi hàng một vẻ, tụi tôi đi xem các gian hàng hơn giờ đồng hồ mà chưa đã mắt. Những ngày ở Thailand thật vui, tour đi du lịch một tuần ở Thái chỉ hơn hai trăm đôla, gồm đủ cả đi Bankok, đi chợ trên sông (floating market) đi thăm cung điện nhà vua, trại nuôi cá sấu, nuôi rắn, xem múa hát dân tộc Thái, đi tàu (cruise) tới Pattaya tắm biển, ăn ngày ăn bữa ăn các món ăn Mỹ, Thái, Tàu... Ở Tháiland, dừa xiêm, nhãn lồng là trái cây đặc sản. Nước dừa rất ngọt và thơm mùi vanilla, nhãn lồng ngọt và cùi rất thơm, hạt chỉ bé xíu như hạt tiêu. Trái cây (tropical fruits) rau muống nhiều như bên quê nhà.
Cứ cách mỗi block đường là một tiệm bán đồ trang sức, có tiệm bán lụa tơ tằm (silk) rất đẹp. Chợ búa, tiệm ăn ở Thái rất sạch, siêu thị (supermarket) cũng 5, 6 tầng lầu, bày bán đủ mọi thứ, không khác gì các siêu thị ở Mỹ, một đôla Mỹ trị giá 40-45 baht Thái. Đời sống người dân có vẻ cũng thái hòa, tôi chẳng thấy có ăn mày, ăn xin ngoài đường như ở Trung Quốc, Việt Nam.
Trước khi rời Thái về Việt Nam, tụi tôi đi chợ (shopping) Thái, đủ mọi thứ bày bán, lòng chợ lớn gấp hai, ba lần chợ Bến Thành. Quần áo may sẵn đủ cỡ, rất xinh và rẻ. Tôi mua thêm một mớ kẹo bánh và kem đánh răng cho các em nhỏ mồ côi...
Sau hơn một giờ bay tới phi trường Tân Sơn Nhất. Khí hậu Saigon mùa này bắt đầu nóng bức, mồ hôi đổ ướt đẫm áo. Nhất là lúc nhận hành lý chất lên xe cart, rồi lại chất xuống cho các ông hải quan kiểm hàng, đi qua cửa nào cũng phải lót tay (kèm theo trong sổ passport) nếu không có sẽ bị làm khó dễ, đứng xếp hàng mỏi gối và bị trả lời những câu hỏi ấm ớ của các ông, nào về khách sạn tên gì (dù đã trả lời leo lên taxi, sẽ tìm khách sạn sau, du khách tới Việt nam thăm viếng, nào biết sẽ đi về khách sạn nào""") hoặc bị các ông áo vàng, áo xanh chất vấn mang cái gì, có mang máy móc gì phải lót tay nhiều hơn... Nghe thật mệt mỏi! Đã hơn 25 năm qua nhưng cũng chưa gì thay đổi, có lẽ cuộc sống với "chân ngoài dài hơn chân trong" đã ngấm vào máu người dân Việt Nam, họ phải làm vậy mới đủ sống! Hối lộ, tham nhũng, đút lót, cửa quyền vẫn đầy rẫy thì làm sao thu hút khách nước ngoài vào nhiều như các nước Thailand, Đài Loan, Mã Lai, HongKong... Có lót tay nên tụi tôi cũng qua lọt mọi cửa ải!
Saigon, nơi tôi sinh ra và lớn lên với biết bao kỷ niệm. Nhìn ánh nắng chói chang bên ngoài nhìn những bàn tay người thân giơ lên qua song sắt hàng rào vẫy gọi và nhất là nhìn những cảnh cha mẹ già ôm con trong vòng tay, nước mắt đầm đìa nhìn nhau sau hơn mấy chục năm không gặp con. Nhìn mái tóc bạc trắng, cái miệng móm mém của mẹ già khóc nghẹn ngào bên con, lưng mẹ già còng đang cố gắng ngửng đầu lên nhìn đứa con thân yêu, mắt tôi bỗng đỏ hoe theo. Lòng tôi trào dâng nỗi thương xót và nhớ Mẹ tôi! Mẹ ơi, con chẳng bao giờ được dũi vào nách mẹ nũng nịu, con chẳng bao giờ được hít lấy hít để mùi da thơm của mẹ ngày nào....
Tiếng chàng gọi xe taxi đưa tôi trở lại hiện thực. Đường phố Saigon tràn ngập người và xe. Không biết đâu mà lắm người thế! Tôi đọc báo nghe nói dân kinh tế mới, các tỉnh lũ lụt, không phương tiện sống đã đổ dồn về thành phố. Xe cộ chạy ngang dọc, không theo luật lệ trật tự gì cả. Cứ vài quãng đường, tôi lại thấy xảy ra một tai nạn xe. Tiếng còi xe inh ỏi, tiếng người lơ xe đò la hét, đập vào thùng xe, xe cộ chạy lấn đường. Tim, óc tôi làm việc căng thẳng theo.
Vì đi chơi theo tour từ Nam ra Bắc, tụi tôi chỉ được ba ngày tự do ở Saigon. Thế là hai đứa chia ngày thời khóa biểu làm những gì cho xong kịp mọi việc. Về tới khách sạn, tôi gọi phone liên lạc ngay với vài người bạn trong và ngoài nước cùng tham gia đi các trại cô nhi. Mỗi người một việc. Cũng mừng là buôn bán ở Saigon thay đổi rất nhiều. Tụi tôi gọi tổng đài 1080 hỏi thăm nơi mua đồ khô, tạp hóa...
Khoảng hơn giờ sau chủ tiệm chạp phô chợ Bình Tây đã giao đến tôi hơn 1 tấn gạo, mấy chục thùng mì, sữa, dầu ăn, đường, xà bông... Thật mừng là Saigon bắt đầu thay đổi, biết cởi trói lấy mình, buôn bán làm ăn theo phương thức của Tây Phương!
Vợ chồng tôi và vài người bạn mướn xe van lớn chở lương thực, kẹo bánh, thuốc men đi vòng quanh nội, ngoại thành Saigon trong hai ngày. Điểm đầu tiên chúng tôi đến là Chùa Kỳ Quang - Gò Vấp, nơi có hơn trăm đứa trẻ mồ côi, phần lớn là bị mù lòa, chậm phát triển trí nhớ (down-syndrom), Chùa chỉ có bốn người, ba vị sư và một người Phật Tử đảm trách việc chùa và trông nom các em, những người tới nấu bếp, tắm rửa cho các em sơ sanh, còn nhỏ. Họ là những người dân cư ngụ gần chùa tới làm công quả, phước thiện hàng ngày...
Phần lớn tụi nhỏ bị mù lòa bẩm sinh, có lẽ mẹ chúng là những gái qua đường, mầm mống bệnh tật từ trác táng đã truyền qua những đứa nhỏ. Thật tội nghiệp và xót xa nhìn những đứa trẻ mù lòa tay lần mò sờ vào khuôn mặt, tay chân những vị ân nhân đến thăm chúng.
Mất cha, mất mẹ đã là nổi cay đắng! Còn không thấy một ánh sáng nào chung quanh, đắng cay chừng nào! Nhìn lũ trẻ Việt Nam mồ côi, mù lòa đáng thương này và so sánh với những đứa trẻ đồng hoàn cảnh ở Mỹ, mà tôi xót xa. Sự khác biệt một trời, một vực! Một bên với cuộc sống đầy đủ tiện nghi, vật chất quá dư thừa, một bên trong nghèo nàn, thiếu thốn từ vật chất đến tinh thần. Một gian phòng nhỏ chứa trên 20 đứa trẻ không đủ chỗ cho chúng chơi đùa, chạy nhảy. Nhất là dụng cụ học tập, đồ chơi cho những đứa trẻ mù lòa quá thiếu thốn, nghèo nàn. Mấy chục đứa trẻ chơi chung một cái đồ chơi. Không những thiếu thốn về vật chất, chúng cũng chẳng có ai bế ẵm, ôm chúng trong vòng tay như trẻ con mồ côi bên Mỹ. Người dân ai cũng bận kiếm cơm từ sáng đến tối, số người đến làm thiện nguyện rất ít ỏi, nên những đứa trẻ mồ côi, mù lòa phải dựa vào nhau mà sống...
Chúng tôi đến thăm chúng vào giờ cơm chiều, thấy các mẹ (bảo mẫu) thiện nguyện xếp bày hàng dài những đĩa cơm và rau xào chay trên bàn cho chúng. Đã mù lòa, còn thêm suy dinh dưỡng, không đủ chất bổ trong bữa ăn. Thật thương tâm quá! Chúng chỉ có được vài ngày ăn mặn khi có các vị ân nhân đến thăm.
Chính phủ không tài trợ gì cho các nơi này. Chùa chiền, nhà thờ phải tự túc phương kế sinh nhai và nguồn sống chính của các cháu từ các vị ân nhân trong cũng như ngoài nước. Ước ao được trúng số loto, có nguồn tiền tụi tôi sẽ giúp đỡ các em nhiều hơn. Cầu mong thêm nhiều vị ân nhân trong và ngoài nước mang đồ ăn, quần áo, sách vở, dụng cụ học đến giúp các em thêm.
Hỏi thăm việc mổ mắt mù lòa cho chúng, tôi được biết, có rất nhiều cháu có khả năng tìm lại ánh sáng nếu được mổ ở bệnh viện St. Paul, mỗi ca mổ trên dưới một triệu tiền Việt Nam (khoảng 70-80 đôla). Nhưng chùa không có tài chánh đủ để mổ tất cả các em... chùa rất cần thêm nguồn tài chánh, cũng như thuốc men về mắt (trụ sinh) thuốc men về bệnh tật ghẻ ngứa, tiêu chảy xảy ra hàng loạt...
Rời chùa Kỳ Quang, chúng tôi đi tiếp các cô nhi viện quận Bình Thạnh, Thủ Đức, trường mù Nguyễn Đình Chiểu, Bừng Sáng, trường Câm Điếc Hồng Ngọc... Mỗi nơi dừng chân độ nữa tiếng mang quà cáp, thuốc men xuống cho các cháu...
Thật cảm ơn bạn bè, người thân trong cũng như ngoài nước đã giúp chúng tôi về sức lực, cũng như vật chất trong việc xây dựng cây bốn mùa xuân, hạ, thu, đông đến những người không may sa cơ lỡ bước, đến những trẻ em mồ côi, mù lòa, tàn tật. Dù tất cả chỉ là như hạt mưa sa giữa mùa nắng hạn.
Tôi ước mong mỗi Việt Kiều về nước sẽ góp một bàn tay mang hơi ấm đến các trẻ em mồ côi, "một miếng khi đói bằng một gói khi no" các bạn ạ!
Ngồi trên xe về, chúng tôi ngủ gà ngủ gật và thật thấm mệt. Có lẽ chúng tôi chưa quen với giờ giấc thay đổi ngày, đêm của Saigon và Mỹ. Thời giờ ngắn hạn quá! Mai tôi thu xếp gặp bạn bè, người thân một chút.
Tôi về tới gọi phone đến Thuấn Trinh, một người bạn Gia Long cũ. Trinh tưởng tôi nói đùa là đang ở Việt Nam gần nhà nhỏ Trinh... Hai đứa mừng quá, nói đủ mọi chuyện hơn nữa giờ, tôi nói Trinh: "muốn gặp các bạn cũ ngày mai, vì ngày mốt tôi rời Saigon và đi theo tour đi Hongkong Delta bằng đường sông, dọc miền Nam Việt Nam, rồi bay ra Hanoi..."
Sáng hôm sau, hơn 8 giờ sáng, đông đủ các bạn còn lại ở Saigon đến thăm vợ chồng chúng tôi. Thật mừng và cảm động biết ngần nào! Hơn 20 năm gặp lại nhau, bạn bè thuở trung học ngày nào vẫn nói chuyện hồn nhiên, tiếu lâm, mày tao mi tớ như ngày nào. Các bạn vẫn dễ yêu và yêu dễ như thuở xưa. Thế mà đứa nào cũng hơn bốn bó cả rồi, nghe sợ quá! Sắp làm tiệc ngũ tuần tới nơi, rất cám ơn Kiều Trang, Cẩm Vân, Mỹ Hạnh B, Thuấn Trinh, Thanh Hằng đã bỏ thì giờ kiếm cơm đến gặp nhỏ bạn tha hương trở về nơi chốn cũ! Cuộc sống ở Saigon vẫn còn bấp bênh, tiền bạc mất giá hằng ngày. Các bạn bè tôi vẫn phải chạy gạo đong từng bữa. Miếng ăn ở Việt Nam vẫn là chuyên lo toan hằng ngày của mọi nhà (trừ một số tầng lớp, gia đình có nguồn "tiền trên trời, dưới đất" hoặc viện trợ...) Đồng lương trung bình của một công chức khoảng 500.000- 700.000 đồng Việt Nam, một tô phở Tàu Bay giá 10.000 đồng, dĩa bánh cuốn giò lụa 10.000 đồng, một chục trứng gà giá hơn 20 đồng... đồng lương kiếm được chỉ nuôi sống một người. Còn lại gia đình không biết ra sao" Vì thế người dân ai cũng "chân ngoài dài hơn chân trong!" Lương giáo viên chỉ là bán cháo phổi. Nếu họ không ép học trò đi học công, sáng đi học tư các thầy cô giáo chiều, tối thì không cách nào đồng lương giáo viên đủ sống... Ngay cả môn Văn, Sử, Địa và những môn phụ... các cháu nhỏ cũng phải đi học thêm... Tôi về nhìn thấy lũ cháu đi học, đầu tắt mặt tối, không đủ thì giờ ăn, ngủ cho một đứa trẻ con, thì làm sao số bệnh nhân điên loạn lớp trẻ ở Việt nam không tăng cao vọt như báo chí đăng tải hàng ngày. Cuộc sống già, trẻ, lớn, bé quá khủng hoảng tinh thần (depression).
Vì thế trong ánh mắt các bạn bè tôi còn lại bên quê nhà đầy vẻ lo âu, tư lự, không biết tương lai đi về đâu" Hơn phân nửa họ không dám nghĩ đến việc lập gia đình nữa. Thật xót thương cho bạn bè tôi. Cùng sinh ra trên đất mẹ Việt Nam, đứa may mắn chạy thoát kịp sang chân trời tự do - có cơ hội học hành, tạo dựng cuộc đời tươi sáng, đứa không may mắn, không lối thoát, ở lại quê nhà, chìm đắm trong biển khổ! Biết bao nhiêu nhân tài của đất nước bị mai một. Chất xám chạy xuống cống! Rất nhiều bạn bè từng là học sinh xuất sắc trong trường Gia Long, ra trường đại học xong vác bút nghiên, mảnh bằng "lộng kiếng hay liệng cống" đi buôn bán kiếm cơm.


Có lẽ không một mình tôi mà các bạn khác đang có cuộc sống tha hương nghĩ đến các bạn bè còn lại quê nhà đều xót xa, phải không" Tụi tôi bên đây luôn cầu mong những gì may mắn, hạnh phúc nhất đến các bạn. Những đứa con tha hương luôn cầu mong "qua cơn mưa trời lại sáng" đất nước, con người dân Việt sẽ có cuộc sống thái hòa, no ấm nay mai.
Sau đó, vợ chồng tôi đi Cà Mau, Hà Tiên, Cần Thơ... các vùng dọc theo sông Tiền sông Hậu... Ôi, đất nước Việt Nam thân yêu, những bóng dừa cong mình xuống lạch nước, những chùm hoa phượng màu đỏ nở sớm, những trái mận đỏ, mít nghệ trĩu nặng trên cành trồng dọc hai bên bờ sông... Khói lam chiều, cảnh thôn làng lúc hoàng hôn trông thật trữ tình, nên thơ!
Nhìn những người dân còng lưng cắm mạ xuống ruộng lúa, cảnh con trâu đi trước, cái cày, người nông dân đi sau. Thật xót thương cho dân việt mình, công sức làm việc của người nông dân bỏ ra quá nhiều nhưng chẳng đổi được một cuộc sống no cơm, ấm áo là bao. Bao nhiêu năm vẫn thế, chẳng có gì là canh tân đổi mới!
Sau ba ngày ở miền Tây, vợ chồng tôi bay ra Hà Nội. Phi trường Nội Bài so với 8 năm về trước vẫn thế, chẳng có gì thay đổi khá hơn! Du khách ra vào phi trường đều phải đóng thuế của phi trường, nhưng chẳng hiểu nguồn quỹ tiền đi về đâu mà chẳng sửa sang hệ thống phòng vệ sinh (restroom). Sau hơn giờ bay từ Saigon ra Hà Nội, ai cũng cần bước vào phòng vệ sinh, nhưng cả sân bay Nội Bài quốc nội chỉ có 2 phòng vệ sinh cá nhân nhỏ cho nam và nữ. Phía phòng nữ bà con xếp hàng rồng rắn chờ nhau. Còn nếu cần kịp thì phải đi tập thể! Tệ nhất là giấy vệ sinh (toilet paper) là không có tí nào (xin lỗi đã đề cập đến vấn đề này). Trời ạ! Tôi không tưởng tượng được những việc như thế có thể xảy ra cho du khách. Chỉ biết thu tiền vào túi, không biết xuất ra sửa sang, tân trang gì cho khá hơn để thu thêm du khách. Câu "Vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi" biết đến lúc nào mới thực hiện được"
Đường đi từ phi trường Nội Bài về thành phố Hà Nội, cũng như cầu xa lộ qua bến bắc Mỹ Thuận được ngoại quốc thầu xây cất, nên rất tốt. Thật mừng cho người dân trong nước không phải chạy xe vào các ổ gà, đường xá lồi lõm xấu và nhất là cảnh người xếp hàng rồng rắn chờ qua phà Mỹ Thuận không còn nữa.
Hà Nội 36 phố phường vẫn nhỏ nhắn như ngày nào. Phần lớn hàng hóa từ Trung Quốc nhập sang, bày bán các nơi. Nói chung buôn bán hai miền Bắc, Nam thấy tấp nập và rộn rịp hơn xưa rất nhiều. Số lượng du khách ngoại quốc, Việt kiều về cũng nhiều. Nạn hỏi thăm giấy tờ, trình báo công an cũng bớt được phần nào. Cầu mong mấy ông tiếp tục "đổi mới tư duy" để tăng lượng du khách và tăng thêm nguồn thu nhập cho nhà nước cũng như đồng bào Việt Nam ta.
Khí hậu Hà Nội thoáng hơn Saigon nhờ có các hồ Hoàn Kiếm, Trúc Bạch, Hồ Tây... chung quanh thành phố. Chúng tôi cũng ghé thăm thành phố Quan Thánh, nơi mẹ tôi lớn lên và gặp cha tôi ở đó. Phố Hà Nội thật nhỏ, mỗi phố dài khoảng một block đường ở Mỹ.
Rất may tụi tôi gặp được gia đình chú tôi. Cả nhà chạy xe gắn máy đưa tụi tôi đi chơi phố xá Hà Nội. Đi hướng hồ Tây, ghé thăm chùa bà Thánh Mẫu. Mùi khói hương trầm thơm nghi ngút suốt quãng đường vào chùa. Có lẽ người dân thấy an ủi khi tìm đến cửa Phật, cửa Chúa, các đền thờ để cầu xin van vái cuộc sống đủ ăn, đủ mặc. Con người mỗi khi tuyệt vọng thường tìm đến nơi chốn này. Tôi vẫn nhớ những câu chuyện xa xưa, mẹ tôi thường kể, dân Hà Nội (trước 1954) rất trọng lễ nghĩa, thờ cúng Ông Bà tổ tiên, hâm mộ đạo Phật, và rất ư là khách sáo, kiểu cách trong ăn nói... Dư âm lúc trước chỉ còn chút đỉnh! Đi dạo quanh phố xá Hà Nội, giá cả đời sống ở đây có vẻ rẻ hơn trong Nam. Nhất là giá trị đồng đôla cao hơn Saigon. Hôm ở Saigon tôi đổi 1 dollar bằng 14.551 đồng Việt Nam, ra Hà Nội tôi đổi được hơn 500 đồng Việt nam. Có lẽ số người Việt kiều về Bắc không là bao nhiêu, nên giá sinh hoạt vẫn rẻ hơn trong Saigon, từ giá thuê hotel đến giá ăn uống, du lịch đây đó.
Ngày hôm sau tụi tôi theo phái đoàn Tây Ba Lô (Cafe Sinh tổ chức) đi vịnh Hạ Long. Giá vé rất rẻ bao cả ăn uống, đi chơi các hang động (cave), và hotel. Cảnh Vịnh Hạ Long rất đẹp, nhờ có ngoại quốc đầu tư vào thêm, nên nước biển rất xanh và sạch sẽ. Trong các hang động có thạch nhũ trên, thạch nhũ dưới (stalagmite, stalactite) đủ màu sắc rất đẹp. Cảnh đẹp rất huyền bí và sinh động.
Buổi tối chúng tôi thêm tiền để được ngủ trên tàu neo ngoài biển. Nhìn xa xa núi non ẩn hiện trong chiều hoàng hôn, cảnh trông đẹp nên thơ tuyệt vời. Người tour guide thuyết minh nào đây là hòn đôi uyên ương, kia là hòn hờn giận xa nhau, đấy là hòn chồng, hòn vọng phu... Tiếng sóng đập vào các ghềnh đá, bên hông tàu làm tôi cảm giác như đang sống trong chuyện cổ tích huyền thoại nào. Hạ Long Bay đúng là một trong những kỳ quan thế giới! Tuyệt đẹp! Vợ chồng tôi hẹn năm sau về đây relax.
Sau đó, chúng tôi theo đoàn đi Sapa, đỉnh núi cao Hoàng Liên Sơn và Francipan. Đường đi không được tốt lắm. Từ Hà Nội tới Sapa phải hơn mười tiếng xe chạy. Ngồi xe cũng ê ẩm lắm. Khí hậu Sapa mát lạnh và người dân tộc thiểu số - Hmong, da đỏ sống chung quanh người Kinh. Thành phố rất nhỏ. Phần lớn dân ở đây sống nhờ vào du khách. Nhà cửa bắt đầu xây dựng, sửa sang.
Đồ ăn ở đây có món nấm rơm xào với lòng gà, gà luộc chấm muối tiêu chanh ngon tuyệt vời. Vì gà chạy ngoài đồng, nên thịt rất ngọt và dai... Ở Mỹ, có lẽ chẳng bao giờ tụi tôi được nếm hương vị ngon của gà tươi như vậy. Thế là sáng chúng tôi điểm tâm trứng gà luộc chấm muối tiêu, trưa, tối lại tiếp tục gà 7 món... ăn cả bốn ngày như thế...Về đến Hà Nội tụi tôi phải đổi món khác ngay.
Ở Hà Nội có món bún, miến ngan cũng ngon. Thịt ngan cũng gần giống thịt vịt, nhưng thịt nạc nhiều hơn. Hương vị phở Hà Nội cũng khác Saigon, nước trong hơn và ít thịt hơn. Mỗi chiều tụi tôi đi bộ ra chợ đầu phố Hàng Bè "ăn hoa quả" (từ dân "Hà Nội" gọi ăn chơi giống như ăn snack như ở Mỹ). Tiếng rao mời "bác ơi ăn hoa quả cho em" (dù rằng bà bán hàng là cụ già) họ mời ăn xôi vò với bánh chay nặn nhỏ như hòn bi trong nước đường trắng (khác với Saigon là bánh trôi nhân đậu xanh nặn to như trái chanh trong nước đường thẻ màu vàng).
Sau hơn 20 năm kể từ sau 1975, đời sống người dân hai miền bắt đầu có những thay đổi về văn hóa, kinh tế... Cấp lãnh đạo dần dần cũng biết những sai lầm trong "cải cách kinh tế", "cải cách văn hóa" như họ đã làm cách đây mấy chục năm sau 1954 (miền Bắc) cũng như sau 1975 (miền Nam)... Họ đã biết mở cửa, chào đón du khách, Việt Kiều (tuy rằng phải còn nhiều sửa sang để làm "vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi")... Người dân cả hai miền chẳng còn ai muốn nhắc nhở về chính trị, nhất là những chuyện đau thương quá khứ. Ai cũng muốn có một cuộc sống sung túc. Dường như người dân miền Bắc chẳng còn ai căm thù Mỹ nữa! Họ rất vui vẻ được hợp tác với ngoại quốc, nhất là Mỹ quốc.
Sau một tuần ở miền Bắc, tụi tôi trở lại phi trường Nội Bài để bay đi Đài Loan (Taiwan). Lúc cân hành lý gửi về Mỹ, chúng tôi vẫn gặp cảnh mè nheo đòi tiền như ở phi trường Tân Sơn Nhất, vẫn cái chuyện "vũ như cẩn" (vẫn như cũ) xảy ra. Thật chán! Không biết khi nào những người hải quan họ thay đổi lối service lỗi thời này. Có lẽ chỉ khi nào chính phủ thay đổi, nâng cao đồng lương của họ trên mức đủ sống, họ sẽ không làm như thế nữa... Ở Mỹ, đồng lương người cảnh sát viên, người phục vụ quan thuế rất cao, họ chẳng bao giờ nghĩ tới và được phép làm điều sai trái như đút lót, hối lộ... Tất cả hành vi sai trái đều bị report và bị trừng phạt ngay... Không những thế, đồng lương của họ còn được nâng cao theo thâm niên, phục vụ người dân tốt.
...Ngồi chờ chuyến bay ở phi trường Nội Bài, tôi gặp rất nhiều người miền Bắc đi xuất khẩu lao động chân tay, nên chẳng biết gì ngôn ngữ Đài Loan cả. Tôi được biết một nghề mới đang hấp dẫn dân miền quê đi xuất khẩu lao động là "OSHIN" (gọi là nanny - nghề vú em.) Muốn được đi như thế, họ phải chạy vay, bán nhà cửa đút lót xin được một chân đi lao động.
Họ kể chuyện, rất nhiều dân Việt Nam sang Đài Loan lao động, hy vọng kiếm chút tiền đôla về, nhưng con đường cũng nhiều chông gai và chua xót lắm... "người khôn, của khó" các vùng quê bị lũ lụt, mất mùa, thu thập thấp, đời sống cao, họ đổ dồn vào thành phố kiếm việc, nhưng không kiếm được việc, tỷ lệ thất nghiệp lên cao, chỉ còn con đường lao động xuất khẩu may ra khá hơn.
Họ nói, dân Đài Loan cũng vắt sức người đến kiệt sức, ngày nào cũng làm đầu tắt mặt tối, mà còn bị những ông chủ lớn, chủ nhỏ xách nhiễu tình dục (sexual harassment) không đáp ứng họ sẽ cho nghỉ việc về nước, mất trắng tay! Nợ nần vay mượn lúc chạy giấy tờ đi còn chồng chất đó.
Nghe chuyện họ kể, lao dộng tay chân nghành nghề nào cũng bị bóc lột. Đủ các loại thuế (thuế nhân, thuế lao động, lời lãi vay mượn...) nên đồng tiền đến tay họ chẳng còn là bao... nhưng cũng đành nhắm mắt chịu đựng còn hơn ngồi đợi chờ chết hay sao"
Khi đặt chân đến Taiwan, tôi thấy rất nhiều phụ nữ Việt Nam sang đây lập gia đình với chồng Đài Loan, nhìn cách ăn mặc váy dài nhiều màu sắc, tóc chải lọn, xức dầu bóng láng thấy rất ư là đồng hóa với người Đài Loan... Nhìn sang bên cạnh những cô gái trẻ này, những ông chồng già hoặc tật nguyền Đài Loan, tôi chạnh lòng xót xa cho số phận người dân Việt Nam. Cũng chỉ vì quá nghèo, biết bao phụ nữ phải bán thân để cứu vớt cuộc sống cả gia đình! hết nô lệ Tàu, đến nô lệ Tây, và không biết khi nào những thảm trạng này mới được chấm dứt"""
Trên đường bay về Mỹ, vợ chồng tôi gặp một cụ ông quê ở Hưng Yên được người chị bảo lãnh sang Mỹ du lịch vài tháng. Tội nghiệp ông cụ, cả đời chỉ lên thành phố Hà Nội 2 lần, chưa bao giờ đặt chân lên máy bay cả! Cụ mặc vest màu đen, đi giầy Tây trông thật trịnh trọng. Cụ có vẻ không được thoải mái khi đóng bộ!
Cụ thấy tụi tôi da vàng, tóc đen trên máy bay. Cụ mừng ơi là mừng. Cụ nói, thấy chúng tôi nói tiếng Việt, cụ mới hết lo là không biết leo lên máy bay đi đứng ra sao để đến được phi trường Los Angeles (LAX). Tôi trấn an cụ, "cụ đừng lo, tụi cháu sẽ dẫn cụ tới phi trường và sẽ gọi phone cho gia đình cụ ra đón. Cháu không để cụ lạc giữa đường, giữa chợ đâu."
Tới giờ ăn, cụ xin nước đá, nước uống bằng tiếng Việt, tiếp viên Đài Loan chẳng hiểu cụ nói gì cả, thế là tôi phải làm thông dịch viên bất đắc dĩ cho cụ suốt đường đi...
Lúc đi về Việt Nam tôi cũng gặp hai cụ sang Mỹ thăm cháu, hai cụ lóng cóng không biết đi cửa nào và xuống máy bay chuyển tiếp như thế nào để về tới phi trường Tân Sơn Nhất. Tôi cứ đùa với chồng tôi "chắc tương lai em chuyển nghề làm tour guide hướng dẫn các cụ đi đi, về về như thế này quá!"
Khi giao các cụ cho người nhà, cụ nào cũng xuýt xoa câu "cám ơn cô cậu (ông cụ người Bắc gọi là hai bác) nhiều. Hai bác đã làm phúc đưa già tới nơi, tới chốn..."
Vợ chồng chúng tôi mỉm cười chào các cụ và mong hẹn gặp các cụ năm tới... Thật cám ơn chính phủ hai nước Mỹ-Việt, cũng như cám ơn tấm lòng nhân hậu của những Việt kiều đã nghĩ đến người thân và giúp đỡ họ một chuyến đi du lịch sang nước ngoài. Tôi vẫn như nghe vang vang trong tai tiếng nói cụ già Hưng Yên Hà Nội "cả đời tôi ước ao được đi Tây, đi Tàu một chuyến. Nếu già này có chết trong lúc đi, già cũng mãn nguyện nhắm mắt!" Vợ chồng tôi mắc cười quá với lời nói chân chất của cụ già!
Trở về Mỹ sau gần 1 tháng du lịch, vợ chồng tôi cũng thấm mệt nhưng thật vui. Hai đứa đã kết hợp chuyến đi chơi, với việc làm phước thiện, và nhất là chuyện làm tour guide bất đắc dĩ cho các cụ già.
Cuộc sống ở Mỹ tuy có hối hả chạy theo tiếng tích tắc của kim đồng hồ, nhưng tụi tôi cảm thấy thật thoải mái trong đời sống. Với sự chịu khó học hành nâng cao tay nghề cũng như nâng cao kiến thức, bằng cấp, và cũng là nâng cao đồng lương. Với sức lao động, cuộc sống người dân được bù đắp lại những tiện nghi vật chất cũng như tinh thần thoải mái, thư giãn sau những giờ làm việc mệt nhọc. Người dân được hưởng, được hít thở một không khí "Tự Do". Tuy chỉ là hai tiếng đơn giản ấy, nhưng biết bao nhiêu người dân Việt còn lại bên quê nhà, cũng như các dân tộc bị áp bức trên khắp thế giới đã đổ xương máu, nước mắt để đấu tranh không mỏi mệt cho hai tiếng "Tự Do".
Đã sống qua những ngày tháng bị đè nén, áp bức tăm tối, nơi hai chữ "tự do" trong hơi thở, trong tín ngưỡng, học hành, làm việc đã bị tước đoạt, thay vào đó là nhà tù, là sức mạnh súng đạn chỉa vào đầu những ai đòi đấu tranh "Tự Do". Chúng tôi rất trân quý hai tiếng "Tự Do" vô ngần.
Quay trở lại Mỹ. Quay trở lại với việc thường nhật, tụi tôi không còn cảm thấy mệt mỏi với việc làm nữa! Trong tâm tưởng tụi tôi lúc này là "Tạ Ơn" (Thankgiving) Trời đất, Tạ ơn nước Mỹ đã cho chúng tôi được sống ngụp lặn trong hơi thở "Tự Do" của một con người. Cảm thấy là ơn trên đã cho tụi tôi nhiều may mắn hơn những người còn lại bên quê nhà.
Đất nước Mỹ cũng như các đất nước tự do khác, người dân được quyền bình đẳng trong đi học, đi làm và nhất là tự do dân chủ trong ngôn luận, báo chí, tín ngưỡng... Quyền làm người rất được tôn trọng!
...Tiếng hát từ Radio vọng ra, "Khi đất nước tôi thanh bình, tôi sẽ đi thăm Saigon ra Trung, Hà Nội vô Nam, tôi đi không ngừng..." (Trịnh Công Sơn) làm tôi bùi ngùi, xúc động. Tâm hồn tôi đang dao động một niềm yêu thương, xót xa khi nghĩ đến quê mẹ Việt Nam. Đất nước tôi đã thanh bình, không còn tiếng súng đạn bắn giết lẫn nhau bằng bom đạn, nhưng vẫn còn những hố sâu về giai cấp giàu nghèo, về quyền lực áp lực, đàn áp. Hai chữ "Tự Do" chưa thực sự đến với người dân Việt. Cầu mong đất nước sớm có tự do, dân chủ thực sự, người dân ai cũng có cơm ăn, áo mặc đầy đủ. Và nhất là chất xám của con người được trọng dụng. Những tầng lớp lãnh đạo già nua, không đủ tài cán, xin nhường chỗ cho lớp trẻ cấp tiến, có kiến thức, có tài lãnh đạo đưa đất nước Việt Nam tới quang vinh, sánh vai với cường quốc năm châu bốn bể. Dân tộc Việt nam bất cứ hoàn cảnh nào cũng rất là chịu khó vượt qua mọi thử thách, chông gai tiến đến đích trong học hành, việc làm. Bằng chứng sau năm 1975, dân Việt vượt biên đến bờ bến các nước tự do. Xây dựng tất cả lại từ hai bàn tay trắng! Biết bao nhiêu gương thành công của người Mỹ (và các nước ngoài khác) gốc Việt. Tự hào, vẻ vang thay dân Việt Nam! Dân tộc ta rất anh hùng! Bốn ngàn năm văn hiến vẫn mãi sáng ngời!
Cầu mong một ngày gần đây, tất cả con dân nước Việt khắp năm châu, bốn bể sẽ trở về, đoàn kết thân ái, tương thân, tương trợ xây dựng đất nước Việt Nam dân chủ, tự do, phú cường.

Mùa xuân năm 2001 - California.
LÊ HOÀI HƯƠNG

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,077,887
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.