Hôm nay,  

Mùa Hè Của Tôi

05/06/202313:59:00(Xem: 2635)

Tác giả tên thật là Phương Nguyễn. Sinh năm 1957 tại Phủ Cam, Huế, là cựu học sinh trường Jeanne D'Arc. Hiện ở tại thành phố Seattle, tiểu bang Washington.  Đã nghỉ hưu.

*

  

Hinh 06052023 Mua He Cua Toi 

 

Lui về tìm đọc những trang thơ

Ôi đẹp làm sao tuổi học trò

Phượng nở ve kêu như chào đón

Lưu bút gói tròn tuổi mộng mơ .

Mùa hè về, mùa phượng nở đỏ thắm sân trường, ve rả rích kêu, quyển lưu bút chuyền tay nhau, bao kỷ niệm thân thương tuổi học trò gói trọn trong những dòng chữ đơn sơ ấy.

Rồi:

Cuối mùa xuân năm nớ

Nhiều tiếng nổ long trời

Theo dòng người  xuôi ngược

Xếp sách vở bút nghiên  

Sang trang thời  thơ mộng …

 

Tuổi học trò bước xuống

Dầm mình  hứng nắng mưa

Sáng rá  sắn, trưa khoai

Cố sải bước chân dài

Ôi tương lai mờ mịt…

 

Mình đã  thoát ra nơi đau thương chất ngất đó, đi mà không dám quay  nhìn lại, được định cư tại tiểu bang Washington, nơi này làm cho mình luôn nhớ về mùa mưa  bên nớ, mưa dầm, hết mưa dầm tới mưa phùn kèm theo gió đông lất phất lạnh...

 

Thời tiết ở đây đặc biệt hơn bên nớ, chín tháng mưa, ba tháng nắng mà nắng lại  chập chờn không trọn vẹn, đó là mùa hè.

 

Mùa hè ở đây không ve sầu lên tiếng gọi, không cánh phượng hồng rụng đỏ sân trường,  bây giờ mình không còn là học trò nhưng luôn mong hè tới, để thấy ông mặt trời và rong ruổi khắp mọi con đường của thành phố mình đang ở .

 

Niềm vui của mùa hè  ở đây là tìm đến các ngã tư đường, nhìn trên trụ đèn , đủ loại giấy màu, đủ kích cỡ, đủ màu mực, chữ to, chữ nhỏ, nào là Garage sale, Yard sale, Moving sale, Estate sale v.v..., đó là những bản quảng cáo đơn giản của một khu chợ trời thu nhỏ trong sân, trong nhà để xe , tầm giấy  nào cũng có ghi số nhà, mũi tên  chỉ đường, ngày thứ năm  họ bắt đầu  quảng cáo, thứ Sáu, thứ Bảy, CN, là những ngày hè vui trên quê hương thứ hai này, đi khắp nơi, đường nào cũng qua, góc cùng ngõ cụt nào cũng tới, tha hồ mua, cũ họ mới mình giá cả hết sức khiêm tốn, 25 cents 50 cents, 1 đồng là giá cao.

  

Không biết văn hóa chợ trời thu nhỏ kiểu này của người Mỹ khai sinh từ khi nào,mình người nhập cư thấy vậy coi như ăn theo họ, người Mỹ họ đi nườm nượp, điều căn bản chúng ta thấy người Mỹ sống sung túc nhưng không phung phí, đồ không dùng bán giá rẻ cho người cần dùng , bán không hết đem  cho các cơ quan từ thiện.

 

Vợ chồng chúng tôi ban đầu mua sắm các đồ dùng cần thiết, số còn  cất lại đó,  có dịp mang về  bên nớ, bởi vì  cái gì cũng đẹp, cũng tốt, có nhiều thứ quá lạ mình mới thấy lần đầu, cứ thế mỗi ngày đi là chở một xe về, riết không có nơi để cất, hai đứa con  mỗi lần chúng tôi ra khỏi nhà đều nhắc tới nhắc lui:

 - Ba mẹ thấy chi cần thì mua không thì thôi, nhà chật như nêm rồi, đừng mua chi thêm nữa.

 

Bây giờ trong nhà đồ dùng không thiếu, chủ yếu đi coi cho vui, và  sưu tầm những món hàng quý, chúng tôi đã mua được cái đồng hồ ROLEX giá 50 Cent, dây chuyền vàng, dây chuỗi đeo cổ hạt trai, hạt đá, lắc mang tay, vòng tay các kiểu, nhẫn,  v.v…

 

Có những gia đình chúng tôi ghé vào không có đồ cần mua, nhưng chủ nhà thấy mình vào, họ ân cần chào đón, đi ra không mua chi cũng áy náy trong lòng, thôi thì 50 cents, một đồng mua đại một hai cái chi đó cho họ vui, không phải họ túng thiếu bán đồ cũ để sống, nhưng đó là thú vui chung của mùa hè, 50 cents  một đồng đem tới cho họ nụ cười cũng  xứng đáng, mỗi nơi một ít dồn lại thành  nhiều.

 

Hằng năm hè bắt đầu về, chúng tôi  âm thầm đóng gói đồ mua năm ngoái đem gửi vào các thùng Donations nằm chờ  ở góc sân các chợ Mỹ, để dành chỗ trống nhập hàng mùa Garage sale mới.

 

Chúng tôi thích tìm đến mấy địa chỉ Estate sale, Estate sale  là dạng bán chia của, cha mẹ lớn tuổi qua đời, con cháu tập trung về bày bán  từ A tới Z, bán sạch sành sanh, cho trống nhà, giá nào cũng bán, sau mấy ngày bán, chiều Chúa Nhật sau cùng, họ thanh toán hàng còn lại bằng cách để sẵn các bịch nilon để giá một bao đựng đầy 2 đô la, người mua tha hồ nhét đầy túi, mỗi người vài ba xách. 

 

Chạy qua  góc đường khác gặp bản  giấy carton quảng cáo Moving Sale, theo mũi tên chỉ đường tìm đến địa chỉ đã ghi. Các cửa hàng Moving này kinh doanh rất dễ chịu, có thứ họ bán, cũng có thứ họ cho, để nhẹ hành trang di chuyển đi nơi khác.

 

Căn  nhà  bán hàng Moving này nằm khuất sau bụi cây Lum đang trĩu trái trên cành.

 

Theo chân tốp người đi trước, vào tới sân chúng tôi sững sờ  ngắm  hòn non bộ ở góc trái của sân , quá đẹp. Tôi nói với ông xã:  

- Chắc nhà này của người Việt theo đạo Công Giáo.

Ổng gật đầu nói: 

-Ừ! Chắc chắn vậy! Hòn non bộ đẹp quá, công phu qu,. người sành điệu mới tạo được cảnh này, nhưng chủ nhà là ông Mỹ mà, ông đang ngồi đọc sách kia kìa.

Tôi đoán mò.

- Có l chủ nhà trước ông ta là người Việt.

Ông xã trả lời ngắn gọn.

- Chắc vậy.

Lấy điện thoại chụp mấy tấm hình kỷ niệm, đi một vòng quanh sân rồi vô ga ra, điều ngạc nhiên thứ hai là một kệ sách, có gắn 4 bánh xe, bề ngang chừng hơn 2 mét, bề cao quá  đầu, 6 tầng để sách, nhìn gáy sách đa phần là sách truyện Việt Nam, xếp thứ tự y như trong thư viện, tôi gọi ông xả vào coi, ông thảng thốt kêu lên:

- Ôi trời!

Tôi nghĩ  không phải chỉ hai chúng tôi mà bất cứ người Việt Nam nào tới đây thấy kệ sách này cũng đều sửng sốt.

 

Sách không có giá bán, chúng tôi lưỡng lự không biết sách có bán hay không , suy nghĩ cứ  chọn vài quyển nếu họ không bán mang bỏ  lại trên giá cũng chẳng sao . Nhiều quá không biết làm sao chọn, sách không có giá, tiền mang theo không nhiều, thôi cứ liều, chọn mỗi tác giả một quyển.Ngọn CGĐùa của Ông H.B.Chánh, Đường Về Gia Hương của ông Đoàn Giỏi, Mái Tóc Thời Dĩ Vãng của Mai Thảo, Gió Trăng Ngàn của Thế Lữ, Chim Quyên Xuống Đất của Sơn Nam, Gió Đầu Mùa của Tự Lực Văn Đoàn, Kiếp Người, truyện dịch của Nguyễn Hiến Lê, Giải khăn Sô cho Huế và Bóng Tối Thời Con Gái của  Nhã Ca,   Ảo Vọng Tuổi Trẻ của Duyên Anh. Tất cả mười quyển.

 

Ôm chồng sách ra đặt lên bàn của ông chủ nhà đang ngồi vừa đọc sách vừa thu ngân, ông lập úp quyển sách xuống bàn, tôi  ngạc nhiên  khi thấy ông đang đọc quyển  “Dòng Nước Ngược của Tự Lực Văn Đoàn”, còn khiếp hơn, ông nhìn hai chúng tôi  hỏi giọng Huế ráo hoảnh:

- Tất cả mấy  quyển.

Tôi đáp :

- Dạ mười.

Ông kéo chồng sách về phía mình, lật gáy coi tác giả. Ôông cười nói:

- Hay đọc sách lắm hả ?

Tôi trả lời :

- Dạ! Trước 1975, chứ sau 75  văn hóa đồi trụy này lưa mô mà đọc lạng quạng thu dấu không đem nộp là ủ tù như chơi, bây giờ  là vàng chứ không còn là sách na .

Ông chủ Mỹ nói .

- Sách quý không giá, muốn trả mấy?

Tôi trả lời :

- Dạ ! Tôi biết sách quý, nhưng tôi không đem theo nhiều tiền trong túi chỉ còn năm mươi hai Đô la.

- Rứa cũng được, tôi lấy năm chục .

Tôi nói với ông

- Ông bớt cho tôi 5 đồng để tôi còn  7 đồng đi tiếp, chứ 2 đồng quá ít, không lẻ  phải về bây giờ thì uổng ngày thứ 6 quá.

Ông gật đầu đồng ý.

Tôi nói :

- Cám ơn ông .

Tôi nhìn ông rồi nói:

- Tôi muốn hỏi ông một câu.

- Hỏi đi .

- Hòn non bộ đó ông làm  hả ?

Ông vui vẻ hỏi

-Ừ! Tôi làm, có đẹp không?

-Dạ! Đẹp lắm .

Ông nói :

- Mô hình đó tôi phỏng theo quê của bà xã tôi, ông bà có biết làng Phước Tượng không ?

Tôi trả lời:

- Dạ biết.

Ông nói :

- Từ Đà Nẵng đi ra xuống khỏi đèo Phước Tượng có đường đất bên tay phải đi sâu vào trong có một làng đạo nhỏ nằm dựa lưng vào ngọn núi thấp, mặt quay ra đầm nước, đó là quê hương của bà xã tôi .

Tôi khen:

- Ông quá tuyệt vời, tạo cảnh quê hương cho vợ ngắm,

Tôi nói tiếp:

- Ông nói chuyện với chúng tôi không ai nghĩ ông là người Mỹ, âm Huế chuẩn không sai chút mô hết, còn tủ sách  toàn là sách quý các tác giả nổi tiếng, ông quá giỏi.

Ông cười đùa nói:

- Giỏi chi mà giỏi, tiếng Việt phải lo học, không học, nhiều khi bị chửi cũng không hay, nếu chữ Việt không rành nhiều khi có thư lạ tới mình làm sao biết thư của ai.

Tôi cười đùa nói giỡn với ông:

- Chà sợ vợ có bồ nên học chữ Việt, ông Mỹ ni quá quắt thật.

Ông cười hà hà nói tiếp:

- Đùa tí cho vui vậy mà! Người Huế dễ thương trung thành lắm.

Tôi trả lời:

- Thôi ông ơi đừng nịnh nữa.

- Thiệt mà, còn giá sách của bà xã tui sắm đó, bà qua đây năm 1969 mỗi lần về thăm bà đóng qua mấy thùng, bây giờ  sách  này chỉ nhà tui còn chớ bên Việt Nam lưa mô nữa, họ đốt hết rồi.

- Dạ đúng! Họ đốt sạch lưa  mô nữa, biết bao thứ quý họ cũng đập phá, thôi nhắc lại thêm đau lòng. À mà ông...  mai chừ đứng đây cũng lâu răng không thấy chị, rứa bà mô rồi ông ?

Ông trả lời:

- Cái nhà chừng đó bà dọn tối ngày, bây giờ chuẩn bị đi thì ôi thôi từ sáng tới khuya tôi thấy bà hình như không biết mệt.

Tôi nói :

- Lâu ngày gặp đồng hương, cơ chi có chị nói chuyện vui biết mấy, hay là anh  mời chị ra đây một lát cho vui.

Ông nói:

- Khi nào bà muốn nghỉ tay thì bà nghỉ chứ tôi gọi bà không có việc quan trọng bà mở đài nghe  không chịu nỗi.

Tôi nói đùa.

- Coi bộ ông anh cũng ngán bà chị.

- Ngán quá đi chứ, mình phải học thuộc câu im lặng là vàng.

Tôi cười nói:

- Bệnh chung của đàn bà đó ông anh à, Huế có ông rể  tuyệt vời, rứa anh chị  có hay về thăm Phước Tượng không ?

Ông nói:

- Ba năm đi một lần, tôi thích về ở bên đó nhưng bà xã tôi không chịu, bà nói về thăm chơi thì được, còn ở thì không, chính quyền bên đó họ nói vậy mà  không phải vậy, nói một ngã làm một đường. 

Tôi nói:

- Tôi cũng nghĩ như chị, rứa anh chị định dời đi mô mà bán đồ.

Ông nói:

- Hai đứa con ở Cali, muốn chúng tôi về dưới đó, thứ nhất là nắng ấm, hai là người đồng hương nhiều để cho Mạ họ có cơ hội gặp nhau tâm sự tuổi già, ở đây lạnh, buồn, tội nghiệp.

Tôi nói tiếp:

- Thật quý hiếm, con cái biết quan tâm đến cha mẹ, gia đình anh chị thật hạnh phúc, cho vợ chồng tôi gửi lời thăm chị, chúc anh chị ra đi mạnh khỏe.

Ông nói :

- Cám ơn tôi sẽ nói lại.

Tôi nói tiếp.

- Tôi còn một câu nãy giờ muốn hỏi nhưng sợ anh cho là tôi quá tò mò.

Ông vui vẻ nói

- Không sao cô cứ hỏi, trả lời được thì trả lời còn không thì thôi có sao đâu mà lo.

- Anh  nói chị qua đây năm 1969, thời đó ít người Việt  ra định cư nước ngoài, sao chị qua đây sớm vậy?

Ông cười trả lời .-

- Năm  1968 bà bị trúng đạn pháo kích của phe bên tê, bị thương rất nặng, được đưa ra bệnh viện của Hạm Đội điều trị, tôi làm việc trong bệnh viện đó, quen bà, qua năm sau chúng tôi cưới, cuối năm 1969 tôi đưa bà về đây.

Tôi nói:

- Một cuộc tình  tình tuyệt vời, vậy anh  là Bác Sĩ .

- Vâng! Tôi là Bác Sĩ.

Tôi nói:

- Cám ơn anh, tôi rất vui, được nghe chuyện tình của anh chị. Thôi xin phép bye anh .

 

Xe nổ máy chạy tiếp qua  tư đầu khu phố  thấy bản quảng cáo Multi Family  sales .

 Multi Family sales  là các gia đình  trong khu phố cùng nhau dọn hàng ra bán, các gian hàng san sát nhau, bán đủ thứ trên đời, thượng vàng hạ cám cần chi có nấy, vui lắm, ít nhất cũng chục gia đình tham gia , có nhiều  gian hàng của các em học sinh, bán bánh ngọt và nước uống, mời chào ì xèo, người đi chợ  đông nghẹt, giống như chợ tết của mình , đi tới gần cuối dãy, thấy hai người châu Á đang loay hoay sắp xếp, nghe họ nói chuyện với nhau tiếng Việt, vui ơi là vui  tôi hỏi to:

- Máy xay sinh tố này có bán không hè?

Hai ông bà ngẩng đầu lên cười ha hả,

-Ai chơ người Việt thì không bán mà biếu thôi.

 

Cơ hội để xả xu-páp, tha hồ nói chuyện , được biết chị tên Hồng anh tên Quang, anh chị nói, lúc trước mấy đứa con còn đi học có dọn bán, giờ chúng nó đi làm xa không có đứa nào ở nhà, luôn tiện  khu phố tổ chức mình bán ké cho vui, chứ bán một chắc mình, không kham nổi,  ngó qua thấy đơn giản vậy chứ nhiều chuyện lôi thôi lắm, mấy đứa nhỏ lanh lẹ, chia việc làm cho nhau, nào là viết quảng cáo, dấu chỉ đường, địa chỉ, rồi chạy đi treo quảng cáo, chọn  ngã tư nào  đông người qua lại thuận đường cho khách tới, vui là chính chứ bán buôn nổi gì, dọn ra bán để mong gặp bà con mình nói chuyện cho vui.

 

Từ giã gian hàng chị Hồng anh Quang chúng tôi tiếp tục chạy xe  tìm vui mùa  hè ở ngã tư đường khác .

 

Phương Lâm  

Ý kiến bạn đọc
11/04/202402:42:35
Khách
puppp remedies <a href=""> https://forums.dieviete.lv/profils/127605/forum/ </a> gallbladder herbal remedies
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 553,911
Hễ nhắc đến bao sự khó khăn của thủa ban đầu lập lại cuộc đời trên miền đất mới, nhiều người thường ví von, chẳng hạn họ như bắt đầu bằng con số không to tướng hoặc với hai bàn tay trắng. Riêng tôi chẳng những hơn họ hẳn tới ba con số không, lại thêm con số năm to tướng đứng đằng trước. Nghĩa là tôi bắt đầu cuộc sống trên đất Mỹ với món nợ trên năm ngàn đô la. Bởi tôi phải ký giấy nợ tiền vé máy bay đưa ba người trong gia đình nhỏ bé của tôi từ bên trại tị nạn Mã Lai đi định cư, cộng với mọi chi phí nhà thương lúc sinh đứa con trai thứ hai, sau đúng bốn ngày đến Mỹ. Vì chúng tôi đã rời Worthington, một thành phố nhỏ nằm phía cực Nam bang Minnesota, nơi tôi được bảo trợ vào nước Mỹ, để dọn về San Diego, nên không thể xin chính quyền duyệt xét lại được. Tuy nhận lãnh tới hai món nợ quá lớn, tôi lại cảm thấy nhẹ tênh, bởi chỉ phải trả góp tổng cộng hai mươi đô la một tháng. Giống như cắt bớt đi một phần nhỏ số tiền chính phủ trợ cấp cho gia đình tôi sinh sống.
Năm 2023 là năm mà chương trình Viết Về Nước Mỹ do Việt Báo California của anh chị Trần Dạ Từ-Nhã Ca chủ trương bước vào năm thứ 23. Với cá nhân tôi, đây là thời điểm đáng ghi nhớ vì tôi đã nhận được giải thưởng danh dự trong buổi lễ phát giải rất trang trọng và thân tình tổ chức ở studio đài truyền hình SBTN, thành phố Garden Grove quận Cam vào ngày 26/11/2023 vừa qua. Sự kiện này nhắc tôi nhớ lại những ngày tháng xa lắc xa lơ cách đây hơn nửa thế kỷ, tưởng đâu đã vĩnh viễn ngủ yên trong ký ức, không ngờ giờ đây nó sống lại. Đó là những bước đầu chập chững viết văn và dự thi viết văn, giống như trường hợp tham gia vào cuộc thi Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên cho tới bây giờ.
Sáng sớm hôm nay, tôi nhận message của OCTA (Orange County Transportation Authority) thông báo hôm nay nhân viên làm việc trong phần hành bảo trì các xe bus nói chung đình công. Hai tuần trước thì nhóm tài xế đình công mấy ngày, nhưng được giải quyết nhanh chóng. Lần này nhóm bảo trì đình công, chưa biết khi nào xong, nhưng phải thứ Hai tuần tới, tức một ngày trước ngày bầu cử, mới có thể giải quyết được. Thế là vợ nhìn chồng khi đang đút cháu Bồ Câu ăn sáng, chồng nhìn vợ, cháu Bồ Câu ư e khen món ăn của mẹ. Vợ lên tiếng trước “Anh nè, mấy khi Bồ Câu được khỏi đi học, thôi 3 đứa mình rủ nhau ra biển chơi”
Mặt trời sắp lặn ở phía Tây sau dãy núi xa xa, những tia nắng mặt trời ửng lên như những sợi tơ trời màu hồng cam, từng sợi một hắt lên bầu trời một gam sắc màu huy hoàng thật đẹp, lay động tâm hồn người khách phương xa đang ngơ ngẩn nhìn. Năm nay tôi lại lái xe từ Arizona qua miền Nam California để tham dự lễ Phát Giải thưởng VVNM năm thứ 23. Hai năm trước, tôi được vinh dự là người lên lãnh giải thưởng cuối cùng, đồng nghĩa với giải thưởng cao quý nhất của buổi lễ truyền thống tốt đẹp do Việt Báo tổ chức mỗi 2 năm tại miền nam tiểu bang California. Năm nay tôi lại gặp gỡ những khuôn mặt các tác giả thân quen và biết thêm nhiều tác giả mới. Nhiều cảm xúc vui mừng pha lẫn háo hức của người tham dự khi sắp biết ai sẽ là các tác giả trúng giải thưởng cao quý của chương trình này.
Tác giả bắt đầu tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng 11, 2018, với bài “Tình người hoa nở”. Cô tên thật là Nguyễn thị Minh Thuý sinh năm 1955. Qua Mỹ năm 1985, hiện là cư dân thành phố Hayward thuộc Bắc Cali. Tác giả nhận giải vinh danh tác giả 2023. | .Suốt tuần nay loay hoay sửa soạn hành lý cho buổi họp mặt dưới Santa Ana. Lòng buồn vui lẫn lộn, có lúc ngồi sững sờ nhìn ra cửa nghĩ ngợi mông lung ... Chúng ta ai cũng có ký ức về tuổi thơ. Nhớ thuở lên bảy được cha dẫn đến trường buổi đầu tiên, thuộc lòng đoạn viết của nhà văn Thanh Tịnh “Tôi Đi Học”.
Tác giả tên thật là Nguyễn Thị Kim Loan, sinh năm 1966, là cô giáo tiểu học khi còn ở Việt Nam. Vượt biên và sống ở trại tỵ nạn Thailand từ 1989-1993. Định cư tại Canada từ 1994 đến nay. Tác giả nhận giải đặc biệt VVNM 2021 và mới nhận Giải Vinh Danh Tác Giả năm 2023. Về đến nhà sau chuyến bay sang Cali nhận giải Vinh Danh Tác Giả VVNM 2023 chủ nhật qua, tác giả gửi bài "cảm tưởng" mới viết.
Vào trưa ngày Chủ Nhật 26/11/2023, tại hội trường đài truyền hình SBTN, buổi lễ phát giải thưởng Viết Về Nước Mỹ (VVNM) năm thứ 23 đã diễn ra trong không khí trang trọng nhưng vẫn ấm áp tình thân truyền thống, giữa những người yêu đất nước, con người, ngôn ngữ và nền văn hóa nghệ thuật Việt Nam tại hải ngoại. Buổi lễ có sự tham dự của khoảng 200 khách mời với toàn bộ chương trình được truyền hình LIVE trên Youtube SBTN, Việt Báo online và Facebook Việt Báo để các tác giả và độc giả VVNM khắp nơi cùng xem trực tiếp. Đến với buổi lễ có đông đảo những tác giả tham gia gởi bài, các tác giả thắng giải trong năm nay cũng như nhiều năm trước, từ khắp nơi trên đất Mỹ về hội tụ.
Xin nhắn với những ai được người bảo trợ đứng ra làm hồ sơ bảo lãnh đến Hoa Kỳ, đừng bao giờ nghĩ rằng người bảo trợ sẽ được giảm thuế, được hưởng nhiều quyền lợi của chính phủ khi đứng ra bảo trợ mình. Do đó, xảy ra nhiều hiểu lầm đáng tiếc, đưa đến oán hận người bảo trợ và không còn nhìn mặt nhau
Tác giả tên thật là Nguyễn Thị Kim Loan, sinh năm 1966, là cô giáo tiểu học khi còn ở Việt Nam. Vượt biên và sống ở trại tỵ nạn Thailand từ 1989-1993. Định cư tại Canada từ 1994 đến nay. Tác giả nhận giải đặc biệt VVNM 2021. Đây là bài viết mới mùa Thanksgiving trước khi tác giả cùng các tác giả từ khắp nơi bay sang Cali lãnh giải VVNM vào Chủ Nhật tuần này. Hẹn gặp!
Trước khi lập gia đình, tôi thường hay nghe người đời ba điều bốn chuyện về chuyện vợ chồng. Nào là cuộc hôn nhân giữa hai người là duyên số do ông trời đã sắp đặt từ kiếp trước, vì vậy ở kiếp này phải có duyên nợ với nhau thì họ mới gặp lại và lấy nhau. Thế gian còn nói là duyên phận của một người tốt hay xấu còn tùy thuộc vào kiếp trước người đó có gieo nhân lành hoặc tạo nghiệp dữ hay không nữa. Do đó ở kiếp này người ấy sẽ có một cuộc sống hạnh phúc vì gặp được người vừa ý hay phải chịu đựng sự đau khổ vì bị lận đận về tình duyên.
Nhạc sĩ Cung Tiến