Hôm nay,  

Ngọn Lửa Vẫn Cháy

05/05/201400:00:00(Xem: 9880)

Tác gia: Anthony Hưng Cao
Bài số 4203-14-29613vb2050514

Cộng đồng Việt, phối hợp với các cộng đồng gốc Á, trong thời gian qua đã dứt khoát phản đối dự luật SCA 5 tạo phân biệt sắc dân khi nhận vào đại học. Sau đây, là bài viết của Anthony Hưng Cao, một bác sĩ nha khoa hiện hành nghề tại Costa Mesa, Nam Cali. Ông là người đã nhận giải Tác Giả Xuất Sắc Viết Về Nước Mỹ 2010.

* * *

Tôi rời Việt Nam lúc tôi vừa tròn 19 tuổi, sau khi đã trải qua phần lớn quãng đời tuổi thơ và niên thiếu dưới chế độ cộng sản. Đối với người dân miền Nam sau biến cố Tháng Tư 1975, thời kỳ đen tối nhất có lẽ là vào những năm cuối của thập niên 70 và 80. Từ một cuộc sống trong tự do và trù phú, trong phút chốc, tất cả bỗng chốc đổi thay. Hết đổi tiền, đánh tư sản, rồi đến những cuộc cướp ruộng đất của người dân để thực hiện mô hình "hợp tác xã", mà kết quả là làm nền kinh tế và cuộc sống của người dân miền Nam bị thụt lùi một cách thật thảm hại chỉ sau một thời gian ngắn. Đó là chưa kể biết bao nhiêu thảm cảnh trong các gia đình có người chồng, người cha, người con bị đẩy vào những trại lao tù mà cộng sản gọi những danh từ hoa mỹ là trại “học tập cải tạo”.

Ở bên ngoài xã hội cũng như trong học đường, thế hệ của chúng tôi còn phải chịu đựng bao nhiêu là sự bất công, ngược đãi, trù dập với chính sách "xếp đối tượng" khi thi vào đại học. Sau này, khi có dịp nhắc lại, những em trẻ hơn không biết nhiều về chuyện thi vào đại học theo cách thức "xếp đối tượng" này. Tôi phải giải thích cho các em biết là trong những năm 80, chế độ cộng sản trong nước vẫn còn áp dụng chế độ "hồng hơn chuyên", nên chúng đã đưa ra cách thức xếp đối tượng như một cách ưu tiên cho đám "con ông cháu cha" được dễ dàng vào đại học. Ví dụ như đối với một học sinh thuộc thành phần "có công với cách mạng", nếu được xếp thứ tự đối tượng thấp chừng 2 hoặc 3, thì chỉ cần một số điểm tượng trưng là 11 hoặc 12 điểm trên tổng số 30 điểm của 3 môn thi, là các thí sinh này có thể được nhận vào các trường Bách Khoa, Tổng Hợp hay Y Nha Dược, v.v.. Ngược lại, nếu thí sinh thuộc gia đình có thân nhân phục vụ trong chế độ cũ, nhất là nếu có cha mẹ trong hàng ngũ sĩ quan và đang ở 'trại cải tạo", thì các thí sinh này sẽ bị xếp đối tượng từ 11 trở lên và phải đạt số điểm trên 22, 23, mới có cơ hội vào các trường đại học nầy. Nếu ai đang sống ở một đất nước tự do, dân chủ, thì khó có thể hình dung ra những điều bất công và vô lý như vậy có thể xảy ra. Tuy nhiên, dưới chế độ cộng sản, bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra vì luật pháp và vận mệnh của người dân, của cả đất nước nằm trong tay của bọn chúng.

Hệ quả của việc "xếp đối tượng" này đã dẫn đến nhiều tai hại cho nhiều thập niên và các thế hệ sau đó. Việc này cũng dễ hiểu vì nếu một sinh viên được ưu tiên nhận vào đại học theo tiêu chuẩn xếp đối tượng này để đào tạo thành một kỹ sư, một chuyên viên kinh tế hay một bác sĩ, trong khi sức học chỉ bằng một nửa so với bạn của mình, thì thử hỏi nền tương lai của đất nước sẽ đi về đâu? Không biết đã có bao nhiêu sinh viên thời của chúng tôi trong những thập niên 70, 80 được nhận vào các trường đại học bằng con đường ưu tiên này, và những người đó đang ở vào lứa tuổi 40 đến 50 và chắc chắn không ít người đang nằm trong những vị trí "lãnh đạo", thì không trách sao đất nước Việt Nam của chúng ta ngày càng bị tụt hậu so với các quốc gia khác từ văn hoá đến kinh tế cũng như trong các lĩnh vực khoa học khác. Kết quả "trồng người" của chế độ cộng sản là như vậy.

Lý do tôi nhắc đến việc này vì cách đây không lâu, cá nhân tôi đã thật sự ngạc nhiên khi lần đầu tiên nhận được một email về dự luật SCA 5. Càng đọc và nghiên cứu chi tiết hơn về dự luật này, tôi càng thêm bất ngờ vì không thể hình dung ở đất nước được xem như tự do và dân chủ số một trên thế giới, lại có thể có một dự luật như vậy. Điều đáng buồn là dự luật này đã được Thượng viện của tiểu bang California "âm thầm" thông qua từ trước, và cho đến khi nó được đưa xuống Hạ nghị viện để biểu quyết để trở thành nghị luật, thì lúc đó mọi người mới biết. Nội dung của nghị luật này theo như người gửi trong email là muốn thâu nhận số sinh viên vào các trường đại học dựa theo yếu tố sắc dân, chứ không phải hoàn toàn dựa vào điểm học lực của các em học sinh. Nếu dự luật được thông qua, số sinh viên gốc Á Châu được nhận vào trường sẽ phải giảm xuống một cách đáng kể để "nhường" chỗ cho các sắc dân khác, như người La Tinh hay người Mỹ gốc Phi Châu.

Khi tôi đọc được những điều này trong dự luật SCA 5, ngay lập tức, hình ảnh của những ngày còn là học sinh trước ngưỡng cửa đại học chợt trở về. Những người bạn cùng trường mà tôi biết, có nhiều bạn học rất giỏi, có số điểm cao hơn hẵn đám "con ông cháu cha", nhưng vì bị xếp đối tượng cao, nên không được nhận vào trường đại học. Số phận hẩm hiu của những người bạn học này không biết giờ đây ra sao.

Trở lại dự luật SCA 5, tôi cho là dự luật này có nội dung không khác chi cách thức "xếp đối tượng" mà thế hệ của chúng tôi đã phải gánh chịu khi sống dưới chế độ cộng sản trước đây. Tôi nguyện với lòng mình phải làm những gì tôi có thể làm được để đấu tranh cho dự luật này không được thông qua. Tôi không muốn thấy cảnh các con tôi phải học hành vất vả, gấp hai gấp ba lần để có cơ hội vào đại học chỉ vì các cháu là người thuộc sắc dân Á Châu. Hơn thế nữa, đất nước Hoa Kỳ đã được xây dựng trên nền tảng tự do và công bằng, nên mới có sự phát triển vượt bực trong một thời gian ngắn để có được ngày hôm nay. Dự luật SCA 5 sẽ tạo sự bất công trong nền giáo dục đào tạo các thế hệ sinh viên trong tương lai và làm cản trở bước tiến của đất nước Hoa Kỳ.


Sau khi tìm hiểu thêm và tìm những nhân vật trong cộng đồng Việt Nam có kinh nghiệm trong vấn đề giáo dục, tôi đã sắp xếp để mời một số vị lên chương trình talk show mà tôi đang thực hiện trong suốt hơn 3 năm qua, để bàn luận thêm về dự luật này nhằm giúp cho đồng hương Việt Nam có thể hiểu tường tận thêm. Tôi đã rất vui vì sau khi những buổi talk show được phát hình xong, tôi đã nhận đuợc nhiều cú điện thoại bày tỏ sự quan tâm về việc làm này. Có một phụ huynh đã làm cho tôi rất cảm động khi cô gọi và cho biết cô đã làm đến 2 công việc trong suốt hơn mười bốn năm qua, từ lúc con cô mới hai tuổi. Cô mong ước là có đủ tiền để lo cho đứa con của cô được vào đại học tốt và học ở gần nhà. Cô cho tôi biết cháu cũng rất ngoan, có ý thức về sự hy sinh của mẹ nên học hành rất chăm chỉ và đạt được thành tích tốt. Tuy nhiên, cô chia sẻ là cô rất lo lắng sau khi nghe xong chương trình talk show và không muốn thấy cảnh cháu không được vào những trường đại học tốt ở gần khu Little Saigon, mà phải đi học một trường xa.

Với giọng nói vẫn còn nghẹn ngào, cô hỏi xin tôi số điện thoại để làm theo sự hướng dẫn là sẽ gọi đến các văn phòng của nghị viên trong vùng. Tin giờ chót tôi được biết là trước sự phản đối quyết liệt của cộng đồng Á Châu, trong đó có cộng đồng Việt Nam, Thượng Nghị Sĩ Ed Hernandez, tác giả của dự luật này, đã phải tuyên bố đình chỉ lại dự luật này và sẽ thành lập một ủy ban để xem xét lại vấn đề này.

Việc lên tiếng phản đối dự luật SCA 5 khẳng định tinh thần dân chủ của đất nước Hoa Kỳ và sức mạnh của người dân. Trông người mà nghĩ đến ta. Tôi cảm thấy xót xa khi nghĩ đến thời kỳ "xếp đối tượng" của thế hệ của tôi mà không ai có thể lên tiếng phản đối hoặc nếu có phản đối thì cũng chẳng thay đổi được gì đối với chế độ cầm quyền cộng sản không có tim óc đó.

Ý chí kiên cường và bền bỉ tranh đấu cho quê hương Việt Nam sớm có ngày dân chủ, nhân quyền sau 39 năm dường như không mai một đi, mà càng được nhân lên gấp bội. Trung tuần của tháng Tư, đồng hương Việt Nam ở miền Nam California đã chứng kiến một cuộc biểu tình khi có một nghị viên của thành phố Irvine đưa ra dự luật đề nghị thiết lập mối liên hệ kết nghĩa giữa hai thành phố Irvine và thành phố Nha Trang. Mặc dầu là một ngày làm việc trong tuần, nhưng có đến cả ngàn đồng hương Việt Nam đã kéo đến phòng họp của Hội đồng thành phố Irvine để phản đối việc này và kết quả là nghị viên này phải rút lại dự luật này. Một lần nữa, cộng đồng người Việt tị nạn cộng sản của chúng ta đã chứng tỏ sức mạnh và sự đoàn kết của mình bẻ gãy âm mưu xâm nhập của bọn cộng sản ra hải ngoại.

Ngọn lửa đấu tranh vẫn bùng cháy qua các bài viết, các bài thơ, bản nhạc liên tục gửi lên các diễn đàn trong suốt tháng Tư để nhắc về biến cố đau thương cũng như những tội ác mà cộng sản đã gây ra trên quê hương Việt Nam. Những dòng thơ, những bản nhạc, những câu chuyện dường như vẫn chất chứa đầy tâm huyết của các tác giả sáng tác ở đủ mọi lứa tuổi.

Ngọn lửa đấu tranh vẫn cháy sáng và trong trái tim của người Việt tị nạn vẫn còn chứa đầy những hình ảnh của trang sử đau thương vượt biển tìm Tự Do. Tôi đã chứng kiến những giọt nước mắt của các khán giả vẫn chảy dài khi xem các anh chị em trong Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ trình diễn màn hoạt cảnh "Đôi Mắt Phượng" trong các chương trình sinh hoạt tưởng niệm thuyền nhân. Niềm đau sau 39 năm dường như không thể nào nguôi ngoai trong tâm thức của người dân Việt Nam tị nạn.

Tôi đang viết bài này vào những ngày cuối cùng của tháng Tư. Trong các tuần lễ vừa qua, chúng tôi đã có dịp tham gia các chương trình sinh hoạt của cộng đồng người Việt Nam ở miền Nam California trong chuỗi sinh hoạt được đặt tên là "Toàn Dân Vùng Lên Cứu Nước". Khi đứng cùng Ban Hợp Ca trên khán đài và nhìn xuống, tôi thấy hàng nghìn đồng hương Việt Nam đã đến tham dự buổi lễ Tưởng Niệm Quốc Hận 30 tháng 4 tổ chức tại tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ trong buổi chiều Chủ Nhật cuối tuần vừa qua. Lòng chúng tôi không khỏi bồi hồi xúc động.

Số người tham dự năm nay đông hơn so với các năm trước dù đã 39 năm trôi qua. Điều làm chúng tôi thật cảm kích là khí thế đấu tranh của đồng hương Việt Nam vẫn không hề suy giảm. Trong số các đồng hương đến tham dự, không chỉ có những người lớn tuổi, mà còn đặc biệt có nhiều em trẻ tuổi. Như vậy chúng ta có thể tin tưởng rằng ngọn lửa đấu tranh cho quê hương vẫn luôn cháy trong lòng người dân Việt tị nạn, dù cho cộng sản có dùng biết bao nhiêu thủ đoạn để chia rẻ và làm suy yếu tinh thần đấu tranh của người Việt tị nạn cộng sản ở hải ngoại. Điều quan trọng hơn, là ngọn lửa đấu tranh đã được chuyển tiếp đến các thế hệ trẻ, những người sẽ tiếp tục con đường tranh đấu cho Việt Nam đến ngày không còn cộng sản. Khi chúng tôi cất tiếng hát, chúng tôi thật cảm động khi thấy các đồng hương cùng vỗ tay theo nhịp và phất cao lá cờ vàng ba sọc đỏ khi chúng tôi giơ cao những nắm tay trong đoạn nhạc "Vùng lên, dân tộc anh hùng!". Thật là tình cờ khi tôi biết chủ đề của chương trình sinh hoạt năm nay cũng trùng hợp với tựa đề của bản nhạc mà tôi đã sáng tác cách đây mấy năm.

Mong rằng hồn thiêng sông núi sẽ trợ giúp để sau tháng Tư năm nay, "vùng lên cứu nước" không chỉ còn là tựa đề của một bài hát hoặc là tên của một chương trình như năm nay, mà là một sự vùng lên cứu nước thật sự xảy ra để quét sạch cộng sản ra khỏi quê hương nước Việt của chúng ta.

Anthony Hưng Cao

Ý kiến bạn đọc
16/05/201417:47:46
Khách
Ý kiến phần 2
* Phần góp ý không đủ sức chứa nên tôi chia làm hai phần cho phần ý kiến về bài Ngọn lửa vẩn cháy.
Có được thêm một số lợi điểm như SC5 đề nghị không có nghĩa là lượm đại một người gốc Mễ hay gốc Phi châu ngoài đường cho vô học. Điều kiện tiên quyết là những học sinh này phải hội đủ khả năng đòi hỏi của trường. Không có trường nào muốn nhận học sinh yếu kém vì nó kéo tên tuổi của trường theo chiều hướng tiêu cực xấu hơn. Những học sinh này củng không phải là lười biếng hay không cố gằng nhiều như những học sinh khác có nhiều điều kiện để thành công hơn. Một học sinh sống trong khu vực khấm khá nhà vài triệu, bố mẹ là chuyên gia làm lương cao, trường học tốt, khi cần giúp đở những học sinh này sẻ được bố mẹ chỉ dạy hay mướn người dạy, học đàn, học hát, đi tham quang khắp mọi nơi mở mang trí tuệ, thu thập được tất cả mọi lợi thế. So sánh với một học sinh ở trong khu nghèo, trường học không có thầy cô giỏi, muốn hỏi bài, má ba nó bận ngoài đồng án hay lau dọn trong khách sạn kiếm sống còn không đủ, tiếng anh tiếng u thì giới hạn, không có đủ kiến thức để bày vẻ, tiền bạc đâu mà mướn thầy dạy kèm và nhiều thứ bất lợi khác so với học sinh khá khác.
Tất cả hai lớp học sinh này có một mẩu số chung là chúng nó không có sự chọn lựa để sinh ra ở khu nhà bạc triệu hay ở trong cái ổ chuột. Nhưng rõ ràng là nếu bỏ ra chạy đua thì những học sinh nhà khá giả chắc chắn là đã được bắt đầu ở cái điểm gần cái lằn tới đích hơn, không chối cải được. Vì vậy cho những học sinh không có nhiều đặc quyền này thêm chút xíu điểm, để họ có cái cơ hội vô trường tốt học hành, đổi đời, thì xã hội này sẻ công bằng và tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người, vì sự đóng góp có hiệu quả cùa họ sau khi ra trường.
Phần đông người VN khi so sánh với người Á châu khác như Nhật, Tung Hoa, Ấn Độ thì thống kê Census cho thấy tỉ lệ về khả năng kinh tế còn thấp hơn, nên chắc chắn là khả năng tài chánh dùng đễ đầu tư vô con cái chắc chắn sẻ ít hơn, so với những nhóm người khác Á châu khác. Vì vậy nhiều khi con mình, người VN cần được giúp, mà mình lại chống và vô hình chung người được lợi khác lại là Nhật, Trung Hoa, Ần Độ và con cái nhà giàu VN mà thôi. Đó là một sự thật khó chối cải được. Còn tính cách hiệu quả lơi hại thật sự, giấy trắng mực đen, thì phải cần nghiên cứu thêm với nhiều dử kiện nửa thì mới kết luận được.
Tôi không biết người Việt khác như thế nào, nhưng là một người tỵ nạn thập niên 80 tới đất nước này với cái quần xà lỏn và tất cả mọi niềm hy vọng vào những cơ hội tràn đầy trước mắt. Bản thân tôi được cho nhiều cơ hội để xây dựng đời sống tốt đẹp như ngày nay, những cơ hội vô trường đại học từ cấp cử nhân tới hậu đại học, và cả trong việc làm. Tất cả đều được nhờ vô sự nâng đở của chính sách giống như SC5 để những người thấp cồ bé miệng, không có cái may mắn được sinh ra và lớn lên trong giới có nhiều đặc quyền thuận lợi, có được một cơ hội.
Tôi chỉ xin được một cơ hội và có sử dụng cơ hội đó để làm tốt cho bản thân và xả hội hay không? còn lại, tất cả đều thuộc vể sự cố gắng của chính bản thân tôi. Kết quả sau mấy chục năm, rất tốt, rất thành công và tôi muốn nhửng anh em khác có điều kiện khiêm nhường bất lợi trong đời sống, có được thêm chút cơ hội như tôi khi tôi mới đến Mỹ này. Tôi không muốn con tôi vô học trường toàn là học sinh Tàu, Ấn độ, Việt Nam….Nếu vậy thì tôi gởi con tôi qua học bên Bắc Kinh, Thượng Hải hay Mumbai tốt hơn.
16/05/201417:46:35
Khách
Ý kiến phần 1
* Phần góp ý không đủ sức chứa nên tôi chia làm hai phần cho phần ý kiến về bài Ngọn lửa vẩn cháy.

Chưa nói tới SCA 5 là đúng hay sai, lợi hay hại cho tất cả học sinh nói chung hay học sinh gốc Việt nói riêng. So sánh, giải thích rồi kết luận là tinh thần của dự luật SC5 giống như lối suy nghỉ hồng hơn chuyên của cộng sản VN, là một nhận xét khập khểnh, ngắn vể nhận thức thế nào là một xả hội công bằng và là một phỉ báng lên cái nền tảng ưu việt, đặc trưng của quốc gia Hoa Kỳ này, kiến tạo xả hội công bằng và cơ hội cho tất cả mọi người dân của họ.
Chánh sách hồng hơn chuyên của cộng sản VN sử dụng đối với học sinh, sinh viên là con cháu của quân dân, cán, chính VNCH là một giài pháp được chọn lựa để trả thù một cách hèn hạ thân nhân và thế hệ sau của những người chống lại ý tưởng và sự bành trướng của cộng sản tại miền nam VN. Nó được khai triển và thực hiện một cách tàn nhẩn, không nương tai để triệt hạ tất cả những cơ hội sống còn và phát triển của tất cả những người này. Chính sách này muốn loại bỏ những công dân này ra bên lề xã hội như là một tầng lớp công dân hạng hai, không được hưỡng quyền lọi căn bản phải có và không cơ hội đóng góp cho xứ sở mình theo khả năng của mình mà chỉ được hưởng cặn bả nảo mà cộng sản cho phép
Trong khi đó, tạm thời bỏ qua sự tranh cải về tính hiệu quả của SC5. Bản chất tư nhiên,theo tinh thần mà dự luật này muốn thực hiện, là một dự luật được đề bạt để cho những người gốc La Tinh hay gốc Phi châu hay gốc Việt Nam hay gốc gì khác nửa có một cơ hội để đi học tại những trường đại học tại California, với mục đích là tạo một xã hội công bằng hơn và xử dụng hiệu quả tất cả đóng góp của tất cả mọi sắc dân sống trên đất nước này, trong tinh thần là tin tưởng là tất cả mọi người đều có cái hay cái giỏi để đóng góp, và xả hội sẻ thăng tiến tốt hơn, khi tất cả người dân đều có cơ hội để đóng góp. Tinh thần của SC5 là “ mang vô” chớ không phải “loại ra” như hồng hơn chuyên.
12/05/201402:22:42
Khách
Chào cháu Hưng,
Việc cháu chống cự với dự luật SCA 5 là rất xứng hợp. Có luật pháp như thế sẽ làm cho những người tầm thường được lên trong khi những người giỏi sẽ mất cơ hội với kết qủa không công bằng và lâu dài trong xã hội.. Luật SCA 5 sẽ làm cho sống lại kết qủa xấu của luật lien bang Affirmative Action mà có hiếu lực bên đây từ thập niên 1960. Chúc cháu thành công trong viiệc này.

Chú Sáu
05/05/201423:58:43
Khách
Một nghĩa cử và một tấm lòng cao đẹp rất đáng ca ngợi.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,009,966
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2019 và đã nhận giải Việt Bút Trùng Quang, dành cho bài viết góp phần phát triển văn hóa Việt tại hải ngoại.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012.
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả lần đầu tiết về nước Mỹ từ tháng 11, 2018, với bài “Tình người hoa nở”, tháng 12, “Mùa kỷ niệm” và “Chị em trung học Nữ Thành Nội.”
Tác giả là một Phật tử, pháp danh Tâm Tinh Cần, nhũ danh Quách Thị Lệ Hoa, đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2011, với loạt bài tự sự của một phụ nữ Việt thời chiến, kết hôn với một chàng hải quân Hoa Kỳ
Tác giả tên thật là Đặng Thống Nhất, một nhà giáo hồi hưu. Sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Tác giả tên thật là Đặng Thống Nhất, một nhà giáo hồi hưu. Sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas.
Nhạc sĩ Cung Tiến