Hôm nay,  

Sức Xuân Mạnh Mẽ

04/05/201400:00:00(Xem: 8873)
Tác gia: Nhất Chi Mai
Bài số 4202-14-29612vb8050414

Tác giả định cư tại Mỹ năm 2000, hiện là cư dân Boston và làm việc trong một bệnh viện của tập đoàn Partners. Với bài "Đoá Hồng Bạch" tưởng niệm một nữ sĩ quan Mỹ gốc Việt hy sinh tại chiến trường Trung Đông, Nhất Chi Mai nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2012. Bài viết mới của cô kể về sức mạnh của Boston một năm sau vụ khủng bố nổ bom ngày Marathon 15 tháng Tư 2013.

* * *

Tháng Tư đi qua hai tuần mà cây cối nơi đây vẫn trơ trụi cành nhánh xám xịt, đen điu. Chỉ sau một cơn mưa Xuân muôn vạn mầm lá đã nứt xòa ra những chùm nho nhỏ xinh xinh như những bông hoa xanh lục nhạt. Từ những mắt chồi nhú ra những chiếc lá bé tẻo teo non mượt, mới tinh. Còn có nhiều cây chồi còn nằm im trong những nốt tròn trịa như nụ mai hay nhọn hoắt như những đầu mũi tên nhô đầu cành. Rồi một ngày qua một ngày, vô số lá đã xòe tuy bé nhỏ nhưng đã đủ hình hài. Có những cây treo rủ lơ thơ những chùm nụ xanh vàng vàng dài dài đung đưa như những chiếc bông tai mềm mại hình thuôn tròn. Có cây trổ đầy những chùm đỏ thắm như túm lồng đèn con con mà mỗi sợi dây treo sau này sẽ là cuống lá và chiếc lồng đèn sẽ là phiến lá phong.

Mùa Xuân nơi đây đến muộn, chậm chạp từ từ bước nhưng rồi cũng trỗi dậy thật nhanh không ngờ. Cuối cùng nó cũng đã hiện diện rất rõ ràng trong lá xanh hoa thắm, trong nắng e ấp, trong tiếng chim chíu chít rộn ràng vui mỗi sớm mai, trên cao tít những cây to lớn đầy cành tua tủa, thấp thoáng lấm tấm điểm lá lục rất nhạt, như một mơ hồ, nhưng rõ ràng mầm sống đã khởi dậy.

Sự kiện Marathon Boston sau một năm trời đau buồn gắng khắc phục, bù đắp. Rồi ngày chạy Marathon hàng năm lại đã đến, đã về đến đích, đã chiến thắng, đã tươi cười reo hò vang dậy tung hô với người thắng đó là anh Meb Keflezighi quốc tịch Mỹ, trở thành người Mỹ đầu tiên chiến thắng ở Boston kể từ năm 1983. Anh dành được vòng Nguyệt quế - giải cao nhất của người vận động viên nam chạy 2h08p 37 giây trong số 36 ngàn người chạy năm nay với hơn 70 nước tham gia, để đem nụ cười hạnh phúc cho cả nước Mỹ khi bài quốc ca Star –Spangled Banner được cất lên dọc theo phố Boyston của Boston hôm thứ hai 4/ 21/14.

Ngày 15 tháng 4 năm nay khắp Boston tưởng niệm ngày Marathon và nạn nhân bị bom năm ngoái. Trời mưa tầm tã, gió lạnh. Dù che sát bên dù, người gần lại bên người đứng làm lễ. Gia đình chú bé Martin Richard đứng ở ngay Finish line trên đường Boyston với những quan khách danh dự có ông cựu thị trưởng Thomas Menino. Cả những đoàn người Boston dự lễ tưởng niệm đứng trong màn mưa đầu Xuân nghiêng mình tưởng niệm và vinh danh.

Ở chỗ làm mình và mọi người đeo ruy băng hai màu xanh- vàng với hàng chữ Boston Strong. Các văn phòng công sở chắc cũng đều có Cây Cầu nguyện- Prayer Tree giống chỗ mình, những dải ruy băng màu xanh và vàng ai muốn viết lên lời cầu nguyện, chúc phúc rồi cột, gắn lên cây.

Chiều 21/4 người Boston sau một ngày làm việc hay đi dự Boston Marathon về được thấy, được gặp trên những chuyến tàu đông nghẹt người những người vận động viên vừa chạy xong người áo đẫm mồ hôi, có người chân đi cà nhắc nhưng mặt đầy mãn nguyện.Tối về coi tin tức TV lại thấy hồ hởi rạo rực như khi đợi, chen chân cùng mọi người trong những chuyện tàu chật ních hồi chiều,để được nghe cả một Boston và nước Mỹ vui hân hoan cái không khí của mùa Xuân bình yên và chiến thắng vừa đạt được. Người Mỹ về đích Meb Keflezighi đã viết tên Martin, Krystle, Lingzi va Sean lên bảng yếm đeo trước ngực của anh trong cuộc đua để tưởng nhớ vinh danh 4 người đã chết trong sự kiện bi kịch Marathon 2013.

Trên tàu có nhiều người đeo huy hiệu Boston Althetic Associates, người đi dự áo thun xanh với hàng chữ vàng- Boston Strong, áo phông gió màu cam tươi rói. Các cô gái cổ động kẹp nơ 3 màu xanh đỏ trắng.

Ta học được điều này, người Boston đã viết lên trên Finish line hôm 15 tháng 4 làm lễ dưới trời mưa đó dòng chữ: We own the Finish Line. Năm vừa qua quyết tâm từ trong đau thương: We will rise, we will run, we will thrive, và Boston- nước Mỹ đã làm được!

Mùa Đông thử thách, lạnh vô cùng dài đăng đẵng đã qua. Rồi Xuân cũng đã về. Có cả những mùa Xuân đau khổ tan nát không bao giờ quên 1968, 1975 nhưng ta vẫn trông đợi những mùa Xuân tương lai sẽ đến rực rỡ đầy sức sống như bản chất của mùa Xuân là nảy nở vươn lên mạnh mẽ hình hài, là đẹp đẽ, hồi sinh. Mùa xuân ươm mầm cho mọi sự sống thức dậy.

Đất nước mình đã chịu nhiều đau khổ tang thương, dân tộc mình lận đận số phận quá! Câu nói tôi đã từng nghe: nước mắt nhân loại nhiều như đại dương, còn tôi đã ngẫm thấy nước mắt người Việt cũng đã chảy ra, dài như sông, đầy nhiều như nước biển. Tôi nhớ đến câu một nhà văn Nhất Linh đã nói, thể chế nào cũng làm khổ dân lành: phong kiến, thực dân, đế quốc, cộng sản...

Nước mình chịu quá nhiều nạn nọ đến nạn kia, bao giờ người Việt mình được hưởng hạnh phúc như dân các nước phát triển, dân chủ trên thế giới: được ấm no, tươi cười, được tôn trọng nhân quyền, sự sống.

Những lời ca dao, bài hát u buồn của quê hương đầy tình cảm, như xoáy vào tim người, những tin tức nóng hổi từ Việt Nam khắc vào nỗi trăn trở: những vấn nạn về chủ quyền lãnh thổ, an toàn thực phẩm trong nước, số phận của người tranh đấu cho tự do bị đàn áp, những cái chết tức tưởi, những người dân kêu oan bị mất hết không còn gì, thân phận của các cô gái lấy chồng xứ lạ trôi nổi không biết ngày mai...

Những giọt nước mắt Việt nam vẫn lặng lẽ rơi hay nức nở tuôn trào khi nghĩ đến quê hương, nhớ người thân đã khuất nơi ngục tù, người dân ta chết trên rừng dưới biển trong hành trình tìm tự do...

Trông người lại càng ngẫm đến ta: Bao giờ nước Việt được tự do độc lập, dân tộc được cường tráng hùng mạnh, thơ thới vui sướng thỏa sức sống, hưởng niềm vui hạnh phúc, có được nhiều cơ hội vươn lên những đỉnh cao thành công như dân xứ khác? Mong mỗi người hãy cố gắng làm gì đó để tự hào là người Việt, những mùa Xuân dân tộc có đến được không, nở hoa rực rỡ hay không phải chăng tuỳ thuộc vào vận mệnh, và cả sự đấu tranh, trái tim trí tuệ chúng ta hướng nghĩ đến đường đi, tương lai dân tộc, nỗ lực cống hiến của cá nhân, lòng yêu nước, sự hi sinh của người Việt cùng thế hệ trẻ nhớ nguồn cội cha ông tổ tiên.

Tôi mơ tôi ước Mùa Xuân Việt Nam sẽ có âm hưởng giống như mùa Xuân Boston, tuy muộn, đầy trăn trở, ngập ngừng nhưng rồi vụt nảy nở vươn trổ không ngờ chỉ sau cơn mưa xuân ấm nhuần tươi thắm của thời cuộc, lòng người quyết tâm đoàn kết trong tình yêu thương. Xin nhớ khổ đau quá khứ nhưng không quên tích luỹ tiềm năng nghị lực, chịu đựng và kiên nhẫn, chuẩn bị cơ hội để trỗi dậy. Trong nắng vàng ấm dịu có lấp lánh sắc vàng: màu cờ dân tộc, màu vàng màu da giống nòi, màu vàng của những mùa lúa chín - viễn ảnh cho dân Việt no ấm hạnh phúc.

Dù trước mắt còn đầy những buồn lo khi nghĩ đến số phận nước non dân tộc vẫn tiếp tục bị dìm trong mùa đông của một chế độ độc tài, bất lực mà tham tàn, nhưng tôi đang tự nhủ mình hãy tin là mùa xuân sẽ tới.

Boston những ngày này, phấn nụ rơi hồng đỏ trên mặt lề đường, trên ngọn cỏ lún phún xanh vượt lên lớp tàn úa mùa Đông. Mấy cụm Đỗ quyên ngay trước chỗ làm từng ngày lá tím xanh dần cho tới tuần thứ 3 cuả tháng 4 thì bừng rộ duyên dáng sắc tím. Thủy tiên vàng nghiêng chao hoa vàng có mặt sớm nhất từ đầu Xuân. Nhìn cả hàng cây hôm qua trơ cành hôm nay đã phủ một lượt lấm tấm chùm búp tròn trĩnh, li ti như những hoa đầu màu lá mạ. Những bụi hồng gai góc khô đét cằn cỗi cũng mở lá mới với rìa lá răng cưa rất non.

Trong những ánh mắt rưng rưng nguyện cầu rồi có bóng dáng nụ cười sẽ nở, cả bóng dáng sắc Xuân trên gương mặt người dân tôi một tương lai không xa.

Nhất Chi Mai

Ý kiến bạn đọc
06/05/201416:56:54
Khách
Thanh that cam on loi nhan xet va su dong vien cua ban doc Joseph Le. Nhat Chi Mai se co gang .
Chuc ban ngay vui.
Ncm
05/05/201403:15:20
Khách
Bai cua Nhat chi Mai rat hay.
Nen viet nhieu them nua.Rat dang khuyen khich.
Joseph Le
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,031,661
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2019 và đã nhận giải Việt Bút Trùng Quang, dành cho bài viết góp phần phát triển văn hóa Việt tại hải ngoại.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012.
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả lần đầu tiết về nước Mỹ từ tháng 11, 2018, với bài “Tình người hoa nở”, tháng 12, “Mùa kỷ niệm” và “Chị em trung học Nữ Thành Nội.”
Tác giả là một Phật tử, pháp danh Tâm Tinh Cần, nhũ danh Quách Thị Lệ Hoa, đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2011, với loạt bài tự sự của một phụ nữ Việt thời chiến, kết hôn với một chàng hải quân Hoa Kỳ
Tác giả tên thật là Đặng Thống Nhất, một nhà giáo hồi hưu. Sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Tác giả tên thật là Đặng Thống Nhất, một nhà giáo hồi hưu. Sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas.
Nhạc sĩ Cung Tiến