Hôm nay,  

Mật Ngọt Tình Thâm

16/06/200900:00:00(Xem: 170117)

Mật Ngọt Tình Thâm

Tác giả: Hà Kim
Bài số 2644-16208721- v361609

Hà Kim là tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ. Bà sinh năm 1950, giáo viên tại Việt Nam, theo chồng định cư  diện HO năm 1995, hiện là cư dân San Jose (Bắc Calif). Cuối tháng Sáu 2007, bà thay gan tại bệnh viện Stanford. Bốn tháng sau ngày rời bệnh viện, bà viết bài "Again, America, Xin Nói Lời Tri Ân”  kể lại đầy đủ kinh nghiệm của người đã đi qua "ba bước thay gan." Sau đây là bài thứ hai trong loạt bài viết mới nhất của Hà Kim, nhân mùa Father’s Day.

***

Lời Ngỏ:  Tôi cầm trên tay bản tin số 14 tháng 9, 2008 của Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh TPH Vĩnh Long- những hình ảnh, tin tức của Hội phong phú và hấp dẫn.  Tôi chợt bàng hoàng và xúc động khi nhìn lại tấm ảnh chụp cách đây 43 năm của anh tôi và hai người bạn.  Niềm xúc cảm dâng trào khi đọc những dòng chữ của Hội nhắc về Ba tôi -cựu đốc học trường tư thục HV và cựu giáo sư trường trung học Tống Phước Hiệp -về anh tôi cùng hai người bạn kết nghĩa của anh.  Mà nay, kẻ trước, người sau, tất cả đã lần lượt ra đi. 
Trong nỗi ngậm ngùi, rưng rưng lệ, tôi đặt bút viết bài tự truyện này để thành kính tưởng nhớ về  người Cha thân yêu đã khuất.

*
Tôi sinh ra dưới một ngôi sao may mắn.  Rất may mắn, tôi có được một người cha tài đức vẹn toàn.  Tôi hãnh diện và tự hào có một người cha như ông.
Ba tôi thường xuyên nhắc nhở các con và những học trò của ông:
- Sống ở đời phải có lý tưởng.  Phải toàn tâm, toàn lực thực hiện lý tưởng của mình.
Vâng, sống ở đời phải có lý tưởng.  Ba tôi đã giương cao lời khuyên bằng chính hành động của mình.  Lý tưởng của môt chàng trai như ông trong thập niên đất nước còn nghèo nàn, lạc hậu vì dốt nát là gì" Đó là Ba tôi muốn truyền bá đạo đức làm người và tri thức đến lớp trẻ bằng con đường nhà giáo của mình.
Thời chúng tôi làm nghề giáo tương đối dễ dàng. Cứ thi vô trường Sư Phạm, học 2 năm hay 4 năm.  Tốt nghiệp và được bổ nhiệm đi dạy.  Đến đời các cháu của ông  may mắn được định cư ở Mỹ quốc, điều kiện học hành và thực hiện những ước mơ của mình thuận lợi.  Bọn trẻ chỉ cần quyết tâm muốn học bằng cấp nào, ngành nghề nào chỉ cần mình thích và có ý chí là đạt được.  Thời gian học uyển chuyển sáng, chiều, tối.  Học toàn thời gian hay bán thời gian, học hàm thụ ngay cả trên online.  Tại tiểu bang Calif, ở bậc tiểu học, và Trung học con nhà nghèo được học và ăn trưa miễn phí.  Lên Đại học 4 năm, không có tiền thì chính phủ tài trợ đóng học phí, cấp cho mỗi học kỳ một số tiền mua sách vở, dụng cụ học tập.  Muốn học lên cao hơn, nếu học giỏi có thể nhận học bổng từ một cá nhân hay công ty nào đó hoặc mượn tiền không tiền lời đến khi ra trường đi làm mới trả góp. 
Nhưng hành trình được đi học, được giảng dạy và thành lập trường tư thục vào thời đại của Ba tôi rất gay go và gian nan.
Ba tôi là người con khôi ngô và thông minh nhất trong 6 anh chị em.  Chính vì vậy ông Nội tôi chọn duy nhất đứa con trai này cho đi du học tận...Sài Gòn.  Thời 1930, kinh tế đói kém mà cho con cái đi học xa là một sự đầu tư rất lớn lao.  Bà con tán ra:
- Thúng gạo còn để ăn no, chứ có một “bồ chữ” không để làm gì. (Ở nhà nông, một bồ lúa rất to lớn có thể chứa vài trăm giạ lúa)
Khi Ba tôi tốt nghiệp, ông không trở lại quê nhà để nghe lời xầm xì khinh rẻ đó.  Ông muốn thực hiện lý tưởng của mình -vác “bồ chữ” đi lập nghiệp phương xa.  Năm đó ông chỉ mới 22 tuổi.
Ông mượn một số tiền từ người em họ, cùng 2 người bạn đi về vùng đất Sa Đéc lập trường. Trường tư thục Montain ra đời.  Montain là tên một ông tổ ở Pháp, chuyên thành lập trường tư khắp nơi.  Ba tôi mơ uớc mình cũng sẽ thành đạt như vậy.  Học trò ở đâu mà có" Ông mướn một chiếc xe lamretta 12 chỗ ngồi.  Biểu ngữ giăng quanh xe, tiếng loa vang vang khắp phố phường với lời kêu gọi phụ huynh gởi con em đến trường học tập.  Kết quả vô cùng tốt đẹp.  Một lớp học, rồi tăng lên 2, 3, 4... lớp.  Ông mời thêm giáo viên về cộng tác.   Trường trở nên nổi tiếng.  Một trường học có nền nếp, quy củ tốt và một dàn giáo viên giỏi.  Trường phát triển liên tục, tiếng tăm vang xa.  Ông mở thêm khu vực nội trú nuôi ăn ở cho học trò xa đến học hành.
Ba năm sau, ông Nội tôi đánh một cái điện tín (thời đó làm gì có phone và cell phone) với nội dung: “Ba bịnh nặng, con về gấp.”  Ba tôi vội vả bàn giao công việc về quê thăm cha.  Không, ông Nội tôi không bịnh, ông Nội chỉ gạt gẫm để Ba tôi chịu trở về coi mắt vợ.  Cũng thời...1900 hồi đó, việc dựng vợ gả chồng chỉ cần bà mai giới thiệu là lễ cưới tiến hành, cô dâu chú rể đâu có biết mặt, quen trước.  Vậy mà Ba tôi được dẫn đi coi mắt vợ là tốt lắm rồi.  Chí làm trai chưa thỏa, ông thầm nghĩ:
- Mình chưa muốn cưới vợ nhưng dưới áp lực của ông già, cứ đi.  Đến nơi, mình quậy quậy một chút, ai dám gả con gái cho mình.
Thế rồi, với quần áo thời thượng, quần short, áo sơ mi trắng, cái mũ lưỡi trai cầm tay, ông phon phon bước chân vào nhà gái.  Cô tiểu thư đài các, uyển chuyễn bưng trà ra mắt. Nhà trai đang ngắm nghía nhỏ to. Ông đĩnh đạc đứng lên xin phép cho được tìm hiểu, nói chuyện riêng với cô. Bao ánh mắt tròn xoe ngạc nhiên về lời xin cấm kỵ ấy.  May thay, Cậu cô gái khá tân thời liền cho phép hai trẻ ngồi ở bàn riêng, góc phòng khách trò chuyện. 
Khi ông đang thao thao bất tuyệt kể cho cô nghe về sự nghiệp mới gầy dựng của mình, Nội tôi nhíu mày, liếc mắt nhìn sang, ông ngưng ngay câu chuyện, trở về vị trí cũ.  Ra về, ông mừng thầm, phá bỏ tục lệ xưa, cầm chắc ông bị từ hôn.  Nhưng bất ngờ, Nội tôi nhận được lời chấp thuận của đàng gái.  Bởi vì, người Cậu nói với các em:
- Cậu đó có vẻ Tây phương nhưng biết sợ uy cha.  Cha liếc mắt mà biết sợ là con nhà gia giáo.  Tốt!
Vài tháng sau, lễ cưới được tiến hành.  Ba tôi không chạy thoát.  Ông đành đón Má tôi về dinh.  Ngẫu nhiên, Má tôi trở thành bà Đốc học (thời đó không gọi là hiệu trưởng trường).  Sự nghiệp của ông không vì lập gia đình mà xuống cấp.  Ngược lại, ông còn có thêm một phụ tá đắc lực và còn có thêm 4 học trò nhí mới ra đời nữa.
Cuộc đời của ông, tưởng êm trôi và thăng tiến.  Nhưng chiến tranh bùng nổ.  Pháp rút quân, Nhật vào chiếm đóng.  Học trò tan tác theo gia đình tản cư. Bỗng chốc, trường Montain sụp đổ. Ông đau lòng, buồn bã đưa vợ con về lại quê nhà.  Ông muốn tự lập nên không về chung sống cùng đại gia đình. 
Lên ghe, cả nhà tiến về cù lao Qưới Thiện.  Một vùng đất an lành, còn hoang sơ. Tại đây, chồng cất nhà, đào mương lên liếp trồng cây ăn trái; vợ chăn nuôi đàn heo, bầy gà, đám con mò cua, bắt ốc. Thời vàng son nay còn đâu! Xóm làng nghèo quá, dốt quá. “Bồ chữ” ông còn ôm đây.  Ông lại che mái lá cạnh nhà mở trường.  Một mình ông độc diễn.  Ông đi từng nhà, vận động cho con em đến lớp, học... miễn phí.  Ông muốn cho chữ đi mọi nhà.  Ngược lại, nhà ông nhận đầy ắp nào gạo, nào vịt gà.  Nơi đây, anh Trung và tôi ra đời.
Cuộc sống cũng tưởng trôi êm và bình an.  Nhưng bất hạnh thay... người anh thứ 5 của tôi qua đời vì bạo bịnh, vì không có thuốc thang.  Cú sốc đầu tiên, nặng nề nhất mà gia đình tôi phải gánh chịu.  Nhìn trời nước mênh mông, ông ngẫm ra một điều quan trọng:
- Không thể kìm hãm cuộc đời các con ở chốn hoang dã này nữa.
Ông quyết định tặng cho người bạn láng giềng tốt bụng ngôi nhà và mảnh vuờn xanh tốt, chỉ với một điều kiện “hãy chăm sóc giùm ngôi mộ cuối vườn của con ông”.
Lần này, ông đưa vợ con trở lại tỉnh thành Vĩnh Long.  Ông không thể đi xa hơn quê nhà.  Ông còn mang nặng trọng trách cha già giao phó.  Ông là người trí thức, hiểu biết sự đời nhất nhà để cố vấn việc học hành cho các cháu, giải quyết các tranh chấp, xung đột trong đại gia đình.
Giữa khu xóm vườn Cồng, sau tòa Hành chánh tỉnh, có dãy phố 5 căn.  Ông mướn 2 căn để gia đình cư ngụ, 1 căn để mở lớp.   Tiếp sau, ông mướn luôn 2 căn còn lại.  Chưa hài lòng, ông muợn vốn mua tất cả 5 căn.  Còn đất trống, ông cất thêm 2 căn nữa.  Trường tiểu học tư thục Huỳnh Văn ra đời với đủ các cấp lớp từ lớp 1 đến lớp 5.  Có lẽ đó là trường tư thục đầu tiên ở Thị xã Vĩnh Long.  Buổi tối, trường trở thành trung tâm bình dân học vụ, giảng dạy miễn phí cho người lớn mù chữ.  Sau đó, ông dời gia đình về một căn nhà ngói khang trang hơn, ngang tiểu chủng viện.  Thành ra, trường Huỳnh Văn có được 7 lớp học.
Việc truyền chữ không bao giờ ông thấy đủ.  Hồi đó, học trò học xong lớp 5 phải thi vào đệ thất (lớp 6) rất khó khăn.  Tuyển chọn rất ít học trò, không trúng tuyển thì sang năm thi lại hoặc bỏ học luôn.  Vì vậy, ông cùng bạn bè vận động chánh quyền cho thành lập thêm trường. Trường trung học bán công Nguyễn Thông ra đời. Học trò thi rớt sẽ được tuyển vào học trường này với một ít học phí nhẹ phải đóng.  Lần lượt, ông nhận lời giảng dạy bộ môn Pháp văn và công dân giáo dục ở 3 trường trung học: Nguyễn Thông, trường Trung Học Tống Phước Hiệp, và trường trung học Nguyễn Tường Tộ -một trường tư do họ đạo thành lập. 
Chưa dừng lại, ông cùng bạn đồng nghiệp trong trường thành lập thêm trường trung học tư thục Cửu Long.  Hoạt động vài năm, trường phải đóng cửa.  Tôi không hiểu vì chủ đất lấy lại khu vực này hay trường thiếu kinh phí"  Bởi tôi nghe ông thường xuyên đề nghị ban giám hiệu  miễn phí toàn phần hay một phần cho những học trò nghèo.  Thành công hay thất bại, lúc nào ông cũng bình tĩnh vượt qua.
*
Đau lòng thay, với biến cố Tết Mậu Thân 1968, chiến tranh đã vào tận thành phố.  Xóm nhà tôi bị thiêu hủy hoàn toàn.  Chúng tôi chạy thoát ra khỏi căn nhà đang bốc lửa.  Ba tôi mang theo chỉ duy nhất một chiếc radio nhỏ cầm tay để nghe tin tức từ Sài Gòn, nơi các anh chị tôi đang sinh sống.  Anh Trung, một tay xách chiếc vali, một tay dìu Má tôi.  Chúng tôi chạy như bay về bịnh viện -nơi mà ông tin tưởng đạn pháo kích không rơi vào. 


Gần tuổi 60, Ba Má tôi phải gầy dựng lại từ hai bàn tay trắng. Cũng vào thời điểm này, trường Tiểu học công lập đã phát triển tương đối đầy đủ.  Ông nhận định tình hình và đau đứt ruột đành bán căn trường Huỳnh Văn.  Trên nền nhà đổ nát, ông xây lại căn nhà mới.  Tiếng gọi lập trường từ Sađéc réo gọi, ông muốn tiếp tục lên đường.  Nhưng bạn bè khuyên can Ông không còn thời trẻ trung nữa.  Ngậm ngùi, ông từ bỏ ý tưởng sáng lập trường của mình.  Ông chỉ nhận giảng dạy ở hai trường trung học Nguyễn Thông, và trường Tống Phước Hiệp vài năm sau nữa.  Bao giờ, ông cũng muốn truyền đến thế hệ trẻ đạo đức làm người trong các bài giảng sinh động trong bộ môn Công Dân Giáo Dục.  Thậm chí ông dùng mươi phút đầu “giáo dục đạo đức” trong tiết học Pháp văn.  Tôi tin rằng những ai là học trò của ông sẽ không bao giờ quên những chuyện kể bổ ích đó.  Ông đã dành hết tâm sức của mình trong giờ lên lớp.
 Về nhà, sau 4 tiết giảng dạy, gương mặt ông hơi tái đi, và hơi thở đứt đoạn. Một ly đá chanh đường tôi làm để ông đỡ mệt.  Thế thôi! 
Sau này, có đi dạy, tôi mới hiểu công sức ông truyền đi nhiều biết bao nhiêu mới khiến ông mệt đứt hơi như vậy.  Năm 63 tuổi, ông về hưu.  Ông sống an vui cùng gia đình nhỏ của tôi.  Sau khi chúng tôi đi định cư ở Mỹ, anh Trung về thay tôi, phụng dưỡng Ba Má tôi đến cuối đời.  Ngày ông ra đi ở tuổI 90, con cháu và rất đông đảo bà con, bạn bè, học trò đến tiển đưa.  Ông mất đi là một tổn thất lớn cho đại gia đình và để lại niềm thương tiếc khôn nguôi cho mọi người quen biết ông.
*
Vâng, mọi người đều thương tiếc ông.  Bởi ông không chỉ sống cho riêng ông mà ông cống hiến lý tưởng phục vụ mọi người.  Ông toàn tâm, toàn sức lực lo cho tha nhân.  Nhớ lại, ông thường dạy dỗ các con:
-Phải biết cho đi thật nhiều.  Thi ân bất cầu báo, nghĩa là mình phải hết lòng giúp đỡ mọi người mà không cần báo đáp.
Đúng vậy và không phải vậy. Dù không cầu báo, nhưng ngẫu nhiên những cái “nhân” ông gieo ra, sau này, các con ông nhận “quả” tốt lành.  Bất cứ ở đâu, chỉ cần biết chúng tôi là con ông lập tức chúng tôi chẳng những được thương mến mà còn được tận tình giúp đỡ.  Đến tận phương trời xa, tận Mỹ Quốc, gia đình cô họ tôi mở rộng vòng tay đón chúng tôi.  Nhờ vậy, tôi mới được định cư ở tiểu bang Cali nắng ấm. Và nữa, học trò ngày xưa của ông tình nguyện giới thiệu, đưa đón chúng tôi đi làm trong thời gian đầu còn bở ngỡ.  Luật “nhân quả nhãn tiền”- ngay kiếp này chứ không phải kiếp sau mới có.  Đó là bài học đầu đời, ông đã dạy dỗ các con.  Và chúng tôi theo đó mà hành thiện.  Cái giáo dục tỉ mỹ, và giòng máu ông ban cho, các con ông nhận lấy.  Bởi vậy, không có gì làm lạ khi ai đó có dịp tiếp xúc với chúng tôi đều có cùng nhận xét “Rất nhiều phần chúng tôi có phong cách hành xử giống ông”.
Ông còn hình thành nhân cách tốt đẹp cho các con ông bằng chính hành động của mình.  Ngày xưa, ông từng huờng dẫn các con biết xin lỗi khi làm điều sai lầm.  Biết kính nể, tôn trọng người nghèo khó, lao động chân tay.  Biết nói lời cám ơn khi ai đó giúp mình. Chúng tôi phải biết nhìn và làm theo ông.  Tôi không bao giờ quên được hình ảnh một ông đốc học sang trọng (ít nhất là tự hào trong đầu non nớt của tôi) niềm nở mời ông lão xích lô vô nhà uống ly trà đá hay cái bắt tay thân tình với anh phát thơ của ông. Không, ông không hạ thấp giá trị của mình.  Ngược lại, khắp tỉnh thành thị xã, ai cũng yêu thương nể vì ông đốc.
Ông thường xuyên khuyên chúng tôi:
-Nhân chi sơ tánh bản thiện.  Con người sinh ra, ai cũng có tánh thiện.  Đừng bao giờ tạo ra hoàn cảnh để ta trở thành kẻ ác, làm điều tội lỗi.
Thực vậy, ông thực thi lời nói đó suốt cả đời mình.  Vào thời của ông, đàn ông năm thê bảy thiếp, ông chỉ có một vợ.  Ông hay vỗ vỗ đầu tôi nói:
-Ba không sợ mất vợ.  Ba chỉ sợ mất các con.
Ngày còn trẻ trung khôi ngô, trung niên già hơn, ông vẫn đẹp lão.  Dù có vợ con, biết bao bà... mê ông.  Có lần, một bà giám thị goá chồng trẻ đẹp, có con nhỏ bệnh.  Bà nhờ ông đến chăm sóc, ông hoảng quá. Vì tấm lòng nhân, ông đến giúp, nhưng kéo theo ông bạn. Ông thoát khỏi hoàn cảnh éo le dễ phạm tội đó.
Không theo lẽ thường tình, “chồng chúa vợ tôi”, Ba tôi luôn tôn trọng và thương yêu vợ.  Chính ông mới là người gánh vác công việc nặng nhọc trong nhà.  Giáo dục con cái là ông, chăm sóc lúc con cái bị bịnh cũng là ông.  Bao nhiêu việc của trường lớp ban ngày ông phải lo, ông vẫn thức thâu đêm bên giường bịnh của con.  Ông hiểu tánh ý, sức khoẻ của từng đứa con.  Tôi là con gái út, yếu đuối và bịnh luôn.  Ngôi nhà ở xóm vườn Cồng, muốn ra lộ lớn, phải đi bộ thông qua hai con hẻm nhỏ hẹp.  Khi tôi bịnh, ông gọi xích lô và trả tiền trước.  Trở vào nhà, ông kê lưng cõng tôi ra xe, dù lúc đó tôi cũng đã lớn 10 tuổi đầu rồi.  Xe ngừng, ông lại cõng tôi chạy riết vô phòng mạch bác sĩ.  Ông sợ nắng gió làm tôi bịnh thêm.  Dưới cái nhìn của ông dù tôi bao nhiêu tuổi vẫn là con gái út bé bỏng. 
Nhìn tuổi thanh xuân của ba cô con gái, ông không khỏi lo âu.  Ông chép miệng dặn dò:
- Con gái như hũ mắm treo giàn bếp.  Các con phải biết giữ gìn tiết hạnh.
Ôi chao! Chị em chúng tôi bị ông giám sát kỹ càng.  Chúng tôi không thể nào có bạn trai.  Ai đó ngắm nghía, tìm cớ đến nhà, người tiếp đón niềm nở... là ông.  Chúng tôi chỉ có nhiệm vụ rót trà mời khách, rồi...vào trong. Ông làm ngơ, cứ như là khách của ông vậy.  May mắn là chị em chúng tôi không... ế độ.  Cơ hội gặp gỡ vẫn xảy đến nhưng ông tơ bà nguyệt phải se duyên cho chúng tôi tận phương trời xa. 
Tôi may mắn kéo được ông xã về dinh của mình. Và dù tôi đã trưởng thành, có chồng con, ba tôi đã già nua, ông vẫn mang từng viên thuốc, tách trà vào phòng mỗi khi tôi nhức đầu, cảm mạo.  Khi ông xã tôi vào trại ”học tập cải tạo,” ông đã theo anh tôi chạy vù vù theo đoàn xe nhốt tù, để tìm cho ra trại giam.  Tôi đã nức nở nép vào lòng ông như ngày bé thơ.  Ông luôn miệng an ủi tôi:
- Không sao, không sao, còn có Ba Má bên cạnh đây mà.
Lo bên đông đã mệt, ba tôi còn phải lo bên tây nữa.  Ông còn phải nặng gánh lo âu đến anh Trung tôi.  Anh tôi ham chơi hơn ham học.  Ở tuổi 15, anh đã lãng mạn yêu đương, thơ tình cầm bút viết vài bài.  Anh biết chưng diện nữa.  Chỉ cần 100 đồng, anh đến tiệm đặt may bộ đồ veste sang trọng.  Ngày hẹn đến, anh chìa hoá đơn xin thêm má tôi 350 đồng nữa.  Không nhận đồ thì mất tiền đặt cọc, má tôi tiếc tiền cọc, đành dằn mạnh tiền trên bàn cho anh.Anh cười hề hề, nhét tiền vào túi chạy nhanh. 
Ngược với anh, tôi rất tự ái, cằn nhằn:
-Má cho như vậy mà anh cũng nhận.
Anh khề khà trả lời:
-Không nhận Má buồn...
Vào khoảng năm 1960, người người mê thích chuyện chưởng Kim Dung.  Anh yêu lắm những nhân vật kiếm hiệp anh hùng.  Anh đã cùng 4 người bạn cắt máu tay vào ly rượu, uồng và thề: buồn vui chia xẻ, hoạn nạn có nhau. Năm người bạn thành ngũ quỷ, bắt đầu đi hành hiệp giang hồ.  Anh Nguyền hiền lành, quê mùa.  Anh Xinh ít nói, cộc tính.  Anh Lân hề hà, đôn hậu, hay cười mĩm chi.  Chỉ có anh Quốc và anh Trung tôi là lanh lẹ.  Không hiểu vì lý do gì, anh Trung không bao giờ kể tôi nghe-5 anh thường ra trận uýnh lộn với đám khác.  Nam sinh TPH có nhiều trò chơi bạo quá! Thường đứng hai hàng dài từ cổng trường vô, để chào đón, ngắm nghía, chọc ghẹo các cô nữ sinh áo trắng thướt tha đến lớp.  “Các anh dành ‘ghệ’ chăng" Tôi hỏi vậy, anh tôi chỉ cười, ra dấu bí mật không được bật mí được.  Ba tôi nhiều phen nhức đầu vì các anh.  Ông kết hợp với cha mẹ 4 anh này, liên lạc với ban giám hiệu và thầy cô giáo, để tìm phương giáo dục.  Ông luôn bình tỉnh, kiên trì để dạy dỗ anh tôi.  Ông thường nói:
-Chăm sóc cây cành phải nhẹ tay, bền bỉ uốn nắn, từ từ cành cây mới vươn lên, cứng cáp đẹp xinh như ý mình.
Nhờ công khó nhọc của Ba, dù mỗi kỳ thi tú tài, anh tôi phải qua hai khóa, hai năm học, anh cũng đỗ đạc.  Và nhờ anh học hành chậm trễ mà tôi tiến lên bằng anh. 
*
Biến cố Tết Mậu Thân 1968 xảy đến.  Nhìn cửa nhà đổ nát, nhìn Ba Má đã luống tuổi, tóc đã bạc phơ, anh em tôi dắt tay vào trường Sư Phạm.  Từ đây, anh Trung và 4 người bạn kết nghĩa anh em mỗi người mỗi ngả.  Chiến tranh càng khốc liệt, lệnh tổng động viên ban hành, 4 anh phải vào quân đội. Anh Nguyễn tử trận ở lứa tuổi thanh xuân.  Còn lại 3 anh vào sanh ra tử nơi chiến trường.
Biến cố 30/04/1975, một lần nữa, nổi bi thương của đất nước xảy ra -3 anh vào tù.  Mười mấy năm sau, anh Xinh và anh Lân được định cư ở Mỹ.  Và vì bạo bịnh, cả hai anh đã ra đi trong năm 2007.  Còn anh Quốc đang ở tại quê nhà.  Anh tôi là con trai duy nhất còn lại trong gia đình nên được miễn dịch.  Chúng tôi tiếp nối truyền thống nhà giáo của ba tôi.  Tôi không làm sao quên được những tháng ngày vất vả của chúng tôi sau năm 1975.  Anh tôi nhường phiếu xăng tiêu chuản để tôi bán lấy tiền mua thêm thực phẩm.  Bỏ xe gắn máy, chúng tôi cùng lên xe đạp. Anh sử dụng chiếc xe đòn dông cũ kỹ, đạp từ trường Phú Quốc về nhà riêng bên kia cầu Bắc Mỹ Thuận.  Đi và về mỗi ngày 40 km.  Đồng lương không đủ sống, anh còn đèo thêm 2 giạ gạo bán buôn kiếm thêm đồng lời.  Tôi lập nên lò kẹo me.   Tôi tập tành làm kẹo.  Chảo kẹo đầu tiên, cháy đen. Ba tôi mau mắn đưa ra 7 ngàn mua kẹo đắng để...uống trà.  Ông muốn động viên tôi phải biết kiên trì, không bỏ cuộc trước hoàn cảnh khó khăn.  Ông vẫn là gốc cổ thụ già vững chắc để chúng tôi nương tựa. 
Tôi cũng không bao giờ quên được những chiều tối mưa tầm tả, hình ảnh anh tôi đạp xe ghé ngang nhà thăm ba má tôi.  Anh không quên có gói xôi, cái bánh cho các cháu.  Ngày tôi đi định cư, anh dọn về chung sống với Ba Má.  Sau này, những lần về thăm, làm sao tôi quên chiếc lưng trần đen sạm, anh ngồi bên hiên nhà với thau đồ giặt cho cả nhà.  Vướng phải căn bịnh nan y, anh ra đi khi còn khá trẻ, ở tuổi 55.  Suốt cuộc đời anh không ngày nào sung sướng, vất vả và luôn vất vả.
Đêm nhận được tin anh mất, tôi không ngăn được giòng lệ tuôn tràn.  Lần đầu tiên, tôi thắm thía được câu “Ruột thắt, lòng đau”.  Ruột tôi cuồn cuộn đau thắt, tưởng chừng không chịu nổi.  Trước đó, ngày dự lễ tang Ba tôi, nổi đau của tôi lại khác. Máu nóng trong tim cuồn cuộn chảy, tim đau thắt đến nín thở.  Và cũng lần đầu tiên, tôi mới thấu hiểu “mỗi người thân ra đi, có cái đau lạ thường ở nhiều cơ phận trong cơ thể ta.”  Và rồi những hình ảnh xa xưa có dịp trào dâng, chảy về tràn ngập trong trí nhớ ta.
Vâng, những người thân ta có ra đi, theo thời gian nỗi đau sẽ dịu hơn nhưng những kỷ niệm ngày xưa thân ái vẫn còn đây, ngậm ngùi ở lại nơi trái tim ta.
Mãi mãi và mãi mãi ta không thể nào quên những “mật ngọt tình thâm”, phải không".
Hà Kim

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,003,167
Tác giả đã góp nhiều bài viết đặc biệt và đã được trao tặng giải thưởng Việt Về Nước Mỹ. Ông sinh năm 1951, du học Nhật trước 1975. Đến Mỹ năm 1981. Hiện là cư dân Irvine, Nam California. Công việc: Kỹ Sư Điện tại một hãng trong cùng thành phố. Đây là bài viết mới nhất
Bà cho biết tên thật Jeanne Bùi, sinh năm 1945. Từ trước 1975, dạy học ở Saigon. Sang Pháp từ 1982, đi học lại rồi làm việc cho Mairie de Paris (Tòa Thị Chính), hiện đã nghỉ hưu.
Tác giả là một nhà giáo tại Việt Nam. Sang Mỹ, bà có 10 năm làm việc trong ngành du lịch, hiện là cư dân Little Saigon. Với sức viết mạnh mẽ, Phùng Annie Kim đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2016.
Tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Năm 2019, Tác giả nhận thêm giải Chung Kết Vinh Danh Tác Giả Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ hay còn gọi là giải Hoa Hậu. Tốt nghiệp Y Khoa Huế, thời chiến tranh Bác sĩ Vĩnh Chánh đã là Y Sĩ Trưởng binh chủng Nhảy Dù.
Tác giả là cư dân Huntington Beach. Những Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của cô là “Chuyện Vui Sầu” ký bút hiệu Khánh Doãn đã được phổ biến từ tháng Tư 2011.
Nguyễn Cao Thăng là tên thật của tác giả, 52 tuổi, dân gốc Kinh 5 Rạch Giá, một cựu thuyền nhân, hiện là kỹ sư cơ khí của hãng máy bay Beechcraft tại Wichita, Kansas.
Tác giả hiện sống ở thành phố Victorville California, đã từng tham gia VVNM năm 2018
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ kèm theo hình ảnh hoặc tài liệu do ông thực hiện hoặc sưu tập.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Bà sinh năm 1948 tại Biên Hòa, cựu học sinh Ngô Quyền.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ 2004. Võ Phú sinh năm 1978 tại Nha Trang-Việt Nam; định cư tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth University.
Nhạc sĩ Cung Tiến