Hôm nay,  

“Thanksgiving” Cho Mọi Người

28/11/202400:00:00(Xem: 2441)

Thanksgiving 

Tác giả tên thật là Trần Hương Thủy hiện sống tại South Carolina. Tác giả là một cây bút được yêu mến và đọc nhiều trong giải thưởng VVNM. Bà vừa nhận giải Vinh Danh Tác Phẩm 2023. Từ một câu chuyện nhẹ nhàng về tình người, tác giả gửi gắm một điều ước tốt đẹp đến mọi người trong mùa lễ “Thanksgiving”
 
***
 
Ông ngồi nhâm nhi tách trà, ánh mắt mông lung thả vào khoảng không. Từ tách trà nóng, một làn khói mỏng tỏa lên. Hương sen lãng đãng trong khu vườn buổi sáng, quyện cùng mùi cỏ cây, mùi sương ẩm. Buổi sáng bao giờ cũng là thời khắc êm đềm đối với ông. Không có gì phải vội vàng, ông cứ ngồi như thế, cho đến khi mặt trời lên cao và bình trà cạn nguội ngắc ngơ.
 
Nhưng hôm nay thì khác. Bãi sân trống cạnh nhà là nơi tụ tập đá bóng của bọn trẻ từ sớm. Kỳ nghỉ hè vừa mới bắt đầu, bao nhiêu sự phấn khích cùng với năng lượng tràn đầy dồn vào những cú sút bóng ầm ầm, vào tiếng la hét vang dậy. Rồi cái gì đến cũng đã đến. Một cú sút thẳng chân, hất quả bóng bay qua hàng rào, rơi ngay bàn trà của ông.
 
- Choang…Choang…
 
Cả chiếc ấm tích và chén trà rơi xuống đất, mảnh vụn văng tung toé. Ông còn chưa kịp định thần thì đã nghe tiếng gõ cửa và tiếng gọi lớn:
 
- Ông ơi, lấy giúp bọn cháu quả bóng đi ạ.
 
Không nghe tiếng trả lời, bọn trẻ dừng lại một chút rồi gọi to hơn, đập cửa dồn dập hơn. Cơn giận ngút lên. Ông cố gắng thở đều cho nhịp tim bình thường trở lại, nhưng không thể được… Cánh cổng bật mạnh ra. Thằng bé dừng tay gõ cửa, hớn hở:
 
- Ông cho cháu xin…
 
Ông quát thật to, giận dữ:
 
- Cút, cút ngay.
 
Bọn trẻ ngỡ ngàng nhìn ông. Theo bản năng, chúng thụt lùi lại sợ hãi. Rồi bất thình lình, cả bọn co chân chạy thật nhanh. Ông hằn học dập mạnh cửa, đi trở ra vườn. Nhìn những mảnh vỡ nằm ngổn ngang khắp nơi, ông nghe cơn giận tức ngang lồng ngực.
 
Lúc trước, khi ông chuyển đến đây, thành phố này còn hoang sơ lắm. Từ “highway” rẽ vào con đường nhỏ ngoằn ngoèo, có những quãng chỉ toàn cây thông xanh chạy dài ngun ngút, không thấy bóng người.  Và dừng lại cuối ngõ là căn nhà của ông, lẻ loi trong dãy phố thưa thớt bóng nhà. Bãi đất trống trải mênh mang lau lác bên cạnh, và phía sau là thung lũng sâu bạt ngàn cây cỏ. 
 
Đêm đến, bóng tối phủ tràn. Gió đưa bóng cây lay lắt như những hồn ma chập chờn hòa theo tiếng gió rít từ vực sâu nghe thật hãi hùng. Nếu ai đó yếu bóng vía, sẽ bỏ đi ngay từ cái nhìn đầu tiên. Nhưng ông thì khác. Ngôi nhà rất thích hợp với tâm trạng cô đơn của ông. Càng hẻo lánh càng tốt. Ông không muốn tiếp xúc với hàng xóm, không muốn quan hệ với bất cứ ai.
 
Rồi theo thời gian, thành phố đông đúc hơn. Những ngôi nhà mọc thêm như nấm sau cơn mưa rào. Tháng rồi, công ty vệ sinh môi trường của thành phố đã đến phát quang bãi đất trống bên cạnh nhà ông và xịt thuốc đuổi muỗi, đuổi côn trùng. Vậy là đương nhiên, nơi đó trở thành chỗ tụ tập vui chơi của bọn trẻ khu phố lúc rảnh rỗi.
 
Ông đứng lên, cái lưng đau như muốn gãy đôi vì cúi xuống quá lâu để nhặt nhạnh, dọn dẹp những mảnh vỡ. Vậy là mất toi một buổi sáng yên lành.
 
Ông không ngờ cơn giận của mình đã đổi lấy hậu quả khôn lường. Hôm sau, khi mở cửa ra sân định cắt cỏ, ông thấy trứng bể tung toé khắp nơi. Khựng lại một chút, ông hiểu ra đây là trò trả đũa của bọn trẻ hômqua. 
 
Lụi cụi, ông rắc xà bông rồi cầm vòi xịt nước dọn rửa. Chắc hẳn bọn trẻ đã ra tay từ sớm, nên khi nắng lên cao, lòng trứng khắn vào cửa, vào tường, vào hàng ba thành một lớp khô cứng, rất khó tẩy sạch. Lụi hụi cả tiếng đồng hồ, ông mới làm xong. Nhưng mùi tanh tanh của trứng vẫn như còn lảng vảng trong không khí. 
 
Cứ vài ngày, nhà ông lại bị bọn trẻ chọi trứng vào. Ông cố rình, nhưng làm sao bắt được lũ tinh ranh ấy. Mà, không bắt tận tay, day tận mặt, thì biết đâu mà mắng vốn. Chẳng lẽ lại gõ cửa từng nhà mà kêu người ta răn dạy con cái của họ. Không khéo còn bị mắng ngược lại … Thôi thì nén giận vào lòng, lụi cụi dọn dọn, dẹp dẹp chứ biết làm gì bây giờ. Cũng may, sau vài lần “trả thù”, bọn trẻ cũng dừng lại.  
 
Tommy là đứa đã gõ cửa nhà ông để xin lại bóng hôm nọ. Nó cũng là đứa lãnh đạo bọn trẻ trong xóm. Không phải vì nó lớn tuổi nhất, mà vì nó lanh lẹ và thôngminh. Nhà Tommy đối diện chếch chếch nhà ông. 
 
Lần đầu tiên cầm đầu bọn trẻ chọi trứng vào nhà ông, nó phấn khích lắm. Đứng nép sau rèm cửa sổ trên lầu, nó chờ ông suốt buổi sáng. Khi ông vừa dọn dẹp xong và trở vào nhà, Tommy cũng phóng nhanh đến nhà lũ bạn, hớn hở kể lại từng chi tiết. Cả bọn hả hê lắm khi trả được “mối thù”.
 
Nhưng cho đến lần thứ ba thì Tommy cảm thấy có chút gì áy náy, lúc nhìn ông đưa tay quẹt mồ hôi trên trán, rồi lại đưa ra sau lưng đấm đấm. Dưới ánh nắng ban trưa chói chang, Tommy nhìn thấy dáng ông lọm khọm. Chắc ông cũng già bằng ông nội của nó. Khi bọn trẻ định hùn tiền mua trứng lần thứ tư, thì Tommy gạt ngang:
 
- Thôi, đủ rồi. 
 
- Sao vậy, đang vui mà? Một đứa thắc mắc.
 
- Tao nói thôi là thôi. Nghe chưa?
 
Tự nhiên thấy Tommy nổi cáu, cả bọn không hiểu gì, nhưng cũng im thin thít. Với lại, tiếc gì, khi chúng còn rất nhiều trò chơi khác.
 
Chẳng biết vì lẽ gì, mà sau bận ấy, Tommy hay đứng bên cửa sổ ngó sang nhà ông. Hôm nay cũng thế. Nó đứng tần ngần cả buổi nhìn ra ngoài, không hay ba đang đứng cạnh mình:
 
- Con nhìn gì mà chăm chú thế? Mọi hôm cứ chạy nhảy không ngơi chân mà…
 
- Ba ơi, bao giờ thì hết bão? Tommy không trả lời câu hỏi của ba, mà ngập ngừng hỏi lại.
 
- Sao vậy? Ở nhà hoài con buồn lắm phải không?
 
- Ba ơi, hết bão thì mình mới ra ngoài đi chợ được phải không?
 
Ngỡ thằng bé sợ hết thức ăn, mẹ cười xen vào:
 
- Nhà còn đầy thức ăn kìa, con không phải lo.
 
Tommy chỉ tay về phía đối diện:
 
- Không, là con nói ông nhà bên kia đó. Con thấy mỗi Chúa Nhật ông ấy đi lễ và mua thức ăn về. Mà mưa bão hơn tuần rồi, không đi ra ngoài được, chắc ông ấy không còn gì ăn hết.
 
Ba nhìn theo hướng tay Tommy. Đúng là bên đó có một ông già Châu Á đang sống. Từ khi gia đình dọn đến đây, ba chỉ thấy mỗi ông ra vào ngôi nhà ấy. Cả xóm không ai biết ông từ đâu đến và vợ con đâu, mà ông sống cô độc như vậy. Ông không giao tiếp với ai, thậm chí lơ là cả những lời chào hỏi của mọi người.
 
- Con biết ông ấy à? Ba ngạc nhiên.
 
- Dạ, hôm nọ tụi con đá bóng vào, gõ cửa xin lại mà ông ấy không cho, còn la hét inh ỏi. Giận quá, tụi con chọi trứng vào nhà ổng, rồi…
 
- Tụi con chọi trứng vào nhà người ta à? Ba vặn hỏi lại.
 
Đang thao thao kể chuyện, Tommy chợt khựng lại, cúi đầu:
 
- Dạ, con xin lỗi. Con hối hận lắm.
 
Nhìn ánh mắt rươm rướm của con, ba tin rằng thằng bé đã nhận ra lỗi của mình. Xoa đầu Tommy, ba dặn dò:
 
- Từ sau đừng làm thế nữa con nhé.
 
Mẹ đăm chiêu một lúc và đứng lên đi vào bếp:
 
- Ừ, chắc là ông ấy không còn thức ăn đâu. Mưa bão thế này … Để mẹ chuẩn bị ít thức ăn cho ông ấy.
 
Tommy chạy băng qua đường, rồi rón rén đến đặt hộp thức ăn trước cửa nhà ông. Xong, nó co chân chạy nhanh về. Nhưng được một quãng, Tommy tần ngần đứng lại. Lỡ ông ấy không hay mà mở cửa lấy thức ăn thì sao?
 
Nó lò dò quay trở lại, nhặt hai cục đá, chọi vào cửa thật mạnh. Rồi cắm đầu chạy. 
 
Cà phê và sữa đã hết từ mấy hôm rồi. Ông dè sẻn lắm, cũng chỉ còn lại miếng “sandwich” cho ngày hôm nay. Điện cúp từ lúc bắt đầu bão. Không có máy sưởi, nhà lạnh hẳn. Ông phải mặc thêm áo khoác bên ngoài áo ấm, mang thêm vớ và găng tay, mà vẫn cảm giác hai hàm răng mình muốn va lập cập vào nhau. 
 
Không biết làm gì cho qua thời gian, ông bày bàn cờ tướng ra, một mình đóng vai quân đỏ lẫn quân xanh. Con tướng quân đỏ bị con pháo quân xanh chiếu bí rồi, mà mắt ông còn đăm đắm tận nơi đâu. Chợt một tiếng “bộp” vang lên. Ông giật mình, nhìn ra cửa. Rồi thêm một tiếng “bộp” thứ hai. Giống như có ai chọi đá vào cửa nhà. Ông lụm cụm đứng lên. Quái, cái chân ông bỗng tê cứng, phải mất một lúc mới đi được. 
 
Mở cửa ra, ông nhìn quanh quất không thấy bóng ai. Vừa định vào nhà, ông phát hiện thấy một chiếc hộp ràng băng keo đặt trước cổng. Cúi xuống, ông nghe mùi thức ăn thơm nồng xộc vào mũi. Cơn đói ập đến, run run, ông nhấc lấy hộp thức ăn. Một tình cảm thật kỳ lạ dâng lên trong lòng ông. Vẫn còn ai đó nghĩ đến ông sao? Mắt ông như nhòa đi. Lâu lắm rồi, ông mới lại khóc.
 
Đưa túi đồ ăn cho Tommy, mẹ cứ dặn tới dặn lui mãi:
 
- Lần này thì con phải gõ cửa đưa tận tay cho ông nhé. 
 
Ba đưa Tommy ra tận cửa như tiễn vị anh hùng lên đường làm nhiệm vụ quan trọng:
 
- Mạnh dạn lên, con trai.
 
Dù gật đầu rất quả quyết với ba mẹ ở nhà, nhưng vừa đến cửa nhà ông thì Tommy chựng lại. Nó hít một hơi thật mạnh, rồi lấy hết dũng khí, gõ cửa. Ông mở toang cửa, ngạc nhiên nhìn thằng bé đứng trước mặt. Hình như ông đã nhìn thấy nó ở đâu đó rồi. À, thằng bé hôm nọ đá bóng vào nhà ông đây mà.
 
- Cháu đến xin lỗi ông về chuyện đã chọi trứng vào nhà ông. Cháu không dám làm thế nữa đâu ạ. 
 
Phải cố gắng lắm Tommy mới nói hết câu. Xong, nó đứng im chờ ông trút cơn giận và hét to như hôm nọ. Nhưng, lạ chưa kìa, giọng ông thật hiền:
 
- Cháu biết lỗi là ngoan rồi. Mà, chuyện cũ ông cũng đã quên lâu rồi.
 
Nghe ông nói, thằng bé tươi ngay nét mặt. Nó liếng thoắng:
 
- Ông ơi, ba mẹ bảo cháu mang “turkey”, “mass potato”, bánh … đủ thứ đến làm quà Thanksgiving cho ông này. 
 
Vừa nói, Tommy vừa mở gói thức ăn cho ông xem. Ông xúc động đến nghẹn lời:
 
- Có phải lần trước cháu cũng đem thức ăn cho ông không?
 
- Dạ, nhưng lần đó cháu sợ nên không dám gọi cửa.
 
- Ông xin lỗi đã làm cháu và các bạn sợ nhé.
 
Bắt chước dáng vẻ ông lúc nãy, Tommy khoác tay:
 
- Lúc trước ông là ông kẹ, nhưng bây giờ thì không phải ạ. Ông không cần lo đâu. 
 
Ông bật cười trước sự hồn nhiên của thằng bé.
 
- Cháu thưa với ba mẹ là ông cảm ơn lòng tốt của họ nhé.
 
Tommy dạ lớn chào ông về. Nhiệm vụ nó đã hoàn tất. Nhưng ông gọi giật thằng bé lại:
 
- Này, cháu chưa cho ông biết tên cháu là gì.
 
- Dạ, cháu là Tommy ạ. 
 
- Trùng hợp chưa, tên tiếng Mỹ của ông cũng là Tom.
 
- À, cháu biết rồi. Ngày bé ông cũng tên là Tommy như cháu bây giờ, đúng không ạ? Còn mai mốt cháu lớn, mọi người sẽ gọi cháu là Tom.
 
Tự nhiên ông cảm thấy thằng bé thật gần gũi. Lâu lắm rồi, ông ngỡ mình không còn muốn tiếp xúc với ai. Vậy mà…
 
- Ông có thể yêu cầu cháu một điều không?
 
- Gì ạ? Đôi mắt xanh biếc xoe tròn. 
 
- Cháu ở lại dự tiệc Thanksgiving cùng ông nhé.
 
Lời mời của ông tha thiết quá. Mà, mùi thức ăn cũng thơm quá. Tommy nuốt nước bọt, ngần ngừ giao hẹn:
 
- Dạ, mà cháu chỉ ăn ít ít thôi nhé. 
 
Ông gật gù cười:
 
-Thì cứ vào ăn với ông trước đã.
 
Tommy nắm tay ông bước vào nhà. Bàn tay thằng bé nhỏ xíu mà sao ấm lạ. Ông chộn rộn lấy bát đĩa bày thức ăn ra bàn. Tommy cũng lăng xăng giúp ông. Vừa làm, thằng bé vừa tíu tít như con chim chìa vôi.
 
Lần đầu tiên ngôi nhà đón khách. Không  biết sau bao nhiêu năm rồi ông mới có bữa ăn Thanksgiving đầm ấm. Trái tim cô đơn cằn cỗi của ông đập từng nhịp bình yên.

Ai rồi cũng cần được yêu thương và hạnh phúc. Mùa lễ hội là của mọi người trên cuộc đời này.
         
*
 
Lần đầu tôi phát hiện hoa “wish” mọc thành bụi rậm rạp như thế trong khu rừng nhỏ gần nhà. Tôi đứng lặng lại một thoáng ngỡ ngàng. Những đóa hoa trắng rập rờn trong gió lung linh bao điều ước. Nắng sớm trong veo trải một màu vàng đẹp như cổ tích. 

Tháng Mười Một. Mùa Holidays. Sao không một lần hồn nhiên tin vào huyền thoại để nhắm mắt lại, thầm thì một điều ước rất đơn thuần. Là bình yên và hạnh phúc cho mọi người, cho mình. 
 
Đôi khi hạnh phúc chỉ là tiếng cười rộn rã của những người thân bên bếp lửa ấm nồng mùi cinnamon trong ngôi nhà nhỏ. Bình yên là được ngồi quây quần cùng nhau, hít thật đầy không khí tình thân, nghe gió reo trên bạt ngàn thông ngoài khung cửa kính.
 
Tôi mở mắt, chụm môi thổi thật mạnh vào chùm hoa “wish”. Những cánh hoa mong manh trắng xóa bay lên. Bay lên cao cùng những ước mơ cho một mùa lễ hội tuyệt vời.
  
 
Biển Cát

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 368,422
29/11/202400:00:00
Hòa thức dậy lúc 5 giờ sáng sau giấc ngủ ngắn từ giữa khuya, căn phòng bệnh viện màu trắng ngà dưới ánh đèn vàng vọt buồn thiu, bên ngoài kia trời còn phảng phất lạnh lẽo của đầu mùa đông, dù mùa đông Seattle không nhiều tuyết tái tê như những nơi miền Đông Bắc nước Mỹ. Hòa vẫn thường ngủ ít và dậy sớm, có lẽ bệnh nhân nào cũng thế, nằm trong bệnh viện khắc khoải lo âu bệnh hoạn, lại thêm y tá nhân viên thường xuyên ra vào cả ngày lẫn đêm ai mà ngủ ngon cho được. Hòa rời khỏi giường, đi ra phía cửa, rồi đi dạo khu hành lang cho đầu óc khỏi suy nghĩ rồi lại buồn lại khóc. Các phòng bệnh đều đóng kín, mỗi bệnh nhân là một thế giới riêng, đau buồn riêng. Cuối hành lang xa xa thỉnh thoảng có bóng dáng vài cô y tá tất bật qua lại, ghé vào phòng nào đó thăm bệnh, lấy máu, đo huyết áp, đưa thuốc... nói chung là đủ thứ của công việc y tá.
27/11/202402:11:00
... Có nhiều người nói nhổ răng hàm trên, nhất là mấy cái răng cấm thì dễ bị chạm dây thần kinh và về sau sẽ bị “mát dây”, và cũng có vài đứa bà con tôi biết sau khi nhổ răng cấm thì tâm thần rất là bất ổn, nếu không nói là bị bệnh thần kinh. Nhà tôi và mấy đứa con thì nói răng không đau đâu cần nhổ làm gì cho... thêm chuyện; thằng con còn “hù” tôi, kể lại khi nó đi nhổ răng khôn, người ta dùng kềm móc cái răng rồi “đu” người lên mà kéo; ông bố thì “dọa”, coi chừng nhổ răng xong bà không còn nhớ tôi là ai; rồi vài chị bạn tôi kể nhổ răng khôn về sưng đau hành rất lâu, rất mệt v.v... làm tôi hãi quá. Tôi lên “net” tìm hiểu về “lợi và hại của việc nhổ răng khôn” thì có quá nhiều thông tin xuôi chiều và ngược chiều, nên tôi quyết định không nhổ. Cho nó lành...
25/11/202400:00:00
Trong cuộc đời của mỗi người, bất kỳ ở nơi nào trên thế giới, từ khi có trí khôn, là ta đã mang nợ và phải biết ơn nhiều người- từ Tổ Tiên Ông Bà, người làm ra hạt gạo nuôi ta, Đấng Sinh Thành, đến những Thầy Cô dẫn dắt ta, các cô chú Thương Phế Binh đã bảo vệ chúng ta bằng chính cuộc đời họ, đến bạn bè, người quản lý và giám đốc nơi ta làm việc, đồng nghiệp... người quen người lạ… tất cả mọi người chung quanh, ta đều mang ơn họ, không nhiều thì ít. Và riêng đối với những người được định cư ở quê hương thứ hai, ta còn phải mắc nợ thêm bao nhiêu là người nữa- từ chính phủ, những vị tổng thống, từ những vị giúp những chương trình tái định cư HO, ODP… đến những vị ân nhân bảo lãnh...v.v... trái tim nhân ái của họ bao la vô cùng... Kể ra tất cả những người làm ơn cho ta sẽ không hết - ở đây tôi chỉ xin đơn cử một vài việc rất gần đối với gia đình tôi, với đất nước “Cờ Hoa” đầy tình người này.
23/11/202400:00:00
Cách đây rất nhiều năm. hồi chị còn đi học đại học ở Mỹ, trong một lớp của chương trình sư phạm, một vị giáo sư hỏi cả lớp trước khi cả lớp chuẩn bị nghỉ lễ Tạ Ơn: - Các bạn sẽ nói lời cảm ơn với ai trong dịp lễ Tạ Ơn năm nay? Các bạn đồng môn của chị nhao nhao, nói sẽ cảm ơn gia đình, thầy cô, bạn bè. Vị giáo sư quay sang hỏi chị có ai để cảm ơn không, dĩ nhiên chị có rất nhiều người để nói lời cảm ơn. Chị nói với vị giáo sư rằng chị rất biết ơn ba má và bạn bè của chị, người đã giúp đỡ chị quay lại trường đại học ở Mỹ. Chị biết ơn nước Mỹ đã cưu mang gia đình chị và giúp đỡ chị về tài chánh để chị được đi học. Chị biết ơn các giáo sư ở Mỹ đã khuyến khích, tận tâm giải thích cho chị những lúc chị không hiểu bài. Chị cảm ơn con trai chị đã giúp chị có động lực để quay lại trường học vì chị muốn làm tấm gương cho thằng Huy-là-con trai của chị. Chị muốn thằng Huy sau này khi lớn lên sẽ đi đại học như rất nhiều di dân gốc Việt khác...
22/11/202400:00:00
Tôi thức dậy từ 6 giờ sáng lo những việc cá nhân lẹ làng, sau đó thay bộ áo dài cờ vàng lái xe lên San Jose, đến điểm tập họp trước “parking” của Walmart nằm trên đường Story. Vì câu nói của em trai Minh Huy trưởng đoàn Hậu Duệ Việt Nam Cộng Hòa, khi Hoa Nguyễn mời, tôi đã ngại ngùng nói ”Chị già rồi không phù hợp với tuổi trẻ, đường xá xa xôi, vấn đề lái xe trở ngại, chỉ có thể đi tham dự hạn chế”. Minh Huy thưa ”Chị ơi! chúng em rất cần ba thế hệ một tấm lòng ...”. câu nói lễ phép với cả chân tình của tuổi trẻ đầy tha thiết đã động vào trái tim mình, nên tôi quên mất tuổi già không đủ sức khỏe tốt, vượt đường xa mưa gió góp mặt cùng nhóm hậu duệ đi diễn hành Lễ Cựu Chiến Binh Hoa Kỳ.
21/11/202400:00:00
Một ngày trong tháng 9, 2024, Kim Oanh điện thoại cho vợ chồng chúng tôi, ngỏ ý muốn qua thăm “anh chị”. Chúng tôi cho biết, nếu cần đưa đón, chúng tôi sẵn sàng. Nhưng Kim Oanh trả lời sẽ nhờ người quen đưa đến. Chúng tôi hẹn gặp nhau vào cuối tháng 10, 2024 tại nhà chúng tôi. Kim Oanh là vợ của Trung Úy Không Quân Hoàng Văn Tân, một người bạn tù cải tạo rất thân thiết của tôi trong 2 năm tại Long Khánh. Kim Oanh có lần dẫn vợ tôi cùng nhau thăm lén hai ông chồng trong rừng cao su bên ngoài trại tù ở Long Khánh. Đây là một kỷ niệm không bao giờ quên, vì cả hai cặp có được chút thì giờ “tâm sự” riêng với nhau giữa cảnh màn trời chiếu đất. Anh Hoàng Văn Tân mất vào đầu năm 2016 tại San Diego.
20/11/202400:00:00
Dân ta ở các tiểu bang miền Tây như Cali, Texas… gọi họ là dân “Mễ” vì họ vào nước Mỹ từ xứ Mexico; các tiểu bang miền Đông như Maryland, Virginia… gọi là dân “Xì”, vì nghe họ nói tiếng Spanish - tiếng gọi khác nhau, nhưng “Mễ” hay “Xì” cũng là di dân từ các nước Trung hay Nam Mỹ. Người Mỹ gọi họ là dân Hispanic hay Latino. “Chuyện dài di dân gốc Mễ”: từ nhà ra phố đến chuyện quốc gia đại sự đều có mặt dân “Xì”; vui buồn, thương cảm hay giận đến căm gan đều có bóng dáng anh “Mễ”...
19/11/202400:00:00
Nghĩa trang Oaks Hill chiều nay lồng lộng gió, mây đen dồn cục cuối chân trời, cây cối ngã rạp mình theo chiều gió. Thành đứng trên hành lang phía sau căn "mobile home" của mình nhìn bao quát sang khu nghĩa địa rồi tiên đoán dự báo thời tiết, ngày hôm nay có lẽ sẽ có mưa đây. Chóng quá! Thế mà đã hơn một năm qua, Halloween rồi lại Halloween. Hình như Halloween năm nào trời cũng có mưa nhẹ thì phải?...
15/11/202400:00:00
Nhiều người trong chúng ta chắc ai cũng biết câu ngạn ngữ này: “Gieo hành vi gặt thói quen, gieo thói quen gặt tính cách, gieo tính cách gặt số phận”. Tôi không rõ là câu này do danh nhân nào nói hay là nguồn gốc của nó từ đâu, nhưng tôi quan sát thì thấy nó rất đúng với nhiều trường hợp ở đời. Nay tôi tường thuật một câu chuyện có thật trong cộng đồng người Việt ở thành Ất Lăng. Tôi cũng là người có dự mặt trong câu chuyện này, một câu chuyện khá thương tâm và phần nào cũng đúng với câu ngạn ngữ vừa đề cập. Tôi vốn không phải là nhà văn nên không biết gì bút pháp nghệ thuật hay những gì đại loại như thế, chỉ đơn giản là một người kể chuyện, kể lại câu chuyện đã và đang xảy ra tại đây.
13/11/202400:00:00
Theo Wikimedia, “Cranberry” tiếng Việt gọi là nam việt quất. “Cranberry” có nguồn gốc từ chữ “Craneberry” (Crane là con hạc) được dùng bởi những di dân đầu tiên đến Mỹ, vì cánh hoa, đài hoa và cuống hoa có hình dáng giống đầu, mỏ và cổ của con hạc. “Cranberry là một loại cây thường mọc dại nơi các vùng đầm lầy đã phân hóa (nhiều than bùn) ở miền ôn đới Bắc bán cầu. Tại Mỹ nhiều nhất là các tiểu bang miền Đông Bắc như Massachusetts, New Hamshire, Connecticut, New Jersey và Delaware. Được biết việc chăm sóc và thu hái Cranberry qua nhiều công đoạn khá nhiêu khê. Đầu tháng 10 là mùa thu hái. Tôi muốn được tận mắt nhìn thấy những sinh hoạt này của nông dân địa phương nên đã quyết định cùng con gái làm một chuyến du lịch đi Boston thuộc tiểu bang Massachusetts. Đây là một trong những tiểu bang nằm phía đông bắc nước Mỹ có nhiều điền trang (Farm) đang mùa thu hái “Cranberry”.
Nhạc sĩ Cung Tiến