Hôm nay,  

Cũng vẫn là thiên đường

04/10/202400:00:00(Xem: 2113)
TG Lai Thi Mo nhan giai Danh Du từ Giam khao Nguyen Viet Tan
 
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2017 và đã nhận giải Đặc Biệt năm thứ mười tám và giải Danh Dự năm 2023. Bà cho biết bút hiệu là tên thật, trước là nhà giáo tại Việt Nam, định cư tại New Jersey năm 1994 theo diện HO. Bài viết dưới đây ôn lại đoạn đời gian truân khi còn ở Việt Nam và thời gian đầu khi mới định cư ở Mỹ.
 
*
 
Tôi gặp anh khi cuộc đời anh đã ba chìm bảy nổi, cộng thêm tôi vào là thành chín cái lênh đênh. Hề gì, một mái lều tranh hai quả tim vàng. Tôi dạy học, dẫu đồng lương chết đói, nhưng yên chí mỗi tháng có 13kg gạo, nửa ký đường và ba chục đồng “tiền Bác”, đủ sống qua ngày.
 
Điều quan trọng tôi là thành phần gương mẫu trong xã hội, chưa hề có “nợ máu với nhân dân”. Thời chế độ cũ, tôi chỉ có đi học. Di cư vào Nam năm hai tuổi, tới mùa hè 1975 học xong, rồi đi dạy, thì chắc chắn phải là thành phần gương mẫu. Vì vậy khi lập gia đình với một ông vừa ra khỏi “trại cải tạo”, hàng xóm cũng nhân nhượng không để ý lắm tới sinh hoạt của chúng tôi.
 
Ra tù, chẳng biết làm gì kiếm sống, chồng tôi lúc ở trọ căn nhà có nhiều bà buôn hàng chuyến từ Ban Mê Thuột vào Saigon. Họ mang những đặc sản của Ban Mê Thuột như mật ong, hạt điều, măng khô  bỏ mối cho bạn hàng ở thành phố, rồi mua các loại thuốc Tây thông thường như thuốc đỏ, thuốc cảm, trị nấm, trị ghẻ mang về. Ông chồng tôi cũng trở về cố quận của ổng dò la tin tức. Khi về ổng hí hửng nói:
 
- Nhất định đi buôn.
 
Tôi nhíu mày hỏi:
 
- Buôn lậu?
 
- Dĩ nhiên, “buôn lậu bán chui”
 
Không thể tưởng tượng chồng tôi trở thành ”thương lái“ đường dài buôn lậu thuốc Tây sành sỏi. Vì ít ra ổng cũng còn có chút sinh ngữ đọc được tên thuốc, không như mấy bà nhà quê.
 
Tôi là cô giáo “cực kỳ“ gương mẫu, vì ngoài giờ dạy ở trường, tôi còn đảm trách việc nâng cao kiến thức cho cán bộ phường khóm, toàn “ông to bà lớn“ như Chủ tịch phường, trưởng công an xã… Toàn những khuôn mặt trong xóm, nằm vùng từ hồi nảo hồi nào, 30/4 bắt đầu ra mặt. Đại khái là chúng ta “biết nhau quá“ xá quà xa.
 
Bởi vậy chẳng ai thèm xét nhà “con nhỏ“ cô giáo. Nhờ vậy ông chồng tù cũng đỡ bị rình mò soi mói. Không ai để ý ổng làm gì, cũng đỡ khổ. Ổng luôn miệng nhắc câu: “Tự giác là tự sát”.
 
Giới hạn tiếp xúc với bên ngoài, để không ai lân la vào nhà chơi. “Coi chừng bể mánh”. Ông cựu tù buôn lậu lúc nào cũng nhắc vì sợ vô tù lần nữa.
 
- Nhà cô giáo gọn gàng ngăn nắp quá.
 
Tôi giả bộ giả lả cảm ơn anh công an khu vực khi tới kiểm tra hộ khẩu. Nhờ “cái mác” cô giáo gương mẫu, không ai nghi ngờ ông chồng tôi buôn lậu thuốc Tây. Tất cả mọi ngóc ngách trong nhà đều nhét đầy các thùng cạc tông chứa thuốc, từ gầm giường tới nóc tủ. Ngày xưa giao thông rất hạn chế việc đi lại rất khó khăn, nhờ vậy chúng tôi cũng kiếm được chút ít, đắp đỗi qua ngày.
 
Năm 1988, dưới áp lực của quốc tế, tất cả các trại cải tạo sĩ quan chế độ cũ phải giải tán. Cho tới năm 1989 có chương trình HO. Tuy nhiên chúng tôi không dám nạp đơn, vì lúc đó lệ phí để được nhận đơn rất cao (cỡ một chỉ vàng), hơn nữa bắt buộc phải nghỉ dạy.
 
“Một con chim trong tay, còn hơn hai con chim trong bụi”. Không biết nộp đơn bao lâu mới được đi, trong khi chúng tôi rất cần 13kg gạo và số tiền lương ít ỏi đó.
Tôi không dám “đếm cua trong lỗ“! 
 
Mãi ba năm sau, thấy nhiều người đi được, chúng tôi mới dám nộp đơn, vả lại lệ phí cũng giảm đến mức có thể kham được. Chúng tôi được số 32, số thứ tự này do VN cấp. May quá sau đó Mỹ nâng đỡ  những người ở tù trên 8 năm, chỉ cho phía Việt Nam gọi 70 phần trăm theo thứ tự họ cấp. Còn 30 phần trăm Mỹ sẽ gọi ưu tiên theo số năm ở tù. Ông chồng tôi ở tù 8 năm 8 tháng, nên được đi theo HO 22.
 
Chương trình IOM cho mượn tiền mua vé máy bay, khám sức khỏe miễn phí vì chúng tôi thuộc diện tị nạn. Chúng tôi vẫn bình thản như mọi ngày, không sắm sửa và cũng không “lạc quan tếu “ như nhiều người nghe tin đồn các ông tù sẽ được truy lãnh “ráp- pen“ theo cấp bậc. Thật sự trong lòng cũng có chút hoang mang.
 
Sáng mai sẽ ra phi trường, buổi tối ngồi đút cơm cho con. Cô hàng xóm đi ngang, thấy tôi vẫn đầu bù tóc rối, quần áo cháo lòng, cô ngạc nhiên hỏi:
 
- Mai đi Mỹ mà như vậy đó hả?
 
Tôi ngớ người ra hỏi lại:
 
- Đi Mỹ thì phải làm sao?
 
Như vậy mặc nhiên mọi người đều nghĩ Mỹ là thiên đường.
 
Bây giờ tôi xin kể hành trình đi tới “ thiên đường” của gia đình “con bà phước“. Vé máy bay cho dân tị nạn chắc thuộc loại “cá kèo“. Từ Tân Sơn Nhất chúng tôi được thả xuống Băng Cốc, Thái Lan. Bên trong phi trường có hàng quán tấp nập, nhưng họ không cho chúng tôi ở bên trong. Họ đưa ra phía ngoài phi trường, nơi đó có nhiều dãy lều, mái tôn, không có vách. Bên trong chất đầy hành lý thất lạc bụi bặm. Tôi đoán đây là dấu tích trại tạm cư của những người vượt biên khi trước. Chỉ có vài bóng đèn tròn leo lét và mấy băng ghế dài, ngập tràn rác và ruồi bay vo ve. Họ cho chúng tôi vài hộp cơm có mấy miếng gà và trứng luộc rồi bỏ đi.
 
Suốt đêm hai đứa con 3 và 6 tuổi nằm chéo đầu nhau trên băng ghế dài. Bố mẹ thay phiên quạt xua muỗi liên tục bằng miếng cạc tông lượm được trong thùng rác. Tất cả những người đưa tiễn chúng tôi hôm qua, có ai thấy được cảnh này.
 
Coi như “delay” 10 tiếng. Sáng hôm sau chúng tôi được chở vào bên trong để lên máy bay tới phi trường Tokyo. Lại chờ tiếp vài tiếng nữa, nhưng vẫn được ở trong phi trường, sau đó mới tới phi trường Newark NJ.
 
Dân xứ nóng đâu biết tháng Ba ở Đông Bắc Mỹ trời vẫn còn lạnh. Mỗi người chỉ khoác cái áo lạnh mỏng, tất cả đồ đạc đều bỏ trong mấy cái rương khóa kín. Đứng chờ ở lề đường hai đứa nhỏ lạnh run, bố mẹ mỗi người vòng tay ôm một đứa cho cả hai cùng ấm. Chờ mãi chẳng thấy ai ra đón, quá nửa đêm cậu em mới xuất hiện.
 
Mới hôm qua, mấy chục người đưa tiễn ồn ào náo nhiệt. Tới “thiên đường” sao lặng lẽ buồn tênh. Cuộc đời di dân bắt đầu trong căn phòng dưới hầm của nhà người em. Quần áo mua ở VN không có lớp nỉ bên trong nên không ấm. May quá đầu tháng Tư hàng xóm bắt đầu bày bán “garage sale”, tôi cứ nhắm chừng mua cho hai thằng con quần áo ấm. Tôi không hề biết một chút gì về trang phục trai gái khác nhau, bởi vậy cô em dâu đi làm về ngạc nhiên hỏi:
 
- Sao chị cho hai cháu mặc toàn đồ con gái vậy?
 
Cho tới bây giờ tôi vẫn còn giữ những tấm hình của hai thằng bé 3 và 6 tuổi, trong những cái áo len con gái. Cũng may cha mẹ ráng chịu lạnh, chứ không, chắc ông bố chúng nó cũng mặc áo lạnh phụ nữ đi ra ngoài đường. Ở Việt Nam mới qua, mua cái gì cũng quy ra tiền Việt. Đâu dám sắm quần áo mới, mua đồ “garage sale” mặc đỡ thôi.
 
Ở dưới hầm lạnh quá, chúng tôi dọn ra share phòng trên lầu của căn nhà chỉ có một nhà vệ sinh.  “Cái khó ló cái khôn”, tôi đi lượm những thùng thiếc lớn đồ hộp trong thùng rác, để làm “thùng vệ sinh” cho cả nhà vào ban đêm. Sáng lại lén chờ chủ nhà đi làm, rửa sạch dùng lại.
 
Sau đó có người bạn qua đã lâu, thấy tình cảnh chúng tôi tội nghiệp nên giúp “cosign” mướn cho một căn chung cư hai phòng ngủ, nhưng ở khu bình dân tiền thuê ít. Vậy mà chúng tôi cũng chỉ giữ được một phòng, hai đứa bé ngủ trên sofa bed ở phòng khách. Phòng còn lại cho hai chị em cô bạn mướn lại.
 
Vì thuộc diện tị nạn nên chúng tôi được hưởng trợ cấp:
- Bảo hiểm sức khỏe miễn phí (Medicaid).
- $400 check
- $300 tiền mua thức ăn (food stamps).
 
Với 400 đồng tiền mặt, phải mua bảo hiểm chạy xe, tiền thuê nhà, kem đánh răng, xà bông… Có hai đứa con nhỏ, chúng tôi phải thay phiên trông chừng, chồng học nghề buổi sáng, sau khi đưa hai đứa trẻ đến trường. Tôi đi học buổi tối, ban ngày giữ trẻ kiếm thêm tiền mặt.
 
Bình thường con nít thường mang theo cuốn video phim hoạt hình chúng thường xem ở nhà. Tôi bỏ vào máy xong vô bếp nấu cơm. Mấy đứa trẻ ngồi xem ở phòng khách, cười hí hí nắc nẻ. Hôm nay sao chúng nó im thin thít. Ở trong bếp tôi nghe văng vẳng có tiếng hự hự, bỗng dưng con Judy chạy vào méc, giọng ngọng nghịu:
 
- Bà ơi! Đánh nhau.
 
Tôi bán tín bán nghi, chạy ra, nhìn vô màn hình, toàn thấy mông là mông. Có hai người đang vật lộn nhau trên giường. Tôi tắt ti vi cái cụp, hét lên:
 
- Jimmy lấy cái này ở đâu?
 
Thằng bé ấp úng: “Mommy.”
 
Thì ra nó vô phòng ngủ của ba má, vớ cuốn băng sex mang đi. Mấy chục năm trước mấy cuốn video sang lậu rất giống nhau. Không có dán nhãn màu mè, khó biết là băng xxx của người lớn.
 
Những năm đầu tiên ở xứ thiên đường, mướn căn chung cư khu rẻ tiền, gián nhiều khủng khiếp. Buổi tối cứ rón rén vào bếp, bật đèn lên quí vị sẽ có một lon togo lớn đầy nhóc gián. Gián chui vào radio, nồi cơm điện… khắp mọi nơi không chừa chỗ nào.
 
Khi thái thịt, tôi trải tờ báo lót cái thớt, hai thằng nhóc đứng kế bên. Thằng lớn cầm cái chổi, thằng nhỏ cầm cái đập ruồi. Mẹ phải thái thật nhanh, vì gián ngửi mùi thịt sẽ bò ra từng đàn. Anh quét, em đập.
Hai chị em cô ở chung cũng dở khóc dở cười. Cô chị nấu chè đậu xanh mang ra bán ở chợ Việt Nam. Cô nói có cậu học sinh, thứ Bảy nào cũng ra mua một ly chè. Hôm đó khi cầm ly chè, cậu nhìn lom lom rồi nói:
 
- Chị ơi! Em thấy có con gián nhỏ trong ly chè.
 
Cô chị xua tay:
 
- Không phải đâu em, cái “mài đậu” đó.
 
Cậu học sinh vẫn không tin, chạy ra phía trước cửa có ánh sáng mặt trời nhìn cho rõ. Rồi chạy trở vô:
 
- Nguyên một con gián, chị ơi!
 
Cô em còn “quê” hơn. Giờ ăn trưa, mọi người cùng ngồi quây quần trong phòng ăn. Cô em vừa mở hộp “lunch”, một con gián nhảy ra cái phóc, trước mắt mọi người. Từ đó không ai share phòng nữa.
 
Chúng tôi cũng vừa học xong xin đi làm, dù cả hai chỉ có nghề “hạng bét” trong xã hội, nhưng chịu khó dành dụm cuối cùng cũng có căn nhà nhỏ cho gia đình.
 
Những khó khăn vất vả trong những ngày đầu nơi quê người, chẳng là cái gì cả so với những khốn khổ mà người tù phải gánh chịu khi nước nhà đổi chủ. Chỉ cần lời nói mỉa mai, ánh mắt căm hờn khinh bỉ, là sẽ được ngồi vô cũi sắt, chân còng, bụng đói dưới ánh nắng chói chang hun đốt. Hình phạt đó còn nhẹ so với những hình phạt khác bị đánh đập cho đến khi người tù gục ngã mê man bất tỉnh. Ra tù phải buôn lậu bán chui, mắt la mày lét sợ mất vốn trắng tay. Lúc nào cũng phải tìm cách “móc nối” mới sống còn. Muốn sống ngay thẳng cũng không được.
 
Ông chồng tôi đã suýt chết mấy lần, ngồi trong xe be chở gỗ không mui. Ngày ấy tài xế xe be là những ông bộ đội phục viên. Chỉ những bộ quần áo màu cứt ngựa mới dễ dàng qua trạm kiểm soát. Có những lần xe hư nằm ụ trong rừng không thức ăn nước uống, hay khi xe đổ dốc đèo rùng rợn như đóng phim. Xe cọc cạch chở người tàn tạ. Không còn cách nào khác để sống còn.
 
Quê hương là mật đắng, là ký ức chua cay khi nhớ lại.
 
Những cây già cằn cỗi đã được hồi sinh khi qua vùng đất mới. Người tù năm xưa được phục hồi nhân phẩm, không còn nghe ai quát tháo nạt nộ. Dù bây giờ tuổi đã về chiều cũng vẫn hạnh phúc khi được chui rúc dưới gầm xe, để thấy hai đứa con được ăn học tới nơi tới chốn.
 
Dẫu thế nào thì chốn tạm dung nơi quê người, cũng vẫn là thiên đường cho hậu duệ của những người tù năm xưa, vươn lên thành những người hữu dụng cho xã hội.
  
Lại thị Mơ
 

Ý kiến bạn đọc
26/10/202414:14:14
Khách
Vì vận nuớc, những nguời cuả phe thua cuộc bị đi tù cải tạo hơn 3 năm là đuợc đi HO định cư tại thiên đuờng. Nhưng những bà vợ của phe thắng cuộc có chồng tập kết ra Bắc cũng bị địa ngục sau bao nhiêu năm tháng ở lại miền Nam săn sóc hầu hạ cha mẹ chồng. Cộng sản muốn những thanh niên an tâm ra đi nên dàn xếp cho họ lấy vợ để khi ra đi thì cô dâu lo cho gia đình chồng. Sau 1975, những kẻ còn sống trở về đều có vợ con miền Bắc, về đến nhà thì lấy tài sản của cha mẹ cho vợ con miền Bắc, đuổi vợ con ngày xưa ra khỏi nhà tự lo lấy thân, dù họ đã hy sinh phụng duỡng cha mẹ gia đình chồng hơn 20 năm. Những nguời hy sinh rất nhiều cho CS có khi phải chịu cảnh lao tù hay bị giết như gia đình bà Năm Cát Hanh Long và các đại gia tại Saì Gòn giúp đỡ che chở cho CS truớc 1975. Ngay cả Trần Ðĩnh và Trần Vàng Sao cũng bị tù tội. Chơi với quỷ thì có ngày bị sa địa ngục.
13/10/202413:46:36
Khách
Ðúng như tác giả nói, đi định cư nuớc ngoài là lên thiên đàng. Trong bài viết Giọt Mực Loang, tác giả Phan Xuân Sinh sau khi đuợc đến Mỹ nhìn lại thấy ở VN thật khủng khiếp mà dân VN phải chịu đựng . Trong hồi ký 25 Năm Khói Lửa, tuớng Lý Tòng Bá quy trách lỗi phần lớn là do những kẻ lãnh đạo VNCH từ 1955 đến 1975, và chánh phủ Mỹ khuynh đảo chánh phủ VNCH. Chúng ta vô tình giúp Cộng Sản chiến thắng dễ dàng, xô đẩy hàng triệu quân cán chánh vào tay CS.
Năm 1975 là năm cơ hội các cấp lãnh đạo quân đội VNCH tổ chức di tản thuơng binh, quân cán chánh khi hơn 10 sư đoàn Cộng Sản chuẩn bị tràn ngập tuyến phòng thủ của khoang 3 sư đoàn VNCH tại Sài Gòn khi Mỹ đã tổ chức di tản. Nhưng VNCH không ai chịu tổ chức di tản ngoai` HQ. Quân đoàn IV cũng không tổ chức di tản sau khi có lệnh đầu hàng dù quân CS chưa đến. Ðây là cái rủi ro lớn nhất trong lịch sử của dân miền Nam.
Tac gia? Phan Xuân Sinh thắc mắc như sau:
"Tôi ra đi năm 1990, nghĩa là tôi có 15 năm sống trong nước dưới chế độ Cộng Sản, tôi biết và hiểu tường tận dân tình lúc ấy. Qua bên nầy rồi nhìn lại, thật khủng khiếp. Tôi không hiểu một chế độ như vậy mà tại sao cho đến bây giờ vẫn còn tồn tại? Những người có lương tri, có hiểu biết làm sao chấp nhận một cuộc sống bị nhà cầm quyền tước đoạt hết như vậy? "
Nay Trump vì muốn Mỹ dùng tiền cứu DT áp đặt giải pháp ngưng bắn hoà bình kiểu HÐ Paris 1973 của Kissinger vào Ukraine, khi Trump lam TT 2025, liệu Ukraine có khả năng thoát khỏi địa ngục không?
12/10/202414:33:37
Khách
Cuộc sống dân nghèo ở miền Nam càng ngày càng thê thảm vì miền Bắc nay cai trị dân miền Nam như Pháp cai trị dân thuộc địa, 3 lần đổi tiền để dân miền Nam phải phá sản, bán hết của cải cho nguời Bắc, CS chiếm đọat tài sản để đưa hàng triệu nguời Bắc vào Nam ở. Thành phố Ðà Nẵng quy hoạch mở đuờng sá khách sạn ven biển Mỹ Khê vùng nghỉ mát danh tiếng China Beach cho nguời miền Bắc, dân Ðà Nẵng bị dồn vào khu thành phố cũ. Hồi 1954, hơn một triệu nguời Bắc di cư vào Nam, đa số chỉ chiếm ngụ những vùng đồng lầy hay rừng núi, cần cù tự tay làm ăn vuơn lên, nhung không lấn át dân Miền Nam.
Cả nuớc VN nay suy đồi mất hết nhân tính như trong truyện giả tuởng Chị Cả Bống của Phạm Lưu Vũ. Tuởng Năng Tiến trong bài viết Cái Ðám Bắc Kỳ trích lại lời than phiền của các tác giả về cái nạn nguời miền Bắc vào lấn áp nguời miền Nam như sau:
"–Trần Yên Hoà: Nói đến dân bắc kỳ bảy lăm thứ thiệt đang làm mưa làm gió ở Sài gòn đó là những ông lớn đang cai trị dân miền Nam, từ công an, thuế vụ, ngoại thương, chủ tịch quận huyện, giám đốc các công ty quốc doanh, đám nầy đang làm mưa làm gió ở miền Nam và toàn quốc. Ở Sài Gòn, suốt đường Trần Quốc Toản (nay là đường 3 tháng 2) những ngôi nhà cao tầng khang trang sang trọng được mọc lên, đó là đất của quân đội cũ bọn việt công chiếm và chia chác cho nhau, cất nhà lầu cho thuê, buôn bán…
–Nguyễn Hữu Huấn: Từ sau năm 75 thì Bắc kỳ lại càng ăn trên ngồi trốc, các cụ không tin cứ mở cái máy “dzô tuyến chuyền hình” hay cái “ra dzô” ra thì thấy liền, các “xướng ngôn dziêng” hầu như “chăm phần chăm” đều là Bắc kỳ, không cậu thì mợ. Còn các mợ tiếp dziêng “E Việt Nam”, mợ nào mợ nấy đều khoe “em người Hà Lội” hết ráo! Chẳng biết tại “dziêng dzáng” hay” phe đảng”?
–Nguyễn Văn Tuấn : Ai cũng biết phần lớn phi công VNA là người Bắc, nhưng ít ai biết rằng phần lớn tiếp viên VNA cũng là người phía Bắc. Ðó là hệ quả của chủ nghĩa lý lịch và chủ nghĩa địa phương, “chủ nghĩa chiến thắng."
10/10/202418:37:02
Khách
Chúc mừng gia đình tác giả và các gia đình HO, ODP may mắn thoát qua địa ngục để đến thiên đuờng. Sau khi các HO ra đi, xã hội VN càng tồi tệ cuối từng đia ngục như đuợc mô tả trong truyện ngắn "Chị Cả Bống" cuả nhà văn Phạm Lưu Vũ. Cái tàn bạo của cán bộ thu góp lúa gạo của dân nghèo ở VN cũng đuợc tác giả Phùng Gia Lộc kể lại trai trong truyện "Cái Ðêm Hôm Ấy Là Ðêm Gì". Tiếc rằng truớc 1975 phần đông nguời miền Nam không biết rõ Cộng Sản nên mắc nạn.
09/10/202415:10:41
Khách
Truyện Tàu ngày xưa hay kể chuyện các vị Phật Bồ Tát từ Tây Phuơng qua Ðông Ðộ (Tàu) để cứu độ nguời thành chánh quả. Thánh kinh cũng nói chuyện Chuá và các vị thánh cứu độ tín đồ lên thiên đàng. Nguời ta tin là ma quỷ, thần chết cám dỗ đưa nguời vào địa ngục. Và tất cả xảy ra ngày Cộng Sản đến đưa dân miền Nam vào chổ khốn cùng, chết vì thiếu ăn, thiếu y tế, chết trong tù cải tạo, chết khi tìm cách trốn địa ngục trên biển, và vuot biên đuờng bộ Những chánh trị gia VNCH, giáo sư, sinh viên học sinh, tu sĩ, bộ đội CS, VC, giúp Cộng sản xô đẩy miền Nam vào cảnh khốn cùng (như tại Bắc Hàn) là hiện thân của ma quỷ có nhiệm vụ bắt nguời về địa ngục, trong khi đó Bồ Tát, Phật, Chuá và Thánh là những nguời cứu độ dân VN lên thiên đàng trần gian.
Thời Tam Quốc, Lưu Bị bị thua chạy, nhưng không quên dẫn thuộc cấp và dân chúng chạy thoát tay quân Tào Tháo, ngay cả vợ con cũng không kip đem theo, nhờ có Truơng Phi chịu đi sau chận giặc và Triệu Tử Long cứu vợ con đem về. Ðó là bậc quân vuơng có nhân đức, không đem vợ con chạy một mình. Biến cố mất nuớc 1975 cho thấy có kẻ theo quỷ đưa nguời vào địa ngục, có kẻ chỉ lo chạy lấy thân, nhưng có kẻ biết cứu độ nguời lâm nạn đưa về thiên đàng trần gian. Như chánh phủ cac tb Mỹ lo di tản dân ven biển truớc khi có bão Helene và Milton, nguời Mỹ truớc khi tháo chạy tai VN thì chuẩn bị các trại tị nạn để đưa nhan vien thuộc cấp và dân quân thoát khỏi địa ngục năm 1975, nhưng cấp chỉ huy VNCH quá tệ, trừ Hải Quân đa số chỉ lo chạy lấy thân. Nếu ngày 29-3-75 trong 9 tuớng tại QK I, có một dũng tuớng chịu ở lại sau cùng ngăn chặn địch quân thì đã cứu đuợc nhiều đơn vị VNCH và hàng chục ngàn dân, và có thì giờ phá huỷ 2 tỷ mỹ kim vũ khí và tài sản. Nếu chánh phủ VNCH chịu cảnh caó dân CS sẽ trừng phạt tiểu tư sản, mại bản, tù cải tạo quân cán chánh cao cấp, và có kế hoạch di tản quân cán chánh khỏi VN khi chuẩn bị đầu hàng, hay tìm cách mua thì giờ bằng cách triệt thoái về Cần Thơ để dân quân có thì giờ di tản thì có thể đã cứu đuợc hàng triệu nguời khỏi bị sa điạ ngục an khoai sắn, bo bo, xuyên tâm liên, tù cải tạo, và kinh tế mới. Các ông như Nguyễn Cao Kỳ đến giáo xứ Tân Sa Châu, khuyên dân ở lại VN đánh CS, vì đi Mỹ thì không có cà pháo mắm tôm. Ông Duơng Văn Minh khi nhậm chức Tổng Thống ngày 28-4-75 trên đài phát thanh quảng cáo cho giải pháp hoà giải, gọi CS là nguời anh em phiá bên kia, và kêu gọi đồng bào đừng bỏ nuớc mà đi ra nuớc ngoài. Hậu quả rất tai hại vì đa số sĩ quan tuộc cấp bị CS liệt vào hàng "có nợ máu với nhân dân" ở lại VN đi trình diện cải tạo. Nếu không có Mỹ can thiệp thì tù cải tạo ở tù chung than cho đến chết như tù binh Ðức tại Gulag Seberia. Xúi dục xua đẩy hàng trăm ngàn thuộc cấp vào tù tội là thất đức. Nhìn chánh phủ Ukraine di tản 3 triệu dân Ukraine qua các nuớc lân bang 2022, và chánh phủ địa phuơng Mỹ buộc dân vùng bão lụt đi di tản mà thấy tội nghiệp cho quân dân VNCH bị cấp lãnh đạo đem con bỏ chợ. Nực cuời là các ông tuớng súng ống hét ra lửa giết nhau để tranh giành quyền lực lại trốn tránh trách nhiệm cứu các thuộc cấp trong tù cải tạo, mà phụ nữ chân yếu tay mềm như bà Khúc Minh Thơ, bà Bích Lưu cùng văn nghệ sĩ cầm bút lại ra sức vận động chánh phủ Mỹ can thiệp đóng cửa trại cải tạo và đưa gia đình tù cải tạo đến thiên đuờng như tác giả bài viết này. Có qua cơn đại nan sa địa ngục trở về từ cõi chết mới thấy rõ thiên đuờng, địa ngục, ai la` ác quỷ, Bồ Tát, và thiên thần.
Sau khi VN thống nhất năm 1975, dân miền Bắc ào ạt di cư vào Nam sống vì miền Nam suớng hơn, nhưng dân miền Nam không ai di ra miền Bắc sống. Rồi dân VN lại uớc mơ đuợc ra nuớc ngoài sống như lấy chồng ngoại quốc, xuất khẩu lao động, du học, v. v. Ai cũng muốn đi khỏi địa ngục VN, chỉ về VN để thăm thân nhân du hí nhưng ít ai chịu sống ở VN. Thật đáng tiếc khi chánh phủ VNCH, các tôn giáo thế giới bỏ lỡ cơ hội cứu hàng triệu nguời sắp sa địa ngục năm 1975.
06/10/202405:26:00
Khách
Đâu phải chỉ có người dân miền Nam trốn chạy khỏi "Thiên đường Cộng sản", người dân miền Bắc cũng vậy :

RFA- 8/4/16: “Một làn sóng di dân khác nữa của người Việt trong 4 thập niên mà ngày càng có chiều hướng gia tăng mạnh đó là cuộc trốn chạy xin tỵ nạn của du học sinh và công nhân xuất khẩu lao động khi khối Cộng sản Đông Âu sụp đổ. Số liệu không chính thức Đài ACTD thu thập được vào thời điểm đầu thập niên 1990 có khoảng 300,000 người sống rải rác ở Nga, Ba Lan, Tiệp Khắc, Hungary, Đông và Tây Đức… Số liệu mới nhất cho thấy nhiều gia đình ở các quốc gia này gồm đủ cả ba thế hệ, trong đó có gia đình lên đến 80 thành viên ".
06/10/202405:19:50
Khách
Nhà thơ Hữu Loan thuật lại rằng sau khi Hồ chí Minh tiếp thu miền Bắc sau Hiệp Định Geneve 1954, "khi gặp nhau, trước bất cứ câu đối đáp nào đều phải có nhóm thành ngữ “ơn Đảng ơn Bác" đứng đầu. Thí dụ: “Ơn Đảng ơn Bác, đồng chí có khỏe không?” , “Dạ, ơn Đảng ơn Bác lâu nay tôi ốm mãi, ơn Đảng ơn Bác tôi mới xuất viện được 2 hôm nay.” “Ơn Đảng ơn Bác thế mà em không hay biết gì…

” Sau hàng tháng phát động đấu tranh kiểm điểm ở từng cơ quan để bỏ chữ Bác đi và thay thế bằng: “Ơn Đảng ơn Chính phủ”:

“Ơn Đảng ơn Chính phủ vụ mùa này thu hoạch có đủ nộp không?”, “Ơn Đảng ơn Chính phủ nhà em có con lợn mới độ 30 ký đang lớn, thanh niên cờ đỏ vào bắt nợ rồi, được bao nhiêu thóc đong hết sạch mà còn thiếu phải bù bằng lợn…” ...
06/10/202401:56:30
Khách
"Quê hương là mật đắng, là ký ức chua cay khi nhớ lại. "Dẫu thế nào thì chốn tạm dung nơi quê người, cũng vẫn là thiên đường cho hậu duệ của những người tù năm xưa, vươn lên thành những người hữu dụng cho xã hội ". Trích .

Đúng quá, không sai chút nào . Quê hương VNCH từ ngày rơi vào tay lũ quân CS Hà nội xâm lược là mật đắng, là ký ức chua cay khi nhớ lại. Tôi vô cùng may mắn thoát khỏi Sài gòn từ hồi 75, cách đây 49 năm, vậy mà cho đến nay, trong giấc mơ đôi khi cũng vẫn còn thấy mình kẹt ở lại. Chừng thức giấc mới thấy thật là sung sướng khi thấy mình đang nằm trên giường ở Mỹ .

" Những năm đầu tiên ở xứ thiên đường, mướn căn chung cư khu rẻ tiền, gián nhiều khủng khiếp". Trích.
Tôi cũng đã từng ở trong một apartment có nhiều gián, nhưng may mắn là chúng chỉ nhỏ chớ không to và có cánh đỏ như gián ở VN đến phát khiếp .
06/10/202401:25:37
Khách
"Năm 1988, dưới áp lực của quốc tế, tất cả các trại cải tạo sĩ quan chế độ cũ phải giải tán. Cho tới năm 1989 có chương trình HO...". Trích.

Thế nhưng theo trang mạng dưới đây thì chương trình H.O. đã có trước đó rất lâu ?

https://immipath.org.vn/dinh-cu-my-dien-ho/
1. Định cư Mỹ theo diện HO là gì?
Định cư Mỹ theo diện HO (Humanitarian Operation) là chính sách định cư được chính phủ Mỹ ưu tiên dành các cựu quân nhân của Việt Nam thuộc chế độ cũ (Việt Nam Cộng Hoà) từ trước năm 1975 nếu đã có thời gian học tập cải tạo từ 3 năm trở lên thì sẽ được cấp visa đến Hoa Kỳ sinh sống và làm việc.
Thực chất, tên đầy đủ và chính xác của đi Mỹ diện HO đó là Chương trình Ra đi Có trật tự (tiếng Anh: Orderly Departure Program, viết tắt là ODP), là một chương trình của Hoa Kỳ cho phép người Việt Nam tị nạn nhập cảnh vào Hoa Kỳ sau khi cuộc Chiến tranh Việt Nam kết thúc.
Chương trình này được tiến hành từ năm 1979 dưới sự hỗ trợ của Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn.
Các văn phòng của Chương trình được thành lập đầu tiên tại Băng Cốc, Thái Lan vào tháng 1/1980.
Chương trình thực hiện trong ba diện nhắm vào ba nhóm đối tượng:
• Diện HO là các cựu tù nhân trại cải tạo, có tên chính thức là Special Release Reeducation Center Detainee Resettlement Program (Chương trình tái định cư phóng thích đặc biệt tù nhân trung tâm cải tạo)
• Diện U11 là các cựu nhân viên chính phủ Hoa Kỳ
• Diện V11 là các cựu nhân viên của công ty tư nhân hoặc tổ chức của Hoa Kỳ
Trong thời gian thực hiện, ODP đã hỗ trợ được gần 500,000 người tị nạn Việt Nam đến được Hoa Kỳ.
06/10/202400:10:26
Khách
Cảm ơn tác giả một bài viết hay
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 368,441
29/11/202400:00:00
Hòa thức dậy lúc 5 giờ sáng sau giấc ngủ ngắn từ giữa khuya, căn phòng bệnh viện màu trắng ngà dưới ánh đèn vàng vọt buồn thiu, bên ngoài kia trời còn phảng phất lạnh lẽo của đầu mùa đông, dù mùa đông Seattle không nhiều tuyết tái tê như những nơi miền Đông Bắc nước Mỹ. Hòa vẫn thường ngủ ít và dậy sớm, có lẽ bệnh nhân nào cũng thế, nằm trong bệnh viện khắc khoải lo âu bệnh hoạn, lại thêm y tá nhân viên thường xuyên ra vào cả ngày lẫn đêm ai mà ngủ ngon cho được. Hòa rời khỏi giường, đi ra phía cửa, rồi đi dạo khu hành lang cho đầu óc khỏi suy nghĩ rồi lại buồn lại khóc. Các phòng bệnh đều đóng kín, mỗi bệnh nhân là một thế giới riêng, đau buồn riêng. Cuối hành lang xa xa thỉnh thoảng có bóng dáng vài cô y tá tất bật qua lại, ghé vào phòng nào đó thăm bệnh, lấy máu, đo huyết áp, đưa thuốc... nói chung là đủ thứ của công việc y tá.
28/11/202400:00:00
Ông ngồi nhâm nhi tách trà, ánh mắt mông lung thả vào khoảng không. Từ tách trà nóng, một làn khói mỏng tỏa lên. Hương sen lãng đãng trong khu vườn buổi sáng, quyện cùng mùi cỏ cây, mùi sương ẩm. Buổi sáng bao giờ cũng là thời khắc êm đềm đối với ông. Không có gì phải vội vàng, ông cứ ngồi như thế, cho đến khi mặt trời lên cao và bình trà cạn nguội ngắc ngơ. Nhưng hôm nay thì khác. Bãi sân trống cạnh nhà là nơi tụ tập đá bóng của bọn trẻ từ sớm. Kỳ nghỉ hè vừa mới bắt đầu, bao nhiêu sự phấn khích cùng với năng lượng tràn đầy dồn vào những cú sút bóng ầm ầm, vào tiếng la hét vang dậy. Rồi cái gì đến cũng đã đến. Một cú sút thẳng chân, hất quả bóng bay qua hàng rào, rơi ngay bàn trà của ông...
27/11/202402:11:00
... Có nhiều người nói nhổ răng hàm trên, nhất là mấy cái răng cấm thì dễ bị chạm dây thần kinh và về sau sẽ bị “mát dây”, và cũng có vài đứa bà con tôi biết sau khi nhổ răng cấm thì tâm thần rất là bất ổn, nếu không nói là bị bệnh thần kinh. Nhà tôi và mấy đứa con thì nói răng không đau đâu cần nhổ làm gì cho... thêm chuyện; thằng con còn “hù” tôi, kể lại khi nó đi nhổ răng khôn, người ta dùng kềm móc cái răng rồi “đu” người lên mà kéo; ông bố thì “dọa”, coi chừng nhổ răng xong bà không còn nhớ tôi là ai; rồi vài chị bạn tôi kể nhổ răng khôn về sưng đau hành rất lâu, rất mệt v.v... làm tôi hãi quá. Tôi lên “net” tìm hiểu về “lợi và hại của việc nhổ răng khôn” thì có quá nhiều thông tin xuôi chiều và ngược chiều, nên tôi quyết định không nhổ. Cho nó lành...
25/11/202400:00:00
Trong cuộc đời của mỗi người, bất kỳ ở nơi nào trên thế giới, từ khi có trí khôn, là ta đã mang nợ và phải biết ơn nhiều người- từ Tổ Tiên Ông Bà, người làm ra hạt gạo nuôi ta, Đấng Sinh Thành, đến những Thầy Cô dẫn dắt ta, các cô chú Thương Phế Binh đã bảo vệ chúng ta bằng chính cuộc đời họ, đến bạn bè, người quản lý và giám đốc nơi ta làm việc, đồng nghiệp... người quen người lạ… tất cả mọi người chung quanh, ta đều mang ơn họ, không nhiều thì ít. Và riêng đối với những người được định cư ở quê hương thứ hai, ta còn phải mắc nợ thêm bao nhiêu là người nữa- từ chính phủ, những vị tổng thống, từ những vị giúp những chương trình tái định cư HO, ODP… đến những vị ân nhân bảo lãnh...v.v... trái tim nhân ái của họ bao la vô cùng... Kể ra tất cả những người làm ơn cho ta sẽ không hết - ở đây tôi chỉ xin đơn cử một vài việc rất gần đối với gia đình tôi, với đất nước “Cờ Hoa” đầy tình người này.
23/11/202400:00:00
Cách đây rất nhiều năm. hồi chị còn đi học đại học ở Mỹ, trong một lớp của chương trình sư phạm, một vị giáo sư hỏi cả lớp trước khi cả lớp chuẩn bị nghỉ lễ Tạ Ơn: - Các bạn sẽ nói lời cảm ơn với ai trong dịp lễ Tạ Ơn năm nay? Các bạn đồng môn của chị nhao nhao, nói sẽ cảm ơn gia đình, thầy cô, bạn bè. Vị giáo sư quay sang hỏi chị có ai để cảm ơn không, dĩ nhiên chị có rất nhiều người để nói lời cảm ơn. Chị nói với vị giáo sư rằng chị rất biết ơn ba má và bạn bè của chị, người đã giúp đỡ chị quay lại trường đại học ở Mỹ. Chị biết ơn nước Mỹ đã cưu mang gia đình chị và giúp đỡ chị về tài chánh để chị được đi học. Chị biết ơn các giáo sư ở Mỹ đã khuyến khích, tận tâm giải thích cho chị những lúc chị không hiểu bài. Chị cảm ơn con trai chị đã giúp chị có động lực để quay lại trường học vì chị muốn làm tấm gương cho thằng Huy-là-con trai của chị. Chị muốn thằng Huy sau này khi lớn lên sẽ đi đại học như rất nhiều di dân gốc Việt khác...
22/11/202400:00:00
Tôi thức dậy từ 6 giờ sáng lo những việc cá nhân lẹ làng, sau đó thay bộ áo dài cờ vàng lái xe lên San Jose, đến điểm tập họp trước “parking” của Walmart nằm trên đường Story. Vì câu nói của em trai Minh Huy trưởng đoàn Hậu Duệ Việt Nam Cộng Hòa, khi Hoa Nguyễn mời, tôi đã ngại ngùng nói ”Chị già rồi không phù hợp với tuổi trẻ, đường xá xa xôi, vấn đề lái xe trở ngại, chỉ có thể đi tham dự hạn chế”. Minh Huy thưa ”Chị ơi! chúng em rất cần ba thế hệ một tấm lòng ...”. câu nói lễ phép với cả chân tình của tuổi trẻ đầy tha thiết đã động vào trái tim mình, nên tôi quên mất tuổi già không đủ sức khỏe tốt, vượt đường xa mưa gió góp mặt cùng nhóm hậu duệ đi diễn hành Lễ Cựu Chiến Binh Hoa Kỳ.
21/11/202400:00:00
Một ngày trong tháng 9, 2024, Kim Oanh điện thoại cho vợ chồng chúng tôi, ngỏ ý muốn qua thăm “anh chị”. Chúng tôi cho biết, nếu cần đưa đón, chúng tôi sẵn sàng. Nhưng Kim Oanh trả lời sẽ nhờ người quen đưa đến. Chúng tôi hẹn gặp nhau vào cuối tháng 10, 2024 tại nhà chúng tôi. Kim Oanh là vợ của Trung Úy Không Quân Hoàng Văn Tân, một người bạn tù cải tạo rất thân thiết của tôi trong 2 năm tại Long Khánh. Kim Oanh có lần dẫn vợ tôi cùng nhau thăm lén hai ông chồng trong rừng cao su bên ngoài trại tù ở Long Khánh. Đây là một kỷ niệm không bao giờ quên, vì cả hai cặp có được chút thì giờ “tâm sự” riêng với nhau giữa cảnh màn trời chiếu đất. Anh Hoàng Văn Tân mất vào đầu năm 2016 tại San Diego.
20/11/202400:00:00
Dân ta ở các tiểu bang miền Tây như Cali, Texas… gọi họ là dân “Mễ” vì họ vào nước Mỹ từ xứ Mexico; các tiểu bang miền Đông như Maryland, Virginia… gọi là dân “Xì”, vì nghe họ nói tiếng Spanish - tiếng gọi khác nhau, nhưng “Mễ” hay “Xì” cũng là di dân từ các nước Trung hay Nam Mỹ. Người Mỹ gọi họ là dân Hispanic hay Latino. “Chuyện dài di dân gốc Mễ”: từ nhà ra phố đến chuyện quốc gia đại sự đều có mặt dân “Xì”; vui buồn, thương cảm hay giận đến căm gan đều có bóng dáng anh “Mễ”...
19/11/202400:00:00
Nghĩa trang Oaks Hill chiều nay lồng lộng gió, mây đen dồn cục cuối chân trời, cây cối ngã rạp mình theo chiều gió. Thành đứng trên hành lang phía sau căn "mobile home" của mình nhìn bao quát sang khu nghĩa địa rồi tiên đoán dự báo thời tiết, ngày hôm nay có lẽ sẽ có mưa đây. Chóng quá! Thế mà đã hơn một năm qua, Halloween rồi lại Halloween. Hình như Halloween năm nào trời cũng có mưa nhẹ thì phải?...
15/11/202400:00:00
Nhiều người trong chúng ta chắc ai cũng biết câu ngạn ngữ này: “Gieo hành vi gặt thói quen, gieo thói quen gặt tính cách, gieo tính cách gặt số phận”. Tôi không rõ là câu này do danh nhân nào nói hay là nguồn gốc của nó từ đâu, nhưng tôi quan sát thì thấy nó rất đúng với nhiều trường hợp ở đời. Nay tôi tường thuật một câu chuyện có thật trong cộng đồng người Việt ở thành Ất Lăng. Tôi cũng là người có dự mặt trong câu chuyện này, một câu chuyện khá thương tâm và phần nào cũng đúng với câu ngạn ngữ vừa đề cập. Tôi vốn không phải là nhà văn nên không biết gì bút pháp nghệ thuật hay những gì đại loại như thế, chỉ đơn giản là một người kể chuyện, kể lại câu chuyện đã và đang xảy ra tại đây.
Nhạc sĩ Cung Tiến