Hôm nay,  

Ăn Tết ké!

09/02/202400:00:00(Xem: 2060)
 
banh chưng
Bánh chưng
 
Nguyệt Mị là bút hiệu lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Mười ba năm trước, sau khi kết hôn với một nhạc sĩ Mỹ, cô theo chồng về Sonoma County, vùng đất nổi tiếng với rượu vang của Napa Valley. Hiện nay, gia đình đã dọn về San Diego. Tác giả đã nhận giải đặc biệt năm 2018 và giải danh dự năm 2021. Đây là bài viết mới nhất của tác giả.
 
*
 
Hàng năm, sau Tết Tây, trong khí trời se se lạnh của đất Sài Gòn, đâu đó bắt đầu nghe tiếng nhạc Xuân rộn ràng, hay những bài nhạc du dương thay lời muốn nói của bao người con xa quê mong sum vầy ngày Tết. Mặc dù mỗi vùng miền có thể có những truyền thống và đặc trưng riêng nhưng ngày Tết là ngày lễ của tất cả Người Việt kể cả những người Việt xa xứ như Mị.
 
Nhưng ngày xưa nhà Mị.. không ăn Tết.
 
Mình Bà Tám kiếm cơm cho ba đứa lục lăn lục lửa mỗi ngày là đã mệt hết hơi, sức nào mà lo Tết với nhất. Mà không hiểu tại sao ngày xưa ông bà mình thường nói “Tết nhất” nhỉ? Hở ra là Mị nghe câu “Tết nhất tới nơi” và người lớn thì vội vội vàng vàng lo công việc cho kịp Tết. Còn phải quét dọn, trang trí nhà cửa, mua hoa, mua thức ăn, chuẩn bị chu đáo từ rằm tháng Chạp.
 
Tết dù Mị không có áo mới, không có cúng kiến, nhưng cũng chẳng cản được Mị đi ăn Tết ké nhà hàng xóm. Cái thời Mị còn ở xóm nhà lá bên quận 8 thì gần như cả xóm xúm lại gói bánh tét với nhau. Mị nhớ con hẻm đất nén rất sạch sẽ được trưng dụng ngay khúc cua hơi rộng một chút làm nơi tập hợp mấy cục gạch chất lại với nhau để làm bếp lò. Không biết mấy chú hàng xóm kiếm đâu ra, mấy cục gạch to đùng chất thành kiểu ba ông đầu rau, chụm củi ba hướng vô đều được. Củi cũng chất được một đụn nho nhỏ kế bên, ưu tiên các loại “củi gộc” là loại củi có “mắt”, vốn là loại ngay cành mọc ra, chắc và có xoáy, rất khó chẻ nhưng khi cháy thì nhiệt rất nóng và ổn định.
 
Phần các bà các dì thì lo phần ngâm nếp gói bánh. Nhà Mị vốn có một khu vườn khá rộng và không thiếu lá chuối nên nhà Mị được ưu tiên hùn lá chuối và các loại cành khô nếu có trong khi các nhà khác hùn nếp hùn đậu với mỡ. Chính xác là mỡ một trăm phần trăm nha. Không phải nguyên dây thịt ba rọi lẫn thịt như ngày nay. Mị còn nhớ, mỡ heo ngày xưa rất dày được cắt thành những dây dài vuông vắn để khi cắt khoanh bánh tét ra là cọ miếng mỡ trong veo vuông vắn nằm ngay chính giữa khoanh bánh tét  tròn quay mới là đạt. Năm đó, Mị nhớ trong nếp có pha chút đậu đen và kế bên là nguyên một thau các dây mỡ được ướp mối đường sẵn, Mị nhìn là ớn hồn. Sau một hồi, Mị nằn nì xin mấy dì gói cho mình một đòn bánh Tét nho nhỏ, xinh xinh không nhân mỡ.
 
Sau khi tất cả bánh đã được khéo léo xếp trọn vào nồi, Mị cũng hăm hở ngồi hóng xung quanh bếp lửa và nghe kể chuyện... ma. Được một hồi trước mặt thì nóng, sau lưng thì lạnh, không biết có con ma nào ngồi gần hóng hớt hay không mà Mị chán quá bèn chuồn về nhà lăn ra ngủ. Sáng Mùng Một thức dậy thì bánh đã được treo lên hàng rào rồi. Mị hăm hở khui đòn bánh nhỏ chút chét của mình ra thì chèng ơi, nó dở tệ hơn vợ thằng đậu. Trong khi những khoanh bánh lớn thơm mùi, nếp, mùi lá, mùi đậu xanh vừa có vị bùi bùi của đậu đên trong nếp, của đậu xanh bao quanh cục mỡ vuông vức trong veo béo ngậy nằm giữa khoanh bánh tét tròn quay. Thế là Mị lơ tịt đòn bánh không nhưn dở ẹc của mình và xoay qua măm măm bánh nhân mỡ.
 
Mùng hai Tết thì về ngoại ăn Tết ké mà đúng ra là ăn đám giỗ. Thực sự không nhớ nhiều về Tết. Chỉ nhớ mùng hai giỗ ông cố thời còn đông bà con ở quê lên giỗ, lúc nào cũng đem gà vị nhà nuôi lên, thế là Mị phải nhổ lông gà lông vịt trong khi dỏng tai nghe bọn trẻ con hàng xóm chạy ra đốt pháo, đổ lotto, cờ cá ngựa ở ngoài lề đường. Nhà Mị thường rửa nhà ngày 30 Tết, sau khi đã đi ra chợ hoa gần nhà mua lủ khủ các chậu bông cúc, bông vạn thọ mà người bán vửa bán vừa cho để còn kịp về nhà đón giao thừa. Có năm Mị ngồi xích lô chất đầy hoa vàng xung quanh, thấy mình cũng giàu có lắm.
 
Sau này giỗ ngày càng thưa vắng, các bậc trưởng thượng lần lượt theo mây trắng về trời, con cháu thì ngày càng bận rộn, còn những ngày Tết của Mị thường bắt đầu từ những ngày dẫn ngoại đi họp Hội đồng hương Trà Vinh đến những ngày đi thay mặt cho ngoại, cho đến khi thư mời đích danh Mị đi họp đồng hương. Mị lên cấp ba thì đi ăn Tết ké nhà bạn. Mẹ bạn làm món thịt kho măng khô của người Phan Thiết , cuốn rau sống, bánh tráng mè, chấm nước mắm tỏi ớt ngon tuyệt cú mèo. Bánh tráng mè vừa thơm vừa bùi, vị béo của thịt thấm vào măng, được rau xanh, củ kiệu chua trung hòa lại, chậc chậc, ngon phải biết. Đến nỗi tự động mùng hai hàng năm, giỗ xong là lên nhà nó ăn ké, cả chục năm từ lúc học chung lớp 10 đến lúc đi Mỹ, học luôn được công thức thịt kho măng khô thần thánh. Mị thích nhất là khoảng thời gian từ lúc đưa ông Táo đến ngày mùng hai, qua mùng ba đi chúc Tết thầy cô xong là cũng hết Tết. Mị thích không khí rộn ràng chuẩn bị Tết.
 
Qua Mỹ ban đầu Mị sợ Tết. Mị sợ nhớ nhà, nhớ những ngày Sài gòn hanh hao nắng. Mị sợ nhớ những đêm giao thừa chen lấn vô chùa Ông Bổn gần nhà chỉ để nghe mùi nhang mù mịt, cay mắt đến nỗi mỗi khi ra khỏi chùa là nước mắt ròng ròng mà Mị thường gọi là đi khóc sám hối. Mị sợ mình sẽ nhớ đường hoa Nguyễn Huệ ngày xưa tuy chưa trang hoàng rực rỡ cầu kỳ nhưng tràn ngập hoa được xếp đặt khéo léo đua nhau khoe sắc trong nắng xuân. Mị sợ mình sẽ nhớ những cánh hoa mai vàng rung rinh trong nắng, những buổi thăm hỏi chuyện trò với bao người thương năm cũ. Thế là Mị quyết định dẹp tiệm luôn, khỏi Tết nhất gì ráo để khỏi thấy mình bơ vơ.
 
Dễ nhất là ăn ké Lễ Tạ Ơn của người Mỹ. Tương tự như Tết của người Việt. Lễ Tạ Ơn là ngày lễ gia đình quan trọng trong văn hoá Mỹ. Con cháu sẽ trở về sum họp gia đình. Học sinh được nghỉ học một đến hai tuần tuỳ học khu. Ước tính hàng năm có khoảng trên 55 triệu người Mỹ sẽ vượt quãng đuờng ít nhất là 50 dặm trong mùa Lễ Tạ Ơn đến khoảng giữa tháng Một, để thăm gia đình, để đi du lịch. Mị nghĩ chính những kỷ niệm thời thơ ấu của một người sẽ quyết định khá lớn vào sự gắn kết với gia đình của người đó khi trưởng thành. Có phải những bữa ăn ngon nhất là những bữa ăn trong ký ức của chúng ta dưới mái nhà của cha mẹ? Có phải cảm giác bình yên, no đủ nhất được tìm thấy trong ngôi nhà thơm mùi cơm mẹ nấu vừa chín tới? Có phải hình ảnh cả nhà chộn rộn chuẩn bị lễ Tết là những hình ảnh đẹp đẽ nhất được lưu giữ sâu trong tâm hồn của mỗi người chúng ta để khi đối mặt với giông bão của cuộc sống bôn ba ngoài kia, chúng ta có thể tìm thấy niềm an ủi, động viên bản thân tiếp tục nỗ lực?
 
Tuy nhiên, gốc gác cội nguồn dễ gì từ bỏ nhất là với một đứa hay sống bằng ký ức như Mị? Thế là Mị bắt đầu giữ lệ một năm cúng đất đai, ông bà đúng ngày ba mươi Tết. Tạ ơn tổ tiên, đất đai nhơn trạch đã phù hộ, che chở, soi đường suốt một năm qua, cầu xin năm mới gia đình được bình an. Mị còn được anh chị em bạn bè tặng hoa quả, bánh tét bánh chưng. Và Mị cũng bắt đầu bon chen đi Little Sài Gòn ngắm người, ngắm hoa, ngắm trang trí ngày xuân, lại sắm hoa cúc, hoa mai như ngày xưa để đem Tết về nhà.

Và quan trọng nhất là Mị phát hiện chỗ đi ăn Tết ké. Từ vài năm nay, cứ đến ngày 30 Tết là Mị chạy đến Thiền Viện Đại Đăng phụ các Tăng, Ni, Phật tử dọn dẹp, rửa xoong nồi, gọt củ cải chuẩn bị đón Tết mùng một. Tiếng cười nói râm ran, í ới; xoong nồi lỉnh kỉnh; khắp nơi trang hoàn mừng Xuân, vui ơi là vui. Cứ y như về quê ăn Tết. Như hai câu thơ của Hoà Thượng Mãn Giác: “ Mái chùa che chở hồn dân tộc, Nếp sống muôn đời của Tổ tông.” Mái chùa nơi này như một nơi che chở cho đời sống tâm linh. Người ta có thể tìm thấy chút hương vị quê nhà từ những trang trí quen thuộc, từ nhiều người Việt tụ lại một nơi, thăm hỏi nói cười. Mùng một thì rất nhiều Phật tử du xuân trong áo dài truyền thống. Những gương mặt tươi cười rạng rỡ, tiếng chào hỏi, chúc tụng râm ran cũng thấy được hương vị Tết.
 
Năm nay Mị lại thêm chỗ ăn Tết ké. Mị có cơ hội nhìn mấy chị bạn và mẹ gói bánh chưng. Mị chỉ việc ngồi kế bên ăn uống hóng hớt, không cần phụ. Có khi ngồi yên không cần làm gì đã là tốt lắm rồi, động tay động chân có khi báo hại người khác phải giải quyết hậu quả chứ không được tích sự gì. Mị biết bản thân mình cực kỳ yếu kém khoản khéo tay khéo chân nhưng bù lại trời cho mồm miệng đỡ chân tay. Mị lại sẵn dịp xin xỏ:
“Cho em hai cái đặc biệt đi, nhiều thịt ít đậu xanh, nhiều nếp!”

Chu cha ơi, Mị hăm hở ôm hai cái bánh vuông vức hết sức đẹp mắt và dầy hơn cái khuôn đâu 1/3 về cho vô nồi instant pot nấu. Nồi cũng là hàng được tặng. Tới nhà ông anh họ, Mị cứ săm soi cái nồi nhà người ta, thế là Mị được tặng cái nồi; tới nhà chị chồng thì nhìn cái mâm của chị, thế là được tặng cái mâm; bữa giờ chưa thấy ai để vòng vàng hột xoàn ra đếm để Mị nhìn… lấy hên. Và chương trình ăn Tết ké năm nay của Mị đã hoàn tất sau khi sau khi được bác gái đãi một tô cháo lòng ngon số một và anh chị bạn đãi tráng miệng bằng hai tô chè Đài Loan. Chè mà ăn bằng tô thì cũng hơi có lỗi với cái cân. Hình như nhớ hồi xưa trước khi đi đầu thai có xin Diêm Vương cho con làm Bá hộ để nuôi vạn người mà sao giờ đi đâu cũng được đãi ăn, cho đồ ăn, hổng lẽ ổng phết lộn qua danh sách “vạn người nuôi” sao ta? Căng nha!
 
Dù Mị chỉ chuyên môn đi ăn Tết ké từ nhỏ tới lớn thì Mị vẫn thích Tết. Mị thích nhìn những tà áo dài thướt tha dịu dàng. Nhìn các cô nghiêng nghiêng duyên dáng chụp hình bên hoa xuân, người như hoa, hoa như người, thấy đất trời cũng tươi mới.
 
Chúc cả nhà những ngày Tết ấm áp và bình yên.
 
Temecula 02/04/24
Nguyệt Mị

Ý kiến bạn đọc
15/02/202400:15:26
Khách
kết quả chiến tranh VN ra sao chúng ta ai cũng biết. Có nhiều lý do tại sao CSVN thắng cuộc, nhưng một trong những lý do là họ dùng chiến thuật hèn hạ mà Hamas đang dùng: đánh lén rồi trà trộn vào dân chúng. Khi Mỹ và VNCH đánh trả thì bị mang tiếng là giết dân. Bởi vậy CSVN bảo toàn được lực lượng để tiếp tục đánh lén. Vậy bác có kế gì hay để góp ý cho Do thái đối phó với Hamas? Hamas nó bắn cả ngàn quả pháo vào Do thái rồi chạy vào nhà thương, để vũ khí trong nhà thương, trong khu dân cư. Ngồi phản đối xuông hay sao bác?

Xin được phép không đồng ý khi bác nói Do thái không cho Palestin độc lập nên Paletin nổi dậy. Do thái đã trả cho người Palestin dải Gaza từ 2007.
13/02/202403:27:23
Khách
Hamas là nhóm bạo động cuả Palestine, nhưng dân Palestine không phải là Hamas, cũng như Việt cộng là nhóm bạo động của miền Nam, nhưng dân miền Nam không phải là Việt Cộng. Thả bom giết dân Gaza chỉ vì bị Hamas tấn công thì có khác gì thả bom giết dân Sài gòn chỉ vì VC tấn công truớc. Dân Sài Gòn không phải là VC, và dân Gaza không phải là Hamas. Hamas trà trộn vào dân Gaza thì cũng giống như VC trà trộn vào Sài Gòn, không thể thả bom tan tành Sài gòn chỉ vì bị VC tấn công. Xưa thực dân Pháp không cho VN độc lập và bị các nhóm võ trang nổi lên kháng chiến. Palestine cũng là nạn nhân của thực dân Tây Phuơng như VN, cho đến hôm nay Palestine vẫn chưa dành đuoc độc lập như một quốc gia thì Palestine cũng có nhiều nhóm võ trang nổi dậy. Do Thái đối xử với dân Palestine tàn tệ như ngày xưa thực dân Pháp đối xử với dân An Nam Mít nên các nhóm bạo động Palestine nổi dậy đấu tranh.
11/02/202415:38:12
Khách
Đồng ý với bác về nhận xét đoạn đầu nhưng không đồng ý nhận xét về chiến tranh giữa Do thái và Hamas. Hamas tấn công Do thái trước sau đó trà trộn vào dân chúng, dùng họ làm bia đỡ đạn. Đây là chiến thuật CSVN đã dùng rất nhiều. Nếu Do thái tấn công, Hamas sẽ la toáng là dân chết. Nếu Do thái không tấn công thì không lẽ phải quên đi chuyện Hamas tự dưng đi pháo vào Do thái rồi bắt đi trên hai ngàn con tin. Bác có chịu khoanh tay ngồi nhìn thằng cướp vào nhà chém giết và bắt người thân bác đem đi không
10/02/202415:03:35
Khách
Vui Tết nhung nguời Việt đã từng trải qua những cái Tết đẫm máu sau Mậu Thân xót thuơng cho đàn bà trẻ con, bác sĩ, nhân viên cơ quan thiện nguyện, thuờng dân đang gánh chịu cái Tết đẫm máu do chiến tranh gây ra trên khắp thế giới. Vũ khí sát thuơng sản xuất bởi các nuớc Nga, Mỹ, Iran, Do Thái, Hamas, Bắc Hàn, TQ có dịp tàn sát. Nguời xử dụng vũ khí và kẻ sản xuất vũ khí đều gây nghiệp báo sau này phải trả.
Chiến tranh giết chóc là một hình thức cực đoan cuả tội ghét (hate crime). Nguời Do Thái ở Mỹ bỏ hàng triệu đô la quảng cáo trên TV chống thù ghét hate nhưng họ lại không chấp nhận chấm dứt chiến tranh dù đã giết hơn 27 ngàn nguời đa số là đàn bà trẻ em. Cái gì mình không muốn làm cho mình thì đừng làm cho nguời khác (kỷ sở bất dục vật thi ư nhân) . Muốn tránh thù ghét hate crime thì truớc hết phải chấm dứt chiến tranh giết thuờng dân. Miệng nói chống thù ghét hate crime nhưng tay tàn sát thuờng dân thì đúng là "khẩu Phật tâm xà". Mình muốn tàn sát giết nguời nhưng lại không muốn nguời ta thù ghét mình, thật là khôn lanh quỷ quyệt.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 121,989
08/05/202400:47:00
Lại bước qua năm mới, mỗi năm đầu xuân, hội Huế thường tổ chức “Ngày Hội Ngộ Mừng Tân Niên”. Năm nay với chủ đề “Xuân Và Tuổi Trẻ”, có lẽ ban tổ chức muốn gieo thông điệp yêu thương đến thế hệ con cháu, với niềm hy vọng tuổi trẻ sẽ nối tiếp cha ông hoạt động và giữ gìn một góc Huế trên xứ người tại vùng Bắc Cali.
07/05/202402:29:00
Quỳnh nhìn Phong, thoáng nhớ lại những lời chàng ta kể lại sự say mê săn hoa lan của hai cha con khi anh theo cha vào rừng tìm những cụm hoa lan mọc trên những cành cây trong vùng ẩm thấp trên sườn đồi của vùng cao nguyên Ban Mê Thuột. Lúc đó, Phong còn nhỏ và rừng núi cao nguyên còn đầy thiên nhiên hoang dã nên những ngày vào rừng tìm hoa lan thật là thú vị. Vui nhất là có một lần, anh chàng kể lại, sau khi trèo lên cây, bóc được nguyên cả gốc cụm hoa Thuỷ tiên vàng rực nhưng không may có một cành khô gẫy đụng mạnh vào tổ ong gần đó làm cả đàn ong túa ra tấn công kẻ phá hoại làm hai cha con chạy bán sống bán chết mới đến được nhà người Thượng ở cuối thung lũng để xin… tị nạn!!! Điều kỳ lạ là ong không đốt mấy người ở quanh đó mà chỉ tìm hai cha con người phá tổ ong đốt để trả thù mà thôi.
06/05/202401:09:00
…Tháng Năm, trời thường nhiều mây và những cơn mưa bất chợt. Tháng Năm lưu lạc làm sao quên tháng năm quê nhà. Đã bao giờ chúng ta trở về hàn huyên cùng sỏi đá, bưng tô canh bún, bún riêu một trưa hè để quên đi quãng đời phiêu bạt. Quê không đuổi ai đi, kẻ ở vẫn chờ người về, nhưng khoảng cách không thước đo trong lòng người là tâm lý Pavlov. Con chó nghe tiếng chuông leng keng biết sắp được ăn, người ta nghe tiếng AK 47 là biết Việt cộng về, mau chạy cho xa…
03/05/202400:00:00
Người Mỹ có câu “Customer is king” (tạm dịch “Khách hàng là vua”) trong khi Việt Nam có câu “Vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi” để nói lên sự quan trọng của dịch vụ khách hàng. Nếu cơ sở thương mại nào có dịch vụ khách hàng tốt thì cơ hội khách hàng trở lại trong tương lai sẽ cao hơn. Người Mỹ có thói quen cho tiền tip cho người phục vụ mình như người hầu bàn hoặc tài xế xe taxi hay nhân viên dọn phòng khách sạn. Phục vụ càng tốt thì tiền tip càng cao. Tuy người Việt Nam đã ở Mỹ gần nửa thế kỷ nhưng hình như chúng ta chưa ý thức được sự quan trọng của dịch vụ khách hàng.
30/04/202423:13:00
Ngay khi vào thăm vợ, cô Bình cũng đi với ông vào thăm bà. Bà vẫn nằm yên trên giường với những sợi dây cắm chằng chịt, khuôn mặt thật thanh thản, đôi mắt nhắm nghiền, đôi môi vẫn đượm hồng, cô Bình tự động ngồi bên xoa nắn chân tay cho bà, còn mang theo bộ đồ làm móng vào, làm cho bà tươi đẹp hơn, điều này làm ông thật cảm động, trái tim xao xuyến, ông thầm cảm ơn cô đã tận tình chu đáo với vợ chồng ông quá.
29/04/202413:34:00
Hôm ấy, một buổi chiều cuối thu, trời trong và se lạnh. Một ông già râu tóc bạc phơ, ước chừng vào tuổi tám mươi, ngồi đăm chiêu trên ghế đá công viên, gần Viện dưỡng lão Mission De La Casa ở thành phố San José - lặng lẽ nhìn lá vàng rơi… Bỗng từ xa, một thằng bé khoảng chín, mười tuổi chạy đến nắm tay ông, hỏi: - Ông ngoại ơi! Sao ông ngồi đây một mình, có vẻ buồn thế? - Ờ! Ông chỉ có một mình.
26/04/202400:00:00
Chị Linh, cũng như vài anh chị thanh niên khác trong xóm, tình nguyện giúp phường xã quản lý chúng tôi mỗi mùa sinh hoạt hè. Trong khi các anh chị khác chỉ làm qua loa, lấy lệ, vui là chính, thì chị Linh lại hăng say một cách nghiêm túc. Nhớ có lần chào cờ, chị Linh đứng nghiêm, tay phải đặt lên ngực trái, mắt hướng về lá cờ đỏ sao vàng, miệng còn nhẩm hát bài Quốc Ca say mê thắm thiết, làm tôi và thằng Hà bụm miệng cười, báo hại sau đó chị Linh kêu hai đứa đứng dưới cột cờ, phê bình kiểm điểm, không cho tham gia sinh hoạt bữa đó luôn. Về nhà, tụi tôi kể cho chú Bảy, ba của thằng Hà nghe, chú là thương binh thời VNCH bị cụt chân nên không phải đi “học tập cải tạo”.
25/04/202409:09:00
Có nhiều bạn được quý mến không phải vì giàu sang, địa vị hay có tài năng mà bởi những điều dễ làm cho người khác mến mộ như lòng chân thành, sự nhẫn nại, biết lắng nghe, một cái bắt tay ấm áp với ánh mắt thân tình, một nụ cười khiến người đối diện cảm thấy thoải mái, dễ chịu...
23/04/202409:05:00
Dòng kí ức dẫn dắt chị về miền quá khứ. Chị mang theo con trai đến Mỹ lúc thằng Huy vừa tròn một tuổi để đoàn tụ với gia đình. Chị không bất ngờ nhiều về quyết định chọn trường đào tạo sĩ quan West Point của con trai vì hồi còn nhỏ, con trai chị rất thích chơi với các chú lính chì và thích trở thành một người lính khi lớn lên. Là mẫu người phụ nữ “cá chuối đắm đuối vì con”, chị đã khước từ một vài người đàn ông theo đuổi chị để dành hết tất cả tình thương cho con trai. Chị dành hết toàn bộ thời gian rảnh của mình để chăm sóc con. Chị vẫn biết rồi một ngày con trai chị sẽ rời khỏi vòng tay chị để theo đuổi ước mơ của con nhưng chị vẫn cảm thấy lo lắng khi con chị muốn đi học ở một tiểu bang xa xôi.
19/04/202400:00:00
Một nhân viên nhà thờ Warren Presbyterian Church nói có người muốn gặp tôi. Anh xuất hiện với đôi má thỏm sâu, mắt lạc thần, đặc biệt tóc rậm rạp dựng đứng cứng như rễ tre. “Chào anh. Tôi tên Thắng. Anh tên gì?” tôi hỏi. “Em tên Trị. Em mới qua Mỹ được sáu tháng năm ngoái 2003. Em muốn chết,” anh nói trong hơi thở hổn hển, “Chị vợ em bảo lãnh hai vợ chồng em và hai đứa con em, đứa 12 tuổi, đứa 7 tuổi, rồi cho ở free dưới basement mấy tháng nay mà cứ nói nặng nói nhẹ hoài. Tụi em đi làm nhà hàng, chở nhau bằng xe đạp té lên té xuống vì tuyết. Em muốn chết.”