Hôm nay,  

Tôi Đi Cách Ly Ở Dubai

07/08/202000:00:00(Xem: 8541)
                                                                
Nguyễn Văn Tới
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018 và giải vinh danh Tác Phẩm 2019  Là một cựu tù cải tạo vượt ngục và là người lái tầu vượt biển, ơng định cư tại Mỹ từ 1990, hiện làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi. Đây là bài mới nhất của Ông.

 

***

HINH VIET VE NUOC MY
Quán xá đìu hiu, vắng khách ở phi trường Schiphol, Amsterdam, Netherlands.(hình tác giả cung cấp)

 

Cuối tháng 7, năm 2020, nạn dịch Tàu vẫn đang hoành hành khắp nơi trên đất Mỹ; tất cả các nước trên thế giới đều lo sợ cuống cuồng, vội đóng cửa biên giới đường bộ, đường thủy, và đường hàng không. Nội bất xuất, ngoại bất nhập. Không cho ai ra khỏi nước mà cũng không cho phép bất cứ ai vào nước mình. Kinh tế lao đao, người dân khổ sở, tù túng, quanh quẩn trong nhà mơ đến ngày được trở lại cuộc sống bình thường trước đây. Sau 5 lần trì hoãn chuyến bay, tôi cũng phải lên đường đi công tác để thay thế cho những đồng nghiệp đang mắc kẹt ở nước ngoài đã quá thời hạn làm việc mà chưa về được với gia đình. Họ gởi emails van xin hãng cố gắng tìm cách giúp đỡ về nhà càng sớm càng tốt.

Khởi hành từ phi trường Tucson, Arizona tôi bay với hãng American Airlines. Hành khách không nhiều như những ngày tháng trước mùa dịch, ai nấy đều đeo khẩu trang, lặng lẽ giữ khoảng cách xếp hàng làm thủ tục “check in”. Đến phiên tôi, cô nhân viên xác nhận có tên tôi đã được giữ chỗ, nhưng cô cứ loay hoay mãi một cách khổ sở với màn hình, nhìn nét mặt cô, tôi biết có vấn đề. Tôi hỏi nhưng cô chỉ nói vì nạn dịch nên các nước mình sắp bay đến, họ đòi phải trả lời nhiều câu hỏi phức tạp. Sau 15 phút, có vẻ bế tắc, cô đi gặp ông xếp. Cả hai khuôn mặt nhăn nhó như khỉ ăn ớt cùng châu đầu vào cái máy tính. Tôi lên tiếng hỏi, họ cho biết trường hợp tôi bay qua Afghanistan, họ mới gặp lần đầu. Tôi cho biết nếu họ cần giấy tờ gì, tôi sẽ cung cấp đủ.

Có lẽ vì quá tập trung để giải quyết vấn đề, họ không nghe hoặc không để ý đến lời tôi nói. 15 phút nữa trôi qua, một vài hành khách đang chờ nhìn về phía chúng tôi vẻ sốt ruột. Người đàn ông rời đi và một phút sau trở lại với một bà nhân viên có vẻ là xếp lớn, nhiều kinh nghiệm hơn. Bà hỏi tôi đi đâu, làm gì, có giấy tờ gì chứng nhận công tác không. Tôi trình bày và đưa sự vụ lệnh của quân đội, trên đó có liệt kê tên quốc gia tôi sẽ đến, và các nước tôi sẽ quá cảnh hoặc ghé qua nghỉ ngơi. Tôi đưa thêm Visa của Afghanistan và thẻ chứng minh được cấp bởi quân đội, thêm giấy chứng nhận tôi đã được thử nghiệm Corona Testing với kết quả âm tính.

Sau 5 phút, mọi việc đều thông qua trót lọt. Phải chi họ chịu khó nghe tôi từ đầu thì đâu đến nỗi mất 35 phút check in khổ sở như thế. Chuyến bay nội địa Boeing 737, đầy hành khách, ai nấy đều bắt buộc phải mang khẩu trang, đáp xuống sân bay Dallas-Forthworth, tiểu bang Texas. Chờ thêm 2 tiếng, tôi sẽ tiếp tục bay đến Amsterdam, Netherlands, Châu Âu. Tất cả hành khách phải điền đơn xác nhận sức khỏe tốt và được kiểm tra thân nhiệt trước khi lên máy bay. Tôi nhìn quanh, thấy lèo tèo hơn chục hành khách.

Chiếc Boeing 777 có sức chứa 340 ghế mà sao vắng tanh. Tôi nghĩ có lẽ sẽ có thêm hành khách đến sau. Đến giờ chiếc phi cơ được đẩy ra đường băng, tôi không thấy có thêm người nào lên máy bay. Tôi hỏi 1 cô chiêu đãi viên, cô cho biết tổng cộng 28 hành khách sẽ bay trên chuyến này. Biết tôi ngạc nhiên, cô nhún vai cho biết hãng AA phải chở thêm nhiều hàng hóa để bù lỗ. Một mình tôi ngồi khoang hạng nhất; còn lại 27 hành khách khác ngồi rải rác các khoang đằng sau.

Trái ngược lại với suy nghĩ của nhiều người, trong mùa dịch, hãng máy bay ế, không có khách, giá vé chắc rẻ rề. Giá vé của tôi hơn $5000 từ Mỹ đến Dubai, United Arab Emirates. Hãng lo việc đặt vé cho tôi, nhưng đọc kỹ giấy tờ, mới biết giá mắc gấp đôi bình thường. Đây là chuyến đi công tác nên hãng trả tiền chứ tự mình đi du lịch mùa này, chắc không mấy người muốn bỏ tiền túi cho cái vé đắt gấp đôi, ngoại trừ có việc tối cần thiết.

Sau hơn 9 giờ bay, phi trường Schiphol, Amsterdam hiện ra dưới đôi cánh sắt. Tôi có thể thấy rõ 6 đường băng cất cánh đan chéo nhau phía dưới. Máy bay đảo nhẹ, tiếng hệ thống thủy lực vang lên báo hiệu bộ càng đáp đang từ từ duỗi ra, rồi máy bay chạm nhẹ đường phi đạo trong buổi sáng sớm đẹp trời trên xứ hoa Tulip. Phi trường khá vắng vẻ nên người đi lại ít. Tôi phải chờ hơn 8 tiếng trước khi có chuyến bay chuyển tiếp qua Dubai. Nếu đặt khách sạn và ở lại qua đêm thì phải qua đủ thứ thủ tục rườm rà như quan thuế, thử nghiệm dịch Covid-19, và cách ly 14 ngày. Vì thế, thà chịu chờ đợi để quá cảnh, còn hơn mất 14 ngày và phải trả tất cả các chi phí khi ở đó.

Nếu bạn khai đến từ 3 tiểu bang California, Texas, và Florida, họ sẽ hạch hỏi bạn và đòi đủ thứ giấy chứng nhận xét nghiệm, thẻ lên máy bay vừa qua, thẻ ID, và lý do chính đáng khi quá cảnh vào Hòa Lan để đến Dubai. Tôi đưa thẻ ID từ Arizona, họ cho qua rất nhanh không hỏi lấy 1 câu. Bay trong mùa này, bạn cần phải kiên nhẫn vì sẽ bị hạch hỏi một cách rất lịch sự như bị hỏi cung. “Cô vợ” cũng không thể nào bắt bạn phải khai báo rõ ràng và thành thật như “Cô Vy”, rằng bạn đã đi đâu chơi, ngủ khách sạn nào, ngủ một mình hay ngủ với ai.

Trong phi trường có nơi cho hành khách có thể ngả mình trên chiếc ghế dài để nhắm mắt hay nghỉ ngơi sau chuyến bay dài mệt mỏi trong khi chờ chuyến bay chuyển tiếp. Các quán ăn, tiệm cà phê, quầy bán hàng lưu niệm vắng vẻ, thưa khách. Sau khi ăn một tô mì ly nóng dở đành đạch hết 15 Euros, tôi kiếm cái ghế ngả mình xuống nhắm mắt cho đỡ mệt để giết thời gian.

Trước khi lên chuyến bay tiếp tục cuộc hành trình, tôi lại phải ký giấy khai báo sức khỏe, được đo thân nhiệt, trình đủ mọi giấy tờ chứng minh lý do chính đáng đến Dubai. Chiếc Boeing 787 Dreamliner chuyến này có nhiều hành khách hơn, tôi ước chừng trên 150 người, nhưng được chia ngồi cách nhau 1 hoặc 2 ghế tuân theo luật cách ly. Đương nhiên mọi người đều phải mang khẩu trang và chỉ được bỏ ra khi ăn, uống mà thôi. Đến bữa ăn, hành khách được phát một bao nylon ziploc lớn được niêm phong kín, gồm đồ ăn nguội, chứ không còn được phục vụ đồ ăn nóng như trước.

Từ ngày xảy ra nạn dịch Tàu, nhiều người có quan niệm sai lầm rằng trên máy bay, nếu một người bị dương tính, sẽ lây lan ra đến tất cả hành khách cùng chuyến bay vì ở cùng nhau trong một không gian kín và thở cùng một bầu không khí. Thật ra tất cả các máy bay đều được trang bị hệ thống lọc True HEPA (High Efficiency Particulate Air) để tái tuần hoàn không khí trong tất cả mọi khoang trên máy bay. Hệ thống lọc này giữ lại tất cả bụi nhỏ li ti và đẩy nó ra khỏi máy bay, rồi thay thế bằng không khí trong lành bên ngoài trở lại bên trong cho chúng ta thở.


Dĩ nhiên hệ thống HEPA trên máy bay là loại đặc biệt và cao cấp hơn rất nhiều so với các loại gắn trên xe hơi và các tòa nhà cao tầng hoặc trong căn nhà bạn đang sống vì phải chịu nhiều sự tăng giảm áp suất không khí khi bay ở các độ cao khác nhau. Hệ thống lọc này cũng cung cấp thêm độ ẩm đến 25% để tăng thêm sức đề kháng với tất cả loại vi khuẩn có trong không khí, vì con virus Tàu chỉ thích không khí khô mà thôi. Hệ thống này có thể loại bỏ đến 99.97 % các loại hạt bụi nhỏ kích thước .3micron, các chất gây dị ứng và mùi trong không khí.

Vì vậy sác xuất bị nhiễm vi khuẩn trên máy bay rất là nhỏ so với các nơi tụ tập đông người như quán rượu, phòng trà, rạp hát và các nơi công cộng khác. Tuy nhiên để tự bảo vệ mình và tránh lây nhiễm lẫn nhau, chúng ta vẫn phải tự đề phòng cho bản thân bằng những lời khuyên mang khẩu trang của chuyên viên y tế và những cách vệ sinh tối đa. Một khi đã bị dương tính thì dù có được chữa lành và thoát lưỡi hái tử thần, nó vẫn để lại 1 vết sẹo trong cơ thể chúng ta, nhất là lá phổi.

Đáp xuống phi trường Dubai lúc 2 giờ sáng, tất cả mọi hành khách, ngoài việc trình báo với thuế quan, đều phải qua thử nghiệm Corona virus bắt buộc. Có khoảng 10 trạm với y tá túc trực làm không nghỉ tay. Họ dùng phương pháp Nasal Swab Testing (1), lấy một cây nhỏ dài đầu quấn bông gòn, họ đưa sâu vào mũi và trong họng phía bên trong lưỡi, ngoáy nhiều lần lấy mẫu rồi bỏ trong hộp nhỏ gởi đi xét nghiệm. Mọi người bắt buộc phải tải xuống cái App Covid-19 DXB trong smart phone của mình để nhận được kết quả.

Bước ra khỏi phi trường chờ taxi về khách sạn, nhiệt độ 3 giờ sáng mà vẫn còn 40 C, vai ba lô, tay kéo theo hành lý mà mồ hôi tuôn như tắm. Đến khách sạn, lại 1 lần nữa đo thân nhiệt, được phát giấy tờ hứa sẽ tuân theo luật cách ly 14 ngày ở trong khách sạn, không ra khỏi cửa phòng. Tắm rửa xong, chuông cửa reo vang, nhân viên đem bữa sáng đến, ăn xong, ngả được cái lưng ê ẩm xuống giường là 5 giờ sáng. Trong mùa dịch mà phải di chuyển bằng đường hàng không, mọi người phải chuẩn bị một sức khỏe tốt, dẻo dai để chịu được chặng đường dài lê thê, không được ở khách sạn, nếu không muốn rước thêm vào người đủ thứ luật lệ, thủ tục mới do nạn dịch gây ra.

Trưa hôm sau, tất cả khách mới đến hôm qua được nhân viên y tế đến gõ cửa mời theo họ đi đến chỗ thử nghiệm lần nữa cũng bằng phương pháp NST như ở phi trường, rồi sau đó về phòng riêng cách ly 14 ngày trước khi bay tiếp đến một nước khác. Dubai là một nơi trung chuyển chính (hub) để tỏa ra các quốc gia khác trong vùng Trung Đông. Nhân viên khéo tay thì đỡ, người đoảng, họ thọc cây thử quá sâu làm mình chảy nước mắt trong khi họ cứ luôn mồm “rì lắc, rì lắc” (relax, relax).  Rì thế nào được khi họ lỡ tay thọc sâu, đau thấy mấy ngôi sao! Chẳng những “lắc” mà còn nhảy nhổm nữa là khác. Ngày kế tiếp, họ gọi phone lên phòng cho biết tôi không bị sao Corona chiếu tướng và sẽ được cấp giấy sức khỏe để bay qua Afghanistan sau khi qua 2 tuần cách ly.

Đây là lần đầu tiên tôi bị cách ly 14 ngày, thật ra thành 16 ngày, nằm một chỗ, tù túng, chỉ ăn, ngủ, coi TV rồi ngủ gục lúc nào không hay. Thức dậy, lại tiếp tục cái vòng lẩn quẩn như hôm trước. Phải mấy ngày sau, tôi mới quen với giờ giấc và lấy lại được phong độ cũ, cố gắng chạy bộ tại chỗ trong phòng cho tiêu cơm, để rồi chưa kịp đói, nhân viên khách sạn lại đem thức ăn đến. Đồ ăn của họ không hợp khẩu vị. Thực đơn được nấu nửa Mỹ nửa Ả Rập, dở nuốt không trôi.

Trên TV, may mắn có khá nhiều đài Mỹ chiếu phim Holywood, phụ đề Ả Rập, và mấy đài Châu Âu nên cũng không đến nỗi tệ. Phim Ấn Độ và cả phim Tàu cũng được chiếu trên truyền hình. Kênh tin tức thế giới thì có BBC và European News. Coi mấy đài địa phương giống như bị tra tấn , nghe họ đối đáp thì cứ như có cái gì đó lục khục trong cổ họng mà chẳng hiểu lấy 1 chữ. Thêm vào đó là mấy chương trình giảng đạo, đọc kinh Quran, hát ê a, trầm bổng lên xuống đều đều, đơn điệu đến buồn ngủ. Ôi hai tuần cách ly sao mà dài lê thê.

United Arab Emirates là quốc gia giàu có nhờ dầu hỏa, ít dân, chính phủ sẵn sàng trả tiền bệnh viện cho công dân nước mình nếu họ bị nhiễm dịch Tàu; còn chẳng may qua đời, chính phủ sẽ trả luôn tiền ma chay, nhưng họ sẽ không trả bất cứ 1 xu nào cho du khách đang bị cách ly ở nước họ. Hãng tôi làm việc phải trả tất cả mọi chi phí xét nghiệm, thực phẩm, và tiền khách sạn nơi tôi phải sống 14 ngày. Nếu bạn thấy không cần thiết, đừng đi đâu hết, cứ ở nhà cho chắc ăn, không sợ bị lây nhiễm và đỡ tốn tiền.

Nằm một chỗ, tôi có thời giờ theo dõi tình hình dịch bệnh trên toàn thế giới, thấy toàn cảnh một bức tranh ảm đạm của cơn dịch lần thứ hai tiếp tục gieo rắc đau thương khắp nơi. Từ cửa sổ khách sạn, nhìn ra phi trường rộng lớn, lâu lâu mới có một chuyến bay lên xuống. Rải rác đây đó, rất nhiều phi cơ chở khách khổng lồ nằm im lìm, nhẫn nhục dưới ánh nắng gay gắt của mùa Hè Dubai mà nuối tiếc thời huy hoàng tung cánh của những ngày chưa bị mây đen dịch Tàu. Công việc tôi làm thuộc loại cần thiết cho quân đội nên tôi phải lên đường để thay thế cho các đồng nghiệp khác đã hết hạn mà chưa về được. Họ mong về nhà còn hơn tôi mong thoát khỏi bị cách ly.

Một tin tức giúp tôi lên tinh thần, bớt bi quan, là hình ảnh chiếc phi thuyền Dragon đưa hai phi hành gia Mỹ trở về trái đất, nhẹ nhàng đáp xuống biển vùng Gulf of Mexico. Một làn nước tung lên cao khi phi thuyền (capsule) chạm mặt nước trong khi 4 cái dù in hình kỳ hiệu nước Mỹ, uyển chuyển bay lả lướt rồi nhẹ nhàng rơi xuống xung quanh. Hình ảnh giống như 4 chàng hiệp sĩ sứa biển bơi tung tăng, vờn quanh để bảo vệ nàng công chúa thủy cung, trong làn nước trông thật tuyệt vời. Wonderful Spacex Splashdown. Đây là lần đầu tiên trong vòng 45 năm qua, phi hành gia lại đáp xuống mặt nước biển để trở về lại hành tinh Trái Đất.

Tôi tin rằng con virus Corona từ nước Tàu này sẽ không bị tiêu diệt tận gốc mà chỉ bị yếu đi và ngủ yên một chỗ, chờ dịp sẽ lại bùng lên gieo rắc sợ hãi, chết chóc trên thế giới như chủ nó. Vì thế chúng ta phải tập sống chung, đối đầu với nó, đồng thời trấn áp nó khi có thể. Tôi tin tưởng một cách lạc quan vào cuối năm nay hay đầu năm 2021, chúng ta sẽ có thuốc chủng ngừa, con virus Covid-19 sẽ trở thành một con virus cúm influenza bình thường mà chúng ta vẫn chích ngừa mỗi năm vào đầu mùa Đông. Tôi sẽ tiếp tục kể cho bạn nghe những điều mắt thấy tai nghe, nhưng mũi, miệng bị bịt, về chuyến đi “dọc đường gió bụi” khi ra khỏi vùng cách ly này.

Nguyễn Văn Tới.
Tháng 8/2020.

Ý kiến bạn đọc
07/08/202013:40:13
Khách
Trích: "Tôi tin rằng con virus Corona từ nước Tàu này sẽ không bị tiêu diệt tận gốc mà chỉ bị yếu đi và ngủ yên một chỗ, chờ dịp sẽ lại bùng lên gieo rắc sợ hãi, chết chóc trên thế giới như chủ nó."
Tôi cũng tin như tác giả. Tuy nhiên, giờ mà nói đụng đến Tàu là sẽ bị phê bình là kỳ thị, kể cả ông tổng thống đương nhiệm cũng bị rủa khi nói China virus. Tàu cộng nói con virus phát xuất từ Mỹ thì có nhiều người im lặng, khoái chí.
07/08/202011:09:03
Khách
Cám ơn Tác giả kể về chuyến bay và sự an toàn với bịnh cúm Tàu nhờ hệ thống lọc khí HEPA.
Đi công tác kỳ này phải mất bao lâu mới được về vậy? Chúc bạn may mắn không bị kẹt lại lâu như những đồng nghiệp khác nhen!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 1,670,863
Tác giả là một kỹ sư hồi hưu, đã sống 25 năm bên Pháp, hiện là cư dân Irvine, từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Đây là bài viết mới của Ông.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới.
Tác giả đã nghỉ hưu sau gần 20 năm làm y tá tâm thần tại một bệnh viện tiểu bang Cali. Là cựu quân nhân Quân lực Việt Nam Cộng Hoà, sau 1975 đi tù Cộng sản 6 năm. Là cựu thuyền nhân được thuyền trưởng Nam Hàn tên Jeon Je Yong cứu vớt trên biển Đông năm 1985. Ông cũng là tác giả Hồi Ký "Tấm Lòng Biển"(2007) nói về thuyền trưởng Jeon bị trừng phạt sau khi vớt thuyền nhân. Tham gia "Viết về Nước Mỹ" với bài "Nhà Mobilehome và Di Dân Việt Nam" (Giải Danh Dự 2010) Tham gia công tác thiện nguyện cho thành phố Westminster, Nam Cali, từ 1994 đến nay.
Tác giả định cư tại Pháp nhưng thường lui tới với nước Mỹ, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, bà đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả -thường được gọi đùa là giải Á Hậu. Bài mới của Đoàn Thị viết nhân Ngày Lễ Mẹ 2019.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, đã nhận giải bán kết 2002 với bài "Tiểu Hợp Chủng Quốc" kể về nơi cô làm việc, khi khủng bố tấn công nước Mỹ ngày 9 tháng 11 năm 2001. bài viết mới đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.
Tác giả hiện sống ở thành phố Victorville, California, đã từng tham gia VVNM năm 2018.
Huyền Thoại-Thịnh Hương là tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước My 2006. Cô hiện làm việc và cư trú tại San Jose Với nhiều bài viết sinh động về nhiều đề tài khác nhau. Sau đây là bài viết mới nhất.
Đây là bài đầu tiên tác giả gởi cho Việt báo "Viết về nước Mỹ". Tác giả sinh ra và lớn lên tại Saigon. Ba của cô là sĩ quan QLVNCH và phải đi "học tập cải tạo" 8 năm qua các trại từ miền Nam ra Bắc. Gia đình cô qua Mỹ vào năm 1992 theo chương trình HO.
Tháng Năm 2018, tại Việt Báo Gallery, có buổi ra mắt sách Anh ngữ "Finding My Voice A Journey of Hope" của Crystal H. Vo tức Võ Như Ý, từng dự Viết Về Nước Mỹ từ 2009. Cô sinh năm 1970 ở Đà Nẵng, 15 tuổi vượt biên, định cư tại Mỹ năm 1986 với tên Crystal H. Vo. Kết hôn và thành con dâu một gia đình Mỹ, cô đã dành trọn thì giờ để học sống và viết bằng Anh ngữ. Sau khi trở lại họp mặt với Viết Về Nước Mỹ 2018, cô đều đặn viết lại bằng tiếng Việt và vừa nhận giải đặc biệt năm nay với bài "Kêu Khóc Bằng Tiếng Việt".
Đây là lần đầu tiên tác giả tham gia dự thi “Viết Về Nước Mỹ”. Sinh trưởng và lớn lên ở Saigon, tác giả cùng gia đình sang Mỹ định cư theo diện HO. Là cư dân của thành phố Chapel Hill, North Carolina, tác giả làm việc cho một công ty dược phẩm & kỹ thuật sinh học ở khu Research Triangle Park tại NC.