Hôm nay,  

Tìm Lại Ánh Cầu Vồng

30/03/201900:00:00(Xem: 11292)
Tác giả: Tố Nguyễn

Bài số  5653-20-31459-vb7033019

 
Với bài viết đầu tiên từ tháng Sáu 2017, tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Bước sang năm thứ 20 của giải thưởng,  tác giả  tiếp tục cho thấy sức viết ngày càng mạnh mẽ hơn. Sau đây thêm một bài viết mới.

 
LGBTQ Fest 2019

Hình ảnh diễn hành đồng tính tại West Hollywood.  Năm 2019, LA Pride Festival sẽ khai diễn từ trưa 8/6 tới 11pm  9/6 tại West Hollywood Park.

 
***
 

Mười bảy tuổi, Vy vào Đại Học ở  Sài Gòn. Những bỡ ngỡ của cô bé tỉnh lẻ nhanh chóng được xoá tan khi Vy có thêm nhiều bạn mới, vui tươi và tốt bụng. Có bạn ở tại Sài Gòn, có bạn đến từ vùng quê “biển mặn” miền Trung...

Cho đến năm thứ hai, cả lớp phải ra học "quân sự" ngoài công viên Gia Định suốt mấy tháng liền. Một buổi trưa Vy đến trễ vì bị hư xe giữa đường, vội vã bước vào hàng của mình, Vy chợt bắt gặp một nụ cười thật tươi hướng về phía Vy từ hàng đối diện. Vy nhận ra nụ cười đó từ khuôn miệng rất duyên của một anh bạn thư sinh trắng trẻo, sống mũi cao, gương mặt thanh tao sáng ngời ngời. Vy cảm nhận được ánh mắt của bạn  thật là ấm áp dù bị che sau lớp kính cận khá dầy. Ngay giây phút đó, Vy tin trên đời có "tiếng sét ái tình"!

Nhân duyên đưa đẩy làm sao Vy lại cùng chung nhóm thực tập trong phòng thí nghiệm cùng với bạn trai dễ thương đó, biết được bạn tên  Vinh. Rồi cũng không nhớ từ lúc nào, cả nhóm thực tập trở nên thân thiết như anh chị em một nhà. Trong nhóm đó có một anh bạn tên Huy, siêng năng học giỏi, chiều nào cũng mang bài qua rủ Vy làm chung.

 Có một lần Vy mượn sách của Vinh, khi mang trả lại, Vy gắn vào giữa một mảnh giấy nhỏ với hai câu thơ tình Vy vừa đọc đâu đó trên trang báo. Vậy mà sau khi nhận lại sách, Vinh vẫn "tỉnh bơ" như không hề biết có một mảnh thơ tình "đi lạc". Vy buồn mất   mấy tuần, tự nhủ lòng mình "thôi thế là xong"!

Vinh tốt bụng, nhẹ nhàng, quan tâm chăm sóc tất cả  bạn bè trong nhóm. Nhà Vinh cũng ở gần khu nhà Vy trọ học, ba mẹ Vinh cũng quý  bạn của con, cứ cách tuần là cả nhóm lại kéo đến nhà Vinh nấu nướng, ăn uống hát hò. Vy nghĩ thôi thì có còn hơn không, còn giữ được tình bạn với một người tốt tính như Vinh cũng là quá đủ cho Vy yêu Sài Gòn như quê hương thứ hai của mình rồi.

Cho đến một ngày, Vy, Vinh và một bạn trai trong nhóm hẹn nhau cùng đi tìm sách vở liên quan đến đề tài phải nộp vào cuối học kỳ. Rủi thay bạn trai kia có việc phải về quê gấp trong ngày. Vậy là còn có hai người rong ruổi khắp các thư viện trong thành phố.  Trống ngực Vy lại đập thình thình như lần đầu thoáng thấy nụ cười của Vinh ở công viên Gia Định. Vy im lặng ngồi sau xe cho Vinh chở qua những con đường Sài Gòn ngập nắng, cứ mong đường đến thư viện sẽ dài vô tận. . .

Chợt Vinh quay sang hỏi: "Vy muốn xem thả diều ở ngoài  quận 8  không? Hôm nay có bạn Vinh ở đó, mình ra ngoài đó xem diều nha?" Khỏi phải nói Vy mừng đến mức nào, gật đầu lia lịa.

Vậy là xe chuyển hướng rẽ sang quận 8, trời bỗng đổ cơn mưa dù nắng vẫn còn chói chang. Dường như mưa và nắng đang cãi nhau hay sao đó, không ai chịu nhường ai, cứ lấn lướt xông ra.

Cơn mưa vừa dứt, Vinh cũng vừa ra đến sân thả diều. Cánh đồng lộng gió bây giờ vẫn chưa có một ai, chỉ có nước từ cơn mưa còn đọng trên những ngọn cỏ sau mùa vụ. Phía chân trời xa xa, một ánh cầu vòng bỗng hiện ra ngày càng rõ nét. Chưa bao giờ Vy thấy cầu vồng rõ và đẹp tuyệt vời như vậy.

Bỗng có tiếng Vinh đưa Vy về thực tại: "Vy có biết Vy vô tình lắm hay không?" Vy giật mình nhìn Vinh: "Vinh vừa nói gì?” và nghe hai má nóng bừng. Vậy là Vinh đã "cảm” được mấy vần thơ mình gửi. Ánh cầu vồng như lung linh hơn qua làn hơi nước, trong cơn mơ màng Vy lại nghe tiếng Vinh: "Vy vô tình lắm, Vy không biết là Huy thích Vy lắm đó!"

Đất trời bỗng như sụp đổ,  Vy lắp bắp: "Vinh nói gì? Bạn Huy, bạn Huy trong nhóm của mình?" Vinh gật đầu: "Ừ, Huy tâm sự là đã nhiều lần cố tình ngỏ ý mà Vy vẫn dửng dưng!" Trời đất ơi, chuyện gì đây? Vinh ơi là Vinh, người vô tình mới là Vinh đó!" Vy muốn hét thật to lên nhưng sao âm thanh chỉ cứ thốt ra lí nhí ngoài đầu môi.

 Vy vừa giận vừa... quê, vùng vằng bước ra xa, chợt bàn tay Vy bỗng nằm gọn trong đôi bàn tay ấm áp của Vinh: "Vậy là Vy không hề có ý với Huy? Vinh mừng lắm!" Vy để yên bàn tay mình trong  tay  Vinh, ánh cầu vồng xa xa lại lung linh rực rỡ sắc màu...

Kể từ ngày đó, Vy và Vinh "ngầm" trở thành một cặp. Vì ngại sẽ làm buồn Huy, nên cả hai đều không muốn công khai tình cảm. Mỗi lần cả nhóm tụ họp, Vy và Vinh vẫn đối xử với nhau bình thường như trước.

Trừ những hôm họp mặt  cùng cả nhóm, thì chiều nào Vinh cũng sang chở Vy đi vòng quanh khắp các nẻo đường. Vinh đi cùng Vy suốt những ngày Sài Gòn nắng nóng cháy da. Vinh cũng bên Vy đứng dưới mái hiên ngắm Sài Gòn ngập chìm trong cơn mưa dầm tháng tám...

Tình yêu thời sinh viên trong trẻo là những ngày ngồi học bài miệt mài trong thư viện, tay khẽ nắm tay bên dưới gầm bàn, những giờ điện thoại “không biết mệt”  khi cả hai đã về nhà. Những khi Vy từ quê trở lại Sài Gòn, Vinh đều ngồi sẵn ngoài trạm xe đón đợi. Dù ngày nắng hay mưa, Sài Gòn có Vinh luôn thật đẹp thật vui...

Vy vẫn thấy có gì đó "thiếu thiếu" nhưng rồi lại bỏ qua, tận hưởng những chăm sóc nồng ấm của Vinh. Ba mẹ Vinh thương quý Vy như con, có món gì ngon cũng gọi Vy qua. Những ngày giỗ chạp của gia đình Vinh, Vy luôn bên cạnh Vinh với nụ cười rạng rỡ, trong lời hỏi han ân cần của ông bà, cô chú.

Vy thức dậy trong tiếng chim ríu rít bên ngoài song cửa ngôi nhà trọ. Sài Gòn vừa sáng đã có mưa, như muốn dỗ những người trẻ như Vy nằm nán thêm một chút. Có tiếng bíp bíp từ chiếc điện thoại phía đầu giường. Vy mỉm cười, không cần nhìn vào Vy đã biết đó là tin nhắn "báo thức" của Vinh. "Dậy dậy đi nào,  20 phút nữa nha!" Chút nữa thôi, Vy lại sẽ cùng Vinh đi dạo vòng quanh hết những con đường rợp bóng cây xanh mát…

Sài Gòn buổi sáng cuối tuần chưa kịp ồn ào náo nhiệt. Vinh chở Vy vòng quanh khu Nhà Thờ Đức Bà, lác đác đó đây những tà áo dài đi lễ sớm. Rồi cả hai  ngồi dưới mái hiên của một  hàng cà phê yên tĩnh, xung quanh là vườn cây róc rách tiếng nước chảy từ mấy hòn non bộ rêu phong.

Vinh ngập ngừng nhìn Vy: "Vy à, tháng sau Vinh sẽ đi Úc du học... " Vy ngỡ ngàng: "Vinh đi du học?" "Xin lỗi Vy, ban đầu Vinh không định đi, chỉ  nộp đơn xin và phỏng vấn thử sức mình, nhưng bây giờ Vinh quyết định…" Vy không nói được lời nào, mắt rưng rưng muốn khóc. Vinh lúng túng: "Vinh đi rồi sẽ về mà…”

Ngày tiễn Vinh đi, Vy lại lén dúi vào tay Vinh một mảnh giấy nhỏ có hai câu thơ tình ngày trước. Vy thấy mắt Vinh ươn ướt, ngón tay giữ  chặt mảnh giấy của Vy, cố gượng cười vẫy chào tạm biệt mọi người. Bóng Vinh gầy gầy khuất dần sau dãy cột to bên trong sân bay Tân Sơn Nhất. Vy chào ba mẹ Vinh, lặng lẽ bước ra về. Chiều Sài Gòn lại đổ mưa...

Vinh đi rồi, Sài Gòn trống vắng lạ thường, Vy không còn thích đi loanh quanh qua những con đường rợp bóng cây. Ngày nào Vinh cũng nhắn tin, email về cho Vy, vẫn chúc ngủ ngon, vẫn nhắn báo thức như ngày Vinh còn ở Sài Gòn. Ba mẹ, cô chú Vinh vẫn hỏi han, nhắn nhủ Vy sang chơi mỗi khi nhà có tiệc.

Vinh lấy xong bằng Master bên Úc, về lại Sài Gòn làm việc sau khi Vy  đã sang Mỹ định cư. Vy một mình cắp sách trở lại trường bên Mỹ. Mỗi lần nhìn những bạn học ríu rít bên nhau trong thư viện, Vy nhớ Sài Gòn, nhớ Vinh da diết. Vy chỉ mong Vinh sẽ sớm nộp đơn xin làm PhD ở Mỹ, để cả hai sẽ cùng nhau đi ngắm cầu vồng  nơi miền tây bắc nhiều mưa...


Vy đơn độc nơi xứ lạ, chỉ trông đến tối về nhà để nhận những tin nhắn, những cuộc gọi ấp áp của Vinh. Vinh cũng gửi hết những transcripts cho Vy nộp vào trường nơi Vy đang học. Vy nôn nao tưởng tượng về ngày trùng phùng đã rất gần.

Cho đến một buổi tối mùa đông, Vy mừng rỡ báo tin nhận được thư chấp thuận của trường cho Vinh. Thay vì mừng rỡ, Vy lại nghe Vinh ngập ngừng trong điện thoại: "Vy à, Vinh sẽ không đi đâu.”  Vy nói như muốn gào lên: "Tại sao?" Có tiếng Vinh nghẹn ngào bên kia đầu dây: "Xin lỗi… Vy, hãy quên Vinh đi, Vinh không mang lại điều gì tốt đẹp cho Vy đâu!" Vy nức nở: "Tại sao, tại sao nói vậy?" "Vinh không muốn dối gạt Vy thêm nữa, Vinh là gay... Vinh giận bản thân mình, giận ông Trời sao bắt Vinh như vậy. Vinh đã ráng hết sức nhưng không thắng nổi bản thân. Xin lỗi Vy, trăm lần ngàn lần xin lỗi Vy..."

Vy buông rơi chiếc điện thoại xuống sàn, mắt nhạt nhoà những ánh cầu vồng vỡ vụn.

Ba năm sau, Vy gặp anh, một chàng trai Việt tốt bụng, Vy gật đầu làm đám cưới cùng anh… Một chiếc xe, rồi hai chiếc xe, một căn nhà, rồi hai căn nhà,  bé con ra đời, dọn nhà, đổi việc… Nước Mỹ bận rộn và vội vã, nước Mỹ rộng mênh mông nhưng dường như không có chỗ cho những mộng  mơ lãng đãng của con người. Vy đóng hết facebook, email ngày cũ, toàn tâm làm một người vợ, người mẹ đảm đang.

Rồi mười năm qua nhanh như cơn mưa rào đổ xuống thành phố thơ mộng năm nào. Vy bây giờ trưởng thành và thực tế, nhận việc làm ở một văn phòng cạnh bên khu West Hollywood phồn hoa. Vùng West Hollywood được xem là "thành phố tị nạn" của “giới tính thứ ba”. Mỗi ngày đi làm, Vy lái xe qua lại những quán hàng tràn ngập những người đồng tính. Gần đó cũng có một văn phòng của hội LGBT (lesbian, gay, bisexual, transgender), nơi giúp đỡ những người đồng tính về phòng ngừa chữa trị bệnh AIDS, giúp việc học, việc làm...

Ông chủ của Vy là một người đàn ông trung niên lịch lãm, cao to, trông khá giống như tài tử điển trai Brad Pitt. Qua ngày thứ ba làm việc, Vy mới biết được ông là gay. Ông rất tế nhị,  chu đáo, quan tâm từng chi tiết nhỏ nhặt nên ông được lòng cả khách hàng lẫn nhân viên. Ông cũng rất cởi mở về giới tính của mình, thoải mái chia sẻ về những kinh nghiệm đã trải qua.

Cả nhà anh chị em ông đều là những người có giới tính bình thường, nhà lại theo đạo rất thuần thành, nên tuổi đôi mươi  ông cũng bâng khuâng không muốn chấp nhận sự thật. Ông kể đã thử yêu cô bạn thời trung học, để rồi biết rằng ông không thể dối lòng mình.

Để có một cuộc sống vui vẻ như hiện nay, ông đã trải qua những tháng ngày rất là khắc nghiệt, những dằn vặt khổ đau vì hơn 30 năm trước cả gia đình và xã hội không cởi mở như bây giờ. Từng tốt nghiệp từ trường đại học Chicago với mảnh bằng danh dự, ông có cơ hội đi làm việc ở nhiều nơi trên khắp nước Mỹ. Cuối cùng ông đã chọn dừng chân nơi West Hollwyood, nơi ông nhận là ngôi nhà an toàn êm ấm cho những người với giới tính như ông.

Hơn nửa số khách hàng của  hãng Vy cũng là gay, lesbian. Từ ngày tiểu bang thông qua luật kết hôn đồng tính, trên bàn làm việc của Vy càng xếp nhiều hơn những chồng hồ sơ giấy tờ của cặp vợ chồng  John và Robert, hay Julia và Stephanie...   Vy tự nhủ sao cuộc đời Vy toàn có duyên nợ với giới tính thứ ba như vậy!

Ông chủ  và những khách hàng giàu có thành đạt của ông đóng góp rất nhiều cho hội LGBT, từ vật chất đến tinh thần. Vy vào trang web của LGBT đọc và thấy xúc động vô cùng về những gì họ đã làm được cho nhau. Vy lại càng thấy yêu nước Mỹ, nơi những giá trị nhân đạo luôn được san sẻ phân chia cho mọi giới, mọi người.

Có một lần, Vy đọc được một lá thư của hội LGBT West Hollwyood trong xấp hồ sơ cho tặng từ thiện của khách. Thư kể về câu chuyện "làm lại cuộc đời" của một chàng trai trẻ bị xa lánh, kỳ thị, đã vài lần tìm đến cái chết mong kết thúc cuộc sống đầy đau khổ. May nhờ có hội LGBT tận tình giúp đỡ, chữa trị những tổn thương tinh thần. Hội cũng giúp đóng tiền học, nơi ăn chốn ở cho chàng trai trong bốn năm đại học. Giờ chàng trai đó đã trở thành một kỹ sư tài giỏi, hăng say làm việc để giúp đỡ những người gặp bất hạnh như mình ngày trước.

Vy đọc về sự tích lá cờ cầu vồng của hội. Lá cờ ban đầu có đến 8 màu, sau còn lại 6 màu, mỗi màu mang một ý nghĩa riêng, bày tỏ niềm khát khao được chấp nhận, được yêu thương như những người bình thường của cộng đồng người đồng tính. Vy đọc về những nhọc nhằn của những người đã miệt mài đấu tranh cho giới tính của mình. Vy đã hiểu được họ sinh ra tự nhiên như vậy, họ không có lựa chọn. Họ không có bệnh, không cần phải thay đổi, cũng như không có gì gọi là tội lỗi. Họ  có trái tim nhạy cảm, đa số lại có tài năng thiên bẩm về nghệ thuật, về khoa học...

Năm 2015 khi luật kết hôn đồng tính được thông qua, White House đã được chiếu sáng bằng đèn màu cầu vồng,  biểu tượng của lá cờ đồng tính. Những người thân yêu nên nâng đỡ họ vượt qua những tủi buồn để có cuộc sống bình thường. Vy bỗng ước gì Vy gặp được Vinh, Vy sẽ kể cho Vinh nghe trên nước Mỹ có một nơi gọi là West Hollywood…

Một buổi chiều ra bước ra khỏi văn phòng, Vy chợt thấy những ánh cầu vồng rực rỡ sắc màu bên dưới đại lộ Santa Monica nhộn nhịp. Thì ra hôm nay có lễ diễn hành của người đồng tính. Gần hết các con đường dẫn về Santa Monica Blvd bị chặn lại cho dòng người đi  bộ vào xem. Nhìn đồng hồ thấy còn sớm, Vy cũng tò mò tìm chỗ đậu xe, rồi rảo bước vào tiệm cà phê gần nơi đoàn diễn hành sẽ đi qua.

Vy cầm ly cà phê, nhìn quanh quất tìm một bàn trống để ngồi xem đoàn diễn hành bên ngoài, chợt thấy một bóng dáng quen thuộc đứng gần khung cửa sổ. Trời ơi, đúng là Vinh rồi, đằng sau cặp kính cận dầy vẫn là đôi mắt ấm áp đầy tình cảm... Dù dấu vết thời gian đã phảng phất nhiều trên gương mặt thư sinh, Vy vẫn nhận ra Vinh. Vinh đứng một mình, có vẻ như đang chờ ai đó.

Vy vừa muốn bước tới gọi Vinh, thì chợt khựng lại khi thấy Vinh mừng rỡ tiến về phía cửa, nơi một chàng trai cao to vạm vỡ gốc Á vừa bước vào. Họ nhanh chóng tìm được chỗ ngồi, rồi say sưa trò chuyện cùng nhau...

Vy đứng lặng yên ngắm họ, thấy trong mắt cả hai ngời sáng niềm hạnh phúc. Cũng ánh mắt ấy, nụ cười ấy, gương mặt thanh nhã ấy, nhưng Vy chưa từng bao giờ cảm nhận được Vinh vui như vậy những khi còn ở cạnh bên Vy.

Nhìn xung quanh, Vy thấy đa số là những đôi  nam nữ xinh tươi tràn đầy sức sống, tay trong tay, rộn ràng như đi hội. Tự nhiên Vy vui lây cùng họ, những con người đã vượt qua được định kiến của xã hội, của gia đình, tìm lại được chính mình. Vy cũng thấy thấp thoáng những khách hàng của hãng Vy làm trong dòng người diễn hành ngoài phố. Họ là những luật sư, bác sĩ, những nhà làm phim Hollywood tài ba... Những đóng góp của họ cho xã hội, cho cộng đồng nhiều không sao kể hết. Họ xứng đáng được sống một cuộc đời hạnh phúc bình yên...

Vy bỗng thấy lòng nhẹ nhõm, ngoái lại nhìn Vinh, thì thầm lời chào tạm biệt: “Cầu mong Vinh sẽ mãi mãi hạnh phúc như bây giờ. Vy không giận Vinh đâu… Cảm ơn Vinh, cảm ơn những tháng ngày tươi đẹp nơi quê hương Sài Gòn của chúng mình...”

Vinh vẫn không hề hay biết, vẫn còn say sưa bên người bạn của Vinh…

Bên ngoài đại lộ Santa Monica, đoàn diễn hành tưng bừng rộn ràng trong tiếng nhạc, tiếng hò reo của những quan khách hai bên đường. Vy bước hoà vào dòng người trên phố, xung quanh Vy, những ánh cầu vồng sáng  lung linh, rực rỡ  dưới nắng chiều...

Tố Nguyễn

Ý kiến bạn đọc
25/04/201902:38:54
Khách
Anh Từ Huy thân mến,
Hôm nay A Tố vừa xong mùa thuế, và được "gặp" lại anh Từ Huy, thật là niềm vui nhân lên gấp nhiều lần.
Cũng như bác Sao Nam,Tố thấy lo lo...Hôm nay lại được anh Từ Huy lên đây góp lời vàng ngọc khích lệ các tác giả như ngày nào,Tố thấy thật ấm lòng.
Mến chúc anh Từ Huy cùng gia đình luôn an vui,mạnh khoẻ cùng đón mùa hè rực rỡ sắp đến nha...
24/04/201912:37:58
Khách
Bài viết hay, cuốn hút quá. Đọc đến đoạn Vinh gọi điện thoại cho Vy thú nhận mình là gay tui quên lửng người viết là ai, làm phải bấm ngược lên coi tên tác giả. Thì ra là A Tố🥳‼️
Bài viết thật lạ, thật hay nha A Tố! Đọc xong bài viết này của A Tố anh thấy lòng chợt rộng mở, bao dung hơn với giới đồng tính.
31/03/201923:32:31
Khách
Tố Nguyễn cám ơn chú Lê Như Đức đã chia sẻ cảm thông về chuyện người đồng tính.Xin nguyện cầu cho tất cả mọi người,dù là giới tính ra sao,luôn được hạnh phúc,sống với những cảm xúc chân thật của mình.
Chúc chú và gia đình có một mùa xuân thật đẹp bên hoa anh đào nơi thủ đô D.C.
31/03/201904:12:15
Khách
Lần đầu tiên tôi gặp một cặp đồnh tình luyến ái là trên đường phố của San Francisco năm 1986. Tôi nhớ mãi năm đó vì tôi mới học xong nên làm một chuyến lãng du khắp nơi. Hai người thanh niên ôm hôn nhau ngay trên vỉ hè rất mùi. Khi ấy chỉ có vài nơi trong hai tiểu bang California và New York cho những người đồng tình luyến ái dung thân. Họ bị rất nhiều ghê sợ của xã hội vì năm trước đó (1985) nam tài tử đẹp trai nổi tiếng Rock Hudson chết vì bệnh AIDS. Người ta đã coi GAY đồng nghĩa với AIDS.
Hơn ba mươi năm qua đi làm tôi có cơ hội gặp và làm chung với những người đồng tình luyến ái. Tôi có cái nhìn thông cảm về họ nhiều hơn năm xưa. Tôi ngồi ăn chung với họ. Giỡn cười, chọc ghẹo nhau một cách bình thường như những người bạn khác.
Tuy nhiên, cho tới giờ phút này tôi cũng không thể nào nhìn hai người đàn ông ôm nhau hôn như coi một cặp nam nữ trên màn ảnh hôn một cách bình thường được. Và tôi cũng sẽ mãi không quên được buổi chiều hôm đó, khi đi bộ trên vỉ hè của đường phố San Francisco.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 843,993,714
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.
Nhạc sĩ Cung Tiến