Hôm nay,  

Đóa Hoa Xuân Nở Muộn

01/02/201800:00:00(Xem: 12534)
Tác giả: Iris Đinh

Bài số 5302-19-31148-vb5020118

 
Iris Đinh là tác giả đã nhận giải Chung Kết 2017, với hai bài "Chuyện Góc Bếp," và “Con Bé Nổi Loạn,” hai tự sự về mẹ và con gái trong một gia đình đổ vỡ. Sau 13 năm trở lại trường học và thực tập, mẹ trở thành một thạc sĩ về y tế tâm thần. Cô con gái từng nổi loạn thì trở thành Tiến sĩ  Anne Q. Phan tại đại học UC Irvine và UC San Diego, người xác định được gene gây đột biến giúp sinh vật mọc thêm tay chân, mà báo O.C. Register đã đăng tin ngày 5 tháng Tư 2013. Sau đây là bài mới của tác giả, trích từ báo xuân Việt Báo Tết Mậu Tuất, đang phát hành khắp nơi.
 
viet ve nuoc My

Từ trái, Lâm Mai, Thụy Nhã và Phùng Annie Kim.

***

Trong buổi lễ phát giải Viết Về Nước Mỹ năm 2017, giữa những chính trị gia, thương gia, các nhà bảo trợ cho VVNM, nhà thơ nhà văn nhà báo, tài tử giai nhân nổi tiếng và những tác giả như tôi, có một người đàn bà nhỏ bé hầu như không ai để ý tới.

Đó là Lâm Mai, cô bạn mới quen chưa đầy năm của tôi. Mai nhút nhát, không quen đám đông, lại bị bịnh tâm thần đã hơn 10 năm, nên lúc đầu em vẫn lặng lẽ như những lần tôi đưa đi nơi này nơi kia, cho em có cơ hội trở lại với đời sống bình thường và có bạn cùng trang lứa. Hy vọng một ngày nào đó, em có thể chữa lành phần nào những chấn thương tâm lý và có thể cả chấn thương não, thăm lại người con nhỏ nhất 14 tuổi, và làm hòa với 3 người con lớn đã tốt nghiệp Đại học và đang có công ăn việc làm.

Mai người Việt lai Tàu, sanh ra và lớn lên ở vùng Gò Vấp. Sau đó, em cùng gia đình dời về gần chợ Bà Chiểu, mặc dù quê cha là Trà Vinh. Mai không có trí nhớ tốt, vì đau bịnh từ nhỏ, nên không nhớ nhiều về các anh chị em của ba mẹ. Anh chị em Mai gần gũi bà ngoại, và sau này khi mẹ về Sa Đéc ở với bà nội, Mai mới có dịp gần bà.

Ba của Mai là một sĩ quan cao cấp của VNCH. Ông cao lớn, rất đẹp trai, ngoài tật đào hoa và bỏ bê vợ con, ông còn thêm tật nghiền rượu, và đó cũng là nguyên nhân của nhiều hệ lụy, đau khổ trong gia đình. Mai là con thứ sáu trong số chín anh chị em của người vợ lớn. Ba Mai có thêm 3 con với người vợ nhỏ.

Gia đình Mai ảnh hưởng nặng phong tục trọng nam khinh nữ. Trong 12 người con, có tới 10 người là gái. Em là đứa chậm chạp và không xinh đẹp bằng các chị em khác. Khi sanh ra hầu như em đã có khuyết tật về tâm lý, không biết khóc đòi ăn uống hay được bồng bế. Em cứ nằm ngủ vật vờ. Ba Mai ít khi ở nhà, và mẹ bận công việc buôn bán cả ngày ngoài chợ. Dù cho có vú em, nhưng quá đông trẻ trong nhà, nên em là người sau cùng được chú ý tới. Mai nghe các chị kể lại rằng, khi chưa biết bò biết đi, em được đặt nằm trên giường cả ngày. Vì không biết khóc nên cũng ít khi được cho ăn uống và thay tã lót sạch sẽ.

Khi được mấy tháng, vì nằm mãi trên tã lót không thay thường xuyên, Mai bị một mụt chốc lở rất lớn trên mông, phải đưa đi nhà thương mổ. Bây giờ vẫn còn vết sẹo lõm khuyết, làm đau nhức khi trái gió trở trời và khi phải ngồi lâu.

Mẹ Mai quá cực nhọc nuôi nấng đàn con, bà giận chồng mê gái mê rượu bỏ bê gia đình. Khi lớn hơn, Mai ngoan ngoãn không cãi lời vì sợ đòn vọt, ai cho gì ăn nấy, biểu gì làm nấy, nên mẹ hay bắt em đi theo những đêm mẹ chạy xe gắn máy đi đánh ghen. Những lần như thế, em vừa sợ hãi, vừa đói và buồn ngủ, nên có lần lơi tay ôm lưng mẹ, bị té xuống đường ngất lịm phải đưa vào nhà thương.

Gia đình Mai luôn bị xào xáo vì chuyện ghen tương và tiền bạc của ba mẹ.

Lúc này, gia đình chưa đến nỗi đói khát thiếu thốn, nhưng mẹ Mai cũng chật vật với đàn con. Trong khi đó ba Mai vẫn về nhà hạch sách đánh đập mẹ để đòi bà phải đưa tiền cho ông đi nhậu và cung cấp cho gia đình người vợ nhỏ. Không khí gia đình căng thẳng, và người anh trai lớn nhất luôn trút những cơn giận lên đầu các em nhỏ với roi vọt và những lời mắng nhiếc không thương tiếc.

Phương cách chống chọi với hoàn cảnh của em là ra ngoài đường đi lang thang khi không phải làm chuyện nhà, kiếm những góc kẹt nào đó để ngồi học bài và ngủ cho qua cơn sợ và buồn.

Người cha tuy xa cách, nhưng đôi khi ông cũng là cái bóng che chở cho Mai. Những đêm cha say rượu về nhà ngủ, là những đêm em chui vào giường cha để trốn những trận đòn của người anh.

Tuy gia đình có vẻ con ông cháu cha, nhưng Mai đã sống như loài rong rêu vật vờ, lặng lẽ dưới nước. Thế rồi, em cũng thi đậu vào lớp 6 trường Trương Công Định năm 1975, khi miền Nam vừa thất thủ. Mẹ em may cho em cái áo dài duy nhất trong đời để đi học lớp 6, nhưng chẳng bao lâu sau thì luật mới của phe thắng cuộc cấm nữ sinh mặc áo dài đi học.

Sau khi ba em đi tù cải tạo, mẹ không còn được buôn bán ngoài chợ và bị bắt đi kinh tế mới nên đưa mấy nhỏ về quê Sa Đéc làm ruộng với bà nội. Mai và các anh chị lớn được mẹ giao cho bà ngoại nuôi. Vì con "ngụy quân" không thể xin được việc làm, anh Hai trốn chui trốn nhủi vì không chịu đi bộ đội. Chị Ba vừa học vừa đi thủy lợi. Chị Tư chấp nhận đi bộ đội để có gạo và nhu yếu phẩm, những đứa nhỏ hơn giúp bà việc nhà và ráng học cho hết lớp 12.

Mai đã biết việc ruộng nương nên mẹ cho Mai chọn về quê hay ở lại Sài Gòn với bà. Về quê ở thì không bị đói vì nhà có ruộng vườn, mương đìa và ao cá. Ở Sài Gòn thì đói do chế độ tem phiếu và luật lệ mới ngăn sông cấm chợ, nhưng Mai chọn ở Sài Gòn với bà vì em ham đi học. Ông bà ngoại trước kia giàu có, nhưng bị đánh tư sản và đổi tiền hai lần, tan nát hết. Gia tài của bà chỉ còn đám cháu ngoại ngày càng nheo nhóc, đói khát, và thêm điên điên khùng khùng trong cơn hỗn mang của nạn nước mất nhà tan.

Mấy anh em lúc đó đang sức lớn mà không đủ ăn, đói xanh xao vàng vọt, buổi sáng không được ăn nên vô lớp cứ ngủ gật. Thầy cô chắc cũng đói mệt, và còn phải làm thêm bên ngoài trường học, như buổi chiều về nuôi heo, nuôi gà, trồng rau để "cải thiện kinh tế" cho gia đình, nên chẳng buồn quở trách học trò xao lãng bài vở.

Ngoài chuyện đói khát, Mai và gia đình còn phải đối phó với nạn rệp cắn trong suốt thời gian sau khi đánh tư sản, và gia đình 9 người phải nhét vô chung một căn gác nhỏ. Vừa chật chội bẩn thỉu, lại không mua được xà bông tắm rửa giặt giũ, các anh chị em và Mai thuờng xuyên bị ghẻ lở và rệp cắn hằng đêm, vật vờ như người mộng du.

Từ lớp 6 tới lớp 12, từ Trương Công Định qua Võ Thị Sáu, Mai chẳng quen và nhớ được tên của người bạn cùng lớp cùng trường nào cả. Thầy cô thì chỉ nhớ được một người là cô Hà Thị Thu dạy môn văn vì em bị kém môn này. Tuy vậy, nhờ hiếu học và cố gắng hết mình, Mai cũng đã tốt nghiệp trung học trước khi bà ngoại cho đi vượt biên.

Từ ngày mẹ đưa các em về Sa Đéc làm ruộng, Mai thường về quê thăm các em và phụ giúp mẹ và bà nội vào mùa hè và dịp Tết. Mai siêng năng tập nhổ mạ, cấy gặt, đập lúa, nuôi heo gà, xúc cá tép dưới mương, và ngay cả đi chăn bò. Tuy công việc cực khổ, nhưng được ăn no vì dưới quê có nhiều đồ ăn hơn trên nhà ngoại. Khi hết ngày nghỉ và phải trở lại thành phố, mẹ thường cho Mai chút tiền dằn túi. Mai để dành tiền mua vé xe đò đi lên đi xuống thăm gia đình, và nếu còn dư thì mua đường chảy là thứ đường rẻ nhất để dành khi nào đói quá ăn chút cho đỡ đói để học. Đói khổ là thế, mà lâu lâu, Mai vẫn bị người anh dụ lấy tiền dành dụm của em để đi mua sách học tiếng Anh vì anh mong mỏi chuyện vượt biên.

Trong khi Mai đi lên đi xuống Sài Gòn, Sa Đéc trong những năm trung học, một vài sự việc xảy ra trong gia đình làm cho Mai đã khờ khạo, hắt hẻo, nay càng hoảng sợ nhát đảm thêm. Những kinh nghiệm về quê của Mai được coi như những bóng mát ngắn ngủi trong thời niên thiếu. Khi em mới lên lớp 8, lớp 9. Mai và đứa em kế, bấy giờ cũng đang ở với ngoại ở thành phố, về quê thăm mẹ. Sau những ngày nghỉ lễ tương đối yên bình như mọi khi, sáng sớm hôm đó khi hai chị em chuẩn bị ra xe đò về lại thành phố, mẹ Mai giữ hai đứa lại và lấy sợi dây dù cột võng trói đứa em lại để ở giữa nhà. Sau đó mẹ dùng cây roi trâm bầu đã được róc tỉa sơ sơ vẫn còn những gai nhọn quất liên tiếp vào người em. Máu tươm khắp thân thể từ những vết xước, vết đâm trên mình mẩy, trên đầu trên mặt đứa em gái tuổi 12, 13. Mai ngất đi khi thấy mẹ quá giận dữ và đánh em gái không nương tay vì em đã ăn cắp vàng của mẹ giấu trong người.

Mai tuy bản chất hiền lành và thương xót em, nhưng sau đó có lần Mai cũng đã xô em té từ trên đỉnh cầu thang của căn gác, lăn xuống tới sàn nhà xi măng, Vì Mai ráng sức làm phần việc của mình, trong khi con bé than đói và chỉ ngủ, ngoài giờ đi học nó không chịu làm gì, để cho Mai gánh vác hết. Chuyện xô em té cộng với những lần la mắng đánh con sau này làm Mai bị dằn vặt đến bây giờ.

 Một buổi chiều Mai nghe loa phường thông báo mẹ em đã bị bắt vì tội tổ chức vượt biên dưới Sa Đéc. Công an xét nhà bà nội và tich thu 60 cây vàng mẹ đã lấy của những khách muốn đi vượt biên. Mai lo cho mẹ, nhưng thất vọng vì nghĩ rằng mẹ để con cái đói khát khổ sở bao nhiêu năm trời mà dấu đi bấy nhiêu vàng cho công an lấy hết. Sau này, Mai biết rằng mẹ để dành vàng từ trước khi mất miền Nam vì lo sợ cho tương lai và muốn có căn nhà và miếng đất riêng của mình.

Trong khi gia đình Mai lăn lộn đói khát ở nhà, ba em đi cải tạo 16 năm ngoài miền Bắc. Mẹ đi thăm nuôi ba thời gian đầu. Sau khi mẹ đi tù về và mất hết vàng, bà trở thành ngơ ngẩn như người mất trí. Các em nhỏ trốn về thành phố ở với ngoại hết. Từ đó, bà ngoại lãnh phần đi thăm ba. Ngoại nói rằng bà muốn thăm ba để giúp ba không chết trong tù cải tạo. Ngoại mong rằng khi về ba sẽ đưa bầy con đi Mỹ để bớt gánh nặng cho bà, bấy giờ đã quá già yếu.

Năm 1983, Mai tốt nghiệp trung học. Vì lý lịch gia đình, không thể vào đại học và khó xin việc làm, Mai được một người bà con nhận cho vào xưởng dệt, lây lất suốt 6 năm trời, mỗi tháng được trả 19 ký gạo, nhưng phải bán bớt để lấy tiền chi tiêu lặt vặt và mua rau mua mắm ăn. Càng ngày em càng gầy gò mệt mỏi, trong khi phải làm ca đêm; có khi ngủ gật bị con thoi đập vào đầu, may mà chưa bị đâm vào mắt.

Mai đói, nhưng hai đứa em út ở nhà chưa có việc làm còn đói hơn. Nhiều đêm nghĩ thương em, Mai nhịn phần ăn đêm để dành sáng mang về nhà chia cho hai em. Có buổi sáng, khi Mai mang cơm về cho em, thấy thằng Út bị anh Hai cột giây vào hai chân treo ngược trên xà nhà, còn em gái kế Út còn đang quỳ giang tay không ngủ từ tối hôm qua. Mai nghe kể tối qua hai em chưa được ăn cơm vì phạm lỗi lầm gì đó. Sau hôm đó, đã có lúc Mai nghĩ tới chuyện đi làm gái. Mai không còn thiết đến chuyện giữ mặt mũi sĩ diện nữa, chỉ còn muốn được ăn no và có tiền chia cho hai em. Em đã không dám đi làm gái, vì trong trí óc ngây thơ, em biết mình yếu đuối, không đủ sức khoẻ để lăn lóc trong giới giang hồ, và mặc cảm xấu xí, nhất là chẳng có bộ quần áo tươm tất nào để mặc cho bắt mắt.

Ai ngờ ba đi tù quá lâu. Năm 1989, ngoại không chờ được và thuơng cháu, nên ngoại gom hết chút ít nữ trang còn dấu được để phòng thân ra cho Mai, chị Sáu và anh Hai đi vượt biên, đúng lúc Mai kiệt sức và bị cho nghỉ việc ở hãng dệt. Anh Hai học giỏi nhất và biết tiếng Anh; đêm nào anh cũng canh nghe đài BBC để theo kịp những chuyện xảy ra trên thế giới, lại bị bắt hoài đi không lọt. Mai vẫn nằm mơ chuyện vượt biên kể từ ngày mất miền Nam khi em chưa đầy 11 tuổi. Thời còn đi học, Mai không chơi với ai, nhưng thường xuyên nghe các bạn trong lớp xầm xì nhỏ to chuyện trốn đi nước ngoài vì hiện tại quá khổ và tương lai thì mịt mù, do luật ngăn sông cấm chợ và đối xử phân biệt, nhất là khi gia đình có người phục vụ trong chính quyền cũ của miền Nam. Mai không ngờ em là đứa khờ khạo yếu đuối nhất nhà lại vượt biên thành công, dù cho chuyến đi đã rất nguy hiểm và cam go, tưởng như đã mất mạng vì bị hải tặc cướp nhiều lần, và thiếu đồ ăn, nước uống trong nhiều ngày. Không biết chuyện gì đã xảy ra cho cả thuyền và cho riêng em, nhưng em kể rằng em không nhớ gì cả, ngoài chuyện đói khát và sợ quá ngất đi, cho tới lúc tỉnh lại sau khi được đưa vào bờ.

Những tháng ngày lao đao thiếu thốn trên đảo Mã Lai cũng qua đi. Mai và chị Sáu được một người bà con bảo lãnh về California. Không còn phải đói khát và lo bị đòn vọt như trước đây, nhưng sao em vẫn không nguôi ngoai được những nỗi ám ảnh sợ hãi từ thời thơ ấu.

Thời gian đầu ở Mỹ, Mai đi làm phụ việc trong các tiệm làm móng tay của một người thân. Em đã quen được người khác xếp đặt mọi việc cho mình, ngay cả việc lập gia đình. Bản chất em hiền lành, dễ dãi, không đòi hỏi, có gì ăn đó, thấy việc thì làm, ăn mặc đơn giản. Mỗi ngày dù chỉ kiếm được $20, em cũng thấy rất quý, vì không còn sợ đói nữa. Điều ngược đời là khi còn ở Việt Nam sau 1975, thực phẩm khan hiếm nên lúc nào em cũng đói và nghĩ tới đồ ăn, nhưng không bao giờ được ăn cho đã thèm. Mai mắc chứng suy dinh dưỡng. Khi tới Mỹ, đồ ăn dư thừa, em lại ước ao sao cho không cảm thấy đói, để có nhiều thì giờ đi làm kiếm thêm tiền vì kiếm được tiền thấy vui và phấn khởi quá. Mai cũng vẫn suy dinh dưỡng.

Đã thế, sau khi đến Mỹ mới có mấy tháng Mai đã lấy chồng và sanh ba năm liền ba con gái. Em như bèo dạt mây trôi. Chị bảo lấy chồng thì lấy. Lấy rồi, mẹ chồng và chồng đặt đâu thì ngồi đó, biểu làm gì thì làm. Từ trong thâm tâm, Mai cũng vẫn tin rằng con gái lớn không đi tu thì phải có chồng con gia đình như người ta, và sanh đẻ con cái là chuyện bình thuờng. Mai chẳng suy nghĩ tính toán gì cả. Em khờ tới độ lấy chồng có làm đám cưới mời hai bên họ hàng đông đủ mà không lo làm hôn thú. Bên chồng cũng chẳng quan tâm, nên vợ chồng ở với nhau hơn 20 năm mà không giấy tờ chính thức. Mai cũng đâu biết rằng sanh đẻ, nuôi dưỡng con cái, đòi hỏi nhiều sức lực, tiền bạc, những kiến thức và kỹ năng làm cha mẹ như thế, nhất là nuôi con trên đất Mỹ này. Cơ thể và tinh thần em đã yêu đuối sẵn. Mỗi khi mang thai, em hầu như chỉ ăn uống cầm hơi, rồi tiếp tục khó ăn, khó ngủ, quặt quẹo trong suốt thời kỳ nuôi con thơ.

Tiền hai vợ chồng kiếm được ba cọc ba đồng, vì không có nghề nghiệp gì chính thức. Chồng Mai cũng chậm chạp không lanh lợi, và cũng không biết tính toán y chang như vợ. Nếu không có mẹ chồng và người chị gái giúp đỡ, thì hai vợ chồng không biết làm sao mà nuôi con. Xin tiền trợ cấp thì quá nhiều ràng buộc phức tạp, vợ chồng em không biết tiếng Anh và rành chuyện giấy tờ. Nơi gia đình ở lại có ít người Việt cư ngụ nên đâu biết nhờ ai.

Sau khi sanh ba đứa con, Mai quá kiệt quệ, nên em đã nhờ người giúp xin được trợ cấp của chính phủ cho gia đình có con nhỏ. Những triệu chứng trầm cảm và hoảng loạn cũ tái phát. Tuy vậy, em vẫn muốn vươn lên.

Sẵn bản tính hiếu học và thích làm việc, Mai bắt đầu chính thức đi học nghề thẩm mỹ, làm tóc và móng tay chân, vào buổi tối. Ban ngày chỗ nào cho tới tập việc thì đi, có khi được trả tiền, có khi không. Mọi người trong nhà bắt đầu gọi em là con khùng vì tánh hay quên và hay hoảng sợ của em. Khi về nhà, em cố gắng tránh né mọi người. Có khi ăn tối khi không, rồi em rút vô một góc để ngủ không chia sẻ chuyện trò gì nhiều với chồng con. Ba đứa con gái của vợ chồng Mai tánh cũng quen chịu đựng như mẹ ngày xưa. Chúng học giỏi, không phá phách đòi hỏi, không có cơ hội chơi với bạn bè, và lặng lẽ như mẹ.

Ông trời thật cắc cớ. Ông thử thách một con người nhỏ bé với quá nhiều khó khăn, nhưng vẫn cho con người cơ hội và lối thoát. Mai có tánh khó tập trung và hay quên, nhất là khi em không khỏe. Học để thi được bằng hành nghề thẩm mỹ thật là cam go, nhưng cuối cùng em cũng thi xong. Em chịu khó và rất khéo tay, tánh tình lại hiền lành, ưa chiều đãi mọi người. Chẳng bao lâu, em để dành đủ tiền để hùn với một người bạn mở được tiệm riêng rất đông khách. Em không còn phải chầu chực ở Sở Xã Hội để xin trợ cấp nữa. Mai bây giờ cũng chịu khó đi theo người chị đi tập thể dục mỗi tối, sau khi đóng cửa tiệm, nên sức khỏe của em đã khả quan hơn. Tuy vậy, em còn cái tật tham công tiếc việc, không ăn uống điều độ, nhiều ngày chỉ uống một hai ly sữa.

Cuộc đời cứ hết bất ngờ này tới bất ngờ khác. Khi Mai đang làm ăn phát đạt mới được có dăm bảy năm, em lại có thai người con trai út. Em gắng hết sức, vượt qua những cơn mệt để tiếp tục làm việc và giữ cái tiệm. Sau khi sanh con, Mai muốn gửi con ở nhà trẻ, nhưng lại nghe lời gia đình bàn rằng con bị gửi ở nhà trẻ khi còn nhỏ sẽ không có cơ hội xây dựng mối quan hệ tình cảm mật thiết với (cha) mẹ. Mai ôm con tới tiệm hằng ngày. Thằng nhỏ khó tính không chịu nằm nôi, nên Mai cứ phải vừa bế con, để con ngủ trên đùi vừa làm móng tay cho khách. Buổi chiều khi ba con gái đi học về, các cháu cũng được mẹ đón về tiệm để vừa làm bài, vừa coi em và dọn dẹp phụ mẹ. Một bữa, vì mệt mỏi, Mai làm đổ chai hóa chất làm móng tay và bị dung dịch này văng vào mắt. Em phải đi mổ mắt, nhưng may thay không bị mù, chỉ bị đau nhức khi trái gió trở trời hay khi đau ốm.

Mai ráng được thêm ba năm nữa thì em sụp đổ hoàn toàn, bị hoảng loạn nhiều lần trong một ngày, không còn chịu đựng được mùi thuốc uốn tóc, thuốc làm móng. Em đã ăn ít lại càng ăn ít hơn, và tay chân rũ liệt không bế được con. Buổi tối em khó dỗ giấc ngủ vì những ám ảnh trong quá khứ hiện về với những tiếng la hét, tiếng động lạ, những lời chửi rủa hăm dọa đã nghe trước đây và vẫn còn in trong trí, những hình ảnh ghê rợn, và những cơn ác mộng sau khi thiếp đi. Buổi sáng em cảm thấy mệt mỏi và khó thở như sắp chết tới nơi. Khi vừa nghĩ đến công việc phải làm hằng ngày và trách nhiệm với con cái gia đình thì người lại rũ xuống như tàu lá úa, như bong bóng xì hơi. Cuối cùng, vợ chồng em phải bán tiệm, vì không có em khách bỏ đi gần hết không đủ chi thu.

Đứa con trai nhỏ ba tuổi, được các chị và người cha săn sóc. Mai chỉ về nhà ngủ ban đêm. Ban ngày, em đi tập thể dục hay đi lang thang ngoài đường để tránh gia đình. Bác sĩ gia đình của em đã giới thiệu cho em gặp bác sĩ tâm trí và cho em uống thuốc an thần. Những triệu chứng trầm cảm, lo lắng quá độ, và bị ám ảnh sợ hãi, em đã có từ lâu.

 

Khi biết mình bị bịnh tâm thần nặng, cần phải uống thuốc, trước hết em cãi với bác sĩ rằng xưa nay em vẫn như thế, không có bịnh gì cả. Khi chấp nhận rằng mình cần được chữa trị, em lại suy sụp thêm.  Nhiều lần nghĩ đến cái chết và có ý định tự tử, nhưng vì sợ gây thêm ác nghiệp và vì thương con nên em dừng lại.


Về nhà cũng không muốn, Mai mang nặng mặc cảm rằng mình sanh con ra mà không nuôi dạy chăm sóc con cho tươm tất, nhưng hễ nhìn thấy bầy con thì cơn mệt đè lên ngực, thở không được, cộng thêm căn nhà bừa bộn dơ dáy, ngổn ngang đồ đạc. Người chồng và bốn đứa con tự lo liệu đồ ăn thức uống, nhưng không ai lo dọn dẹp, chùi rửa. Trẻ thì ăn học, giờ rảnh thì chơi đồ điện tử. Người chồng cũng buồn chán khi vợ bịnh tật, anh ngồi xem TV cả ngày ngoài giờ đưa đón con. Cảnh nhà thật buồn bã, không ai nói với Mai ngoài những lời trách móc từ con cái, hay bị chồng mắng mỏ là đồ khùng điên. Vợ chồng lấy nhau bấy lâu, có bốn mặt con mà chưa bao giờ biết chia sẻ, tâm sự nhỏ to. Chỉ biết chịu đựng nhau cho tới khi không còn chịu đựng nổi nữa.

Mẹ con tuy vẫn thương xót nhau, nhưng con không biết nhiều tiếng Việt mà mẹ lại không nói được tiếng Anh. Ngoài chuyện khó dạy con và trao đổi hằng ngày, khi đi đâu, cần chuyện gì hay có giấy tờ tiếng Anh lại phải nhờ con thông dịch hay hỏi han giúp. Điều này rất phiền hà, vì con trẻ đi học trong giờ các cơ sở làm việc, mà lại phải nghỉ ngày học để đi đóng vai người lớn giúp đỡ mẹ. Riết rồi chúng đâm quạu, mà mẹ thì khờ khạo không hiểu tâm lý và nhu cầu của con, không biết nói năng sắp xếp giờ giấc cho ổn thỏa hai bên, và cũng chẳng biết nhờ ai khác ngoài mấy đứa con.

Trời còn thương, số tiền bán tiệm vẫn còn đủ sống cho một thời gian nữa nhờ tằn tiện. Ba người con gái lớn rất chăm học, còn giúp cha mẹ chăm sóc em trai còn nhỏ tuổi. Các cháu lần lượt tốt nghiệp trung học rồi đại học. Mai cảm thấy được an ủi phần nào khi các con khôn lớn, đồng thời cảm thấy không còn ràng buộc nhiều với gia đình, ngoại trừ người con út sắp bước vào tuổi vị thành niên.

Giữa lúc phân vân bế tắc không biết rồi mình sẽ ra sao và về đâu, Mai được bác sĩ khám ra cục u trong vú và khuyên đi thử nghiệm gấp. Tinh thần đã bạc nhược, bây giờ lại thêm bệnh tật về thể chất. Cục u chưa phải là ác tính, nhưng sau khi mổ xong, Mai giống như người chết sống lại, càng sợ bệnh sợ chết. Em khao khát được sống đời sống khỏe mạnh, đơn giản, bình yên hơn. Em muốn đi ra khỏi căn nhà dơ dáy, buồn chán, lạnh nhạt và ngột ngạt. Có tiếng gọi nào đó thôi thúc từng ngày từng giờ. Mai muốn đi học lại để có thể nói được tiếng Anh, để trao đổi trò chuyện với con, để đi đâu không còn ngại ngùng sợ hãi vì nói không ai hiểu, cần gì đụng chuyện gì không biết hỏi ra sao.

Mai có tính tốt là thương chị thương em và hay giúp người khó khăn. Dù bệnh tật và chuyện của mình còn đang bế tắc, khi một người bạn thợ, trước đây làm cho em, cần chở đi tòa vì vợ chồng ly dị và tranh chấp quyền nuôi con, Mai sẵn sàng đi giúp. Sau buổi hầu tòa, người bạn được quyền giữ con. Tuy vậy, nghĩ tới tương lai phải nuôi con một mình sau khi vợ chồng đổ vỡ, trong khi tiếng Anh không biết, công việc bấp bênh, người bạn đứng khóc nức nở. Mai thương bạn, rồi lại tủi phận mình, cũng đứng khóc theo. Ngày hôm đó, người bạn và em may mắn gặp chị Hạnh, một thông dịch viên người Việt của tòa. Chị Hạnh thấy hai người đàn bà ngơ ngác, cõm cõi xác xơ, đứng khóc trong hành lang tòa án, chị đứng lại hỏi han và cho hai em những số phôn dịch vụ cần thiết.

Từ những số điện thoại chị Hạnh cho, Mai biết được những dịch vụ giúp đỡ những người bị bịnh thần kinh tâm trí, bị chấn thương tâm lý do bạo hành ngược đãi, hay tai nạn trong đời. Mai quyết tâm thay đổi để có cuộc sống lành mạnh hơn. Người chồng sống chung không có hôn thú hai mươi mấy năm không chịu đi làm, nhưng anh còn giữ một số tiền từ ngày hai vợ chồng bán tiệm. Ba người con lớn tốt nghiệp đại học đã có thể tự lo cho bản thân. Chỉ còn người con út còn trong tuổi vị thành niên, và Mai cảm thấy mình có trách nhiệm nuôi cho tới tuổi trưởng thành.

Căn nhà gia đình đang ở là nhà mướn. Khi mới mướn đẹp đẽ, mới mẻ bao nhiêu thì bây giờ thì nó ngổn ngang, dơ bẩn, hôi hám bấy nhiêu. Mai gom một ít quần áo, giấy tờ tùy thân, vật dụng cần thiết chất vào xe, rồi thông báo cho cả nhà biết căn nhà sẽ được trả lại cho chủ trong hai tháng tới. Cùng lúc đó, mướn người tới dọn hết đồ đạc và những thứ không cần thiết đi đổ rác hết. Mặc cho chồng con phản đối, và không ai có thể tin rằng một người bịnh hoạn, khật khờ, mơ mơ màng màng cả gần chục năm nay, một người gần suốt cả cuộc đời bòn nhặt từng cắc từng đồng, gom góp cất dấu để dành bất cứ thứ gì như một người vô gia cư, lại có thể quăng bỏ gần hết mọi thứ mà mình đã cực khổ, chắt chiu mang về nhà, kể cả quyết định dứt khoát với chồng và ý muốn sống cách biệt với mấy người con lớn.

Hai tháng sau, Mai và con út đi với mình từ trên North Bay về cư ngụ tại một thành phố dưới South Bay. Ba người con lớn và người cha đi thuê một căn chung cư khác, và họ muốn dành quyền nuôi người con út. Mai lưỡng lự vì nghĩ nếu mình không giữ con để nuôi tức là không có trách nhiệm với con. Mai nghe người ta nói mình bỏ con vị thành niên sẽ bị ở tù vì tội bỏ bê con cái, nhưng điều quan trọng hơn là từ trong thâm tâm em muốn có cơ hội gần gũi với người con nhỏ, mà từ khi con 3 tuổi em bị trầm cảm nặng nên không gần gũi chăm sóc con nhiều.

 Mai như một con cá mắc cạn, quẫy đạp hết sức mình để tìm đường sống, và cố gắng giữ nuôi người con út để mình không phải hổ thẹn với chính mình.

Bốn tháng sau khi Mai dọn về Santa Clara, với sự giúp đỡ của các cơ quan và một người chị chỉ đường dẫn lối và ủng hộ tinh thần, em đã xin được phiếu trợ cấp gia cư cho mình và con. Hai mẹ con mướn được căn chung cư một phòng ngủ, hơi xa trường học của con, nhưng nhà cửa vùng này bây giờ đắt đỏ khan hiếm, không kén chọn được, mà con thì đã tới ngày nhập học. Em tiếp tục được nhận tiền SSA, hưu dưỡng sớm cho người tàn tật, và bảo hiểm sức khỏe Medicare-Medical. Em đã có bác sĩ tâm trí mới, tiếp tục cho em thuốc an thần.

 Buổi sáng Mai dậy sớm chuẩn bị đưa con đi học, đi học tiếng Anh, đi tập thể dục và nấu nướng trước khi đón con về. Con trai út ở với mẹ, không nhớ cha, nhưng mong gặp các chị, nên các chị vài tuần lại từ North Bay lái xe xuống South Bay thăm và dẫn em đi chơi. Đời sống tưởng đã yên, và tinh thần của Mai cảm thấy ổn định hơn.

Sau hai tháng Mai mướn được căn phòng ở gần trường học của con, phòng khi bị bịnh thì con có thể tự đi bộ đến trường. Chủ nhà này đã niềm nở khi Mai đến xem căn phòng, và đồng ý ký giấy cho Mai mướn không đòi hỏi người thuê phải có việc làm lương bổng cao. Nhưng đúng là tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa. Dọn vô rồi mẹ con Mai mới biết rằng căn phòng này không có chuột, nhưng đầy gián và rệp.

Chủ nhà nói rằng mẹ con Mai mang dán và rệp từ nơi khác tới nên từ chối không can thiệp, còn dán thì từ từ chủ nhà sẽ kêu người tới xịt thuốc. Thuốc uống và thuốc xức bác sĩ cho chỉ làm giảm ngứa và đau tạm thời. Rồi từ chuyện rệp cắn làm em nhớ lại chuyện xưa bị đói khát ngược đãi bên Việt Nam. Những cơn hoảng loạn tăng cường độ và số lần trong ngày. Mẹ con Mai bỏ của chạy lấy người, vất bỏ hết giường nệm, khăn trải giường và quần áo của cả hai, chạy về nhà chị Hạnh tá túc trong khi chờ mướn được nơi khác.

Chủ nhà không chịu trả lại tiền đặt cọc cho tháng cuối và tiền bảo đảm việc dọn dẹp sửa chữa, dù em mới ở chỉ có hai tuần, tổng cộng là 3,500 đô la chị Hạnh đã tội nghiệp cho em mượn để dọn vô trong khi sở trợ cấp nhà ở chưa duyệt xét hồ sơ chuyển nhà. Nhân viên trợ cấp nhà ở thắc mắc sao gia đình em đã dọn nhà ba lần trong vòng bốn tháng. Tuy vậy khi Mai nộp những hình ảnh mẹ con em bị rệp cắn đỏ cả người, nhân viên giữ hồ sơ của em giới thiệu em tới Asian Law Alliance và Mental Health Advocacy tìm luật sư miễn phí, giúp em điều đình với chủ nhà, đòi lại tiền đặt cọc nhà cho em vì em đã hủy hợp đồng mướn nhà vì một lý do đặc biệt.

Khi mọi chuyện còn nhì nhằng và chưa kiếm được phòng mới để thuê, Mai đưa đón con đi học và đi tìm phòng để thuê mỗi ngày. Quận hạt Santa Clara, bao gồm thung lũng điện tử, đang gặp lúc khủng hoảng nhà cửa. Những khu mắc mỏ không nói, mà cả những khu nghèo mướn một cái garage đổi thành phòng ngủ cũng từ hơn một ngàn trở lên. Chủ nhà có nhiều chọn lựa nên thuờng không thích nhận người thuê có trợ cấp gia cư hay người không có việc làm tốt. Mướn một phòng mà còn có đứa con vị thành niên thì chưa hỏi đã biết câu trả lời là không, nhất là cả hai mẹ con đang trong cơn khủng hoảng, mất ngủ trầm trọng, mặt mày bơ phờ và nhớ trước quên sau.

Một buổi chiều, cuộc hẹn với một người chủ nhà kéo dài hơn dự định vì chủ nhà không đến nơi hẹn đúng giờ, làm Mai trễ giờ đón con ở trường. Mai gọi con dặn thằng bé vô văn phòng nhà trường chờ mẹ. Trên đường đi vì hồi hộp sợ con chờ lâu, Mai lại lên cơn hoảng sợ phải ngừng xe lại để nghỉ cho qua cơn. Bé Hòa chờ mẹ không được vì văn phòng sắp tới giờ đóng cửa nên nhân viên nhà trường gọi các chị của Hòa tới đón. Khi Mai đến được trường học, nhân viên nhà trường chỉ nói rằng bé Hòa đã có người đón về an toàn. Vì Mai không rành tiếng Anh nên em cũng không biết rõ người ta đã nói gì. Bé Hòa và ba chị gái của em cũng giận mẹ sao đó nên không trả lời điện thoại mẹ gọi nữa. Mai chỉ còn biết báo cảnh sát và Sở Xã Hội sự việc đã xảy ra và rằng em không biết con mình đã đi đâu.

Tới lúc này thì em suy sụp và không còn tinh thần để đi kiếm nhà mướn nữa. Em cầu cứu chị Hạnh, nhưng nhà chị Hạnh lại xa thành phố San Jose tới hơn nửa tiếng lái xe, Mai không thể tự mình lái xe đi bác sĩ hay những dịch vụ cần thiết nếu em ở nhà chị Hạnh. Thế là người viết bài này có thêm một người bạn chung nhà rất tình cờ và rất khó từ chối, vì tôi nể chị Hạnh và tôi cũng không đành lòng để em vất vưởng mãi như thế. Nhà tôi rộng rãi, còn dư nhiều phòng, và mấy tháng trước khi thủ tục giấy tờ mướn căn phòng đầu tiên chưa xong, mẹ con Mai có ở tạm nhà tôi mấy tuần lễ hồi cuối năm ngoái. Tôi chưa có nhu cầu cho thuê phòng và em lại sợ những người kỹ lưỡng như tôi không chấp nhận trẻ ở chung, nên không ai nghĩ sẽ có ngày em ở lại nhà tôi lâu dài. Nhưng sau khi đã "đổ máu" trên chiến trường nhà cửa ở quận hạt Santa Clara này, với sự đắt đỏ, khan hiếm phòng ốc cho thuê, và những kinh nghiệm thương đau với chuột, dán và rệp trong những căn chung cư cũ kỹ dơ bẩn, căn nhà rộng rãi sạch sẽ và người chủ nghiêm túc, kỹ lưỡng, kiên nhẫn, và sẵn sàng chỉ vẽ giúp đỡ mọi chuyện, lại trở thành bến đậu an toàn, cho em có cơ hội dưỡng sức, để hồi phục và tổ chức lại đời sống.

Sống chung với những người bị bệnh thần kinh tâm trí rất khó, nhất là khi mình không hiểu và thông cảm được tật bệnh của họ. Những triệu chứng về các bệnh này được trình bày tóm tắt trong một cuốn sách đã tái bản nhiều kỳ bởi hội American Psychiatric Asociation (APA).

Hậu quả của chiến tranh, tai nạn tự nhiên hay những biến cố đau thưong, ngược đãi xảy ra trong đời sống hằng ngày cũng có thể đưa đến chứng bệnh chấn thương tâm lý cho nhiều người.

Mai đã trải qua tất cả những triệu chứng rối loạn về thần kinh trầm trọng trong hơn mười năm trời. Khi đến nhà này hồi đầu tháng 4 năm nay, em chỉ cân nặng chưa đủ 90 pounds (40 kg). Mỗi ngày em có ít nhất dăm ba cơn hoảng loạn và thường sợ người khác theo dõi ám hại mình. Mai trằn trọc buổi tối khi lên giường, thức từ 5 hay 6 giờ sáng, nhưng không thể bước ra khỏi giường trước 9 giờ giống như nhiều người bị trầm cảm khác. Cộng vào đó, những cơn sợ làm cho em bị tê cứng hết các bắp thịt, những sẹo ở vết mổ cũ trên người và ở hai con mắt co thắt đau nhức không ngừng. Các bắp thịt ở cổ cũng làm reo, không cho em ăn uống bình thuờng như người khỏe mạnh. Hai chân em bủn rủn như người bị bại xuội. Muốn đi đứng được, em phải lấy băng vải quấn chặt hai đầu gối và bắp chân lại mới có thể đi đứng.

Nhân viên Sở Xã Hội (social worker) hẹn đến nhà để gặp em về chuyện con bỏ nhà đi càng làm cho em sợ hãi thêm, sợ người ta bắt mất con và sợ người ta bắt tội mình.

Đó là chuyện hồi đầu tháng 4 năm nay. Nếu tôi không có kinh nghiệm gì về tư vấn tâm lý/tâm trí trị liệu, chắc tôi cũng chịu thua với những vấn đề của Mai. Cũng may nhà tôi vắng người, yên tĩnh mát mẻ, lại gần công viên xanh đẹp, đi bộ không đầy 5 phút thì tới. Em thuộc loại bảo thủ cứng đầu, lại không tin tưởng ai cả, nhưng em đã cùng đường, và cùng thì tắc biến. Sức sống tiềm ẩn trong con người Mai có dịp trỗi dậy, và em đã sẵn sàng để thay đổi.

Cảm thấy mình có nhiều cơ hội vì tôi cũng đã có nhiều kinh nghiệm chữa trị, khuyến khích những người như Mai, nên tôi chấp nhận cho em ở chung nhà và tìm cách giúp. Em cũng thuờng hỏi tôi làm sao em có thể thay đổi cho đời sống vui hơn và có sức khỏe tốt hơn. Không cần phải suy nghĩ nhiều tôi cũng có thể trả lời em ngay: Em cần có một thời khóa biểu rõ ràng từng giờ từng buổi và từng ngày trong mỗi tuần lễ. Song song với việc giữ cho đúng với thời khóa biểu là uống thuốc an thần như sự chỉ dẫn của bác sĩ, chuẩn bị đồ ăn cho lành mạnh, đầy đủ ba bữa mỗi ngày để có đủ dinh dưỡng cho cơ thể và tăng khả năng chống lại bệnh tật.

Để Mai nhớ tới sức mạnh tinh thần, tính kiên trì, sự cầu tiến và khả năng hồi phục mà em đã có sẵn, tôi giúp em lập đi lập lại những thành tích vượt qua trở ngại và phấn đấu mạnh mẽ, cũng như nhiều thành công của em trong quá khứ, như thi đậu vào lớp 6, tốt nghiệp trung học trong giai đoạn khó khăn nhất của gia đình, tốt nghiệp nghề thẩm mỹ và mở tiệm thẩm mỹ sau khi định cư ở Hoa Kỳ, cũng như nuôi được 4 người con và 3 người con lớn đã tốt nghiệp đại học và có việc làm.

Nhà tôi có khu vườn rộng, trồng nhiều cây thông cao và hoa trái đẹp mắt, nhưng phải chăm sóc hầu như mỗi ngày. Mai rất thích ở ngoài vườn, không khí mát mẻ thoáng đãng, nhất là đang mùa xuân, cây cối hoa cỏ xinh tươi. Ngay sau khi ăn sáng, trong khi tôi tưới cây, em giúp quét lá rụng, dõi theo những con sóc leo trèo chơi giỡn, xem hoa nở và ngắm ong bướm, chim chóc bay lượn trong vườn.

Khung cảnh yên tĩnh êm đềm giúp em hồi phục mau chóng. Những cơn hoảng loạn thưa dần. Mai đã có thể ăn ngủ điều độ hơn. Tuy vậy, thói quen lo lắng quá độ và tánh hay sợ hãi không dễ gì từ bỏ được, vì đó là những lối mòn cũ dễ đưa đầu óc con người trở lại điều gì đã thân quen gần như phản ứng tự động.

 Nếu không được chữa trị kịp thời và đúng mức, bệnh tâm trí cũng giống như những bệnh về thể chất, càng lâu chừng nào thì việc chữa trị càng khó khăn chừng đó.

Mỗi khi bệnh trở nặng, dù là một cơn trầm cảm, hưng phấn quá độ, rối loạn cảm xúc hay hoảng sợ... người có bệnh phải mất ít nhất 2 năm để hối phục phần thương tổn trên trí óc, và không ai có thể tiên đoán mức độ hồi phục, vì điều này lệ thuộc nhiều yếu tố như sức mạnh thể chất và tinh thần, đời sống tâm linh, môi trường sinh hoạt bao gồm sự trợ giúp của người thân, và việc chữa trị.

Những điều tôi giải thích cho Mai cũng chính là nhừng điều bác sĩ và người trị liệu tâm lý cho em. Mai cảm thấy được yên ổn trong không khí yên tĩnh ở nhà tôi, nhưng người ta không thể sống co cụm không bạn bè, và em không thể chỉ tìm sự nương tựa nơi một người duy nhất.

Ngày 14 tháng 5 năm 2017. Nhóm Việt Bút chúng tôi, gồm 26 tác giả tham dự Giải Thuởng Viết Về Nước Mỹ, ra mắt tuyển tập đầu tiên, tại hội trường Việt Báo, thành phố Westminster. Tôi không muốn Mai ở nhà một mình, vì em còn hay quên tắt bếp hay khóa cửa khi ra ngoài. Mai cũng cần tập ra ngoài giao tiếp với mọi người mà không sợ hãi hay nghi ngờ rằng người khác theo dõi để chê cười hay ám hại mình. Hai ngày đi về bằng xe đò và một ngày rưỡi sinh hoạt vui vẻ với các anh chị em Việt Bút và thân hữu thật vui vẻ. Tôi tặng em chiếc áo mới, chiếc áo dài thứ hai trong cuộc đời của em. Các anh chị mời em tập hát chung để giúp vui trong buổi ra mắt sách. Anh Phong Đào mà chúng tôi gọi đùa là Phóng Dao, chị Annie Phùng, chị Thịnh Hương, chị Lê Nguyễn Hằng, Thụy Nhã và các anh chị em khác đối xử thân tình cởi mở, giúp em hòa nhập ngay với mọi người. Kinh nghiệm này đã giúp em lấy lại sự tự tin phần nào. Cái giá phải trả cho những thay đổi tích cực trong chuyến đi này là Mai bị mệt, nhưng giá đó quá rẻ cho một lần lột xác, như con bướm rực rỡ đang thoát ra khỏi cái kén tù túng ngột ngạt, để tung mình vào nắng mai ấm áp trong lành, và sánh vai với đồng loại.

Mai tiếp tục làm tôi bất ngờ với những tiến bộ nhanh chóng. Bây giờ em dậy sớm đi tập thể dục nhịp điệu, ba ngày một tuần em đi học tiếng Anh. Mỗi buổi tối, em viết một tin nhắn ngắn gọn bằng tiếng Anh gửi cho các con, với những lời lẽ tích cực, yêu thương, trước khi em uống thuốc và đi ngủ rất đúng giờ giấc. Ngày 14 tháng 8 năm 2017, tôi tặng em một chiếc áo dài mới nữa để em tham gia lễ trao Giải Thưởng Bé Viết Văn Việt và Giải Thưởng Viết Về Nước Mỹ ở thành phố Westminster miền Nam California. Một lần nữa em được trải nghiệm tình thương mến bao dung của các anh chị em trong nhóm Việt Bút.

Trong chuyến đi thử thách này, Mai học hiểu và biết quan sát đánh giá rất nhanh. Em trở nên tự tin và vui vẻ tham gia mọi sinh hoạt của nhóm. Mai chụp hình chung thân hữu của tôi. Em cũng bạo dạn đến xin chụp hình với cô Kiều Chinh, người nữ tài tử mà em hâm mộ. Cô vui vẻ ôm em, và dĩ nhiên cô cho em chụp hình chung sau khi hỏi han em là ai.

Trong không khí vui tươi thân thiện, một nụ mai vừa nứt những cánh vàng tinh khôi.

Suốt hai tháng sau đó, sức khỏe và tinh thần của Mai càng ngày càng khả quan. Em nhận lời đi theo nhóm tập thể dục Cao Niên Hoa Việt để trình diễn giúp vui trên sân khấu lớn ngoài trời vào ngày 8 tháng mười ở thành phố San Jose. Một lễ hội có khoảng 10 ngàn người tham dự.

Em hoàn thành buổi trình diễn rất tốt đẹp trên sân khấu. Mọi người hứng khởi cổ võ cho màn trình diễn độc đáo của nhóm cao niên Hoa Việt, Mai tự tin thoải mái trong bộ áo đồng phục đen đỏ và phất chiếc khăn quàng màu vàng tươi sáng.

Xuống khỏi sân khấu, em cười tươi.

Em cười, nhưng tôi chảy nước mắt, những giọt nước mắt vui mừng chứng kiến đóa mai vàng nở muộn, trái mùa, nhưng rực rỡ trong bầu trời thênh thang vùng South Bay, của một đất nước tự do, đầy cơ hội, thử thách, với sự tương thân và lòng nhân ái.

Iris Đinh

Ý kiến bạn đọc
05/02/201818:52:31
Khách
Đẻ nhiều quá, gia đình VN đông con quá, qua mỹ đẻ 4 đứa là khổ rồi.
03/02/201806:53:28
Khách
Bài viết về cuộc đời trôi nổi theo vận nước của một cô gái có vấn đề về tâm lý. Gia đình ly tán, rơi vào cảnh túng quẫn, khi đất nước lọt vào tay Quỷ Đỏ. Thoát được sang nước Mỹ. Lập gia đình và có con. Tuy vậy nhưng căn bệnh thần kinh ngày một thêm trầm trọng và thể chất cũng suy giảm. May mắn gặp được tác giả là người không những hành nghề tư vấn tâm lý/tâm trí trị liệu mà còn có lòng từ tâm cho ở nhờ và nâng đỡ. Mong rằng cô Lâm Mai sẽ mau chóng trở lại được đời sống bình thường để rồi có thể xum họp lại được với con cái.

Bài viết rất hay. Lời văn giản dị, dễ hiểu. Bố cục gọn gàng.
02/02/201813:18:03
Khách
Lâm Mai đẹp quá . Chẳng có vẻ bệnh hoan tâm thần . Gắng lên , bỏ thuốc và tự mình tiến bước . Đừng lệ thuộc vào thuốc , chỉ cần lúc ban đầu thôi . Mong cô dũng mạnh , đẹp mãi .
02/02/201806:16:03
Khách
“Người ôm nhân loại trong mình
Cười tuôn nước mắt cho Xuân tình dấy men”
(Phạm Duy?)

Anh Chương, anh Sào Nam, chị Mão, bạn Từhuy, Kim Ho, Đông Trinh và các bạn đọc,
Mai và Iris là chị em đồng hội đồng thuyền nên quý mến, thương xót, chia sẻ với nhau thôi. Ai cũng có những nỗi khổ. Có điều trông lên thì không bằng ai, trông xuống thì thấy mình còn may mắn.
Hai chi em tôi rất cảm động khi nhận được nhũng lời khích lệ quý giá từ các anh chị và các bạn đọc khác. Mai đã mất mấy tháng trời mới kể xong phần nào câu chuyện của em cho tôi nghe, với lòng mong mỏi giúp cho ai đó có hoàn cảnh khó khăn tìm thấy niềm hy vọng cho cuộc đời. Mai vừa kể vừa khóc vừa cười, và tôi vừa viết vừa run vì lo. Tôi lo không chuyển tải được cái đẹp, cái ý chí mạnh mẽ, ước muốn vươn lên từ những kinh nghiệm thương đau của Mai, cũng như không bi quan hoá câu chuyện làm nặng lòng người đọc.
Những khuyến khích và sự đón nhận bao dung của bạn đọc sẽ giúp Iris cố gắng nhiều hơn để khỏi phụ lòng.

Bạn Từhuy à, lời bình của bạn làm tôi nhớ câu thơ nhạc của ai đó:
“Người ôm nhân loại trong mình
Cười tuôn nước mắt cho Xuân tình dấy
men”

Cảm ơn chữ “ôm” của bạn ☺️

Chúc tất cả Xuân mới an vui!
02/02/201803:24:21
Khách
Không ngờ ở Vn lại có những nguời bạc phận khổ sở triền miên về tinh thần lẫn vật chất như cô MAi này. Qua được Mỹ cũng vẫn còn những xui xẻo đeo đẳng triền miên , còn sống đuợc tới giờ này coi như đã trả xong ác nghiệp, kết cục nhờ cô Iris ra tay cứu độ.
01/02/201822:52:21
Khách
Chị Iris Đinh mến
Tìm được người tốt như chị Iris Đinh ,chị Hạnh là do duyên nghiệp từ kiếp trước chị Lâm Mai nếu không có duyên thì có đốt đuốc cũng kiếm không ra..Trên đời này vẫn có những con người tốt. Thăm sức khỏe cả 3 chị.Trân trọng
01/02/201820:24:18
Khách
“Dầu xây bảy bậc phù đồ
Cũng không bằng phúc... ôm vô một người🤓🌹💓👍❗️“
Cám ơn chị❗️Cám ơn cuộc đời❗️
01/02/201820:16:10
Khách
Mừng cho Mai Lâm gặp được Iris, vị cố vấn tinh thần rất hết lòng giúp đỡ, đối xử như tình thân, đó là phương thuốc thần diệu để đưa 1 nguời như Mai Lâm vui với cuộc sống, Iris rất hết lòng với mọi nguời, không bỏ anh em, không bỏ bạn bè, đó là hình ảnh của Iris.Bài viết rất đậm tình người.

M&M
01/02/201819:39:09
Khách
Chi? co tren ddat nuoc' tu do & dday` long nhan ai' USA chi Mai Lam moi' co' the? ton` tai dde? dduoc gap chi Iris
America muon nam !
Cam on chi Iris dda~ chia xe~...
Em Kim Ho
01/02/201819:26:17
Khách
Khám phục chị đã hết lòng giúp cho Lâm Mai có được ngày nay. Cầu mở G ơn trên giúp cho Mai luôn giữ vững nghị lực để có được tương lại tốt đẹp. Bài viết quá hay, không hổ danh Hoa hậu. Càng đọc càng say mê. Mong được đọc thêm nhiều bài nữa của Iris nhé!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,027,050
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.
Nhạc sĩ Cung Tiến