Hôm nay,  

“Đi Tây” Thời Bao Cấp

13/04/201700:00:00(Xem: 18353)

Tác giả: Đoàn Thị
Bài số 5093-18-30793-vb5041317

Tác giả định cư tại Pháp, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, bà đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á Hậu. Sau đây là bài viết mới của tác giả.

* * *

Loan và tôi, cùng là dân của “bên thua cuộc”, kẻ sau người trước, có thời cùng làm thông ngôn cho “cán cộng” tại nhà máy Cogivina, tức nhà máy giấy Tân Mai cũ.

Hơn hai mươi năm sau tôi gặp Loan trên đất Mỹ, cô em kéo tôi vào tiệm bánh ngọt của ông Tây vàng ngoài khu Little Sàigòn, hai đứa nhắc lại kỷ niệm thời sống dưới chế độ bao cấp của cộng sản CS mà cười ra nước mắt.

Sau đây là chuyện “Đi Tây thời bao cấp”.

*

Năm 1980 chính phủ Pháp viện trợ VN phân xưởng sản xuất Bột Giấy trực thuộc Nhà Máy Giấy Tân Mai (Biên Hòa), qua một công ty Pháp thực hiện hợp đồng do GĐ François. P điều hành.

Ông F.P, một bô lão Tây đến từ Ba Lan nói rành tiếng Pháp lẫn tiếng Anh, tuy đã ngoài lục tuần nhưng đầu óc tinh anh lanh lợi lắm, hậu duệ di dân Do Thái Đệ Nhị thế chiến có khác.

Ông lão từng tự sự cuộc đời của ông từ thuở hàn vi như sau.

Tôi sang Pháp năm mười sáu tuổi với hai bàn tay trắng, vào hãng Giấy làm công nhân đứng máy, sau lên chức thợ máy, lương thợ thập niên năm năm mươi đủ mua gạo.

Sau một thời gian quan sát tôi bỏ nghề thợ, chạy đôn chạy đáo mượn tiền ngân hàng mua lại một xưởng sản xuất giấy tái chế bị phá sản, tân trang máy móc…tìm mối bán giấy thành phẩm.

Gần mười năm trong nghề Giấy, tôi nghĩ phải làm thương mại trong ngành này mới khá được, nếu cứ ôm chuyên môn có rủi ro phá sản như người chủ cũ.

Tôi bán hãng Giấy với số tiền lời đủ để nuôi gia đình trong hai năm sắp tới nếu trong thời gian đó tôi chưa tìm được việc mới.

Lúc đó Châu Á đang trên đà phát triển, tôi qua Singapour tìm thị trường và làm cố vấn cho một nhà máy Giấy đồng thời phụ trách mua phụ tùng máy móc của Pháp cho họ.

Tiếng lành đi xa, có gã tài phiệt Ấn Độ nhờ tôi cố vấn xây nhà máy Giấy với thiết bị phụ tùng và quy trình sản xuất của Pháp, từ đó tôi có biệt danh « Ông Tây Giấy » vùng Đông Nam Á.

Trước 1975 tôi cộng tác với COGIDO, Nhà Máy Giấy Đồng Nai, nên khi chính phủ Pháp có dự án viện trợ VN phân xưởng sản xuất Bột Giấy, tôi nộp đơn dự thầu và trúng ngay đợt đầu.

Thực ra con gái tôi là nhà báo nên thông tin về đầu tư ngành Giấy của Pháp tôi biết trước khi chính phủ ra thông tri chính thức, tôi có thời gian chuẩn bị một hồ sơ « thật bê tông », thắng các đối thủ ngọt sớt.

Nghe lai lịch của lão, tôi lạy ông thần này luôn, tuy nhiên ông thích dân Mỹ Ngụy vì từng làm việc ở Biên Hòa đầu thập niên bẩy mươi, khi tiếp xúc với cán cộng ông nhận ra trình độ kém cỏi của vixi so với dân VNCH ngay.

Trước 75 VINATEXCO (Dệt Thắng Lợi) hay COGIDO, COGIVINA (Giấy Đồng Nai, Tân Mai) đều do kỹ sư VNCH được đào tạo bên Pháp làm giám đốc kỹ thuật hoặc giữ chức vụ then chốt.

Bây giờ thì cái bằng “Đảng viên” làm tất tần tật từ giám xúi cho đến giám hộ, giám đốc… thật đáng sợ, nhất là họ dám làm mà không dám chịu, giỏi đổ tội cho “thế lực thù địch”.

Suốt thời gian Pháp thực hiện công trình Tân Mai, xếp cán có gợi ý với GĐ Tây nên tặng, biếu cán bộ Ban Kiến Thiết một chuyến du lịch bên Pháp cho biết “Paris có gì lạ Không em”, nói theo thơ Nguyên Sa.

Ai chứ Gíam Đốc đa chủng tộc Do Thái, Ba Lan, Pháp này thì …hứa lèo là “nghiệp của chàng”, trong lúc trà dư tửu hậu GĐ hứa hẹn búa xua.

Tỉnh rượu, “Một mai qua cơn mê” rồi thì lời hứa kia được chuyển đến nhạc sĩ Đoàn Chuẩn «gửi gió cho mây ngàn bay» mất tiêu luôn.

Mỗi lần xếp vòi vĩnh tôi nhục lắm, ai đời « mình tự mời mình » rồi bắt người khác trả tiền, chế độ CS kiên cường, kiên trì đi ăn mày như rứa mà cán cứ tỉnh queo mới ác.

Tuy xấu hổ tôi vẫn phải chuyển lời của xếp cán đến ông Tây, dùng chữ nghĩa thật hạn chế cho đỡ quê lây kiểu « ăn mày vô tư » của vixi.

Ông Tây Giấy lanh như cáo, có lạ gì đám cộng sản nghèo đói đi đâu cũng “tranh thủ” từ bữa ăn ở khách sạn Sàigòn cho đến những chuyến du lịch Vũng Tàu, Đà Lạt ăn chơi trong khách sạn dành cho khách ngoại quốc.

Lần cuối cùng, xếp cán ra tối hậu thư về chuyến Tây du như ri:

- Ông từng hứa với chúng tôi chuyến du lịch này lâu rồi, năm sau kỷ niệm hai trăm năm Cách Mạng Pháp, nếu ông không thực hiện lời hứa thì sau này dù có mời chúng tôi cũng sẽ từ chối.

Thấy nét mặt “khẩn trương “ của xếp cán, rồi nghe tôi dịch sang tiếng Tây, ông Tây giấy đâm hoảng, lại hứa hẹn:

- Tôi ghi nhận yêu cầu của ông và sẽ trả lời sau.

Tôi cười thầm, chuyến này ông kẹ F.P chết chắc, Ta hay nói “Nhất quá tam”. Tây có câu gần giống “Jamais deux sans trois” -- may mà cán không biết tiếng Pháp chứ bô lão này hứa lèo hứa cụi « quá tam » từ lâu rồi.

Chuyện đi Tây của xếp tôi quên mất tiêu vì sau đó tôi nghỉ “hộ sản” nửa năm, một cô thông ngôn mới ở Sàigòn lên Tân Mai làm việc thay tôi vì dây chuyền sản xuất Bột Giấy đang trong giai đoạn chuẩn bị chạy thử (chạy rodage).

Sau khi rời bệnh viện Từ Dũ về nhà (không phải “xuất viện” chữ này hơi rối reng, vì chữ Viện có nhiều nghĩa như Thư Viện, Nhạc Viện…, làm sao biết cái Viện nào là Bệnh), đồng nghiệp đến thăm tặng quà cho tôi và thằng cu.

Chú em Lương “đồng minh Mỹ Ngụy” của tôi ở Nhà Máy Giấy Tân Mai than:

- Loan thông ngôn mới thay thế chị khó chịu lắm, chê cán cộng ngu dốt nói tiếng Việt kỳ cục làm cô khó dịch, may là cô ấy chỉ than với Tây và em thôi, cán mà nghe được không biết sẽ ra sao. Loan nhờ em nhắn lại, sẽ đến thăm chị và cu tí khi nào rảnh vì lúc này công trình trong mùa thi đua.

Tôi giải thích với Lương:

- Loan không khó tính đâu, em còn lạ gì chữ nghĩa của VC “tối mò” phải nắm ý mới dịch nổi, chị kỵ nhất là tĩnh từ “Tốt”, cán cuốc bạ đâu nói đó vô tội vạ làm cho tiếng Việt bị thui chột.

Lương trố mắt, hỏi tôi:

- Sao hồi nào giờ em có nghe chị than thở chi đâu?

Tôi cười buồn:

- Có than cũng thừa, chủ nghĩa CS thế giới giống nhau ở chỗ tự nhận là “ưu việt” mà lại nấu cơm bằng trấu, dùng đèn dầu, đi xe đạp …, nghèo và ngu như rứa làm răng mình nói nổi.

Hôm đó Lương mới thấu nỗi lòng của tôi, tội nghiệp Loan, tuy chưa biết mặt cô em nhưng tôi hiểu, tiếng Việt của dân VNCH và XHCN khác nhau khiếp lắm.

Như câu “Cái nồi ngồi trên cái cốc” của họ mới nghe là thất kinh hồn vía, cứ ngỡ họ nói “tiếng lạ”, hóa ra cũng là tiếng Việt nhưng phải suy diễn một chút mới hiểu là cái phin cà phê đặt trên cái tách.

May mà tôi chưa có dịp dịch câu này cho Tây nghe, vì “cái nồi » là vật vô tri làm răng “leo lên ngồi trên cái cốc », vậy mà họ vẫn nói được mới “ưu việt” u tối.

Đầu óc cán cuốc chứa bã đậu là chỗ ni, mà chữ “bã đậu” này diễn dịch qua tiếng Tây cũng phải dùng một câu thênh thang để giải thích chứ làm gì có chữ tương đương trong tiếng Pháp.

Tôi đang nghỉ nuôi con đến sáu tháng, lãnh lương đầy đủ và tiền thưởng vì vượt chỉ tiêu “khoan đẻ” của đảng, nghĩa là đứa con thứ hai cách đứa đầu năm năm, thằng cu của tôi nhỏ hơn anh nó đến tám tuổi, vô tình tôi thuộc “diện chấp hành tốt” chính sách của đảng.

Đúng là “oan Thị Mầu”, mấy năm nay chàng phụ trách xây cất trên Phố Núi có “Em Pleiku môi đỏ má hồng” nâng khăn sửa túi, tôi làm răng dám mang bầu, chẳng qua năm Thìn không sinh con phí đời nên tôi làm liều đó thôi.

Một hôm Loan đến thăm tôi, sau khi than thở công việc ở công trường vất vả không làm cô nản bằng những vụ bê bối như bù lon ốc vít … của dàn Máy Dăm Gỗ bị đánh cắp khiến tiến trình lắp ráp máy bị trì trệ, nhưng cán cuốc lại được dịp “cải thiện kinh tế ».

Tôi không lạ gì mấy vụ mất cắp phụ tùng linh tinh như rứa từng xảy ra lúc tôi chưa “nghỉ hộ sản ». Nhờ những thứ lỉnh kỉnh bù lon ốc vít… dễ sản xuất tại Chợ Lớn cán mới “tranh thủ” kiếm chác chút đỉnh qua phi vụ đặt hàng với “tiền tươi bôi trơn” mang về cho vợ, cách “làm kinh tế” vặt vãnh thường xảy ra dưới chế độ CS khác xa cung cách của các nước Tư Bản.

Bên cạnh vụ lem nhem đó có tin vui, ông Tây Giấy trên Tân Mai đồng ý mời cán cộng đi Pháp như đã hứa, năm vé đã mua ở hãng Hàng Không Pháp mời Sàigòn và Hà Nội đi cho biết “Xứ Tư Bản bốc lột công nhân” ra sao.

Đúng là “Có tin vui giữa giờ tuyệt vọng », tự dưng ông kẹ chịu chơi mới lạ, đây rồi cái lạ lẫm của ông kẹ là chỉ mời đúng năm ngưòi, con số lẻ đó làm mất tình đoàn kết nội bộ khách được mời.

Hà Nội, Sàigòn phe nào cũng muốn lấy “ba suất” (ba vé), dạo đó chuyện xuất ngoại hi hữu như chuyện 1001 đêm, đâu phải ai muốn đi cũng được, phải có vai vế thế thần, nếu có cơ hội là chộp ngay để cải thiện kinh tế.

Ông Tây đa chủng tộc này đúng là “đâm sau lưng cán cộng », năm cái vé máy bay như năm quả lựu đạn liệng vào “sào huyệt địch », ai biểu ép lão làm gì cho lão phát rồ tung chưởng cho bỏ ghét.

Hà Nội đòi ba vé vì là cơ quan đầu ngành đứng ra ký hợp đồng với Pháp, Tân Mai nhảy tưng tưng la làng, chúng tôi “nao động” mấy năm nay với đối tác nên phải lấy ba suất.

Nam Bắc tranh chấp đến tối mặt khiến cán cuốc quên biến là chuyến Tây du này có chương trình làm việc hẳn hoi để ông Tây Giấy có đủ biên lai thu chi kết toán cuối năm.

Mục “tham quan” (thăm viếng) vài hãng sản xuất Máy Công Nghiệp Giấy lắp đặt trên Tân Mai và mấy buổi họp tại Hãng ông Tây ở Paris là phần chính, ăn chơi dạo phố chỉ là phụ thôi, Tây Ta không hề gặp nhau ở điểm này đây.

Đến lúc này thì Sàigòn và Hà Nội vỡ lẽ, năm ông bà cán cộng dành vé đi Paris không ai nói rành tiếng Pháp làm răng có biên bản nộp cho ông kẹ kia.

Bốn cán ôm đầu máu gầm gừ nhau, Loan là kẻ thứ năm ngoài vòng chiến “không có chỉ tiêu” xuất ngoại nhưng lại là nhân vật “trầm trọng” không thể thiếu nếu mấy cán muốn đi Tây để làm kinh tế kiếm chác chút đỉnh.

Ngày chị cán ở Sàigòn đưa quyết định của Bộ cử Loan đi với phái đoàn cô em mới biết bốn cán kia đã làm xong “hộ chiếu” (chiếu khán, Passeport) và được Lãnh Sự Quán Pháp ở Sàigòn cấp giấy nhập cảnh.

Loan phải làm từ A tới Z, may mà cô em có giấy giới thiệu của cơ quan chủ quản ở Sàigòn nên xin chiếu khán chỉ mất vài ngày, nhờ ông Tây Giấy “bỏ nhỏ” trước nên Lãnh Sự Pháp cấp ngay giấy nhập cảnh vì ngày đi đã cận kề.

Vừa xong giấy tờ, cơ quan chủ quản kêu Loan qua hãng Air France lấy vé cho đoàn đồng thời đổi tên hành khách ngoài Hà Nội.

Chuyện “đi Tây” (xuất ngoại) đối với cán cộng phiêu lưu như đi vượt biên, dù đã ngồi trên phi cơ nhưng vào giờ chót có thể có người khác đến lấy chỗ của mình, máy bay chưa cất cánh chưa có gì chắc chắn cả.

Chú người VN làm cho Air France trước năm 75 nghe Loan yêu cầu đổi tên hành khách cằn nhằn:

- Mấy ông Hà Nội này lộn xộn quá, vừa đổi tên lần trước, bây giờ lại đổi nữa.

Loan giật mình, phân trần:

- Cháu là nhân vật xuất hiện vào giờ chót nên có hay biết chi đâu, thôi chú đổi tên giúp cháu đi.

Nghe Loan nói như vậy, chú thông cảm và giải thích:

- May là tôi chưa ghi tên ai vào vé nên còn đổi kịp, mà cô có chắc là lần này là lần cuối không ?

Loan gật đầu:

- Còn vài ngày nữa là lên đường, có muốn đổi cũng không kịp.

Trong năm khách mời ngoài Loan còn có cán bộ Thu, nhân viên bộ Ngoại Thương, chồng chị là thượng tá bộ đội, cái chức “thượng” nghe oai nhưng kèm theo chữ bộ đội trở nên “cực kỳ” cục mịch.

Thời VNCH, đại úy, đại tá, hay đại tướng Hải Lục Không Quân đâu ra đấy chứ không quê mùa như thượng tá vừa “đi Bộ và Đội” cái chi trên đầu chỉ có họ biết chứ dân Miền Nam hiểu sao nổi.

Ba người đàn ông còn lại là kỹ sải Tân Mai, xếp bự Tổng Công Ty và cán Hà Nội bà con xa gần chi đó bên Ngoại Thương, người được Loan đổi tên vào giờ chót lấy chỗ một cán khác bị rút tên.

Trước khi lên đường Loan ghé thăm tôi và mang bức thư tôi gửi cho chú tôi, chú định cư bên Pháp trước ngày 30 tháng 4 năm 1975, trong thư tôi nhờ chú giúp Loan nếu cô em yêu cầu.

Ba tuần Tây du trôi qua một cái vèo, ngày về Loan đến thăm tôi với gói quà của chú tôi, cô em biếu tôi vài thanh chocolats, nhưng món quà mà tôi ưng ý nhất là chuyến đi Tây cười ra nước mắt của cô em.

*

Theo thông báo trước khi lên đường mỗi người được mang theo 100 đô la, đổi với giá chính thức rẻ rề, tiền VN đưa cho trưởng đoàn đổi chung cho năm mạng, đô la xếp tiếp tục giữ cho mọi người.

Ngày ra phi trường Tân Sơn Nhất chả nghe xếp đá động đến 100 đô kia, Loan cũng không màng vì chuyến đi này quả là niềm vui lớn với cô em, nói theo một tựa phim của vixi là “mơ không thấy nổi ».

Sau khi Loan trình sổ thông hành và vé máy bay xong, cô em xếp hàng sau cán bộ Thu qua cổng kiểm soát để vào khu cách ly trước khi lên máy bay, chuyện vui buồn đi ngoại quốc với cán cộng bắt đầu từ đây.

Chị cán Thu kéo chiếc vali đến trước cổng kiểm soát hải quan (quan thuế) và trình chiếu khán.

Giọng anh cán khô khốc như lấy cung phạm nhân:

- Chị mang theo thứ gì khai báo đi?

Chị cán móc từ túi quần Jean một xấp đô la, hạ giọng:

- Anh thương bọn em, cả đời bọn em đi Tây có một lần…

Chị chưa dứt lời, cán kia thông cảm cho cán này nên hỏi lấy lệ:

- Chị mang theo bao nhiêu đô?

Chị cán tiếp tục líu ríu:

- Vài trăm thôi anh ạ.

Cán khoát tay cho chị đi qua, Loan vừa chứng kiến một màn chui chọt của dân cách mệnh, rứa mới đúng điệu đi Tây để làm kinh tế.

Loan dự đoán dân Mỹ Ngụy chuyến này chắc sẽ bị hành tả tơi, nhưng cô em không ngại vì vốn liếng 100 đô của Loan nằm trong túi xếp có gì mà lo.

Trước cổng quan thuế, giọng anh cán vẫn khô khan:

- Chị mang thứ gì khai thật đi?

Loan cười ruồi:

- Vài khúc vải thêu tặng bạn may áo dài, tôi mở vali cho anh xét nhé.

Cán lắc đầu, hỏi tiếp:

- Chị mang bao nhiêu đô na (dollar)?

Loan không nhịn được cười, vui vẻ trả lời:

- Một trăm đô, nhưng cán bộ trưởng đoàn giữ hộ tôi rồi, đến phiên ông ấy anh kiểm tra lại nhé.

Cán chán con nhỏ Mỹ Ngụy chả mang theo đồng to đồng bé nào để hắn “làm thịt », lại còn bảo khám xét cán bự mới độc, hắn khoát tay cho Loan qua trạm thuế.

Chị Thu kéo Loan ra băng ghế ngồi trong phòng cách ly chờ xe ca đưa ra phi đạo leo lên máy bay, cuối thập niên tám mươi làm gì có thang cuốn đưa hành khách vào tận phi cơ như bây giờ.

Ngồi chưa nóng đít, loa phóng thanh réo tên chị Thu ra ngoài quầy vé “giải quyết vấn đề”, mặt chị tái mét, nhờ Loan trông chừng vali, chị đứng lên bước đi yếu xìu.

Loan thầm lo cho chị, biết đâu giờ chót lại có con cháu cán bự ngoài thủ đô vào đây lấy chỗ của chị, dù sao đồng hành với chị còn hơn một mình cô em đi với bốn ông cán chịu sao thấu đời.

Một lúc sau chị Thu trở lại cười toe toét phân bua:

- Mình quên trình diện ở quầy “lễ tân” (tiếp tân) để họ kiểm tra “sổ bay”, chả có vấn đề gì cả.

Loan cười thầm, chị không có vấn đề, nhưng em thì có đấy, cái “sổ bay” của chị là cái quái gì nếu không phải là sổ ghi danh sách hành khách của chuyến bay.


Tía má ơi, đi với cán cộng chẳng những phải “mặc áo giấy” như đi với ma, mà phải cài thêm cái “bộ xử ný” vào đầu để chuyển hệ chữ nghĩa của họ dịch ra tiếng Tây, cái nghiệp thông ngôn éo le là chỗ ni.

Máy bay cất cánh, chị Thu uống ngay viên thuốc chống say sóng và chìa cho Loan, cô em lắc đầu.

Chị cố thuyết phục Loan:

- Em uống đi cho chắc bụng, không thôi lại nôn mật xanh mật vàng đấy.

Loan trấn an chị:

- Hồi trước em đi máy bay hoài có sao đâu, chị đừng lo.

Chị tròn mắt:

- Em từng “đi Tây” rồi sao ?

Loan cười:

- Không, đây là lần đầu tiên em đi Tây, nhưng trước năm 75 em thường đi máy bay lên Đà Lạt hay ra Nha Trang thăm ông bà nội của em.

Chị Thu cất viên thuốc vào túi áo, Loan chợt hiểu, theo cán cộng hễ leo lên máy bay là “đi Tây”, đồng nghĩa là đi ngoại quốc như Liên Xô, CHDC Đức, Ba Lan…chứ không phải đi Pháp.

Máy bay quá cảnh phi trường Bangkok, mọi người rủ nhau xuống “tham quan” và nhắm trước một số hàng hóa sẽ mua trong chuyến quay về VN.

Sáu giờ sáng giờ địa phương hôm sau, ngày thứ sáu 14 tháng 7, ngày quốc khánh Pháp, phi cơ đáp xuống phi trường Charles de Gaulle, trời mát như Đà Lạt vì Paris đang vào hè.

Sau khi hoàn tất thủ tục nhập cảnh, ông Tây Giấy đưa phái đoàn về nhà ông ở quận 17 Paris ra mắt vợ ông, rồi đến sứ quán vixi quận 16 trình diện và đóng dấu đỏ loét vào chiếu khán công vụ của mọi người.

Mười một giờ trưa ông đưa phái đoàn đến nhà khách của sứ quán trong quận 8 để mọi người tạm trú, nghỉ ngơi sau chuyến hành trình dài.

Anh quản lý nhà khách chào đón phái đoàn và líu lo bắt tay ông Tây.

Ông Tây mở lời gửi gấm phái đoàn với anh ta:

- Phái đoàn tạm thời ở đây chờ chúng tôi thuê khách sạn cho họ lưu trú.

Loan chưa kịp dịch thì anh quản lý nhanh nhẩu chuyển ngữ như ri:

- Ông ấy bảo các đồng chí cứ ở đây, cơm nước chúng tôi lo.

Cô em ngẩn tò te, không ngờ cán cuốc quản lý bạo phổi dịch như rứa, may mà ông Tây không hiểu tiếng Ta, Loan nín thinh không dám lên tiếng mặc cho cán kia tung hoành loạn xị.

Thêm vài câu xã giao, ông Tây Giấy rút, ngày mai thứ bẩy phái đoàn tự do đi chơi, chủ nhật ông mời mọi người đến nhà ông dùng cơm.

Anh quản lý tận tình đưa Tây ra cửa và líu lo chi đó Loan không nghe rõ, chỉ thấy hai bên gật đầu lia lịa, biết đâu cán “tranh thủ” giao dịch một cú “áp phe” với Tây Tư Bản kiếm chác chút đỉnh, đồng Franc dĩ nhiên có giá hơn “đồng… Hồ” nhiều.

Tây đi rồi, Ta xách vali nhận phòng tập thể, chị Thu và Loan ở lầu 1 dành cho phụ nữ, ba cán kia ở tầng trệt khu nam giới.

Giờ cơm đến rồi, mọi người xuống nhà bếp dưới tầng hầm ăn trưa, hai ba cái tủ lạnh đầy ắp đồ ăn thức uống có dán tên chủ nhân trên chai, trên hộp.

Sau này đi dạo trong xóm Loan mới biết bên này mỗi tháng cư dân có quyền mang tủ bàn ghế, giường ngủ, tủ lạnh, bếp ga…vứt trên vỉa hè, thành phố có xe gom những thứ đó về kho phế liệu.

Thảo nào tủ lạnh, bếp núc, nồi niêu…trong nhà ăn của anh quản lý thượng vàng hạ cám đều được thu lượm từ vĩa hè, xứ giàu có khác, tuy nhiên tiết kiệm như vậy cũng hay.

Ngoài phái đoàn Tân Mai, còn có vài khách “nội trú” khác nhập bữa, tất cả đều là cán bộ đi tu nghiệp hay công tác ngoại quốc.

Có một chị cán công tác ở Bắc Phi ghé Paris vài ngày trước khi hồi hương, chị còm nhom như ma đói, mặc bộ quần áo giống mấy bà cán năm 75 từ Bắc đổ bộ vào Sàigòn, trông thảm não làm sao.

Chị tự giới thiệu:

- Mình là BS cộng tác với Nước anh em “xứ zệp” vừa hết hạn, ghé Pazi nghỉ vài ngày, tuần tới mình về VN.

Loan tròn mắt nhìn chị, không biết “xứ zệp” là xứ nào trên quả địa cầu, nhưng không dám hỏi, sợ bị cán cộng chê “mù chữ XHCN”, dù sao thì cô em cũng đơn thân độc mã trong sào huyệt VC.

Sau này Loan mới biết Pháp gọi ba nước bắc Phi Châu, Algérie, Maroc, Tunisie cựu thuộc địa của họ là “le Maghrep”, người VN đọc trại ra “Rệp” và cũng là tiếng lóng để chỉ dân “Ả rập”.

Nữ BS cán cuốc đọc thành “zệp”, đơn giản như đang giỡn với dân Mỹ Ngụy bị chới với với mớ chữ nghĩa XHCN bị cắt xén gọt tỉa đến tối nghĩa.

Anh quản lý Nhà Khách, kiêm đầu bếp, tài xế… cho biết, ở đây có bán mì gói ăn thêm, bia, nước ngọt… cho dân nội trú và khách quen.

Cuối tuần anh đi chợ Á Châu trong quận 13, đồng chí nào muốn đi với anh để mua thức ăn riêng cũng được, chỉ cần đóng tiền xăng cho anh là xong, mỗi chuyến anh có thể chở bốn khách.

Cơm nhà bàn của anh tính giá hữu nghị, ăn ở đây rẻ hơn ngoài phố, nhóm Tân Mai nhờ anh mua giúp hai thùng mì gói, dĩ nhiên đắt hơn giá gốc một chút, nhưng vẫn lời chán nếu phải mua từng gói lẻ của anh.

Hôm sau, ngày thứ bẩy, cả đám dẫn nhau đi Paris xem có gì lạ, ăn sáng xong trực chỉ Métro, hệ thống xe điện ngầm trong lòng đất.

Trưởng đoàn mua và giữ vé đi Métro, phát cho mỗi người một vé trước cổng vào và sẽ phát một vé nữa lúc đi về.

Chế độ CS quen kềm kẹp dân chúng nên dù đang ở trên nước Tự Do nhưng công dân XHCN vẫn chấp hành “nghiêm túc” (nghiêm chỉnh) luật lệ.

Đây rồi, tháp Eiffel, Khải Hoàng Môn, ai nấy “tranh thủ” chụp hình, đứng bên cạnh bản tên đại lộ Champs Elysées chụp một tấm để đời.

Cụ cán “phát biểu” (nói):

- Phải tranh thủ làm một “bô” ở chân tháp Eiffel, về sau dặn con cháu đặt hình này trước quan tài cho thiên hạ biết mình cũng đi Tây như ai.

Câu nói làm Loan chạnh lòng, tội nghiệp cho dân VN bị giam lỏng, có tiền cũng chẳng đi du lịch được, không phải cán cộng nào cũng giành được “một xuất” đi nước ngoài, bảo họ không tranh thủ sao được.

Hai tuần đầu từ thứ hai đến thứ sáu đoàn Tân Mai đều đi “công tác” các tỉnh ngoài Paris như Lille, Pas de Callais, Grenoble, Bretagne và ghé thăm núi Saint Michel kỳ quan thế giới

Thời gian đi thăm một số hãng xưởng các tỉnh, mấy cán ngán lắm, coi máy móc cho có lệ chứ có hiểu mô tê chi đâu, mà tìm hiểu làm gì cho mệt xác.

Mục tiêu, mục đích của chuyến đi là “mục ăn uống”, “giờ cơm đến rồi” bao giờ cũng vui như Tết, đặc sản địa phương phong phú vô cùng, bia, rượu đủ loại với hàng loạt phô mai đủ mùi vị ăn kèm làm khách bối rối.

Sau mỗi chuyến đi tỉnh về, cụ cán hay đùa:

- Hết một tuần bị hành hạ, mai ta đi phố chơi.

Nói như rứa có oan không, cán cộng chắp tay sau đít đi tới đi lui nhòm ngó, Loan dịch mỏi miệng, mỏi tay chuyển ngữ bản báo cáo của Tây mà cô em có thấy mình bị hành hạ chi đâu, đi một ngày đàng học một sàng khôn, VC và VNCH khác nhau là chỗ ni.

Nếu cuối tuần cán cộng hứng thú đi phố thì Loan lại buồn vời vợi, thay vì đi viếng thắng cảnh Paris họ dẫn nhau ra chợ Tati trong quận 18 mua quà tặng và mua hàng bán lại kiếm lời.

Chợ này lúc nào cũng nghẹt người đa số là khách Phi Châu, Ả Rập…vì hàng nhập từ Châu Á, rẻ tiền họ mua mang về xứ làm quà cho thân nhân hoặc buôn bán, đoàn Tân Mai cũng không ngoại lệ.

Ai cũng mua móc chìa khóa, khăn choàng, thiệp có hình tháp Eiffel, Nhà Thờ Đức Bà Paris…để làm quà cũng như Loan, nhưng khổ nhất là cả đám phải bám chị Thu sợ lạc nhau vì dạo đó chưa có điện thoại di động.

Bà chị rơi vào mê hồn trận, son, phấn, bút chì vẽ môi, kẻ mắt, nước hoa…chị lựa liền tay, còn biểu Loan lựa phụ, cô em chợt hiểu câu, “cả đời bọn em đi Tây có một lần” là lúc này đây.

Ba cán kia lắc đầu ngao ngán, không biết làm răng bèn mua đại vài thỏi son hộp phấn tặng vợ, xếp hàng rồng rắn trả tiền xong, cả đám ôm “chiến lợi phẩm” ra về.

Loan nhủ thầm, lần này đúng là hết một buổi cô em bị hành hạ vì phải chen lấn mua hàng, xếp hàng trả tiền giùm chị cán đi buôn đường dài, chứ đâu như mấy cán cưỡi ngựa xem hoa, ăn uống thỏa thích lúc đi thăm các nhà máy mà còn than thở “bị hành hạ”.

Về nhà khách cả đám đói meo ruột, cuối tuần anh quản lý bận “đột xuất” chở con buôn chuyên nghiệp đi mua hàng, nhà bếp trống trơn.

Chị Thu với Loan lôi thùng mì gói ra xào nấu với thịt hộp mua ở tiệm tạp hóa của ông zệp kế bên. Cả đám vét sạch tô mì, xì xụp húp nước lèo thơm mùi thịt bò, ngon chi đâu, mọi người hả hê với chùm nho tráng miệng, ai nấy hài lòng với túi hàng mới mua hồi sáng.

Chính lúc này Loan thấy vui hơn cảnh ngồi nhà hàng với Tây vừa ăn vừa nói chuyện xã giao chứ Đông Tây có điểm gặp gỡ nào đâu.

Anh quản lý tài lanh bày cho cả đám ra chợ trời Montreuil chuyên bán quần áo cũ, giống như khu Dân Sinh của Sàigòn trước năm 75, sát vành đai Paris mua sắm “đồ Tây”.

Lại cảnh chen lấn với dân Phi Châu, zệp chọn lựa mua bán, trời nắng đẹp thế này mà phải chui vào chỗ ni, Loan tiếc ngẩn ngơ cơ hội thưởng ngoạn Paris để biết thủ đô Ánh Sáng có gì lạ lẫm.

Vài ngày trước khi kết thúc chuyến Tây du, Tây mời Ta viếng bảo tàng Georges Pampidou, dạo sông Seine trên du thuyền “Bateaux Mouches”, và ăn tối ở nhà hàng bảnh khu Montparnasse.

So với mấy lần trước ăn cơm hàng cháo chợ, bạ đâu ăn đó, lần này Tây đãi Ta ở nhà hàng danh tiếng có tên trong quyển Guide Michelin của Pháp, niên giám các nhà hàng được thưởng “Sao ẫm thực”.

Cầm menu cho oai chứ cán cộng đâu có rành thức ăn của Tây, cụ cán sống dưới thời Pháp thuộc, nhớ tên văn hào Chateaubriand nên cụ chọn ngay món “Chateaubriand” cho thiên hạ nể mặt.

Đến lúc anh phục vụ đặt dĩa thức ăn trước mặt cụ, cụ mới vỡ lẽ, nhìn trân trân cục thịt bò dày cui nướng cháy xém, ngỡ ngàng chưa biết “xử lý” ra sao.

Thấy cụ bối rối, ông Tây Giấy lanh lẹ giải mã ngay:

- Món này là miếng thịt nằm gần mông con bò thơm ngon được nướng cháy bên ngoài nhưng thịt bên trong mềm mại, ngoài héo trong tươi, món khoái khẩu của khách sàng điệu, rứa là cụ có “gu” ăn uống đấy.

Cụ cười khoái trí, Loan cũng vui lây, thỉnh thoảng cán cộng trúng lô “độc đắc”, đang tá hỏa chưa biết thanh toán cục thịt cháy xém này làm răng, bỗng được ông Tây khen, không sướng mới lạ.

Tàn tiệc ai nấy vui vẻ ra về, Ta ăn uống no say, Tây hoàn tất chuyến du lịch của phái đoàn VN, biên bản các buổi họp, biên lai tổng chi phí ăn ở, đi đứng cho năm người trong ba tuần lễ thư ký của ông kẹ đã lên hồ sơ đầy đủ.

Hai ngày trước khi kết thúc chuyến du lịch, trong buổi họp cuối cùng hai bên ký biên bản tổng kết chuyến đi “tham quan và học hỏi” về kỹ nghệ Giấy của Pháp, xếp cán có một “đề xuất” (đề nghị) bên lề nội dung buổi họp thế này.

Yêu cầu ông Tây chi trả chi phí thuê khách sạn và tiền ăn uống của phái đoàn trong thời ở đây.

Loan ngẩn người chợt hiểu vì sao cả đám trú ngụ ở nhà khách mà không ở khách sạn như ông Tây Giấy nói, đơn giản là chi phí ăn ở tại nhà khách rẻ hơn giá thuê khách sạn và ăn uống ngoài phố.

Đề nghị của xếp thật bài bản, số tiền chênh lệch giữa “giá trong và giá ngoài” là mục đích của những chuyến huấn nghiệp, thực tập, tham quan..., một kiểu làm kinh tế dưới chế độ CS “xưa như Diễm” mà Loan không tài nào nghĩ ra.

Ông Tây gật đầu và hẹn ngày mai sẽ mang tiền đến nhà khách trao lại cho xếp, đến lúc này Loan mới nhớ vì sao cán quản lý nhà khách, ngay từ đầu tuyên bố là phái đoàn sẽ ăn ở tại đây qua cuộc trao đổi với ông Tây ngày đầu ông đưa phái đoàn đến nhà khách.

Sau khi nhận đủ tiền của ông Tây, trưởng đoàn giao cho chị Thu nhiệm vụ thanh toán chi phí ăn ở của nhóm với cán quản lý nhà khách.

Chị bảo Loan cùng đi với chị đến phòng quản lý cho có “khí thế”, chị mở lời:

- Ngày mai bọn em về nước, em xin thanh toán chi phí ăn ở trong thời gian vừa qua.

Anh quản lý mở sổ tay, đọc vanh vách, tiền phòng, tiền mua bán vài thứ lặt vặt, tiền ăn của năm mạng nhân lên chừng đó ngày ra chừng này tiền.

Chị Thu chơi lại điệp khúc ngoài phi trường Tân Sơn Nhất ba tuần trước:

- Anh thương bọn em, cả đời bọn em đi Tây có một lần, anh bớt gía cho bọn em nhờ.

Tía má ơi, chuyến này Loan bị dính chấu, lần trước ngoài phi trường chị Thu nài nỉ vì mấy trăm đô dằn bóp của riêng chị, Loan vô can, giờ thì cô em nằm trong quân số “ăn mày” tập thể rồi.

Cán quản lý im re lật ngược lật xuôi mấy trang giấy nghe sột soạt, làm tính cộng trừ chi đó, thời gian như ngừng trôi, Loan quê lắm cứ hết nhìn trần nhà đến cửa sổ cho bớt ngượng.

Tiếng chị Thu như kéo mọi người về thực tế, giọng thểu nảo:

- Anh giúp bọn em lần này anh nhé.

Quản lý lên tiếng:

- Nể tình các đồng chí lần đầu sang đây, tôi bớt…

Hú hồn, chuyện mặc cả vừa ngả ngũ, chị Thu vui vẻ móc tiền chung cho cán, Loan sốt ruột chỉ muốn chuồn khỏi nơi đây cho bớt xấu hổ.

Chiều hôm đó sau giờ cơm, bên tách trà nóng cả nhóm họp tổng kết chuyến du lịch, kết quả đi đứng ăn chơi được đánh giá chỉ vỏn vẹn một tĩnh từ “tốt”.

Nhưng cái “tốt” ngon lành nhất, ăn tiền nhất là “tiền công tác phí”, mỗi người bỏ túi hơn ngàn francs, nhờ ăn ở nhà khách rẻ hơn khách sạn và nhà hàng ngoài phố.

Cộng với 100 đô được đổi giá chính thức xếp vừa trao lại cho mọi người, chuyến đi Tây này coi như “phe ta toàn thắng”, hơn một ngàn francs dằn bóp ghé Thái Lan mua hàng “làm kinh tế”.

Chuyện đi Tây, đi “nước ngoài”, bất kể xứ nào ngoài VN được cán cộng tranh thủ đi buôn như mua nồi niêu soon chảo…ở các nước XHCN mang về VN kiếm lời cải thiện kinh tế.

«Cả đời bọn em đi Tây có một lần”, câu thần chú này thiệt tình “khuấy động lòng tà”.

Hình như ông Tây Giấy cũng hiểu chuyện đi Tây quan trọng như điệp khúc chị Thu hát hoài không mệt mỏi, từ phi trường TSN đến nhà khách của VC ở Paris, nên lão đành chìa năm vé mời để được yên thân khi ký giấy bàn giao Công Trình cho chính phủ VN.

Chuyến đi Tây khép lại với nắm bạc trong tay, hàng hóa ngoại đầy áp vali, dù Paris có là thành phố du lịch nổi tiếng thế giới cũng không sánh bằng mớ tiền lời kiếm được từ chuyến đi này.

*

Ngoài Loan, tôi và những ai từng làm thông ngôn cho cán cộng, mấy ai thấu hiếu nỗi lòng dân Mỹ Ngụy, “Bên thua cuộc” chúng tôi khi đi đứng, làm việc với đối tác Phương Tây, ngán ngẫm cung cách “duy vật” vặt vãnh của cán cộng, “Bên thắng cuộc” đã hạ thấp nhân cách công dân VN đến tội nghiệp.

Bốn mươi hai năm sau ngày Sàigòn bị đổi tên, công dân VN còn thảm hại hơn chúng tôi thập niên tám mươi, đi du lịch ngoài nước VN bất cứ ở đâu người Việt cũng bị mang tiếng “ăn cắp”.

Thiểu số con em cán cộm noi gương cha anh ăn cắp quen tay trong nước nên họ mới bị bắt quả tang trong các tiệm bán nữ trang, nước hoa… ở ngoại quốc, tệ nạn đó đã sinh ra nhãn hiệu tồi tệ nhất mà người Việt chân chính bị đánh đồng khi bước chân ra khỏi VN.

Nhưng tệ nạn ăn cắp đáng sợ nhất, đau buồn nhất là “ăn cắp đất, biển, rừng, tài nguyên quốc gia” một cách công khai của bọn cầm quyền hiện nay bán sỉ bán lẻ cho bọn Tàu rợ ôm tiền chạy ra ngoại quốc ngồi mát ăn bát vàng.

Chuyến đi Tây của cán cuốc năm xưa làm sao so sánh nổi với “chuyến đi Tây” của cán cộng tư sản đỏ bây giờ.

Với tài sản kếch sù hàng tỷ đô la họ đang “hạ cánh ăn toàn” ở các nước Phương Tây Tự Do, cần gì phải “ăn mày” hơn một ngàn francs như đám cán ngố ngày xưa. Ngẫm lại, thấy tội nghiệp những “cán ngố” thuở nào.

Đoàn Thị

Ý kiến bạn đọc
21/04/201717:35:59
Khách
Cảm ơn độc giả Nguyễn Sàigòn và kimdung đã chia sẻ và thông cảm cho nỗi niềm của dân « Bên thua cuộc ».
Hẹn tái ngộ bác Nguyễn Sàigòn ở trang Biển Khơi số tới.
20/04/201723:16:17
Khách
Bài viết thật tỉ mỉ và hay lắm! Bọn cán cộng đi đâu cũng mở miệng xin xỏ. Nhớ ngày xưa có lúc tôi cũng phải làm thông dịch cho một cán cộng ở trường nhạc Hanoi. Lão này làm cho mình phát xấu hổ lên được vì gặp bất cứ một giáo sư nhạc người ngoại quốc là mở miệng xin cho nhạc viện Hanoi một cái đàn pianô hiệu Steinway !
Trời thần đất quỉ ơi. Một cái đàn tốt cả trăm ngàn dola mà lão tưởng là bạc cắc hay sao vậy? Tui ngượng quá, nhất định không chịu dịch mà chỉ nói lan man quá chuyện khác thôi....
20/04/201721:25:20
Khách
Tui đã đọc rất nhiều bài của tác giả Đoàn Thị , nhất là loạt bài viết về "công ty giấy Tân Mai Biên Hòa ở web Biễn Khơi . Rất thích cũng như muốn hiễu muốn biết thêm một góc khuất của những "học sinh trường Đầm" sống và làm việc (chữ VC) trong khoảng đời tăm tối trên quê hương . Những thông dịch viên bất đắc dĩ cho bọn Bắc cộng . Những âm thầm tủi nhục , những nhẫn nại của người dân khi nươc mất nhà tan . Trong khoảng 4 năm đầu tiên sau ngày thất trận nhục nhả ê chề đang tù cải tạo . Ra tù là dzọt nên không hiễu hết những đau đớn nhục nhằn của người dân VNCH dưới sự cai trị của bọn Bắc cộng . Loạt bài về nhà máy giấy Tân Mai : công việc và đời sống giúp tui hiễu được phần nào cuộc đời của người dân mất nước . Nghĩ lại phần mình có trách nhiệm trong việc mất nước đó .
Anh Chon NGuyễn sẽ phán rằng tui đang nịnh hót tác giả Đoàn Thị .( Khà khà khà ) Tác giả có bài hay cũng có bài không hay lắm nhưng khi thấy tên tác giả Đoàn Thị thì tui cũng ghé vào để đọc
17/04/201709:12:02
Khách
Chào độc giả Lê Như Đức, Ba gia vn, Nguoinhaque và bạn WoWang,
Cảm ơn góp ý của độc giả, khen hay chê đều là món quà tinh thần giúp người viết « gọt dũa » tay nghề.
Cảm ơn bạn WW nhắc nhở, đáng lý tác giả phải viết chữ « Tất tầng tật » trong ngoặc kép như thế này để phân biệt chữ nghĩa của VNCH không tối nghĩa như VC.
16/04/201723:04:51
Khách
Hello chị Đoàn Thị,

Bài viết của chị hay lắm và khi WW đọc thì buuồn vui lẫn lộn. Vui vì những cái chị tả mấy tên cán ngố, cón buồn là do chữ Việt thanh tao, trong sáng đáng yêu của chúng ta thời VNCH, nay đã bị lũ rừng rú việt cộng làm thui chột, nghèo nàn và nghe cụt cỡn làm sao đâu!
Ô mà WW thấy hình như chị cũng bị nhiễm chữ của việt cộng đó nhen. CHữ tất tần tật đó. :)

Thân ái

WW
16/04/201710:08:54
Khách
Bài viết đọc không nổi, quá dài dòng, không mạch lạc do chủ yếu nói về cái tôi quá nhiều!
15/04/201723:42:34
Khách
Bai viet qua hay
15/04/201720:16:04
Khách
Tiền bán thế kỷ thứ 18, văn học Việt Nam có nữ sĩ họ Đoàn tên Thị Điểm với trứ tác Chinh Phụ Ngâm Khúc nói lên nỗi cô liêu, buồn tủi của người thiếu phụ phải xa chồng chinh chiến phò vua giúp nước.
Tiền bán thế kỷ thứ 21, Paris, đất Pháp, trời Tây có văn nhân Đoàn Thị đã điểm huyệt ngu của bọn cộng nô thường vỗ ngực tự xưng anh hùng nhưng chuyên trộm cắp và hèn hạ bán nước.
Xin được khiêm nhượng nhắc khéo cho độc giả lẫn tác giả biết Hồng Hà Nữ Sĩ vốn họ Lê văn hay chữ tốt của quê tôi năm xưa. Hì hì !
15/04/201705:15:11
Khách
Cảm ơn độc giả :Tuy Nguyen, Nguyen Thi Thu và Khach đã đọc bài và để lại cảm tưởng.
13/04/201718:26:12
Khách
Nhờ bài viết này của cô Doàn Thị mà chúng ta mới thấy được "Đỉnh cao của trí tuệ " đến đâu ?. đúng vậy ! bài viết hay lắm.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,006,443
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.
Nhạc sĩ Cung Tiến