Hôm nay,  

Đêm Ở Canton

21/02/201600:00:00(Xem: 13231)
Tác giả: Nguyễn Văn
Bài số 3758-17-30258vb8022116

Với cách viết tinh tế, Nguyễn Văn đã nhận giải Tác Giả Việt Báo Viết Về Nước Mỹ 2012. Ông sinh năm 1965, quê ở Phú Yên; Vượt biển năm 1988, hiện là cư dân Chicago.

* * *

1.

Tôi đến Canton vào một chiều tháng Bảy. Cái thị trấn nằm cách thành phố Detroit hơn ba mươi dặm lái xe về hướng Tây này trông thật bệ rạc. Khi nền kỹ nghệ xe hơi tuột dốc, không những Detroit lâm vào cảnh phá sản, những thành phố lân cận cũng lao đao theo. Giới giàu có bắt đầu rời bỏ khu phố, tìm nơi tốt hơn để sinh cơ lập nghiệp. Kẻ nghèo cố bám lại chốn cũ, sống lây lất qua ngày. Những khu nhà xưởng nằm trống huơ trống hoắc. Những con đường ngập ngụa rác rến không ai quét dọn. Vùng đất này đã qua rồi thời thịnh vượng, trở thành bộ mặt xác xơ không còn chút sinh khí. Tôi thầm rủa mình đã nổi cơn ngông, lái xe hơn năm giờ đồng hồ để cuối cùng lại mò đến một chỗ như thế.

Tôi dừng xe, ghé vào một cửa hiệu chuyên bán thức ăn làm sẵn trên đường Cherry Hill. Tay chủ tiệm người da đen đứng uể oải lên khỏi chiếc ghế sau góc quầy, mặt mũi trông nhàu nát như vừa bị đánh thức khỏi cơn mơ chưa đẫy giấc. Hắn đưa mắt nhìn người khách đặt chai nước lọc và cái hot dog lên chỗ quầy tính tiền.

"Mua thêm vài món nữa đi. Hôm nay tiệm giảm giá ba mươi phần trăm."

"Thôi. Cảm ơn."

Chút vui vẻ vừa thoáng lên trên khuôn mặt ngái ngủ bỗng tắt ngấm. Hắn chợt nhận ra người khách trước mặt có dáng của thứ mạt rệp. Tôi đưa chiếc hot dog lên miệng lúc đứng chờ tính tiền. Cái bánh dai như đùi con gà chết già. Thiếu chút nữa tôi đã bật ra tiếng chửi thề.

"Đồ giảm giá mà!" Tay chủ tiệm vừa thối lại mớ đồng xu, nhìn tôi cười hềnh hệch. "Nhớ đến lần sau nhé!"

Tôi chuồn ra khỏi cửa, ném luôn nửa chiếc hot dog đang ăn dở vào thùng rác bên lề đường, dù đang cơn thất nghiệp.

Công việc ở hãng cơ khí tôi làm không mấy phát đạt. Các mẫu thiết kế của chúng tôi liên tục bị khách hàng trả lại. Những đơn đặt hàng ngày một ít dần. Bọn nhân viên văn phòng cứ cà phê tán gẫu suốt ngày, chẳng làm ăn gì. Dưới phân xưởng còn tệ hơn, đám công nhân vừa làm vừa ngủ. Cứ cách vài ba hôm lại có một cuộc họp, đủ thứ ý kiến được đưa ra để vực dậy tình trạng sa sút của công ty nhưng chẳng đi tới đâu. Cuối cùng, tay giám đốc hãng phải từ chức. Lão Dan Ross ấy chẳng có tài cán gì, mọi người nói vậy. Xuất thân từ một kỹ sư thiết kế, Dan đã gắn bó với công việc gần hai mươi năm và ngoi dần lên vị trí hiện tại. Ngày Dan mới vào làm, hãng có chừng trăm nhân viên. Bây giờ con số đã lên tới gần nghìn người, chi nhánh mở ra đến ba tiểu bang. Đời thật lên voi xuống chó. Tay giám đốc mới tên John Weiss, đến từ New York. Thật ra tôi cũng chưa gặp, chỉ nghe mấy tay ác mồm bảo hắn có khuôn mặt của loài khỉ. John về được hai tuần, gần trăm nhân viên của hãng bị sa thải. Buồn thay, tôi lại là một trong số đó.

Vừa lãnh cú thất nghiệp là tôi gặp lại Tiến. Thật tình tôi đã quên bẵng mình từng có người bạn như hắn. Gặp nhau trong một show nhạc rock, Tiến nói hắn về Chicago thăm người thân. Hôm ấy Tiến đi cùng một người đàn bà mập ú, có vẻ là dân gốc Caribe. Cynthia, bạn gái mình. Hắn giới thiệu với tôi như vậy. Hắn còn rủ tôi lên chỗ hắn chơi.

"Để mình sắp xếp... "

"Sắp xếp khỉ gì! Ông và tui đang thất nghiệp. Rảnh chán. Để tui đưa ông địa chỉ nhà ở Canton."

"Ở đâu?"

"Canton."

"Canton?"

"Ông sao thế? Ngay cả Canton mà cũng không biết..."

Nghe hắn nói, tôi ngỡ mình sống quá lâu trong chiếc hộp.

2.

Nhà Tiến nằm ở vùng ngoại ô. Mũi tên trong máy GPS hết chỉ sang phải rồi rẽ trái, đường lòng vòng đến phát sốt.

Lúc tôi đến, Tiến đang đứng hút thuốc trên bực thềm, trước một ngôi nhà gỗ tồi tàn. Gần bên lối vào nhà để xe, hộp thư cắm xiêu quẹo trên thanh sắt ghi địa chỉ đã tróc hết nước sơn. Cỏ mọc héo úa trên khoảnh sân nhỏ phía trước. Có vẻ đã lâu chúng chưa được tưới giọt nước nào. Tiến mặc quần sọt, áo thun ngắn tay màu trắng, phía trước ngực in hình một ca sĩ nhạc rock nào đó tóc tai dựng đứng trông rất kỳ dị. Nhìn bộ dạng hắn cũng chẳng khác tay trong tấm hình là mấy.

"Lái xe vào garage luôn đi!" Hắn cười toe toét.

Một con chó to lớn, lông màu hung, nhảy vọt ra khỏi khung cửa chính.

"Dừng lại. Đồ khốn! Dừng lại!" Tiến thét về phía con vật.

Con chó sủa lên vài tiếng, xong nhảy vọt trở lại vào trong nhà. Tôi mở cửa xe bước ra, không quên mang theo những thứ đã mua làm quà cho Tiến.

"Ông đến là vui rồi. Quà cáp làm gì." Hắn nói.

"Chỉ là chai rượu và ít trái cây."

Con chó đứng gầm gừ nơi khung cửa, giương đôi mắt không chút thân thiện nhìn người khách. Cái thứ khốn ấy như đang chờ dịp để nhảy bổ vào tôi.

"Chó nhà ông dữ quá."

"Không phải chó mình đâu, của bên hàng xóm ấy. Họ dọn nhà đi không mang nó theo. Mình thấy tội nên đem về nuôi." Vừa nói, Tiến vừa chìa về phía tôi gói Camel. "Làm một điếu đi!"

"Sao ông đi chậm thế?" Hắn hỏi.

"Mình vừa đi vừa ngắm cảnh... "

"Thế, ông thấy chỗ thằng này ra sao?"

Cả hai đứng trước nhà đốt thuốc, phun khói mù mịt. Nắng bắt đầu nhạt dần trên tàng cây bên đường. Căn nhà phía đối diện cửa đóng im ỉm. Lũ chim sẻ đậu trên dãy hàng rào xiêu quẹo phía trước tranh nhau kêu ríu rít. Gần cuối đường, có hai vợ chồng già nắm tay nhau bước trên lối đi mọc đầy cỏ dại. Một chiếc xe hơi cũ nằm hoang phế trong garage đổ nát sau đám cây thưa gần chỗ khúc quẹo ở ngã tư. Tiếng chó sủa văng vẳng đâu đó. Gió thổi từng chặp, cuốn đám lá khô, giấy báo quảng cáo bay xao xác xuống lòng đường.

"Chỗ của ông hơi buồn... "

"Thì hẳn rồi. Bây giờ chỗ nào chả buồn. Vào nhà thôi."

Cynthia xuất hiện trước cửa. Mặt cô nàng nhễ nhại mồ hôi, trông cứ như vừa chui ra khỏi bếp.


"Cynthia, đây là bạn anh. Em đã gặp anh ấy một lần hôm đi xem nhạc, nhớ không?" Tiến nói với người bạn gái.

"Hello."

"Hi." Tôi chào.

Cynthia nhìn chai rượu trên tay Tiến. Ánh mắt cô ta như đang nói, bạn anh cũng chỉ là thứ say sưa thôi!

Chúng tôi ngồi bên chiếc bàn gỗ phía sau nhà. Lúc ấy khoảng tám giờ tối. Nắng vẫn còn chiếu le lói xuống khoảng vườn. Ngày mùa hè thường kéo dài đến mệt mỏi. Tiến giới thiệu mấy món do Cynthia làm. Một đĩa thịt hun khói. Mì ống trộn nước sốt cà với thịt bằm. Bánh mì cắt lát. Rau sống các loại. Hai chai vang đỏ.

"Ông cứ tự nhiên như ở nhà, đừng ngại." Tiến nói.

Hắn khui chai vang đầu tiên, rót ra ba chiếc ly. Nước rượu đỏ bầm như màu máu. Những kẻ phiêu bạt đến chán chường như Tiến và tôi, thật ra chẳng còn điều gì để mà ngại ngần nữa. Có vẻ như Tiến đang nói với Cynthia. Dưới chân bàn, con chó ngồi há miệng thở dốc như bị hụt hơi, lưỡi của nó thò ra giữa hai chiếc răng nanh nhọn hoắt, trông cứ rờn rợn thế nào.

"Để mình mở chút nhạc cho vui. Ông thích nghe gì?"

"Gì cũng được."

Hắn gõ vào chiếc laptop. Giọng một nam ca sĩ nào đó cất lên. Tiếng hát khá ấm, phóng khoáng đến hoang dại.

"... whoa... hớ hơ...hờ
Hú a... à...
một mình lang thang
trên đất này
theo dấu chân cha ông
từng ngày
một mình qua sông
qua núi đồi
tìm mặt trời
và tìm lời ru
ngàn đời

... Tôi như con chim
lạc bầy trên đồi cao
tôi như con thú hoang
lang thang trong rừng sâu
như dòng sông khao khát lời
như hạt mưa khao khát lời

Nữ thần mặt trời
nữ thần mặt trời
tôi đi tìm em... "

(Đi tìm lời ru nữ thần mặt trời. Nhạc Y Phôn.)

Cynthia nói thứ bọn tôi đang nghe giống nhạc người da đỏ. Tiến nghe xong, chỉ cười. Tôi chưa nghe nhạc người da đỏ bao giờ nên chẳng biết thế nào.

"Mình nhớ hồi đó ông mê cải lương mà?" Tôi hỏi.

"Không hiểu sao, giờ chẳng thích nữa. Chắc mất gốc rồi!"

Nói xong, Tiến thở dài. Tôi đưa chiếc nĩa cắm lát thịt hun khói vào miệng. Miếng thịt bỗng nhạt thếch nơi đầu lưỡi. Tôi tự hỏi mình có phải là kẻ mất gốc không. Mẹ tôi thường bảo, về quê thôi con ạ. Bôn ba xứ người làm gì. Buồn lắm.

Tiến ngồi đưa mắt nhìn mông lung ra khoảnh vườn. Trăng bắt đầu nhô lên phía sau những tàng cây rậm rịt, tròn vạnh. Ánh sáng phủ xuống cảnh vật một thứ màu bàng bạc, dịu dàng.

"Đã lâu mình không có dịp ngồi ngắm trăng thế này." Tôi nói.

"Đúng là bọn thành phố." Tiến cười.

Cynthia bắt đầu thu dọn bàn ăn. Tiến đem ra mấy chai bia từ chiếc tủ lạnh ở nhà bếp.

"Đừng uống nữa, anh!" Cynthia nói với hắn.

"Lâu lâu anh cũng nên say một lần, bà già ạ." Tiến đáp.

Cynthia bỏ vào trong nhà, chỉ còn Tiến với tôi ngồi lại.

3.

Chúng tôi bắt đầu kể về những kỷ niệm cũ, về những người bạn chung của hai đứa lúc còn đi học. Ngày ấy Tiến học rất giỏi. Hắn lại có số đào hoa. Đám con gái cùng lớp bu theo hắn như đang phát rồ. Khi hết chương trình hai năm ở Truman College, Tiến theo học ngành vi tính ở UIC. Vừa ra trường, Tiến có ngay việc làm ở tiểu bang Michigan. Kể từ đó chúng tôi không gặp lại nhau nữa. Tôi cứ nghĩ Tiến sẽ cưới một trong những cô bạn hắn quen hồi còn ở Chicago, trong khi hắn đang sống với người bạn gái tôi chưa hề biết mặt, cũng chẳng có chút ấn tượng nào. Những cô bạn từng yêu hắn giờ ở đâu? Những cô gái ngày xưa ấy?

"Đã hơn hai mươi năm rồi, vậy mà mình cứ ngỡ vừa mới hôm qua. Thời gian đi nhanh quá!" Tiến lại thở dài.

"Ông còn giữ liên lạc với đám bạn cũ không?" Tôi hỏi hắn.

"Không. Thỉnh thoảng có thấy họ trên facebook. Chỉ toàn thấy khoe nhà cao cửa rộng, vợ đẹp con xinh, lương cao chức lớn. Chán! Mình chẳng muốn liên lạc."

"Sao nghe nói ông ra trường vớ được công việc tốt lắm?"

"Lúc đầu là thế. Nhưng cũng chỉ được vài năm thì mình gặp tai nạn xe hơi, phải nghỉ làm đến giờ."

"Ồ!... "

"Bị chấn thương cột sống. Nằm viện gần ba tháng trời. Bạn bè thân nghe tin, lúc đầu cũng có điện thoại hỏi thăm. Sau thưa dần, rồi hết hẳn."

"Không ngờ ông trải qua nhiều chuyện như vậy." Tôi nhìn Tiến áy náy.

Cynthia mở cửa bước đến chỗ Tiến đang ngồi, bảo chúng tôi nên đi nghỉ sớm. Tóc cô nàng ướt nhẹp như vừa bước ra khỏi nhà tắm

"Để bọn anh ngồi thêm chút nữa. Em ngủ sớm, mai còn đi làm. Có thể tụi anh sẽ ngủ ngoài này cho mát."

Cynthia nghe xong, mặt không buồn, cũng chẳng vui. Cô mở cửa bước vào nhà. Ánh đèn duy nhất ở phòng khách chợt tắt. Căn nhà chìm vào bóng đêm, tịch mịch.

Tiến kể, hắn quen Cynthia từ ngày bị tai nạn. Lúc ấy Cynthia là y tá trong bệnh viện nơi hắn điều trị. Tiến còn nói, chính Cynthia là người giúp hắn đứng dậy trong tuyệt vọng. Cả hai sống chung đã mười năm nay nhưng không làm giấy kết hôn, cũng chưa sinh được đứa con nào. Tiến không dấu vẻ tự hào khi nói về người bạn gái.

"Mình cảm ơn ông đã đến thăm tụi này. Thật tình, nhiều bạn bè không thích mình sống với Cynthia. Điều đó khiến Cynthia rất ngại khi gặp bạn bè Việt Nam. Họ xem người Mễ là thứ giống dân thấp kém, và việc phải lấy một cô gái Mexican là điều xúc phạm đến tự ái dân tộc. Rặt một lũ đần độn!" Tiến buột miệng chửi thề.

Tôi ngồi nhìn bâng quơ ra khu vườn. Trăng đã lên đến đỉnh đầu, sáng rỡ. Cảnh vật trước mắt hiện ra trơ trụi như chúng vốn có. Một con sóc chẳng biết từ đâu, phóng lên thân cây chỗ bờ rào. Trong thoáng mắt, con vật đã lao tuốt lên ngọn cây. Nó hướng chiếc mõm nhìn xuống chỗ chúng tôi đang ngồi, vẻ chế giễu.

Chúng tôi lăn ra ngủ trên chiếc ghế bố dưới hàng hiên khi đã quá mệt. Trong cơn mơ, tôi không còn nghe thấy tiếng thở dài của Tiến nữa. Tôi thấy hắn nắm tay Cynthia bước đi trên sắc cầu vồng xa tít. Cả căn nhà hắn đang ở cũng biến mất. Trên khoảnh vườn chỉ còn mình tôi nằm lại, đơn độc dưới ánh trăng đêm.

Nguyễn Văn

Ý kiến bạn đọc
23/02/201618:26:53
Khách
Mình chỉ tạo ra một vết xước trên làn da. Thế mà các vị lại đè con ngơừi ta ra giải phẩu đến tận xương. Đúng là chữ nghĩa các nhà phê bình. Kẻ hèn này thật kính nhi viễn chi rồi. Xin cảm tạ Vô danh và Aoluahadong.
23/02/201618:07:19
Khách
một câu chuyện rất đỗi bình thường, kể về một người bạn đã lâu không gặp của nhân vật xưng tôi, hay chính tác giả. Nhưng bằng cách viết dửng dưng, đôi lúc vô tình, tác giả đã vẻ lại khá thành công bức tranh tả thực về phận người trong thời kinh tế khủng hoảng. Con người trôi dạt vất vưởng. Tình người lạnh nhạt. Chỗ bám víu còn lại duy nhất của nhân gian là tình yêu, dù dị chủng. Hình ảnh Tiến và Cynthia nắm tay nhau bước đi trong sắc cầu vồng, như là cách tác giả muốn giải thoát cho bạn mình khỏi những hơn thiệt, khổ lụy của thế gian, nhưng hình ảnh nhân vật tôi nằm lại một mình đơn dộc trên khoảnh vườn dưới ánh trăng đêm, lại hé mở cho người đọc một bức tranh đau lòng khác...
23/02/201602:21:49
Khách
Câu chuyện bàng bạc một hành trình của những bông cỏ cuốn thành trái cầu, nhẹ lăn từ nơi này đến nơi khác của miền Viễn Tây hoang vu. Buồn. Không cảm xúc. Vô định. Cynthia là một lực hút cuối cùng đễ giữ nhân vật Tiến đậu lại nơi miền đất không tên. Họ hạnh phúc. Thế là đủ. Tác giả đã dành một khoảng nhỏ, để khoanh lại một chiếc cầu vồng của mơ ước, nơi không có hơn thua so bì, không thù hận…Và những bắt chước ngây ngô không có chỗ cho lý trí, cho con tim- mà nhân gian cho là chuẩn mực.
...Không có chuẩn mực- Chỉ có trái tim.
22/02/201623:25:24
Khách
Khen chê vốn dĩ chuyện thường tình, nhưng đọc lời bình của hai vị, mũi không khỏi nở ra đôi chút. Xem ra, để đạt đến "tâm vô nhiễm" như anh/chú Trung Đạo nói vẫn còn xa lắm vậy. Cảm ơn hai vị đã bỏ thời gian đọc và viết lời bình. Chúc một ngày vui.
Văn.
21/02/201623:29:01
Khách
Văn tức là người.
Qua văn của tác giả,biêt ngay là anh là người cô đơn , nhận xét mọi sự vật diễn ra xung quanh 1 cách bàng quan với tâm vô nhiễm, không chấp trước. Chính đó là nét hấp dẫn đặc biệt của tác giả.
21/02/201623:22:12
Khách
Tru ện ngắn này hay lắm
Mong tác giả viết đều để độc giả được thưởng thức .

NguyenTran DieuHuong
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,003,167
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.
Nhạc sĩ Cung Tiến