Hôm nay,  

Tư Ếch Trên Phím Ngà

30/09/201300:00:00(Xem: 79254)
Người viết: Phùng Annie Kim
Bài số 4024-14-29424vb8092913


Tác giả sinh năm1949, định cư tại Mỹ theo diện HO năm 1991. Nghề nghiệp trước 75: dạy học. Công việc làm ở Mỹ: du lịch. Hiện đã hưu trí và là cư dân vùng Little Saigon, Westminster, California. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà năm 2013 là "Kock and Me / Vi trùng lao và Tôi." Sau đây là bài viết thứ sáu của Bà.

* * *

Trong tiếng Việt, khi còn trẻ, tình cảm vợ chồng còn mặn nồng, họ xưng hô với nhau bằng hai chữ tình tứ “anh”, “em”. Khi về già, có lẽ từ khi có cháu nội, ngoại, các cụ đổi “tông”gọi nhau bằng “ông”, “bà” cho nó có vẻ nghiêm túc trước đám cháu đang lớn dần. Có những cặp vợ chồng người Bắc, mượn tiếng gọi của con để gọi nhau làm người nghe lúc đầu thấy lạ tai chẳng hạn như “Bố ơi đưa cho Mẹ tờ báo”, người nghe hiểu rằng bà nhà đang nói với ông nhà. Câu chuyện này là của bà nhà viết về ông. Bà gọi Ông bằng tiếng gọi của con.

Bố nói với mẹ rằng bố về Cali phải đi bác sĩ ngay vì mấy ngón tay đau và tê cứng. Sáng nào cũng vậy, bố tập thể dục trước khi leo xuống giường. Bố ngồi bẻ hai “bàn tay anh năm ngón kiêu sa” kêu … rốp rốp nghe đã lỗ tai. Bẻ xong, bố vung vẩy bàn tay giống như đứa cháu ngoại Jasmine lắc tay, nói với mẹ nó: “hết dồi! hết dồi!”. Kế đó, bố nắm hai bàn tay, mở ra rồi nắm vào như chơi trò dấu viên sỏi chuyển từ bàn tay này sang tay kia với đứa cháu ngọai Dustin làm nó tức mình, nó mách mẹ nó: “Ông quại (ngoại) foul play, Mummy, I can’t get it”.

Trên đây là mấy chiêu bẻ, lắc và nắm, mỗi chiêu bố tập 5 phút. Các chiêu này bố học từ ông bác sĩ bạn bố ngày xưa cùng học chung trường Chu văn An, bây giờ là bác sĩ gia đình của bố. Cách tập này có chút hiệu quả là tay bố bớt tê cứng. Bố vừa đi chơi thăm con gái ở Dallas, có lẽ vì vui với con cháu, bố lười tập, ăn uống bừa bãi, không kiêng khem nên con “gao” tái phát, bố suýt soa kêu đau cả ngày. Về Cali, bố gọi điện thoại đi thăm bạn ngay.

Bố và ông bạn, ngoài việc là thầy thuốc khám bệnh, cho thuốc, có vài lời khuyên bệnh nhân còn là hai ông bạn già gặp nhau tâm sự chuyện đời. Về già, bố có niềm vui đi khám bệnh để thăm bạn.

Ông bác sĩ này rất thích văn nghệ và thể thao. Ông chơi kèn, đánh trống, hát hò, nhảy nhót, tập khí công, chơi tennis và… linh tinh. Ông dụ khị bố:

- Này, ông ở nhà rảnh mà làm gì. Ông học keyboard đi. Mấy ngón tay ông có dịp vận động. Dạo này ông hay quên. Người già chơi nhạc giải trí tốt cho trí nhớ nữa.

Bố xòe mười ngón tay nhăn nhúm, gầy guộc, các sợi gân nổi lên như con… giun, lắc đầu:

- Ông xem mười ngón tay tôi cứng như mười cây…đinh. Ông nhắm tôi nhấn phím nổi không mà ông bảo học keyboard?

Ông bác sĩ cười, gật đầu:

- Ông nghe tôi, cứ nhấn hoài tay nó sẽ mềm ra. Một ngày ông dợt vài tiếng cho tôi. Ông theo chiêu cũ, lúc nào rảnh, ngồi không làm gì, xem như ông vui với mười ngón tay cứ bẻ, lắc, nắm. Nếu ông học keyboard, ông tập thêm một chiêu “nhấn” nữa, thế nào tay ông cũng hết tê cứng. Biết đâu nay mai ông chơi giỏi, có chút nghề, ông lả lướt trên phím đàn, lúc đó ông khỏi cần uống thuốc. Mười ngón tay ông bay bổng như tay…tiên.

Bố nghĩ thầm tay bác sĩ này khoái văn nghệ nên dụ khị mình nhưng sợ phụ lòng tốt của bạn, bố đắn đo:

- Để tôi thử xem. Tuổi tôi bây giờ học keyboard nghe… chướng tai lắm ông ơi! Bàn tay dùi đục của tôi cả ngày cứ…tỏn tỏn, mỗi ngón nhấn một nốt cứ như người bị… táo bón đi cầu…cá tra, ai mà nghe cho nổi!

Ông bạn cười ha hả:

- Từ từ ông sẽ hết…táo bón. Ông đi… “đai-ơ-ri-ơ” (diarrhea) mấy hồi!

Bố về nhà nói với bà về lời đề nghị của ông bạn. Bà có máu văn nghệ nên ủng hộ bố hết mình. Sáng hôm sau bố chở mẹ đến tiệm “ Guitar center” mua một cây keyboard rẻ tiền, mới tinh gần 100$ và một cái chân kê đàn gần 20$. Bố đọc quảng cáo trên báo dạy keyboard miễn phí tại chùa mỗi sáng thứ hai hàng tuần từ 9 giờ sáng đến 12 giờ trưa. Bố gọi điện thoại ghi danh. Tuy là miễn phí nhưng mỗi học viên góp 15$ tượng trưng. Số tiền này dùng để trả tiền điện, nước uống, phụ chút đỉnh cho chùa là 5$, ông thầy còn 10$. Một lớp có khoảng gần 20 học viên nhân cho năm, chia cho 12 tiếng trong tháng, ông thầy dạy chỉ có… 1$ một giờ. Thầy tuyên bố trước lớp: “Tiền bạc không thành vấn đề. Vui là chính”.

Ông thầy đã ngoài 70, tướng tá lụm khụm nhưng coi bộ chịu chơi, trước 1975 là phi công nên tác phong còn phảng phất nét hào hoa và nghệ sĩ tính của một thời oanh liệt. Thầy rất nhiệt tình, có kinh nghiệm dạy cho mấy người già nên mới học hai buổi, bố coi bộ kết lớp học này. Nhờ thầy ôn lại lý thuyết cơ bản về nhạc lý như học xướng âm, thuộc lòng tên các nốt nhạc, phân biệt các nhịp điệu… những kiến thức này bố bỏ quên từ bao nhiêu năm nay vì đi lính, đi học tập cải tạo, lo sinh kế. Học lớp này, bố cảm thấy thích thú và tiến bộ, chỉ mong đến ngày thứ hai…đi chùa.

Thầy chưa dạy thực hành nhưng từ khi có cây đàn, bố lôi ra tự học và tập dượt trên bàn phím một mình. Bố là một học viên siêng năng, thực hành trước ông thầy một bước để vào lớp, hy vọng mười “cây đinh” dẻo dai, mềm mại có thể “lướt” trên phím đàn thay vì “tỏn, tỏn” từng nốt một.

Cuối tuần, thằng con trai về chơi thấy cây keyboard, nó ngạc nhiên hỏi:

- Bố học keyboard hồi nào? “Wow!” Bố chịu chơi thiệt. Nhà có piano sao bố không học mà học keyboard ?

Ông bố được dịp ca ngợi cái keyboard.

- Cái keyboard này hay lắm con ơi! Có “load” nhạc đệm nhiều bài hay và nổi tiếng, đủ các điệu slow, rumba, valse, paso, bebop... cứ theo nó mà giữ nhịp. Nó có đủ âm thanh của tiếng guitar, tiếng kèn, tiếng piano, tiếng sáo, tiếng trống… Mình bấm accord, nó tự động đổi và đệm theo. Keyboard cấu tạo của nó đơn giản và dễ học hơn piano nhiều. Bố có thể mang keyboard vô lớp dễ dàng. Bố mua rẻ lắm con ạ, hiệu Yamaha đàng hoàng. Ông thầy nói tiếng nhạc đệm của loại đàn… “Già mà ham” này hợp với nhạc Việt nam hơn là hiệu Casio v…v…

Thằng con liếc vào bản nhạc ông đang tập đó là bài “Que sera sera” toàn nốt đen. Thằng con ngồi ăn phở, vừa ăn vừa nhìn bố. Bố càng ngày càng …xương xẩu. Trời nóng, bố mới tắm xong, tóc tai dựng đứng, mặc chiếc áo may-ô cũ màu cháo lòng, chiếc quần pyjama xắn lên tận đầu gối, mắt nhìn chăm chăm vào bản nhạc, miệng xướng âm từng nốt “đồ… rê… mì…son…/ mì… son…/ mì… son…” theo nhịp 3/4, năm ngón tay phải của bố vừa gồng vừa nhấn trên phím đàn nghe tỏn tỏn, tay trái bố… quờ quạng bấm accord, âm thanh nghe tiếng có tiếng không. Bố chưa biết sử dụng keyboard nên không “set up” tiếng đệm tự động. Bố tự học mò từng nốt bản nhạc này. Thằng con cười cười:

- Bố đánh đàn con nghe…sốt ruột quá! Chờ mãi… không thấy…nốt!

Mẹ thấy bố ngồi đánh keyboard thật dễ thương như đứa cháu ngoại Jasmine học piano. Bố mê mải không để ý đến lời… chọc quê của thằng con. Mẹ nghĩ thầm đúng như bố nói, giống như người bị …táo bón đi cầu …cá tra! Lời của bản “ Que sera sera”, bố sửa lại, vừa nhấn vừa hát chầm chậm, say sưa theo từng nốt nhạc: “When I was just/ a man/ in class/, I asked/ my teacher/ what should I try/? Should I play guitar/or play keyboard/? she said keyboard/ is better”. Chữ “better” bố xuống giọng nghe như “bè-thờ”, khào khào trong họng.

Thằng con buông đũa, lấy máy bấm vài bức, phóng về Việt nam trong trang facebook “Phùng gia” với dòng chữ minh họa cho bức ảnh độc đáo này: “Tin động trời! Mozart tái xuất giang hồ!”.

Hình ảnh và tin bố Phong học keyboard làm bà con dòng họ “Phùng gia” ở Việt nam ai cũng… giật mình. Ông này từ hồi về làm rể họ Phùng có bao giờ quan tâm đến đàn, nhạc? Thằng con cho mẹ xem một lô các “feedback” từ Việt nam qua bức ảnh. Thằng con gọi bố là “Mozart tái xuất giang hồ”. Chị Tố Uyên có máu hài hước gọi bố là “Tư Ếch trên phím ngà”. Ý này mẹ nghe cũng hợp lắm. Trời nóng, bố ngồi đánh đàn trong tư thế xăn ống quần trên đầu gối để lộ cặp chân gầy khẳng khiu như chân… ếch. Từ nay trở đi bố có “nickname” là “Tư Ếch”.

Nhìn tóc tai bù xù, áo xốc xếch, quần xắn ống thấp ống cao trông bố không khác gì một ông nông dân đi… soi ếch. Cậu Tony lãng mạn đặt cho cái tên “Tiếng co-bi lạc lõng”. Cậu đọc ngược “keyboard” là “co-bi”. Ý cậu muốn nói tiếng đàn của bố ở xứ Mỹ này “lõng” chõng, đi ngược thời gian, không còn thích hợp nữa. Bố già rồi còn đi “lạc” vô thế giới keyboard dành cho đám trẻ làm chi!

Bác Yến thích văn chương, đặt cho bức ảnh cái tên “Âm thanh và cuồng nộ”, “The sound and the wrath” của nhà văn Mỹ William Faukner. Ý bác muốn nói đời sống của người già ở xứ Mỹ chắc là bị stress (!) quá nên bố chơi đàn để giải tỏa những áp lực? Âm thanh tiếng đàn vì thế sẽ sặc mùi… nộ khí. Mẹ thích thơ nên đặt cho bức ảnh cái tên “Một thoáng huy hoàng” lấy ý từ hai câu thơ không nhớ của thi sĩ nào “Thà một chút huy hoàng rồi chợt tắt. Còn hơn buồn le lói suốt năm canh”.

Bố như ngọn đèn không biết “tắt” lúc nào? 73 tuổi rồi còn gì! Giây phút ngồi bên phím đàn là giây phút “huy hoàng” của cuộc đời bố. Bố sống lại với tuổi thơ hồn nhiên thả diều, bắt dế… ở làng Đa ngưu tỉnh Bắc ninh trước chiến tranh. “Còn hơn buồn le lói suốt năm canh”. Cuộc đời bố nghiệm ra có lúc nào “le lói” đâu? Chiến tranh chống Pháp bùng nổ, Việt minh lên nắm chính quyền, bố theo gia đình bỏ hết cơ ngơi chạy loạn từ Thái bình lên Hà nội. Di cư vào Nam, bố lớn lên và trưởng thành trong cuộc nội chiến buồn thảm, đi dạy học rồi đi lính thời đệ nhất Cộng hòa, sau 1975 đi học tập cải tạo.

Trải qua bao nhiêu thăng trầm qua đến Mỹ “cày” cho đến lúc về hưu. “Tư Ếch trên phím ngà” là thời gian hạnh phúc, an nhàn nhất của bố nhờ… “quy mã”. Bố cám ơn hai con rùa “quy” và con ngựa “mã” này, một con chạy thật chậm, một con chạy thật nhanh “cõng” bố… “qua Mỹ” bằng máy bay diện HO. Nhờ vậy, ở lứa tuổi “thất thập cổ lai hy” bảy mươi xưa nay hiếm này, bố được hưởng tiền hưu, ung dung ngồi nhà …tỏn tỏn bài “Que sera sera” cả ngày.

*

Bố khệ nệ ôm cây đàn trong thùng giấy ra xe. Hôm nay là buổi học thứ ba, ông thầy sẽ xuất chiêu dạy cách sử dụng đàn. Bố nôn nao lắm, chưa biết thầy sẽ dạy gì. Có điều bố vững một bụng với bài “Que sera sera” làm bùa, nếu thầy cho tự do chọn bài, bố sẽ tỏn tỏn bằng bài tủ này. Nếu thầy chọn một bài chung cho cả lớp cùng tập, bố không ngán vì đã có kinh nghiệm học thuộc các nốt nhạc ở nhà và luyện “thập dương chỉ” rồi. So với các bạn già trong lớp, tuy học trước quên sau, nhưng dù sao bố cũng chiếm thượng phong đi trước một bước và nắm đuôi ông thầy.

Lớp ghi tên nhiều nhưng rơi rụng như lá mùa thu. Tuần nào cũng có học viên mới nhưng họ chỉ “cưỡi ngựa xem hoa” rồi “chẩu” luôn. Nhìn tới nhìn lui còn lại khoảng 20 mạng chịu đóng tiền là những khuôn mặt có máu văn nghệ còn bám trụ. Bố bắt đầu chán vì có học viên mới, ông thầy dành hơn tiếng đồng hồ ôn lại bài cũ của hai tuần trước.Ông có tật hay nói chuyện tào lao ngoài đời nên thời gian học chẳng còn bao nhiêu. Lớp có khoảng năm người học guitar, vài người học hát, còn lại học keyboard.

Mẹ theo “phò” bố cho ông lên tinh thần nên đăng ký học thanh nhạc và keyboard với lớp cho vui. Cả lớp chỉ có vài người mang đàn. Giờ ra chơi mười phút nhưng các ông bà thích tụm năm tụm ba ở sân chùa cà kê dê ngỗng kéo dài thêm mười phút nữa. Thầy ”vô” đàn được vài bài trong khi các ông bà đứng nghe thì ít, nói chuyện râm ran thì nhiều. Mỗi người nói vài câu chỉ bàn về… cây đàn. Thế là hết giờ. Bố quen tác phong nhà giáo, học ra học, chơi ra chơi nên vô lớp nhạc vừa học vừa chơi này bố có vẻ sốt ruột, không còn hứng thú như lúc đầu.

Bố nhìn đồng hồ, ngồi tính thời gian học hai tiếng rưỡi, thầy ôn bài cũ một tiếng rưỡi, nghỉ giải lao hai mươi phút, còn lại khoảng nữa tiếng bố ngồi …tỏn tỏn một mình. Thầy chẳng có thì giờ dạy cách sử dụng đàn vì đang nói chuyện với hai cô học guitar. Bố than thở với mẹ:

-Tui chán rồi đó bà. Lớp gì mà câu giờ quá. Làm như mấy ông bà đến đây để chơi và tán gẫu chứ không phải học.

Mẹ an ủi bố:

- Bố nhớ lại đi, thầy nói “vui là chính” chứ đâu có nói…học là chính. Thầy nói “tiền bạc không thành vấn đề”. Bố tính thầy dạy một giờ có …một đồng. “Tiền nào của nấy”. Thôi, bố ơi, bố đừng đòi hỏi thêm nữa. Học được… bi nhiêu hay bấy nhiêu.

Tối hôm đó, bố hỏi mẹ:

- Bà mới nấu nồi phở hả? Sáng mai trước khi đi học đàn, bà nấu dùm tui nồi chè được không?

- Được. Ông tính mời ai? Chuyện gì vậy?

- Tui đãi ông thầy, mời ổng về nhà ăn phở, ăn chè. Chỉ có cách này mới học được. Ăn xong, tui hỏi nhạc ổng. Ở lớp không học được gì. Lớp đông, tuần nào cũng có người mới, ôn đi ôn lại bài cũ. Chán lắm!

-À, thì ra ông… hối lộ ông thầy. Đâu mời thử coi. Chắc gì thầy nhận lời.

Tư Ếch dùng chiêu này xem ra đắc dụng. Ông thầy vui vẻ ô-kê liền. Sau một màn chiêu đãi phở, chè, trái cây, trà, bánh hậu hỉ, bố để cây đàn gần đó, bắt đầu xà rà gần cây đàn. Ông thầy chắc có kinh nghiệm cái… mánh này, xáp vô chỉ bố gần hai tiếng đồng hồ cách sử dụng keyboard và hợp âm. Thầy về, bố giơ cao cánh tay, miệng cười toe toét:

- Bà thấy không, “It quớt. It quớt” (works) Bữa nay tui học ông thầy nhiều món lắm bà. Tui biết sử dụng keyboard rồi.

Bà vui theo tiếng cười của ông:

- Kể ra ông cũng biết biến báo. “Tiền…xơi, hậu…học”. Ăn trước học sau.Ông coi phim Tàu nhiều quá ảnh hưởng truyền thống “tiên học lễ, hậu học văn” của… chú Ba. “Lễ” ở đây là… chầu phở cây nhà lá vườn của tui đó.

Theo bài bản của thầy, ông ráp phần tự học mò các nốt bên tay phải với phần hòa âm của đàn bên tay trái. Thầy dạy hợp âm đô trưởng trúng với bài “Que sera sera”. Bố siêng lắm, mỗi ngày bố dợt ít nhất một tiếng mà sao bố đánh cứ sai nốt hoài. Mỗi lần bố dợt đàn là mỗi lần bà đóng cửa, ra làm vườn để đừng nghe tiếng đàn “táo bón” của bố.

Cuối tuần, bố cười xởi lởi:

- Tuần này bà nấu bún bò nha.

- Ông tính gì nữa đây? Hối lộ ông thầy nữa hả? No! No! Khoan khoan ông ơi, ông làm lia chia vậy tôi thấy …kỳ! Để bữa khác. Ông sao nôn quá! Học vui là chính mà ông lúc nào cũng muốn chạy đua với thời gian. Ông về hưu, là triệu phú thời gian ông còn nóng vội cái nổi gì!

Bố mặt mày tiu nghỉu. Sáng thứ hai, bố đến lớp không còn hăng hái như mấy hôm trước. Thấy có thêm vài học viên mới, bố chép miệng:

- Bà xem, ông thầy ôn bài cũ nữa. Tui thuộc hết phần lý thuyết này rồi. Cứ dấu tròn không đuôi 4 nhịp, dấu tròn có đuôi 2 nhịp, dấu đen có đuôi 1 nhịp, dấu móc…ôn đi ôn lại, chán quá bà!

Bà lại động viên tinh thần bố:

- Từ từ ông ơi, thế nào hôm nay thầy cũng dạy bài. Một tháng học lý thuyết tui nghĩ đủ rồi. Ông thầy dạy có một giờ…1 đồng. Thôi ông kiên nhẫn. Chờ coi!

Bà đoán đúng y bong. Sau khi dạy lý thuyết khoảng một tiếng cho những học viên mới, Thầy phát cho mỗi học viên bản nhạc “Thoi tơ” làm bố nhà ta hí hửng, mặt mày tươi rói. Thầy…“dô” bài rồi. Thầy bật …đèn xanh cho tập bài “Thoi tơ”. Niềm vui này của bố chỉ có bà biết.

Trong số các học viên chỉ có bố và anh Liêm một ông bạn già lấy tập ra ghi chép, số còn lại nghe rồi… bỏ qua. Đến khi họ bí bèn hỏi Thầy. Thầy bận, họ sang qua hỏi bố. “Học thầy không tày học bạn”, bố hóa ra thành phụ đạo cho ông thầy. Chung quanh bố lúc nào cũng có các học viên nhờ bố chỉ dẫn cách sử dụng keyboard và lý thuyết. Ngoài chị Ly Ly là đệ tử ruột của thầy, “Tư Ếch” trở thành nhân vật số ba sau ông thầy và chị Ly Ly. Ông thầy có vẻ khoái chí vì có thêm đệ tử ruột rất “ngoan”.

Với chức vụ không bầu mà “ăn cơm nhà vác ngà voi”, muốn giúp thầy, bố phải nắm vững lý thuyết để kèm các học viên mới. Đây là sở trường của bố. Bố chăm học lắm, ghi chép cẩn thận, chịu khó dơ tay hỏi, hôm nào cũng đi sớm về trễ, sắp xếp bàn ghế, ngồi bàn đầu, lúc nào cũng bận rộn giúp đỡ bạn bè.

Thầy giảng cho cả lớp thế nào là âm nhạc. Âm nhạc là sự sắp xếp các âm thanh để diễn tả tình cảm. Các âm thanh này được gọi là ký âm gồm 7 nốt do, re, mi, fa, sol, la, si, ký hiệu của nó hay gọi “code” là các mẫu tự C(do), D (re), E (mi), F (fa), G (sol), A (la), B (si). Thầy yêu cầu các học viên phải nắm vững giá trị và ý nghĩa của các dấu tròn, trắng, đen, móc, lặng, chấm đen, trong âm nhạc, thế nào là trường canh, phân biệt âm trưởng (major) và thứ (minor), các nốt thăng (diese), giảm (bemol) cách nhìn “tông” chính của bản nhạc, cách tính nhịp 2/4 như điệu slow, paso, 3/4 như điệu valse, boston, 4/4 như rumba, bolero… Học viên phải biết xướng âm các nốt trên khuôn nhạc và trên phím đàn, phải thuộc lòng các hợp âm “chord” gồm 3 nốt, 1 chính (root) và 2 phụ trên phím đàn như hợp âm “do-mi-sol”, “re-fa-la”, “sol-si-re”, “fa-la-do”…

Sau khi phân tích về mặt lý thuyết, thầy đi vào thực hành bài “Thoi tơ”. Thầy lưu ý các học viên tập lắng nghe và đếm nhịp dựa vào các nốt tròn trắng 4 nhịp, tròn trắng có đuôi 2 nhịp, đen 1 nhịp, đen có móc ½ nhịp…. Ngồi trước phím đàn, thầy chơi bài “Thoi tơ” lả lướt: “Anh lo gì trời gió/ Anh lo gì trời mưa/ Anh lo gì mùa hè/ Anh tiếc gì mùa thu…”.

Mỗi lần thầy “son/ son/ mì/ son/mí…” Thầy kéo một hơi 5 nốt từ nốt “son” lên cao đến “mí” nghe… đã tai lắm làm các học viên ai cũng “mê ly đời ta” vì âm điệu du dương, nhẹ nhàng, lên bổng xuống trầm của bản nhạc.

Đây là lớp học “tả pí lù” phối hợp 3 món ăn chơi keyboard, guitar và thanh nhạc nên thầy dạy luôn cho cả lớp tập hát bằng xướng âm các nốt trước rồi hát lời sau.

“Thoi Tơ” là thơ Nguyễn Bính, thơ từ trước thời chiến tranh chống Pháp. Nhạc phổ là do nhạc sĩ Đức Quỳnh -một nhạc sỉ Bắc kỳ di cư ở Sàigon - Thơ và nhạc sao mà lãng mạn thế! Hình ảnh “Thơ anh làm em hát/ Tơ em dệt anh may”, cả hai cùng “Ta xây đời bằng mộng/ Như tiếng dệt con thoi”. “Thoi tơ” là cuộc sống êm đềm, thanh bình, là tuổi trẻ thơ ngây, lạc quan đầy mộng mơ và hạnh phúc của đôi trai gái: “Ta cứ yêu đời đi/ Như lúc ta còn thơ/ Và để anh làm thơ/ Và để em dệt tơ”.

Các học viên trong lớp học này ở lứa tuổi ngoài 60, ai cũng biết bản nhạc nổi tiếng này nên khi thầy đệm đàn, cả lớp hát thật đều và đúng nhịp. Đến nốt nhạc “đô” cuối cùng, những tràng pháo tay nổ râm ran và tiếng “bis”, “bis” vang lên đầy khí thế. Thừa thắng xông lên, thầy cảm hứng đệm tiếp, cả lớp bắt đúng nhịp, hát lại một lần nữa. Tiếng vỗ tay rần rần, mặt mày ai cũng hỉ hả, khoái trá vì âm nhạc làm cho tâm hồn già cỗi của các cụ “senior” nhà ta như sống lại và bừng lên một niềm vui khó tả.


Đồng hồ chỉ hơn 12 giờ. Mọi người nhìn nhau lưu luyến. Tư Ếch giúp thầy dọn dẹp bàn ghế và đồ nghề. Dư âm của bản nhạc còn đọng lại trong tâm tư mỗi người. Ai cũng hẹn đi …chùa vào thứ hai tuần tới. “Tơ dệt xong may áo/ Áo anh và áo em/ Thiếu tơ nàng xe thêm/ Thơ anh làm em hát/ Tơ em dệt anh may/ Ta xây đời bằng mộng/ Như tiếng rập con thoi…”

Bác Tư Ếch mặt mày hí ha hí hửng, vừa khiêng đàn ra xe, vừa hát lầm thầm trong miệng suốt con đường về nhà. Niềm vui này chỉ có bà biết. Sắp tới “Tư Ếch trên phím ngà” sẽ… tỏn tỏn cả ngày cho xem và bà sẽ ra ngoài làm vườn hay ra garage dọn dẹp.

Trẻ con học nhạc rất nhanh vì ngón tay các cháu mềm, đầu óc các cháu trong sáng, rỗng rang, trí nhớ tốt, các tế bào thần kinh vận động nhạy bén. Đối với người già, khi nhớ khi quên, mười ngón tay càng ngày càng cứng. Nếu bị bệnh “gao”, các ngón có khi tê không còn cảm giác cho nên Tư Ếch học keyboard phải “mò” từng nốt trên bàn phím, cho dù có luyện công phu “thập dương chỉ” đi nữa cũng khó mà lả lướt được.

Người già, các nơ-ron của mạng lưới thần kinh vận động điều khiển và chuyển các tín hiệu chậm chạp. Muốn nhấn một nốt nhạc, chẳng hạn nốt “do” phải qua ba bước. Trước hết bộ nhớ phải thuộc lòng nốt “do”, hình dáng nó là một nốt đen có cái que xuyên ngang nằm ở vị trí cuối cùng dưới khuôn nhạc. Mắt nhận diện được nốt ”do” trên khuôn nhạc, các nơ-ron sẽ dẫn tín hiệu vị trí nốt “do” trên bàn phím nằm ở đâu. Nhìn trên bàn phím thấy một hàng phím đen, một hàng phím trắng, nốt nào cũng màu trắng giống nhau rất khó phân biệt. Phải học thuộc lòng vị trí các nốt. Thôi thì bắt chước Tư Ếch cắt một miếng giấy nhỏ ghi chữ “do” dán lên trên bàn phím để đỡ mắt công …tính và tìm. Bấy giờ thần kinh vận động sẽ ra tín hiệu dùng ngón trỏ bấm trên bàn phím nốt “do”. Âm thanh nốt “do” vang lên. Thế là công đoạn của một nốt “do” thành hình từ trên khuôn nhạc xuống phím đàn. Đó là lý do tại sao thằng con nói “Bố đánh đàn nghe sốt ruột quá! Chờ mãi không thấy… nốt”. Đó cũng là lý do tại sao bố nói tiếng đàn của bố “tỏn …tỏn như bị táo bón đi cầu …cá tra”.

Các nốt giống như chữ, nhiều chữ ghép lại thành câu, nhiều câu mới thành bài. Các nốt cũng thế, nốt nọ liền với nốt kia thành một đoạn, nhiều đoạn kết hợp với nhau thành bản nhạc. Các nốt nhạc của Tư Ếch cứ…chờ nhau mãi mới thành một đoạn. Một bản nhạc gồm có nhiều đoạn. Chờ bao nhiêu đoạn mới chơi thành bản nhạc?

Tư Ếch biết mình biết ta nên kiên trì luyện “thập dương chỉ” may ra quen tay, quen mắt, các nốt sẽ từ từ… vang lên liên tục, bản nhạc sẽ có âm điệu hơn. Đó là chưa kể mắt nhìn nốt nhạc, ngón tay tỏn tỏn trên bàn phím, lỗ tai phải căng ra để nghe nhịp nữa chứ. Nào là phải phân biệt nhịp 2/4, 3/4, 4/4.

Để bắt cho đúng nhịp, cái tai nghe chưa rõ, Tư Ếch “vận động” thêm bàn chân trong chiếc dép để phát ra âm thanh kêu “xệp xệp” giữ nhịp. Như thế chưa đủ, để “ủng hộ” thêm cho con mắt, lỗ tai, bàn chân và ngón tay, miệng của Tư Ếch xướng âm “sol/sol/mi/sol/mí”, “sol/sol/mi/sol/re” bộ đồ nghề “ngũ quan” thị giác, thính giác và xúc giác được Tư Ếch sử dụng tối đa. Còn vị giác? Nước miếng của Tư Ếch chắc tiết ra nhiều lắm vì phải xướng âm chầm chậm… chờ từng nốt một, lâu lâu Tư Ếch phải… ực nước miếng. Khứu giác là hương vị lãng mạn của bài“Thoi tơ” hay là mùi hương đâu đó… của âm thanh tỏn…tỏn khi “Tư Ếch trên phím ngà”?

Tư Ếch quả là “chiến đấu” vật vã và trường kỳ với cái keyboard. Cũng 7 cái nốt đó mà sao Tư Ếch bấm lộn hoài. Có lúc chàng bứt đầu bứt tai với chính mình và làm khổ lỗ tai của người nghe không ít. Bài “ Thoi tơ” có đoạn “Như lúc em còn thơ”, “la/ si/ la/ fa/ sol/”, chữ “còn” là nốt “fa” thăng nên phải bấm hàng phím đen, vì là nốt lạ, phải trẹo ngón tay nên Tư Ếch bấm không đúng nốt, âm thanh nghe nốt nọ cọ nốt kia. Tư Ếch nghĩ ra cách “chơi” 5 nốt này bằng cách cứ xào đi xào lại hoài đến bao giờ “sì-mút” và mỏi tay thì ngừng. Thật là khổ cho cái lỗ tai của bà. Mỗi lần Tư Ếch chơi gần đến câu này, bà vái… thầm cho Tư Ếch vượt qua… cửa ải này để đừng tra tấn cái lỗ tai bà nữa.

“Văn ôn vũ luyện”. “Nghề chơi cũng lắm công phu”. Sau hai tháng kiên trì múa may trên phím ngà, từ xa, bà nghe Tư Ếch chơi bài “Thoi tơ” cũng đỡ… sốt ruột phần nào. Bà nhớ lại khi xưa, Thúy Kiều ngồi đàn cho Kim Trọng nghe, có lúc tiếng đàn của nàng mang tâm trạng buồn khiến Kim Trọng phải “comment” “Nghe ra như oán như sầu phải chăng?” hoặc “Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào!”. Tiếng “co-bi” của Tư Ếch làm người thính giả duy nhất là bà lắm lúc không “oán, sầu, cay, đắng” mà nổi cơn nộ… nhạc vì Tư Ếch cứ đánh lạc điệu, sai nhịp và vấp váp hoài. Thật đúng là “The sound and the wrath!”

Một hôm, Tư Ếch vui vẻ tiết lộ một kết quả khả quan:

- Bà ơi, dạo này mấy ngón tay tôi mềm hẳn ra, bớt tê rồi.

- Nhờ ông…tỏn tỏn nên mấy con cá tra…chết hết chớ gì!

- Ừ, thì coi mấy con cá tra là bệnh “gao” của tui đi. Tay tui hết tê cứng, tui sẽ hậu đãi hai ông thầy, thầy thuốc và thầy đàn. Tui sẽ phổ biến cho những ai bị bệnh tê cứng ngón tay như tui nên đi học keyboard.

- Từ từ chờ xem. Bệnh ông là bệnh kinh niên, phải cần thời gian kiểm chứng. Mới dợt có hai tháng nhưng dù sao mười ngón tay ông tỏn tỏn cả ngày như thế cũng giúp cho xương cốt co giãn rồi.

Bà chợt nhớ ra Tư Ếch chơi keyboard 10 ngón trong khi ông thầy dạy tay mặt chỉ dùng 3 ngón thôi, chừa ngón giữa và ngón út.

- Ủa, bây giờ tui mới để ý ông chơi 10 ngón hổng giống ông thầy dạy?

Tư Ếch nháy mắt cười tỏ vẻ đắc ý:

-Tui nói trước với ông thầy rồi. Tui học keyboard là để…chữa bệnh “gao”. Tui chơi…tự do 10 ngón. Ngón nào nhấn thành nốt ra âm thanh thuận tay là …ô-kê. Tập là tập hết 10 ngón. Hổng lẽ xài 3 ngón còn mấy ngón kia …đơ ra à? Thầy dạy theo nguyên tắc của thầy. Tui học theo nhu cầu của tui. Miễn sao tui “quánh” thành bài thôi. Bây giờ Thầy làm khó bắt tui chơi đúng ngón theo bài bản nữa chắc tui bỏ…học. Chịu hổng chịu thì… thôi!

Không biết ai… chịu ai? Tư Ếch hay ông thầy? Có điều lớp học này tự do, thoải mái. Thầy dạy cứ dạy, trò học bao nhiêu cứ học. Học kiểu nào cũng được. Đi trễ về sớm ô-kê. Giờ nào cũng là giờ giải lao, ra vào tùy tiện. Không nói chuyện trong lớp mới là chuyện lạ. Hôm nào thầy quên cái microphone, thầy chỉ biết nhìn cái chợ …nhạc mà cười trừ. Có trò học đàn mà chẳng bao giờ mang đàn. Có trò học đàn mà cứ ra sân chùa hút thuốc, tán gẫu chuyện thiên hạ. Có trò vào lớp tuyên bố chỉ thích giọng ông thầy hát rất hay các bài “Tuyết trắng”, “Hoa biển”, “ Chàng là ai”… không cần học lý thuyết âm nhạc. Thầy nói đúng. “Vui là chính”. Lớp nhạc này học vui thiệt!

Luyện “thập dương chỉ” hơn hai tháng. “Bàn tay anh mười ngón kiêu sa” đã trở nên mềm mại hơn. Các nốt đã vang lên liên tục, tiếng đàn đã “sì-mút”, đúng nhịp hơn nhưng các hợp âm bên tay trái, Tư Ếch “chạy” và đổi các hợp âm “chord” không kịp mặc dù cây keyboard này đã “set up” sẵn nhịp rồi. Bà gợi ý Tư Ếch nên “chuyên trị” tay trái, cứ nhấn thật dẻo các hợp âm chính như “do-mi-sol”, “re- fa-la”, “mi-sol-si”, “fa-la-do”, “sol-si-re”… khi nào thuần thục mới ráp hợp âm bên tay trái và nốt nhạc bên tay phải với nhau. Màn này Tư Ếch lắc đầu ngao ngán.

Tay phải thuộc nốt đã khó rồi. Tay trái thuộc các hợp âm càng khó hơn. Khó nhất là ráp các nốt và hợp âm của hai tay với nhau sao cho đúng nhịp, đúng “tông”, đúng nốt của bản nhạc yêu cầu. Tập hoài mà hai tay không tay nào… chịu tay nào. Một hôm, Tư Ếch chán nản ngồi đếm các hoa tay vòng tròn trên đầu ngón, chép miệng thở dài:

- Người nào có nhiều cái hoa tay là người có tài về âm nhạc. Tui đếm tới đếm lui bằng cái… kiếng lúp, tui chỉ có…một cái hoa tay thôi bà ạ. Chắc tui không có khiếu nhạc. Bà có mấy cái?

- Tui với ông cộng vô thành…mười.

-Chà! Chà! Tay bà… nở tưng bừng… hoa lá. Hèn chi bà chơi đàn giỏi hơn tui. Tui đâu thấy bà tập tành gì nhiều đâu. Bà có bí- kíp gì chỉ cho tui với. Tui tập quá cỡ thợ mộc vậy mà tay mặt cũng còn tỏn tỏn, tay trái chạy ngón chậm như rùa. Chừng nào tôi mới chơi “sì-mút” như bà. Chán quá bà ơi!

Bà khuyến khích tinh thần chiến sĩ trên mặt trận văn nghệ:

- Tui nghe ai nói thiên tài là sự kiên nhẫn kéo dài. Ông phải kiên nhẫn. Mục tiêu học keyboard của ông là chữa cái con “gao”. Chơi được tới đâu hay tới đó. Không cần phải chơi thuần thục thành bài. “Vui là chính”. Ông đi học vì vui và chữa bệnh. Thế là đủ rồi!

Từ ngày học keyboard, Tư Ếch yêu đời thấy rõ. Bà nghe tiếng nước chảy và tiếng hát của Tư Ếch vang lên trong buồng tắm: “Ta cứ yêu đời đi. Như lúc ta còn thơ…”. Bà nghe tiếng huýt gió khi Tư Ếch xách cây keyboard ra xe: “ Em lo gì trời gió. Em lo gì trời mưa…”. Âm nhạc làm cho Tư Ếch vui, trẻ, hồn nhiên, suốt ngày nghêu ngao và …tỏn tỏn trên phím đàn quên cả đói.

Ngày vui nhất là ngày thứ hai, và những buổi trưa Tư Ếch được mời thầy về nhà ăn bún bò để nghe thầy đánh đàn, bàn chuyện về nhạc và học thêm vài chiêu mới về keyboard. Ước mơ của Tư Ếch là chơi được vài bài tủ như “Thoi Tơ”, “ When We were young”, “Que sera sera”, …và các bản theo điệu valse thời thập niên 1960. Tư Ếch với thầy trở thành một đôi bạn ngoài đời lẫn nhạc. Thế rồi một hôm, Thầy vào lớp tuyên bố một tin làm Tư Ếch …ngẩn ngơ. Thầy sẽ dọn lên San Francisco ở với con gái. Lớp học sẽ tạm chấm dứt vào cuối tháng.

Nghe tin này, Tư Ếch buồn ơi là buồn. Thế là sự nghiệp văn nghệ của Tư Ếch giờ đây tan tành như mây khói. Tư Ếch hết có dịp tỏn tỏn trên phím đàn thực hiện ước mơ nhờ chơi keyboard nên hết bệnh “gao”. Tư Ếch vừa mới khoe với ông bạn bác sĩ, từ hồi học keyboard đến giờ các ngón tay bớt tê và đau nhiều lắm.

*

Cả tuần nay, “Tư Ếch trên phím ngà” mà đầu óc chàng để đâu đâu. Già rồi, chơi cái món keyboard này, chỉ cần đầu óc lo ra hay một ý tưởng nào đó lóe trong đầu, thiếu sự tập trung là vấp hay đánh sai liền. Bài “Thoi Tơ”, Tư Ếch chơi vấp loạn cào cào và sai…tá lả. Có khi cả mấy ngày không nghe tiếng tỏn tỏn của Tư Ếch. Bà biết Tư Ếch đang ở trong tâm trạng nhớ lớp học, nhớ bạn, nhớ tiếng hát, tiếng đàn và nhớ ông thầy.

Lớp nhạc “chùa” đóng cửa làm cho tâm hồn yêu nhạc của Tư Ếch cũng khép lại. Bài “Thoi Tơ” không còn lạc quan yêu đời nữa. Tư Ếch cải biên thành lời có chút hài hước trong đó có câu cuối, chỉ có bà hiểu được tâm trạng của Tư Ếch” “Em lo gì tiền hết./ Em lo gì tiền tiêu./ Em lo gì không tiền./Anh kiếm tiền để tiêu./ Em cứ tiêu tiền đi./ Cho đến khi “khồng tiên”./ Tiền em tiêu bao nhiêu./ Đời anh thêm quạnh hiu.”

Bà hiểu tâm trạng “quạnh hiu” của người già trong đó có Tư Ếch khi mất đi niềm vui và ước mơ không phải vì “tiền hết” mà vì trống vắng tiếng đàn keyboard. Âm nhạc có tác dụng diệu kỳ. Âm nhạc có sức truyền cảm làm mới lại và tươi mát cuộc sống buồn tẻ của Tư Ếch. Âm nhạc tạo niềm cảm hứng, làm sống dậy tuổi thanh xuân. “When we were young” của Tư Ếch. Âm nhạc còn làm lành những vết thương tâm hồn trong quá khứ thời chạy loạn, đi lính và học tập cải tạo. Nó có thể làm thay đổi những suy nghĩ và tâm trạng tiêu cực trở thành tích cực.

Giờ đây, không thầy, không bạn, không chùa, không lớp, không còn nghe tiếng co-bi… tỏn tỏn trên phím ngà. Chưa bao giờ bà thấy Tư Ếch buồn ngẩn ngơ, ít nói, ít cười như lúc này. Không khí trong nhà yên vắng quá. Bà nhớ âm thanh tỏn tỏn đã làm bà nhiều lần phải trốn ra vườn.Tư Ếch vùi đầu trong những trang sách. Chiếc keyboard được bà phủ lên bằng một tấm khăn cho đỡ bụi. Những phím trắng ngà vẫn kiên nhẫn nằm đó chờ một ngày nào đó, bà cất vào hộp cho vào garage, chấm dứt một thời có duyên mà không có nợ với cái thằng… “già mà ham”này.

Từ khi thầy dọn lên San Francisco, thầy vẫn thường xuyên liên lạc với Tư Ếch và các bạn. Sau hai tháng ở với con gái, một hôm, thầy gọi phone báo cho Tư Ếch thầy quyết định sẽ về Westminster share phòng ở riêng và xin chùa cho mở lại lớp nhạc. San Francisco buồn và lạnh quá. Tuổi già của thầy cần có bạn và gần cộng đồng người Việt. Thầy tâm sự với Tư Ếch lý do chính thầy về lại Santa Ana là vì ở đâu cũng vậy, ở với con trai thì gặp con dâu lớn lên ở Mỹ không lấy gì làm ngọt ngào và biết điều với bố chồng. Lên San Francico ở với con gái thì gặp con rể tính tình khó khăn, “vắt chày ra nước” mặc dù ở với đứa nào thầy cũng phụ tiền nhà, tiền cơm mỗi tháng 300 đồng.

Tội nghiệp ông thầy. Thầy nói mình lớn tuổi rồi, sống phải dựa vào nhà ở của con cái, đi đâu, làm gì cũng phải hỏi han, báo cáo, xin xỏ nó. Già rồi mà đứa nào cũng gửi con cho Tư Ếch, thỉnh thoảng “ngó chừng dùm”. Có biết đâu ông già đi đứng chậm chạp, mắt mũi kèm nhèm, nói tiếng Việt đám cháu không hiểu. Không độc lập làm gì có tự do và an vui được. Thầy nhờ Tư Ếch tìm dùm cho thầy một phòng cho share để thầy ở tạm. Chiếc xe cũ cà rịch cà tàng gửi nhờ nhà Tư Ếch, Tư Ếch cho tune- up để làm phương tiện cho thầy đi lại. Thầy đã liên lạc với chùa, vị Thượng tọa trụ trì đồng ý cho Tư Ếch mở lại lớp nhạc vào sáng thứ hai.

Tư Ếch tình nguyện giúp thầy đăng quảng cáo “chiêu sinh” lớp nhạc của thầy trên báo. Các học viên cũ biết thầy mở lớp, ghi danh học và đồng ý tăng học phí thêm 5 đồng. Biết hoàn cảnh của thầy, mỗi người quyên góp tặng thầy một món. Phòng thầy đầy đủ tiện nghi tối thiểu cho một người già độc thân.

Người già Việt nam ở xứ Mỹ, có những người rơi vào hoàn cảnh éo le như thầy. Họ có con mà không ở với con, sợ đụng chạm với con dâu, con rể, họ đi share phòng sống tự túc, tự lập, tự do. Thầy nói sống một mình vậy mà thầy vui vì thầy có học trò. Gọi là học trò nhưng họ là những người bạn xấp xỉ lứa tuổi với thầy, cùng có chung sở thích là âm nhạc.Thế là từ nay, lớp nhạc của thầy sẽ lại vang lên tiếng đàn và tiếng hát của bài “Thoi tơ” như ngày nào ở sân chùa.

Cả tuần lễ nay, Tư Ếch bận rộn lo chỗ ở, xe cộ, lớp học, chuẩn bị đón ông thầy đi xe đò Hoàng về Westminster. Tin ông thầy mở lại lớp nhạc làm Tư Ếch vui như Tết. Bà thấy Tư Ếch ra garage, khệ nệ ôm cây đàn keyboard vào nhà lau chùi cẩn thận. Hôm đó, tiếng keyboard…tỏn tỏn của Tư Ếch vang lên trong ngôi nhà vắng vẻ chỉ có hai người. Tiếng hát lạc giọng lên không nổi tông “do” chữ “gió” của Tư Ếch “Em lo gì trời gió/ Em lo gì trời mưa…” làm bà cảm động. “Và con tim đã vui trở lại”. Âm nhạc mang đến cho tâm hồn đã trở nên cằn cỗi, khô khan của Tư Ếch ví như trận mưa tưới tẩm cây cối làm cành lá xanh tươi, mầm sống trổi dậy “Tư Ếch đang… trên phím ngà”. Tiếng đàn tỏn tỏn của Tư Ếch đã hồi sinh.

Mỗi sáng thứ hai, bà và Tư Ếch đến chùa sớm để phụ sắp xếp bàn ghế và khiêng đồ nghề của thầy vào lớp. Chị LyLy giúp thầy điểm danh, thu học phí, phát bản nhạc. Buổi hội ngộ đầu tiên gặp lại thầy và các bạn thật là vui và cảm động với màn phở sau giờ học. Cái bảng lại đầy những lý thuyết âm nhạc học từ mấy tháng trước bây giờ cứ như…mới, vì ai cũng quên hết. Tuổi già là thế đó. Học trước quên sau huống gì bỏ lửng mấy tháng trời. Bài “Thoi Tơ” vẫn tràn đầy khí thế với những tiếng “bis”, “bis” và những tràng pháo tay của các học viên. Niềm vui của ông thầy và Tư Ếch chỉ có bà biết. Hoàn cảnh gia đình của thầy khiến họ gần và hiểu nhau hơn. Họ là đôi bạn già chia sẻ với nhau niềm vui nỗi buồn nhất là trên lãnh vực âm nhạc, ông thầy là người khai mở cho Tư Ếch lòng yêu âm nhạc.

Sau 4 tháng tập dượt keyboard, 10 ngón tay Tư Ếch không còn tê cứng và đau nhức nữa. Tư Ếch mừng lắm, đến khoe ông bạn bác sĩ, thán phục ông thầy thuốc chữa bệnh bằng…ngoại khoa thật tài tình và gửi lời nhắn nhủ với các bạn già hay bệnh nhân bị bệnh “gao” như Tư Ếch hãy đi học keyboard. Công dụng của các ngón tay khi di chuyển trên các phím đàn là môn tập thể dục vừa nhẹ nhàng vừa hiệu quả giúp cho các khớp, gân cốt vận động, bắp thịt co giãn, các ngón tay mềm mại, máu huyết lưu thông.

Ông bác sĩ hỏi về ngón đàn của Tư Ếch tiến bộ đến đâu, chàng mỉm cười lắc đầu:

-Tôi vẫn còn…táo bón ông ơi! Còn khuya mới đạt tới trình độ “Một rằng lưu thủy hai rằng hành vân”. Già rồi, …tỏn tỏn thành nốt là giỏi lắm. Chơi như mây bay, nước chảy như ông nói “diarrhea” chỉ dành cho đám hậu sinh.

Có điều học nhạc giúp cho cái đầu Tư Ếch hoạt động vì Tư Ếch phải học thuộc nốt và hợp âm là chính và nhiều lý thuyết về âm nhạc khác. Có lần nửa đêm bà nghe Tư Ếch nằm mơ lẩm bẩm trong miệng… “son/ son/ mì/ son/ mí…” làm bà vừa buồn cười vừa tội nghiệp. Thế mới biết Tư Ếch yêu nhạc, nhập tâm bài “Thoi Tơ”. Âm nhạc nằm trong tiềm thức của Tư Ếch. Học nhạc làm cho sáng trí. Tập hát làm cho phổi nở. Chơi keyboard làm cho hết bệnh “gao”. Ông thầy thuốc nói đúng, tác dụng của âm nhạc thật là kỳ diệu vừa chữa trị thân bệnh và cả tâm bệnh.

Tư Ếch không quên kể với ông thầy thuốc bây giờ chàng có thêm một ông bạn thân là ông thầy nhạc. Qua lớp mới, thầy dạy thêm nhiều bài. Dù bài cũ hay mới, Tư Ếch vẫn đánh vấp các nốt nhạc, đánh sai các nhịp điệu nhưng tiếng co-bi không “lạc lõng” nữa vì Tư Ếch đã có người bạn lúc nào cũng ở bên cạnh nhiệt tình chia sẻ với Tư Ếch về âm nhạc

Dạo này bà thỉnh thoảng bận rộn nấu nướng cho Tư Ếch và ông thầy… lai rai ba sợi vào những buổi chiều. Nhìn hai ông bạn già ngồi trong “patio”, nhấp nháp chút bia bọt, bà thấy tình bạn của họ giống hai cụ Nguyễn Khuyến và Dương Khuê. Bà nghe hai mái đầu …xanh gật gù tâm sự người già như hai cụ ở xứ Mỹ này thật là may mắn. Họ biết sống, biết tìm cho mình niềm vui cho nên họ hưởng trọn vẹn sự an nhàn, thảnh thơi của tuổi già.

Tư Ếch có chút tiền hưu rủng rỉnh. Ông thầy có tiền già, dạy nhạc vừa vui vừa có thêm lợi tức. Bệnh hoạn đã có medicare. Ăn uống đã có khu cộng đồng người Việt, nửa đêm vẫn có phở ăn. Giải trí đã có âm nhạc. Âm nhạc không có tuổi. “Tư Ếch trên phím ngà”, đối với bà mãi mãi là hình ảnh đẹp và cảm động của người già nơi xứ Mỹ.

Phùng Annie Kim

Ý kiến bạn đọc
02/07/201615:18:41
Khách
chi Kim
Sau khi doc bai nay, toi di hoc danh Keyboard nhu chi da ket, may ngon tay cua toi luc nay bot cung nhieu lam, cam on chi nhieu.
03/04/201415:22:34
Khách
Chi vui long cho biet lop hoc do o chua nao va con mo khong.
Cam on
18/10/201307:00:00
Khách
Annie xin thành thật cáo lỗi với bạn đọc về một chi tiết sai. Tác phẩm "The sound and the fury" chứ không phải "the sound and the wrath".Rất cám ơn. Phùng Annie Kim
03/10/201307:00:00
Khách
bài viết hay quá, lạc quan, súc tích, thấm đẫm tình yêu và chân tình, và củng thật hài hước. Tác giả "phải " viết thêm nhiều nhiều cho mọi người được thưởng thức văn tài nha.
02/10/201307:00:00
Khách
Rất thích ,chị viết nhiều lên nhé
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 843,984,785
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.
Nhạc sĩ Cung Tiến