Hôm nay,  

Mẹ

08/05/201300:00:00(Xem: 84256)

Người viết: Nguyễn Bích Thủy
Bài số 3888-13-29288vb4050813

Chủ Nhật 05-12 sắp tới, sẽ là Mother’s Day 2013, xin mời đọc về Mẹ. Tác giả sinh năm 1962, tốt nghiệp Đại Học Mỹ Thuật, khoa Đồ Họa, năm 1988 tại Việt Nam, từng làm công việc thiết kế sáng tạo trong ngành quảng cáo. Đến Mỹ tháng Tư năm 2000, hiện là cư dân Waxahachie, Texas, đang làm việc trong phân xưởng in của một nhà máy tại địa phương. Sau đây là bài viết mới của cô nhân Mother’s Day vào cuối tuần này.

***

Mẹ là đề tài bất tận của mọi thời đại. Mẹ là nguồn cảm hứng của nhiều áng văn thơ tuyệt tác trên đời. Mẹ là vầng dương, là ánh trăng, là chòm sao bắc đẫu dẫn lối soi đường trong đêm. Mẹ là quê hương, là đất nước là biển hồ lai láng không bến không bờ. Mẹ là dòng sông tuổi thơ tắm mát những buổi trưa hè. Mẹ còn là biểu tượng của rất nhiều hình ảnh tuyệt đẹp trên đời, nhưng những thứ ấy không thể so sánh với Mẹ vì Mẹ chỉ là duy nhất mà con người diễm phúc có được trên đời!
Xin được viết về những người Mẹ cùng những hy sinh thầm lặng của họ đã làm xoa dịu nổi đau thương thống khổ của thế gian này!

Mẹ tôi

Mẹ tôi được sinh ra trong một gia đình lao động nghèo ở vùng Chợ Lớn vào giữa thập niên 30 của thế kỷ trước. Bà Ngoại sinh mẹ ra trong thiếu thốn, mẹ còi cọc đen đúa lớn lên. Do Nhật đảo chánh Pháp rồi giặc giã nổi lên khắp nơi nên gia đình phải tản cư về quê một thời gian đến 10 tuổi mẹ mới được trở lại trường học tiếp. Mẹ tưởng chỉ học đủ để biết đọc biết viết như bao chúng bạn trong xóm nhưng không ai ngờ năm nào mẹ cũng được lãnh thưởng xuất sắc toàn trường tiểu học Bình Tây. Ông Ngoại thấy vậy cho mẹ tiếp tục học với niềm hãnh diện của cả gia đình và mẹ đã thi đậâu vào trường Nữ Trung Học Gia Long vào năm 1952. Khoảng thời gian này thì mẹ tôi không còn là “vịt con xấu xí” nữa mà đã trở thành một “thiên nga xinh đẹp” nằm trong “tầm ngắm” của nhiều thanh niên thời ấy. Mẹ tôi đã có một mối tình đầu đẹp như thơ với một chàng “Bắc Kỳ” mới di cư vào Nam của trường Võ Bị Đà Lạt lúc mẹ đang học năm cuối ở Sư Phạm. Sau khi tu nghiệp ở Mỹ về bác ấy xin ông bà Ngoại cho cưới mẹ tôi nhưng cả gia tộc đã phản đối quyết liệt vì bị ảnh hưởng lâu đời cách chia-để-trị của người Pháp do “thành kiến Bắc-Nam” còn quá gay gắt vào thời đó! Cuối cùng, mẹï phải gạt nước mắt chấp nhận về làm vợ ba tôi do bà Nội cậy người mai mối!
Ba tôi là “công tử” của một chủ nhà buôn giàu có, 18 tuổi đã có xe hơi riêng, ba tôi cưới mẹ cũng không phải vì tình yêu mà vì đã kiếm được cho mình “một cô giáo” vừa đẹp người đẹp nết về làm vợ. Theo lời mẹ tôi kể lại thì những năm đầu tiên cuộc sống vợ chồøng của hai người là một bi kịch. Ba tôi đã quen với những cuộc chơi thâu đêm suốt sáng ở bên ngoài nên thường bỏ mẹ tôi ở nhà một mình vò võ lúc đêm khuya. Mẹ đã bao lần nuốt nước mắt vào lòng vì những xung đột gần như vô phương cứu vãn, không khí gia đình có lúc căng như sợi dây đàn không biết đứt lúc nào.
Cho đến một ngày kia ba tôi gặp những thất bại trong việc làm ăn gần như trắng tay, ông nhìn quanh chẳng có một ai giúp đỡ kể cả anh em và bạn bè chí cốt lúc trước cũng quay mặt làm ngơ! Chỉ còn lại mẹ tôi và bên Ngoại mặc dù không khá giả nhưng đã giang rộng vòng tay giúp đỡ ba tôi vượt qua cơn hoạn nạn của cuộc đời. Cũng từ sau biến cố đó ba tôi đã không còn tha thiết với “bên ngoài” nữa mà chỉ toàn tâm toàn ý với vợ con. Những ngày buồn của gia đình tôi rồi cũng qua, càng về già ba mẹ tôi càng hạnh phúc có lẽ do tuổi tác đã thay đổi được ba tôi để ông hiểu rằng trên đời này chỉ có mẹ là hết lòng với ông.
Mẹ tôi là một nhà sư phạm, mẹ từng bảo với tôi rằng cuộc sống của một nhà giáo mẫu mực cũng gần giống như một nhà tu. Tôi nghĩ có lẽ do ngày xưa người ta đòi hỏi sự nghiệp “trồng người” khắt khe hơn bây giờ!? Mẹ dạy chúng tôi ”Ít muốn, biết đủ “(*) theo cách riêng của bà và khuyên đám con của mìnhï phải nghĩ đến nhiều người còn khốn khó trên đời, mẹ cũng tập cho chúng tôi hạnh bố thí từ khi còn rất nhỏ.
Bốn chị em tôi lần lượt đều do một tay mẹ dạy dỗ. Ở nhà chúng tôi gọi bằng mẹ nhưng khi đến lớp cũng răm rắp “Thưa cô” như bao chúng bạn. Mẹ đã nắn nót từng nét chữ của chúng tôi, bắt phải “ngồi ngay, viết thẳng”. Mẹ dạy chúng tôi cách giải những bài toán hóc búa sao cho thật nhanh và chính xác. Mẹ đã thổi vào tôi lòng yêu văn chương và lịch sử hào hùng của dân tộc trong đó có Hai Bà Trưng, Trần Quốc Toản, Hưng Đạo Vương… Tôi đã từng ngồi trong lớp học say sưa nghe mẹ kể chuyện về Hội Nghị Bình Than về Người Anh Hùng Áo Vải Đất Lam Sơn về Vua Quan Trung Đại Phá Quân Thanh… mà mơ màng với những chiến thắng oanh liệt của tiền nhân đã không hề biết cúi đầu khuất phục trước ngoại bang. Tôi nhớ niên khóa nào mẹ cũng được chọn là giáo viên xuất sắc vì học trò của mẹ luôn dẫn đầu trong đợt thi tuyển vào lớp Sáu các trường Trung Học thời đó. Ngày tôi thi đậu vào trường nữ Trung Học Gia Long cũng là ngày mẹ đã rất vui vì nhớ lại cả một thời áo trắng của mình!
Sau ngày đổi đời cũng như bao nhiêu người làm cho chế độ “ngụy quyền” mẹ tôi cũng phải đi học chính trị mấy khóa để “tẩy não” cho thích nghi với đường lối giáo dục Xã Hội Chủ Nghĩa! Những năm đó đói khổ vô cùng học trò của mẹ bỏ lớp, bỏ trường ra ngoài kiếm sống rất nhiều, mẹ ngậm ngùi và thương cho đám học trò nhỏ tội nghiệp của mình. Có đứa nghèo khổ quá mẹ còn đem cả quần áo, thức ăn ở nhà chia xẻ cho chúng và khuyến khích nên tiếp tục học hành. Tôi nhớ hoài hình ảnh mẹ tôi, một cô giáo sau ngày 30 tháng 4, không còn mặc áo dài tha thướt đứng trên bục giảng nữa mà thay vào đó là áo bà ba hay áo kiểu đơn sơ. Mỗi buổi tan trường mẹ tôi thường tất tả vào chợ mua mớ rau cá đem về nấu cho chồng con, hôm nào ở trường bốc thăm có chút thịt mỡ, đường, sữa là mẹ vui mừng hớn hở cả ngày.
Những năm mới đổi đời với bao khốn khó nhưng biết tôi là đứa có năng khiếu về hội họa nên ba mẹ đã dẫn tôi đến học vẽ tại một phòng tranh kiêm xưởng vẽ của một họa sĩ trong Quận 10. Sau khi học xong lớp 12 tôi quyết định thi vào trường Đại Học Mỹ Thuật, nhiều người có ý phản đối cho rằng tôi là đứa không thực tế vì thời đó cả nước còn “ăn độn” thì lấy đâu ra tiền mua tranh hoặc thưởng thức nghệ thuật. Nhưng mẹ và ba đã ủng hộ để tôi được thực hiện mơ ước từ ngày còn bé của mình.
Một ngày kia, sau khi ra trường có việc làm ổn định tôi đã dẫn người bạn trai về giới thiệu với ba mẹ và nói rằng anh muốn ngỏ lời cưới tôi làm vợ. Ba mẹ đã phản đối quyết liệt vì người yêu của tôi lúc đó đang chờ phỏng vấn đi Mỹ; hai người không muốn con gái của mình phải khổ vì chúng tôi còn quá trẻ biết sẽ đợi nhau được bao ngày!? Nhưng sau đó có lẽ mẹ nhớ lại đến mối tình đầu tan vỡ của mình và cảm động trước tình cảm chân thành của anh dành cho tôi nên đã năn nỉ ba cho chúng tôi tiến tới hôn nhân. Cuối cùng ba tôi cũng đã “bấm bụng” gật đầu! Chỉ vì cái gật đầu đó mà trong hơn tám năm ròng rã ba mẹ đã phải vất vả với tôi rất nhiều, nhất là những lúc thấy cháu ngoại đau ốm hai người vô cùng xót xa cho cảnh nuôi con một mình của tôi!
Rồi hai mẹ con tôi cũng đến Mỹ! Thấm thoát hơn 13 năm đã trôi qua thỉnh thoảng tôi cũng gửi chút quà về biếu gia đình. Ba mẹ tôi chưa bao giờ sống nhờ vào tiền của con cái, lúc nào họï cũng sợ các con tốn tiền vì mình. Khi ba tôi nằm xuống mẹ đã xây mấy dãy nhà trọ cho mướn nên cũng đủ “đồng ra đồng vào”, mẹ xài tiện tặn chắt chiu quen rồi. Mỗi ngày xem báo thấy ai bệnh hoạn, đau yếu, khốn khó mẹ liền nhờ mấy chú xe ôm quen đem tiền ra toà soạn để chuyển đến tận tay người cần giúp đỡ. Nghe chùa nào cần chuông, tượng hay muốn trùng tu mẹ tôi cũng hoan hỉ phát tâm đóng góp để xây dựng ngôi Tam Bảo.
Ở tuổi gần 80, mặc dù không được khỏe nhưng thỉnh thoảng vào ngày Chúa nhật mẹ tôi cũng đi bộ đến một ngôi chùa ở gần nhà họp đạo tràng, nghe thuyết pháp, đọc kinh. Mẹ bảo rằng đã chuẩn bị xong hết rồi nếu mẹ “có-mệnh-hệ-gì” thì ba chị em tôi chỉ cần mua vé máy bay về nhìn mặt mẹ lần cuối không cần phải tốn gì thêm nữa. Tôi nhớ đến nhà thơ Đỗ Trung Quân đã từng nói:

Con mỗi ngày một lớn
Mẹ mỗi ngày thêm già
Cuộc hành trình thầm lặng phía hoàng hôn…

Vâng! Cuộc hành trình này mẹ thương yêu của chúng tôi cũng sắp “đến đích” rồi và thật cầu mong sao mẹ sẽ giã từ “cõi tạm” này ra đi thật thanh thản ở phía hoàng hôn!
Trong cái vô thường huyễn hoặc của cuộc sống hôm nay dẫu có quá nhiều những đau thương mất mát nhưng xin thật cám ơn cuộc đời vì mẹ vẫn còn sống và luôn đồng hành bên chúng tôi trong suốt hơn 50 năm qua. Nếu không có mẹ, tôi đã phải loay hoay và tốn rất nhiều thời gian mới có thể hoàn thiện được bản thân mình; mẹ đã trao cho tôi tất cả những kinh nghiệm sống, những từng trải cuộc đời của mẹ để tôi học hỏi và trưởng thành. Bên cạnh đó, mẹ cũng là người hướng con đường tâm linh cho chúng tôi để có chỗ nương náu tìm về sau những mệt mỏi lo toan ở bên ngoài. Mãi mãi lúc nào tôi cũng cảm nhận được rằng: “Con dù lớn vẫn là con của mẹ, đi suốt đời lòng mẹ vẫn bên con.”

Những người mẹ quanh tôi

Những người mẹ trong thi ca và văn chương của Việt Nam hình như lúc nào cũng tần tảo, vất vả và buồn da diết, nhà thơ Trần Trung Đạo đã diển tả mẹ của ông như sau:

Mẹ vẫn ngồi đan một nỗi buồn
Bên đời gió tạt với mưa tuôn
Con đi góp lá nghìn phương lại
Đốt lửa cho đời tan khói sương

Ngày còn là sinh viên của trường Mỹ Thuật mỗi năm chúng tôi có khoảng ba tháng đi thực tế vẽ tranh vào kỳ thi cuối năm. Cũng vào dịp này tôi đã từng sống ở những tỉnh thành vùng quê Việt Nam nên thấu hiểu được sức chịu đựng của những người vợ, người mẹ là vô cùng!
Sinh hoạt ở nông thôn quá tẻ nhạt và đơn điệu không như tại thành phố lớn, thanh niên không có chỗ để giải trí vui đùa nên quán rượu thường mở 24/24 cho các đấng mày râu từ trẻ đến già tha hồ nhậu nhẹt quên trời, quên đất, quên cả vợ con!
Tôi đã chứng kiến cảnh một người vợï chiều nào cũng đi mua rượu cho chồng uống, sau khi say xỉn thì anh chồng quay sang đánh vợ. Gần như chiều nào người vợ cũng bị chồng đánh và chiều nào chị cũng phải mua rượu về cho chồng uống! Có lẽ người vợ kia chỉ nghĩ đến đàn con nheo nhóc sợ chúng chịu cảnh mồ côi, không người nuôi nấng mà quên đi chính bản thân mình! Nhà thơ Hồ Dzếnh đã thán phục người phụ nữ Việt Nam bằng những câu thơ khá nổi tiếng sau:

Cô gái Việt Nam ơi!
Nếu chữ hy sinh có ở đời
Tôi muốn nạm vàng muôn khổ cực
Cho lòng cô gái Việt Nam tươi

Theo một Nghiên Cứu Quốc Gia về Bạo Lực Gia Đình tại Việt Nam đã công bố, cứ ba phụ nữ có gia đình hoặc đã từng có gia đình thì có một người bị chồng bạo hành thể xác hoặc tình dục. Nhiều phụ nữ đã cho biết gia đình không còn là một tổ ấm nữa mà là nơi của sự sợ hãi, đau đớn, nhục nhã và khổ sở. Hậu quả của những bạo lực này đã ảnh hưởng suốt đời họ gây khả năng bệnh tật rất cao. Đặc biệt là những trẻ em của các gia đình có cha bạo hành bị trải qua những chấn thương tinh thần ảnh hưởng đến sức khỏe và việc học tập rất nhiều.
Có lẽ cũng vì chứng kiến quá nhiều những “người thật, việc thật” nhan nhản xảy ra mỗi ngày trong gia đình cũng như ngoài xã hội nên một cô gái trẻ đã lên mạng tuyên bố cách đây không lâu như sau:
“Là một cô gái sinh ra và lớn lên ở Việt Nam nhưng tôi có ác cảm với đàn ông Việt Nam vì các anh không chỉ kém thông minh, không lãng mạn mà còn rất gia trưởng và tinh vi. Tôi cũng tuyên bố luôn sau này thà ế chồng chứ nhất định tôi không bao giờ lấy đàn ông Việt Nam làm chồng…”


Lá thư của cô đã được sự đồng tình của rất nhiều phái đẹp trong nước và họ cho rằng “lấy chồng ngoại” đang là một trào lưu “sáng suốt” nhất hiện nay. Có lẽ những cô gái trẻ này đã thần tượng hóa những mẫu đàn ông trong phim ảnh nên có cái nhìn khá phiến diện và “vơ đũa cả nắm”. Tin tức về những cô dâu Việt lấy chồng Hàn Quốc, Đài Loan bị giết chết dưới nhiều hình thức không còn xa lạ với thế giới và trở thành một nỗi đau chung của cả dân tộc. Ngay tại Hoa Kỳ, một đất nước nổi tiếng của bình quyền vậy mà ngày 14/3/2013 vừa qua cư dân thành phố NewYork và khắp nước Mỹ đã bàng hoàng khi hay tin một người mẹ trong giây phút tuyệt vọng tận cùng đã ôm đứa con trai 10 tháng tuổi nhảy từ lầu tám tự tử. Người mẹ đã thiệt mạng ngay tại chỗ riêng đứa bé đã được đưa vào bệnh viện cứu sống kịp thời. Thế mới biết hôn nhân suy cho cùng chưa chắc đã là kết thúc có hậu cho một cuộc tình màø đôi khi nó lại là bi kịch lớn nhất của kiếp người!
Những nước có tỷ lệ ly hôn cao nhất trên hành tinh dẫn đầu là Hoa Kỳ kế đến là Anh và Hàn Quốc đứng ở vị trí thứ ba. Tại Mỹ việc dùng vũ khí là không thể kiểm soát được cộng thêm áp lực công việc căng thẳng nên dễ sinh bệnh trầm cảm, tâm thần... Đó là nguyên nhân của những vụ giết người hàng loạt nơi công cộng, trong trường học cũng như tại gia đình. Người Mỹ có hẳn một ngày để truy điệu những nạn nhân đã thiệt mạng vì bạo lực gia đình tại Maryland.
Vào ngày 7/3/2013 Tổng Thống Barack Obama đã ký thông qua dự luật bổ sung Chống Bạo Hành Phụ Nữ (Violence Against Women Act – VAWA) với nội dung nêu rõ: “Tất cả phụ nữ đều có quyền sống tự do, không sợ hãi…”.
Điều này chứng tỏ ngày nay dẫu nhân loại đã bước qua thế kỷ thứ 21, người ta đã khám phá mặt trăng, vũ trụ, ngân hà… đã có rất nhiều thành tựu khoa học kỹ thuật vượt bậc để phục vụ cho cái ăn, cái mặc, cái ở của con người nhưng cái khổ của những bà mẹ thì hình như muôn đời vẫn thế?!
Nỗi buồn của mẹ

Tại Việt Nam đạo Phật gần như đã trở thành quốc giáo nên ai cũng biết ý nghĩa của ngày lễ Vu Lan Bồn báo hiếu “Tứ Thân Phụ Mẫu”. Đây cũng còn là ngày tưởng nhớ đến công ơn sinh thành, dưỡng dục của các bà mẹ vào mỗi độ rằm tháng Bảy hàng năm. Ra sống ở nước ngoài tôi biết thêm về lễ Mother’s Day thường tổ chức vào ngày chúa nhật thứ hai của mỗi tháng Năm. Đây là một ngày lễ mang ý nghĩa rất đẹp và cao cả nhưng dần dần cũng bị thương mại hóa như bao ngày lễ khác trong năm!
Với bối cảnh của xã hội phương Tây được tổ chức khá hoàn thiện nên với những khoảng tiền An Sinh Xã Hội, tiền hưu trí, tiền tiết kiệm và các phúc lợi, trợ cấp khác của chính phủ cũng đủ cho một người có thể sống khá ung dung lúc về già mà không cần đến sự trợ giúp của con cái. Những người trẻ thì đến tuổi trưởng thành thường ra sống tự lập vừa đi học vừa đi làm rồi khi ra trường lao vào việc “kiếm tiền” nên thi thoảng mới ghé về thăm cha mẹ độ “Xuân Thu nhị kỳ”. Tình gia đình do vậy cũng lợt lạt dần theo năm tháng! Ngày kia do tuổi già sức yếu, khi người cha đã qua đời người mẹ cũng phải chuyển vào Viện Dưỡng Lão sống cùng với những kẻ đồng cảnh ngộ như mình.
Đến ngày lễ Mother’s Day con cái giật mình sực nhớ ra đã lâu lắm rồi chưa hề ghé thăm mẹ liền tấp xe vào đâu đó vơ vội ít món đem vào biếu mẹ cho có lệ. Mẹ rưng rưng nước mắt cảm động thì ít mà buồn cho mình thì nhiều! Cái mẹ cần không phải là những tấm thiệp vô tri, những đóa hoa vô hồn hay những món quà vô nghĩa, cái mẹ cần là những lời hỏi han ân cần và thăm viếng thường xuyên của con để mẹ cảm thấy ấm áp ở tuổi gần đất xa trời. Nhưng con thật vô tình không hề hay biết, phải đợi một ngày nào đó khi con ngồi đúng vào vị trí của mẹ bây giờ chắc con sẽ thấm thía hết nổi cô độc mà mẹ đang nếm trải từng ngày từng giờ chậm chạp trôi qua nơi đây. Những người trẻ tuổi này không hẳn là những kẻ bất hiếu chỉ vì “Đạo làm con” theo triết lý của Khổng Mạnh là phải phụng dưỡng cha mẹ khi già yếu để đáp đền công ơn sinh thành dưỡng dục đã gần như không hề có mặt ở xã hội Tây Phương. Do vậy, những người trẻ quan niệm việc chăm sóc các bậc lão niên trong đó có cha mẹ của họ đã được “giới hữu trách” đảm đương tốt rồi; họ cũng chẳng thể giúp được gì hơn vì còn một “núi” bill cần phải thanh toán mỗi tháng ở nhà! Rồi thì thế hệ sau cứ noi theo thế hệ trước trong cách cư xử với cha mẹ già của mình và đã trở thành một nét văn hóa đặc trưng của người bản xứ!
Tại các nước Âu-Mỹ có rất nhiều người cao tuổi phải sống “tự thân vận động” mặc dù họ đã ngoài bát tuần! Thỉnh thoảng trên đường tôi rất bất mãn vì chiếc xe trước mặt mình đang chạy với tốc độ “chậm như rùa” gây cản trở giao thông. Khi vượt lên, ngoáy đầu nhìn lại phát hiện ra người tài xế ngồi sau tay lái là một cụ bà lụm khụm thì tôi thật không khỏi xốn xang trong lòng, vì biết đâu đó là viễn ảnh tương lai của chính bản thân mình trong một ngày không xa tại xứ sở cờ hoa này! Có một buổi chiều đậu xe vào parking lot tôi đã ngồi thẩn thờ dõi mắt theo từng bước chân của một bà cụ đang chậm rãi tiến vào ngôi chợ phía trước; nhìn dáng bà cô độc liêu xiêu đổ dài trong ánh hoàng hôn sắp tắt mà tôi thấy thật nao lòng!
Những người mẹ già như cụ bà kia hiện có mặt khắp nơi tại Hoa Kỳ; họ sống âm thầm lặng lẽ như chiếc bóng rồi có khi chết một mình không ai hay. Con cháu của họ chắc đang bận rộn trong cuộc mưu sinh ở tận bờ Đông hay bờ Tây của nước Mỹ hoặc cũng có khi đang sống cách đó chỉ chừng vài ngã tư đường!
Thế mới biết mặc dù ngày nay dẫu phương tiện truyền thông đã đạt đến mức độ hết sức tinh vi hiện đại nhưng vì lòng người đã khép nên lời dạy cách đây hơn 2.560 năm trước của Đức Khổng Tử là: Phụ mẫu tại bất viễn du, du tất hữu phương. (Cha mẹ còn sống chớ đi chơi xa, nếu đi chơi xa phải có nơi nhất định) dường như đã không còn phù hợp theo “đà tiến hóa” của con người?!
Ra sống ở hải ngoại tôi chứng kiến nhiều trường hợp khá đau lòng, có những bà mẹ Việt Nam ngày xưa đã sống chắc chiu để lo cho từng đứa con xuống tàu ra đi tìm tự do và mưu cầu hạnh phúc nhưng giờ đây họ cũng phải chịu sống cảnh cô đơn như bao người mẹ bản xứ khác. Các con của họ hiện nay là những người đã thành đạt có vị trí cao trong xã hội và có một cuộc sống rất sung túc nhưng tất cả đã quay lưng lại với mẹ của mình thậm chí không hề cho con cái đến thăm bà của chúng. Sống ở hải ngoại khá lâu nên những người trẻ đã bị ảnh hưởng ít nhiều văn hóa của Âu-Mỹ, họ trách mẹ mình giờ đã thay đổi: tính tình khó khăn, khó gần và khó hợp! Họ quên mất rằng người lớn tuổi tâm sinh lý thường thay đổi do bệnh tật, đau yếu và nhất là những thăng trầm trong cuộc đời đã làm cho người ta trở nên khép kín. Mọi cái đối với người cao niên giờ đã đổi thay nhưng duy chỉ có tình yêu con là cho đến chết vẫn không hề thay đổi. Nhớ ngày nào con còn nhỏ hư mẹ đánh đòn, mẹ phạt nhưng con nào đâu giận mẹ; mẹ chỉ cho con một cái kẹo một gói xôi nhưng con lẩn quẩn bên mẹ không rời. Giờ đây, ở tuổi già bóng xế mẹ đã cho các con hết cả cuộc đời mình rồi nhưng các con vẫn cứ dần tránh xa mẹ vì sợ nhiều hệ lụy phiền toái phải cưu mang. Nước mắt của những bà mẹ Việt Nam đã lăn dài từ trong nước ra đến hải ngoại cho đến bao giờ mới hết thôi rơi!!?

Tình mẹ cao cả

Đối với tôi tình vợ chồng, tình yêu đôi lứa, tình bằng hữu…và nhiều thứ tình cảm giữa người và người trên thế gian này đều phải có sự tương tác qua lại, duy chỉ có tình mẹ thương con là thứ tình thiêng liêng nhất và hoàn toàn vô-điều-kiện. Có nhiều kẻ làm cha đã lẩn trốn đứa con thơ của mình khi chúng mới tượng hình hoặc ngoảnh mặt quay lưng khi chúng vừa cất tiếng khóc chào đời và dễ dàng từ bỏ khi chúng hư hỏng khó dạy hoặc dị tật bẩm sinh. Có lẽ do bán cầu lý tính của người đàn ông mạnh hơn nên tình cảm của họ cho đi đôi khi có- điều-kiện. Chỉ có người mẹ là nhận hết về mình tất cả những tốt xấu, được mất, ngọt bùi cay đắng, thành công hay thất bại của các con và luôn song hành bên chúng trên mọi nẽo đường đời tưởng như bằng phẳng này.
Tâm lý của mọi người khi vui ít ai nghĩ đến mẹ, nhất là những lúc còn trên đỉnh cao danh vọng, tiền tài, sự nghiệp, tình yêu… chỉ khi sa cơ thất thế bị mất hết mọi thứ trên đời hoặc lúc đang ở giữa lằng ranh của sự sống và cái chết thì người ta mới nhớ vềø mẹ của mình nhiều nhất! Có lẽ đây cũng là tâm trạng của Thiếu Tướng Lê Minh Đảo và Đại Tá Đỗ Trọng Huề khi hai người đồng soạn bài hát Nhớ Mẹ trong khu biệt giam ở Hà Tây mà tôi đã tình cờ nghe được, có những đoạn như sau:

… Mẹ ơi, mẹ biết không!
Còn cháy mãi trong con những lời mẹ cầm tay nói
Nắng sẽ về đẩy lùi bóng tối
Và thương yêu, và tự do sẽ còn mãi mãi nhé con…

… Điêu linh quê hương con vẫn khóc
Trông chờ ngày về con sẽ thắp
Từng đôi sao đêm như ánh mắt mẹ hiền…

Bài hát hay từ lời ca cho đến giai điệu làm xúc động lòng người. Tác giả đã gửi gấm vào đây tất cả nổi lòng của một người con đi học tập cải tạo suốt 17 năm trường; trong những lúc tuyệt vọng nhất của cuộc đời đã nhớ về những lời khuyên của mẹ mình để không chùn bước trước nghịch cảnh và hy vọng vào một tương lai phía trước!
Kinh điển Phật giáo có dạy rằng làm con phải hiếu kính và nhớ công ơn sanh thành dưỡng dục của mẹ mình, ngay cả với những đứa trẻ bị mẹ bỏ vào cô nhi viện sống cảnh mồ côi cũng thế! Bởi mẹ đã cưu mang và cho ta một hình hài được làm thân người rất quý hóa và có lẽ vì một hoàn cảnh vạn bất đắc dĩ nào đó người mẹ mới không thể nuôi được con. Khi phải cho đi núm ruột của mình người mẹ nào cũng nghĩ rằng con sẽ có một cuộc sống tốt hơn khi ở bên mẹ vì nơi Cô Nhi Viện có nhiều sự trợ giúp của các đoàn thể và những nhà Mạnh Thường Quân luôn có tấm lòng vàng. Hiểu thế để ai đó đừng oán hận mẹ mình sao quá đỗi vô tình vì một ngày mang nặng đẻ đau cũng là một ngày ta phải biết ơn mẹ! Trong quá khứ hay ở hiện tại chúng ta đã có rất nhiều bậc vĩ nhân và những nhà tài ba lỗi lạc xuất thân từ các trại mồ côi, nếu không có những người mẹ đem họ đến với cõi dương gian này thì chắc chắn họ đã không có những thành tựu mỹ mãn như ngày nay!
. . .

Theo nền minh triết của đạo Phật thì vạn vật hữu hình có sanh tức có diệt theo tính vận hành của: thành, trụ, hoại, không. Một ngày nào đó có lẽ trái đất mà chúng ta đang sống sẽ bị phân hủy, nhân loại có thể sẽ kéo nhau lên định cư ở Mặt Trăng, Sao Hỏa hoặc một hành tinh xa xôi nào đó trong Thái Dương Hệ khó có ai đoán trước được. Nhưng điều tôi tin chắc rằng nếu vẫn còn có sự hiện hữu của con người thì tình mẹ vẫn sẽ còn liên tục tiếp diễn như một chân lý mãi hoài bất diệt.

Mẹ

Cái tiếng gọi từ khi bập bẹ
Đến lúc trưởng thành con vẫn chưa hiểu hết chiều sâu
Mẹ, có nghĩa là bắt đầu
Cho sự sống, tình yêu, hạnh phúc
(Tác giả: Thanh Nguyên)

Bài viết này xin như là một lời tri ân gửi đến mẹ tôi và tất cả những người đã, đang và sắp sửa làm mẹ! Họ cũngï đã, đang và sẽ phải đánh đổi đức hy sinh, tính chịu đựng và lòng dũng cảm của mình để đem lại hạnh phúc, bình an và ấm áp cho một nửa nhân loại đang sống chung quanh họ!

Nguyễn Bích Thủy

Chú thích (*)
Ít muốn / biết đủ (Thiểu dục và tri túc)
1- Vừa đủ niềm tin để không thất bại.
2- Vừa đủ hy vọng để luôn đi tới.
3- Vừa đủ thử thách để luôn kiên nhẫn.
4- Vừa đủ vật chất để sống thoải mái.
5- Vừa đủ bạn bè để được an ủi.
6- Vừa đủ chánh niệm để được an vui.

Ý kiến bạn đọc
10/05/201307:26:10
Khách
Đọc bài viết này,tôi liên tưởng đến mẹ tôi.Cả cuộc đời sống chung với đủ thứ bệnh tật,cuối đời còn thêm nhiều căn bịnh nan y hiểm ác.Thiếu thốn sự chăm sóc và động viên của các con ở phương xa,thế nhưng sức chịu đựng lòng kiên trì chống chọi với bệnh tật của người thật đáng là tấm gương để con cháu học tập.Nhờ học hiểu Chánh Pháp và thực hành hạnh Bố Thí,nên Phật Pháp nhiệm mầu...Hơn một thập niên đã trôi qua,mẹ tôi vẫn sống vui với đạo với đời.Không chỉ một ngày Hiền Mẫu hay một ngày Vu Lan báo hiếu,mà hãy nhớ về MẸ mọi lúc mọi nơi:Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc,đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không...
Cám ơn tác giả đã viết một bài thật ý nghĩa nhân dịp Lễ Mẹ.
10/05/201320:24:43
Khách
Bai viet rat sau sac, tham thuy va cam dong ! Cam on tac gia da noi len tieng long cua nhung nguoi con hieu de voi cha me.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,310,766
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.