Hôm nay,  

Hương Xưa

14/01/201300:00:00(Xem: 248744)
viet-ve-nuoc-my_190x135Tác giả đã tham dự Viết Về Nước Mỹ từ hai năm trước đây. Bài mới của ông là một chuyện tình nhẹ nhàng.

Chuyến bay Eva Air BR0025 từ Seattle đến Taipei đáp xuống phi trường Taoyuan đúng giờ như lịch trình đã định. Bà Xuân rời phi cơ, kéo chiếc vali nhỏ bước theo đám hành khách thông qua trạm kiểm soát của phi trường để đến một cổng khác chờ chuyến bay đi Bangkok. Theo lịch trình, bà phải chờ thêm ba giờ đồng hồ nữa mới có chuyến bay chuyển tiếp.

Đến phòng chờ máy bay chuyển tiếp, bà ngồi xuống hàng ghế trống gần quầy kiểm soát để tiện lên phi cơ khi tới giờ. Không biết làm gì trong mấy tiếng đồng hồ dài dặc này nên bà với lấy một tờ báo Anh Ngữ người nào bỏ lại trên chiếc ghế trống bên cạnh, đọc cho đỡ buồn.

Nhưng bà chỉ liếc qua vài tiết mục ngắn trong tờ báo rồi chán nản gấp lại, đưa mắt nhìn quanh. Phòng chờ vắng tanh, ngoài bà ra chỉ rải rác năm bẩy người ngồi ở dãy ngoài cùng. Nhìn cả hàng ghế trống trải chỉ có một mình mình ngồi, bà tủi thân chạnh nghĩ đến ông chồng vừa mất hơn một năm. Nói cho cùng, dù còn sống chắc gì ông chịu đi cùng với bà trong chuyến này, vì ngoài việc sang thăm gia đình người chị họ ở Thái Lan bà sẽ cùng người chị này bay về Việt Nam, mà về Việt Nam là điều tối kỵ đối với chồng bà.

Từ ngày rời xa quê hương, vợ chồng bà chưa một lần trở lại thăm. Năm năm trước đây, trong chuyến du lịch Thái Lan và thăm viếng gia đình người chị bà con của bà, mọi người cũng đã cố gắng thuyết phục ông. Bà chị họ nói:

- Bây giờ Việt Nam đổi khác nhiều rồi, dượng thử về một chuyến xem sao.

Ông nhất quyết không là không. Hai năm sau này, sức khỏe của ông có phần suy yếu, bà lại tỏ ý muốn cùng ông trở về thăm quê hương một lần, ông vẫn khẳng định:

- Chẳng phải tôi không thương nhớ quê hương, nhưng tôi chỉ về khi nào không còn Cộng Sản ở đó. Nếu muốn thì bà cứ về, tôi không ngăn cản.

Quen đi đâu cũng có vợ có chồng nên bà đã không nỡ về Việt Nam một mình. Vậy mà, ông đành đoạn ra đi một mình, bỏ bà lẻ loi ở lại chốn trần gian này! Hôm nay, lần đầu tiên đi du lịch xa mà chỉ có một thân một mình, làm sao bà không khỏi tủi thân! Và, tuy hăm hở với ước mơ sắp thành sự thật, bà không khỏi sắt se nhớ lại những vết hằn đổi đời của ba mươi lăm năm trước...

Đang sống bình yên sung túc, gia đình bà dần dần trở thành chật vật, khốn đốn, rồi vô sản, sau khi “người anh em phương Bắc” kéo vào “giải phóng” cho đồng bào miền Nam thoát khỏi “sự kềm kẹp của ngoại bang”. Để thực hiện lời tuyên truyền hứa hẹn “vì dân tộc, vì độc lập, vì tự do…” họ đã kéo cả nước xuống hố, kéo cả dân tộc quay trở lại cuộc sống man sơ. Họ áp đặt chủ thuyết phi nhân bản lên dân tộc, cướp bóc, hà hiếp dân bằng những phương thức vô nhân đạo, khiến hàng triệu người, trong số đó có vợ chồng bà, quyết liều mạng vượt rừng sâu biển cả đi tìm tự do. Câu nói bất hủ, đầy mỉa mai thấm thía của dân gian “Ngay đến cây cột điện nếu có chân cũng muốn bỏ nước ra đi” đã lột tả được tình cảnh miền Nam lúc bấy giờ.

Trong suốt mấy thập niên xa xứ, có lắm phen bà đành chịu “yên một bề” rằng sẽ chẳng bao giờ có dịp quay lại chốn xưa, Nhưng thời gian gần đây, tâm hồn bà luôn xao động. Tuổi đã về chiều, nhiều đêm nằm trằn trọc trên giường, bà thao thức nghĩ đến nơi chôn nhau cắt rốn, để rồi lòng quặn đau và nước mắt tuôn trào…Khi quyết định xong, bà tự an ủi: thôi, chỉ về một lần để nhìn lại quê hương, thăm lại mồ mả ông bà cha mẹ, rồi mai này có xuôi tay nhắm mắt ở xứ người thì cũng mãn nguyện.

Quyết định này khiến bà cảm thấy mình đang làm một việc sai trái. Bà áy náy: đang mang danh nghĩa tị nạn Cộng Sản mà lại quay về khi chúng còn sờ sờ ra đó! Bà ghét phải chứng kiến cảnh “vượn” biến thành “đại gia”, sống xa hoa, tiếp tục đè đầu bóp cổ dân lành. Bà biết rằng tình yêu quê hương gia tộc đã thúc đẩy người Việt hải ngoại gửi hàng tỉ Mỹ kim tiếp tế cho thân nhân mỗi năm, vô tình giúp chính quyền Cộng Sản vô nhân bất tài được tồn tại và vững vàng hơn…

Giòng tư tưởng của bà bị cắt ngang khi có thêm một đám đông người ùa đến phòng đợi. Bà để tờ báo trở lại chỗ cũ, và kéo chiếc vali nhỏ lại gần mình hơn. Vừa lúc đó, một ông hành khách, cũng có một vali nhỏ, bước đến ngồi xuống ghế bên cạnh. Tưởng bà cố ý kéo vali để rộng chỗ cho mình nên ông nhoẻn cười: “Thank you.”

Bà khẽ gật đầu, mỉm cười. Nhìn khuôn mặt và vóc dáng Á Đông của ông khách, bà đoán thầm: “Có lẽ ông ta là người Thái trên đường về lại nhà.” Ông khách ngồi xuống ghế, rút một cuốn sách từ ngăn ngoài của chiếc vali, lặng im ngồi đọc. Một lúc sau, cái loa gắn trên trần vọng ra lời thông báo: chuyến bay về Bangkok sẽ bị trì hoãn thêm 1 giờ nữa vì lý do kỹ thuật. Bà buột miệng than: “Thiệt tình! Còn phải chờ thêm...”

Ông khách nghe tiếng bà, quay đầu sang:

- Ồ, bà là người Việt Nam, vậy mà tôi cứ nghĩ bà là dân Thái.

Bà Xuân nhìn ông cười:

- Tui cũng tưởng ông là người Thái.

- Chuyến bay này đi Thái Lan, nhìn người gốc Á thì đoán trật cũng thường thôi, thưa bà.

Nghe ông khách nói giọng Bắc không ra Bắc, Trung không ra Trung bà Xuân có cảm tưởng như mình đã nghe qua lối phát âm này ở đâu đó rồi.

Ông ta tiếp lời:

- Chắc bà đi du lịch Thái Lan?

Bà Xuân lắc đầu:

- Tui đi thăm gia đình người bà con đang sinh sống ở Bangkok. Còn ông thì sao?

- Tôi có thằng con trai lấy vợ Thái sắp có con, nên qua thăm nó đây.

- Bà nhà không đi cùng với ông qua thăm cháu à?

- Bà nhà tôi cũng muốn cùng đi, nhưng kẹt là con gái chúng tôi ở Boston vừa sinh con so, chưa được cứng cáp lắm, thành ra bà ấy phải đợi cháu ngoại đầy tháng rồi mới qua sau.

Bà Xuân mỉm cười:

- Xin chúc mừng ông bà vừa có cháu ngoại lại có thêm cháu nội.

- Cám ơn bà. Già rồi, gần đất xa trời mà còn được bế cháu thì cũng vui thêm một chút. Còn bà có được bao nhiêu cháu nội, ngoại rồi?

- Dạ, tui được hai cháu nội, con của thằng con trai lớn, còn thằng nhỏ của tôi chưa chịu lập gia đình. Ông xã tui đã mất, may là tui đi Thái này là lần thứ hai, nên cũng ít lo.

- Thế bà ở vùng nào bên Mỹ?

- Seatle, còn ông?

- Nam Cali, thưa bà.

Gặp được đồng hương, nên hai người ngồi chuyện trò vui vẻ. Ông khách chắc chưa bao giờ có dịp đi Seattle nên hỏi thăm bà cặn kẽ về phong cảnh, khí hậu và đời sống của người Việt ở nơi này. Bà đã có dịp thăm viếng California, nhất là vùng Little Saigon, nên chỉ hỏi ông qua loa về Cali cho có lệ.

Gần nửa giờ nữa mới tới giờ lên máy bay, ông khách đứng lên nhờ bà coi hộ hành lý, để ông đi nhà vệ sinh. Chờ cho ông khách đi khỏi một quãng xa bà Xuân mới tò mò nhìn vào cuốn sách ông vừa để trên cái vali. Cuốn sách có tựa đề “Đường Thông Năng Tĩnh”, một đặc san của Viện Đại Học Dalat. Hình vẽ người con gái mảnh mai trên đường đến giáo đường trong một ngày mờ sương dễ thương làm sao đã quyến rũ bà, nên bà không khỏi tò mò cầm cuốn sách lên xem. Vừa mở trang sách đầu tiên bà sững người khi nhìn thấy hàng chữ viết tay: “Bản dành cho tác giả Mai Xuân Phong.”

Bà bàng hoàng gấp ngay cuốn sách lại, đặt vào vị trí cũ trên vali của ông khách. Tim đập dồn dập làm bà mất hết bình tĩnh. Bà phải nhắm mắt lại, tay ép vào ngực áo, ngồi thật im, hít thở nhẹ nhàng như vẫn thường tập hô hấp hàng ngày, mãi một lúc sau bà mới bình tâm lại. Bà không ngờ cái tính tò mò đã đưa mình vào tình trạng hồi hộp, bối rối như bây giờ. Cả một quãng đời quá khứ xa xưa, tưởng đã phôi pha sau bao năm tháng, không dưng bị khơi dậy. Thật đúng là: “người đâu...còn gặp gỡ làm chi”.

Bà ngồi thờ thẫn, không biết sẽ phải đối xử với người “đồng hương vừa quen” như thế nào trong giờ phút kế tiếp. Bà tự hỏi: “Mình có cần nhắc lại chuyện ngày xưa với ông ấy hay không?” Ngồi lặng im như thế mà đầu óc bà rối như tơ. Sau cùng thì bà quyết định: “Chỉ xem ông ấy như một người đồng hương vừa gặp, vì lát nữa lên phi cơ mỗi người ngồi một nơi, và ba tiếng đồng hồ sau đó sẽ lại đường ai nấy đi, không có gì để quyến luyến cả.” Nghĩ đến đó, bà cảm thấy tâm hồn lắng dịu đôi chút.

Ông khách trở lại chỗ ngồi cũng vừa đúng lúc nhân viên hãng máy bay bắt đầu mở cửa, kéo dây cho hành khách sửa soạn bước lên tàu. Bà thở phào, giao lại hành lý cho ông khách, rồi kéo vali bước đến quầy kiểm vé.

Cô tiếp viên hàng không nhanh nhẹn giúp bà bỏ cái vali nhỏ lên hộc chứa đồ rồi chỉ cho bà số ghế của bà, sát ngay khung cửa sổ. Ngồi xuống ghế, quay nhìn ra bầu trời xanh bên ngoài khung cửa sổ phi cơ, cố xua đuổi những ý nghĩ còn lẩn quẩn trong đầu mình, bà tự nhủ: “Rồi cũng qua thôi.”

Chợt bà nghe một giọng cười thật nhẹ, lẫn trong tiếng nói như “reo vui”:

- Tôi với bà thật là có duyên kỳ ngộ! Không ngờ lại được ngồi gần bà trong chuyến bay này!

Bà giật mình nhìn ông khách đang ngồi xuống cạnh bà. Trời đất ơi, trên máy bay có bao nhiêu là ghế, tại sao ông ta lại phải ngồi kế bên mình? Thật là:

“ Vấn vương chi cũng bằng không
Giây tơ đã đứt còn mong nỗi gì.”

Bà gượng cười nhìn ông khách, tim cảm thấy nhói đau. Ông ngồi xuống ghế, vừa thắt chặt sợi dây an toàn vừa nói:

- Tôi tên Phong. Xin lỗi bà, ngồi tiếp chuyện với bà đã lâu mà tôi chưa biết quý danh của bà.

Bà trả lời thật nhỏ:

- Thưa ông, tui tên Xuân.

Ông gật gù, nhắc lại:

- Xuân? Tên của bà nghe thật quen thuộc.

Bà buột miệng hỏi nhanh:

- Bộ ông có người quen tên Xuân hả?

Ông im lặng vài giây rồi trả lời:

- Vâng thưa bà, nhưng thật xa xưa rồi bà à.

Bà cố dò hỏi:

- Vậy cô ta có phải người yêu của ông không?

Ông trầm ngâm:

- Đôi khi tôi cũng tự hỏi: cô ấy có phải người tôi yêu hay người yêu tôi không?

Ông quay sang nhìn bà:

- Bà có tin vào duyên nợ không?

- Người Á Đông mình ai mà không tin duyên số. Nhờ tin vào nó mà nhiều người bớt đi những ưu phiền trong cuộc sống, nhất là khi gặp phải vấn đề tình duyên trắc trở, phải không ông?

- Đúng như bà nói, nên tôi cũng đã tin là tôi và cô Xuân đã không có duyên nợ với nhau.

Thấy ông có vẻ muốn tâm sự, bà hỏi tiếp:

- Bộ ông anh và cô Xuân nào đó thương yêu nhau nhưng tình không trọn vẹn?

Ông lắc đầu:

- Nói ra thật là mắc cở, tôi cũng không biết rõ ràng nữa đó, thưa bà.

Bà bất chợt xoay người sang, mở to mắt nhìn ông, tức tối:

- Ông thiệt là biết nói chơi! Thương là thương, không thương là không thương, chớ làm gì có chuyện... hổng rõ ràng như vậy? Coi bộ ông không thương yêu mà chỉ thương hại người ta hổng chừng?

Ông lật đật xua tay:

- Chắc chắn một trăm phần trăm là không phải như bà nói rồi.

Bà cảm thấy mát lòng, mỉm cười nói:

- Chuyện của ông xa xưa rồi, giờ nhắc lại cho vui, thôi ông kể cho tui nghe thử coi có phải là ông thương hại người ta không là tui biết liền.

Ông bật cười:

- Chắc bà là một tâm lý gia. Vâng, để tôi kể cho bà nghe thử nhé.

Ông ngưng một lát như ôn lại dĩ vãng, rồi bắt đầu kể:

- Tôi sinh ra và lớn lên ở Đà Lạt. Nếu bà đã có dịp đến viếng Đà Lạt, thì bà biết đây là miền cao nguyên thơ mộng, có núi xanh mây trắng, gió mát trăng thanh. Phần đông dân sống ở Đà Lạt, nhất là giới học sinh sinh viên, đều ưa mơ mộng và yêu thơ văn. Tôi là một trong những người lãng mạn đó, mặc dầu năng khiếu thơ văn của tôi chả là bao. Trong nhà tôi, mấy cô con gái thì có vẻ khá hơn mấy anh con trai về tiết mục này. Thấy mấy chị em tôi đều có bài viết trong những mục tuổi hồng, tuổi ngọc của những tờ báo văn nghệ, tôi cũng đua đòi tham gia với thi văn đoàn “thiếu nhi” này cho vui. Ai ngờ dân húi cua của xứ mù sương cũng có “giá”, bài viết của tôi cũng được chọn đăng, nhờ đó tôi được một số độc giả “ái mộ”. Tôi may mắn quen được một vài cô, trong số đó có cô Xuân. Tuổi trẻ, tâm hồn trong trắng, chúng tôi quen nhau trong tinh thần “văn nghệ, văn gừng”. Thư từ qua lại cũng nhiều lần, nhưng tôi chưa bao giờ có cơ hội gặp tận mặt các độc giả ái mộ mình vì phần lớn các cô này đều ở các vùng miền Nam Đà Lạt, và mỗi mùa hè tôi đều phải ra miền Trung để nhận làm “project” kiếm thêm tiền đi học.

Bà thắc mắc:

- Vậy chứ ông không có cô bồ nào ở Đà Lạt sao?

Ông lắc đầu:

- Tôi không chủ trương yêu và lập gia đình với mấy cô ở Đà Lạt…

Bà ngắt lời ông:

- Tôi nghe nói con gái ở Đà Lạt đẹp, má đỏ, môi hồng, lời nói mềm mỏng ru lòng bao nhiêu chàng trai viếng thăm xứ hoa Anh Đào, sao ông lại không yêu?

Ông gật đầu:

- Đúng như bà nói, con gái Đà Lạt đẹp, dễ thương, nhưng chắc bà có nghe câu “bụt nhà không thiêng”, nên tôi chỉ thích lấy vợ ở xa, đặc biệt phải là mấy cô ở miền Nam. Tôi không hiểu tại sao mình lại mê giọng nói của mấy cô ở miền Nam đến như vậy! Có lẽ tại lúc nhỏ tôi nghe ca cải lương nhiều quá không chừng!

- Vậy thì bà xã của ông bây giờ chắc phải là dân miền Nam?

Ông Phong cười:

- Bà đoán chỉ đúng có một phần thôi. Bà nhà tôi sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, nhưng lại nói giọng Bắc một trăm phần trăm. Bởi vậy, tôi có nói với bà là tôi tin số mạng ghê lắm. Tôi đã nhất định tìm vợ người miền Nam, nói giọng Nam Kỳ, ai ngờ vợ ở miền Nam thì đúng rồi, nhưng giọng nói lại là Bắc Kỳ chính gốc Hà Nội mới lạ chứ...

- Vậy gia đình của bà xã ông là người Bắc di cư?

- Vâng. Gia đình bà nhà tôi từ Hà Nội chạy vào miền Nam năm 54. Tuy sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn nhưng bà xã tôi chẳng nói chút xíu nào giọng Nam như tôi ước mơ.

Bà thúc dục:

- Thôi ông kể tiếp chuyện cô Xuân, cô em văn nghệ của ông đi.

Ông toan kể tiếp, thì phải ngưng lại vì các cô tiếp viên hàng không đã đem những khay đồ ăn tới. Tuy nóng ruột muốn nghe câu chuyện có liên quan tới mình nhưng bà vẫn phải nén lòng chờ cho ông Phong ăn xong. Cho nên sau khi cái khay được cô tiếp viên dọn đi, là bà nhắc ngay:

- Tui đang nóng ruột muốn nghe tiếp câu chuyện của ông anh đó.

Ông Phong cười:

- Tôi kể tới đâu rồi hả bà?

- Chuyện ông quen cô Xuân đó mà.

Ông từ tốn nói tiếp:

- Tôi và cô Xuân quen nhau qua thư tín, từ lúc tôi học năm cuối trung học cho đến những năm lên đại học. Thư qua thư lại chúng tôi chỉ kể cho nhau nghe về cuộc sống của mình và gia đình, thỉnh thoảng kèm một đôi lời thương nhớ bóng gió, mộc mạc của tuổi học trò. Cá nhân tôi rất trân trọng tình cảm này nhưng không dám tiến xa hơn, phần vì thấy mình quá trẻ, chưa danh vọng, phần vì quốc gia đang trong thời kỳ chiến tranh, không biết tương mình lai sẽ đi về đâu. Là một thanh niên lớn lên trong thời chiến, tôi có thể phải nhập ngũ, có thể phải hy sinh như bao chàng trai trẻ khác, để lại bao nhiêu tiếc thương, đau xót cho gia đình và người yêu. Tương lai vô định, tôi nghĩ nếu đi sâu vào tình cảm trai gái, có khi mình chỉ đem đau khổ đến cho người yêu của mình mà thôi. Cũng có lúc tôi trách mình thỏ đế quá, nhưng không thể làm khác hơn, vì bản tính của tôi trót như vậy rồi.

Ông dừng lại, im lặng ôn tiếp quãng đời đã qua, rồi nói với giọng trầm buồn:

- Thế rồi chiến cuộc đã đưa miền Nam vào một khúc quanh lịch sử. Từ đầu năm 1975, tình hình không mấy thuận lợi cho miền Nam Việt Nam. Rồi Huế, Đà Nẵng, Pleiku, Ban Mê Thuột lần lượt bị mất vào tay Cộng Sản. Đầu tháng ba năm 75, tôi đã bỏ gia đình theo chân các sĩ quan ở trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt và trường Chiến Tranh Chính Trị di tản bằng đường bộ vào Sài Gòn. Có lẽ không giấy mực nào diễn tả hết những kinh hoàng trên bước đường chạy giặc này. Tuy nhiên, nhờ ơn trên, tôi đã may mắn vào được Sàigòn bình an, vô sự.

Bà thắc mắc:

- Tại sao ông không ở lại Đà Lạt với gia đình?

- Thưa bà, cá nhân tôi không tin vào bọn Cộng Sản. Vì vậy, khi Đà Lạt rơi vào tình thế bị bỏ ngỏ, tôi quyết định phải ra đi bằng mọi cách. Cứ nhìn vào giai đoạn lịch sử thời kháng chiến chống thực dân Pháp, chiến dịch đấu tố của Cộng Sản miền Bắc trong giai đoạn 1954, thì rõ ngay. Bà thử nghĩ xem, một quốc gia, dân tộc dưới ách thống trị của bọn bần cố nông, vô học, vô thần thì sẽ đi về đâu? Chỉ cần nghĩ đến cảnh bọn chúng đem ngay cả ông bà, cha mẹ của chính mình ra đấu tố, chôn sống và ném đá cho đến chết, bà xem chúng là con người hay là con vật? Rất tiếc vì lối tuyên truyền mị dân của chúng mà bao nhiêu người mờ mắt đi theo. Còn tôi, cái quyết tâm không sống chung với Cộng Sản đã thúc đẩy tôi bỏ Đà Lạt ra đi và tìm cơ hội thoát ra nước ngoài, nhờ thế tôi đã không phải sống dưới ách cai trị của Cộng Sản một ngày nào.

Thấy câu chuyện đi xa chủ ý của mình muốn biết, bà hỏi tiếp:

- Vậy ông có gặp cô Xuân lần nào không?

- Có chứ, một lần duy nhất. Đầu tháng tư năm 75 tôi vào tới Sài Gòn, việc đầu tiên là tôi đến trình diện và ghi danh ở văn phòng của trường Đại Học Đà Lạt vì năm đó trường của tôi đã có chi nhánh ở Sài Gòn. Tôi còn nhận được một số tiền trợ cấp của trường dành cho những sinh viên lưu lạc như tôi để tạm sống trong vài tháng. Tôi đến ở nhờ nhà của một người quen trên đường Trương Minh Giảng chờ tình hình ổn định. Sau khi thu xếp xong nơi ăn chốn ở, tôi tìm đến địa chỉ của Xuân. Hai chúng tôi đã ngồi với nhau cả một buổi ở ngoài vườn để nói chuyện về tình hình đất nước. Xuân là dân gốc miền Nam nên có vẻ nhẹ dạ, không lo nghĩ về hiểm họa khi phải sống dưới chế độ Cộng Sản cho dù cô có nghe tôi nhắc lại những gì xẩy ra ở miền Bắc vào thời kỳ 1954. Xuân cho biết, ba má nàng cũng như nhiều người khác cho rằng Cộng Sản ngày nay khác với đám Cộng Sản thời xưa, nếu Việt Cộng có chiếm trọn miền Nam, thì mục đích hôm nay của họ là giải phóng dân tộc, thống nhất quốc gia. Việt Nam có hoà bình, dân chúng sẽ ấm no vì mọi người sẽ cùng nhau xây dựng lại quê hương đổ nát. Khi biết tôi quyết không sống dưới chế độ Cộng Sản và bằng mọi giá sẽ tìm đường thoát ra khỏi Việt Nam nếu Cộng Sản vào đến Sài Gòn, Xuân rất lo lắng cho tôi và hiểu rằng chúng tôi sẽ khó có cơ hội gặp nhau trong tương lai. Giã từ nhau, chúng tôi đều nói hẹn gặp lại, nhưng lúc ấy tôi linh cảm đó là lần chia tay vĩnh viễn.

Bà bùi ngùi hỏi:

- Ông nói ông có quen nhiều cô ở Sài Gòn, thế sao lần vào Sài Gòn này ông lại tìm gặp cô Xuân?

Ông mơ màng:

- Đúng là tôi có quen nhiều cô ở Sài Gòn, nhưng tôi đã tìm đến gặp mỗi mình cô Xuân trong cái hoàn cảnh cô đơn đó. Tôi cần có một người làm bầu bạn, để tâm sự. Có lẽ, tôi thích cô Xuân nhất trong những người ái mộ mình, thích cái lối viết thư “rặt tiếng miền Nam” của cô. Và có lẽ vì cái tên của cô đã là một phần của cái tên tôi, Xuân Phong, ngọn gió mùa xuân. Quen nhau bao nhiêu năm, thư từ hình ảnh đổi trao nhưng tôi chưa nghĩ đến việc gặp mặt Xuân cho đến năm cuối cùng ở bậc đại học. Tôi đã tự hứa là mùa hè năm đó sẽ tìm một project ở Sài Gòn để có dịp được gặp Xuân. Nhưng không ngờ đó là lần gặp đầu tiên và cũng là lần sau cuối.

Bà im lặng cúi đầu, cố nén nỗi xúc động trong lòng. Ông vẫn tiếp tục nói, như chỉ để cho chính mình nghe:

- Cô Xuân đã lầm. Nhiều người trong miền Nam đã lầm. Vì người Cộng Sản của năm 54, năm 75 và bây giờ cũng giống như nhau. Sau hơn ba mươi năm Cộng Sản cưỡng chiếm miền Nam, họ rêu rao là đã đem lại hoà bình cho đất nước. Nhưng thật ra họ đã làm gì tổ quốc? Họ dâng hiến một phần giang sơn gấm vóc cho Tầu Cộng, cõng rắn vào Tây Nguyên lập làng lập xã khai thác tài nguyên. Họ chiếm đất của chùa chiền và nhà thờ. Họ buôn bán gái Việt và xuất cảng lao động ra nước ngoài làm nô lệ cho ngoại nhân... Tội của họ không bút mực nào kể cho hết. Nhưng rất tiếc là cho tới ngày hôm nay, sau bao nhiêu năm bị Cộng Sản gian dối, lọc lừa, đày đọa, nhiều người dân ở miền Nam tuy đã sáng mắt nhưng chỉ muốn yên thân, an phận, không dám vùng lên đòi lại quyền dân chủ và quyền làm người. Những thế hệ rường cột thì bị nhồi sọ, nhuộm đỏ từ ấu thơ trong trường lớp; khả năng chuyên môn thì yếu kém, do chủ trương “hồng hơn chuyên”… Cho nên, đất nước khó mà ngóc đầu đi lên!

Nói tới đây, ông im lặng không nói nữa, hình như ông đã mỏi mệt vì độc thoại khá lâu, quên luôn cả bà Xuân đang ngồi bên cạnh.

Ông có biết đâu, lòng của bà đang xốn xang, mắt của bà đang ướt nhoà vì những lời ông nói. Có lẽ ông vô tình nên không thấy đã mấy lần bà lấy giấy lau nhanh nước mắt. Chắc ông không biết là sau lần chia tay đó bà đã tới địa chỉ nơi ông tạm trú nhiều lần nhưng không gặp ông. Bà cũng đã gửi nhiều thư về nhà ông ở Đà Lạt để dò hỏi tin tức ông, nhưng không nhận được hồi âm.

Còn bà thì sau ngày “giải phóng”, nhờ cái lý lịch không đến nỗi “đen tối” của gia đình nên được tiếp tục đi học và tốt nghiệp đại học. Trước ngày ra trường, bà cố gửi thêm một lá thư về nhà ông ở Đà Lạt, hỏi thăm tin tức ông, nói cho ông biết là bà đã trở thành cô giáo như ước mơ ngày xưa. Lần này, bà nhận được một lá thư ngắn gọn từ em gái ông, cho biết ông đang bình an ở quê người và vừa lập gia đình.

Nước mắt tuôn rơi khi nhận tin người xưa đã yên bề gia thất, nhưng bà không khỏi vui mừng biết ông đã không phải đối diện với những kẻ ông ghét cay, ghét đắng. Cuối mùa Thu năm đó, bà cũng nhanh chóng lập gia đình với một người bạn đồng nghiệp. Hai vợ chồng bà được bổ về dạy học ở một miền duyên hải xa xôi, và vợ chồng bà cũng đã phải liều mình vượt biển tìm tự do sau những năm sống lây lất trong một đất nước “hòa bình, thống nhất”.

Cả hai người cùng yên lặng ngồi bên nhau, nhưng mỗi người theo đuổi những ý riêng tư trong đầu…Cho đến khi tiếng nói của người phi công trưởng vang lên trong máy, báo tin phi cơ đang sửa soạn đáp xuống phi trường Bangkok, hai người mới trở về với thực tại. Trước khi bước ra khỏi phi cơ, bà lên tiếng cảm ơn ông đã kể cho bà nghe câu chuyện của ông, bà cũng không quên chúc ông luôn bình an và có những ngày đoàn tụ vui vẻ với con ở Bangkok.

Nhận hành lý xong, bà đẩy xe ra ngoài để cùng người chị đi về. Bà thấy ông cũng đang lên xe cùng một người thanh niên trông rất giống ông thuở xưa. Bà nhìn theo chiếc xe vừa lăn bánh rời xa, thì thầm: “Cám ơn Trời đã cho em có cơ hội gặp lại anh lần sau cùng này. Cám ơn anh đã gợi lại cho em một chút hương ngày cũ, một thoáng Xuân Phong dẫu có chút ngậm ngùi. Chúc anh bình an. Vĩnh biệt anh!”

Ý Thảo

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,016,869
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.
Nhạc sĩ Cung Tiến