Mùa Xuân Mai Vẫn Nở
Tác giả:
Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh
Bài số 2859 -1628929- vb2020810
Trước 1975, tác giả từng viết nhiều truyện ngắn cho tuổi học trò trên bán nguyệt san Tuổi Hoa và các truyện dài xuất bản bởi Tủ Sách Tuổi Hoa (hiện nay vẫn tiếp tục phổ biến trên trang mạng Tủ Sách Tuổi Hoa: http//tuoihoa.hatnang.com.) Sau 30/4/1975, Cam Li không viết nữa, chỉ chuyên làm công việc nghiên cứu khoa học. Định cư tại Mỹ từ năm 2003. Cam Li góp cho " Viết Về Nước Mỹ" nhiều bài viết đặc biệt. Sau đây là một truyện ký đặc biệt bắt đầu từ những kỷ niệm của báo Tuổi Hoa, mùa xuân cuối năm 1975, trích từ báo xuân Việt Báo Tết Nhâm Dân, hiện đang phát hành khắp nơi.
- Lời tác giả: Tên của các nhân vật chính trong truyện đã được tác giả thay đổi. Mọi sự trùng hợp, nếu có, đều là ngoài ý muốn. Kính mong quý độc giả thông cảm.
***
Khu vườn dễ thương mang tên Tuổi Hoa, nơi nuôi dưỡng những cây bút tuổi học trò, nằm khiêm nhường bên cạnh nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế đường Kỳ Đồng Sài Gòn. Mặc cho ngoài đường nhộn nhịp đông đúc, bên trong khuôn viên nhà thờ thật êm ả.
Muốn đi vào tòa soạn Tuổi Hoa, Ly phải qua nhà sách Đức Mẹ. Đến một hành lang ngắn, Ly gõ cửa căn phòng đầu tiên và rón rén thò đầu vào, gặp Cha Chân Tín, vị chủ nhiệm của báo, Ly lên tiếng chào Cha. Cha với nụ cười thật hiền hòa, lúc nào cũng hỏi han Ly. Rồi tiếp đến, sang chào bác Trường Sơn là thư ký tòa soạn, Ly nhận một lô thư từ để đem về căn phòng nhỏ của mình. Bác Trường Sơn vẻ nghiêm nghị nhưng luôn sẵn sàng nở nụ cười ưu ái đối với Ly và chỉ dẫn cho Ly những điều cần thiết trong công việc. Sáng đi học, chiều đi làm thư ký nhỏ kiêm "thầy cò"(1), Ly cảm thấy vui lắm.
Những buổi chiều khi đã xong công việc của tòa báo, Ly thường hay thơ thẩn đi qua phía nhà thờ. Ly không vào bên trong giáo đường, mà dừng lại trước hang đá có tượng Đức Mẹ. Những bó hoa tươi mọi người đem đến sắp xếp trang trọng xung quanh chân tượng, bên cạnh những tấm biển nho nhỏ ghi dòng chữ "Tạ ơn Đức Mẹ". Không gian yên tĩnh thật dễ thương. Ly để tâm tư chìm vào lời cầu nguyện.
Cái thời xa xưa, mỗi khi bác Trường Sơn bảo Ly viết bài, thì ý tưởng ở đâu tuôn trào dào dạt. Nhất là đến Tết, không khí nhộn nhịp của tòa soạn làm cho cô bé tăng thêm cảm hứng. Thuở đó, Ly hăng say viết. Viết như mình thở vậy. Hầu như chỉ cần một hình ảnh lướt qua trước mặt, thậm chí trong ý nghĩ, hay chỉ cần một từ ngữ nào đó, cũng đủ gợi nên cả một câu chuyện. Các bạn đọc nhỏ tuổi đến chơi tòa soạn vào những chiều thứ bảy, thường đặt ra cho Ly những câu hỏi đại khái như :"Truyện của Ly viết là thật hay là tưởng tượng"". Ly cũng thành thật nói ngay: "Là thật, đan xen với những điều tưởng tượng". Và thế là Ly đã có những người bạn văn nghệ thật dễ mến đến gặp gỡ, trò chuyện thường xuyên. Cuộc sống của cô học trò và rồi trở thành cô sinh viên xem ra có vẻ bình yên với những bài viết đăng đều đặn trên những kỳ bán nguyệt san, và thỉnh thoảng một quyển truyện dài dành cho tuổi mộng mơ. Nhưng bên cạnh đấy, cô có một góc đời khác: sống với công việc xã hội, vì thế những mảnh đời thật từ đó cô đã đem vào trong văn. Đơn giản là như thế!
Trong những người bạn gần gũi với Ly nhất, có cô bé thi sĩ nhỏ Quỳnh Mai. Cặp kính cận gắn trên khuôn mặt bầu bĩnh làm Quỳnh Mai có một vẻ hóm hỉnh dễ thương. Quỳnh Mai thường đến chơi với Ly, nói chuyện một chút và ngồi yên lặng xem những trang báo mà Ly đang sửa. Từ ngữ chuyên môn gọi đó là những "bản vỗ" (2), nghĩa là những bản in nháp để Ly sửa chính tả hay những chữ sai nếu có, rồi khi đã được thợ nhà in sắp chữ lại cho hoàn toàn đúng mới đem in thật để phát hành. Quỳnh Mai cũng hay xin phép bác Trường Sơn cho theo Ly xuống nhà in để xem những cỗ máy in thật lớn, tiếng máy dập ì ầm làm át cả tiếng nói, và ngắm những chồng báo cao ngất ngưỡng, những hộc gỗ to tướng đựng đầy những mẫu chữ khắc bé tí xíu, chữ nào để riêng hộc nấy; rồi đến những nơi đóng gáy, cắt xén.... Chao ôi, công việc trong nhà in thật là bận rộn, khiến cô bé Quỳnh Mai rất ngạc nhiên. Cô bé nhìn "chị Ly" của mình với tất cả vẻ thán phục. Nhưng Ly đã quen rồi! Có chăng là cái ngày đầu tiên tiếp nhận công việc làm "thầy cò", Ly cũng "ngố" không kém. Học hỏi từ từ rồi đâu cũng vào đó. Trong tòa soạn thì Ly được xem là em út, nhưng đối với các độc giả nhỏ tuổi trạc bằng Quỳnh Mai thì Ly được làm chị. Ngoài việc làm "thầy cò", Ly giúp bác chủ bút trả lời thư tín, sắp xếp bài vở và, quan trọng nhất, là viết bài!
Mùa xuân năm đó, tòa soạn nhộn nhịp hơn cả bình thường với không khí chuẩn bị cho báo Tết. Căn phòng nhỏ mà Ly làm việc mỗi buổi chiều cũng là phòng hội họp. Những người phụ trách các mục thường xuyên của tờ bán nguyệt san Tuổi Hoa, như các anh Hà Tĩnh, Quyên Di, Trinh Chí, họa sĩ Vi Vi, thầy Hoàng Đăng Cấp.., mỗi người một vẻ. Anh Quyên Di nhỏ nhẹ, anh Hà Tĩnh điềm đạm, anh Trinh Chí vui vẻ, thầy Hoàng Đăng Cấp nói rất nhanh và kể chuyện rất hay, riêng họa sĩ Vi Vi trong lớp áo nhà binh rất vui tính, ân cần và lúc nào cũng tài tình với ngọn bút lông. Bên cạnh đó, còn có những cây bút trẻ cộng tác viên cùng về tụ tập tại căn phòng nhỏ của Ly, hỏi han, bàn luận vui vẻ. Nhân đó, Ly cũng trao cho từng anh chị những bức thư do độc giả gửi đến. Lại những điều chia xẻ thật vui. Khi gần tối, mọi người đã về hết, chỉ còn Quỳnh Mai ở lại cùng với Ly để giúp dọn dẹp căn phòng, Ly lại có một người khách mới đến. Một cô bé!
Mai Vi nhỏ hơn Ly bảy tuổi. Khi cô bé xưng tên, Ly biết ngay đó là vị độc giả thiếu nhi tuần trước đã viết cho Ly một bức thư làm quen. Và bây giờ thì quen thật. Như đã từng biết nhau, họ tay bắt mặt mừng. Và dĩ nhiên, có duyên gặp gỡ cả Quỳnh Mai nữa. Hai cô bé thích thú khi thấy có cùng tên Mai. Có lẽ những lời khách sáo không dành cho những người bạn nhỏ này, nên cả ba người đã vào chuyện rất nhanh. Mỗi người tự kể chuyện về mình và hỏi thăm hai người kia. Đối với Ly và Quỳnh Mai, cuộc sống khá êm ả: sinh ra, lớn lên và học hành tại thành phố. Riêng Mai Vi lại có cả một khung trời cơ cực. Tuổi thơ không yên bình trải ra tại một làng nhỏ ở quận Đông Hà thuộc tỉnh địa đầu Quảng Trị. Lên tám tuổi, cô bé đã hứng chịu một tai ương đau lòng. Nhà thờ bị pháo kích từ phía bên kia, trong khi đang có đông đảo giáo dân làm lễ. Bà ngoại và Mai Vi đều bị mảnh đạn hỏa tiễn làm mất cả đôi chân. Người mẹ góa bụa của Mai Vi phải gánh vác gia đình, làm lụng vất vả để nuôi sáu miệng ăn. Rồi mùa hè đỏ lửa, cả gia đình gồng gánh nhau chạy vào nam trên đại lộ kinh hoàng. Đến vùng đất tương đối yên lành, gia đình em được hội thánh giúp đỡ tạo dựng cơ nghiệp ở Bình Tuy. Mai Vi và các em theo học ở làng Bồ Câu Trắng, dưới sự chăn dắt của một vị linh mục nhân từ.
Khi Mai Vi nói xong câu chuyện về mình, nét mặt cô bé vẫn bình yên trong một vẻ cam chịu. Nhưng Ly và Quỳnh Mai thì nước mắt ràn rụa. Mai Vi nói bằng giọng Quảng Trị dễ thương:
- Chị Ly biết không, em vào trong ni, có thời gian ở làng Bồ Câu, đọc sách báo nhiều, em mới biết có Tủ sách Tuổi Hoa. Tình cờ một hôm bạn em tặng cho em một quyển truyện của chị, truyện "Khúc lan can gẫy", em cảm thấy em giống như nhân vật người thương binh trong ấy. Em thấy thương mến chị, và em quyết tìm đến chị đấy!
Quỳnh Mai lau nước mắt, gượng cười:
- Còn chị, Mai Vi biết không, hễ chị Ly viết truyện thì chị Mai cảm tác thành thơ. Vậy nên bây giờ ba chị em mình kết nghĩa luôn nhé!
Ly ôm hai cô em gái vào lòng:
- Cám ơn Phật, cám ơn Chúa đã cho chị em mình gặp nhau. Nè, để chị nhờ chú Hai ở nhà in chụp cho chúng mình một tấm ảnh, há!
Khi Ly chạy xuống nhà in rồi trở về phòng, chú Hai sắp chữ cũng lên theo. Ba chị em kết nghĩa đứng bên nhau. Ly làm chị nhưng bé nhỏ hơn cả. Quỳnh Mai làm bộ nhón gót. Còn Mai Vi, trên đôi chân dài bằng gỗ, em là người cao lớn nhất.
Quỳnh Mai là cô bé thích làm thơ, những vần thơ ngắn nhưng cô đọng tình cảm của một cô học trò. Quỳnh Mai mơ mộng khi nhìn những con chim nhỏ bay vào những ô cửa lớp rồi lại bay ra; khi nhìn lên trần nhà của lớp học, suy nghĩ về những tổ chim ấm áp được xây trên cánh quạt đã hư. Quỳnh Mai như cô bé bâng khuâng trước viễn ảnh ngày mai sẽ lớn, ngày hồn nhiên sẽ qua, để một chiều một sớm... thấy đời những xót xa... Những vần thơ trong sáng của cô bé được đón nhận với chân tình của độc giả. Và cô bé lại thích làm Ô chữ. Ô chữ, là trò chơi, là tiết mục không thể thiếu trong các tạp chí thiếu nhi. Nhìn Quỳnh Mai cắm cúi làm Ô chữ, cặp kính cận hơi trễ xuống, Ly bật cười. Ly tự hỏi không biết cô bé mũm mĩm này sẽ có được một cuộc sống hồn nhiên và bình dị như những vần thơ của cô hay không.
Còn Mai Vi, không viết văn làm thơ nhưng rất say mê đọc sách. Những năm tháng ấu thơ cô bé sống nhiều dưới hầm hơn là trên mặt đất. Cô bé đến trường học và cả khi ngồi trong lớp cũng luôn sẵn sàng chui xuống hầm. Tuổi nhỏ của Mai Vi có một ngả rẽ hãi hùng là thời điểm tai nạn đến làm em lìa bỏ đôi chân. Sau khi ở bệnh viện về, em vẫn phải ở dưới hầm. Trong nỗi đau đớn của chính mình, em còn phải chứng kiến nỗi đau của bà ngoại. Có một lần bà ngoại nghe tiếng đạn pháo kích ngay gần miệng hầm, bà quên rằng mình không còn đôi chân, bà lao xuống giường để chạy và đã ngất đi vì đau đớn. Em hiểu được cái gì là sự chịu đựng, vâng, chịu đựng đến tê dại.
Từ lúc có Mai Vi, Ly và Quỳnh Mai siêng đến thăm em ở nhà vị bác sĩ người Mỹ giúp em theo dõi vết mổ. Em đã phải qua nhiều cuộc giải phẫu nữa vì xương vẫn tiếp tục phát triển. Xong đợt điều trị, Mai Vi xin về lại Bình Tuy để sống với gia đình và tiếp tục đi học.
Mùa xuân 1975 là mùa xuân cuối cùng của ba chị em kết nghĩa. Hai cô bé mang tên Mai đến rồi đi mất. Những ngày tháng ở lại Việt Nam, Ly không nhận được tin gì của Quỳnh Mai và Mai Vi nữa. Ly đã lạc họ. Không còn nữa khu vườn tuổi trẻ thơm hương của Tuổi Hoa. Tòa soạn đã biến mất. Và những năm sau đó, khu vực nhà in biến thành một nhà quàn để tổ chức tang lễ. Những lần đi ngang đó, Ly ngừng lại, lang thang tìm một chút gì quen thuộc. Chú Hai và những người thợ cần cù trong nhà in, bây giờ chắc đã đi tứ tán để tìm phương kế sinh nhai nơi đâu không biết. Bên nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế, vẫn vang lời kinh cầu, vẫn có những người đứng yên lặng thầm khấn nguyện trước tượng Đức Mẹ, vẫn có những bó hoa tươi bình an nép bên chân tượng, vẫn có những tấm biển nho nhỏ ghi dòng chữ "Tạ Ơn Đức Mẹ"; nhưng bên này, tòa soạn Tuổi Hoa, như thể chưa từng đã có. Cha Chân Tín còn ở lại nhưng Ly không hề gặp Cha bao giờ. Bác Trường Sơn đã ra hải ngoại. Tòa soạn đã đóng cửa. Ly chỉ còn để cái tên "Tuổi Hoa" nằm trong một góc u hoài của trí nhớ. Ly thở dài bước đi. Có lúc như nghe văng vẳng tiếng cười nói trong những chiều thứ bảy vui tươi. Những gương mặt thân quen lướt qua trong đầu: những người còn sống, gặp lại rồi, hay đã xa vời mọi nẻo, cùng những người đã chết, đó là những thi sĩ, văn sĩ học trò ngày nào xếp bút nghiên lên đường chinh chiến....