Hôm nay,  

Xứ Lạnh Tình Nồng

05/02/200900:00:00(Xem: 142295)

Xứ Lạnh Tình Nồng
 
Tác giả: CNT-Thiện Cao
Bài số 2524-16208601 vb510509

Tác giả CNT (Thiện Cao), theo bài viết, là cư dân California, nhưng bà vợ thì làm việc ở Toronto-Canada. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của chàng kể chuyện hưởng Noel và Tết Tây bên bà vợ tại “xứ lạnh tình nồng.”

***
Từ đầu tháng 10, vợ từ Toronto đã ngọt ngào và âu yếm "ra lệnh": "Anh ơi!  Năm nay anh sang Toronto ăn Noel và tết Tây với em nhé!  Tháng 12 tuyết chưa xuống nhiều, trời cũng chưa lạnh lắm đâu, anh đừng "sợ" nhé."  Nghe nàng nói đến chữ "sợ", máu "tự ái" của chàng trai nước Việt nổi lên (chứ không phải máu "gàn" như nàng thường nói), nên CNT liền đáp: "Anh đã từng sống ở Ohio mấy năm trời lúc mới sang Mỹ, sức mấy mà anh sợ lạnh." 
Thế là, sau khi vừa "dụ dỗ" vừa "thuyết phục" và vừa "đe dọa" để cô con gái vui vẻ ở nhà với bà nội, và vừa "năn nỉ" mẹ già để gửi gấm cô con gái yêu, CNT hớn hở chờ ngày sang sứ "Tuyết." (Từ ngày về hưu từ tháng 7 vừa rồi đến giờ, đây sẽ là chuyến "viễn du" đầu tiên, dù trước khi nghỉ GGPD mình đã dự định đi "tham quan" nhiều nơi cho biết, cho bõ lại những ngày phải "đi cày" để trả nợ "đời' [sống]
*
Dec 19: Sáng sớm ở Cali., đang chuẩn bị ra phi trường thì Hà đã gọi sang: "Anh ơi! Bên này đang có một cơn bão tuyết lớn lắm đó, hy vọng chuyến bay của anh không bị hoãn lại hay hủy bỏ.  Trời lạnh lắm, để em gửi anh Đồng mang ra cho anh cái áo jacket dầy mặc thêm cho ấm, kẻo anh cảm lạnh thì mất vui."  (Vì Hà vẫn còn phải đi làm tối hôm đó, nên BBD sẽ ra phi trường đón mình.)  CNT hùng dũng đáp:  "Không cần.  Anh có cái áo da cổ lỗ sĩ do chính Indiana Jones tặng lại cho anh là đủ rồi, em làm như anh chưa biết lạnh là gì."
Mặc dù có bão tuyết nhưng máy bay chỉ đáp trễ khỏang 30  (phải công nhận bên đây họ dọn tuyết rất nhanh).  Sau khi nhận hành lý và gặp BBD,  CNT nhìn ra cửa kính thì nhìn thấy ngòai trời mù mịt tuyết, nhưng chưa thấy gì là "lạnh" như mọi người "dọa".  BBD bảo mình chờ bên trong cho đỡ "lạnh", rồi BBD sẽ ra lấy xe và đón mình ngay trước cửa ra vào.  Lại nghe chữ "lạnh" một lần nữa, máu tự ái (hay máu gàn") lại nổi lên, CNT hùng dũng đáp "Tao đi bộ ra xe với mày được mà, không sao đâu",  "OK, vậy mày muốn đi với tao thì đi".  BBD mỉm cuời.
Vừa bước ra khỏi cửa được hai ba bước gì đó, CNT cảm thấy từng cơn gió lạnh thổi xuyên qua cổ, lọt vào bên trong chiếc áo da, và chạy khắp tòan thân người, còn hai chân thì đã thấy hơi cóng rồi, chưa kể hai lỗ tai đã bắt đầu nhức buốt lên và "lùng bùng". Để bảo tòan "lực lượng", CNT dõng dạc "tuyên bố": "Thôi, để tao chờ bên trong, mày mang xe đến đón tao".  Sau này y cứ kể cho mọi người nghe là giọng CNT lúc đó nghe "yếu ớt" và "run rẩy" vô cùng, thực ra lúc đó giọng mình bị gió thổi át đi chứ bộ. (Hình như BBD cũng có tài nêm "mắm muối" cho câu chuyện được "đậm đà" như ông anh BBTrúc của hắn vậy.)
BBD đưa đi ăn phở trước khi về nhà.  Phở tiệm "Bình Minh" nhiều và ngon không kém phở tiệm "Nguyễn Huệ" hay "Phở Bolsa" bên Cali., mà gía cả thì nhẹ nhàng hơn nhiều.  Ngồi trên xe, nhìn thấy dù đường phố ngập tuyết nhưng xe cộ vẫn tấp nập, mọi người vẫn sinh họat bình thường nên trong bụng cũng thấy yên tâm, chắc trời chẳng đến nỗi lạnh lắm đâu!
Hà đi làm về, vừa vào nhà đã phê ngay: "Trời ơi! Đúng là nguyên tắc của mấy ông gàn KMTD, anh Đồng sang Mỹ tháng vừa rồi, anh đón anh ấy rồi đưa đi ăn phở.  Bây giờ anh sang đây, anh ấy đón anh và lại đưa anh đi ăn phở trong khi ở nhà em đã làm sẵn miến cua và bò kho để hai anh về ăn mà lại không ăn ở nhà".  Mình cười: "Ừa, chúng tôi là dân ban B của KMTD, làm gì cũng phải đúng công thức hết em ạ."
Tối hôm đó, tuy vợ hỏi mấy lần có lạnh không để nàng lấy thêm quần áo ấm cho, nhưng mình vẫn một mực" "Anh OK, đừng lo".  Tuy vậy, đợi lúc cô nàng đang bận rộn dưới bếp, CNT lẳng lặng tròng vào thêm một cái quần dài nữa và mặc thêm 2 cái áo T-shirts bên trong cho "chắc ăn" rồi mới leo lên giường.
*
 Dec 20: Sáng thức dậy, nhìn ra ngòai thấy trời nắng đẹp, nhưng nhìn đâu cũng thấy tuyết ngập trắng xóa.  Trong lúc Hà bắt đầu nấu nướng để tối nay họp mặt Tất Niên với vài người bạn của Hà và bạn bè KMTD của mình, CNT âm thầm "đóng bộ" áo trong, áo ngòai, cộng thêm một áo jacket "lông vịt" vợ đã sắp sẵn cho, định ra ngòai nghịch tuyết và nhân tiện thử xúc tuyết một chút để làm sạch cái sân tráng nhựa trước cửa, để  buổi chiều khách đến có chỗ đậu xe.  Nhưng, chỉ được vài phút ngòai trời, đôi chân đã thấy buốt.  Không đủ "dũng cảm" để làm "anh hùng", CNT đành lẳng lặng vào nhà, vừa cởi bộ "áo giáp", vừa nhủ thầm: "Ngày mai mình phải đi mua gấp mấy bộ đồ "thermal" mặc vào bên trong thì mới có cơ hội "sống sót" được 2 tuần ở đây.   Chiều đến, bạn của Hà và bạn KMTD của mình bắt đầu kéo đến.  Vì nhà gần nên Lan Hương có mặt trước tiên, vợ chồng anh Thọ và chị Lan Phương, sau khi gõ cửa nhầm vài nhà hàng xóm chung quanh, cuối cùng cũng tìm ra đúng nhà.  Mọi người vui vẻ bắt đầu bằng những câu chuyện "Bão Tuyết".  Có lẽ thời tiết "lạnh lẽo" nên "tâm hồn" mọi người có dịp đến gần nhau hơn, CNT ngạc nhiên khi thấy các bạn của Hà và các bạn KMTD của mình, tuy mới gặp nhau lần đầu, nhưng mọi người vẫn chuyện trò với nhau "rộn rã" như bạn bè thân lâu ngày mới gặp lại.  Phương Hà (một cô KMTD xinh đẹp và hiện đang độc thân của khóa 5), và BBĐồng, mặc dù bận tiệc với gia đình, nhưng cuối cùng vẫn ghé đến, dù lúc đó cũng khá khuya rồi.   BBD kể cho mọi người nghe chuyện cậu con trai mới bị đụng xe do trời tuyết (chỉ có xe là bị hư hại, cháu thì không sao).  Rồi anh cũng vui vẻ cho biết cậu con trai này đã quyết định và được nhận vào làm cùng ngành thang máy "nối nghiệp" bố.  Không biết trong 3 cậu con trai của BBD sau này có cậu nào thích vác máy "hút bụi" để nối nghiệp "phó nháy" của bố không"  (Rất cảm phục tinh thần "Ăn cơm nhà, vác ngà voi" của bạn.)


Mọi người chuyện trò và nghe nhạc đến hơn 2 giờ sáng mới ra về.  Hà vừa dọn dẹp vừa thủ thỉ: "Anh thấy không"  Cứ bảo Canada là xứ lạnh. Anh xem các anh chị, bạn bè ai cũng qúy mình, không ngại gió bão vẫn đến chơi với bọn mình.  Anh Thọ và chị Lan Phương chắc phải mất hơn mấy tiếng đồng hồ mới lái xe về đến nhà được mà họ vẫn ghé như thường.  Chị Phưong Hà, và cả anh Đồng nữa, dù đã khuya rồi mà họ vẫn ghé một chút với tụi mình".  CNT đáp ngay: "Ừa, bây giờ anh mới hiểu tại sao ai cũng gọi Canada là "XỨ LẠNH TÌNH NỒNG" rồi em ạ!"  (CNT nói thật lòng mình, chứ không phải nịnh vợ đâu các bạn ạ).
Hôm sau, nhân lúc Hà ghé vào nhà băng có chút việc, CNT âm thầm ghé vào một tiệm bán quần áo gần đó và vui mừng tìm được mấy bộ áo lót dài tay và và quần lót dài chân gọi là "thermal".  Mình mua ngay và cũng "âm thầm" ghé vào washroom mặc vào trong người ngay.  Bây giờ đã "phòng thủ" kỹ lưỡng rồi,  ta có thể đi ngòai "sương gió" như bất cứ một anh "Canadien" gốc Việt nào ở đây rồi đấy nhé! (kể cả anh "Canadien" BBD luôn) 
Tối đó về đến nhà, thấy mình "gỡ" mấy lớp quần áo trong ngòai ra, Hà phá lên cười: "Hèn gì cả ngày nay thấy anh "oai" quá, không kêu ca gì về thời tiết hết."
*
Tối Dec 24:  Theo Hà đi lễ Giáng Sinh ở một nhà thờ Việt Nam gần nhà. Mặc cho thời tiết "khắc nghiệt", các giáo dân vẫn đến xem lễ nghẹt kín nhà thờ và "diện" những bộ quần áo mùa đông rất đẹp.  Sau đó hai đứa ghé nhà một người chị họ của Hà, chị Yến, để ăn reveillon với gia đình chị.  Thấy bữa họp tất niên chị Lan Hương có ngồi nói chuyện thân mật với chị, nên Hà rủ cả 3 mẹ con Lan Hương đến chơi luôn. Tối về Hà ganh tỵ: "Sao 2 con trai của chị Lan Hương cũng bằng tuổi con trai em, mà hai đứa nó vẫn thân và còn chịu đi chơi với mẹ, còn con em nay chẳng bao giờ chịu đi đâu với mẹ nó hết.". Mình đành an ủi: "Mỗi đứa con thể hiện tình yêu với cha mẹ chúng một cách khác nhau.  Con em dù ít đi chơi với em nhưng đâu có nghĩa là nó yêu mẹ nó kém hơn con của LH yêu mẹ chúng đâu""
*
 Tối Dec 25: Đi dự tiệc ở nhà một cặp vợ chồng khác, bạn của Hà.  Gặp tòan những cặp vợ chồng khác trẻ tuổi hơn hai đứa, nên tâm hồn mình cũng thấy trẻ trung hơn.  "Anh Thiên" được dịp làm anh cả kể chuyện Cali cho mọi người nghe.  Ai cũng ngưỡng mộ "Little Saigon" tại Cali và có vài người cho biết là trước sau gì họ cũng phải ghé thăm một lần cho biết dù họ chẳng có thân nhân gì bên đây. Phải chăng "Saigon" không còn nữa nên họ chọn "Little Saigon" để trám lại những trống vắng trong con tim của những người xa xứ"""  Tối đó, tuy tòan là các cặp vợ chồng trẻ, mọi người cũng theo đúng "phong cách" của các gia đình VN ở khắp nơi trên tòan thế giới khi có dịp ngồi lại ăn uống với nhau: ""Các Ông" thì ngồi với nhau ở phòng ăn uống bia và kể cho nhau nghe những chuyến về VN trốn vợ đi uống bia ôm, còn "Các Bà" thì tụm lại với nhau ở phòng khách kể tội các ông chồng mình về tính uống bia nhiều và khi về VN hay trốn vợ đi uống bia ôm."
Tối Dec 26:  Vợ chồng cô cháu trẻ của Hà yêu cầu bác Hà nó nấu phở. Thực ra đó là lời yêu cầu của chồng nó, một anh chàng "Tây" tóc vàng mắt xanh, than với vợ là lâu nay chưa được thửơng thức lại món phở bác Hà nấu.  Thế là được dịp rủ Lan Hương và BBD, vì nhà gần đó, đến ăn phở và chả giò cho vui.  Cặp vợ chồng đứa cháu mang ra khoe với mọi người vừa mua được một cái máy ảnh mới, bác Đồng liền lôi ra bộ "đồ nghề" của bác cho chúng xem, và chỉ cho hai đứa vài kỹ thuật chụp ảnh, làm hai đứa phục lăn cả ra. Thế là bác Đồng lên tinh thần, chụp cho chúng vài tấm hình.  Hình nào cũng đẹp và làm chúng thích lắm.  Còn mình thì phải luôn miệng dặn đi, dặn lại, hai đứa:  "Đừng có lỡ dại hỏi về công dụng cái "phễu" màu trắng nó gắn ở cái flash, để nó mà trả lời thì tụi bay sẽ nhức cả đầu mà cũng không hiểu được cái "phễu" đó dùng để làm gì."
*
 Sáng Mồng 1 Tết Tây:  Ngày đầu năm hai đứa kéo nhau lên phố Tàu Toronto ăn "Mì" cho cuộc tình hai đứa được dài lâu.  Trong tiện ăn, thấy chung quanh cũng có vài gia đình "Tây" (danh từ dân VN ở đây dùng để gọi người da trắng bản xứ), vợ chồng con cái cũng gắp mì và húp cháo một cách nhiệt tình và rất "dễ thương" vô cùng.  Trời lạnh nhưng sinh họat ở phố Tàu vẫn nhộn nhịp không kém lúc mình sang đây vào mùa hè.  Các gian hàng bán trái cây vùng nhiệt đới vẫn được bày ra đầy lề đường, tiếng người rao inh ỏi.  Ghé tiệm Nguyên Hương ăn thử nửa ổ bánh mì thịt, thấy rẻ và ngon hơn Lee s Sandwiches ở Cali, CNT bèn mua ngay 3 ổ mang về. (Thói quen chuyên ăn mì gói và bánh mì từ thời trung học đến mấy chục năm nay vẫn chưa bỏ được.)
Jan 2:  Buổi sáng Hà chở đi một "shopping mall" để mua qùa sinh nhật cho cô cháu, vào bên trong thấy tràn ngập người.  Bên Cali mình, mùa hè mọi người đổ xô vào shopping malls để tránh nóng, còn bên đây mọi người tràn vào shopping malls vào mùa đông để tránh lạnh. Tối đến, ngòai trời tuyết lất phất và gió thổi mạnh, đi ăn sinh nhật cô cháu của Hà tại một tiệm Nhật ở thành phố Markham gần đó. Đến nơi ngạc nhiên thấy tiệm ăn đông nghẹt người dù bên ngòai tuyết đã xuống nhiều lắm rồi.  Thế mới biết, giông tuyết thì mặc giông tuyết, thiên hạ vẫn ăn chơi đủ bốn mùa. 
*
Jan 3: Đã đến lúc phải giã từ vợ yêu, giã từ thành phố tuyết "dễ thương" để về.  Ngồi trên máy bay, mới rời Toronto đó, mà trong đã lòng thấy ngổn ngan với những cảm xúc vui buồn lẫn lộn.  Nhớ những ngày bầu trời và mặt đất ngập đầy sắc trắng phơi phới của tuyết.  Nhớ những buổi tối họp mặt bạn bè cũ, tâm tình, ca hát, và đùa giỡn như thời tuổi trẻ còn đi học, chưa biết những khổ lụy của cuộc đời.  Nhớ những món ăn ngon Hà nấu: Ốc gỉa ba ba với lươn quấn lá lốt, bánh tôm Hồ Tây, thịt đông dưa chua, cơm gà Hải Nam, cơm chiên Bát Bửu .... Nhớ những buổi tối, thằng con trai thì đi chơi với bạn, hai đứa ở nhà ngồi phòng khách xem phim, nghe nhạc và bàn chuyện tương lai.  Nhớ ánh mắt ngấn lệ của vợ lúc chia tay...
Thôi nhé, tạm biệt Toronto, tạm biệt các bạn hữu ở "xứ lạnh" nhưng tình cảm lúc nào cũng "ấm" vô cùng.
Mùa đông năm sau, nếu vợ có ra lệnh qua Toronto nữa, thì CNT nhất định sẽ nói "Yes" ngay và chắc chắn sẽ không quên gói theo mấy bộ đồ "thermal" quý giá mà nếu không có nó thì CNT đã không sống sót được để về với mẹ gìa và con thơ.
CNT (Thiện Cao)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 843,973,069
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.
Nhạc sĩ Cung Tiến