Hôm nay,  

Nước Mỹ… Đường Đi Không Đến

28/08/200800:00:00(Xem: 168538)
Người viết: Tấn Quân
Bài số 2392-16208468-vb5280808

Tác giả tên thật Nguyễn Tấn Quân,  44 tuổi, cư dân Oklahoma City, OK, hiện là General Ledger Accountant, làm việc tại The Board of Education of Oklahoma. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của ông cho năm 2007 là những hồi ức về phi trường Tân Sơn Nhất trước và sau ngày 30 tháng Tư 1975. Sau đây là bài viết thứ ba. Mong ông tiếp tục viết.

***

Nước Mỹ, với tôi, là đường đi không đến, nói theo tác phẩm nổi tiếng “Đường Đi Không Đến” của nhà văn Xuân Vũ.

Năm 1978 phong trào vượt biên chui và bán chính thức rần rộ khắp Việt Nam, người Hoa người Việt, người Miên, người Lào, v.v…người nào cũng được miễn sao có đủ tiền đủ vàng nộp để chủ tàu đăng ký với nhà nước là có thể ung dung cầm trên tay cái thẻ cử tri giả (thời đó ở Việt Nam chưa có giấy chứng minh nhân dân), mang tên giả với họ Lâm, họ Hà, họ Vương, họ Quách… chờ ngày được công an hướng dẫn xuống tàu ra khơi tìm tự do.  

Bà dì họ của tôi lấy chồng người Hoa cho nên cũng sắp xếp để ra đi, Dì tôi rất hoạt bát và có đầu óc kinh doanh cho nên thấy đây là một cơ hội tốt để kiếm tiền. Tuy không có nhiều vốn liếng tiền bạc nhưng nhờ quen biết nhiều nên Dì kêu gọi bạn bè người quen hùn tiền, một mặt Dì tìm nơi tổ chức đóng tàu và mướn tài công, một mặt giao dịch với chính quyền làm thủ tục ra đi.

Chuyến đầu tiên Dì cho 3 đứa con trai đi trước để tránh phải bị bắt thi hành nghĩa vụ quân sự, Dì ở lại tiếp tục tổ chức chuyến đi thứ hai. Chuyến này vì có kinh nghiệm nên Dì kêu gọi nhiều người hơn, sau vài tháng thì việc tổ chức cũng hoàn tất, chỉ có điều là do có nhiều người tin tưởng sau chuyến tổ chức đầu tiên của Dì thành công và được biết Dì sẽ ra đi cùng với chuyến tàu này cho nên có nhiều người tham gia ngoài dự liệu, trong lúc chiếc tàu Dì tổ chức đóng lại không thể chứa hết mọi người cùng một lúc nên Dì quyết định đóng thêm một chiếc tàu thứ ba.

Khi chiếc tàu thứ ba đang đóng dở dang thì Dì quyết định đưa chiếc tàu thứ hai rời bến, số người đóng tiền được Dì chia ra làm hai tốp, tốp đầu ai đăng ký và đóng tiền trước sẽ ra đi trước cùng với Dì và 4 người con gái còn lại của Dì, riêng Ông Dượng thì được Dì cho ở lại để sắp xếp để ra đi  cùng với số người khách còn lạingay khi chiếc tàu thứ ba được đóng xong.   Chuyến tàu thứ hai cùng với Dì ra đi bình an và cặp bến Malaysia sau 5 ngày rời bến Rạch Giá, Kiên Giang.

Trong lúc vợ con đang ở trại tị nạn Malaysia, ông Dượng tôi còn ở lại Việt Nam thỉnh thoảng rảnh rỗi có ghé nhà tôi chơi. Lúc đó Ba tôi đang còn mút mùa trong trại cải tạo miền Bắc xa xôi. Thấy hoàn cảnh gia đình tôi khó khăn, ông Dượng kêu Mẹ tôi đưa cho ông 2 tấm giấy khai sanh và 4 tấm hình 4x6 của anh em tôi để ông làm thủ tục theo diện người Hoa ra đi bán chính thức. Chừng một tháng sau ông trở lại đưa cho hai anh em tôi hai cái thẻ cử tri mang tên Lâm Q. và Lâm T. với cái địạ chỉ vu vơ nào đó ở Quận 5 Sài Gòn. Cả nhà tôi ai nấy đều phấn khởi và vui hẳn lên vì không ngờ được trong hoàn cảnh cả nhà không có trong tay một cây vàng lại có thể sắp sửa được ra đi bán chính thức với cái giá mọi người thường phải trả khoảng 7-8 cây vàng cho một đầu người. 

Niềm vui không kéo dài được bao lâu. Khoảng hai tháng sau ông Dượng trở lại báo tin chương trình ra đi bán chính thức bị đình hoãn vô thời hạn, chưa biết bao giờ nhà nước cho phép ra đi trở lại.  Lúc đó vì bị các nước láng giềng la làng lên rằng Việt Nam tổ chức lấy vàng, cướp tài sản của người Hoa rồi đẩy người ra biển, dưới áp lực quốc tế nhà nước Việt Nam đành phải chấm dứt chương trình Hoa Kiều hồi hương theo kiểu ra đi bán chính thức. 

Ông Dượng tôi sau đó thật vất vả vì số người đã nộp vàng cho Dì Dượng tôi nay không đi được xúm lại đòi tiền lại. Tiền vàng thì đã đăng ký nộp cho nhà nước, mua bến bãi và đổ vô chiếc tàu đang đóng dở dang. Chịu không nổi cảnh mọi người xúm lại đòi tiền ngày đêm, Dượng tôi phải lẩn  tránh nay ngủ nhờ nhà người này mai ăn cơm nhà nọ. Không riêng gì ông, lúc ấy không biết bao nhiêu người Việt lẫn người Hoa đã sống dở chết dở vì tiền bạc dốc hết ra cho chuyến ra đi, nay đành trắng tay. 

Thời gian đó tôi đang học lớp 12. Trong lớp tôi có một anh bạn người Việt gốc Hoa, Ba anh ta cũng đứng ra tổ chức đóng tàu. Sau khi có lệnh chấm dứt việc ra đi bán chính thức, tàu của ông ta bị nhà nước quản lý, tiền bạc mất sạch, bị mọi người xúm lại đòi tiền, ông xuống tinh thần không bao lâu thì ngã bệnh rồi từ trần mặc dù ông là chủ một tiệm thuốc Bắc danh tiếng.

Thời gian rồi cũng dần trôi qua. Phong trào vượt biên chui vẫn tiếp tục và có phần sôi nổi hơn, chỉ có điều bây giờ công an Việt Nam gian ngoa hơn, một mặt bán bãi bán tàu, một mặt tìm cách thông báo cho đồng bọn hoặc công an biên phòng tìm cách bắt lại để kiếm tiền chuộc hoặc tìm cách cướp vàng của người vượt biên.  Anh em tôi bây giờ vẫn phải tiếp tục đi mua bán vặt vãnh hoặc ai thuê đâu làm đó kiếm tiền mua gạo ăn cho cả gia đình. Giấc mơ đi Mỹ đành xếp lại. 

Năm 1982 Ba tôi được chuyển trại từ miền Bắc xa xôi đưa về miền Nam và tiếp tục giam giữ tại trại tù Hàm Tân thuộc tỉnh Thuận Hải. Năm 1984 Ba tôi được trả về nhà với lệnh một năm quản chế tại địa phương.  Vài năm sau tôi lập gia đình, cả hai vợ chồng đều làm công nhân viên nhà nước, mổi tháng được 14 kg gạo, vài món nhu yếu phẩm lặt vặt và số lương chết đói.

Năm 1988 gia đình tôi cũng như tất cả gia đình sĩ quan chế độ cũ xôn xao khi biết tin Tướng Vessey làm đặc sứ Mỹ sang Việt Nam bàn luận về chương trình cho phép cựu tù nhânchính trị được định cư tại Hoa Kỳ.

Xin được nói thêm về vấn đề này, thực sự từ năm 1976-1977 khi Hoa Kỳ và Việt Nam đã có những thương lượng về thiết lập bang giao trở lại. Lúc ấy về phía chính phủ Việt Nam Cộng Sản đang say men chiến thắng nên đòi Hoa Kỳ phải bồi thường chiến tranh vài tỷ dollars theo như thoả thuận trong hiệp định Paris, sau đó mới tính chuyện bang giao (Việt Nam chỉ nhớ đến phần bồi thường chiến tranh, còn phần vi phạm ngưng bắn theo hiệp định đó thì lại quên) và dĩ nhiên sự đòi hỏi quá đáng này chẳng đi đến đâu.

Trong lúc hai bên đàm phán phía Hoa Kỳ có nhắc đến trường hợp những cựu quân cán chính VNCH hiện đang bị giam giữ trong các trại tù trá hình mang tên trại cải tạo. Ông thủ tướng Phạm Văn Đồng của CSVN có trả lời  rằng nếu Hoa Kỳ đồng ý nhận thì Việt Nam sẵn sàng giao hết số người này cho Hoa Kỳ mang sang Mỹ.  Đó cũng chính là một yếu tố nhỏ trong nhiều yếu tố giúp cho những nhà hành pháp và lập pháp Hoa Kỳ sau này đi đến việc thảo ra dự luật đệ trình lên Quốc Hội Hoa Kỳ xin ngân khoản và thông qua dự luật mà bây giờ chúng ta có được chương trình ODP, bao gồm diện đoàn tụ gia đình, con lai (Amerisian), và HO. 

Dù chưa có thông báo chính thức từ phía Việt Nam nhưng do theo dõi tin tức từ Việt Nam qua đài phát thanh BBC, VOA nên chúng tôi cũng được biết một phần sự kiện thương thảo này. Sự hào hứng một lần nữa lại xẹp xuống khi chính phủ Việt Nam đòi hỏi chính phủ Hoa Kỳ phải cam kết là những người cựu tù nhân cải tạo này sau khi đến Mỹ không được làm điều gì chống phá hay phương hại đến an ninh Việt Nam (riêng việc gửi dollar về Việt Nam thì không có cấm, điều này do tôi đặt ra).  Phái đoàn Mỹ trả lời thẳng rằng Hoa Kỳ là một quốc gia tự do, mọi người có quyền làm bất cứ điều gì họ muốn miễn không vi phạm đến luật pháp Hoa kỳ là được, Hoa Kỳ không thể cam kết cái sự đòi hỏi vô lý đó của Việt Nam. Thế là chương trình đành phải đình hoãn lại vô thời hạn.  Khỏi phải nói cái nỗi thất vọng to lớn của gia đình chúng tôi nói riêng và tất cả gia đình của những người cựu tù nhân cải tạo nói chung ở Việt Nam lúc bấy giờ sau khi nghe đài phát thanh BBC và VOA loan tin ông tướng Đặc Sứ Vessey trở về Mỹ với sự thương lượng bất thành.

Một năm sau, có lẽ biết không thể đòi hỏi thêm được gì từ phía Mỹ, một mặt chắc cũng muốn tống khứ số cựu sĩ quan và công chức chế độ cũ cùng với gia đình ra đi để vơ vét cho bằng hết nhà cửa  của ho, cho nên năm 1989 chương trình HO được Hoa Kỳ và Việt Nam bàn thảo trở lại. Việc thương lượng chính xem như  hoàn tất, hai bên chỉ còn phải họp tiếp vài lần với phái bộ cấp dưới để bàn thảo thêm về vấn đề kỹ thuật,  thế là chương trình bắt đầu khởi động.  Thời gian đó do chưa có bang giao chính thức với Việt Nam cho nên phái đoàn ODP đặt tại Bankok trực thuộc toà đại sứ Hoa Kỳ ở Thailand hàng tuần phải đáp máy bay mang theo những thùng nhôm lớn chứa hồ sơ HO sang Saigon để làm thủ tục tiến hành xem xét và bắt đầu phỏng vấn dành cho chương trình HO. 

Đến bây giờ sau hai mươi năm trôi qua tôi cố gắng tìm hiểu nhưng không tài nào hiểu được tại sao lúc đó về phía chính phủ Việt Nam hoàn toàn không có một thông báo chính thức dành cho những cựu tù nhân cải tạo về chương trình HO.

Riêng trường hợp gia đình chúng tôi vào khoảng giữa năm 1989 có 3 người khách lạ đến thăm. Một người tự xưng là cán bộ thuộc Bộ Nội Vụ Việt Nam, một người là công an Phòng bảo vệ chính trị thuộc Sở Công An và một người là công an khu vực tại địa phương. Sau khi giới thiệu xong ông công an Bộ Nội Vụ có hỏi thăm Ba tôi về cuộc sống hiện tại, hoàn cảnh kinh tế gia đình ra sao sau khi được tha về từ trại cải tạo, chính quyền và công an địa phương có giúp đỡ hoặc gây khó khăn kỳ thị gì không"  Lúc ấy vì bị công an địa phương sách nhiễu nhiều lần như thường khám xét nhà ban đêm, nhiều khi buổi tối đang nghe nhạc radio đài FM cũng bị công an xông vô đột ngột xem thử có phải đang nghe lén đài BBC hay VOA hay không, sẵn dịp Ba tôi kể hết những sự phiền nhiễu đó, anh công an khu vực có phần lúng túng vì không ngờ Ba tôi đem những chuyện đó ra nói cho cấp trên của anh ta nghe. Anh công an thuộc Bộ Nội Vụ chắc cũng không hào hứng với những chuyện đó nên lảng tránh câu trả lời và nói sang mục đích chính của họ là muốn biết ý kiến của Ba tôi là nếu chính phủ Hoa Kỳ nhận gia đình tôi sang Mỹ định cư thì Ba tôi có muốn đi Mỹ không"  Ba tôi cũng hơi bối rối vì không biết thực sự họ muốn gì, tuy nhiên ông cũng trả lời rằng nếu chính phủ Việt Nam đồng ý cho ra đi thì Ba  tôi cũng muốn được đi. Sau nầy tôi cũng có thắc mắc riêng cho tôi là tại sao nhà nước Việt Nam không ra thông báo mà lại phải đi hỏi những người cựu tù nhân cải tạo như vậy.

Dù sao, do phần lớn tin tức được chuyền miệng chuyền tai nhau và mọi người lục tục đến Phòng quản lý xuất nhập cảnh thuộc Sở Công An để đăng ký, ai may mắn biết tin sớm đi làm thủ tục đăng ký sớm được xếp vào danh sách đầu tiên HO2, HO3, HO4…, ai đăng ký trễ thì nằm trong danh sách sau.  Tôi biết có những chú bác cấp tá cấp tướng, học tập cải tạo 13-14 năm nhưng đăng ký trễ phải nằm trong danh sách HO15, HO16… ngược lại có chú bác cấp uý học tập 3-4 năm nhưng may mắn nộp đơn sớm được nằm trong danh sách HO2, HO3… 

Xin nói rõ thêm là danh sách HO1 phần lớn được lấy ra từ danh sách những gia đình cựu tù nhân cải tạo có thân nhân trực hệ sống ở Mỹ nộp đơn xuất cảnh diện đoàn tụ gia đình ODP trước đó, còn những người thuộc diện trọc đầu tức là không có thân nhân trực hệ sống ở Mỹ thì người nào nộp đơn sớm nhất tức vào năm 1989 thì được nằm trong danh sách HO2, HO3, HO4…

Mãi đến năm 1991, chính phủ CSVN mới bắt đầu có những thông báo chính thức được phổ biến, mọi người khắp mọi miền đất nước mới đổ xô nhau đăng ký. Đến lúc đó thì người nào hoàn tất thủ tục xong sớm lắm cũng nằm trong danh sách HO20, HO21…HO29, HO30… và ngày càng kéo dài ra. 

Cũng may là sau khi khởi động chương trình tiến hành khá nhanh, chỉ trong vòng 4-5 năm kể như giải quyết gần hết 100% số người nộp đơn, ngoại trừ trường hợp bị từ chối hoặc vì lý do sức khỏe.  Gia đình chúng tôi gồm Ba Mẹ và 6 người con cộng thêm 1 con dâu và 1 con rể là ông xã của tôi tất cả 10 người đều được cấp hộ chiếu và lên danh sách phỏng vấn. 

Đầu năm 1990 gia đình tôi được gọi phỏng vấn, khi vào phỏng vấn ông Mỹ đại diện cho văn phòng ODP cho biết là anh trai lớn của tôi, chị dâu tôi, tôi và ông xã của tôi do đa lập gia đình nên không được chấp thuận cấp Visa. Ông ta cũng giải thích rõ nếu sau này Ba tôi sang Mỹ và có quốc tịch Hoa Kỳ rồi thì có thể làm thủ tục bảo lãnh chúng tôi sau. Lúc ấy tuy buồn vì phần mình nhưng tôi cũng mừng cho Ba Mẹ và các anh em còn lại của tôi được đi định cư tại Hoa Kỳ. Vậy là một lần nữa giấc mộng đi Mỹ của tôi lại không thành.

Sau khi gia đình tôi sang Mỹ và bắt đầu gửi tiền gửi quà về cho tôi và anh trai của tôi nhằm để bù đắp một phần thiệt thòi bị kẹt lại Việt Nam. Có tiền bạc rủng rỉnh tôi tự huyễn hoặc bản thân, thấy mình cao sang hơn. Tôi và ông xã tự động bỏ việc làm vì chê hàng tháng số tiền kiếm được không bao nhiêu. Hai vợ chồng ở không cũng buồn nên quyết định có con cho vui cửa vui nhà.

Sanh con rồi, dù có Mẹ chồng và một người vú già sống chung trong nhà,  tôi vẫn mướn thêm một đứa cháu gái hàng xóm 14 tuổi làm nhiệm vụ giữ con tôi, còn vợ chồng tôi chỉ việc đi vòng vòng. Mọi người thấy tôi có tiền nên rủ rê chơi hụi và cho vay kiếm lãi. Thấy tiền đẻ ra tiền,  tôi hăng hái tham gia. Vài tháng đầu tiền bạc ra vô rủng rỉnh, tôi càng  lao sâu hơn.

Tôi viết thư sang Mỹ kêu Mẹ và các em tôi gửi về một số tiền lớn để tôi làm ăn, hứa hẹn là sau đó Ba Mẹ và các em tôi hàng tháng khỏi phải gửi tiền về nuôi tôi. Nghe bùi tai Mẹ và các em tôi gửi về một số tiền lớn, tôi dốc hết vô cho việc cho vay và chơi mấy chục dây hụi lớn nhỏ. Chỉ một thời gian sau tiền cho vay thì bị giựt, chơi hụi thì có người ôm hụi bỏ trốn. Một mặt tôi bị giựt tiền, một mặt phải lo trả tiền cho những dây hụi chết.  Tình trạng kinh tế ngày càng tồi tệ hơn, tôi phải đem giấy tờ nhà đi thế chấp để tiếp tục có tiền xoay sở và sinh sống.

Chẳng bao lâu sau, ngày đáo hạn nợ căn nhà thế chấp đã đến, hợp tác xã tín dụng nhà nước không đồng ý tịch thu nhà vì sợ khó bán và giam vốn lâu nên thông báo cho tôi biết trong vòng 30 ngày nếu tôi không thanh toán họ sẽ đưa hồ sơ sang cơ quan công an khởi tố tôi về tội chiếm dụng vốn nhà nước. Con đường đi tù của tôi cũng gần lắm rồi.  Cuối cùng tôi đành phải viết thư sang cho Ba Mẹ và anh em ở Mỹ biết, tôi kể rõ hoàn cảnh hiện tại của tôi và cho biết là tôi cần khoảng 30 cây vàng, nếu không thì sẽ bị đi tù vì không tiền trả nợ hợp tác xã tín dụng nhà nước.  Ba tôi biết tin rất buồn lòng và nói rõ cho mọi người trong nhà biết là ông không muốn nghe nhắc đến tên tôi trong gia đình nữa.  Sau đó do mềm lòng trước hoàn cảnh của tôi nên Mẹ và mấy em tôi cũng ráng giấu Ba tôi gửi tiền về cho tôi trả nợ.  

Khoảng năm 1995 sau năm năm sống ở My, Ba Mẹ và các anh em tôi nộp đơn xin vô quốc tịch và tất cả đều trở thành công dân Hoa Kỳ.  Lúc đó những gia đình cựu tù cải tạo định cư tại Hoa Kỳ có con đã lập gia đình còn kẹt lại Việt Nam trong đợt ra đi diện HO bắt đầu làm thủ tục bảo lãnh đoàn tụ gia đình, riêng Ba tôi vì giận anh em tôi nên không muốn làm thủ tục bảo lãnh. Mẹ tôi không dám trái ý Ba tôi để làm đơn bảo lãnh anh em tôi, mãi đến cuối năm đó khi người Cô là chị ruột của Ba tôi ở Belgium sang Mỹ thăm, biết chuyện đã khuyên Ba tôi nên bỏ qua chuyện cũ sắp xếp làm thủ tục đưa gia đình anh em tôi sang Mỹ. Nghe lời Cô khuyên Ba tôi làm đơn bảo lãnh chúng tôi.

Biết tin,  chúng tôi rất phấn khởi, nhưng rồi năm 2001 Ba tôi bị cancer gan và chỉ bốn tháng sau khi phát giác bệnh là  qua đời. Nỗi mất mát xảy ra quá nhanh, đến nỗi Mẹ và các anh chị em chúng tôi không kịp chuẩn bị tinh thần cho sự ra đi của Ba tôi. 

Hai tháng sau đó Mẹ tôi ở Mỹ nhận được thông báo của National Visa Center ở Mỹ cho biết hồ sơ bảo lãnh đã đến hạn, yêu cầu nộp lệ phí làm thủ tục cấp Visa và điền mẫu bảo trợ tài chánh I-864 nộp cho họ, anh em tôi ở Việt Nam cũng nhận được giấy tờ tương tự như vậy. Khổ thay, khi làm mẫu bảo trợ tài chánh thì người đứng đơn là Ba tôi mà Ba tôi đã qua đời nên một người em của tôi đứng tên co-sponsor trong mẫu bảo trợ tài chánh I-864, kèm theo một lá thư gửi cho National Visa Center cho biết Ba tôi đã qua đời, đồng thời kèm theo Giấy Hôn Thú của Ba Mẹ tôi, cộng thêm bản copy giấy nhập tịch của Mẹ tôi để xin substitute Ba tôi trong trường hợp này.

Một tháng sau Mẹ tôi nhận được thư của National Visa Center cho biết theo luật di trú nếu người bảo lãnh qua đời thì hồ sơ sẽ đóng lại, nếu Mẹ tôi muốn khiếu nại trong trường hợp này thì có thể nhờ văn phòng luật sư chuyên lo về vấn đề di trú giúp làm thủ tục.  Sau khi tham khảo luật sư di trú họ cho biết khả năng xin reinstate the petition tỉ lệ đậu rất là thấp cho dù có anh em đồng ý substitute sponsor cho mẫu đơn bảo trợ tài chánh I-864, trừ trường hợp Mẹ tôi già yếu đang sống một mình không ai nương tựa cần có con cái người thân bên cạnh để giúp đỡ, trường hợp của tôi khó thành công vì Mẹ tôi vẫn còn khoẻ mạnh, các con cháu ruột thịt hiện đang sống ở Mỹ cũng đông, cách tốt nhất là Mẹ tôi nên nộp đơn bảo lãnh lại từ đầu và chờ thêm 5-6 năm nữa.  Thế là Mẹ tôi làm hồ sơ bảo lãnh lại từ đầu, đối với anh em tôi thì cánh cửa cho con đường đến Mỹ một lần nữa bị đóng lại.

Thời hạn 6-7 năm chờ đợi nữa là lúc đứa con gái duy nhất của tôi cũng vừa tròn 21 tuổi, cái tuổi theo luật di trú Hoa Kỳ không chấp nhận cho đi theo diện đoàn tụ gia đình của cha mẹ.  Mà vợ chồng tôi thì không thể ra đi mà không có đứa con duy nhất cùng đi. 

Nhìn lại sự việc trong ba mươi năm qua, nếu chương trình ra đi bán chính thức của người Hoa không chấm dứt ngang, nếu tôi còn độc thân lúc gia đình ra đi theo diện HO, nếu tôi không tham lam và ngu dại cho vay lấy lãi, chơi hụi gây nợ nần tùm lum, nếu Ba tôi không giận anh em tôi và làm đơn bảo lãnh chúng tôi ngay sau khi vô quốc tịch Hoa Kỳ sáu tháng trước đó, và nếu Ba tôi kéo dài cuộc sống thêm hai tháng nữa, nếu con tôi chưa đến 21 tuổi khi hồ sơ bảo lãnh đáo hạn... Ôi, bao nhiêu chữ nếu. Có phải con đường đi Mỹ của tôi thực sự  là… đường đi không đến. 

(Viết theo hoàn cảnh thật của một người thân trong gia đình)

Ý kiến bạn đọc
02/01/201202:40:56
Khách
You're on top of the game. Thanks for shranig.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,344,038
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.