Bài số 2245 -1622-22-vb3110308
Bút hiệu là tên thật của tác giả, cư dân Houston từ 1975. Năm 2004, khi 57 tuổi, ông góp cho giải thưởng bài “Xóm Đạo Houston” và nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ. Sau đây là bài mới của ông. Trong lời thưa trước, tác giả viết: Đây là một bài viết ghi nhận những nét đặc biệt về Phụ Nữ Việt Nam Hải Ngoại (PNVNHN). Với các dữ kiện thống kê còn thiếu sót, một bài viết thuần túy về các dữ kiện khó có thể hoàn hảo, không khỏi có tính cách chủ quan. Tuy nhiên, người viết vẫn cố gắng loại bỏ thiên kiến và hy vọng trình bày được một chân dung trung thực về PNVNHN.
PNVNHN là những ai và họ nên được xắp hạng như thế nào cho hợp lý"
Trong giới hạn của bài viết, và trước sự đa dạng, không thống nhất của các sự phân loại, chúng tôi xin tạm đề nghị một sự sắp hạng như sau: PNVNHN có thể chia làm hai thế hệ chính: thế hệ thứ nhất gồm những người đã trưởng thành vào năm 1975, tức là họ đã ít nhất 20 tuổi vào thời điểm đó và thế hệ thứ hai gồm những phụ nữ chưa đầy 20 tuổi vào thời điểm 1975 hay được sanh ra và lớn lên ở hải ngoại sau 1975.
Thế hệ thứ nhất có thể chia làm hai nhóm, nhóm thứ nhất gồm những người đã đứng tuổi, tức là khoảng 40-50 tuổi trở lên vào năm 1975; nhóm thứ hai gồm những người từ 20 đến 40 tuổi vào thời điểm đó. Tạm gọi họ là thế hệ 1A và 1B, để tiện việc trình bày.
THẾ HỆ 1A
Vào thời điểm này, các người thuộc thế hệ 1A chắc không còn nhiều lắm. Hơn 30 năm trôi qua, nếu ai còn chắc cũng 70-80 tuổi. Trong 30 năm qua, họ cũng đã từng góp phần tích cực vào cuộc sống cho gia đình họ và cho cộng đồng VN hải ngoại và quốc nội. Thế hệ này có lẽ là thế hệ chịu nhiều thiệt thòi hy sinh nhất trong cuộc đời di tản, cả nam giới và nữ giới cũng vậy. Ở thời điểm 1975, số phụ nữ Việt có đủ trình độ ngoại ngữ để sống ở nước ngoài có lẽ rất hiếm hoi. Đời sống của họ ngay lúc còn sống tại Việt Nam đa số cũng không ngoài việc nội trợ gia đình, một số rất nhỏ làm các nghề chuyên môn như giáo sư, bác sĩ, luật sư và thương mại. Khi ra nước ngoài, vốn liếng ngoại ngữ gần như hoàn toàn không có nhưng họ vẫn phải vất vả giúp chồng con chống đỡ gia đình. Ngay cả những bác sĩ, luật sư, ... lúc ra nước ngoài, vấn đề ngôn ngữ và luật pháp hành nghề thay đổi làm nhiều người phải bỏ nghề. Những nhu cầu cấp bách trong cuộc sống không cho phép họ ngồi chơi. Có rất nhiều bà từ lâu chưa từng phải ra khỏi nhà, vì ở Việt Nam, người chồng lo hết mọi chuyện bên ngoài, các bà chỉ lo nội trợ, nay phải ra ngoài xã hội làm lụng vất vả phụ chồng nuôi con. Những bà mẹ Việt Nam cũng đã vùng lên phấn đấu, sống trong xã hội tây phương, làm đủ các việc khó khăn để gây dựng cho con cái, vì với họ, cũng như hầu hết người Việt Nam lúc đó, thì dù có khổ cực sao đi nữa vẫn còn hơn đời sống vô vọng của những ngưòi trong nước. Nếu chỉ dùng tài liệu thống kê để ghi lại thành quả của thế hệ này, chắc chắn chúng ta sẽ phạm một lỗi lầm rất lớn vì tìm đâu ra một tài liệu thống kê ghi lại sự đóng góp hy sinh vô bờ bến của thế hệ này. Hãy tưởng tượng một bà nội trợ Việt Nam, chưa từng nói một câu tiếng Anh, tiếng Pháp, một buổi sáng thức dậy, thấy mình sống trong xã hội tây phương. Bà vùng dậy, dọn bữa ăn sáng cho chồng con, (nếu may mắn có chồng con di tản được) thay vội áo quần, băng ra ngoài mưa tuyết, xuống xe điện ngầm, đến sở làm, ở Montreal, ở Paris, ở New York, hay các nơi lạnh cóng trên thế giới.
Thủa xưa các bà Mẹ Việt Nam chân lấm tay bùn, ngày nay các bà mẹ ở hải ngoại cũng không kém gian nan cực khổ, có lẽ còn hơn thế nữa vì quanh họ không có ai, không bà con thân thuộc, toàn những xa lạ khó khăn, và nhất là ngôn ngữ bất đồng. Trước mắt họ, chẳng có gì là hạnh phúc, ngoài hình ảnh các đứa con đang cần sự hổ trợ của họ để được đến trường, học cho nên người, chứ không trở thành những cái máy của một chế độ phi nhân tại quê nhà, trong thập niên 1980.
Các bà mẹ Việt Nam sống hùng, sống mạnh chỉ vì một lý tưởng mãnh liệt: làm sao cho các đứa con của họ được thành người trong một xã hội tự do bình đẳng. Chưa hết, họ luôn luôn nghĩ đến những người còn kẹt lại. Cuộc sống riêng tư của họ dường như không có nữa. Ngoài việc lo cho con cái được ấm no, được đến trường, họ còn cố gắng dành giụm để tiếp tế cho các người thân còn kẹt lại trong nước, có thể là chồng, là con trai, là ông, là cha, là chú, đang nằm trong trại tù cải tạo, hoặc đang lo vượt biên, hoặc còn đang lêu bêu ở các trại tị nạn Thái lan, Mã lai, Nam Dương hay đâu đó. Mỗi tháng các gói quà chuyển về Việt Nam chiếm hết một phần không nhỏ trong ngân quĩ gia đình. Họ sống như các nhà tu khổ hạnh, không dám ăn diện, không dám giải trí. Niềm vui của họ là đàn con được cắp sách tới trường, là có chút quà gởi về cho gia đình, cho những người thân thiết đang ngóng cổ chờ. Hàng năm, số tiền gửi về Việt Nam không nhỏ mà các nhà kinh tế đã cho thấy chính những số tiền các gia đình Việt Nam gửi cho người thân ở Việt Nam, đã là một nguồn tài chính cho chính phủ Việt Nam vượt qua được những khó khăn kinh tế trong mấy thập niên qua.
Không có các bà mẹ Việtnam thế hệ 1A, và sau này thế hệ 1B, thì Chính phủ Việt Nam khó mà có được các nguồn tài trợ kinh tế khổng lồ như thế. Ngày nay, hơn 30 năm sau, một số các bà đã không còn nữa. Những người còn sống, một số đang sống cùng con cháu, một số sống trong các viện dưỡng lão. Họ đã già, đang hưởng tiền già, tiền hưu, mà tâm tưởng họ đang nghĩ đến ai" Các cụ già vẫn nghĩ đến con cháu và các người thân sơ ở quê nhà. Các cụ vẫn để dành tiền già, gởi về cho con cháu hay các viện mồ côi ở quê nhà để giúp đỡ những người kém may mắn. Niềm vui của các cụ là được gửi thân tàn tại quê nhà nhưng mấy ai làm được điều đó"
THẾ HỆ 1B
Thế hệ này gồm những PNVNHN ra khỏi nước khi vừa mới lớn, tuổi chừng 20 và bây giờ ít ra cũng đã 50 tuổi. Nhóm này có lẽ là nhóm chịu nhiều thay đổi trong cuộc sống và đạt nhiều thành quả hơn thế hệ 1A. Nhiều người trong nhóm này có khả năng thay đổi kịp thời, gia nhập vào xã hội Tây phương nhưng họ cũng phải qua những giai đoạn vô cùng cô đơn và cam khổ. Hãy tưởng tượng một cô nữ sinh Gia Long, Trưng Vương vừa học hết lớp 12, sửa soạn vào đại học hay đang cắp sách đến đại học, đầy thơ mộng. Bỗng nhiên sau ngày 30 tháng 4, 1975 họ bị ném vào đời sống trên đất Pháp, Hoa Kỳ, Canada, Úc, hay Thụy Sĩ,... không phải với tư cách một du học sinh mà là một người di tản, và bắt đầu cuộc sống tự lập bất đắc dĩ.
Mấy ai có khả năng lì lợm, không rơi nước mắt, khóc cho mình, khóc cho cuộc tình dang dở, khóc cho số phần điêu linh của gia đình và đất nước. Có nhiều cô tự nhiên trở thành cột trụ gia đình vì bố mẹ không còn bên cạnh nữa. Hay có còn bên cạnh thì cũng không có khả năng dìu dắt nữa. Bên cạnh cô, còn một đàn em nhỏ. Cô bỗng nhiên trở thành Bà Mẹ Trẻ bất đắc dĩ, dù chính cô cũng đang quá bơ vơ.
Tinh thần trách nhiệm và tình thương cố hữu của một người phụ nữ Việt Nam đã sống dậy trong cô, đã giúp cô quên mình và lăn xả vào cuộc sống, vừa đi học, vừa đi làm. Làm bất cứ việc gì để kiếm sống cho chính mình và những người thân, miễn là những việc lương thiện, không làm vẩn đục lương tâm cô. Xin hãy tưởng tượng một cô sinh viên Văn Khoa tối ngày mộng mơ, một sớm một chiều bỗng trở thành cô bé lọ lem, bập bẹ nói tiếng Anh, tập làm phụ bếp trong một nhà hàng. Chỉ mới được làm phụ bếp thôi, vì cô có biết làm gì trong nhà hàng đâu. Kiến thức chuyên môn của cô cũng như sự từng trải cuộc đời cô chưa từng có. Tuần đầu cô được rửa nồi niêu soong chảo. Cô nhỏ xíu. Nhân viên trong nhà bếp của một nhà hàng cô làm cũng tội nghiệp cho cô. Bưng nổi cái nồi to hơn cô đi lau chùi trông tức cười mà tội nghiệp. Tuần sau cô được chuyển qua làm việc lặt rau, có lẽ vì cô bưng không nổi chiếc nồi to. Lặt rau mà cô cứ run lên như bị sốt rét. Cô có bị cảm không" Bà Mỹ đen hỏi. Nước mắt dầm dề, cô chỉ vào con sâu đo mà mặt tái mét. Tuần sau, cô lại được đổi qua tập làm bánh, chắc là bà Mỹ đen quá tội nghiệp khi nhìn khuôn mặt tái xanh của cô. Bưng một nồi bột quá nặng với cô, cô đâu dám than van hay từ chối. Nói làm sao cho xếp hiểu bây giờ đây" Thôi cứ gồng mình bưng thử. Dĩ nhiên cô bưng không nổi, và nồi bột đổ tràn lan trên sàn bếp trước sự sửng sốt của mọi người và cô ôm mặt khóc ròng. Những thảm cảnh như thế cứ xảy ra rất thường trong những ngày mới ra đời tại hải ngoại. Nhưng rồi với ý chí can cường, cô cũng vượt qua hết. Khổ cực đã là những động cơ thúc đẩy cô tiến lên, thoát ra khỏi cảnh địa ngục trần gian. Một điều an ủi là cô có những người thông cảm nỗi khổ, những người chung sở giúp đỡ cô, xã hội tự do thông cảm và sẵn sàng nâng cô dậy. Cô vẫn có được tự do. Cô vẫn hưởng được tất cả những gì cô làm ra, cô được bình đẳng với mọi người trong một xứ sở tự do. Cô ráng ngày đi làm, đêm về học thêm, chẳng mấy chốc cô đã có nghề chuyên môn, thay đổi công việc khá, hợp khả năng và nhẹ nhàng hơn. Thời gian qua mau, những ngày làm việc lao động cực khổ hình như đã xa lắm. Rồi đàn em khôn lớn, chúng đã tự túc được phần nào. Một ngày đẹp trời cô cũng lên xe hoa, lập một gia đình mới cho riêng mình. Những đứa con ra đời. Người phụ nữ lại xả thân lo cho con. Không như thế hệ mẹ cô, cô vẫn vừa đi làm vừa lo chuyện gia đình nội trợ. Hơn thế nữa, nuôi con ở hải ngọai không giản dị như ở quê nhà nhà ngày xưa, không chỉ lo cơm no áo ấm là đủ. Cô còn phải lo nhiều thứ khác nữa, nào là cho con chơi thể thao, tập đánh đủ loại banh, tập ca nhạc, đàn hát, hướng đạo, cắm trại, vân vân... để cho con được bằng với bạn bè. Rồi lại còn chở con đi học chữ Việt, để mai sau chúng còn biết tổ tiên nguồn cội Viêt Nam, còn nói chuyện được với Ông Bà. Cô muốn các con cô phải là những công dân tốt, được ăn học và giáo dục ít ra cũng như người bản xứ có giáo dục, chứ không thể là những người tầm thường thất học để sau này chúng không phải suốt đời cúi mặt làm những việc lao động như những người thiểu số thất học. Cô không muốn các con cô phải đi lại những bước chân buồn khổ cô đã phải dấn thân qua để vượt lên. Cô cũng muốn con cô là những người Việt Nam, hãnh diện với nòi giống Rồng Tiên. Cô có niềm tự hào là dù cho có bị xa quê chạy nạn cộng sản, đời sống cô vẫn phong phú và can cường hơn. Cô muốn chứng tỏ là họ đã sai lầm khi thi hành các chính sách thù ghét tàn bạo, đưa đất nước lùi lại bao nhiêu năm. Thế hệ của cô và các con cô vẫn vững mạnh và một ngày nào đó sẽ trở về xây dựng lại đất nước, phục hồi lại những truyền thống bao dung tốt đẹp của dân Việt. Bây giờ đã đứng tuổi, nhìn lại những ngày phấn đấu để sống còn nơi xứ người, cô không khỏi ngạc nhiên với nghị lực dũng mãnh của chính mình.