Hôm nay,  

Thiên Đàng

02/03/200800:00:00(Xem: 113127)

Tác giả: Hiền Nguyễn

Bài số 2237 -1620814-vb8020308

*

Tác giả Hiền Nguyễn sinh năm 1960 tại Tây Ninh, hiện là cư dân Beaumont, California, nghề nghiệp: Life Ins. Agent. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà được viết với lời ghi: “Tưởng nhớ con thương yêu của mẹ.”

*

Tôi tên Bo, cái tên thường gọi mà Mẹ tôi đặt cho thằng con khó nuôi. Tôi là đứa con duy nhất mà Mẹ tôi nuôi được, vì trước đó tôi có 2 anh chị đã mất vì sinh thiếu tháng. Theo dị đoan , Mẹ tôi cho một người dì ruột đứng ra nhận làm con nuôi từ khi còn trong bụng , vì vậy khi ra đời, tôi đã có đến 2 người Mẹ. Nhưng thật sự cũng chưa đủ, vì gia đình Mẹ tôi có đến 6 chị em gái, mà mọi người đều rất yêu thương tôi, từ đó tôi có luôn đến 6 người Mẹ.

Cha Mẹ ly dị năm tôi mới lên 3. Cha tôi giữ căn nhà và lập gia đình khác không lâu sau đó. Mẹ con tôi về ở với gia đình Ngoại, chỉ cách nhà Cha tôi có vài căn. Mẹ gởi tôi cho Ngoại và mấy dì nuôi để đi làm xa. Mẹ làm tận Đà Lạt, trong khi nhà Ngoại ở Sài Gòn, một hoặc 2 tháng mới về thăm tôi một lần. Tôi là đứa bé tuy ít nói nhưng rất nghịch phá và năng động. Không có sự giáo dục của Cha, thiếu sự dạy dỗ của Mẹ, tôi đã dần dần trở nên thưa thớt với việc học, lầm lì làm những việc mình thích, để sau đó nhận những trận đòn nhớ đời từ sự tức giận của Mẹ.

Mẹ thương tôi lắm, nhưng Mẹ đánh vì tôi là một đứa con hư, bao nhiêu lời dạy dỗ - răn đe của Mẹ, tôi hứa tôi sẽ chừa … nhưng chỉ là những lời hứa suông. Mỗi lần về thăm nhà, Mẹ thường mua sắm cho tôi biết bao là thứ, những đồ chơi tôi thích, kể cả vòng vàng. Tôi bỏ học năm 13 tuổi, lêu lổng cả ngày với lũ bạn ngoài đường. Tôi đã lì đòn rồi nên chẳng sợ và càng lớn Mẹ tôi càng ít đánh. Giống như chú ngựa hoang, cứ lao đầu tới phía trước, bất chấp những chướng ngại, tôi biết hút thuốc - uống rượu và sau đó đến hút xì ke. Khi nghiện ngập, tôi bán hết vòng vàng trên người, xin tiền Mẹ liên tục, sau đó thì bán luôn những gì có thể bán để có tiền hút. Hoảng sợ, Mẹ tôi phải nghỉ làm để ở nhà canh chừng tôi, cấm không cho tôi giao du với lũ bạn xấu. Mẹ cho tôi đi cai nghiện, nhưng tôi trốn thoát và bỏ đi bụi đời.

Thoát khỏi sự kiểm soát của Mẹ và gia đình Ngoại, nhưng lại không có đứa bạn nào dám chứa, tôi đã từng bị đói khát và ngủ bờ ngủ bụi dưới gầm cầu. Khi Mẹ kiếm được tôi về, tôi đã dở sống - dở chết. Tôi được gởi đi trường cai nghiện ở Bình Triệu, vì tại đây bác ruột của tôi là "Đại Bàng" của trại, bác có cuộc sống sung túc hơn hẳn những người bạn trong trường. Bác đã dạy thêm kinh nghiệm cho tôi chích kiểu nào - loại nào "phê" hơn. Khi Mẹ phát giác ra sự giúp đỡ tai hại đó, Mẹ mang tôi về lại nhà.

Ở nhà, vì sự giám sát của gia đình quá chặt chẽ, tôi đã trải qua thời kỳ cai nghiện với những cơn hành thiếu thuốc một cách khổ sở và thật sự khủng khiếp. Nhưng rồi tôi cũng liên lạc được với những đứa bạn cũ. Khi được tiếp tế, vì thiếu thuốc trong nhiều ngày, quá tham lam, tôi bị "over dose". Khi được một đứa em họ phát giác, thân thể tôi đã cứng lạnh từ hồi nào. Sau lần thoát chết hãi hùng đó, tôi đã thật sự hứa với lòng và gia đình rằng tôi sẽ sửa đổi. Tôi giam mình trên căn gác lửng nóng bỏng dưới cái nắng của mùa Hè oi bức, dặn Mẹ cứ khoá cửa ngoài, đừng chìu tôi mỗi khi tôi lên cơn hành. Nhờ vào sự động viên - tình thương của gia đình, cuối cùng sự cai ngiện của tôi đã thành công. Sau đó vài tháng thì có tin vui đến, Mẹ con tôi sắp được đi Mỹ do Ông Ngoại tôi bảo lãnh. Ông Ngoại tôi là một cựu sĩ quan trong QLVNCH và đã di tản cùng đồng đội trong những ngày cuối cùng của tháng 4 năm 1975. Ông đã lần lượt bảo lãnh từng gia đình các Dì - Cậu tôi, nay đến lượt gia đình tôi. Để vượt qua vấn đề khám sức khoẻ cho một thằng mới cai nghiện như tôi thật không dễ dàng chút nào. Mẹ phải mời bác sĩ đến nhà riêng để lọc máu cho tôi và điều trị như thế trong nhiều tháng trời. Mẹ đã phải bỏ làm từ lâu chỉ để ở nhà trông chừng tôi, ngay cả khi tôi đã được cai nghiện, vì sợ tôi "ngựa quen đường cũ" mà.

Bằng sự nỗ lực của mọi người, cuối cùng cũng đã đến ngày tôi lên đường, bỏ lại đằng sau cả thời nhiên thiếu hư hỏng. Thông thường gia đình ai có người đi định cư nước khác thì những người ở lại sẽ khóc lóc vì thương nhớ. Gia đình tôi thì trái lại, Ngoại tôi đã cúng tạ một con heo quay thật lớn, mời cả hàng xóm đến dự để ăn mừng "thằng Bo thoát khỏi Địa Ngục".

Ngày đầu tiên khi tôi bước chân đến đất Mỹ, tôi dành phần gọi ngay về cho Ngoại thông báo là chúng tôi đã đến nơi an toàn, tôi trêu Ngoại bằng cách giả giọng để Ngoại không nhận ra tôi, Ngoại hỏi "Xin lỗi, ai đó"" Tôi ồm ồm "Hello, hello, tiếng gọi từ Thiên Đàng đây!" Ngoại nghe không rõ nên định hỏi lại, nhưng đến nửa chừng thì hiểu và mắng yêu "Thằng quỷ" rồi Ngoại khóc. Tôi có thể hình dung rõ Ngoại tôi với gương mặt cười thật tươi nhưng nước mắt lại đầm đìa.

 Tôi chỉ được đến thăm Mẹ nuôi tôi 10 ngày ở Cali rồi sau đó về với người Cậu ơ Boston. Vì ai cũng cho rằng tôi mà ở Cali sẽ bị "cám dỗ" lại con đường cũ. Tôi nhớ trong vài ngày ở Cali, khi gia đình Mẹ nuôi tôi ai cũng phải đi làm - đi học, tôi ở nhà một mình cũng buồn nên đi lang thang đến một trường học gần đó. Tôi ngồi nhìn một nhóm học sinh đang chơi bóng rổ, trong đó có 2 học sinh Việt Nam. Chơi được một chút tôi thấy 2 học sinh có lẽ là người Mễ chơi xấu và xông lại đánh một trong 2 người học sinh Việt. Tuy không nói được một chút tiếng Anh, nhưng lại sẵn có máu "anh hùng rơm", tôi vội chạy về nhà Mẹ nuôi gần đó, vơ đại một cây gỗ có thể làm "đồ chơi", xông đến 2 học sinh Mễ. Hai anh bạn này chắc thấy vẻ mặt tôi lúc đó ghê quá nên vội vàng bỏ chạy mất, bỏ lại tôi và 2 người học sinh Việt Nam trên sân. Tôi đang đứng hỏi chuyện với 2 chú nhóc này thì một nhóm học sinh Việt Nam khác đến và làm quen với tôi, chẳng mấy chốc tôi đã kết nạp được một đám đệ tử mà chúng xưng tụng "anh Bo" như một anh hùng .

Định cư tại Mỹ chưa đầy 2 năm mà tôi đã chuyển tới 3 tiểu bang. Tôi dừng chân ở Cali từ khi tôi gặp Phương, người vợ sau này đã cho tôi những đứa con xinh xắn. Dù  yêu thương vợ nhưng tôi vẫn không thoát khỏi những buổi nhậu nhẹt say sưa với lũ bạn xấu, vì tôi có thói quen  uống bia - rượu nhiều hơn từ khi tôi cai nghiện xì ke, tôi thường quên đi bên cạnh mình còn có một tổ ấm, để theo đám bạn "tuần nào cũng say" và kết quả là tôi bị mất việc liên tục.

Phương chịu đựng rất giỏi, em chỉ biết khóc khi tôi lầm lỗi, để rồi sau đó lại tha thứ khi nghe những lời hứa hẹn sửa sai của tôi. Tôi đã có 2 bé, một trai - một gái, tuổi chúng chỉ cách nhau có một năm. Trong thời gian này Mẹ tôi mở một tiệm nail nhỏ tại một tiểu bang xa, Mẹ khuyên chúng tôi về ở với Mẹ để cùng trông coi tiệm và để cho Mẹ được gần gũi con - cháu, vì tôi đã không ở chung với Mẹ từ lâu.

Với sự đồng ý của Phương, chúng tôi dọn về sống chung với Mẹ tại một nơi rất hẻo lánh, nơi mà các Cậu - Dì tôi thường gọi đùa là "Tiểu Bang Lạnh". Thế mà ở chính nơi này tôi lại quyết tâm là sẽ giam mình tại đây đến suốt cuộc đời. Nhìn những con người chung quanh sống bình dị - hiền hoà, tôi nghĩ nơi này sẽ là nơi giúp cho con người tôi sống trở nên tốt hơn, các con tôi sẽ tránh được những cám dỗ, tôi không muốn con mình có một cuộc đời như Ba nó. Thời gian này tôi thật sự cảm thấy hài lòng và thật sự trân trọng những gì tôi đang có. Tôi được Mẹ cho 2 phòng lớn riêng biệt ở tầng dưới, nơi đây 2 con tôi có nơi để đùa giỡn, bù lại cho những ngày sống chật chội - gò bó trong căn phòng "cho share" nhỏ bé trước đây. Cuối tuần, tôi chở vợ con đi coi những thắng cảnh chung quanh. Tôi cũng vừa mới "tậu" được một chiếc van Odessy mới toanh, mà thằng con lớn mới tập nói hay ngọng nghịu tự hào gọi "Xe đẹp của ba Bo, Xe đẹp của ba Bo" Những vật chất mà tôi vừa kể thật sự chẳng là gì đối với rất nhiều người, nhưng với tôi, một người đã trải qua những ngày đói khát, ngủ bụi đời như một kẻ không nhà. Một người đã từng đi qua từ sự sống đến cái chết, tôi hiểu lắm và quý lắm những sở hữu lớn lao mà tôi đang có. Và hơn ai hết, Tôi - một dứa bé đã thiếu thốn tình thương, thèm sự săn sóc - dạy dỗ, thì nay khi tôi được sống mà chung quanh tôi toàn là những người mà tôi yêu thương, tôi tự nguyện với lòng sẽ là một người cha tốt để bảo vệ và dạy dỗ các con nên người, làm bất cứ gì mà chúng thích và những thứ mà tuổi thơ tôi hằng mơ ước, tôi sẽ làm và trao tặng tất cả cho con của tôi.

Vậy mà một căn bệnh quái ác đã đeo bám tôi chỉ hơn 2 tháng trời và nó đã lạnh lùng đến vô tình tách tôi ra khỏi tất cả những người tôi thương yêu. Ban đầu, chỉ là những triew65u chứng bình thường của người bị cảm cúm. Nhưng rồi những cơn nóng sốt, đau đầu, tức ngực ngày càng gia tăng dù cho bác sĩ đã thay đổi nhiều thứ thuốc. Tôi được đưa vào phòng cấp cứu trong tình trạng hôn mê. Tôi tỉnh lại vào ngày hôm sau   và tiếp đến là những cuộc thử nghiệm liên tục.  Ngày thứ ba trong bệnh viện, trước khi các bác sĩ tìm ra nguyên nhân cơn bệnh,  tôi đã rơi lại vào tình trạng hôn mê và lần này những cơn co giật đã hoàn toàn huỷ hoại  bộ não của tôi. Theo yêu cầu của gia đình, các bác sĩ đã thực hiện một cuộc giải phẫu khẩn cấp nhưng rồi sau cùng cũng đành phải bó tay. Đơn giản là phần sống của tôi chỉ có thế, chẳng phải là căn bệnh hiểm nghèo gì, vậy mà một con vi trùng nhỏ nhoi nào đó đã có thể cướp đi cuộc đời của một thanh niên khoẻ mạnh -  nhiều hoài bão và rất muốn sống như tôi.

Giờ thì tôi đang ở đây, nơi mà mọi người đều gọi là "Cõi Thiên Đàng, … lẻ loi chỉ có tôi. Thân thể tôi đã không còn đau đớn nữa, nhưng sao tâm hồn tôi lại không được bình an. Nhìn lại cái Thiên Đàng nơi tôi đã từng sống và đã từng tự hào khoe khoang với Ngoại, nơi ấy Mẹ tôi đã già hẳn đi sau khi tôi mất. Căn nhà đã trở nên quạnh vắng vì Phương đã mang con trở về Cali sống chung với Ba-Me ruột. Nhin vợ tôi hãy còn quá trẻ để là goá phụ với 2 đứa con thơ. Nhìn những đứ con bé bỏng  vô tư - hồn nhiên,  tôi  thấy chính mình đã gây ra sự mất mát to lớn cho chúng. Những thiên thần nhỏ của tôi ơi! Ba một lần nữa đã không giữ lời hứa làm tròn bổn phận yêu thương dạy dỗ các con. Thằng Khang, đứa con duy nhất vừa biết nói của tôi, vẫn đôi mắt thiên thần, vẫn khuôn mặt xinh tươi, mỗi đêm đều đến trước bàn thờ tôi ngọng nghịu "Thưa ba Bo con đi ngủ!".

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,014,850
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.
Nhạc sĩ Cung Tiến