Hôm nay,  

Em Và Tôi

28/05/200700:00:00(Xem: 160474)

Người viết: Hoàng Sơn Long

Bài số 1272-1883-588vb8270507

*

Tác giả Hoàng Sơn Long đầu đầu tham dự viết về nước Mỹ. Bài viết đầu tiên của ông là một chuyện tình hai hồi. Sau đổ vỡ gia đình, họ gặp nhau, cùng nhau tới một thị trấn mới, bắt đầu hạnh phúc mới. Mong tác giả sẽ có thêm bài mới và bổ tục dùm ít dòng tiểu sử và địa chỉ liên lạc.

*

Tôi quen nàng vào một buổi chiều cuối tuần trong một nhà hàng có cái tên Tây, một nhà hàng không mấy gì sang trọng, một nhà hàng với thực đơn Pháp quốc có quầy bán rượu vang. Hoạt động chủ yếu của nhà hàng là thực hiện buổi ăn trưa cho khách. Ngày cuối tuần nhà hàng đóng cửa, nhưng hôm đó chủ nhân có làm một buổi tiệc chiêu đãi bạn bè, cuộc họp mặt bỏ túi có đọc thơ và một chút âm nhạc.

Những chiếc bàn vuông trải khăn trắng, trên mỗi bàn đều có một bình bông. Trong một không khí thật ấm cúng, tiếng đàn vang lên, một tiếng hát nhẹ và êm, mọi người im lặng lắng nghe. Em và một người bạn gái bước vào, em mặc một chiếc áo dài lụa màu vàng nhạt có thêu hoa phía trước, Trong tà áo dài tha thướt trông em thật thanh thoát nhẹ nhàng. Chiếc trâm cài trên đầu điểm một bông hoa màu vàng, khuôn mặt em thật thanh tú. Tôi bị cuốn hút trong nhân dáng của em. Tôi đứng lên mời em và người bạn gái ngồi vào bàn của tôi ở cuối phòng ăn, vì lúc đó các bàn đều có người chỉ bàn của tôi là còn chỗ trống. Một tình cờ hay duyên phận tôi cũng không biết, cuối buổi tiệc em đã cho tôi số điện thoại. Tôi đã giữ lấy, trong tâm tôi không có ý định giao thiệp với em, mặc dù em rất dịu hiền dễ mến và bặt thiệp. Người phụ nữ thường mang tên của một loài chim quí, một loại nước thanh khiết, một bông hoa đẹp..., nhưng tên em là một loài cỏ dại, trong gia đình hay bạn bè vẫn thường gọi một tiếng Thảo. Em cho tôi biết phải gọi là Dã Thảo mới thật đúng tên em. Tên em làm tôi nhớ lại câu thơ "Dã ngoại đào hoa lấm tấm khai" của Cao Bát Quát.

Buổi chiều hôm đó sau khi tan tiệc về nhà, một chuyện bất ngờ không tốt đẹp xảy ra, tất cả quần áo vật dụng cá nhân của tôi đều bị quăng ra sân cỏ, cửa nhà khóa kín. Một hành động xua đuổi không báo trước, người chủ động trong việc này chính là vợ tôi, một người đàn bà sống với tôi trên hai mươi lăm năm từng đồng cam cộng khổ, nhưng chưa bao giờ bà đối với tôi một cách tử tế. Dưới con mắt của bà, tôi là một người chồng vô dụng. Tôi vô dụng bởi vì tôi không làm ra tiền ngoài đồng lương cố định, tôi lè phè không biết bon chen, một người thích sống an phận sao cũng được. Tôi không có con mắt nhìn xa thấy rộng. Tôi thuộc loại người đi trên mây, một con người không thực tế, một người thích sống trong mộng tưởng. Những gì tệ bạc là tôi có đủ hết, nhiều khi tôi tự hỏi tôi là một người như thế ấy ư "

Người ta thường nói : "đàn ông qua đây đều xuống giá" Tôi nghĩ không đúng thế, chỉ có tôi, một người chồng vợ bảo sao nghe vậy, không được cãi lại như vậy nhà cửa yên vui. Tôi xuống giá cũng đúng thôi, bởi vì mọi việc lớn nhỏ đều do vợ tôi quyết định. Tôi còn một thiếu sót là tôi không biết nịnh đầm, có những người chồng đi làm khi lãnh lương đều đưa cho vợ hết, thâm chí còn cho chi phiếu lương vào bì thơ trao cho vợ để được lịch sự hơn. Mỗi ngày vợ cho bao nhiêu tiền là tiêu xài bấy nhiêu có thể vì vậy mới có câu "Cơm nhà quà vợ". Theo mẫu mực như thế, thằng đàn ông như tôi quả thật là sung sướng là hạnh phút tất cả mọi việc đều có bà ấy lo hết!

Mưa tháng Tư không nặng hạt, nhưng cũng đủ làm ướt quần áo và sách vở của tôi. Tôi cho chúng vào bao nhựa bỏ lên xe và suy nghĩ: bây giờ phải làm sao" Đi dâu bây giờ " Đầu óc tôi rối tung lên. Tôi không thể gọi những người bạn của tôi. Họ cười vào mặt tôi, mang cái bản mặt bị vợ đuổi đến với họ chẳng thà đi chết còn sướng hơn. Tôi chợt nghĩ ra, thôi thì gọi Thảo một người vừa mới quen, bà ta chưa biết nhiều về gia đình mình, gởi tạm đồ đạc ở đó rồi đi tìm chỗ trú thân, mọi việc sẽ giải quyết sau.

Tôi gọi điện thoại cho Thảo, nàng bằng lòng cho tôi gởi tạm đồ đạc. Khi tôi đến, một việc làm tôi hết sức ngỡ ngàng và ngạc nhiên vô cùng. Một căn nhà ba phòng trống trơn không có đồ đạc chi hết. Tất cả đều vô thùng và được gói gọn lại chuẩn bị di chuyển. Tôi thật ái ngại không lẽ mang đồ của mình vô nhà nàng. Thảo thấy tôi do dự, nàng bảo:

"Anh không có chỗ gởi đồ thì cứ để tạm tại đây, nhưng chỉ trong vòng hai ngày thôi, vì tôi phải dọn đi tiểu bang khác."  

Thảo mời tôi ngồi và đi pha cho tôi một ly trà. Một cái ly giấy cho nước vào đun nóng trong micro-way xong, bỏ một túi trà Lipton vào. Thảo nói một câu xin lỗi :

  "Nhà không có ly tách chi hết xin anh dùng tạm"

Ngồi đối diện nhau trên một chiếc bàn gỗ. Tôi trình bày trường hợp của tôi một người không nhà bị vợ đuổi đi. Thảo im lặng ngồi nghe và không cho một ý kiến nào. Tôi tò mò hỏi:

"Chị dọn đi tiểu bang nào" Anh nhà đâu sao không thấy."

Thảo nở một nụ cười gượng:

“Tôi đi một mình."

Và Thảo kể về nàng:

"Hồi trưa này tôi đi từ giã một người bạn, chị ấy thấy tôi buồn nên kéo tôi vào buổi văn nghệ và gặp anh tại đó. Tôi không có tâm trí nào để thưởng thức một cuộc hợp mặt dễ thương như vậy và không biết vì sao tôi lại đưa số điện thoại của tôi cho anh, trong khi chỉ còn 48 tiếng đồng hồ nữa thì số đó không còn sử dụng nữa, Và anh đã gọi tôi, có thể đây là một duyên kỳ ngộ.

"Trường hợp của anh cũng gần giống như tôi. Anh thì bị vợ đuổi ra khỏi nhà nghĩ thật bắt cười. Không biết trong cộng đồng chúng ta có bao nhiêu người như anh. Tôi thì không khác gì với anh. Trường hợp của tôi không bất ngờ, tôi đã được chuẩn bị từ lâu. Tuy không nói ra, không lập thành văn bản nhưng chúng tôi chấp nhận nhau. Tôi sống với một người chồng không giá thú. Tôi gặp anh ta trên đảo. Tôi vượt biên tìm con, chồng tôi đã mất tích trên đất Campuchia trong khi anh tìm đường ra khỏi Việt Nam bằng đường bộ. Còn anh chồng sau của tôi cũng vượt biển bỏ lại vợ con bên nhà. Trên đất tạm cư, chúng tôi nương nhau sống với sự thỏa thuận ngầm là tôi sẽ trả lại vợ con cho anh ta khi họ qua đây.

"Một điều tôi không ngờ được, tôi đã gặp một người đàn ông tính toán. Chúng tôi có một thương vụ nhỏ, bản tính của tôi không quan tâm đến vấn đề tiền bạc. Chúng tôi làm thương mại cũng có sinh lợi, anh ta gởi tiền về giúp vợ con bên nhà không bao giờ tôi thắc mắc, tôi nghĩ đây là bổn phận của một người chủ của gia đình. Nhưng trong bao nhiêu năm anh đã cất giấu một số tiền riêng. Thương vụ thì anh đứng tên, mấy tháng trước anh bảo với tôi là anh muốn đổi nghề và đề nghị bán tiệm. Tôi đồng ý, thật ra tôi chỉ là người phụ trong việc thương mại, tôi cứ nghĩ làm người đàn bà chỉ nên lo cho chồng con miếng ăn, thức uống. Thời giờ còn lại lo dọn dẹp nhà cửa cho ngăn nắp. Mấy năm trước anh ta có sắm cho tôi một ít nữ trang, đây là những thứ tôi mang trong mình.  

"Bán tiệm xong, ông chồng của tôi đi sớm về trễ, tôi cứ nghĩ là ông ta đang lo tìm công việc làm ăn khác. Cách đây ba tuần ông không về nhà, tôi đi tìm ông khắp nơi, một vài người bạn bảo có gặp chồng tôi, nhưng họ không biết là ông không về nhà. Tôi lấy làm lo lắng dự định gọi báo cảnh sát. Nhưng chiều hôm đó ông gọi điện thoại về nhà cho tôi biết. Ông không muốn sống chung với tôi nữa. Tôi như người trên cao rớt xuống, trời đất quay cuồng. Tôi hỏi ông ta tại sao " Ông bảo: Tôi phải về với vợ con tôi. Ngắn gọn bấy nhiêu thôi rồi cúp điện thoại. Sáng hôm sau tôi ra ngân hàng kiểm soát lại trương mục. Anh có biết trương mục của tôi còn lại bao nhiêu tiền" Anh đoán thử xem. Tôi lắc đầu.

 "Ba ngàn đồng"

Với số tiền này làm sao tôi trả nổi tiền thuê nhà, làm sao tôi sống với những ngày còn lại. Tôi mất hết "Tình, Tiền" Tôi là một con khờ, mấy người bạn thường cảnh cáo cái tánh dễ dãi và hời hợt của tôi. Họ bảo "Đàn ông ở đây không dễ tin đâu". Tôi tin chồng tôi vì tôi thấy ông làm ăn chí thú, không cờ bạc, rượu chè...Nhưng tôi không ngờ ông ta nặng tình với vợ con ông như thế. Tôi không thể ghen với bà ta. Tôi chấp nhận làm người thất bại. Một điều tôi không ngờ là ông chồng tôi đã bảo lãnh vợ con ông sang đây một cách âm thầm mà tôi không hay biết gì hết. Ông thường bảo với tôi cứ gởi ít tiền về bên đó cho bà ta sống. Ông không muốn bảo lãnh vợ con ông sang đây sẽ gây nhiều phiền phức. Nhưng những điều ông nói và làm hoàn toàn khác nhau.

Tôi im lặng ngồi nghe chuyện gia đình Thảo, tôi không tìm được lời an ủi để chia sẻ với nàng, tôi góp ý :

   "Sao chị không đưa ông ta ra tòa. Người ta thường nói: "Của chồng công vợ." Chị đã mất tình thì ít ra chị phải còn tiền chứ""    

Thảo bảo tôi:

   "Thôi đi anh ơi! Đã không còn gì nữa thì lôi nhau ra tòa làm chi cho thêm phiền não. Một bài học làm người, tôi đã thiêu hủy cuộc đời tôi mười lăm năm qua.Tôi sẽ đứng dậy bằng chính sức lực của tôi"

Tôi từ giã Thảo và hẹn hôm sau sẽ mang đồ của tôi đi. Tôi đi tìm một motel thuê phòng nghỉ qua đêm. Trời bên ngoài vẫn còn mưa rỉ rả, tôi cảm thấy đói bụng tôi quay điện thoại mời Thảo đi ăn tối, coi như lệ phí gởi đồ, nhưng nàng đã từ chối. Tôi đành vào một quán fast-food mua một cái gì cho đỡ lòng qua đêm.

Trong căn phòng với chiếc giường đơn, đồ đạc thiết trí đơn giản, một loại phòng bình dân dành cho người qua đường nghỉ tạm. Mấy chục bạc cho một đêm đúng là tiền nào của đó.

Nằm gác tay lên trán suy nghĩ. Người đàn bà mình gặp hôm nay hoàn toàn trái ngược với vợ mình, một người đàn bà chỉ biết an phận, không đua đòi, không dành quyền chủ động, tuân phục chồng. Nàng như một cây cỏ mềm núp dưới bóng cổ thụ giờ đây bị mang ra giữa một bầu trời đầy nắng gió. Còn tôi một người đàn ông vô dụng vợ tôi thường bảo tôi như thế. Tôi có cảm tưởng mình là một cọng bún không làm gì nên việc hết.

Trong căn phòng khép kín, tôi ngồi đối diện với tôi, bước kế tiếp phải làm gì" Quay trở về nhà chờ sự tha thứ của vợ. Không! Tôi đã làm lỗi gì để cho bà tống cổ tôi. Tôi chỉ có một thú vui hay đi ra ngoài gặp bạn bè nói vài ba câu chuyện thời sự, hay văn chương gì đó, đi dự một buổi ra mắt sách, đi xuống đường theo người ta biểu tình đã đảo, hoan hô.... Đây là những thứ không có lợi ích gì cho vợ con theo quan điểm của vợ tôi. Sống với bà tôi không có một chút riêng tư gì cả, đôi lúc tôi có cảm tưởng mình là một kẻ nô lệ, tôi không thể làm những gì tôi muốn làm, mỗi lần tôi làm theo ý của tôi thì tôi được chỉ cho thấy là tôi sai, nếu tôi cãi lại lập tức có cuộc đấu khẩu xảy ra, kết cuộc tôi phải chịu thua và làm thinh.

Hành động của vợ tôi được coi như một quyết định dứt khoát, bà không cần tôi và cũng không muốn thấy tôi trong nhà nữa. Một sự xua đuổi trắng trợn, đối với tôi là một sỉ nhục. Vợ chồng ăn chung một bàn, ngủ chung một giường, quạt nồng, ấp lạnh cùng nhau nhưng không hiểu tại sao bà đối với tôi như thế. Xã hội ngày nay nam nữ bình quyền, bà nấu cơm thì tôi rửa chén, cuối tuần tôi hút bụi nhà, cắt cỏ sân trước sân sau, giặt giũ quần áo, nhà cầu chảy nước tôi sửa, bóng đèn đứt tôi thay... có công việc nào của người đàn ông bên này tôi thiếu đâu nhưng tại sao không vừa lòng bà.

 

*

Tôi gọi điện thoại xin với công ty tạm nghỉ không lương vài tuần. Tôi cần một thời gian nghỉ ngơi, cần một sự yên tịnh. Một ý định vừa nảy ra, tại sao mình không đi xa một chuyến.

Tôi gọi điện cho Thảo là tôi sẽ đến lấy đồ. Trời nhá nhem tối, Thảo đón tôi trước cửa nhà, tôi mang thùng giấy đến và cho vật dụng của tôi vào trong. Thảo hỏi :

"Anh định đi đâu ""

Tôi trả lời :

"Không biết"

Tôi trình bày ý định của tôi muốn đi xa một chuyến, miễn sao rời khỏi nơi đây càng sớm càng tốt. Tôi tỏ ý muốn đưa Thảo đi một đoạn đường vào ngày mai. Nàng bảo :

"Không được, như vậy bất tiện cho tôi và cho anh nữa"

"Không có gì tiện và bất tiện. Hoàn cảnh hiện giờ của chúng ta cũng giống như nhau. Một kẻ bị xua đuổi, một kẻ đang chạy trốn tại sao chúng ta không cùng đi với nhau""

Tôi nói tiếp :

"Trên bước đường di chuyển Thảo cần một người đồng hành, tôi tình nguyện làm tài xế, khi nào đến nơi, sắp xếp nhà cửa xong, tôi sẽ đi."

Có thể qua lời nói chân tình và khẩn thiết của tôi, Sau một lúc suy nghĩ Thảo đồng ý cho tôi làm tài xế.

Trên đường đi đến vùng đất mới, ngày đi đêm nghỉ chúng tôi xuyên qua nhiều thị trấn và thành phố, đâu đâu cũng thấy nhà cửa phố xá khang trang ngoại trừ các vùng quê. Trên tay lái nhìn bụi đường cuốn theo xe, tôi muốn quên đi những phiền muộn của cuộc đời. Thảo trầm lặng rất ít nói, đôi mắt nàng nhìn về phía trước một cách chăm chú có thể quan sát tiếp với tôi trong lúc lái xe, hay nàng cũng giống như tôi muốn quên đi một quá khứ đầy đau buồn. Thỉnh thoảng, chúng tôi trao đổi quan điểm về cuộc sống, về dự kiến tương lai. Thảo, một người phụ nữ bình dị, ước mơ của nàng muốn có một gia đình hạnh phúc. Một sai lầm lớn nhất trong cuộc đời nàng là chung sống với một người đàn ông đã có gia đình. Tương lai không có, một ngày nào đó anh ta sẽ về với vợ con anh. Biết vậy nhưng nàng vẫn chấp nhận sống với anh ta vì tình, vì nghĩa trong lúc cô đơn bơ vơ nơi hoang đảo hay nhu cầu của một người đàn bà cần có một người đàn ông bên cạnh.

Ngồi cạnh tay lái có lúc nàng nói : "Tôi quả thật là con khờ".

Bây giờ nàng đã "ngộ", mười lăm năm dài tình thương yêu của nàng đã bỏ ra không một chút hồi đáp. Một chiếc áo cũ người ta vứt bỏ đi, đôi lúc còn một ít luyến tiếc nhưng ông chồng của Thảo vừa dứt tình mà còn chận con đường sống của nàng. Có nhiều người chồng bảo lãnh vợ sang nhưng không sống chung nhau vì họ đã có gia đình khác, nhưng trường hợp của Thảo thì trái ngược lại. Ông ta có dự tính và âm mưu trước. Lòng người thật khó đo lường, nó vừa sâu hiểm vừa ác độc. Trái tim nàng giờ đây băng giá. Nàng bảo :

"Anh là anh, tôi là tôi. Chúng ta sẽ là hai đường thẳng song song"

Tôi mỉm cười trả lời :

"Vâng, chúng ta là hai đường thẳng"

Tôi ở lại tiếp Thảo sắp xếp đồ đạc và làm vài thủ tục của người mới đến, trong thời gian này tôi có dịp để hiểu thêm về Thảo.

Nơi Thảo chọn để tới là một thị trấn nhỏ nhưng đang phát triển, công ăn việc làm cũng dễ tìm. Người dân ở đây dễ chịu, hiền hòa, phần đông là dân tứ xứ qui tụ về đây.

Tôi trở về nhà giải quyết chuyện cá nhân, mức chịu đựng của con người có giới hạn, tôi và vợ tôi ân đoạn, nghĩa tuyệt. Bao năm chung sống nhưng không họp nhau, con đường duy nhất là phải rời xa nhau. Xa nhau để còn giữ cái đẹp cho nhau, nếu còn tiếp tục sống với nhau một ngày nào đó một trong hai người không còn nhịn nhau và cơn điên nổi lên thì hậu quả không thể nào biết được.

Thủ tục giải quyết ly dị  xong xuôi, tôi xin nghỉ việc ở công ty. Tôi quyết định lấy vé máy bay một chiều đến với Thảo. Tôi tin tưởng với mẫu người đàn bà như nàng sẽ hợp với tôi, tôi hy vọng sẽ mang lại hạnh phúc cho nàng, để bù đắp những oan trái, nghiệt ngã mà nàng phải gánh chịu trước kia. Tôi cũng tin tưởng trái tim nàng sẽ được sưởi ấm và nàng sẽ yêu tôi, chúng tôi sẽ sống những ngày còn lại thật hạnh phúc, vui vẻ.

Tôi không báo trước dự tính  cho Thảo biết, từ phi trường tôi lấy taxi về thẳng nhà Thảo và tôi chờ nàng lúc xong việc làm. Tôi thấy trong ánh mắt của nàng vừa ngạc nhiên pha lẫn chút vui khi môi nàng chúm nụ cười.

"Sao anh đến đây không báo trước""

"Để dành sự ngạc nhiên cho Thảo"

Thảo mời tôi vào nhà. Nhà của nay đã có phần tươm tất khác hẳn với lúc mới dọn vào. Lần nầy tôi được uống một ly trà thơm với chiếc ly trong vắt không một chút bợn. Vừa uống trà vừa hỏi chuyện

"Dạo này Thảo ra sao""

"Cũng thường thôi, công việc êm xuôi. Được cái là yên tịnh không ai quấy rầy mình."

"Thảo ở một mình không thấy ngại sao""

"Không anh! Người láng giềng là hai ông bà đã về hưu, thấy Thảo sống một mình họ có bảo cần gì thì cứ gọi họ. Còn anh, sao lại đến đây làm gì ""

"Đến thăm Thảo."

Tôi đưa cho Thảo xem phán quyết của tòa án. Nhìn tờ giấy Thảo thở dài buột miệng:

"Số mạng cả! Anh có dự tính gì cho tương lai""

"Tôi đến đây tìm việc và luôn tiện được gần với Thảo."   

Tôi tiếp:

"Có thêm một người bạn trong lúc này chắc Thảo không từ chối tôi chơ."

Nàng không trả lời tôi vội, bảo:

"Anh đi tắm rửa, tôi làm một bữa cơm đãi anh, có gì ăn nấy xin đừng chê." 

Tôi thật may mắn khi được Thảo đối với tôi như thế, vừa nhiệt tình vừa thân thiết Cái câu ca dao  "Ăn cơm chung cả một nồi,/ Gội đầu chung cả dầu hồi nước hoa" có thể xảy ra cho tôi, tuy bây giờ câu bát chưa đến nhưng với sự cố gắng, cùng với thành ý của tôi, chắc chắn Thảo sẽ mềm lòng đổi ý.

Hai đường thẳng song song nhưng chúng sẽ gặp nhau ở vô cực.  

*

Thời gian như một liều thuốc làm phai mờ trí nhớ. Thời gian còn có công năng xóa dần các kỷ niệm đồng thời lôi nó vào quá khứ nhất là những chuyện đau buồn không muốn nhớ.

Một thị trấn không người thân quen đã đưa Thảo vào một đời sống âm thầm, ngày đi làm, tối về lại căn nhà mới thuê với những đêm dài cô đơn. Thảo nhớ lại, nàng đã đau đớn, tuyệt vọng tưởng chừng như đã chết. Lòng nàng tan nát, tim nàng như có ai bóp chặt, nàng vật vã, niềm đau tột đỉnh như có ai cầm dao đâm vào da thịt nàng. Câu nói của người chồng "Tôi phải về với vợ con tôi" như một trận cuồng phong hung bạo xô nàng ngã xuống trong cô đơn hãi hùng.

Thảo phải tự mình đứng lên, sống trong căn nhà nhỏ đóng kín. Thảo tự mình tạo thành một thế giới riêng tư. Cuộc đời nàng không có những may mắn như những người đàn bà khác được người chồng chung tình, yêu thương, chiều chuộng.

Trong phòng tắm dưới vòi nước phun Thảo thấy rõ da thịt nàng vẫn vẫn căng đầy sức sống. Lúc gội đầu mái tóc chảy dài theo làn nước vẫn óng ả mượt mà. Vòi nước nóng vừa đủ mạnh chăm chít vào da thịt nàng tạo một cảm giác dễ chịu. Nàng muốn đứng im thật lâu trong vùng nước ấm áp đó, sự khoái cảm đã dâng lên trong thân thể nàng. Thảo khám phá ra một điều cái thân thể của người đàn bà cần sự ve vuốt, ôm ấp. Có thể đây là một vấn đề của thân thể người đàn bà chăng".

Chúng tôi thường có những buổi cơm chung nhau vào cuối tuần, đa phần Thảo tự nấu lấy, với bàn tay nhanh nhẹn khóe léo, nàng đã thực hiện những bữa cơm gia đình đơn giản nhưng rất ngon miệng, cách nêm nếm của nàng lại vừa khẩu vị, chỉ trong tích tắc, quay qua quay lại là có một bữa ăn no bụng Thỉnh thoảng Thảo nấu bún bò, bún riêu cua. Tôi thích nhất là món phở dã chiến của nàng không thua gì ở tiệm, và theo tôi tiệm phở cũng làm theo cách đó nếu không làm sao phục vụ khách hàng cho nhanh được. Thảo mua xương bò ninh sẵn gạn lọc lấy nước trong cho vào tủ lạnh. Khi ăn Phở lấy ra đun sôi lại đổ vào nồi một lon súp phở bò mua ở tiệm (trong lon súp bò đã có hương vị phở). Bánh phở trụng sẵn, thịt bò thái mỏng, một dĩa hành ngò rau quế ngò gai...thêm chai tương ớt dọn trên bàn. Chỉ cần đợi nước sôi lên là có một tô phở tái nóng hổi ngon lành. Nếu có thêm bò viên cho vào thật là nhứt hạng.

Những ngày đẹp trời chúng tôi ra ngoài ăn và đi dạo cùng nhau, chúng tôi thả bộ trên các công viên, vườn hoa. Nhìn suối reo, chim hót... tự nhiên những vất vả mệt nhọc của những ngày làm việc tiêu tán hết cả. Thảo chỉ cho tôi những viên đá nằm im dưới lòng suối. Thảo chỉ ước muốn làm viên sỏi đá bất động để nước chảy qua giống như cuộc đời nàng từ đây về sau không bị xáo trộn. Nàng cần sự bình yên trước mọi thay đổi và mong sao sóng gió đừng xảy ra trong đời nàng. Song hành nhau trên những con đường lót sỏi, tiếng chạm của sỏi đá dưới bàn chân tạo nên những âm thanh thật dễ chịu.

Chúng tôi ngồi bên nhau thật lâu để nghe sóng vỗ, tiếng rì rào của gió, ngước nhìn trời cao, mây trắng từng cuộn trôi đi. Để thấy người xưa ví cuộc đời này như nước chảy, mây trôi cũng đúng thôi. Cuộc đời của con người quả là vô thường thấy đó rồi mất đó. Chúng tôi không có cái thú thưởng ngoạn thanh tao của người xưa như Cụ Nguyễn Du diễn tả "Khi chén rượu khi cuộc cờ, Khi xem hoa nở khi chờ trăng lên." Nhưng chúng tôi cảm thấy hạnh phúc khi đi bên nhau.

Từ một ngọn cỏ mềm, một cọng bún thiu, nghịch cảnh đã đưa chúng tôi gặp nhau, nương tựa vào nhau để vươn lên. Hạnh phúc không ai trao cho, chúng ta phải tự tìm lấy và nắm chặt chúng lại.

Chúng tôi sống hòa hợp, yêu thương và nhường nhịn với nhau. Riêng tôi cũng hưởng được cảnh êm ấm phu xướng phụ tùy, bên cạnh Thảo là cả một sự yên tĩnh, êm đềm. Nàng cũng tạo cho tôi  cảm giác làm một người đàn ông thật sự.

Tuy hạnh phúc đến hơi muộn, nhưng sự sung sướng thật sự đến với tôi, khi nàng gối đầu trên cánh tay tôi, tóc nàng xõa trên tấm chăn trải giường như một dòng suối thanh thản. Khuôn mặt Thảo hơi nghiêng về phía tôi, những sợi tóc mây lòa xòa trên trán. Tôi đưa tay vuốt nhẹ những sợi tóc, tay tôi chạm đến da mặt nàng, một cảm giác êm dịu. Tôi cúi đầu gần sát hơn khẻ hôn nhẹ lên trán nàng. Nét mặt nàng thư thái, đôi môi nàng như hé mở hình như đang mỉm cười với tôi.

Thảo đang ngủ say, hơi thở nàng đều hòa nhịp nhàng, lòng ngực nhấp nhô theo nhịp thở dưới làn lụa mỏng. Trên thân thể nàng những đường nét gợi cảm dưới làn da trắng mịn tươi mát. Tôi cảm thấy yêu Thảo thật nhiều, bên cạnh nàng tôi thấy cả một vùng trời hạnh phúc.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,964,890
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.