Hôm nay,  

Một Lần Ghé Thăm

15/06/200400:00:00(Xem: 145039)
Người viết: NGUYỄN HỒ
Bài số 563-1101 VB8130604

Tác giả Nguyễn Hồ viết từ Buffalo, New York. Theo bài viết, gia đình ông là chủ một vài nhà hàng Việt Nam trong vùng. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của ông gồm hai phần, được đăng thành hai bài liên tiếp.

Người bạn cũ gọi phone cho hay, nàng có công chuyện đến thành phố gần đây, sẽ ghé thăm gia đình tôi vào cuối tuần này. Thông thường khi có khách từ phương xa đến, có hai điều phải chuẩn bị: Ăn và ngủ.
Nàng đang sống tại một thành phố lớn, nơi có Chinatown với hàng quán Tàu-Việt và những món ăn đầy hương sắc, trong khi chúng tôi sống tại thành phố nhỏ chút xíu nằm kề bên thác Niagara, không có phố Tàu, quán ăn VN thì loanh quanh có vài cái, mà lại do chính chúng tôi làm chủ. Đãi khách quí phương xa không lẽ mời ăn bún ...nước lèo, phở, hay cơm tấm sườn bì thì... xoàng quá. Vì vậy, trước khi nàng đến tôi đã gọi điện thoại tìm kiếm một nhà hàng Tàu kha khá có cơm gia đình buổi tối (family diner), điều quan trọng là phải có seafood. Nhưng ở đây chỉ có Chinese Buffet là có seafood giá $7.99 một phần, hỏi ra mới biết seafood cùng nghĩa với tôm lăn bột chiên. Thôi đành gọi Redlobster, một nhà hàng chuyên về seafood của Mỹ, nhưng được biết họ đóng cửa lúc 21.00 giờ, còn sớm hơn mình một giờ thì làm sao mà đi ăn được.
Sáng Chúa Nhật mới thức dậy thì bà xã tôi nhắc:
-Hôm nay anh tính cho khách ăn món gì" Em thấy ở Sam'Club có bán càng con Kingcrabs, hay là mình mua về làm món ăn chính, em sẽ nấu thêm vài món phụ nữa là xong. Nghe cũng có lý, "gặp thời thế , thế thời phải thế". Mình đành áp dụng câu "Cua người... quán nhà" chứ biết làm sao hơn.
Rồi khách cũng đến.
Tôi không ngờ nàng còn trẻ như vậy, đã hơn hai mươi năm không gặp mà trông nàng vẫn thế, vẫn mình hạc... xương mai như thuở nào, có khác chăng là trên đôi mắt có thêm cặp kính trắng, trông trí thức hẳn ra. Tôi khâm phục người chồng của bạn tôi, biết chăm sóc giữ gìn, của bền tại người mà.
Còn đang... tay bắt mặt mừng, thăm hỏi tíu tít thì con bé út của chúng tôi đến thì thầm vào tai:
-Ba ơi! Cái chị đó tối nay ngủ ở đâu"
Phải rồi, để nàng ngủ ở đâu" Nếu nàng đi cùng với chồng thì dễ quá, chỉ cần gọi đặt cho vợ chồng nàng một phòng khách sạn của ông Trần Đình Trường ở gần đây là xong. Đàng này, nàng đi một mình, nếu để ở khách sạn thì sợ nàng bị tủi thân.
Căn nhà chúng tôi đang ở là một building comercial cũ, tôi mua cách nay mấy năm, có hai tầng: Tầng dưới tôi đã sửa sang để mở chợ thực phẩm, tầng trên có hai apartment, gia đình tôi ở một bên, còn một bên bỏ trống, nàng có thể ở đó. Nhưng tôi sợ nó cũ kỹ, không lẽ khách quí đến mà mình để ở đó thì cũng ái ngại. Thật là tiến thoái lưỡng nan. Nhưng nghĩ cho cùng, thà để nàng nghỉ thiếu tiện nghi một đêm còn hơn là để nàng bơ vơ... giữa chợ đời. Hơn nữa theo kế hoạch, nàng sẽ trở về thành phố nơi nàng đến vào 5 giờ sáng hôm sau, thì việc thiếu tiện nghi chút chút, có lẽ nàng sẽ thông cảm, giữa hai cái bất tiện, đành phải chọn cái ít bất tiện hơn vậy.
Mới hỏi thăm được vài ba câu, vợ chồng tôi còn chưa kịp mời nàng được một ly nước thì khách ăn vào, một bàn, hai bàn, ba bàn....rồi cứ thế tiếp tục. Họ quay chúng tôi như chong chóng, chỗ này kêu thêm ly nước lạnh, chỗ kia thêm chén nước mắm, chỗ nọ thêm... rồi tính tiền, rồi dọn bàn, rồi phôn gọi đặt mang đi, rồi khách mới tiếp tục vô... cứ thế liên tục.
Có lẽ nàng áy náy vì thấy chúng tôi bận rộn, cùng với sự lạc lõng, không có người chuyện trò, nên cuối cùng nàng sắn tay áo xuống bếp làm dishwasher. Thú thật, tôi rất ái ngại vì sự tiếp đón không được chu đáo của mình, nhưng biết làm sao được, nghề nghiệp mà.
Để bù lại chúng tôi quyết định đóng cửa sớm hơn thường lệ hai tiếng để chuẩn bị bữa ăn tối với khách. Tôi được phân công nấu món cua xào tương gừng, còn nhà tôi nấu món canh dưa cải, món sườn ram mặn, một ít xà lách trộn gía và rau thơm nữa là đủ vị.
Bữa ăn được dọn ra, mới nếm thử một miếng cua thì thấy nhà tôi kêu con bé đi lấy thêm chanh. Tôi vẫn được tiếng là nấu món cua xào ngon lắm, mà lần này lại bị tổ trác, "mặn", thế mới kém chứ. Tôi tìm lý do để biện hộ cho mình là: Cái gì để lâu không xài đến nó cũng bị lục, kể cả việc xào...cua. Chắc có lẽ để an ủi tôi, hai cháu bé con tôi cũng tấm tắc khen là ba nấu món ăn... ngon. Ngon nhưng chúng không ăn thêm nữa!!!
Trong bữa ăn, chúng tôi thủng thẳng nhắc chuyện xưa tích cũ, chuyện quê nhà, chuyện thầy cô những năm chúng tôi còn học chung, rồi đến chuyện bên này, đời sống mới, chuyện làm ăn, chuyện gia đình, đàn ông.. đàn bà...
Đến đây thì tình hình bắt đầu thay đổi. Như mạch nước khơi trúng nguồn. Như giếng dầu khoan trúng ...đáy. Như chiếc radio mở trúng đài...bình luận. Chuyện nổ như bắp rang. Chúng tôi nói về quan niệm sống của riêng mình, về cách ứng xử trong gia đình. Cũng có lúc nàng nói tôi nghe, tôi nói nàng nghe, nhưng cũng có lúc cả hai cùng nói mà không có người nghe. Thí dụ:
-Đàn ông các anh sang đây ông nào cũng tham công tiếc việc, mê say đắm đuối trong ba cái ...business, rồi tự làm khổ mình, làm khổ...
Tôi ngắt lời:
-Xưa nay tôi chỉ thấy có người than phiền vì chồng lười biếng, rượu chè, cờ bạc chứ chưa thấy ai phàn nàn vì có ông chồng siêng năng, chịu khó làm ăn.
-Nhưng làm thì làm cũng phải để thì giờ ngắm lại mình, hớt tóc, cạo râu, dành thì giờ cho con cái và những sinh hoạt khác nữa của gia đình, chứ có đâu mê làm ăn đến quên ăn quên ngủ, quên cả vợ con, có nhiều khi đồ nghề... để ở đâu cũng không nhớ nữa!!!
-Thì cũng có lúc nọ, lúc kia. Chứ làm ăn mà không bận rộn thì làm sao có tiền, có nhiều tiền....
-Biết bao nhiêu cho đủ" Mà đồng tiền đâu phải là tất cả, tại các anh không để ý đấy thôi, có nhiều thứ còn quí hơn, thí dụ như...
Tôi hiểu nàng muốn nói gì, nhưng cũng đùa:
-Chị nói không cần tiền thì lấy cái gì để mua nhẫn hột xoàn hai ba cara và xâu chuỗi ngọc mà chị đang mang trên người đó"
-Anh nhầm rồi, những cái này mua đâu cần phải trả bằng tiền, bằng credit card đó chứ.
Đêm đã quá khuya nên chúng tôi đành về nghỉ.
Tôi đang ngồi mở thư trên mạng thì cháu bé chạy sang nói:
-Ba ơi! Cô đang bị ngứa... cô muốn... cô muốn ... ưm ..ưm
Tôi còn đang phân vân chưa hiểu thì nàng bước sang nói với vợ tôi:
-Chị có chai lotions làm ơn cho tôi mượn, có lẽ vì lạ nước nên tắm xong tôi bị nổi mề đay.
Tôi vốn có tính ít ngủ mỗi khi có chuyện bất thường xảy ra, nên mặc dù đã để đồng hồ báo thức lúc 4g30, nhưng mới 3g00 đã dậy và không sao ngủ lại được, nằm nghe tiếng thở nhẹ đều đều của vợ một hồi rồi rón rén ra mở máy đọc email.
Có một bài của vị lãnh đạo tinh thần quê tôi nói về sự chờ đợi. Tôi suy nghĩ về sự chờ đợi trong tâm linh của ngài và so sánh với sự chờ đợi trong cuộc sống thường hằng của chúng ta. Con người từ khi sinh ra vốn đã là những chuỗi dài của sự chờ đợi, còn nhỏ thì chờ mẹ về chợ, chờ lớn khôn, lớn rồi thì chờ học hành thành tài, chờ cho có sự nghiệp, chờ già rồi chờ chết! Người đi làm thì chờ đến cuối tuần lãnh check, có tiền thì chờ tiêu xài. Kẻ làm ăn thì chờ khách đến, chờ cuối ngày để đếm tiền...Còn tôi, tôi đang chờ đến giờ để hoàn thành nhiệm vụ đối với bạn hiền và cuộc viếng thăm này. Sự chờ đợi nào cũng cảm thấy lâu vì mong mỏi.
Chúng tôi khởi hành đúng như chương trình đã dự định. Khoảng cách giữa hai thành phố khoảng 100 miles, thông thường chỉ tốn 1g 30' lái xe. Tôi trừ hao 1g cho những trục trặc bất thường như sương mù, kẹt xe v.v. như vậy tôi sẽ trở về nhà lúc 9g sáng, dư sức để bắt đầu cho một ngày làm việc mới.
Nàng từ phương xa đến, còn tôi tuy ở gần nhưng chưa đi qua thành phố Toronto này lần nào, nên ghé mua tấm bản đồ rồi nàng ngồi chỉ đường cho tôi chạy. Chỗ này quẹo phải, chỗ kia quẹo trái, rồi quẹo phải, quẹo trái, rồi phải phải...trái trái một hồi, chúng tôi đã tìm được free way 401, chỉ cần kiếm freeway 410 cắt ngang là chúng tôi đi đúng đường.


Tôi coi đồng hồ đã 7g15, lẽ ra đã phải đến nơi. Thấy trên bản chỉ đường đề freeway 400, tôi quay sang hỏi:
-Chị coi xem mình sắp tới chưa"
Sau khi xoay tới xoay lui tấm bản đồ và ngắm nghía một hồi thì nàng trả lời:
- Thôi... chết rồi! Mình đi lộn đường. Đúng ra mình quẹo phải chỗ này mà lại quẹo trái.
Vừa nói nàng vừa chỉ tấm bản đồ giải thích. Tôi vội vàng kiếm exit ra và chạy ngược lại. Chúng tôi đã chạy qua con đường cũ lúc mới vô freeway 401, bây giờ tôi vừa chạy vừa để ý quan sát tìm freeway 410, còn nàng ngồi coi bản đồ, thỉnh thoảng có một cái cầu bắc ngang thì nàng đọc tên rồi nói: chắc sắp tới nơi rồi.
Đã hơn 9g tôi nóng ruột lẩm bẩm:
- Bây giờ... mà chị nói với tôi, lộn đường lần nữa thì chắc... chết.
Y chang!
Khi kim xăng chỉ chữ emty, tôi tìm cây xăng đổ và hỏi đường thì được biết, chúng tôi đã đi gần tới...Bắc cực.
Thế là sau khi quanh quẩn trên freeway 401 hơn 4 tiếng đồng hồ để ngắm sương đêm rơi rơi và ngửi khói của các loại xe chay xung quanh, tôi đã đưa nàng tìm được chỗ muốn tìm. Trước khi từ giã tôi nói với nàng:
- Cho tôi gởi lời thăm ông ấy, nói thêm với ông ấy rằng: Đồ nghề lúc nào cũng phải nhớ mang theo trong người, để thỉnh thoảng còn lấy ra mà xài, nếu không để lâu nó sẽ bị lụt như ... nghề xào cua của tôi vậy.
Nàng cười thay lời chào tạm biệt.

Trên đường lái xe trở về, tôi miên man suy nghĩ: Đời sống con người phải chăng luôn luôn là sự tìm kiếm, là những mơ ước, khát vọng triền miên. Khi đạt được điều này thì bắt đầu lại có những mơ ước, khát vọng khác.
Hơn hai mươi năm trước, chúng tôi đã từ biệt cha mẹ, anh em, làng xóm, quê hương và tất cả những gì có được, chúng tôi đã mạo hiểm đánh đổi chính mạng sống mình, với mục đích tìm một đời sống tự do, tốt đẹp hơn.
Qua đây, mỗi người mỗi ngả, tuỳ theo hoàn cảnh và khả năng, mọi người đã tìm cách thích nghi và phát triển theo chiều hướng mình mong muốn, người trở lại trường học tiếp, thành tài rồi ra làm việc. Có người tìm kiếm việc làm ngay, rồi nghề dậy nghiệp, vừa làm vừa tìm tòi, học hỏi chính nơi công việc của mình để thăng tiến dần dần, cũng có người tìm kiếm một công việc thích hợp với khả năng và tự phát triển thành một business riêng... Hầu hết mọi người dù làm việc bằng chân tay hay trí óc, nếu chăm chỉ một chút, thì đã tìm được điều mình muốn tìm: "Một đời sống vật chất, tinh thần tốt đẹp hơn". Nhưng hình như bây giờ chúng tôi đang có những vấn đề mới, vấn đề gia đình, vấn đề quyền lợi và trách nhiệm giữa đàn ông với đàn bà.
Sau cuộc gặp gỡ và trao đổi với người bạn cũ, tôi muốn nhìn lại chính mình, muốn đánh giá lại những sự việc, và muốn tâm sự với người bạn đời đã chia xẻ những đắng cay cũng như ngọt bùi với tôi hơn hai mươi năm qua.
Trước hết, về quan niệm sống: Thế hệ chúng tôi sinh ra và lớn lên nơi quê nhà nhưng lại sinh sống ở đây, nên chúng tôi là lớp người chịu ảnh hưởng của cả hai nền văn hóa Đông và Tây. Đời sống mới dạy chúng tôi về quyền bình đẳng giữa đàn ông và đàn bà, về việc phải kính trọng người phụ nữ như... sếp của mình.
Chúng tôi đã cố gắng nhiều, nhưng từ một chỗ nào đó trong tâm hồn, những tư tưởng về tam cương ngũ thường, tứ đức tam tòng, những khuôn mẫu tổ chức gia đình của cha ông mà phu xướng phụ tuỳ, những lý thuyết tôn giáo v.v.. cứ muốn vùng lên để đòi hỏi quyền lợi.
Này nhé! Có ai dám phủ nhận những giá trị về: công-dung- ngôn-hạnh của người phụ nữ và nhân-lễ-nghĩa-trí-tín của đàn ông theo đạo học Khổng-Mạnh. Này nhé! Trong bài thánh kinh ngày lễ cưới, đã có đoạn viết rằng: Người vợ phải phục tùng chồng như giáo hội phục tùng Chúa Kitô..., rồi trong văn học, chữ anh đi trước chữ chị, chữ ông đi trứơc chữ bà, như định ra trách nhiệm của người nam trong gia đình phải nặng nề hơn người nữ. Những tư tưởng ấy cứ bàng bạc trong tâm hồn, để thỉnh thoảng nhắc nhở chúng tôi phải thực hiện nghĩa vụ làm... chủ gia đình.
Sang xứ Mỹ này, tiếp xúc với nền văn hoá tây phương, chúng tôi cũng đã học được một số điều, để đối xử công bằng hơn với người phụ nữ. Thí dụ như: nói năng nhỏ nhẹ, không quát tháo ầm ĩ, không hành hạ đánh đập, hay dùng võ lực mỗi khi nóng giận. Biết chia xẻ công việc nhà như nấu ăn, giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc và dạy dỗ con cái.... sau khi cả hai đã cùng đi cày để kiếm cơm.
Tuy nhiên còn một số điều chúng tôi chưa quen và có lẽ sẽ mãi mãi không quen: chúng tôi đã mất tự nhiên, đôi khi làm bộ ngoảnh mặt, khi nhìn thấy người ta âu yếm nhau nơi công cộng, chúng tôi không thể ôm chầm lấy vợ...bạn và hôn chùn chụt... và có lẽ vì quê mùa, nên không muốn dẫn vợ đi nhảy đầm. Hình ảnh cô thôn nữ mới hôm nào còn e ấp mỗi khi bị trêu ghẹo, mà hôm nay quay cuồng trên sàn nhảy, chuyền qua tay hết người đàn ông này tới người đàn ông khác, trong lòng cứ như mất đi cái gì trân quí, nên không được thoải mái. Dĩ nhiên, những sinh hoạt trên là tốt đẹp với một số người, chỉ vì chúng tôi chưa bắt kịp mà thôi.
Trong công việc làm ăn, có nhiều thuận lợi như: Luật pháp rõ ràng, cơ hội bình đẳng cho mọi người, ai muốn làm gì trong khuôn khổ luật pháp cho phép thì cứ làm, miễn là có ...tiền vốn. Nhưng chúng tôi mới đây còn là nông dân, sở trường là quanh năm miệt mài với thửa ruộng con trâu, là bờ ao cây lúa luống cày, đời sống tuy hơi vất vả nhưng êm đềm và đơn giản. Việc làm ăn mới của chúng tôi ở đây thì khác, luôn đương đầu với con người có cảm xúc và phản ứng, biết tính toán hơn thiệt, sư hiểu biết giới hạn về luật pháp áp dụng cho từng loại công việc, sự soi mói của thuế vụ, sự non yếu về kinh nghiệm trong thương trường.... đã làm cho chúng tôi phải điêu đứng nhiều phen, nhiều lúc tưởng chừng như tuyệt vọng. Nhưng rồi nhờ lòng nhiệt thành, sự nhẫn nại chịu đựng và quan trọng hơn cả là sự cộng tác đắc lực của người vợ, nên cuối cùng cũng đạt được chút ít thành qủa.
Ít nhất về kinh nghiệm chúng tôi cũng rút ra được bài học rằng: Trong mọi công cuộc làm ăn, khách hàng là quan trọng, mà khách hàng lúc nào cũng muốn được phục vụ nhiều nhất mà phải trả ít nhất, còn chúng tôi, những người làm ăn thì lúc nào cũng muốn phục vụ ít nhất mà... thu được nhiều nhất.
Nhìn lại chặng đường 20 năm đã qua, với biết bao khó khăn sóng gió. Tôi luôn tâm đắc, nếu không có em đồng hành chia xẻ, nếu không có sự đóng góp tích cực của em về cả thể xác lẫn tinh thần thì không biết tôi phải xoay trở cách nào"
Nhân vô thập toàn, hơn hai mươi năm sống bên nhau, tôi cũng có nhiều lầm lỗi, những phút yếu lòng, những cơn nóng nảy đã làm em phiền lòng. Thôi... xin em một lần tha thứ, chúng ta hãy quên đi những muộn phiền của dĩ vãng, hướng về tương lai, cùng nhau xây dựng và đi tiếp quãng đường còn lại.
Nhân ngày tình yêu năm nay, tôi xin gởi đến em và tất cả những hiền phụ trong thế giới này một bó hoa hồng, như một món quà tinh thần để ghi nhớ những thâm tình của người phụ nữ.

Hoa Hồng Tặng Em

Bao năm tình nghĩa mặn nồng
Hôm nay một bó hoa Hồng tặng em
Bông đầu nhắc nhớ những đêm
Em ngồi đan áo ngoài thềm gió đông
Mong mang hơi ấm cho chồng
Thân em nào quản bao công nhọc nhằn
Bông nhì chỉ những bữa ăn
Cơm ngon nhờ sự ân cần chăm lo
Ba bông nhớ thuở hẹn hò
Bốn bông bày trẻ em cho vào đời
Năm bông hoạn nạn chia đôi
Sáu bông sướng khổ một đời cùng anh
Bảy bông nhẫn nhục hy sinh
Sao cho hạnh phúc gia đình yên vui
Không bon chen chẳng đua đòi
Dù gian khổ vẫn không lời thở than
Tám bông đền đáp muộn màng
Những khi lầm lỗi vì mang tật ghiền
Chín bông là chuyện tất nhiên
Sẵn sàng tha thứ không phiền giận anh

Bao nhiêu cho hết thâm tình
Gọi là một chút cho mình em vui.

Nguyễn Hồ
Buffalo, NY.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 843,996,168
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.
Nhạc sĩ Cung Tiến