Hôm nay,  

32 Năm Xa Xứ: Đường Vào Mỹ Và Giấc Mơ Hoa Kỳ

30/04/200300:00:00(Xem: 197435)
Người viết: LÊ HIỀN
Bài tham dự số 3188-786-vb40423

Lê Hiền là tác giả đã được trao tặng giải thưởng đặc biệt với nhiều bài viết về nước Mỹ xuất sắc. Ông hiện cư trú và làm công việc kỹ sư điện cho một hãng Mỹ tại Irvine. Bài mới nhất của ông lần này là hồi ký về 32 năm xa xứ, từ thời sinh viên du học tại Nhật đầu thập niên 70’, tới lúc vào đất Mỹ tính làm di dân lậu cho tới những nỗ lực với “giấc mơ Hoa Kỳ”. Hồi ký của ông được phân làm ba bài, đăng liên tiếp 3 kỳ.
*

CHUYỆN DU HỌC NHẬT

Cùng đi trên con đường hội nhập bình đẳng, làm thế nào thành công về một trong những Giấc Mơ Hoa Kỳ, đó là câu hỏi mà ai cũng muốn có một giải đáp cho riêng mình. Đây chỉ là một phần đời sống hội nhập vào nước Mỹ của hàng trăm cựu sinh viên du học Nhật, đây cũng chỉ là tiếng thở than riêng lẻ có nhiều thiếu sót, không thể nói lên hết được những thăng trầm của tất cả anh em cựu sinh viên.
Giấc mơ Hoa Kỳ (American Dream) bao gồm sự thở hít không khí tự do: tự do tôn giáo, ngôn luận, hội họp, báo chí, những nổ lực làm ra của cải vật chất để thăng hoa thêm đời sống: work and wealth, những thành tựu về giáo dục của con cái: cử nhân, cao học, tiến sĩ, bác sĩ, luật sư, giáo sư, khoa học gia.
Phạm vi bài viết chỉ nói đến giấc mơ Hoa Kỳ (American Dream) nổ lực làm ra của cải vật chất, có được một căn nhà trú ngụ như bao người khác, hay cao hơn trở thành triệu phú. Và riêng tặng cho anh NXT người vừa đến nước Mỹ vài tháng cũng đang bắt đầu cuộc hành trình khó khăn như tôi đã trải qua một trong những cựu sinh viên du học Nhật năm 1967, một tiến sĩ kinh tế, người vợ anh một bác sĩ không có đất dụng võ trên đất Nhật. Anh đến đất Mỹ cũng chỉ vì tương lai của con cái chứ không phải của anh nữa, anh tự hỏi ở cái tuổi 55 anh còn làm được gì" Giấc Mơ Hoa Kỳ có gì lôi cuốn mà anh một người đã gắn bó đời sống hơn 35 năm ở Nhật lại muốn đi Mỹ" Có lẽ anh là đợt di dân cuối cùng trong nhóm anh chị em.
Tôi cũng thân tặng các bạn DVD, PNB, LGB những nhân vật sống trong câu chuyện đã cùng tôi đi một quãng đường khá dài: 32 năm xa xứ, mong các bạn chữ đại xá nếu có đọc những dòng viết này.

Giã biệt Saigon
Chiếc máy bay từ từ cất cánh, trên không trung nhìn qua cửa sổ, tôi vẫy tay chào tạm biệt khu phố Ngã Ba Ông Tạ, đường Thoại Ngọc Hầu, trường trung học Tô Ma thời đệ nhị cấp, chào cha mẹ thân quyến. Chào người tình trong mộng, người vợ tương lai chưa một lần gặp mặt, cô bé 14 tuổi dù chưa biết mặt vẫn chờ đợi tôi 11 năm sau trên đất Cali. Cái vẫy tay định mệnh tưởng là tạm biệt không ngờ đó là cái vẫy tay vĩnh biệt.
"Sài Gòn ơi tôi có ngờ đâu rằng
Một lần đi là một lần vĩnh biệt"
Cơn địa chấn lịch sử đang chuyển động ngầm từ từ để rồi rung động mạnh tạo thành làn sóng người Việt di dân tràn ra khắp thế giới. Không một ai ngờ trước.

NHỮNG NGÀY Ở NHẬT 1971-81
Máy bay hạ cánh xuống phi trường Đông Kinh vào mồng 5 tháng 2 năm 1971, tuyết đổ ngoài trời dầy đặc, mới đó ở Saigon cái nóng nhễ nhãi mồ hôi, vài tiếng đồng hồ sau tôi đã đặt chân đến thành phố Đông Kinh lạnh run người. Lúc đó là một giờ sáng khuya, tôi được 5 sinh viên đàn anh ra đón mang về căn phòng trọ, tôi bầy bánh mứt kẹo và giò lụa để anh em hưởng chung cái Tết ta lần đầu tiên trên xứ người.
Sau buổi trình diện xứ quán Việt được sự chào đón chân tình và những lời nhắn nhủ cố gắng học hành sau này về đóng góp cho đất nước, những ngày kế tiếp bắt đầu nhập học Nhật ngữ sửa soạn cho năm kế vào đại học.
Thường anh chị em tụ họp tại cư xá quốc tế Kokusai gồm đủ mọi sinh viên các nước đông nam á khác, để rồi sau đó mọi người tản mạn đi vào các trường đại học Nhật rải rác từ Bắc Hokaido xuống miền cực nam. Mỗi người sinh viên tuổi vừa đôi mươi không ai nói nhưng đều ngầm hãnh diện là được học tại một quốc gia có nền kinh tế đứng hàng thứ hai thế giới.
Hắn cũng như tôi có may mắn được đi du học Nhật qua trước tôi vài tháng vào cuối năm 1970, sinh viên du học ở Nhật chia làm 3 thành phần: quốc phí là những sinh viên được học bổng chính phủ Nhật, quốc gia là những sinh viên được học bổng chính phủ Việt Nam, tư phí là những học bổng gia đình. Tôi và hắn thuộc loại học bổng gia đình nên sau ngày mùa hè đỏ lửa 1972, giá hối đoái tăng vọt lên bất ngờ học bổng gia đình cũng bị cắt.
Cuộc biến động thứ nhất đẩy tôi và hắn phải lăn lưng vừa đi học vừa đi làm dokata ở nhà ga Takadano-baba. Nghề dokata là gì nghe sao có vẻ cao sáng chứ nhỉ" Dạ thưa, xin đó là nghề đứng bến, sáng sớm 5 giờ sáng đã phải ra ga xe lửa đứng xếp hàng lớp để cho các tay đầu nậu người Nhật mướn người lựa tựa như lựa cá rồi cho đi thu dọn rác rưởi ở các công trường xây cất, hay ở các địa đạo để làm đường rầy xe lửa. Làm nghề này chỉ cần một tuần thôi bảo đảm bạn sẽ giống dân homeless thứ thiệt, quần áo mặc đi làm nếu lười giặt là mùi chua bốc lên chịu không nổi, một tuần đi làm khi về nhà người bạn ê ẩm khỏi nói, bù lại tiền được trả hơi cao. Một tuần lương 35 ngàn Yen nếu chịu tiện tặn có thể sống một tháng để ngồi học tiếp. Mới đầu các cậu sinh viên chúng tôi hơi ngỡ ngàng, rồi sau cũng vào đấy. Còn có một nghề khác kiếm tiền không kém nghề dokata là nghề khiêng hộp cá hay tôm trong các phòng đông lạnh.
Nói đến việc vừa đi học vừa đi làm để hoàn tất văn bằng cử nhân quả là điều khó khăn. Những ai hoặc các bạn sinh viên trẻ nào đang ở tình cảnh này có lẽ hiểu thấu được điều tôi than vãn. Những tháng ngày buồn khổ và tủi thân, buổi sáng thức dậy đầu nhức như búa bổ vì cảm lạnh nhìn ra bầu trời từ căn gác trọ tuyết phủ trắng ngoài trời tôi chỉ còn biết kêu thầm "mẹ ơi sao con cực quá thế này" nhớ lại những ngày còn ở bên mẹ khi đau ốm được mẹ chăm sóc mua cháo già hay tô phở nóng về cho ăn. Tôi cũng như hắn và các bạn sinh viên khác đã làm đủ mọi nghề để mưu sinh từ quét dọn nhà cửa, hầu bàn rửa chén, làm cơ xưởng lắp ráp dép, cơ xưởng lắp ráp motor quạt máy, tiệm chơi game pachinko.
Pachinko là một tiệm chơi game bình dân nổi tiếng thu hút từ người trẻ cho đến già, những viên bi sắt được búng lên để thẩy vào lỗ, mỗi viên bi vào lỗ là có khoảng hơn 5 viên bi thắng được chuyển xuống hộp chứa, người thắng nhiều ngàn viên bi có thể đổi đồ chơi hoặc tiền mặt, có những tay chuyên nghiệp chuyên sống bằng nghề này. Tôi được thu nhận giúp việc cho tiệm game này, công việc chỉ là coi nếu có những viên bi nào vị kẹt giữa hai cái đinh, nhìn đèn chớp tôi đến gỡ viên bi ra vào bỏ vào lỗ, những công việc lặt vặt khác như quét nhà, thu dọn tàn thuốc lá của khách.
Sau giờ học khoảng 4 giờ là tôi bắt đầu đạp chiếc xe đạp lọc cộc đến tiệm làm việc cho đến 10 giờ tối, ăn uống thì được cho ăn cơm với trứng sống quay bỏ vào trong bát cơm với một chút xì dầu và món đậu hột tròn ủ chua trộn với cơm nóng mà người Nhật kêu là natto, bữa nào ngon thì được nguyên miếng cá bằng nữa bàn tay, có ăn là mãn nguyện lắm rồi tôi đâu có cầu mong hơn. Làm xong về nhà đến tối thì đã hơn 11 giờ, ôn bài vở cho đến hai ba giờ sáng cho ngày hôm sau.
Sau đó là làm hãng thêu hình trên vớ qua sự giới thiệu của thằng bạn Nhật với ông anh họ của nó, giờ làm cũng khoảng từ 4 đến 10 giờ đêm, ông anh họ thằng bạn thỉnh thoảng mua sushi cho ăn, tôi biết ăn món sushi từ lúc này, món này tương đối mắc ở Nhật. Công việc này tôi làm cho đến khi ra trường và may mắn được một hãng Nhật thu nhận qua lời giới thiệu của vị giáo sư dạy học trong trường. Một vài anh em đã không chịu đựng được sự chấn động tâm lý trở thành mát, có người trở về Việt nam trước 1975, có người sống lây lất cho đến sau biến cố thuyền nhân đã gia nhập hẳn đạo ngũ homeless Nhật lấy nhà ga xe lửa Shinjuku làm chỗ trú ẩn, anh đi qua Nhật du học để được đời ban thưởng cho một kiếp người nghèo tận cùng xã hội, nghe sao mà thảm thương muốn khóc. Qua lò luyện khổ này sinh viên du học Nhật sau này qua Mỹ sống đều vượt qua được hầu hết trở ngại. Đó là cái rủi nhưng mà đó là cái may mắn cho tôi và hắn đã có được một hành trang chịu đựng cực khổ để sửa soạn hội nhập vào nước Mỹ sau này.
Trong những ngày trước biến cố 1975, tin tức trên đài truyền hình Nhật chiếu rõ làn sóng đỏ từ từ bao bộc thủ đô Saigon, sinh viên hoảng loạn không còn ai có tinh thần học tập. Cư xá Kokusai tràn ngập những anh chị em sinh viên tụ tập lại từ khắp miền đất nước, tay nắm tay để cố cùng nhau trấn áp cơn sợ hãi, sự hoảng hốt tột độ trên mỗi khuôn mặt còn quá trẻ để chịu đựng. Biến cố 1975 xảy ra, sinh viên bị chấn động nặng nề về tâm lý nhiều người như điên lên, sau những hoang mang hốt hoảng những ai có thân nhân ở Mỹ hay ở Pháp thì đều lũ lượt lên đường. Một số không nhỏ còn sót lại vì không có thân nhân cha mẹ hay anh em bên Mỹ.
Nói chung dù đi trước hay đi sau các anh em sinh viên du học Nhật đều đã thành công tại xứ Mỹ, có những người đang làm giám đốc hoặc phó giám đốc của những chi nhánh công ty Nhật Bản hay công ty Mỹ, thông thạo cả hai thứ tiếng Mỹ Nhật, tiếng Việt thì dĩ nhiên rồi. Điều này chứng minh rằng sự quyết định di dân vào Mỹ của các anh em là đúng, chỉ có xứ Mỹ mới mở rộng bàn tay chào đón và tạo những cơ hội thành công về mọi mặt đúng với khả năng của từng người. Hội cựu sinh viên du học Nhật Bản đã được thành lập mấy năm qua tại hai miền Bắc và Nam Cali, những buổi họp mặt hàng năm đã và đang được tổ chức. Tinh thần Sempai (tiền bối) và Cohai (hậu bối) vẫn được tôn trọng như thởu nào. Gặp nhau thường ôn lại những ngày làm dokata cực khổ nhưng mà vui. Người trẻ nhất cũng đã trên 50 tuổi, dù vậy mỗi người vẫn còn mang trong lòng hoài bão như thởu sinh viên mong được đóng góp phần nhỏ cho đất nước Việt Nam, hoàn cảnh đất nước bây giờ chưa cho phép, trách nhiệm và bổn phận của anh em bây giờ là mỗi người cố gắng đào tạo ra thêm 2 hoặc 3 chuyên viên đó là những con cái của chính chúng tôi.

SỬA SOẠN ĐI MỸ 1980-81

Tôi đi làm cho hãng Nhật thấm thoát đã được mấy năm. Vào thời kỳ này làn sóng thuyền nhân đang lên cao độ, nhìn thấy ngày trở về Việt Nam thật sự quá xa vời, bố mẹ tôi bên Việt Nam và họ hàng bên Mỹ viết thư thúc giục qua Mỹ. Không kể số sinh viên đi qua Mỹ trước đó vào năm 1975 mà sau 6 năm trời đều đã an cư và lạc nghiệp. Làng sóng thuyền nhân ngày càng tăng đã là đòn bay để anh chị em sinh viên rời bỏ nước Nhật.
Thời kỳ sau này số sinh viên còn sót lại Nhật chia ra làm 3 hướng đi, người xin đi Úc, người xin đi Canada, còn lại đa số tìm đường vào Mỹ. Số sinh viên tìm đường vào Mỹ bằng nhiều cách, người thì theo diện cha mẹ, người theo diện hãng xưởng, còn tôi di dân lậu bằng visa du lịch 3 tháng. Tôi lên xứ quán Mỹ nộp đơn xin đi du lịch, họ đòi hỏi tôi phải khai báo trong ngân hàng có bao nhiêu và tờ giấy cam đoan của hãng nói là tôi sẽ trở lại Nhật làm việc, ông xếp tôi rất sốt sắng ký ngay tại chỗ dù biết rằng tôi một đi sẽ không bao giờ trở lại Nhật nữa. Đi nộp đơn mà lòng thấp thỏm chỉ sợ sứ quán Mỹ biết cái tẩy của tôi sẽ trốn qua Mỹ sau 3 tháng thì khốn, tôi nghĩ sứ quán Mỹ biết được điều này nhưng họ bỏ lơ qua quý hồ tôi trình đủ giấy tờ hợp lệ, tòa nhà sứ quán Mỹ trông rất to lớn và bề thế, nhân viên gọi tôi vào phòng riêng phỏng vấn khiến tôi muốn té đái, hình như cái mặt tôi có khắc chữ "Di dân lậu" sau đó họ nhìn tôi từ đầu đến chân như con quái vật. Cái nhìn của họ như muốn nói, ê tớ biết tỏng chú mày qua đó sẽ ở luôn khôn hồn thì khai báo thật đi. Tôi đành phải gồng mình nói láo thề thốt là sẽ trở lại Nhật làm việc.
Càng gần đến ngày đi Mỹ trong lúc làm việc tôi buột miệng huýt sáo bản quốc ca Mỹ khiến cho những người bạn Nhật cười ầm lên. Trước ngày đi Mỹ ông xếp tôi mời cả nhóm khoảng 10 người đến nhà làm một bữa tiệc tiễn đưa, bữa tiệc cảm động mọi người đều đề cập đến nước Mỹ, ôi thôi đủ mọi chuyện tốt xấu, nhưng tựu trung nước Mỹ vẫn là số một đối với những người bạn Nhật.

NHỮNG NĂM ĐẦU DI DÂN LẬU ĐẾN MỸ 1981-1982

Sau những mong chờ rốt cuộc rồi tôi cũng đặt chân đến được phi trường San Francisco, tay cầm visa trình cho nhân viên kiểm soát, miệng khấn vái vì lo sợ họ bắt giữ lại không cho vào, đúng là có tật thì giật mình. Chỉ khi tôi vượt được qua cổng bắt được tay thằng bạn lúc đó mới hoàn hồn.
Tôi đã vượt biên thành công bằng đường hàng không đến xứ Mỹ, lòng tràn ngập niềm vui. Lần đi này tuổi đã 30 với một tâm trạng nữa vui nữa buồn, vui là vì đã được đặt chân đến miền đất mà mọi người đều mơ ước, buồn vì mình là thân phận một di dân lậu, tương lai bấp bênh chưa biết đi về đâu. Thằng bạn thân đem hành lý ra rời khỏi phi trường hướng về thị xã San Jose, gớm mới có qua Mỹ mấy tháng màsao nó rành rọt đường xá Mỹ quá trời, tôi nể phục nó lắm lắm.
Tôi có may mắn sống trên đất Nhật đã thấy sự tiến bộ vượt bực của nước Nhật về kiến trúc nhà cửa cao tầng, những đường xa lộ rộng lớn, đường xá Tokyo chằng chịt với xe cộ đi lại, những siêu thị tân tiến, những trường đại học quy mô, phi trường quốc tế Narita tân kỳ, mà tôi vẫn thấy giật mình vì sự to lớn của nước Mỹ.
Trời tháng tư đen nên còn hơi lạnh, đêm nằm ngủ chập chờn vì giờ giấc khác nhau, suy nghĩ vẫn vơ về tương lai chưa có định hướng, chân trời của kẻ di dân lậu còn mờ tịt xa tít, đâu là bến đậu, tôi đã rươm rướm nước mắt cho một cuộc đời còn mới đầy những bất ngờ trước mắt, sự cô đơn tột cùng. Di dân lậu cũng có nghĩa là tôi sẽ bị bắt và sẽ ở tù, không có việc làm sống vất vưởng.
Sáng hôm sau thằng bạn dắt tôi đi làm ID và xin thẻ social security dắt tôi đi chợ super market, dãy apartment nằm gần đường Center nơi tập trung hỗn độn giữa người Việt và Mễ. Lần đầu tiên được nhìn thấy tận mắt người Mễ họ to con và béo phệ, nước da bánh mật ngâm ngâm đen, tôi nhìn họ hoài không chớp mắt. Nhìn thấy họ đi trên những chiếc xe huê kỳ to lớn cồng kềnh mà thèm nhỏ dãi, ước gì mình được một chiếc xe như thế. Tôi biết mình nghèo còn thua cả giai tầng thấp cổ bé miệng. Nhìn họ sung sướng ăn uống ca hát có công ăn việc làm dù chỉ ở mức lương tối thiểu, tôi cũng chỉ cầu mong có thế. Thằng bạn cũng chịu khó bỏ thời gian tập lái xe cho tôi. Nhìn thấy nó chạy xe ào ào tôi khâm phục thật bởi vì cả đời tôi đã được lái xe hơi bao giờ đâu. Hiện tại thằng bạn tôi đang ở San Jose có thú câu cá biển nên tậu chiếc tàu đánh cá to tổ bố, cuối tuần là vọt đi biển câu cá từ sáng sớm, đó là thú vui của nó.
Tháng sau tôi liên lạc được với người bà con ở dưới Long Beach, nhân tiện họ lên dự đám cưới trên San Jose hỏi tôi có muốn xuống dưới Long Beach sống không. Thân cù bơ cù bất thì ở đâu chẳng là nhà thế là tôi OK liền. Buổi tối hôm sau được chở đi về từ San Jose xuống Los lần đầu tiên, chạy từ fwy 5 mới thấy nước Nhật về hệ thống xa lộ còn thua xa. Ít lâu sau có dịp ghé thăm nhà những người bạn cùng du học ở Nhật đã qua Mỹ năm 1975, nhà nào tôi cũng thấy to lớn và đẹp, cái gì cũng thấy sang, lòng tự nghĩ không biết đời nào mới tới phiên mình có được một căn nhà khang trang và rộng lớn như bọn hắn. Về nhà cảm thấy hoang mang và mất tự tin thấy con đường hội nhập vào Mỹ sao mà nó lê thê và dài ngoằn. Mãi sau này khi từ từ hội nhập vào nước Mỹ tôi mới thấy là bình thường, nhưng thời điểm bắt đầu cuộc hội nhập thì khác, lòng mang nặng nhiều tự ti mặc cảm thua thiệt và muốn tránh né bạn bè. Có lẽ đây là cái tâm lý chung của những kẻ mới đặt chân đến xứ Mỹ như tôi.
Ở nhà bà bác được ít lâu tôi kiếm văn phòng của cặp vợ chồng mới qua tỵ nạn được hơn một năm để share phòng, mỗi tháng anh chị chủ tốt bụng chỉ lấy có lệ hai trăm còn được ăn thêm bữa tối. Tôi ở chung với 3 người bạn trẻ khác thêm tôi nữa căn phòng nhỏ chật chội chứa đựng đến 4 người, chuyện tắm rửa thì nhà khá đông nên cách 2 hoặc 3 bữa mới tắm một lần. Khu này nằm lẫn lộn với dân da đen. Đây là lần thứ nhất tôi được nhìn thấy dân da đen, thoạt đầu trông họ đen bóng nên cũng hơi sợ, sau riết rồi cũng quen, nhưng tôi có gì phải sợ họ chứ, những người da đen dễ thương bởi vì tôi cũng đang là thành phần nghèo như họ, có gì khác biệt với họ đâu, có chăng chỉ là màu da.
Hàng ngày tôi vẫn phải dậïy sớm lúc 5 giờ sáng lên Los bằng xe bus vừa học thêm tiếng Mỹ vừa có thể gia hạn thêm visa vài tháng. Trường sinh ngữ này có khả năng xin gia hạn visa cho học viên. Có nhiều người da đen đi trên xe bus từ Long Beach lên downtown LA để làm việc, số tiền ít ỏi mang được từ Nhật cũng từ từ cạn dần, ăn không ngồi rồi thì đến tiền núi cũng lở.
Học xong khóa tiếng Mỹ, công việc đầu tiên của tôi dự định là đi bỏ báo sau khi đã mua được chiếc wagon Pinto đời cũ rích đã hơn 200 ngàn miles. Chiếc xe thổ tả bốc khói mịt trời lâu lâu nằm ăn vạ ngoài đường, nhưng tuần sau đó kiếm được công việc sửa máy radio cassette khá hơn trong một hãng Nhật trong vùng Torrance, lương giờ lúc đó là 4 đồng, mừng hết lớn. Thật ra tôi cũng chỉ là một thứ di dân lậu dưới cái nhãn hiệu du lịch, nên gồng mình đi làm lậu chứ đâu được phép chính phủ cho đi làm, người chủ Nhật thấy tôi biết nói tiếng Nhật nên họ cũng sẵn sàng giúp đỡ. Đã nghèo còn nghèo thêm, sống trong khu hỗn tạp nên chiếc xe cũ mèm của tôi cũng bị đập bể kiếng để lấy hộp đựng dụng cụ sửa xe.
Tôi vẫn sống như một di dân lậu, chưa có thẻ xanh thì tôi đâu có thể xin làm việc chính thức, nhất là công việc kỹ sư. Người chủ họ hỏi tôi có bằng cấp gì không, tôi nói mới học hết trung học, chỉ sợ nói có bằng đại học họ không nhận thì khổ.
Tháng sau nhờ có tiền đi làm ít ỏi tôi bèn dọn lên vùng Santa Ana mướn một phòng riêng để share, tôi đã có được một chút riêng tư không phải như lúc chung đụng 4 người một phòng, kể cũng đã khá, ăn uống thì ra nhà hàng ăn Việt vùng Little Saigon. Vào năm 1982 nhà hàng rất ít, nơi đông đúc nhất là khu Bolsa Mini Mall. Khu phố Việt thời đó “đi dăm bước đã về chốn cũ.”
Tình trạng ở chung nhà rất là phiền phức, tối đến nghe vợ chồng người chủ nhà cãi cọ nhau đến mất ngủ, vì là tình trạng vợ chồng chấp vá bên đảo, con anh con em, nên người chồng hạ cẳng chân cẳng tay hơi nặng. Tôi đã có dịp nhìn thấy những người dân Mễ nhiều hơn, vì khu vực này đa số là dân Mễ nhập lậu.

THÀNH DI DÂN HỢP LỆ 1982-1988

Hạn visa du lịch sắp hết, tôi sắp trở thành kẻ di dân lậu, lòng bồn chồn, tương lai như lớp sương mù dày đặc che phủ trước mắt, người vợ tương lai đâu sao vẫn thấy xa nghìn trùng, cô bé 14 tuổi của tôi đâu sao tôi vẫn chưa tìm được em.
Những ngày sắp hết hạn là những ngày buồn chán, nhìn những người Việt đi theo diện di dân chính thức mà thấy thèm thuồng, một ước muốn nhỏ là trở thành người di dân chính thức mà cũng thấy khó khăn chập chùng.
Tôi ở lẫn lộn chung khu xóm đa số là những người di dân lậu gốc Mễ, những kẻ ngày ngày đứng trước sân chung cư hỗn tạp uống rượu tán dóc để cho hết đi những tháng ngày chui nhủi, tôi đang là một kẻ như họ không hơn kém, chẳng lẽ cuộc sống này là đoạn kết cuộc đời tôi.


Rồi việc phải đến đã đến, cô bé 14 tuổi nữ sinh Trưng Vương ngày nào chưa một lần biết mặt giờ đã trở thành một thiếu nữ 25 tuổi mặn mà, đã đến trong đời tôi như một giấc mơ. Nàng đến đúng lúc như vị cứu tinh, tôi như kẻ sắp chết đuối vớt được phao. Ngày hôm hai chúng tôi lên sở di trú xin di dân theo diện vợ chồng còn có được vài ngày phù du. Chỉ cần trễ vài ngày thôi thì có lẽ cuộc đời tôi rẽ sang hướng khác, nhiều chuyện rắc rối sẽ xảy ra, tôi có thể bị giam và nhờ đến luật sư mà tiền bạc thì không có. Nhạc phụ và nhạc mẫu thông cảm để cho chúng tôi làm giấy tờ với nhau theo luật định trước, sau đó mới làm đám cưới ngoài đời. Không có nàng và sự thông cảm của nhạc phụ và nhạc mẫu thì có lẽ tôi đã sống kiếp di dân lậu vất va vất vưởng trên góc đường Euclid & Westmisnter.
Hai chúng tôi đã lên tòa thị chính làm giấy tờ hôn thú, họ đòi phải đi thử máu, lại thêm một trở ngại mới, nếu chúng tôi có bệnh di truyền thì coi như hôn thú không thành. Tuần kế lấy kết quả thử máu chỉ sợ có gì trục trặc. Nàng cũng trở thành kẻ thông dịch bất đắc dĩ vì nhiều khi tôi nghe không hiểu được chỉ lõm bõm khi nào không hiểu tôi nhìn qua nàng cầu cứu. Sau những thủ tục rườm rà tôi đã được cấp giấy tạm cho đi làm, 3 tháng sau mới có thẻ xanh chính thức.
Mùa giáng sinh năm đó 1982 tôi mới có được một niềm vui trọn vẹn sau 11 năm xa xứ, đi bên một người tình người vợ mới cưới, hạnh phúc không ngờ. Tôi như cảm nhận d0ược khuôn mặt mình rạng rỡ sau những lo âu được bỏ lại đằng sau. Xin chào những ngày di dân lậu sống phập phồng bất an.
Vợ chồng cũng là cái duyên số, qua sự giới thiệu của bà bác nàng biết tôi là ai mà dám lấy, nàng thì cứ chối đây đẩy còn tôi thì cứ lì điếc không sợ súng, rốt cuộc nàng cũng phải gật đầu gá nghĩa cùng kẻ cù bất cù bơ như tôi. Nàng sinh ra để làm vợ tôi không còn chọn lựa nào khác, ông trời hình như đã sắp đặt sẵn.
Vợ tôi qua Mỹ năm 1975, ở cái tuổi 18. Nghe nàng kể lại cuộc hành trình đến Mỹ cũng không kém sôi nổi và cực khổ. Cũng như bao gia đình khác, gia đình nàng đã có mặt ở Vũng Tàu trước đó một tuần, ra đi bằng những thuyền thúng để rồi được hạm đội Mỹ vớt ngoài khơi. Tới Mỹ, là chị cả nàng đã đi làm phụ giúp gia đình công việc quét dọn và chùi rửa cầu tiêu cho trường học mỗi tháng được hơn 200 đồng, nàng đã dấu mẹ nhưng sau bà cụ biết được đã khóc hết nước mắt vì thương con.
Lương giờ 4 đồng thì làm sao nuôi vợ. Được thẻ xanh tôi gởi giấy xin việc khắp nơi như bươm bướm để rồi chỉ nhận được những lá thư cám ơn. Vợ tôi an ủi nói tôi học tiếp cao học nàng sẽ đi làm để chi dùng trong gia đình. Kể ra tôi cũng là kẻ may mắn, có một số bạn học du học Nhật cùng theo chương trình di dân lậu như tôi mà mãi mấy năm sau mới có thẻ xanh.
Cám ơn người bạn đường đã giúp tôi trong những năm đầu hội nhập vào Mỹ, cho tôi hết đi những cô đơn buồn chán, mang lại mùa xuân mới cho cuộc đời, con đường đã được nàng sửa soạn nhiều phần trôi chảy. Cám ơn người bạn đường đã cho tôi những đứa con kháu khỉnh ngoan ngoãn, đóng vai người mẹ hiền chăm sóc tôi và con cái trong những lúc ốm đau.
32 năm xa xứ tôi được gì, người vợ và 3 đứa con, đó là tài sản quý giá nhất mà tôi có. Nàng đã chăm sóc lo lắng cho tôi khi bệnh sa ruột phải mổ mất 2 tuần lễ, và những tháng trời cặp mắt tôi bị lòa đi. Dù đi làm 8 tiếng như tôi về đến nhà nàng vẫn chu toàn bổn phận làm vợ, làm mẹ nấu cơm và dạy dỗ con cái.
Đang trong cơn túng bấn định trở lại học tiếp chương trình cao học thì thằng bạn cùng đi du học bên Nhật gọi lại nói có Job opening. Kiếm được công việc kỹ sư tập sự nơi hãng mới lãnh được 10 đồng, tôi nhảy cẩng lên vì mừng rơ. Đây là bước nhảy vọt vĩ đại đối với tôi thời đó, gọi điện thoại cám ơn thằng bạn rối rít, ông là cứu tinh của tôi đó biết không.
Vào sở làm ngày đầu tiên được dắt đi tham quan một vòng trong hãng, khâu nào tôi cũng thấy người Việt, từ assemble line đến technician, đến warehouse, hình như có hơn một nữa là người Việt. Có lẽ tôi vào được hãng này cũng gián tiếp là do sự việc cần cù của các người Việt đi trước, và sự giúp đỡ trực tiếp của thằng bạn tôi.
Có thêm chút ít tiền chúng tôi dọn đến khu vực chung cư trên đường Newland gần tòa thị chính Westminster có nhiều người Việt và tương đối dễ sống hơn. Xin chào biệt người anh em di dân lậu gốc Mễ, chúng tôi đã mướn được căn 2 phòng riêng rẻ để ở, cho bỏ hết những ngày sống chung đụng 2 hoặc 3 gia đình xa lạ, cái hạnh phúc nhỏ nhoi của kẻ di dân đến Mỹ được vài năm trời. Đổi hãng lần thứ hai thì chúng tôi đã có dư tiền để mua một căn nhà ở, đó là vào đầu năm 1988, căn nhà nằm sau tiệm phở 79 góc Hazard-Brookhurst, cái vui mừng thật khó diễn tả khi có được căn nhà đầu tiên sau những năm sống trôi nổi, một giấc mơ nhỏ.
Sau đó tôi tạm rời thị trường nhà cửa để mở tiệm beer & wine, vì trong những ngày đầu đến Mỹ tôi thấy một số người Việt đi vào ngành buôn bán này làm ăn cũng khấm khá, rồi tôi phải vội từ giã tiệm này sau một năm thử thách, công việc thì dài giờ, nguy hiểm mà chẳng lời bao nhiêu. Có lẽ tôi đã chọn lựa không đúng địa điểm nên không có khách nhiều.
Từ công việc đầu tiên, sau nhiều năm làm việc, tôi đã trải qua bốn hãng điện tử hãng nào tôi cũng thấy người Việt chiếm hơn nửa, tình đồng hương thân thiết sẵn sàng giúp đỡ người mới, tôi không thấy có gì là chia rẽ hay ngầm hại lẫn nhau. Nếu có sự đụng chạm lẫn nhau là sự thường tình của con người, anh em trong nhà còn cãi vã không ưa nhau mà nếu không hợp tính.
Có một giai thoại về thằng bạn này, số là ông xếp gốc Ba Lan sinh đẻ ở Mỹ có cái tật hay chửi thề. Nhiều lần ông "F" và chửi "bô-sit" đều chi khi máy bị trục trặc. Có lần hắn kể cho tôi nghe.
- F….you, mày chế tạo máy như "bô sịt" tôi hỏi hắn "bô-sịt" là gì vì mới qua nên tôi không hiểu rõ, hắn bèn dịch ngay cho tôi hiểu đó là "cục cứt thối", mẹ thằng xếp nó chửi tôi là "cục cứt thối" ông ạ, thiết kế máy như đếch hư lên hư xuống, nhiều lần như thế tôi chịu không được, con giun xéo quá cũng oàn, tôi bèn quay lại hắn làm một lèo.
- F…you "bô-sịt you" mà cũng là cục cứt thối. Ông đếch làm nữa mày tự làm lấy một mình đi.
Nói xong tất cả các nổi bực tức hắn bỏ về nhà một mạch hai ngày hôm sau không trở lại hãng. Ông xếp biết chắc lỗi do mình trước, nên đã gọi điện năn nỉ hắn trở lại làm việc. Thằng này có bệnh "hào hoa phong thấp" mất vợ rất sớm, đứa con đầu đã tốt nghiệp đại học 4 năm và đang học tiếp lên cao ở đại học UC Berkerly, đứa thứ hai sắp ra trường. Hiện tại chàng đang an nhàn hưởng thụ vì con đã lớn không thích bon chen như thằng thứ hai tôi sắp đề cập đến.

CHUYỆN ÔNG BẠN TRIỆU PHÚ

Vào những năm 1975 đến 1976 những sinh viên du học Nhật nào nếu có thân nhân bên Mỹ đều được chính phủ Mỹ giúp đỡ cho đoàn tụ, thật là một chính sách nhân đạo hiếm có quốc gia nào như thế.
Có được chiếu khán nhập cảnh Mỹ hắn xin sứ quán Mỹ cho ở lại Nhật để hoàn tất văn bằng cử nhân và đã được chấp nhận. Tôi thua hắn ở điểm này vì không có thân nhân nên mãi đến năm 1981 mới đánh bạo nhập lậu vào Mỹ bằng chiếu khán du lịch, nếu không có bà xã tôi đã trở thành di dân lậu thực sự.
Qua Mỹ năm 1976, hắn cũng vừa đi học, vừa đi làm để hoàn tất thêm văn bằng cao học cơ khí, cũng nhờ những năm được đào luyện cực khổ ở Nhật nên cũng không lấy gì làm khó khăn, ra trường xong hắn có Job ngay, vào thời kỳ này sinh viên mới ra trường kiếm việc có vẻ dễ dàng. Có ít tiền hắn down mua một căn condo hai phòng ngủ khoảng hơn 30 ngàn, vài năm sau hắn mua căn nhà 4 phòng lớn hơn còn căn condo để cho thuê.
Con đường cùng hội nhập của hắn và tôi: 10 năm từ 1988 đến 1998.
Vào năm 1988 tôi đổi qua hãng mới, hãng này người Việt cũng chiếm hơn nữa. Tình cờ trong buổi họp hàng tuần về vấn đề kỹ thuật thì tôi gặp hắn, tay bắt mặt mừng hắn hỏi thăm về anh em còn kẹt lại bên Nhật.
Hắn cũng có một giai thoại. Có lần trong dịp review để lên lương hàng năm hắn không chịu ký tên bằng lòng với số lương mới, hắn nói bỏ công nhiều sao được thưởng ít quá, công nhận thường thì hắn làm việc trong sở rất trễ và giải quyết nhiều vấn đề hóc búa cho hãng. Nói đi nói lại không biết làm sao ông xếp bèn đưa tờ review lương của ông cho hắn coi, nè ông coi lương của ông còn cao hơn manager nhiều lắm, có đời thuở nào lương thuộc cấp hơn lương xếp, ông là trường hợp ngoại lệ, làm xếp của ông nhức đầu quá không biết tăng lương thế nào cho ông vừa ý.
Trong những hãng lớn thường khuyến khích nhân viên có những sáng kiến mới. Vào phòng hắn thấy bày la liệt những tấm bằng sáng chế ước lượng cũng vào khoảng hơn chục cái, về điểm này tôi thua hắn xa lắc trong 10 năm làm cho hãng mà chỉ có được một cái bằng sáng chế. Còn về stock option hắn mỗi năm mỗi được mà tôi chỉ được có một lần duy nhất, cũng hơi buồn cho tôi. Hắn dùng tiền thưởng này đem vào việc đầu tư nhà cửa luôn, có thể nói hắn tận dụng tất cả những nguồn tiền hắn có. Với số tiền 4 ngàn đồng tiền thưởng cho một bằng sáng chế, hãng thưởng 2 ngàn còn chính phủ thưởng thêm 2 ngàn nữa, hắn đã có được trong tay sấp sỉ gần 50 ngàn đồng, nếu tính trên 5% down hắn có thể mua được căn apartment bạc triệu.
Tiết kiệm cho đầu tư, đó là khẩu hiệu làm giàu của hắn. Vào nhà hắn những đồ đạt trang trí không có vẻ gì là một người có tiền. Chiếc tivi cũ to cồng kềnh và nặng đời tổng thống Nixon để ngay góc phòng khách, ở giữa là bộ salon trong tầm thường người nghèo nhất nước Mỹ cũng có thể mua được. Những chiếc xe thường là đời cũ mua lại của người khác. Hỏi hắn là tại sao không mua sắm hắn chỉ cười và nói tiền này để dành vào việc đầu tư có lợi hơn.
Trông hắn có vẻ ngon lành quá tôi bắt đầu nhào vào thị trường nhà cửa trong lúc giá nhà đang xuống nhưng vẫn còn hơi cao, tôi mới chỉ có một căn fourplex thì đã sất bất sang bang, than khổ thầm. Còn hắn thì đã có vài căn nhà, mấy căn duplex và fourplex cho thuê. Đi sâu vào việc cho mướn nhà mới cảm thấy phục hắn một con người chịu đựng dẻo dai. Có những lần vào hãng mặt mày lem luốc sơn với bộ mặt còn ngái ngủ. Tôi hỏi hắn làm sao trông thảm thế, hắn nói mới từ căn nhà sơn phết xong tối qua không ngủ để kịp cho khách mướn. Gặp tôi chắc là đợi cho đến ngày hôm sau mới làm tiếp, gấp gáp chi cho nó cực nhọc. Đó là điểm khác giữa tôi và hắn. Nhiều nhà thì nhiều bệnh phải sửa chữa, hết chỗ này gọi cầu tiêu kẹt đến nhà kia kêu nóc nhà bị dột.
Sau đợt thuyền nhân, đợt di dân theo diện ODP, diện HO và diện con lai đã làm bùng nổ phong trào mua nhà cửa và apartment cho những người Việt di dân mới qua mướn, một điều không thể chối cãi số người đi sau này cũng đã đóng góp không nhỏ vào sự thịnh vượng của Little Saigon và ngành địa ốc. Cái nhìn của hắn rất xa, hắn đã thấy được nhu cầu trước mắt.
Thời kỳ 1990 đến 1995 giá nhà xẹp từ từ xuống chỉ còn 120 ngàn đồng cho căn nhà 3 phòng ngủ. Nhiều người đầu tư trong ngành địa ốc có nhiều căn nhà mua lúc giá cao không cầm cự nổi tiền nhà hàng tháng, họ đã bỏ của chạy lấy người. Tôi cũng là người mua căn fourplex trong thời giá cao vẫn còn có thể cầm cự được nhưng không đủ vốn mua thêm những căn khác. Đợi mọi người tháo chạy khỏi thị trường địa ốc hắn bắt đầu đi lùng kiếm mua những căn nhà giá rẻ hoặc bị tịch thu. Công thức trở thành triệu phú thật đơn giản:
Millionaire= 5% Investment+work hard+ right time
Hắn mua nhà không bao giờ down hơn 5% trên những giấy tờ mà hắn thường cho tôi coi khi offer, chính mắt tôi trông thấy có đến hơn 10 căn nhà mỗi căn chỉ vào khoảng trên dưới 120 ngàn đồng, hắn đã mua được với giá quá hời.
Mỗi căn hắn mua bằng cách mượn tạm từ credit card với 10 ngàn đồng từ credit card hắn có thể mua được căn nhà rồi, 6 ngàn đồng down và tiền giấy tờ 4 ngàn, 10 căn nhà hắn mua bằng 10 thẻ credit card khác nhau. Hắn là người hùng của thẻ tín dụng, càng mượn nhiều tiền hắn càng có uy tín với nhà băng.
Vào năm 1995, hắn bắt đầu mon men mua được 20 units sau khi đã chán những căn fourplex và duplex lẻ tẻ. Giá căn nhà này người chủ bên Florida tuổi đã hơn 80 đòi bán với giá 1 triệu rưỡi, biết là thời điểm bán khó, hắn ép người chủ bán với giá 1 triệu hai và chỉ down có 5%, 30% người chủ cho mượn, 65% hắn mượn tiền nhà băng. Thật sự khi mua căn 20 units này hắn không có tiền, làm sao để có 60 ngàn đồng down cộng với 10 ngàn tiền giấy tờ và tiền sửa chữa lặt vặt, vị chi tất cả gần 100 ngàn. Cái đầu computer tính toán rất nhanh, rồi đã có cách, hắn nói với tôi "Tớ sẽ mượn 50 ngàn đồng tiền về hưu trong 401K, làm loan lại căn nhà đang ở lấy ra 40 ngàn, còn 10 ngàn có gì đâu dễ ợt ông mượn từ credit card" thế là xong không có đồng nào mà hắn xoay sở có thể mua được căn apartment hơn một triệu. Tôi chưng hửng với cách tính toán của hắn thật táo bạo, chuyện như thể thần thoại và giởn chơi. Bà vợ hắn thì cứ như ngồi trên đống lửa, sợ đến muốn rụng tim ra ngoài, còn hắn thì vẫn tỉnh bơ như không. Tôi nói làm sao không kham nổi với số tiền nợ như chúa chổm, nếu giá nhà không lên mà xuống thì chẳng lẽ nên khai phá sản và chạy làng. Hắn chỉ cười, mình đến nước Mỹ với hai bàn tay trắng, thì trở về với hai bàn tay trắng đâu có gì mất mát, rồi sẽ làm lại từ đầu cũng chưa muộn.
Cái quan trọng không chỉ là tiền bạc, làm sao hắn có thời gian để trông nôm nhà cửa mà không phải mướn manager, hắn chủ trương tự làm lấy tự sửa chữa lấy, chỉ khi nào kẹt lắm hắn mới mượn người. Hình như suốt hai ngày thứ bảy và chủ nhật hắn chỉ nhông nhổng ngoài đường, sửa chữa cái này sửa chữa cái kia, đi làm về buổi tối là chạy thẳng đi coi các căn cho mướn đến đêm khuya mới về, mỗi ngày trung bình hắn chỉ ngủ từ 4 cho đến 5 tiếng.
Có thời gian cứ hai tháng hắn làm thủ tục đuổi nhà (evic) một lần vì nhiều lý do, người mướn nhà trả trễ, ở ồn ào phá phách. Có lần hắn đi vào một căn nhà cho Mễ ở, thiếu chút nữa là hắn bị hại, tụi Mễ mặt thành nào cũng cô hồn các đảng dân buôn bán thuốc phiện đòi làm dữ hắn với cây súng hắn kịp chạy ra khỏi nhà và đi báo cảnh sát. Từ lần đó hắn rất cẩn thận không bao giờ nói chuyện thẳng mà nhờ luật sư lo. Gặp hắn tôi hay nói chuyện nhà cửa, để học hỏi kinh nghiệm nhưng không dám táo bạo như hắn, tôi đã để mất cơ hội làm giàu. Nhiều lần hắn thúc giục tôi mua thêm nhà.

TRIỆU PHÚ VÀ TRIỆU PHÚ BẤT ĐẮC DĨ 1998-03

Đầu năm 1998 hãng sập tiệm lỗ mất 1 tỷ tiền đôla tươi. Tôi và hắn bị đuổi sở, sau đó mỗi đứa đi hai hãng khác nhau. Thỉnh thoảng gặp lại, kể chuyện nhà cửa, tôi hay chọc hắn là nhà triệu phú. Chuyện tưởng giởn chơi mà không ngờ thành thật, chờ cơn sốt nhà cửa trong những năm 2000-2003, hắn đã thành công trở thành triệu phú, một bất ngờ hay là một tính toán trước. Cho đến bây giờ tôi mới thấy cái nhìn xa của hắn. Nhà cửa lên ào ào, căn 3 phòng ngủ từ 120 ngàn lên đến 300 ngàn. Căn 20 units bây giờ rẻ lắm cũng phải hơn 2 triệu hai.
Con đường hội nhập vào nước Mỹ để trở thành triệu phú quả là chông gai. Hắn đã trở thành nhà triệu phú lúc nào không biết. Còn phần tôi vì lười biếng nên nữa đường gãy gánh, giấc mộng của tôi mua thêm apartment thêm nhà cho mướn đã "tan theo ngày năng vội" tất cả cũng chỉ vì cái tính ngại gian khổ, thay vì phải mua thêm cuối năm 2001 tôi đã bán căn fourplex. Nhưng chữ nhưng dễ thương làm sao, đất Mỹ vẫn còn cơ hội để cho tôi trở thành triệu phú, chỉ cần hơn mười năm sau khi tôi trả xong món nợ nhà và cộng thêm số tiền hưu cá nhân 401K tăng trưởng theo nhịp độ 5% tôi sẽ trở thành triệu phú bất đắc dĩ, dẫu tôi muốn hay là không. Thực sự tôi vẫn muốn nghèo như bây giờ chả muốn thành triệu phú làm chi nhưng đất nước Mỹ sẽ không để tôi như thế. Chỉ có đất Mỹ mới có phép lạ triệu phú như vậy. Điều tôi muốn nói ở đây, Mỹ là đất của cơ hội nếu anh bỏ công ít thì anh hưởng lợi ít, còn nếu anh bỏ công nhiều chịu cực khổ như hắn thì sẽ được đền bù rất xứng đáng, nước Mỹ rất công bằng với tất cả mọi người cho mọi người di dân nhiều cơ hội nhưng chỉ đòi hỏi có một điều anh phải chịu khổ cật lực làm việc "work hard". Đất Mỹ đã và đang sản sinh ra hàng chục ngàn và sẽ nở ra hàng trăm ngàn triệu phú Vietnamese American. Trong cộng đồng Mỹ gốc Việt sau 27 năm trời hội nhập vào nước Mỹ đang có rất nhiều nhà triệu phú ngầm, chỉ có một biến cố nào đó người ta mới được biết đến. Hiếm có triệu phú nào ngay cả người Mỹ chơi banh như triệu phú gốc Việt tặng một lúc 2 triệu dollars cho nạn nhân 911. Ăn quả nhớ kẻ trồng cây đó là tinh thần của di dân gốc Việt. Nhiều triệu phú là chủ khách sạn, chủ hãng, chủ nhà hàng, chủ những bất động sản, chủ nông trại, bác sĩ, kỹ sư, luật sư ….Có triệu phú Việt là người đứng bán tiệm Starbuck là một trong 13 nhân viên trúng Super Lotto, câu chuyện này đã trở thành giai thoại về con đường trở thành triệu phú, một may mắn bất ngờ, một triệu phú bất đắc dĩ. Ở xứ Mỹ này có cái lạ lùng, một ông già Mỹ ngày ngày đi lượm lon, những người láng giềng chung quanh cứ tưởng ông ta nghèo thường hay giúp đỡ ông cái này cái nọ, nhưng đùng một cái khi ông chết, ông đã để lại di chúc biếu cả triệu đồng cho cơ quan từ thiện. Is your neighbor a millionaire" Đó là câu hỏi người Mỹ thường hay hỏi. Bởi vậy đừng có nhìn một người Việt trung niên nhỏ con gầy gò ăn mặc lôi thôi lếch thếch lem luốc cáu bẩn những sơn và bụi ngày ngày lái chiếc xe pick up cà tàng móp méo thu dọn rác chung quanh thùng rác mà tưởng ông ta là dân homeless rồi cho ông ta một đồng vì tội nghiệp, đó là một trong những nhà triệu phú ngầm. Đọc đến đây, xin đọc giả bỏ ra một phút nghĩ về chính mình coi có thể quý độc giả đã và sắp là những triệu phú bất đắc dĩ, độc giả có bao nhiêu căn nhà, tiền hưu trí và tiền saving trong nhà băng. Oh my god, I am a Vietnamese American Millionaire, really. Yes, you are, xin đừng đánh giá mình quá thấp.
Con đường hội nhập vào Mỹ không phải là con đường trải thảm, nó chính là con đường đầy chông gai. Ông có thể là bác sĩ, luật sư, kỹ sư, giáo sư ở xứ ông nhưng khi đặt chân đến nước Mỹ ông sẽ bắt đầu lại bằng đôi bàn tay trắng và bằng những công việc lao động cực nhọc lương chỉ vài đồng một giờ, nếu hiểu được điều này là ông đã đạt được một nữa giai đoạn thành công ở nước Mỹ, âu đây cũng là điều công bằng của nước Mỹ. Tôi và hắn cùng đến Mỹ với hai bàn tay trắng đều có cơ hội bình đẳng mà nước Mỹ dành cho họ, đều được trang bị "hành trang khổ cực" trong những ngày ở Nhật, tôi thì ù lì còn hắn thì trở thành triệu phú, cái gì đã làm hắn hơn hẳn tôi, có lẽ nhờ sự chăm chỉ chịu cực chịu khó và sự quyết tâm đi đến mục đích. Phải công tâm mà nói nhờ đi đến nước Mỹ mà những con người tầm thường như tôi và hắn mới có chỗ đứng, con cái một số người bạn đã vào được y khoa, mà vào được y khoa là một điều khó xảy ra trên đất Nhật nếu bạn là di dân. Cám ơn nước Mỹ là điều tôi ngại mở miệng, nhưng giờ phút này tôi không thể dấu lòng mình, dù sao tôi cũng đã là một công dân Mỹ: Thanks America, 32 năm xa xứ cuộc đời tôi đã biến chuyện theo vận mệnh đất nước, từ người sinh viên mặt búng ra sửa đã được thẩy vào đời lăn lộn trong cuộc sống, tưởng là yên giấc mộng trên xứ phù tang hoa anh đào, nhưng biến cố thuyền nhân đã lại đẩy đưa tôi đến xứ Mỹ sống chung đụng với những di dân lậu gốc Mễ, tưởng nghèo đến thế là cùng, dòng đời lại đưa đẩy tôi trôi nổi đến khu vực trung lưu vùng Irvine sánh vai với những dân Mỹ trắng học thức, điều này hình như là một phép lạ, một American Dream.
Lê Hiền

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,077,418
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.