Hôm nay,  

Việt Nam - Canada - Nước Mỹ

03/06/200100:00:00(Xem: 198734)
Ra khỏi tù một tháng thì mẹ tôi sinh tôi. Đen thủi đen thui. Mẹ giỏi Hán văn, lấy hai trong bốn chữ “Dao lâm quỳnh thụ” đặt tên cho con gái: Lâm Quỳnh. Cả xóm không ai thèm gọi cái tên chữ nghĩa kiểu cách đó. “Quỳnh đen” là cái tên mọi người gọi tôi.
Mẹ dắt anh Cu đi vượt biên, ở tù, ra tù thì sinh tôi. Cả xóm nghi tôi là con của hải tặc Thailand. Mẹ nói: “Con Thailand thì phải nói tiếng Thailand, bé Quỳnh nói tiếng Việt Nam ma.ø” Tôi an tâm, mặc dù càng lớn tôi càng đen càng xấu, trong khi anh Cu đẹp trai và trắng bóc.
Ra tù, người ta không cho mẹ đi dạy nữa. Nhưng không sao, mẹ vẫn còn hai đứa để dạy: Thằng Cu Bột mì và con Quỳnh đen. Nhờ vậy, bốn tuổi tôi thuộc vô số ca dao, thơ... lớn chút nữa tôi kể chuyện cổ, điển tích, giai thoại như máy. 10 tuổi tôi được tuyển thẳng vào lớp 6 trường Tây Colette với số điểm thi tốt nghiệp lớp 5, văn 10, toán 10.
Ngày khai trường ông lãnh sự Pháp trao hoa và nói mong gặp lại tôi trên đất nước của ông. Cách đó 2 năm tôi cũng đoạt được 2 giải thưởng lớn về Piano và keyboard của hãng đàn Yamaha tổ chức. Tôi cũng được tuyển thẳng vào Nhạc viện tức là trường Quốc Gia Âm Nhạc Saigon cũ.
Dẫu vậy, mẹ vẫn kiên trì tìm cách cho 2 con ra khỏi Việt Nam. Ngay khi có chính sách du lịch ở Canada, Mẹ và tôi đã có mặt trên chuyến bay rời Việt Nam sớm nhất. Anh Cu bị kẹt lại và 2 năm sau anh cũng qua được Canada.
Đến Canada, một tuần sau hai mẹ con đi làm. Xin được một chân quét dọn nhà cửa cho một bà nha sĩ. Công việc nhàn, lương cao, 6 đồng/giờ, ngày 4 tiếng, tôi và mẹ hút bụi, lau nhà, rửa chén, lau cửa, chùi buồng tắm, cầu tiêu... Hai mẹ con vừa làm vừa nói chuyện. Toàn những chuyện thanh cao về văn học nghệ thuật. Cũng có những buổi, tôi chứng kiến cảnh các con bà chủ học đàn. Nhìn cảnh những đứa to đùng đánh bập bẹ những nốt vỡ lòng. Tôi nhìn mẹ, nói bằng mắt “Mẹ ơi, đúng là sim, me, tràm, chổi.”
Ngày nào cũng bốn tiếng, 2 mẹ con kiếm được 24 đô Canada. Hôm nào được lau chùi thêm ở văn phòng nha sĩ, hai mẹ con lại có thêm 2 giờ, 12 đồng nữa. Vui kể gì!
Nhận tháng lương đầu tiên, mẹ mua ngay cho Quỳnh đen một hộp chì màu bự ơi là bự. Ba tháng ở Canada, mẹ đã được đi Mỹ. Tôi ở lại tiếp tục nghề lau chùi với ngoại. Bao giờ cũng vậy, ngoại làm ở ngoài và tôi làm trong phòng, ngoại sợ chẳng may có những đứa bằng tuổi tôi đến làm răng, tôi sẽ buồn tủi. Tôi làm không lâu, phải chuyển nghề, vì bà chủ sợ bị phiền khi thuê tôi, lúc đó mới 10 tuổi.
Tôi đi hái dâu và nhổ hành với dì em. Sáng 5 giờ ra góc đường chờ xe tới đón. Hàng trăm người, phần nhiều là thiểu số. Tay xách cơm, theo xe đến các nông trại trồng hành.
Nhổ đầy thùng là 10 đồng, tôi nhổ cả ngày vẫn không sao đầy thùng. Đi dọc theo từng luống tay kéo lê thùng theo, nhổ từng cụm, đập hết đất, xếp vào thùng cho ngay ngắn. Hơi hành xông lên, nước mắt nước mũi cứ ràn rụa chảy ra... Vẫn không sao đầy thùng!
Cuối ngày, khi nào người kiểm soát tính tiền, cũng bẹo má tôi:
- Mày chỉ bằng cháu nội tao, cháu tao còn bú sữa, còn mày đã đi làm. Tao ghi cho mày đầy thùng nhá! Sáng mai ráng hơn 1 thùng, tao sẽ ghi là 2 thùng. Dễ ợt! Tao sẽ lấy của mấy thằng to đùng kia bỏ vào thùng mày, nhóc ạ! Ê! mày mấy tuổi, 10 hả" Vậy là không đáng cháu nội tao, chỉ đáng là chắt nội thôi. Hô! hô! Hô....
Ông cười rung cả tấn mỡ.
Cả tháng nhổ hành, ngày nào cũng nắm củ hành. Mẹ ở Mỹ phone tuần 2 lần hỏi thăm. Tôi kể:
- Mẹ ơi! Bé nằm mơ thấy sờ vú mẹ, mà sao vú mẹ biến thành củ hành.
Mẹ khóc.
Mẹ kể cho Dì Em nghe. Mẹ đi may, kim cắm vào tay. Vì may một kiểu, nên cứ cắm vào một chỗ, chưa lành kim đã cắm vào lần khác. Có khi gãy ghim trong móng tay. Mẹ nói cứ mỗi lần thấy xe cứu hỏa là mẹ nghĩ nhà ngoại cháy và bé “Quỳnh đen” đang chạy ra không được.
Hai năm xa Mẹ, không đi học, sống chui nhủi ở Canada, tôi học được khá nhiều điều. Tôi biết nấu ăn, làm nhiều thứ bánh, biết chút ít may vá. Cái mà tôi cho đã giúp ích được cho tôi sau này là vốn tiếng Việt.
Tôi không nói được tiếng Anh, nên tha hồ tung hoành trong kho vốn tiếng Việt, kho sách mẹ mang đi. Khi rời Việt Nam hành lý của 2 mẹ con toàn là sách. Tôi đọc khá nhiều về văn học, âm nhạc, thi ca, dịch thuật.
Tôi biết khá nhiều về âm nhạc. Tôi biết Vũ Thành An, Từ Công Phụng, Ngô Thụy Miên, tôi biết cả Văn Phụng, Dương Thiệu Tước, Phạm Đình Chương và mê ơi là mê Văn Cao. Tôi biết và thích những tựa sách của nhà văn Mai Thảo. Tôi thích thơ ông. Sau này tôi biết thơ ông chính là ông, đúng là ông. Nghênh ngang, lừng lững...
1995, một lần nữa, mẹ tôi quyết định tha tôi từ Canada qua Mỹ bằng đường di dân lậu qua biên giới.
Kế hoạch được thảo ra rất chu đáo. Đêm bão tuyết tháng 12, như dự trù, chuyến đi trót lọt qua đường tơ kẽ tóc, trước một giây và sau một giây là tôi có thể bị bắt và liên lụy không dưới 5 người nữa. Vậy mà tôi đã thoát ngon ơ, qua biên giới Vencouver và Seattle, rồi một cái vé máy bay đàng hoàng về Orange County được mua bằng 2 thùng rượu 4 chữ của bác Mai Thảo.

- Tao nhịn uống nửa tháng đó con Việt Cộng con. Còn đây, tao chia cho mày 2 cái mền nữa. Có hai vết cháy vì thuốc lá. Nhưng không sao! Vậy là tối nay ông sẽ bị lạnh, nhưng bù lại ông đếch còn lo cho mày nữa.
Ông đâu có biết, tối đó, tối đầu tiên ở O.C., nằm trong garage chỉ với một cái mền của ông, tôi cũng lạnh cóng. Đêm đó, Mẹ đã mang cái heater duy nhất vào phòng tôi. Nhưng nửa đêm tôi bê sang phòng bác mẹ, vì nghĩ bác mẹ lớn tuổi sẽ lạnh hơn tôi.
Chuyện cần thiết nhất là tôi phải đi học. Hai năm rồi, tôi không đến trường lớp. Bác tôi đã gấp rút lo cho tôi vào trường. May quá họ không đòi một giấy tờ gì cả, ngoài giấy chích ngừa!
Một tháng sau, tôi chính thức vào trường. Vào ngay lớp 9, tôi học gấp đôi những đứa bình thường. Học không khổ lắm, cái mà tôi sợ nhất là, mỗi ngày phải chạy hai vòng quanh sân trong giờ thể dục.
Bác Mai Thảo nói với bác tôi.
- Vào trong trường bảo với chúng nó, con tao chỉ bằng cái kẹo, đâu có bơ sữa như chúng mày. Để cho nó chạy nửa vòng thôi.
Bác tôi dạ vâng nhưng lơ đi. Lần sau, tôi không dám than gì nữa. Tôi sợ có ngày, bác Mai Thảo sẽ lừng lững vào trường nói với thầy hiệu trưởng của tôi nói bằng tiếng Việt kiểu Bắc kỳ đàng hoàng: “Này ông để cho tôi dẫn nó đi ăn đã. Nó bé thế, học làm đếch gì cho nhiều.”
Nhờø 2 năm ở Canada đánh vật với sách vở, băng nhạc Việt, tôi nhận ra được rất nhiều giọng ca, nhớ đủ tên các bài ca, nhạc sĩ, ca sĩ. Tôi khen không ai hát bài “Thiên thai” ngọt ngào bằng HT. Bác Mai Thảo nghe khoái lắm! Bác kể bác đã nói thế nào với bác VQN (khi ấy là giám đốc đài phát thanh Huế) để được làm quen với cô HT. Rồi hứng chí, bác kể luôn chuyện bác về Huế, đến nhà gặp bố mẹ của cô HT và nói thế nào để hỏi cô làm vợ. Hai cụ nghe thất kinh luôn. Kết quả là bác đã một mình suốt đời. Tôi biết không dưới một tỷ chuyện về bác Mai Thảo, nghênh ngang, hào sảng và cô đơn.
Từ ngày có tôi, Bác Mẹ đã dời từ 1 garage sang ngôi nhà 2 phòng ngủ, bếp, 1 bathroom 1 patio, garage. Để bớt tiền thuê nhà, bác mẹ cho một gia đình có 2 con nhỏ share... hết cả 2 phòng ngủ bếp và bathroom.
Chúng tôi 3 người còn lại, 1 garage và 1 patio, không có bathroom. Quây patio lại, 2m 4m bác mẹ tôi có một nơi để bác viết lách, mẹ may, tiếp bạn bè và một xó để ngủ. Ở garage, chia làm 3 phần. Góc lớn nhất quây lại là phòng ngủ của tôi, góc trái, ở trên để song, bát, dĩa và 1 cái lò điện nhỏ. Đó là “kitchen”. Góc khuất là “bathroom” theo sáng kiến của mẹ. Mẹ lấy bao nylon đựng hàng may quây lại. Dưới sân, mẹ lấp ciment đắp 1 con lươn để khi tắm, nước không chạy tràn khắp nơi. Ai tắm phải lấy chổi quét nước ra ngoài. Nước tắm thì phải lấy xô xách và lấy lon làm gáo, như ở miền quê Việt Nam.
Mỗi lần đi restroom phải lên xin nhờ nhà trên. Bác thì không sao, vì bác là... chủ nhà. Còn tôi thì khác. Cứ mỗi lần đi nhờ restroom, con bé nhà trên lại đập cửa khóc thét lên. Lần nào cũng vậy, hễ thấy tôi lên xin nhờ restrrom, là nó hét lên, đập cửa đùng đùng, nó bảo nó cũng cần. Hoặc nếu nó vào trước, mà biết tôi cần, thì nó ngồi hoài. Tôi tủi thân nói với mẹ. Về sao, tôi cũng bắt chước mẹ, xài giấy và bao nylon ngay trong...”bathroom” của mình. Xong, bỏ thùng...rác!
Tôi đã thấy cuộc sống thoải mái hơn nhiều. Mặc dù, phải 2 năm sau, bác mẹ tôi mới có đủ tiền làm thêm 1 restroom riêng cho nhà. Ngày đầu tiên được xài một “restroom” thật. Chao ơi! đã kể gì!

Bây giờ, 6 năm qua. Con bé nhà trên vẫn còn ở với chúng tôi. Nhưng giờ đây, nó và cả nhà nó đã coi tôi như thần! Không có tôi thì ai dịch thư từ, ai đi họp phụ huynh, ai nói chuyện với cô giáo dùm ba mẹ nó, ai đi nhà băng, ai dắt chúng đi bệnh viện... Giờ đây nó gọi tôi là “Cô Bé” xưng “Con”. Mỗi khi tôi than “Cô Bé mệt quá” là cả hai chị em nó giành nhau đấm lưng, lấy nước và quạt cho tôi. Sáu năm sau, tôi thấy mình là vua của nó. Bây giờ, nó đã 10 tuổi và tôi 18. Tôi có thể xài restroom của nó hàng chục giờ để cho nó đứng ngoài khóc chơi. Mà thôi! Giờ đây tôi và mẹ không cần save giấy và bao nylon nữa. Vậy là vui lắm rồi!
*
Cô Luật Sư Phạm Đào Bạch Tuyết và ông Luật Sư Robert Mullin đã giúp bác mẹ tôi hoàn tất giấy tờ. Anh Tưởng bảo trợ tài chánh. Vậy là tôi ngon ơ! Lấy một cái tên Mỹ cho bõ những ngày cơ cực.
Orchid- sang trọng, đài các và.... quí tộc! Bây giờ, tôi sống vui, tự tin và yêu đời. Tôi không đi hái dâu nhổ hành nữa. Tôi đã là cô giáo của Trung Tâm Việt Ngữ Văn Lang. Tôi không trốn trong tủ nữa. Tôi đã bước lên sân khấu và tôi có những tiếng la ó cổ võ như thuở teen của các bác Chu Văn An. Tôi không sợ INS nữa. Tôi đã có cô Phạm Đào Bạch Tuyết, tôi đã có đã có quá nhiều tình thương của các bác, bạn bác mẹ tôi.
Tôi như đứa con út của họ, lạc loài, thất lỡ, nay mới tìm được nhà để về!

Orchid Nguyễn

Ý kiến bạn đọc
12/10/201713:18:49
Khách
Cam on Orchid Nguyen. Ban viet van hay nhu khi lam MC.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,003,167
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.
Nhạc sĩ Cung Tiến