Hôm nay,  

Nghề Tay Trái: Mua Nhà Cho Mướn

02/04/200100:00:00(Xem: 242947)
Bài tham dự số: 02-205-vb0402

Lê Hiền đến Mỹ năm 1981, sinh năm 1951, cư trú tại Garden Grove. Nghề nghiệp: Kỹ sư điện tại hãng ở Irvine. Ông đã góp cho giải thưởng Việt Báo bài dự thi thứ nhất mang tên “20 NĂM Ở MỸ VÀ CON MA SA THẢI.” Sau đây là bài viết thứ hai của ông, đầy những chi tiết sống động về nghề làm landlord cho Mễ mướn nhà.

*
Bùng binh nho nhỏ tròn trịa xinh xắn tọa lạc trong một khu phố cổ nhất vùng quận cam thị xã Orange. Old Town Orange là một khu phố cổ đã trên trăm năm, với một trường đại học kinh tế Chapman nổi tiếng. Bùng binh không rộng lắm chiếm một diện tích rất khiêm nhường vừa đủ để có vài bông sen phun nước trắng bạc pha lẫn với màu xanh đỏ của vài giống hoa. Cảnh trí gợi hình làm hắn liên tưởng đến những bùng binh Nguyễn Huệ, Ngã Sáu, Con Rùa. Con đường và trường đại học Chapman này làm hắn nhớ đến con đường Duy Tân và trường đại học luật khoa vào thời 1970 hắn đã có dịp ghi danh vào phân khoa này nhưng không có cái duyên để học.

Những khung cảnh gợi nhớ thuở học trò đã là một yếu tố khiến hắn quyết định mua căn Fourplex nằm gần trên con lộ chính Chapman giữa khu phố cổ và mới, khu phố mới nằm về phía bên kia freeway 55 về hướng đông. Căn hắn mua là một trong những hộ nằm trong một khu Apartment rộng lớn đa số là những dân cư người Mễ, có thể nói đó là xóm lao động nghèo biểu tượng cho lớp người thuộc tầng lớp poverty của 10% dân số nước Mỹ, tức là vào khoảng 30 triệu người. Bởi vậy mới có cớ cho nhà độc tài Sadam Hussein lên tiếng đòi tặng cho mỗi người nghèo ở Mỹ 3 đồng tổng cộng là 100 triệu, xin ông cho một chút người nghèo ở Mỹ cũng còn hơn giới trung lưu ở xứ ông và nhiều xứ khác.

Xe cộ đậu đầy đường và leo lên cả vườn cỏ, tiếng nhạc Rumba flamenco với kèn trumpet chói tai vang lên dội từ nhà này dội sang nhà khác một cách vô trật tự, nghe giống như một dàn giao hưởng không có người chỉ huy. Đặt chân đến khu cư trú này du khách có cảm tưởng là đang ở Tijuana với những tiếng nói mang âm thanh Tây Ban Nha. Thỉnh thoảng lại thấy những chữ viết được sơn nguệch ngoạc lên tường của những cậu bé tinh nghịch nào đó. Nhưng được cái khu này còn đở hơn khu gia cư ở Santa Ana, không có trộm cắp và bắn nhau.

Người dân Mễ sống an phận và nhẫn nhục, thường nghề nghiệp của họ là thợ phụ sơn nhà, thợ phụ cắt cỏ, thợ khuân vác trong các nhà kho, thợ hái dâu, thợ rửa chén trong các nhà hàng, nhưng nói chung đó là điều những nghề lương thiện không phải xử dụng đến tiếng Mỹ nhiều. Nước Mỹ phải cám ơn họ những lực lượng nhân công rẻ đã giúp cho nền kinh tế không ít. Đất Cali này xưa kia là của họ những người di dân Tây Ban Nha đầu tiên đi tiên phong khai phá miền đất trù phú này.

Lần đầu tiên được làm Landlord, ban đầu kể cũng hơi vui vẻ một chút. Cái vui không được bao lâu thì cái ngày thu tiền lần đầu tiên đến. Hắn háo hức gõ cửa, một người đàn bà Mễ trung niên hơi lùn và thấp béo nhoài cổ ra ngoài. Người đàn bà ngó hắn hơi ngỡ ngàng không hiểu hắn là ai. Hắn nói hắn là người chủ mới muốn thu tiền nhà. Bà ta chạy vụt vào nhà một lúc sau đi ra với một cô con gái nhỏ nhắn xinh xinh dong dỏng cao, hai thái cực tương phản.

- Ningono, no moneda, la semans proxima, si. Marido no casa. Bà ta sổ một tràng tiếng Tây Ban Nha làm hắn cứ đực cả người ra. Nghe cứ như niệm thần chú.

Lại một màn thông dịch tùm lum, tay chân táy máy như bị phong giựt. Hắn mới hiểu rằng “tiền bạc không có, cho nợ đến tuần sau bà sẽ trả, ông chồng mới bỏ bà đi”. Thông cảm cảnh mẹ góa con côi nhất là vừa bị chồng bỏ, hắn cho khất đến lần thứ ba thì người đàn bà này tự động bỏ đi, đó cũng là cái may cho hắn. Bởi vì hắn không muốn làm cái công việc mà hắn thấy hơi nhẫn tâm là “evic”. Evic có nghĩa là phải làm cái công việc lẩm cẩm, gởi thư, mướn luật sư ra tòa. Xã hội tư bản nó có những cái tàn nhẫn của nó, hắn sống trong một môi trường như vậy để sống còn hắn phải lao vào cái vết xe này, hắn làm gì được hơn, nếu không thì hắn cũng sẽ bị ngân hàng xiết cổ.

Hắn biết được có một người bạn mắc cái bệnh “đuổi nhà” tháng nào anh bạn không đuổi được người mướn nhà nào thì ăn không no ngủ không yên, người bần thần như kẻ bị nghiện rượu. Có lẽ anh bạn là một trong những người thành công trong lãnh vực nhà cửa, thử hỏi một tháng đuổi một người thì số đơn vị cho mướn phải là gấp mười lần như thế. Mỗi đơn vị có thể là một phòng cho đến ba phòng ngủ. Mượn đầu heo nấu cháo, chịu cực khổ và bền bỉ, thái độ cứng rắn, đó là ba nguyên tắc căn bản khiến anh bạn thành công. Nói thì dễ, hắn đâu có cái gan lấy hết tiền equity từ trong nhà để đầu tư, cũng thấy mệt mỏi khi đi sửa chữa nhà cửa, cảm thấy mủi lòng và dễ dải trong việc thâu tiền nhà. Cái may là người đàn bà này cũng tử tế không như căn hộ bên cạnh của một người chủ khác. Không những nhóm người mướn nhà quịt tiền nhà 3 tháng mà còn đập phá cửa kính, cho đất cát vào ống cống, cạo vôi trần nhà rớt xuống làm hư hết cả thảm mới. Người chủ nhà láng giềng gặp hắn than thở quá trời, hư hại về vật chất trên 3 ngàn đồng. Đó cũng là cái không may chung cho tất cả những người có nhà cho mướn.

Sống trong chăn mới biết chăn có rận, ở ngoài nhìn vào như thời hắn đi mướn nhà sao thấy người chủ trông le lói, cứ hàng tháng đi lượm tiền từng căn làm giàu. Mucho moneda, người chồng già hay nói với hắn vậy, hắn đã phải giải thích với ông ta rằng tiền này phải trả cho nhà băng tất cả. Nhà băng giống như một Bố Già, hắn là thành viên của một băng đảng tài chính, hằng tháng đi lãnh sâu một cách hợp pháp đem tiền về dâng cho Bố Già, nếu không thì hai tháng sau sẽ bị thanh toán không thương tiếc, nhà bị đem đấu giá. Bây giờ hắn muốn rời khỏi băng dảng tài chính này mà chưa có dịp.

Một lần hắn cho cặp vợ chồng trẻ Mễ mướn phòng. Họ trả tiền rất sòng phẳng, nhưng đã ba tháng rồi không thấy họ dọn bàn ghế hay giường tủ gì vào hết, chỉ thấy một cái nệm và chăn gối mà thôi, cũng không thấy nấu ăn và vết tích của bát chén nồi niêu, soong chảo, họ thường mua food to go về dùng. Mấy người tenant bên cạnh mách rằng cặp vợ chồng buôn bán drug xe cộ vô nườm nượp, hắn hết hồn không biết phải xử trí ra sao. Tăng giá tiền không phải là biện pháp tốt vì họ có dư tiền để trả, báo cáo cảnh sát thì sợ bị trả thù. Chắc bị bại lộ sao đó, vì thấy xe cảnh sát để ý nên họ bèn đi nơi khác làm ăn. Sau khi họ dọn đi, hắn thấy căn phòng đầy lỗ hổng lớn có lẽ để dấu thuốc.

Đó là còn đỡ khổ, nếu sui sẻo mà người mướn dùng chỗ cư trú như một xóm chị em ta, thì chỉ có nước là đi bán muối. Có một cặp gọi lại chỉ muốn mướn có 3 tháng họ sẽ trả tiền mướn rất cao, nghe đến điều này hắn liên tưởng đến những nhóm mãi dâm di chuyển từ nơi này qua nơi khác, hắn vội vàng từ chối liền. Cái thời hắn đi mướn nhà trong một dãy 10 đơn vị, hắn thấy một cặp thiếu nữ trẻ gốc Tàu, cửa sổ lúc nào cũng đóng màn kín mít, thỉnh thoảng lại thấy vài người đàn ông đến thăm mỗi lần không đầy một tiếng. Hắn đã phải dọn đi ngay lập tức vì sợ ảnh hưởng đến trẻ nhỏ.

Không bao lâu sao đó, có căn gọi hắn lên để sửa vòi rửa mặt. Thế là có cơ hội để trở thành thợ sửa ống nước, hắn hí hửng đi mua một lô sách vở “How to repair Plumbing” và một số dụng cụ mất toi nó vài trăm bạc tiền tươi, lý thuyết thì dễ ợt hà, chọn đúng tool rồi vặn ra thay vào không đầy 30 phút, sách vở nói thế. Lên tới đó hắn hỏi người mướn nhà chỗ hư và bắt đầu ra tay, qua 30 phút rồi vẫn chưa nhúc nhích, coi lại cái vòi thì nó đã bị rỉ sét, lại phải mở sách ra coi, à phải có W40 để làm mềm chổ rỉ sét, không sao đến Home depot là có liền. Cho W40 vào vẫn không trơn trui gì hết ráo, lại sách vở nói nếu không được thì cưa ống nước, hì hà hì hục vặn ra rồi thay vào hết cả hơn 4 tiếng đồng hồ. Về nhà hôm đó bắt vợ thoa dầu và mấy đứa con đấm bóp mệt nghỉ.

Có bữa hắn làm tài khôn lên sửa mái nhà bị dột. Trước khi đi cũng phải mở sách học một mớ lý thuyết, và mua sắm vật liệu cần thiết, nào là nhựa đường loại xài ngay trong lúc ướt, rồi đến miếng lưới. Mặc áo mưa vào leo lên mái nhà, trời vào mưa cuối tháng Giêng nên cũng lạnh rét run, cộng thêm gió thổi thật mạnh khiến thân mình mảnh khảnh như muốn tung bay lên. Không thấy gì trên mặt mái hết hắn chui vào gầm mái nhà rọi đèn pin nhìn thấy chỗ nước chảy thành vệt nhỏ dài ngoằn, hắn trở lên mái không thấy gì lạ hết, quái đản nó bị dột chỗ này mà. Rút cục mái nhà không sửa được hắn còn lại bị lên cơn sốt hết vài bữa. Tuần sau, khỏi bệnh hắn leo lên mái nhà trở lại, gặp chỗ nào nghi bị dột nước là hắn chét túi bụi nhựa đường vào, làm cho cái mái nhà nghẹt thở luôn.

Hắn đã tự học được cả nghề thợ mộc, thay cánh cửa rất nhanh chóng không dưới 4 tiếng đồng hồ. Ghé Home depot mua cánh cửa Standard làm sẳn, tháo cửa củ ra gắn mới vô dễ ợt mà, nhưng mà không phải vậy, loại cánh mới hơi dư một chút, thôi thì ra home deopt mua cái bào gỗ bằng máy, lần đầu sử dụng cái bào máy chạy ngọt sớt đi một cái ào, tiện tay hắn cứ bào đi bào lại thực tập luôn, dễ ăn quá sá mà, ngó đi ngó lại cái khung gỗ chính hao hơn nữa, nó không đủ sức giữ nên rớt cái bạch. Thế là hắn tất bật chạy ra mua cái mới, lần này thì cẩn thận hơn, nhưng được hơn một tháng số phận của nó cũng không hơn kém gì cánh cửa ban đầu.

Thụt cầu tiêu bị nghẹt cũng nhanh vô cùng vỏn vẹn có khoảng hơn 3 tiếng. Lại còn hơi dại sửa luôn cánh cửa garage bằng gỗ, chút nữa thì bị đè gãy chân, hết hồn hết vía, sau đó là cạch không dám rớ mó đến nó nữa. Cái mà hắn tưởng sữa chữa khó nhất thì lại không phải vậy. Cái bồn cầu tiêu bị nứt, hắn phải thay cái mới, sau khi vặn hai con ốc hắn nín thở vì sợ bị ngửi cái mùi thơm burrito và nhắm mắt vì sợ bị nhìn thấy cái nợ đời, nhưng sau khi bồn được lấy ra có gì đâu chỉ là một lỗ tròn đã bịt đầy nước để cản mùi thơm. Bố khỉ bồn cầu tiêu ở Mỹ cũng là tân tiến và dễ thay. Ngoài ra hắn còn kiêm luôn cả thợ màn cửa, thợ điện, v v....

Nói đến hệ thống phun nước để tưới vườn cỏ, hắn cũng bị vật đến ngất ngư. Đối với người thợ chuyên môn thì không có gì đáng nói, nhưng với một tay sửa Plumbing tài tử mới tập sửa lần đầu thì khỏi nói. Do dẫm chỗ rỉ cũng mất toi nó cả tiếng đồng hồ, rồi đục rồi cưa, đợi cho ráo nước từ trong ống nhựa sau đó cho chất keo xong gắn cho thật nhanh. Xong rồi hắn hoan hỉ nhìn thành quả và vội mở vòi phun nước, nụ cười vừa chóm nở chợt tắt phụt như ngọn đèn hết dầu làm hắn méo cả miệng. Một chổ nứt mới được phát hiện do hậu quả ống nhựa bị kéo quá mạnh. Lại hì hục, đào đất cắt đẽo đục. Xong cái nợ, hắn đứng lên nhắm mắt lại mở vòi nước. Oh mem, thêm một chỗ rỉ nữa" Vừa sửa chữa xong là đúng hơn 5 tiếng hắn nằm vật xuống bãi cỏ ướt sủng nước thở dốc từng hồi.

Còn nói đến cái vụ phun trần nhà thì cũng không kém gian nan. Số là sau một vài trận mưa lớn trần nhà bị dột lâu ngày lớp vôi bột bị bung ra. Thế là hắn ra tay cạo lớp vôi bột, sau đó trét vôi bột vào, nhưng hắn dùng loại súng phun đến đâu thì vôi bột không có keo rơi lõm bõm xuống dưới thảm đến đó. làm được đầu này thì đầu kia bị lở, ông Mễ mướn nhà cười thoải mái, hì hà hì hục cả nữa buổi mà cũng chưa xong, cực chẳng đã hắn trét bằng tay. Coi lại tác phẩm thì thấy nó hơi giống bức tranh lập thể của Picasso. Hiện tại bây giờ tác phẩm để đời vẫn còn đó sau mấy năm trôi qua, người mướn nhà nào vô coi cũng khen là bức tranh trên trần thật là một tác phẩm nghệ thuật.

Một bửa chiều mưa lâm râm, một người đàn bà trung niên Mễ đến gặp hắn chỉ vào cái lỗ giữa sân rồi chỉ vào cái chân, nói:
- Accident, quebrado

Hắn không để ý, vài tháng sau hắn nhận được lá thư của tòa án bắt điền lai lịch vào tờ đơn bị một người té ngay trước đường đi đòi bồi thường. Nghe đến thưa kiện là hắn mất hồn vía, gọi lên bảo hiểm báo cáo, thủ tục kiện cáo cũng mất hơn 6 tháng trời. Luật sư phía bên kiện đến chụp hình, rồi phía bên bảo hiểm cũng vậy. Bên bảo hiểm điều đình sao đó thay vì ra tòa, chính ông tòa cho hai bên luật sư nguyên bị cáo đến phòng họp nhỏ điều đình, để nếu hai bên có thỏa thuận ngầm trước khi kiện tụng trước bồi thẩm đoàn. Rốt cuộc, bảo hiểm chịu đền thiệt hại trước khi nội vụ được mang ra tòa, hắn cũng bị một phen lên ruột.

Nào có yên được bao lâu. Một tờ biên bản từ thành phố Orange gởi về ghi một dãy hằng trăm điều phải sửa chửa trong căn fourplex. Nào là thảm bị rách, tường vôi đã hơi dơ, có nhiều gián con chạy lung tung, gỗ lan can bị tróc ảnh hưởng đến sức khỏe tenant, trần bị dột nước mưa vàng úa, cái vòi nước hơi bị chảy nước, tường ngoài garage bị lủng nhiều lỗ, nhiều rác rưởi chung quanh khu nhà, máy sưởi không đủ ấm, phải gắn smoke alarm cho mỗi phòng, bình chữa lửa phải đổ đầy gaz, vv... Đọc đến nhức đầu hắn bắt đầu thấy nản chí, làm lanlord có sướng gì đâu.

Suốt hai tháng ròng sau khi từ sở về nhà hắn ghé qua căn chung cư sửa chữa đến khuya. Không xong kịp thời hạn, hắn gọi lên nhân viên thanh tra thành phố xin gia hạn thêm vài tuần để sửa chữa, một màn năn nỉ ỉ ôi sùi nước bọt, người nhân viên thấy cũng thương tình.

Hình như cứ mỗi lần đổi nhân viên thanh tra thành phố mới là y như hắn bị tống cho một số list mới để sửa chữa. Đã 3 lần bị nhân viên thành phố hỏi thăm. Hắn thấm mệt. Tại Mỹ luật thành phố bảo vệ rất kỹ người đi mướn nhà với đầy đủ quyền lợi được hưởng những tiện nghi căn bản nhất về nhà cửa. Chủ nhà đừng có mà giỡn mặt với nhân viên thanh tra. Ba lần không đúng như điều họ đòi hỏi sẽ bị đưa ra tòa.

Một ông chủ của một căn Apartment trên trăm đơn vị, đã bị thành phố kiện, và trát tòa bắt ông vào sống trong căn Apartment để hướng cái thú gián và chuột chạy tùm lum trên trần nhà và nhà bếp, tường ẩm mốc hôi hám và nước dột trên trần nhà mỗi khi trời mưa, nước tắm thì không đủ ấm vào mùa đông. Ông này chịu không thấu sau một tháng bèn xin tòa sửa chữa ngay. Bởi vậy người đi mướn nhà ở xứ này thật là sướng, luật lệ bảo vệ người mướn rất chặt chẽ, không phải anh chủ muốn làm gì thì làm. Đã có luật thành phố kềm chế anh. Kiếm được người mướn nhà tử tế ăn ở sạch sẽ thì phải o bế cho kỹ để họ còn chịu mướn dài lâu. Đôi khi cũng phải du di, nhà ở đông người chuyện nhỏ, trả trể tiền nhà “moneda tardio no problema.”

Còn đến vụ tiền nhà, thì lúc nào người mướn cũng xin trả trễ, có khi khất đến tháng sau. Hắn làm ngơ tất cả, và tương đối dễ dãi. Lúc tháng này căn này thiếu $300 để tuần sau trả, căn kia thiếu tiền nhà đến cuối tháng vì hãng chưa trả lương. Có rất nhiều lý do để hoản trả tiền nhà, hắn thì lúc nào xuề xòa sao cũng được. Thu nhập của họ rất là khiêm nhường, có thể nói dưới mức nghèo khổ. Cặp vợ chồng ở Mỹ có hai con thu nhập dưới 15 ngàn đồng một năm là coi như thuộc thành phần nghèo. Cả bốn căn mướn tất cả họ đều có thu nhập thấp như thế. Bảo sao hắn không thông cảm cho được. Cái khó bó cái khôn, họ còn đăng bảng cho share phòng để chia bớt tiền nhà, hắn biết nhưng cũng lờ đi vì thấy họ đáng thương. Chính vì chuyện này mà hắn bị rắt rối. Không biết có kẻ nào không ưa căn hộ của hai ông bà già báo cáo lên thành phố là gia đình họ ở đến 8 người. Người thanh tra xuống kiểm soát và gởi giấy về cho hắn bắt bảo đảm chỉ có 4 người mà thôi.

Chính vì sự dể dãi này mà những người Mễ mướn nhà rất có cảm tình với hắn. Khi nào đến đúng lúc bữa tiệc của họ thế nào hắn cũng được mời ăn Burrito, fajitas, hoặc taco với chai beer corona toát lạnh thêm một vắt chanh. Đang mệt mà húp được một ngụm Corona thì tuyệt. Đưa cay bằng một miếng thịt bò mềm với ớt chỉ thiên cay xé óc, những miếng bánh tráng khô nhỏ Tortilla với nước chấm cay cay Chili Salsa thì cũng vui cái miệng. Hắn cũng đã thử rượu Tequila, mới một ngụm mà hắn đã thấy ông bà, đầu óc ngất ngư. Ăn burrito cũng phải đúng cách thì mới ngon. Hơ miếng bánh mì tròn dẹp trên lò than hoặc hâm trong nồi nước bốc hơi rồi bỏ vào đó miếng thịt bò phải thật mềm được nấu nhừ qua nhiều tiếng đồng hồ, dai là không ngon rồi. Thêm một thìa bean, và đổ một chút nước chấm Chili Salsa càng cay càng ngon. Hình như họ lúc nào cũng có dịp lễ để ăn uống và vui chơi. Hắn cũng làm quen dần những phong tục và cách ăn uống của họ.

Hắn học được vài câu tiếng Tây Ban Nha gặp người Mễ nào hắn cũng nói loạn sạ. Làm sao có âm ngữ “o, co, to, ra, da” là được rồi. Họ rất là thích thú nghe hắn nói tiếng Mễ vì nó ngồ ngộ làm sao đó, “sound funny.”

- Gặp ông thì “amar amigra” gặp cô, bà thì ” amar amigo”

Cái cô Mễ kia được hắn kêu amar amigo thì cười khúc khích, hắn cũng chả hiểu tại sao. Sau này hắn mới hiểu ra amigo là bạn phái nam. Hắn chỉ biết đếm được từ 1 đến 7 “uno, dos, cuatro, cinco, seis, siete” Bởi vì tiền nhà hắn thâu chỉ tới 700 đồng nên hắn chỉ học được đến số “bảy” mà thôi. Tiếng Mễ cũng lôi thôi lỉnh kĩnh quá trời, chia động từ theo phái tính hơi kỹ. Hắn xin kể lễ một chút.

Thời buổi này nhiều chủ nhà thừa nước đục thả câu tăng tiền mướn nhà lên vùn vụt, ấy vậy mà hắn rất lười biếng không muốn tăng lên chút nào, nhà hai phòng bây giờ rẻ cũng phải hơn 800 đồng, nhưng hắn vẫn giữ cái giá cố định. Thử hỏi nếu tăng lên hơn 100 đồng những người Mễ này làm sao chịu cho thấu, có lẽ hắn hơi có tính thương người và cũng không muốn để người tenant tử tế dọn đi chỗ khác.

Có cặp vợ chồng già đã ở mười năm trời mà vẫn bám trụ, con cái lớn lần lượt đi lấy chồng lấy vợ rồi ra ở riêng, có lần xin bớt tiền nhà, vậy mà hắn cũng ừ chịu bớt thay vì tăng lên. Có cặp vợ chồng trẻ kia nhà đông con cũng rất tội nghiệp, tiền lương ba cọc, ba đồng mà vẫn phải gởi tiền về xứ để giúp đỡ mẹ già, cha của ông ta đã chết hồi ông ta còn nhỏ. Ông ta tâm sự hơn chục năm nữa khi chờ cho bầy trẻ lớn khôn vợ chồng ông về xứ Mễ sinh sống, chỉ cần một số vốn 20 ngàn đồng là ông có thể làm chủ một siêu thị khang trang, ông ta có đưa cho hắn coi căn nhà thừa tự của dòng họ, trông xinh xắn trong một khu đất rộng lớn.

Người mướn căn nằm trong góc thì hay về khu East L.A. để thăm Mẹ bị bệnh, lâu lâu xin trả tiền nhà đến cuối tháng vì phải có tiền thuốc thang cho mẹ. Hắn cũng sốt sắng OK ngay. Căn đầu tiên gần đường lộ, thôi thì khỏi nói, người ra vào tấp nập, không biết có bao nhiêu người nhưng phải đợi phiên để đi cầu vào mỗi buổi sáng. Tiền nhà thì cho nợ đến 200 đồng đến tuần sau hoặc hai tuần vì người share phòng chưa có tiền. Mắc mớ gì đến hắn nhỉ" Nghĩ vậy nhưng nhìn đến khuôn mặt thành khẩn của họ hắn gật đầu lúc nào không biết.

Cái nghề tay trái này không hợp với con người của hắn, thật ra vào nghề này cũng phải hơi có một chút cứng rắn thì mới thành công. Cũng vì vậy một số người chủ cũ của những căn chung cư nhỏ sau vài năm thử sức đã bỏ của chạy lấy người. Hắn vẫn phải trường kỳ kháng chiến chịu đựng đến cùng vì chỉ một lý do đơn giản rất thực tế chứ phải giỏi dang gì, bán đi thì lỗ chổng cờ.

Đôi khi hắn cũng có rắc rối với bảo hiểm nhà. Gọi bảo hiểm đến nhà để coi trần bị dột nước mưa, và để ước lượng giá sửa chữa về thiệt hại. Thay vì đến ngay, bảo hiểm hoạnh họe đủ thứ, nào là cây cao quá trần nhà 6m phải cắt thấp đi, phải trải nhựa đường mới không được ghồ ghề, đồ đạc vất tùm lum trong garage. Sau vụ kiện lần vừa rồi lại còn hù dọa cắt bảo hiểm. Cuối năm đó bảo hiểm tăng vọt nhưng hắn đành ngậm bồ hòn. Không có bảo hiểm có nghĩa nhà băng cũng phải tịch thu nhà, vì họ không muốn có những rủi ro về nhà cửa.

Làm chủ nhà tức là hắn phải bị tenant gọi bất cứ lúc nào nếu có chuyện. Sáng, trưa, chiều, tối và đêm khuya, hắn phải túc trực 24 trên 24 giờ đồng hồ. 3 giờ sáng chuông điện thoại reo. Đầu dây bên kia một người nói tiếng Anh giọng Mễ nói rằng có cháy nhà, hắn hoảng quá vội lái xe chạy gấp lên. Từ xa hắn nhìn thấy ngọn lửa bốc cao tỏa sáng hừng hực trong đêm tối, tưởng chừng như căn chung cư đang bị cháy. Gần đến nơi thì thấy tenant đang đứng bên này đường ngó qua bên Shopping center, gió mạnh có thể thổi tàn lửa sang bên này, hắn lo lắng. Đội cứu hỏa làm việc mau chóng trong vòng 2 tiếng đồng hồ ngọn lửa mới được dập tắt, về đến nhà thì đã gần 6 giờ sáng. Vào sở làm mà con mắt còn ngái ngủ.

Hệ thống phòng hỏa ở Mỹ rất là hữu hiệu, cứ một thành phố lại có một hay nhiều đội cứu hỏa tùy theo mật độ dân cư, còn ngoài đường hai bên vệ đường hình như cách một cây số lại có một khoan vòi lấy nước màu vàng cao khoảng nửa thước. Chỗ này xe hơi bị cấm đậu bất cứ giờ nào. Đội cứu hỏa túc trực 24 giờ đồng hồ với 2 phiên thay đổi, người lính cứu hỏa cứ làm 15 ngày và dưỡng sức 15 ngày, nữa tháng nghĩ còn lại mặc sức đi làm thêm công việc khác, lương căn bản của người lính cứu hỏa hơn 30 ngàn đồng một năm, nhưng phải qua kỳ sát hạch vềø văn hóa và sức khỏe, ốm tong như hắn là đi đứt, nhiều người tốt nghiệp đại học nhưng lại đầu quân vào lính cứu hỏa vì họ yêu thích nghề.

Thỉnh thoảng hắn cũng là người cố vấn tâm lý để người mướn nhà trút bầu tâm sự. Một ông than thở có đứa con trai 16 tuổi không muốn học nữa, chỉ muốn đi làm, ông phải xin cho nó vào làm chân phụ rửa chén với ông để cho nó không có thì giờ nhàn rỗi gia nhập băng đảng. Hắn nói với ông để cho cháu nó đi làm một thời gian cho biết mùi khổ của công việc tay chân, rồi cháu sẽ trở lại trường. Tuần trước trong lúc làm việc ông ta cảm thấy một bên đầu nhói đau như kiến cắn, ông té quị xuống sàn nhà. Chở đến bệnh viện cấp cứu, bác sĩ nói bị bệnh cao máu vào khoảng 200/140, đồng thời cũng bị cao mỡ. Đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu, trúng nghề của hắn, hắn khuyên ông ta cũng như lời bác sĩ căn dặn trước đó, đừng ăn thịt bò nhiều, đừng ăn mặn và giảm bớt uống rượu, thể thao cho nhiều, tốt nhất là giữ khoảng 120/85. Ông ta ra vẻ gật gù thán phục hắn biết nhiều. Bởi vì hắn cũng bị cao máu và cao mỡ, có một thời gian một tháng mắt hắn tự nhiên bị mờ đi cũng vì những chứng bệnh này.
Đã mười năm rồi, con đường Chapman quá quen thuộc hắn đã chạy mòn cả bánh xe qua khúc quanh này. Cũng vẫn cái bùng binh đó, giờ mỗi lần chạy xe ngang qua đây là cả một miễn cưỡng, hắn thấy cái bùng binh vô duyên chi lạ. “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ,” xin mượn câu thơ này để kết thúc bài viết của một người cảm thấy được làm chủ nhà cũng chẳng lấy gì làm sung sướng mà phiền não thì nhiều.

Lê Hiền
Mưa Cali tháng 2/01

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 843,996,168
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.
Nhạc sĩ Cung Tiến