Hôm nay,  

Chết Đi Sống Lại

07/10/201200:00:00(Xem: 232639)
viet-ve-nuoc-my_190x135Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012,với nhiều bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ, trong số này có các bài "Coi Dọn Dẹp Xưởng Chế Tạo Hỏa Tiễn," và bàu "Nằm Trong Hộp Gỗ, Trông Lên." Tác giả hiện là cư dân SimiValley, Nam California, từng có nhiều bài viết và hình ảnh được phổ biến trên mạng internet, một số vừa thành sách “Xin Em Tấm Hình.” Đề tài bài viết mới nhất của ông là một tự sự vui: Thời bà con trong nước choá mắt vì Việt kiều giầu có xưa rồi. Nay là cảnh dân Việt tại Mỹ bất ngờ khi đón người từ trong nước du lịch Mỹ.

“Anh Ngọc, Thứ Bẩy tới vợ chồng Phương Dung đến Los Angeles. Tất cả nhóm bạn ở Nam California sẽ đi gặp Phương Dung nhưng còn đang bàn tính là không biết nên dẫn vợ chồng Phương Dung đi ăn ở nhà hàng nào”.

Vợ tôi gọi điện thoại nói chuyện với tôi trong sở. Phương Dung là bạn học chung Đại học Văn Khoa với vợ tôi sau 1975, vẫn còn ở SàiGòn. Vì thời cuộc, nhóm bạn Đại học ấy một số di cư ra hải ngọai, một số sinh sống ở Việt Nam. Trong tất cả mấy cô học chung Đại Học Tổng Hợp năm 1978 đó, không một ai nổi tiếng và sung túc như Phương Dung bây giờ.

Tôi gặp vợ chồng Phương Dung lần đầu tiên năm 2000 khi chúng tôi dẫn cả bốn đứa con về Việt Nam để chúng nó mục kích tận mắt quê hương nguyên thủy của bố mẹ. Mặc dù Tổng Thống Clinton vào tháng 2 năm 1994 đã ký sắc lệnh bãi bỏ cấm vận với Việt Nam, mãi đến tháng 3 năm 1998 các công ty Mỹ mới được phép đầu tư, và đến tháng 7 năm 2000 thì chính phủ Mỹ mới cho phép Việt Nam tự do buôn bán ở thị trường Hoa Kỳ. Vì thế, năm 2000 Việt Nam vẫn còn là một quốc gia nghèo. Số người giầu có và số lượng xe hơi không tăng lên gấp mấy mươi lần như tôi nhận thấy vào tháng 2 năm 2008 ở SàiGòn (Số lượng hàng hoá xuất cảng từ Việt Nam sang Mỹ nhẩy vọt 900% từ 2001 so với năm 2009).

Tôi không biết gì về Phương Dung lúc bấy giờ, chỉ nghe vợ tôi nói có vợ chồng một cô bạn tên Phương Dung rủ đi ăn cơm tối. Vì gia đình tôi sáu người khá đông, và vì chúng tôi không biết nhà ở đâu, Phương Dung cho một chiếc xe van đến đón chúng tôi ở khách sạn. Chiếc xe khá to, có bốn băng ghế, anh tài xế chở chúng tôi đến một vi-la sát ngay ranh giới SàiGòn gần cầu xa lộ. Bên ngoài cổng gắn hệ thống camera kiểm soát, mở cổng ra khách thấy ngay một vườn hoa kiểng bên trái. Vợ chồng tôi đã dẫn con chúng tôi đi thăm vài gia đình ở SàiGòn nên chúng nó đã thấy đời sống dân tình như thế nào, nhưng đến nhà Phương Dung thì khác biệt. Bước chân vào nhà Phương Dung, cô con gái út nói với tôi: “Bố ơi, nhà này không khác gì nhà bên Mỹ.”. Cô con gái tôi nói đúng. Ngoại trừ một điểm là không có thảm, nhà Phương Dung thiết kế và trang hoàng như bên Mỹ với bàn ghế và đồ trang trí đắt tiền.

Mình thường nói được cái này, mất cái khác. Phương Dung là trường hợp ngoại lệ: vừa giầu mà lại vừa xinh đẹp, dáng người thon, da trắng, mặt có nét người Âu Mỹ, thoáng nhìn sẽ không nghĩ cô ta sinh sống ở Việt Nam. Trong một buổi đi ăn tối khác bạn bè cũ gặp nhau, có một anh ở SàiGòn ngày xưa cũng học chung lớp nhưng chưa bao giờ gặp Phương Dung cho đến khi chúng tôi về SàiGòn, khi gặp nhau anh ấy ngỡ rằng Phương Dung đang sống ở ngoại quốc nên hỏi Phương Dung đang sống ở quốc gia nào?

- Phương Dung bay đến San Francisco. Nghe nói là có ba má và em Phương Dung ở Arizona cũng qua California, tất cả sẽ cùng xuống Los Angeles. Nhóm bạn ở đây đang bàn không biết dẫn Phương Dung đi ăn ở đâu. Vợ tôi nói.

- Phương Dung chắc ăn món gì cũng được, Mỹ, Tầu, Nhật? Tôi hỏi.

- Phương Dung đi chơi ngoại quốc khắp nơi nên ăn món gì mà không được? Vợ tôi trả lời.

- Hay là mình rủ Phương Dung và gia đình đi ăn ở ToDai?

ToDai là một nhà hàng thức ăn đồ biển & sushi Nhật Bản seafood buffet, ăn tự chọn vô giới hạn, mở đầu tiên vào năm 1985 ở miền Nam California. Bây giờ ToDai có khoảng 25 chi nhánh, giá khoảng 30 dollar một người.

- Đến Todai thì đủ loại thức ăn, không thích món này thì ăn món khác. Rồi, nói với mọi người là mình chọn ToDai. Nhớ là đừng để Phương Dung trả tiền, chỉ một người trả rồi cả nhóm sẽ chia ra tính sau. Mình về SàiGòn đi ăn lúc nào Phương Dung cũng trả tiền, bây giờ cô ấy và gia đình qua đây chơi, mình rủ đi ăn, cả đám ở bên Mỹ lại để Phương Dung trả tiền thì kỳ lắm. Tôi nhất quyết.

Vợ tôi nghe xong cũng đồng quan điểm với tôi, nói là sẽ bàn với các cô khác nhất trí không để cho Phương Dung trả tiền. Ngày hẹn Thứ Bẩy thấm thoát đã đến. Vợ tôi đưa cho tôi địa chỉ khách sạn để tôi lái xe. Nhìn tên khách sạn Shutters On The Beach, tôi hơi giật mình vì đây là khách sạn năm sao, giá mướn phòng $450 dollars một đêm, tọa lạc ngay bãi biển Santa Monica, cách nhà tôi 40 phút lái xe. Tôi chưa bao giờ có bạn sang trọng hay khách của công ty tôi đến ở khách sạn này nên chưa có dịp đến khách sạn, dù rằng bãi biển Santa Monica gần nhà tôi nhất, mỗi lần đi biển thường thì tôi đến biển này.

Santa Monica là thành phố thiết lập đã lâu đời, và vì ngay bãi biển nên nhà cửa rất đắt tiền và chật chội. Tìm chỗ đậu xe do đó cũng khó khăn, nhưng sau hai mươi phút loay hoay tôi cũng tìm được chỗ đậu xe cách khách sạn bằng khoảng cách từ Móng Cái đến Hà Tiên. Vào quầy tiếp tân của khách sạn, chúng tôi gặp vợ chồng Mai đã đến trước, vợ chồng Phương Dung, và rồi ba cặp vợ chồng khác cũng lần lượt đến. Ngồi vào ghế ở khu phòng tiếp tân hàn huyên tâm sự, chúng tôi mới biết là vợ chồng Phương Dung mướn đến bốn phòng mỗi ngày trong chuyến đi du lịch bẩy ngày từ San Francisco đến San Diego, toàn là khách sạn năm sao. Một phòng cho hai vợ chồng, ba phòng kia cho hai người con, ba má và vài người khác trong gia đình từ Arizona bay sang đi chơi chung.

Sau vài mươi phút thăm hỏi, chúng tôi nói đến việc ăn tối. Chưa kịp đề nghị nơi ăn thì Phương Dung nói là đã tìm ra nhà hàng cho tối nay! Chúng tôi ai nấy cũng trố mắt ngạc nhiên vì vừa mới đến Los Angeles thì làm sao Phương Dung biết nhà hàng nào mà chọn. Hơn thế nữa, Phương Dung trú ngụ ở SàiGòn chứ đâu phải ở Hoa Kỳ? Phương Dung mới nói là hỏi quầy tiếp tân thì họ đã chỉ cho tiệm ăn nào sang nhất ở đây, Phương Dung không biết chỗ ấy ở đâu, nhưng người tài xế biết.


Gia đình của Phương Dung tổng cộng khoảng chừng 12 người. Chúng tôi cả thẩy là năm cặp vợ chồng lái xe riêng đến đây nên cùng nhau tính toán nếu mỗi xe chở thêm ba người nữa, năm xe sẽ chở thêm được 15 người. Nhóm tùy tùng của vợ chồng Phương Dung chỉ có 12 người, chia ra ngồi lên năm xe khác nhau thì đủ dư chỗ. Thế nhưng chưa kịp nói với mọi người thì Phương Dung đã bảo chúng tôi để hết xe lại ở khách sạn vì Phương Dung có xe chở. Tôi thắc mắc ghê gớm xe nào chở được hơn hai mươi người thì khi vừa bước chân ra khách sạn, mọi người chúng tôi, đám bạn Phương Dung ở Mỹ, lại trố mắt lần thứ hai: trước khách sạn đã có một chiếc xe bus to tướng, nhỏ hơn xe bus thường một cỡ, với khoảng chừng mười hàng ghế, hai dẫy hai bên, 40 chỗ ngồi, đậu chình ình trước cửa. Sau lời giải thích của Phương Dung, ai nấy đều há mồm kinh ngạc: vợ chồng Phương Dung bao cả chiếc xe bus và người tài xế Mỹ suốt thời gian một tuần từ San Francisco đến San Diego! Từ ngày sang Mỹ đến giờ, tôi chưa bao giờ biết một người nào ở đây mướn xe với luôn tài xế một ngày, huống chi là một người từ Việt Nam sang Mỹ, mướn xe không phải một ngày mà là một tuần, và không phải mướn xe hơi mà là xe bus!

Tất cả lên xe cho anh tài xế lái. Tôi nghĩ nhà hàng đâu đó gần khách sạn nên ngạc nhiên thấy anh tài xế lái vòng vo khá lâu, chừng 45 phút, len lỏi trong xe cộ đông đúc, từ Santa Monica qua Westwood Village, Wilshire, và rồi cuối cùng, Beverly Hills.

Beverly Hills là thành phố đắt hàng đầu nước Mỹ. Con đường shopping Rodeo Drive là nơi quy tụ cửa tiệm hàng hóa đắt nhất nước Mỹ. Ai đến ăn nhà hàng ở Beverly Hills, trả tiền xong về nhà ban đêm đi ngủ bảo đảm không những đau bụng mà ngày hôm sau sẽ phát hiện bệnh trĩ kinh niên vì bị ngất ngư trả tiền ăn hôm trước.

Chiếc xe bus chạy chầm chậm và cuối cùng dừng trước nhà hàng Mr. Chow. Beverly Hills có hai nhà hàng đắt nổi tiếng, Spago và Mr. Chow, khách đến ăn ở đó có thể gặp minh tinh tài tử Hollywood đến ăn trưa hay ăn tối. Sau mỗi đêm tranh giải Oscar, tài tử thường đến đây dự tiệc, và hôm nay chúng tôi sẽ ăn ở Mr. Chow!

Thấy chiếc xe bus trờ đến đậu ngay trước cửa rồi bao nhiêu người da vàng tóc đen Á Đông bước xuống đi vào tiệm ăn, hai anh Mỹ trắng trẻ làm nghề đậu xe cho khách (valet parking) nói thì thầm với nhau: “Mấy người Chinese này có nhiều tiền lắm đó!”. Đã đặt bàn sẵn và vì số khách quá đông, chúng tôi được mời lên một phòng riêng trên lầu.

Nói chuyện cà kê dê ngỗng là điều chính yếu thứ nhất khi bạn bè gặp lại nhau. Điều chính yếu thứ hai là gọi món ăn. Khi anh bồi bàn đem menu ra cho mọi người đọc, đám bạn Mỹ của Phương Dung chúng tôi da mặt đang hồng hào bỗng trở nên tái xanh: trung bình một món ăn khoảng 50 dollars, quá đắt so với giá nhà hàng bình thường khác. Thế nhưng phóng lao phải theo lao, ai nấy gọi phần ăn cho mình. Phương Dung đặt thêm nhiều món khai vị và ba chai rượu. Tôi nhanh nhẹn đếm số người trong bàn ăn: 22. Cho là một phần ăn $50 dollars, 22 người nhân 50 dollars là $1,100. Cộng với ba chai rượu, nước uống, món khai vị khác, khoảng $600, cộng với 8.5% thuế, cộng với 20% tiền bồi dưỡng, số tiền tổng cộng lên đến khoảng $2200 dollars. Mồ hôi tôi bắt đầu chẩy nhễ nhại khi tôi nhớ mấy ngày trước đã nói với vợ tôi là một người ở Mỹ trả tiền, nhất định đừng để Phương Dung trả. Bụng tôi bắt đầu đau quằn quoại vì tôi là người đầu têu nói chỉ một người trả tiền, do đó người trả tiền hôm nay phải là tôi. Cái câu “nhất định đừng để Phương Dung trả tiền” làm tôi tiếc hùi hụi mình đã sẩy lời, không uốn lưỡi bẩy lần trước khi nói. Nó như là một lưỡi dao vô hình khốc liệt hơn tất cả các loại bệnh hiện hữu trên thế giới, đang xoáy vào tim tôi với tốc độ sao xẹt, nhanh hơn cả chiêu Hoàng Gia Lim Lương (xà ngang đỡ trần nhà) của Cô Gái Đồ Long.

Từ giây phút ấy trở đi, chỉ lo nghĩ việc đại diện vợ và tất cả các bạn bên Mỹ rút cái thẻ tín dụng “cà” $2,200 tiền ăn tối, tôi càng trở nên nóng lạnh, không thấy tiệm này nấu ăn ngon một tí nào. Vậy mà minh tinh tài tử đến ăn! Tôi gọi món mì xào. Ngồi đếm mấy cọng mì trên đĩa, tôi tự nhủ chưa bao giờ tôi ăn ở tiệm nào mà một sợi mì bán đắt kinh khủng như vậy. Có khoảng chừng 50 sợi mì, có nghĩa một sợi là một đô-la! Tâm trạng của tôi có lẽ cũng giống như thâm tâm của bốn cặp vợ chồng bên Mỹ, ai nấy ăn trong chán chường đau khổ, ăn để mà sống chứ không phải sống để mà ăn, khi nghĩ đến cái bill sẽ trả, trong khi Phương Dung thì ăn nói huyên thuyên không nghỉ vì gặp cả người nhà lẫn bạn thân.

Có những lúc đọc một quyển sách thật hay mình không muốn nó chấm dứt, đó là tình trạng của tôi hiện giờ. Tôi muốn bữa cơm tối hôm nay kéo dài vĩnh viễn để chúng tôi không phải đối diện với cái hoá đơn khổng lồ đó. Nhưng việc phải đến rồi cũng đến. Sau gần hai giờ ăn tối, người bồi bàn đem cái bill ra, và chắc có lẽ Trời Phật đã hiểu thấu lòng vợ chồng tôi cũng như đám bạn Phương Dung bên Mỹ, anh ta đưa cái bill cho chồng Phương Dung! Trong suốt cuộc sống, tôi chưa bao giờ nợ ơn ai như nợ ơn anh bồi bàn của nhà hàng Mr. Chow tối hôm nay. Tôi như người vừa bị nhồi máu cơ tim đã chết đi nhưng may mắn có người hô hấp nhân tạo cứu sống lại kịp thời, bàng hoàng tỉnh giấc. Trong cả đám đàn ông ngồi ở bàn ăn, chỉ có chồng Phương Dung thoạt nhìn nổi bật ngay là tướng “đại gia” nên anh bồi mới đưa hóa đơn tính tiền cho chồng Phương Dung mà không đưa cho tôi hay mấy ông khác. Thật là hú hồn, hú vía. Thoát chết trong đường tơ kẽ tóc nhưng tim tôi vẫn còn đau nhói.

Phương Dung lấy cái bill, mở ví tay đầy ắp tiền $100 đô-la, gọi một anh trẻ trong đoàn tùy tùng của Phương Dung -anh chàng này ở Việt Nam, đi theo Phương Dung để thông dịch tiếng Anh (Phương Dung nói tiếng Pháp lưu loát), gọi anh bồi và trả tiền mặt trong khi anh chàng trai trẻ thông dịch những gì Phương Dung nói.

Tối hôm ấy cả đám bạn bên Mỹ của Phương Dung ra về với lòng hân hoan chưa từng thấy. Đây là một cảm giác chết đi sống lại kinh hoàng, khiếp đảm, hãi hùng…

Nguyễn Tài Ngọc

Ý kiến bạn đọc
08/10/201216:50:27
Khách
Đoc bài này thấy chán quá!!! tác giả kể chi cách vung tiền vô tư cách của bọn tư bản đỏ... trong khi dân Việt trong nước còn đang kiếm ăn từng bữa. Họ đâu có kiếm tiền bằng mồ hôi nước mắt đâu... thật đáng khinh bỉ!!!
09/10/201200:56:50
Khách
Tựa bài không có liên quan gì đến nội dung.
Nội dung thì(vô tình hay cố ý ?) tuyên truyền cho
những người Vn giàu tiền mà không có trái tim với đồng bào
mình ngay trên quê hương mình !!!
07/10/201204:26:31
Khách
Đọc bài này thấy cách tiêu tiền trong khi dân Việt Nam đói khổ lầm than mới thấy trái tim chai đá của sản phẩm XHCN. Ở Viet Nam cứ im miệng làm giàu, cứ để Trung Quốc chiếm đất, để tôn giáo bị chà đạp, để dân oan bị cướp đất, để bia ôm tràn ngập khắp nơi, để trẻ em thất học, để đảng cử dân bầu... đừng bắt chước cha Lý đòi tự do, đừng đòi hỏi nhân quyền bình đẳng cho kẻ khác, đi đâu cứ hối lộ là xong chuyện... Ngưới viết có vẻ thích lối sống "tiền trên hết, khôn sống dại chết, sống chết kệ bay!".
07/10/201204:15:03
Khách
Cam on tac gia da co cong tuyen truyen gium Dang va Nha Nuoc. Xin goi tac gia bai tho
Thơ: Hãy Chụp Giùm Tôi de nhin sat thuc te VN hon:

Thơ: Hãy Chụp Giùm Tôi


Đừng khoe tôi, hỡi người bạn tài hoa,

Những tấm ảnh mang ra từ địa ngục,

Nơi bạn mới về rong chơi hạnh phúc,

Dù bao người vẫn tủi nhục xót xa.




Đừng khoe tôi hình ảnh một quê nhà,

Mà bạn nghĩ đang trên đà “đổi mới”,

Những thành thị xưa hiền như bông bưởi,

Nay bỗng dưng rã rượi nét giang hồ.




Đừng khoe tôi những cảnh tượng xô bồ,

Những trụy lạc giờ vô phương cứu chữa.

Đất nước đã từ lâu không khói lửa,

Sao rạc rài hơn cả thuở chiến chinh.




Đừng khoe tôi những yến tiệc linh đình,


Những phố xá ngập phồn vinh giả tạo,

Nơi thiểu số tung tiền như xác pháo,

Khi dân nghèo không muỗng cháo cầm hơi.




Đừng khoe tôi cảnh tụ họp ăn chơi,

Của những kẻ đã một thời chui nhủi,

Bỏ tất cả, trong đêm dài thui thủi,

Ngược xuôi tìm đường xăm xúi vượt biên.




Đừng khoe tôi những con phố “bưng biền”,

Những quảng cáo, những mặt tiền nham nhở,

Những khách sạn ánh đèn màu rực rỡ,

Trơ trẽn bày, dụ dỗ khách phương xa.




Đừng khoe tôi chốn thờ phượng nguy nga,

Những dinh thự xa hoa nằm choán ngõ,

Những màu sắc lam, vàng, đen, tím, đỏ,

Đang uốn mình theo gió đón hương bay.




Đừng khoe tôi ảnh Hà Nội hôm nay,

Thành phố đã chết từ ngày tháng đó,

Khi bị ép khoác lên màu cờ đỏ,

Khi triệu người phải trốn bỏ vô Nam.




Đừng khoe tôi những cảnh tượng giàu sang,

Đã được bạn tóm càn vô ống kính,

Những hình ảnh mà kẻ thù toan tính,

Muốn tung ra để cố phỉnh gạt người.




o O o




Bạn thân ơi,sao không chụp giùm tôi,

Nỗi thống khổ của triệu người dân Việt,

Nửa thế kỷ trong ngục tù rên xiết,

Oán hờn kia dẫu chết chẳng hề tan.




Chụp giùm tôi đàn thiếu nữ Việt nam,

Thân trần trụi xếp hàng chờ được lựa,

Hay bầy trẻ mặt chưa phai mùi sữa,

Bị bán làm nô lệ ở phương xa.




Chụp giùm tôi đôi mắt mẹ, mắt cha,

Mà suối lệ chỉ còn là máu đỏ,

Khóc con cháu ra đi từ năm đó,

Biển dập vùi, đà tách ngõ u minh.




Chụp giùm tôi số phận những thương binh,

Đã vì nước quên mình trên chiến trận,

Mà giờ đây ôm hận,

Tấm thân tàn lận đận giữa phong ba.




Chụp giùm tôi hình ảnh những cụ già,

Bọn đầu nậu gom ra đường hành khất,

Để đêm đến, nộp hết tiền góp nhặt,

Đổi chén cơm dầm nước mắt nuôi thân.




Chụp giùm tôi xác chết những ngư dân,

Bị Tàu giết bao lần trên biển rộng,

Hay những chiếc quan tài chưa kịp đóng,

Chở cha, anh lao động Mã Lai về.




Chụp giùm tôi thảm cảnh những dân quê,

Chịu đánh đập chán chê dù vô tội,

Hay cảnh những anh hùng không uốn gối,

Gánh đọa đày trong ngục tối bao la.




Chụp giùm tôi mốc biên giới Việt Hoa,

Lấn vào đất của ông cha để lại,

Hay lãnh thổ cao nguyên còn hoang dại,

Lũ sài lang hèn nhát lạy dâng Tàu.




Chụp giùm tôi những nghĩa địa buồn đau,

Chúng tàn phá, chẳng còn đâu bia mộ.

Kẻ sống sót đã đành cam chịu khổ,

Người chết sao cũng khốn khó trăm đường.




o O o


07/10/201204:04:36
Khách
Lam an o VN phai biet luon cui trong quan he, biet hoi lo, biet ninh bo, biet qua cap, biet thao tung thi truong, biet tho o voi doi ngheo chung quanh, biet so thich cua doi tac de mua chuoc, lam an ... co the phai vao Dang moi de lam an, quan he. Nen nhin van de toan dien, khong nen nhien phien dien nhu tac gia. Can bo nay cho con du hoc o My, mua nha, mua xe tra dut ... Tac gia da di ty nan nhung co ve hoi tiec, Nha Nuoc luon giang tay don chao nhung khuc ruot ngan dam trot ra nuoc ngoai nay muon qua ve ...
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,305,992
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.