Hôm nay,  

Tiếng Việt Của Tôi

27/06/202406:00:00(Xem: 1746)
TG Hoàng Đình Minh Long đang ký sách VVNM tại Lễ Trao Giải VVNM 2017
TG Hoàng Đình Minh Long đang ký sách VVNM tại lễ Trao Giải VVNM 2017

 

Tác giả cùng gia đình đoàn tụ tại Mỹ từ 1991, hiện là cư dân Huntington Beach; Nghề nghiệp: Kỹ sư phần mềm cho Northrop Grumman Corporation. Hoàng Đình Minh Long đã tham gia VVNM từ 2002 với 4 bài viết tươi tắn, tử tế. Sau 15 năm bặt tin, ông xuất hiện trở lại với nhịp viết mạnh mẽ và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017, năm thứ 18. Bài viết dưới đây kể về công việc thiện nguyện dạy Việt ngữ cũng như những trăn trở của tác giả về việc học tiếng Việt của các em nhỏ hiện nay.
 
*
 
Trong một thánh lễ cuối tuần, vị linh mục kêu gọi các phụ huynh đưa con em đến nhà thờ vào thứ Bảy để học tiếng Việt. Cha cũng kêu gọi ai có khả năng hãy bỏ ra thời gian giúp dạy các em. Hưởng ứng lời kêu gọi, tôi vào gặp thầy hiệu trưởng để trở thành giáo viên dạy Việt ngữ dù chưa hề được đào tạo chính thức dạy bất cứ môn gì.  
 
Hồi còn đi học ở Việt Nam, từ lớp một cho tới mười hai, môn Văn lúc nào tôi cũng chỉ được 4 điểm. Hôm nào cô giáo môn văn thấy vui trong người thì thằng em mới được 5 điểm. Chỉ có một lần duy nhất là thi học kỳ một năm lớp 12 là tôi được điểm tuyệt đối, 8 điểm. Chẳng phải vì hôm đó cô giáo vui trong người hay vì thằng tôi chó ngáp phải ruồi mà được điểm tuyệt đối. Lý do, theo thiển ý của tôi, vì đề bài hôm đó là bình luận bài thơ Tương tư của Nguyễn Bính. Bài thơ quá lãng mạn cho nên thằng tôi văn chương trong người cứ tuôn ra như nước chảy lai láng, viết một mạch dài bốn trang giấy với những câu từ đầy mạch lạc. Khi phát bài ra, đám bạn trong lớp há hốc miệng ngạc nhiên khi thấy tôi, một thằng bị ăn điểm 4 kinh niên, nay ngồi chễm chệ trên đầu trên cổ cả lớp. Chúng bạn xì xầm là tôi học trúng đề. Cô giáo tủm tỉm ngồi cười vì cô biết rằng tôi không học tủ như đám bạn đồn thổi. Có lẽ cô là người duy nhất nhận ra rằng tôi là thằng phản động không thích văn thơ cách mạng cho nên luôn bị điểm 4 trước đây. Bài thơ hôm nay là thơ tiền chiến lãng mạn chứ không phải cách mạng cho nên em nó mới có dịp liều mạng thi thố tài năng. 
 
Con nhỏ Hương hôm đó tỏ vẻ ganh tỵ rất rõ. Trong cả ba năm học trung học, nó luôn được 7 hay 8 điểm môn Văn.  Hôm đó, bị tôi hạ bệ vì nó chỉ được 6 điểm cho nên tỏ ra tức tối thấy rõ. Thật ra từ hồi nhỏ tôi rất thích đọc báo và có mộng làm nhà báo khi trưởng thành. Vì sống dưới chế độ Cộng sản, tôi chỉ đọc các tờ báo như Thể dục thể thao, Long an cuối tuần, Văn hóa thể thao, Điện ảnh. Nói chung tôi chỉ đọc các báo không liên quan đến chính trị hay tuyên truyền của chế độ. Vì đọc nhiều cho nên tôi đâm ra mê viết. Năm lớp mười một, khi còn bị ăn điểm bốn môn Văn kinh niên, tôi viết một cuốn tiểu thuyết về tuổi học trò. Tôi đưa cho chúng bạn trong lớp đọc nhưng không nói mình là tác giả.  Chúng nó đọc xong đứa nào cũng khen hay.  Khi tôi nhận mình là tác giả thì chúng nó lăn ra cười vì cho rằng tôi nhận vơ công trình của người khác. Tôi cũng không trách chúng bạn vì một thằng dốt văn như tôi thì làm sao chúng nó tin là tôi có thể viết một cuốn truyện. Phải như con nhỏ Hương, lúc nào cũng 7, 8 điểm thì mới đủ khả năng viết lách như thế. 
 
Lúc nhận lại bài thi học kỳ một với con số 8 thật đẹp, tôi cảm thấy mình đã không phí tiền để mua và thời gian để đọc báo trong hơn mười năm qua.  Lúc đó tôi tự cho rằng mình đã trở thành một nhà văn, hay chính xác hơn là nhà phê bình thi ca, thực thụ.  Ước mơ trở thành nhà báo nay sắp thành hiện thực. Nhưng rồi cuộc đời lên voi xuống chó khó lường trước. Qua học kỳ hai, chúng tôi phải học về thơ cách mạng.  Ác ôn nhất khi bài thi cuối năm là phê bình bài Việt Bắc của Tố Hữu. Bài thơ đó mở đầu bằng 4 câu:
 
Mình về mình có nhớ ta?
Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng.
Mình về mình có nhớ không
Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn
 
Nhìn thấy cái tên Tố Hữu, cái máu phản động của tôi cứ bừng bừng lên. Tôi rặn óc mãi để nhớ lại những bài viết bưng bô ca tụng Tố Hữu của các nịnh bút chế độ nhưng cũng chỉ viết được nửa trang giấy. Thời gian làm bài là một tiếng rưỡi, nhưng sau 15 phút gượng mình viết những dòng tâng bốc giả dối, tôi quyết định lấy giấy nháp ra làm thơ nhại Tố Hữu:
 
Mình về mình có đô-la.
Một đô-la Mỹ đổi ra chục ngàn.
Mình về mình có Pháp phăng.
Một phăng nước Pháp đổi ra tám ngàn.
Mình về mình có Ý lia.
Một lia nước Ý đổi ra sáu đồng.
 
Hơn 30 năm đã qua nên tôi không còn nhớ hết đại tác phẩm thơ tôi đã viết ra trong phòng thi hôm đó nhưng bài thơ rất dài vì hầu hết các đơn vị tiền tệ của các nước trên thế giới và giá hối đoái đổi sang tiền Việt nam đều được liệt kê. Nếu tôi đem cái bài thơ phản động đó ra bán cho các ngân hàng để giúp họ đổi tiền từ nước này sang nước khác, tôi nghĩ có người mua.
 
Mộng làm nhà báo của tôi lại vỡ tan tành khi nhận lại bài thi vài ngày sau đó.  Con số 4 quen thuộc lại trở về với tôi. Con nhỏ Hương mặt vênh váo khoe điểm 8 khi nhận lại bài của nó. Tôi chẳng cay cú gì với nó vì dù sao, tôi tự an ủi, tôi cũng được 4 điểm, đủ để khỏi phải thi lại. Nửa trang bài làm là quá ngắn, thêm vào đó là những câu nịnh bợ trơ trẽn mà tôi ăn cắp từ các nịnh bút, đáng ra tôi phải bị một hay hai điểm thôi.
 
Qua Mỹ, sách báo Việt ngữ không bị kiểm duyệt cho nên tôi như cá gặp nước. Tôi đọc sách và báo hầu như mỗi ngày. Hàng tuần, tôi mong mỏi chờ ba má tôi đi chợ mang về tờ Thời báo để đọc mục “Bên đời hiu quạnh” của ca sĩ Khánh Ly. Có thể gọi đây là những trang nhật ký của cô Khánh Ly.  Cách viết dí dỏm của cô khi kể lại những việc xảy ra trong tuần đã mê hoặc tôi. Những chữ bình dân, nhiều khi hơi bạt mạng, của cô một phần nào ảnh hưởng đến văn phong của tôi sau này. Một tác giả nữa cũng ảnh hưởng rất mạnh đến cách tôi viết là cựu phi công, nhà văn Trường Xuân Lê Văn Nhị. Tôi đã say sưa đọc đi đọc lại tác phẩm “Chuyện ba người phi công tị nạn” của chú Lê Xuân Nhị không biết bao nhiêu lần. 
 
Khi Việt Báo mở mục Viết Về Nước Mỹ, tôi dự thi  một loạt bốn bài vào năm 2002.  Hôm đám cưới tôi cuối năm đó, một số người trong họ hàng đến nói với tôi rằng các bài viết của tôi đem lại cho họ những nụ cười quý hơn thuốc bổ. Dù đang mệt do bao nhiêu đêm ngày trước đó phải chuẩn bị cho đám cưới, nghe lời khen của người quen, tôi cảm thấy hết mệt và tươi tỉnh hẳn lên. Bà xã nguýt tôi hỏi:
 
- Sao được lấy vợ không thấy vui mà được người ta khen mấy bài viết văn vui quá vậy?
 
Được quá nhiều người khen, tôi đinh ninh là nếu không trúng giải lớn thì chắc cũng phải có giải an ủi. Các bài viết vừa vui vừa có những thông điệp đầy tình người, đầy nhân bản chắc chắn phải đem lại giải thưởng cho tôi. Khi nhận giấy mời đi dự buổi phát thưởng tại nhà hàng Seafood World, tôi ngồi cả buổi mà chẳng thấy được mời lên sân khấu nhận giải. Sau khi bác Trùng Quang, 92 tuổi, được mời lên lãnh giải Đặc biệt, tôi đành tự an ủi trong đầu: thôi, đợi thêm 60 năm nữa, mình sẽ lãnh giải dành cho tác giả cao tuổi nhất.
 
Với một cái quá khứ tang thương về văn học như vậy, tôi thật sự lo lắng không biết mình có thể dạy Việt ngữ cho các em được không.  Chưa kịp giải bày tâm sự, thầy hiệu trưởng phán một câu như trêu ngươi thằng tôi:
 
- Các thầy cô từ lớp mẫu giáo tới lớp 4 đều đã có. Họ đã dạy các lớp đó nhiều năm rồi. Trường mình rất cần thầy dạy lớp cao nhất, lớp 5.
 
Trước khi vào gặp thầy hiệu trưởng, tôi dự định sẽ xin dạy lớp thấp nhất vì đánh vần A, B, C chắc không khó. Vậy mà bây giờ tôi được yêu cầu dạy lớp cao nhất. Tôi đang ú ớ chưa biết nói sao, thầy hiệu trưởng tống cho thêm một cú đo ván:
 
- Tất cả các em trong lớp 5 đã học lớp này năm ngoái nhưng ở lại lớp vì không đủ tiêu chuẩn ra trường. Thầy dạy năm ngoái hiền quá cho nên các em phá phách và không học được gì. Thầy nói các em không nghe. Các em đùa giỡn trong lớp và không chịu học và làm bài.
 
Trời đất quỷ thần ơi! Tôi không có kinh nghiệm dạy học. Văn chương thì kinh khủng bệ rạc như đã kể ở trên. Vậy mà bây giờ bị thầy hiệu trưởng giao cho lớp cao nhất với các học sinh quậy phá như vầy thì chẳng khác nào tôi là một con cừu ngây thơ bị quăng vào bầy sói. Nhìn gương mặt bần thần của tôi, thầy hiệu trưởng vỗ vai:
 
- Nhìn thầy là các em sẽ kính nể. Tôi tin thầy sẽ giúp các em ngoan ngoãn, học giỏi và đủ điểm ra trường năm nay.
 
Trong hai tuần chờ tới ngày khai giảng năm học, vài lần tôi tính gọi phone cho thầy hiệu trưởng xin thối lui. Tôi thật sự lo lắng mình không kham nổi. Thế rồi con cừu ngây thơ nhận được thư mời đi dự lễ phát thưởng VVNM và bưng về giải Danh dự.  Với giải Danh dự VVNM, cừu không còn ngây thơ nữa vì tự tin cho rằng giải thưởng này là vũ khí để chiến đấu với bầy sói lớp năm.
 
Sự nhộn nhịp của ngày khai giảng trường Việt ngữ làm tôi nhớ lại những ngày còn cắp sách đến trường khi còn ở Việt nam và phần nào làm tôi không còn lo lắng về trách nhiệm làm thầy giáo dạy tiếng Việt trước mắt. Khi đi ngang qua lớp mẫu giáo, tôi thấy cô Tuyết từ trong lớp đang chạy ra vẫy tay gọi một em học sinh:
 
-Vân ơi, vào lớp này!
 
Một em học sinh nữ vắt chân lên cổ bỏ chạy. Tôi không biết em học sinh bỏ chạy kia tên gì nhưng đoán em tên Vân vì thấy cô Tuyết nhìn về phía  em ấy. Tôi hơi thắc mắc không hiểu sao em bỏ chạy vào lớp khác mà không vào lớp cô Tuyết. Tôi tiếp tục đi thẳng vào phòng học của mình. Khác với các lớp thấp hơn, lớp của tôi chỉ có mười học sinh. Tuy là lớp 5 Việt ngữ, các em đều đi học lớp 6 hoặc 7 ngoài đời. Vì đã được thầy hiệu trưởng kể về “thành tích” ở lại lớp của các em, tôi quyết định tìm hiểu xem tại sao các em không muốn học. Dĩ nhiên là tôi hỏi bằng tiếng Việt và các em trả lời bằng tiếng Anh.
 
- Em tên gì?
 
- Bob.
 
- Lý do tại sao em đi học tiếng Việt?
 
- Tại vì cuối tuần ba má em phải đi làm nail.
 
- Việc ba má làm nail liên quan gì đến việc em đi học tiếng Việt?
 
- Tại vì không có ai ở nhà trông coi em cho nên ba má gửi em vào đây.
 
À, thì ra là Bob có mặt ở đây là do ba má xem trường Việt ngữ là nhà giữ trẻ. Tự nhiên tôi thấy hơi bị xúc phạm. Tưởng đâu mình hy sinh thời gian cuối tuần để làm một việc cao đẹp là giúp gìn giữ tiếng Việt, không ngờ đối với gia đình Bob, tôi chỉ là một người giữ trẻ. Tôi quay sang hỏi em thứ hai:
 
- Em tên gì?
 
- Grace.
 
- Tại sao em đi học tiếng Việt?
 
- Ba má em cũng làm nail. Chủ tiệm bắt ba má phải làm cả hai ngày cuối tuần.
 
Tôi bắt đầu thấy choáng váng và quay qua em thứ ba:
 
- Chắc ba má em cũng bị chủ bắt làm nail hôm nay?
 
Học trò lắc đầu. Tôi mừng thầm trong bụng vì hy vọng em này vào đây không phải vì ba má bận rộn mà vì em muốn học tiếng Việt.
 
- Vậy ba má em làm gì?
 
- Ba má em làm chủ tiệm nail nên phải có mặt ở tiệm bảy ngày một tuần.
 
Làm nail thì nói đại là làm nail, bầy đặt phân biệt chủ với thợ. Lớp chỉ có 10 học sinh mà chưa gì có 3 em vào đây là vì ba má trong ngành nail nên cần tôi giữ trẻ.  Vậy là khoảng 30%. Tôi quay qua em thứ tư:
 
- Ba má em làm thợ hay chủ tiệm nail?
 
- Không, ba má em không làm trong ngành nail. Họ làm kỹ sư cho hãng Mỹ.
 
Tôi như người đang bị chết đuối được em học sinh này ném cho cái phao. Kỹ sư làm cho hãng Mỹ thì thường chỉ làm 8 tiếng mỗi ngày từ thứ Hai đến thứ Sáu. Vì thế, tôi hy vọng em này vào đây không phải vì ba má em bận bịu nên cần tôi làm giữ trẻ.  Tôi hỏi tiếp:
 
-Vậy tại sao em vào lớp này?
 
-Ba má em trong tuần làm việc 8 tiếng mỗi ngày, rồi lo cho bốn đứa con cho nên cuối tuần muốn có giờ dành riêng cho nhau ở nhà. 
 
Thì ra em học sinh này ném cho tôi cái phao bị lủng. Tôi lại như bị chết đuối trước câu trả lời của em. Vậy phần trăm các em vào đây vì lý do giữ trẻ tăng từ 30% lên 40%. Thất vọng quá, tôi hỏi tiếp em thứ năm:
 
- Ba má em làm nail hay hãng Mỹ?
 
- Hãng Mỹ.
 
- Và ba má em muốn có thời gian dành riêng cho nhau ở nhà cuối tuần nên gởi em vào đây?
 
- Không đúng.
 
Tôi lại hy vọng nên hỏi nhanh:
 
- Vậy em vào đây vì lý do gì?
 
- Má em mê shopping ở outlet nên cuối tuần nào cũng bắt ba chở lên đó. Vừa đi vừa về hết cả ngày thứ Bảy.
 
Vậy là nửa lớp có mặt ở đây là vì cha mẹ muốn rảnh tay để kiếm ăn hoặc để thư giãn cho riêng bản thân. Năm học sinh còn lại cho biết cha mẹ các em cho các em vào đây là vì thấy những gia đình bạn bè gởi con họ đi học tiếng Việt cho nên hùa theo.  Nói tóm lại là các em vào đây là vì cha mẹ bắt buộc và các em chỉ nghe theo lời của họ mà thôi. Tôi đặt ra câu hỏi tiếp theo cho các em:
 
- Lớp Việt ngữ chỉ có một hai tiếng đồng hồ. Nếu ba mẹ đi làm nail hay lái xe đi shopping outlet thì phải cần 8 tiếng. Vậy 6 tiếng còn lại các em làm gì?
 
Grace nhanh nhẩu trả lời:
 
- Sau lớp Việt ngữ, chúng em qua học giáo lý thêm hai tiếng. Sau đó ăn tối trong vòng nửa tiếng. Tiếp theo là hướng đạo trong vòng 1 tiếng. Cuối cùng là tham dự thánh lễ. Tất cả thời gian là 8 tiếng.
 
Tôi thất vọng hỏi các em:
 
- Vậy các em có thích đi học tiếng Việt không? Nếu được lựa chọn, các em muốn làm gì trong ngày thứ Bảy?
 
Thằng Bob lắc đầu:
 
- Vào đây chỉ phí thời gian. Nếu được lựa chọn, em sẽ ở nhà chơi video game.
 
Mấy đứa còn lại đều nhao nhao gật đầu đồng ý với Bob.
 
Tôi đưa tay ra dấu cho các em im lặng:
 
- Nhưng mà các em không có lựa chọn vì ba má các em không thể để các em ở nhà một mình. Nếu vậy, sao các em không tận dụng thời gian này để học thêm một ngôn ngữ ngoài tiếng Mỹ?
 
Con Grace cong môi:
 
- Học tiếng Việt làm gì? Ở Mỹ chỉ cần biết tiếng Mỹ là đủ rồi.
 
Tôi giải thích:
 
- Học tiếng Việt sẽ có lợi sau này cho các em. Ví dụ như các em có thể nói chuyện với ông bà của mình chẳng hạn.
 
Thằng John lắc đầu:
 
- Em chưa gặp ông bà bao giờ vì họ ở Việt Nam.
 
-Thì sau này khi có dịp về VN thăm ông bà, em có thể nói chuyện bằng tiếng Việt với họ. Họ không biết tiếng Mỹ, các em không bíết tiếng Việt thì làm sao hỏi thăm nhau.
 
Con Lynn nhảy vào:
 
- Thì nhờ ba má làm thông dịch
 
- Nhưng có phải sẽ tình cảm hơn nếu các em tự nói chuyện trực tiếp với ông bà mà không cần người thông dịch?
 
Thằng Tom không đồng ý:
 
- Ông bà em chết hết rồi cho nên em có nói được tiếng Việt cũng chẳng giúp gì.
 
Tôi kiên nhẫn thuyết phục:
 
- Ông bà chỉ là một ví dụ. Ngoài ông bà, chúng ta còn họ hàng khác nữa.
 
Thằng Tom tiếp tục cãi:
 
- Nhưng chưa chắc em sẽ có dịp về Việt nam.
 
Câu trả lời của Tom làm tôi nhận ra rằng những lý luận của tôi hơi mơ hồ cho các em vì các em được sinh ra tại Mỹ và đối với các em Việt Nam là một đất nước xa lạ, không liên quan gì tới các em. Tôi chuyển sang một đề tài gần gũi hơn:
 
- Em nào thích tiền, giơ tay lên?
 
Cả mười đứa nhanh nhẩu đưa tay lên.
 
- Các em có biết rằng tiếng Việt có thể giúp các em kiếm được $100 một giờ không?
 
Các em tỏ vẻ không tin. Tôi giải thích tiếp:
 
- Các tòa án của Mỹ rất cần mướn những thông dịch viên biết tiếng Mỹ và tiếng Việt.  Họ trả lương $100/ giờ.
 
Thằng Tom trầm ngâm:
 
- Một trăm đồng một giờ thì nhiều đó nhưng làm cho tòa án chẳng có gì hấp dẫn.
 
Tôi cố thuyết phục:
 
- Tòa án cũng chỉ là một ví dụ. Thầy tin chắc là sẽ có những chỗ khác hoặc việc khác cũng cần người thông dịch tiếng Việt.
 
Tuy những giải thích của tôi có làm cho các em phần nào chăm chú vì liên quan đến khả năng kiếm nhiều tiền nếu biết tiếng Việt nhưng các em vẫn chưa mặn mà lắm.  Có lẽ các em còn quá nhỏ để nhận ra tiềm năng kiếm tiền của việc biết tiếng Việt.  Tôi suy nghĩ tìm cách nào thiết thực hơn để các em hiểu được lợi ích khi biết tiếng Việt.
 
Vậy là buổi học đầu tiên tôi chẳng dạy cho em theo như sách giáo khoa chỉ dẫn. Tôi và các em dùng hết thời gian buổi học để tìm hiểu nhau. Sau buổi học, thầy hiệu trưởng mời tất cả các thầy cô ở lại họp. Thầy hiệu trưởng hỏi:
 
- Các thầy cô có ai có vấn đề gì cần nhà trường giúp đỡ hay câu hỏi gì không?
 
Cô Tuyết giơ tay:
 
- Con bé Vân năm ngoái nó học lớp tôi nhưng không đủ điểm để lên lớp. Khi nãy cháu đi ngang qua lớp, tôi gọi nó vào nhưng nó bỏ chạy.  Vậy năm nay nó học lớp nào?
 
Thầy hiệu trưởng lúng túng:
 
- Mẹ của con bé có nói chuyện với tôi hôm tuần trước và năn nỉ cho nó lên lớp một của thầy Tuấn.
 
Cô Tuyết thắc mắc:
 
- Nếu học không đủ điểm thì phải học lại chứ.
 
Thầy hiệu trưởng tỏ ra buồn rầu:
 
- Nhưng mẹ con bé năn nỉ quá tôi không thể từ chối.
 
Thì ra thì con bé khi nãy nó bỏ chạy là vì sợ cô Tuyết bắt nó phải ở lại lớp cho nên chạy bán mạng vào lớp thầy Tuấn.
 
Trước khi kết thúc buổi họp, thầy hiệu trưởng phát cho mỗi thầy cô một phong bì:
 
- Mỗi lớp có $180. Các thầy cô dùng tiền này để mua những gì cần thiết cho lớp của mình vì dụ như marker, đồ chùi bảng, các đồ dùng hỗ trợ việc dạy học.
 
Cô Liên giơ tay:
 
- Tôi có thể dùng để mua đồ ăn cho lớp liên hoan dịp Noel hay cuối năm được không?
 
Thầy hiệu trưởng gật đầu:
 
- Được cô. Các thầy cô cứ sử dụng theo cách nào các thầy cô muốn.
 
Cầm cái phong bì về nhà, tôi chợt nghĩ ra cách sử dụng ngân sách mà thầy hiệu trưởng phát cho mỗi lớp.  Tôi quyết định sẽ thông báo cho học trò mình trong buổi học tuần tới xem các em phản ứng ra sao.
 
Một tuần trôi qua, tôi lại vào nhà thờ để dạy tiếng Việt cho các em. 
 
- Các em lấy giấy viết ra.
 
Thằng Bob cằn nhằn:
 
- Mới học buổi thứ hai mà phải làm kiểm tra hả thầy?
 
- Không, các em viết xuống cho thầy các em muốn được muốn quà gì nếu có một điều ước?
 
- Cho Noel hả thầy? - Grace hỏi
 
- Cho cuối năm học.
 
Thế là các em cặm cụi viết xuống những món chúng ước ao có được. Thằng Bob viết nó ước có được đôi giày chơi bóng rổ. Con Lynn muốn có được cây viết mực fountain pen. Nói chung mơ ước của các em rất phong phú. Tôi thông báo cho các em:
 
- Nếu các em chịu khó học, thầy sẽ chọn ra năm em để trao cho các điều em muốn.
 
Thằng John thắc mắc:
 
- Sao thầy không cho tất cả mọi người?
 
- Tại vì ngân sách thầy hiệu trưởng cho có giới hạn - tôi giải thích.
 
Tuy hơi thất vọng, đám học sinh nhao nhao:
 
- Cụ thể là phải làm gì để được thầy cho quà?
 
Tôi ra điều kiện:
 
- Nếu các em làm bài tập hàng tuần, các em sẽ được cộng điểm. Nếu các em tham gia trả lời trong giờ học, thầy sẽ cho điểm. Nếu trả lời bằng tiếng Việt sẽ được nhiều điểm hơn. Đương nhiên, điểm bài kiểm tra học kỳ cũng rất quan trọng.
 
Đám học sinh bứt tóc bứt tai than thở:
 
- Sao mà khó quá?
 
Tôi khuyến khích các em:
 
- Trong thế giới người mù, thằng chột làm vua. Thầy biết những điều kiện trên rất khó với các em nhưng mỗi đứa chỉ cần cố gắng làm tốt hơn 5 bạn trong lớp là ước mơ sẽ thành hiện thực. Giống người Mỹ có câu: ”Bạn không cần chạy nhanh hơn con gấu. Bạn chỉ cần chạy nhanh hơn thằng bạn bên cạnh.”

Một bái kiểm tra tiếng Việt trong lớp dạy Việt ngữ
Một bài kiểm tra tiếng Việt trong lớp dạy Việt ngữ của TG
  

Các em gật gù ra vẻ hy vọng. Từ lúc đó trở đi, tất cả mười học sinh của tôi đều cố gắng để hy vọng cuối năm sẽ có quà. Để giúp cho các em có động lực phấn đấu, cứ em nào làm tốt một điều gì, tôi lấy sổ ra và cộng điểm cho em đó ngay tại chỗ. Trước khi bắt đầu mỗi ngày học, tôi mở sổ và thông báo số điểm của từng em và khích động các em phải cố gắng vươn lên top 5.
 
Chín tháng qua thật nhanh khi ngày thi cuối năm đã đến. Dù các em đã cố gắng thật nhiều nhưng có lẽ do đã mất căn bản từ các lớp dưới, chỉ có ba em đủ tiêu chuẩn ra trường mà tôi đã đưa ra từ đầu năm. Thầy hiệu trưởng gọi cho tôi ngày hôm sau để xin cho vài em được ra trường nhưng tôi từ chối:
 
- Em đã đưa tiêu chuẩn ra trường cho thầy hiệu trưởng trước ngày khai trường. Chỉ có ba em đạt đủ điểm thôi.
 
Thầy hiệu trưởng năn nỉ:
 
- Đúng là thầy có đưa cho tôi bản tiêu chuẩn nhưng mấy học sinh này có vài em nhỏ học lớp dưới. Ba mẹ các em nói nếu không cho các em lớp 5 này ra trường, họ sẽ cho tất cả các con của họ nghỉ học luôn.
 
- Nếu ba mẹ các em chạy theo thành tích thay vì muốn các em thật sự học tiếng Việt, mình cứ cho họ rút con họ ra.
 
Thầy hiệu trưởng tỏ vẻ không vui khi thấy tôi cứng đầu không chịu cho các em học sinh kia ra trường. Dù tôi rất muốn cho cả mười em ra trường vì các em có cố gắng nhưng thật sự tôi muốn bảy em còn lại học thêm một năm nữa để tiếng Việt các em khá hơn. Tôi cũng hiểu áp lực thầy hiệu trưởng phải hứng chịu khi cha mẹ các em học sinh không ai muốn con mình phải ở lại lớp hai lần. Tôi buồn và cảm thấy mình không hoàn thành trách nhiệm vì chỉ có ba em học đủ điểm để ra trường. Ngược lại, tôi cũng cảm thấy an ủi khi tất cả các em đều cố gắng và tiến bộ rất nhiều so với hồi đầu năm. 
 
Hai tháng hè trôi qua, tôi lại chuẩn bị bước vào năm thứ hai dạy tiếng Việt. Ngày đi họp thầy cô, thầy hiệu trưởng giao cho từng thầy cô các lớp cho năm tới. Khi đến phiên tôi, thầy ôn tồn:
 
- Năm nay trường mình cần thầy giúp huấn luyện các em đi thi tiếng Việt liên trường.
 
- Vậy em không dạy lớp năm nay?
 
Tôi ngạc nhiên vì cứ nghĩ và mong được dạy tiếp lớp năm như năm ngoái
 
Thầy hiệu trưởng lắc đầu:
 
- Nhu cầu huấn luyện các em đi thi cấp bách hơn nên mong thầy giúp dùm.
 
Tôi thất vọng nhưng đồng ý làm theo yêu cầu thầy hiệu trưởng. Huấn luyện cho các em đi thi tương đối rảnh rỗi hơn là đứng lớp vì mỗi tuần tôi chỉ tốn 30 phút cho các em. Thầy cô chủ nhiệm các em đi thi chỉ cho các em đi huấn luyện với tôi trong vòng 30 phút. Số giờ còn lại, các em phải trở về lớp học bình thường như các em khác.  Hơn nữa, các em đi thi toàn những em giỏi cho nên mọi việc cũng dễ dàng hơn. Tuy nhiệm vụ mới nhẹ nhàng hơn, tôi không cảm thấy thích bằng việc đứng lớp. 
 
Cuối năm, tôi xin thầy hiệu trưởng cho tôi thôi không dạy nữa. Tôi cảm thấy mình đã thất bại trong việc dạy tiếng Việt. Thứ nhất, chỉ có 30% học sinh của tôi trong năm đầu tiên ra trường. Thứ hai, trường tôi không giành được giải thưởng nào khi tôi dắt các em đi thi liên trường. Thứ ba, tôi không thích chuyện ba mẹ các em áp lực thầy cô phải cho con mình được lên lớp dù các em không đủ điểm. Thầy hiệu trưởng, trước áp lực của các phụ huynh, đã cho một số các em tôi dạy năm ngoái ra trường dù tôi từ chối.
 
Tôi thật sự cảm phục các thầy cô dạy tiếng Việt tại các trung tâm Việt ngữ. Tất cả là thiện nguyện viên.  Họ hy sinh cuối tuần để làm một việc không  những không lương mà còn phải đối đầu với những việc không vui như áp lực từ phụ huynh. 
 
Để kết thúc, tôi xin nhắn gởi một điều đến phụ huynh, các thầy cô và các linh mục.  Học tiếng Việt là một điều rất khó đối với các em vì trong tuần các em đi học cả ngày ở trường toàn nói và đọc tiếng Mỹ.  Về nhà thì xem TV, coi internet, nghe radio cũng toàn tiếng Mỹ.  Mỗi tuần vào nhà thờ học tiếng Việt chỉ có hai tiếng mà nhiều thầy cô lại cứ nói tiếng Mỹ với các em. Trớ trêu là sau khi học xong, lúc đi lễ, các linh mục lại giảng phúc âm cho các em bằng tiếng Mỹ. Xin các linh mục, các thầy cô và phụ huynh nói tiếng Việt với các em càng nhiều càng tốt. Các em hiểu khi chúng ta nói tiếng Việt với chúng dù các em trả lời bằng tiếng Mỹ.  Sở dĩ tôi nói điều này là vì khi dạy các em lớp năm, nhiều lúc tôi giả vờ nói xấu các em bằng tiếng Việt để thử xem các em có hiểu không và hầu như lần nào các em cũng cự lại.  Chúng ta cứ nói tiếng Việt với các em càng nhiều càng tốt. Lúc đầu các em có thể không hiểu hết 100% nhưng từ từ các em sẽ hiểu nhiều hơn. Hãy giúp gìn giữ tiếng Việt cho thế hệ tương lai bằng cách nói tiếng Việt với con em chúng ta.
 
 

Hoàng Đình Minh Long

18 tháng 3-2024

 

 

Ý kiến bạn đọc
02/07/202413:49:20
Khách
Cha mẹ bắt con cái học tiếng Việt chỉ vì không có ai giữ trẻ mà con cái không thích thì tội nghiệp con cái, nhất là thời gian phải học hết 5 lớp quá dài. Nếu mình không có thì giờ nuôi con thì không nên sinh đẻ nhiều để làm khổ chúng.
29/06/202417:45:48
Khách
Có thể nào sự không sốt sắng tham gia các lớp học Việt ngữ của học sinh người Việt chỉ xảy ra ở vài nơi, như vùng tác giả cư ngụ chăng?

Trích đoạn bài báo ở VN dưới đây cho thấy có nhu cầu học tiếng Việt ở các nước ngoài, và CSVN đã xuất cảng thứ ngôn ngữ rác rưởi của chúng đi khắp nơi :

"07/02/2024- ...Đinh Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thông tin Văn hóa, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao cho biết ngày 6 tháng 1 năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 14 phê duyệt “Đề án nâng cao hiệu quả dạy học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài”, giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Thông tin Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao Du lịch thực hiện.
Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo biên soạn, thiết kế, chế bản in và phát hành hai bộ sách “Tiếng Việt vui” và “Quê Việt”. Năm 2020, tiếp tục tổ chức biên soạn bộ sách học song ngữ Việt Anh cho trẻ em người Việt Nam ở nước ngoài.
Từ năm 2023, ngày 8 tháng 9 hằng năm được chọn làm ngày “Tôn vinh tiếng Việt” trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài với nhiều hoạt động phong phú nhằm cổ vũ khuyến khích bà con người Việt Nam ở nước ngoài học tập và sử dụng tiếng Việt.
Với rất nhiều nỗ lực cả trong và ngoài nước, việc dạy học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài trong những năm qua đã có những tín hiệu vui. Ví dụ như là một vài quốc gia có cộng đồng người Việt đông đúc, tiếng Việt đã trở thành ngôn ngữ thứ hai cho con em Việt kiều được học ở trường phổ thông.
Trong nước, theo ông Đinh Hoàng Linh, Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao đã tổ chức được rất nhiều các chương trình đào tạo, tập huấn kỹ năng giảng dạy tiếng Việt cho bà con kiều bào gồm các giáo viên, tình nguyện viên ở hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới tại Hà Nội. Trong 10 năm từ 2013 đã đào tạo được hơn 800 giáo viên, tình nguyện viên, trở thành những nòng cốt hết sức quan trọng góp phần tham gia công tác giảng dạy tiếng Việt ở các địa bàn khác nhau.
Các lớp tập huấn thường diễn ra vào tháng 8 hằng năm. Mỗi khóa tập trung khoảng 70 đến 100 bà con người Việt kiều đào tạo về kỹ năng giảng dạy tiếng Việt, bồi dưỡng các kiến thức về văn hóa và ngôn ngữ....".
27/06/202420:49:24
Khách
Cảm ơn Tác Giả một bài viết hay.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 410,105
Trong xã hội, từ thuở dựng nước, tiền nhân đã đặt người làm thầy vào vị trí rất cao trọng, chỉ sau vua, trong thứ tự Quân Sư Phụ. Với tôi, người làm thầy mang một thiên chức cao cả, vì người làm thầy có thể giúp định hình tương lai cho nhiều thế hệ tiếp nối. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có thân mẫu là người cả đời chỉ biết đến phấn trắng, bảng đen, có thân phụ vừa là sĩ quan quân đội vừa là huấn luyện viên của Cục Chính Huấn, trực thuộc Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, nên tình yêu dành cho việc giảng dạy đến với tôi thật tự nhiên, thật nhẹ nhàng....
Hồ sơ bảo lãnh cho gia đình tôi, chú Khải gửi về từ năm 1978, nhưng mãi đến cuối năm 1982, khi ba tôi được thả ra khỏi "trại cải tạo" Vĩnh Phú, thì má tôi mới xúc tiến việc nộp đơn xin xuất cảnh, diện đoàn tụ gia đình. Ở vào thời điểm đó, khi những chuyến bay chính thức rời Sài Gòn đi Mỹ, Pháp, hay Canada hãy còn lác đác như lá mùa thu, thiệt tình mà nói ai trong nhà tôi cũng đều không thấy nhen nhúm một tia hy vọng nào cả. Đi vượt biên tốn năm ba cây vàng cho một đầu người mà còn bị bắt lên bắt xuống, đằng này cả gia đình tôi lại trông mong vào tờ giấy bảo lãnh để được đi chính thức cả nhà, nghe qua như chuyện thần thoại nghìn một đêm lẻ!
Phải chăng khi ta viết về một người chết là ta giúp cho người chết không bị thời gian lãng quên?! Là cho phép người chết sống lại, cho dù trên trang giấy trừu tượng, để cảm nhận người chết đang hiện hữu với ta, gần gũi với ta trong thương nhớ mà đôi khi lúc còn sống ta lại phần nào hững hờ vì không gian và thời gian không cho phép. Tuy chết là hết, nhưng có những cái chết bi hùng, chết “đẹp” đáng ngưỡng mộ. Là những cái chết khác lạ trong đời thường. Như của Harakiri, coup de grâce/phát súng ân huệ ngoài chiến trường, tự vận của những tướng quân hay tự sát tập thể với trái lựu đạn nổ giữa niềm uất hận không muốn buông súng. Nhiều cái chết rất bình thường xẩy ra trong giấc ngủ hay đột ngột do tai nạn, và thường nhất là cái chết do các bệnh nan y, đến từ từ, với nỗi sợ hãi và đau đớn cả thể xác lẫn tinh thần, cho người bệnh và thân nhân.
Những con vật được nuôi trong nhà, gọi chung là gia cầm thì con chó được loài người thuần hóa sớm nhất từ loài sói xám và được nhắc đến nhiều trong văn học từ cổ chí kim, từ đông sang tây với những từ ngữ ngọt ngào: trung thành, tình nghĩa, khôn ngoan, thân thiện... Nhưng không hiểu tại sao người Việt mình khi giận hờn nhau thường đem con chó ra chửi: “đồ chó,” “cái mặt chó,” “cái đồ chó đẻ!”. Lúc bực bội những chuyện ngoài đường, về nhà con chó chạy ra ngoắc đuôi mừng rỡ, ông chủ lại cho nó một đá cho hả giận… mặc dù nó chẳng có tội tình gì - nó cúp đuôi, tiu nghỉu chạy trốn - chẳng hiểu tại sao (?). Trong nhà vợ chồng cãi nhau, chó là con vật đầu tiên bị mang tai họa. Vì không biết làm sao cho bớt ấm ức, bèn đá con chó, chửi con mèo… Bởi thế, mới có thành ngữ “mắng chó chửi mèo” hay “chỉ chó mắng mèo” là vậy. Thật khốn khổ cho cuộc đời con chó!
Bạn bè rủ đi “Cruise” gần nửa tháng qua ba thành phố của tiểu bang Alaska và Canada. Tôi cảm thấy ông xã không được khỏe và bản thân mình cũng vậy, nên đang còn lưỡng lự. Nhưng L (ông xã) thúc giục tôi cố gắng chuyến này bởi khó có cơ hội đi cùng với bạn bè, còn ông thì không thích đi du lịch. Hèn gì mấy năm trước hai người đến bưu điện làm thẻ passport, ông nhất định không chịu làm nhưng lại thúc giục tôi tiến hành.
Hắn mỉm cười một mình. Hắn vừa nghĩ tới hai chữ “vu vơ” mà một tác giả dùng làm tựa đề cho loạt bài viết về văn chương trong một website văn học có uy tín. Lý do là vì hắn cũng đang vu vơ về việc viết văn. Bản thân hắn không quan trọng nên những gì thuộc về hắn cũng không quan trọng. Tất cả chỉ là...vu vơ.
Lần đó gia đình chúng tôi bay qua Texas để dự lễ ra trường High School của Kevin, thằng cháu, con trai út của ông anh Tư. Đại gia đình đi thành một phái đoàn, kéo đến hội trường của trường học, nhìn đám trẻ tưng bừng nhốn nháo, hớn hở vui cười, gọi tên nhau í ới, lòng tôi cũng vui theo. Chương trình bắt đầu, cả hội trường im phăng phắc, sau các thủ tục ban đầu, các bài phát biểu của các thầy cô giáo, hiệu trưởng, là phần phát biểu cảm tưởng của người thủ khoa, valedictorian. Đó là một cậu bé Mỹ da trắng, cao ráo, khuôn mặt sáng sủa, có nụ cười thật dễ mến...
Hồi mới qua Mỹ, tiếng Mỹ dở ẹt mà Bách cũng lấy được bằng lái xe hơi trong vòng ba tuần từ ngày đặt chân xứ này. Tuần đầu lo thủ tục giấy tờ thẻ an sinh, thẻ căn cước. Tuần thứ hai đậu viết, tuần thứ ba đậu lái. Nhanh thần tốc. Thế mà sau 30 năm ở Mỹ, hắn phải thi viết hai lần, thi lái bốn lần mới đậu bằng lái xe mô-tô 1.000 phân khối Harley-Davidson. “Anh mướn cái mô-tô nhỏ 300 cc thôi cho dễ thi. Có $20 một ngày à,” người giám thị DMV vừa khuyên vừa an ủi hắn. “Hoặc anh vào trường học có $400 đô một khoá ba tuần rồi thi ở đó luôn cho dễ.” “Thank you chị nhưng đậu bằng xe nhỏ rồi chạy xe lớn chỉ có chết sớm. Tôi sẽ thi lại cho đến khi đậu.”...
Ông bà có cả thảy 9 người con. Không may, anh Tư và anh Tám mất sớm. Chị Bảy lúc nhỏ, hay bị giật kinh phong. Càng ngày, biến chứng càng trầm trọng, trở thành thần kinh, phải cho vào bệnh viện tâm thần. Cũng may, những người con còn lại đều thành đạt, nên ông bà cũng được an ủi, và đỡ cảm thấy bứt rứt khi nghe miệng đời dèm pha: “Nhà đó chắc thất đức lắm, nên con cái mới bị vậy.”
Tôi chẳng rõ hình ảnh chiếc Xích Lô len vào tâm trí tự hồi nào; lại khiến lòng tôi xao xuyến trong lần đầu nhìn loại xe đạp ba bánh này trưng bày bên ngoài một cửa hàng chuyên bán nước mía, trong khu thương mại khá sầm uất tại Little Saigon quận Cam, sau bao năm sống xa đất nước. Sau này tôi thấy ở nhiều nơi khác nữa, như ở khu mua sắm Hong Kong, trên đường Bellaire, tên Việt là đại lộ Saigon bên Houston Texas. Nơi đây có tới hai chiếc Xích Lô đặt trang trọng trước một siêu thị thật lớn, người đi qua đi lại thường dừng bước nhìn ngắm, hay chụp vài tấm ảnh. Rồi còn bao nhiêu chiếc Xích Lô sáng loáng, nhỏ nhắn xinh xinh được trưng bày ngày một nhiều thêm nơi phòng khách trong các ngôi nhà bạn hữu tôi từng có dịp ghé thăm. Tôi cảm thấy Xích Lô giống một thứ gì thân thương của người Việt Nam như lũy tre làng, con trâu, luống cày, chiếc xuồng ba lá,…
Nhạc sĩ Cung Tiến