Hôm nay,  

Đời Bỗng Quạnh Hiu

21/05/202409:38:00(Xem: 2077)

 TraiTim mua Giang Sinh

Tác giả Nguyễn Mộng Giang lần đầu tham dự chương trình VVNM. Ông sinh trưởng ở VN, nay định cư tại Hoa Kỳ. Sở thích của ông là làm thơ, viết văn, phổ nhạc. Như tác giả đã ghi, bài viết dưới đây là lời viết thay cho cha lúc còn sống để dâng linh hồn mẹ.

 

*

 

Cám ơn em người đã cho ta

Từ trên cao bước xuống cuộc đời

Chạy theo em chẳng chút nghi ngờ

Người đàn bà từ thưở xa xưa

Khai thiên lập địa chỉ mình ta

Em từ đâu làm ta điên đảo

Rời địa đàng bỏ chốn bình yên

Bon chen lăn lộn cõi hồng trần

Chốn bụi hồng tưởng mãi có em

Kiếp nhân sinh ngờ đâu ngắn ngủi

Em trở về cát bụi ngàn xưa

Ngực ta đau bởi xương bị thiếu

Chúa bẻ rời để tạo ra em

Ta ôm ngực xoa hoài nỗi nhớ

Vắng em rồi đời bỗng quạnh hiu.

 

Cụ Chúc cầm bài thơ nhớ vợ ôm lấy ngực, chao đảo đến cạnh bên cửa sổ, đưa mắt buồn bã ngó ra sau vườn. Mùa Đông lại đến, mặt trời yếu ớt, không nhô được qua khỏi các mái nhà bởi mây đen vần vũ, bầu trời u ám. Cây trơ cành trụi lá đứng sừng sửng nom cô độc đến tội nghiệp. Một cơn gió thoảng qua, chiếc lá vàng độc nhất còn sót lại trên cành vừa chao mình âm thầm rơi xuống mặt đất một cách lặng lẽ, buồn thảm như cuộc đời cụ lúc tuổi xế chiều. Cụ tự ví mình như chiếc lá vàng cô độc, không biết đến bao giờ thì nhắm mắt buông xuôi?

 

Cụ Chúc năm nay được 84 tuổi, hơn tám mươi năm cuộc đời, nổi trôi theo mệnh nước từ Bắc vào Nam rồi sang đến Mỹ. Có điều khi sang được Mỹ cụ không phải bon chen kiếm sống, bươn chải để nuôi các con ăn học như những ngày xa xưa ở VN trước năm 75 nữa. Mà các con cụ, đứa ra đi ngay lúc biến động năm 75, đứa vượt biên sau này, đứa đi đoàn tụ theo bên vợ hoặc bên chồng, đã hội nhập nhanh chóng vào xã hội mới và tự lực cánh sinh học hỏi vươn lên để ổn định đời sống rồi bảo lãnh cho vợ chồng cụ sang Mỹ đã được 12 năm, nhưng cụ bà chỉ sống được 5 năm trên đất Mỹ rồi cũng rời bỏ cụ mà đi về bên kia thế giới.

 

Thời gian đầu mới đến Mỹ cụ buồn lắm! Cụ cảm thấy vợ chồng cụ như là một gánh nặng cho gia đình con cái. Cụ nhớ quê hương, nhớ bạn bè và thoáng có chút hối hận đã bán nhà bán cửa ở VN để theo con đi đoàn tụ. Cụ từng có ý tưởng muốn quay về VN để sống, mặc dù ở nơi đó cụ chẳng làm gì ra tiền, mà cũng vẫn phải sống nhờ vào tiền của con cái từ Mỹ gởi về. Nhưng dù sao đó cũng là gia sản sự nghiệp do chính mồ hôi nước mắt của cụ tạo dựng ra và nuôi ngần ấy đứa con khôn lớn nên người. Điểm quan trọng nhất là không bị mang mặc cảm con cái phải nuôi mình.

 

Bây giờ sang Mỹ ở với con cái, cụ già rồi, ngoại ngữ thì không rành, nói tiếng Anh thì cứ tiếng Pháp mà xổ, Mỹ chẳng hiểu gì cả, lại chẳng làm gì ra tiền. Các con cụ chẳng làm gì cho cụ buồn lòng, chúng vẫn hồn nhiên và vô tư như những ngày xưa ở VN, nhưng mặc cảm ăn nhờ ở đậu làm cụ áy náy. Cụ đem chuyện muốn quay về VN nói với cụ bà, cụ bà thật là đơn giản, chẳng cần nghĩ ngợi xa xôi gì cả, chỉ cần nơi nào yên ổn không sóng gió, sống quây quần bên chồng bên con, cháu là cụ mãn nguyện rồi. Cho nên cụ ông có nói gì thì nói, cụ cứ cho là cụ ông nói đùa nên gạt phắt đi:

- Ối dào! Vẽ chuyện! Muốn về ông về một mình đi.

 

Rồi có người mách nước, chở cụ đi vay tiền GA, hai vợ chồng cụ cũng được hơn 400 đô một tháng, Ba năm sau hai cụ chính thức được hưởng tiền GA, số tiền hằng tháng tăng hơn gấp đôi, đau ốm đã có “medical” không phải bỏ tiền túi. Cụ Chúc vui mừng lắm! Cái ý tưởng quay về VN sống với cộng sản lùi dần vào dĩ vãng, cụ không còn mặc cảm nhờ vào con cái nữa, lại còn cho lại chúng tiền phòng ra cái điều cụ đây vẫn còn tự lực cánh sinh được không đến nổi là một gánh nặng cho con cháu. Cụ cảm thấy ông Trời thật là công bằng, đã đền bù lại tất cả những gì cộng sản đã cướp đi của cụ. Trải bao thời đại: Pháp, Nhật, Mỹ rồi bây giờ cũng lại... Mỹ, khoảng thời gian sống với cộng sản cụ không muốn nhớ, không thèm kể, cụ coi đó như là một cơn ác mộng. Cụ tin tưởng rằng sẽ có một ngày cộng sản phải tàn lụi, quê hương cụ sẽ chuyển mình vương lên, đồng bào cụ sẽ được hưởng tự do và no ấm như cụ đang được đền bù vậy.


Thời quốc gia, cụ ra công tằn tiện, có bao nhiêu tiền gửi hết vào nhà băng với hy vọng sau này sẽ cho hai thằng con út đi du học, nhưng con cụ chưa kịp thi tú tài thì đại nạn 75 xảy đến, bao nhiêu tiền mồ hôi nước mắt bị mất sạch. Ngay đến tiền hưu trí của cụ họ (cộng sản) cũng không phát nói gì đến tiền để dành. Họ còn chỉ thẳng vào mặt cụ mà bảo rằng: “Ông muốn đòi tiền hưu thì chạy theo thằng Thiệu mà đòi”. Bây giờ Mỹ “trả” cho cụ mỗi tháng hơn 800 đô (năm 1993) cộng lại hai cụ cũng được trên một ngàn. Cụ có phải là “bố già” của Mỹ đâu mà họ phải có bổn phận rước cụ qua nuôi ăn, nuôi mặc, chăm sóc sức khỏe lại còn phát tiền hằng tháng, há chẳng phải ông trời đang đền bù lại cho cụ đó hay sao?

 

Cụ bắt đầu quen dần với nếp sống mới, an dưỡng tuổi già bên con cái, bằng lòng với những gì mình đang có thì cụ bà lâm trọng bịnh và qua đời, để lại trong cụ nổi trống vắng và cô đơn khủng khiếp. Cụ ốm đi thấy rõ, thầm lặng và ít nói, cụ không thích ra ngoài, chỉ quanh quẩn ở trong phòng, tẩn mẫn tần mần giở lại những đồ đạc cũ của cụ bà mà rơi nước mắt, có khi cụ lại đứng trước tấm ảnh của cụ bà treo trên tường mà lẩm bẩm:                      

 

- Mợ ác lắm! Nỡ bỏ tôi một mình mà đi trước. Vợ chồng mấy chục năm trời hoạn nạn có nhau, có bao giờ tôi nghĩ mợ đi rồi tôi lại đau khổ đến như thế này đâu? Tôi nhớ mợ lắm mợ biết không? Mợ có linh thiêng về dẫn dắt tôi theo. Không có mợ tôi buồn lắm mợ ơi!

 

Cụ bà mất vào đúng ngày Giáng sinh cho nên cứ mỗi độ Đông về, cụ Chúc hay ngồi bên cửa sổ nhìn trời nhìn đất mà hồi tưởng lại những chuyện về dĩ vãng để tưởng nhớ đến cụ bà. Cụ nhớ những chuyện lẩm cà, lẩm cẩm từ đầu lâu cuối lấu, chuyện xửa xừa xưa. “Nhà nàng ở cạnh nhà tôi...”. Chính vì ở cạnh nhà nhau nên lúc trẻ cụ Chúc hay đón cụ bà ở cửa mỗi khi cụ bà đi chợ để nhờ mua hộ một xu bánh dày, một xu thì được hai chiếc bánh dày, nhưng cụ bà mua được những bốn chiếc cơ! Từ đó, ngày nào cụ cũng đưa một xu nhờ mua hộ, sợ bị mang tiếng là lợi dụng, cụ vờ nói rằng:

 

- Cô Thục mua bánh dày đậu ở đâu rẻ quá! Tôi mua họ bán đắt, một xu chỉ có hai chiếc, làm phiền cô vậy nhá!

 

Kỳ thực cụ biết tỏng là cụ bà đã bỏ thêm một xu để mua cho cụ được bốn chiếc bánh dày. Một xu bánh dày tình nghĩa này làm sao mà cụ quên cho được? Có điều cụ không nói mà thôi! Sau này cưới nhau về, kể cho nhau nghe cứ cười rúc rích cả đêm.

Hai cụ biết nhau từ những ngày còn để chỏm, chơi với nhau từ nhỏ cho đến lúc bắt đầu tuổi yêu đương. Dạo ấy tuy có tình ý với nhau và được hai gia đình chấp thuận nhưng chưa cử hành hôn lễ là vẫn phải giữ gìn, có nhớ nhau lắm thì cũng chỉ là vờ gặp nhau ở cổng làng, trao đổi dăm ba câu chào hỏi hoặc là đi về “kẻ trước người sau” ngó theo sau lưng “nàng” cho đỡ nhớ chứ có đâu được như bọn trẻ bây giờ cứ dung dăng dung dẻ công khai nắm tay nhau bày tỏ chuyện yêu thương.

 

Có một kỷ niệm hồi hai cụ chưa cưới nhau mà cụ Chúc không bao giờ quên, đó là lần gặp nhau ở cổng nhà thờ trong đêm Giáng sinh, cụ bà dúi vào tay cụ Chúc một lá thư rồi bỏ chạy mất. Cụ Chúc đọc thơ xong vừa giận vừa buồn cười, buồn cười vì biết cụ bà không được đi học, chỉ học lóm đủ để biết đọc biết viết thôi nên kiến thức không được mở mang lắm mà cứ thích “chơi chữ”, giận vì không hiểu nghĩa mà lại dám viết lên như thế. Đã thế cụ giận luôn một lèo không gặp mặt cho bõ cái tật cứ thích “làm tàng”. Cụ bà quýnh cả lên khóc sưng cả mắt. Mười ngày sau cụ hẹn cụ bà ra khóm trúc bên bờ ao cuối nhà thờ, cụ chìa lá thơ của cụ bà gửi cho cụ nói:

 

- Mở ra mà đọc đi! “Đằng í” có biết đằng í viết cái gì không? (Cứ hễ mỗi lần giận nhau, cụ chỉ đằng í này, đằng í nọ chứ không xưng anh em nữa).

 

Cụ bà sụt sịt cầm lá thơ khóc:

- Em viết cho anh hai câu thơ.

 

- Thơ như thế nào? Sao không đọc lên?

 

Cụ bà không dở lá thơ ra mà nghẹn ngào đọc trong nước mắt:

- “Trăm năm se sợi chỉ đào,

     Ngàn năm ai có tơ hào đến ai”

 

Cụ Chúc nén tức giận:

- Có hiểu nghĩa hai câu thơ ấy là gì không?

 

Cụ bà lắc đầu, cụ tức giận hỏi:

- Không hiểu nghĩa tại sao lại dám viết?

 

Cụ bà ngây thơ:

- Em thấy hay nên viết cho anh đọc.

 

Cụ tức mình “quạt” cho một mách rồi mới giải thích ý nghĩa hai câu thơ cho cụ bà nghe:

 

- “Trăm năm se sợi chỉ đào” chẳng khác nào chưởi vào mặt “tớ” đây cứ một mình mà dệt mộng đi! “Ngàn năm ai có tơ hào đến ai” có nghĩa là “đằng ý” chẳng bao giờ thèm ngó ngàng gì đến “tớ” đâu! Hiểu chưa? Rồi cụ dỗi: Thôi được rồi “đó” chẳng tơ hào gì đến “đây” thì thôi! “Tớ” đi về.

 

Cụ bà hoảng quá, hết lời xin lỗi và năn nỉ mãi cụ mới nguôi ngoai. Gá nghĩa vợ chồng với nhau sáu mươi mấy năm trời, đó là lần độc nhất cụ bà viết thư cho cụ Chúc, tuyệt đối không có lần thứ hai.

 

Bây giờ ngồi đây nghĩ lại, cụ thấy tội và thương cụ bà nhiều quá! Sinh vào thời phong kiến, con gái là không được đi học, cụ bà chỉ lén đứng được ở ngoài cửa học lóm khi ông giáo đến nhà dạy cho các anh em trai của cụ cho nên tầm hiểu biết không được rộng mở, biết đọc biết viết là may lắm rồi. Cụ bà ham học lại có tâm hồn “thi phú” như thế mà nỡ lòng nào... thay vì giải thích và chỉ dạy thêm để cụ bà đỡ tủi thì cụ lại giận xưng, giận xỉa. Thế mới biết tự ái con người kinh thật, cái “sân” nó làm mờ cả lý trí.

 

Sau này cưới nhau rồi, theo cụ ông ra tỉnh làm việc, tiếp xúc nhiều với người thành phố, lại được thêm sự dạy dỗ của cụ ông, cụ bà cũng văn minh ra. Vốn óc thông minh sẵn có cộng thêm vào sự hiếu học, cụ bà cũng biết võ vẽ vài tiếng Nhật đủ để tiếp xúc với người ngoại quốc khi cần giúp chồng.

 

Cụ Chúc buồn bã thở dài: Chóng quá! Thế mà đã hơn 60 mươi năm mà cụ cứ tưởng như mới hôm nào. Rồi cụ lại nhớ về cái đêm đầu tiên mới lấy nhau, không biết cụ bà được ai chỉ dạy, cửa phòng tân hôn vừa được khép lại, cụ bà đã nhanh chân nhảy ngay lên hai cái gối nằm ngồi đè thu lu lên đó, một chập sau mới trả lại cho cụ ông. Cụ Chúc có hỏi tại sao lại làm vậy? Nhưng cụ bà không chịu nói, mãi sau này cụ bà mới tiết lộ là bạn cụ bà chỉ, khi về nhà chồng, đêm tân hôn phải ngồi đè ngay lên cái gối nằm của người chồng trước rồi sau đó hãy cho người chồng... nằm. Làm như vậy mình sẽ không bị người chồng ăn hiếp, cụ Chúc cứ cười mãi cái tính tin dị đoan của cụ bà.

 

Ôi! Người vợ đầu ấp tay gối, hơn 60 năm gắn bó vợ chồng, biết bao ngọt bùi cay đắng. Sướng khổ gì cũng chia nhau, thoáng chốc đã trở về hư không. Nhớ dạo mới sang Mỹ, cụ bà còn khỏe mạnh, hai cụ cứ dắt nhau đi bộ “exercise” xung quanh khu phố nhà cho nó khỏe.

Đi được một dạo, cụ ông chán vì không đi được xa, cụ lấy xe đạp đi cho biết đó biết đây. Cụ bà không biết đạp xe nên chỉ đi bộ xung quanh gần nhà, một hôm cụ bà đi đến công viên gần nhà, gặp một bà Mỹ già cũng đi bộ như cụ nhưng lại đội cái nón bằng vải đã sờn cũ. Bà Mỹ già đến bên ghế đá, ngã nón ra cầm trên tay ngồi nghỉ, cụ bà đi ngang qua, móc trong túi lấy ra một đô la bỏ vào cái nón của bà Mỹ già. Bà Mỹ già không chịu nhận, lấy một đồng trả lại cho cụ bà, vì không biết tiếng Anh nên cụ bà chỉ lắc đầu ra dấu bảo bà Mỹ hãy cất đi rồi cụ đi về. Bà Mỹ cầm một đồng đô la mà cứ ngẩn tò te không biết cụ bà muốn làm cái gì?

 

Về đến nhà, cụ bà khoe với cụ ông có vẻ hãnh diện lắm:

- Tôi đi bộ, gặp một bà Mỹ ăn xin, tôi cho một đồng đô la, chắc bà ấy thích lắm nhỉ? Thế nào cũng khen: Người Việt Nam tốt quá! 

 

Cụ Chúc hỏi:

- Sao mợ biết đấy là người ăn xin?

 

- Tôi thấy bà ấy ngã cái nón rách cầm trên tay, không ăn xin thì là gì nữa?

 

Hôm sau cụ Chúc theo vợ đi bộ để xem mặt “người ăn xin” thì cũng gặp đúng ngay bà Mỹ già hôm qua, lần này bà cũng dắt theo đức ông chồng đi chung. Gặp lại cụ bà, bà Mỹ già mừng rỡ, nắm lấy tay cụ bà “xổ” cho một tràng tiếng Anh và trả lại một đồng cho cụ nói “thank you”.

 

Cụ ông về kể lại cho con cháu nghe, mọi người rũ ra mà cười, cụ bà cũng cười theo. Từ đó, mỗi lần thấy ai đội cái nón hơi cũ một tí là cụ Chúc lại trêu cụ bà:       

 - Này cái nón của ông cũ quá rồi đấy! Nếu để nhà tôi nhìn thấy, thể nào nhà tôi cũng móc tiền cho.

 

Người khách không hiểu hỏi tại sao? Thì cụ liền kể lại câu chuyện trên cho họ nghe, ai cũng ôm bụng mà cười.

 

Đông qua rồi Đông lại về, điệp khúc thời gian cứ lặp đi lặp lại. Cụ bà mất đã được 6 mùa Giáng sinh, cụ Chúc vẫn trường thọ với cuộc đời, nhưng cụ chẳng ham sống một tí nào chỉ mong chóng được đi theo cụ bà, bởi sống mà ngày nào cũng một vốc thuốc vào mồm với đủ thứ bịnh già: “Cholesterol”, tiểu đường, cao máu, tim, bây giờ lại thêm hỏng thận, cụ chán lắm!

 

Có lần cụ tung hê tất cả thuốc vào sọt rác nói:

- Để cho “nó” chết.

 

Các con cụ phải xúm vào giải thích:

 

- Nếu để “cho nó chết” được dễ dàng như thế thì nói làm gì bố! Chỉ sợ nó không chết, mà nó vật cho bố ngất ngư nằm liệt một chỗ thì bố nghĩ sao? Mẹ ở trên trời chắc chắn cũng không bao giờ muốn nhìn thấy bố bị như thế. “Sinh, lão, bịnh, tử” là luật tự nhiên, thế nào cũng phải người đi trước, kẻ đi sau. Có sinh ắt có diệt, bố phải chấp nhận sự thật mà sống cho bình thường chứ! Nhớ đến Mẹ bố hãy đọc kinh, chẳng lẽ bố muốn mẹ đi rồi mà vẫn không được yên lòng vì bố hay sao?

 

Cụ Chúc nghe có lý hay tại cụ sợ nằm một chỗ dở sống dở chết  kéo dài hết năm này qua tháng nọ như các cụ già mà cụ đã nhìn thấy trong “nursing home”? Sau đó thấy cụ cũng dần dần bình thường trở lại, chịu ăn, chịu uống, chịu săn sóc lấy mình. Duy có một điều cụ vẫn không chịu đi đây đi đó cho nó khuây khỏa, chỉ quanh quẩn trong cái “thế giới” của riêng mình với những trang nhật ký, những vần thơ nhớ vợ mà thôi.

 

Mùa Đông thứ sáu kể từ khi cụ bà bỏ cụ mà đi, sức khỏe cụ Chúc có phần sút giảm đi nhiều sau hai lần cấp cứu vì cơn “heart attack”. Cụ bắt đầu ăn uống thất thường và ngủ không ra giờ giấc.

 

Đêm Noel người ta tưng bừng, náo nhiệt chào đón Chúa hài đồng thì cụ một mình ngồi vò võ trong phòng, âm thầm tưởng nhớ lại cái đêm hấp hối của cụ bà trong bệnh viện mùa Giáng sinh năm nào mà nát cả tâm can.

 

Sáng 25, mở choàng mắt dậy, việc đầu tiên cụ làm là xem đồng hồ, 7 giờ 15 am là giờ cụ bà tắt nghỉ cách đây 6 mùa Noel. Cụ Chúc đau đớn vò nát bài thơ nhớ vợ cầm trong tay, ôm lấy ngực gục xuống thành cửa sổ mà rên rỉ:

 

- Ối! Mợ ơi! Giờ này mợ đang ở đâu? Quả “vắng mợ rồi đời rất quạnh hiu.”

 

Nguyễn Mộng Giang

Ý kiến bạn đọc
08/07/202419:57:10
Khách
Cảm ơn Tác giả một bài viết hay.
31/05/202412:59:41
Khách
Mỹ tự xưng chống Cộng Sản để xúi dục các tuớng lãnh VNCH bỏ thuơng thuyết hồi 1963 để đánh CS như ng rồi đến 1973 thì Mỹ bỏ chống CS, họ bắt tay với CS bắt VNCH phải chấp nhận quân CS tại miền Nam, bác bỏ viện trợ cho VNCH năm 1975, lại còn chống nhập cư nguời Việt tị nạn, phản bội cam kết như chúng ta đã thấy. Mỹ dụ dỗ nguời dân tộc thiểu số tại cao nguyên và Lào tham gia chống CS gia nhập LL Dân Sự Chiến Ðấu, biệt kích nhưng khi Mỹ rút thì bỏ họ lại sau lưng không di tản, chỉ di tản nguời kinh VN. Những nguời thiểu số xưa sống vê` săn nắn trồng trọt, Mỹ đến cho họ gạo muối để họ cầm súng đánh CS, khi Mỹ rút thì thế hệ trẻ nguời Hmong không còn biết săn bắn vì không có súng đạn, và không biết trồng trọt mà trực thăng Mỹ hết tiếp tế nên bị đói. Nguời Thuợng bị Mỹ dụ dỗ theo đạo Tin Lành, khi Mỹ rút thì họ vẫn giữ đạo nhưng bị Cộng sản cấm và giam tù, Mỹ không can thiệp cho họ, một số chạy qua Thái Lan vì bị cấm Tin Lành nhưng Mỹ không nhận họ tị nạn mà nhận những con cháu bác Hồ bị CS truy tố như Mẹ Nấm. Bây giờ thì dân VN khó thoát khỏi ách Cộng Sản vì Mỹ muốn duy trì chế độ CS để bóc lột nhân công VN giá rẻ thay thế nhân công TQ và để VN làm tiền đồn chống TQ bành truớng về phía Mã Lai, Nam Duơng và Úc vi` CSVN rất giỏi về chiến tranh. Biệt Kích VNCH Nguyễn văn Hinh sau khi ra khỏi cải tạo vuợt biên nhưng từ chối định cư ở Mỹ chỉ vì ông thấy Mỹ phản bội VNCH. Xin đọc các sách của TS Nguyễn Tiến Hưng. Cựu chiến binh Mỹ trở về từ chiến tranh VN cũng cảm thấy bị chánh phủ Mỹ phản bội.
28/05/202414:08:31
Khách
"Chỉ có dân VN bị Mỹ và Cộng Sản luờng gạt treo đầu dê bán thịt chó."
Mỹ luờng gạt gì ???
23/05/202413:21:58
Khách
Vũ trụ sắc sắc không không, cái gì đã có thì sẽ mất, và con nguời từ cát bụi rồi cũng trở về cát bụi. Khi mất cái gì mình thích thì sinh ra thuơng tiếc, nên những ai chịu bỏ tất cả cái mình có như nguời tu hành thì không có gì để mất ngoài bản thân trở về cát bụi. Nhưng mấy ai giác ngộ dám từ bỏ tất cả để đắc đạo?
Con nguời do bản năng thích sở hữu tích luỹ nên sinh ra "tham sân si". Chiến tranh do thực dân gây ra trong thế kỷ 19 và 20 gây tang tóc và hậu quả khủng khiếp cho nhân loại. Nếu thực dân Pháp không tham lam ham muốn của cải thuộc địa thì Việt Nam đã không có chinh chiến điêu linh và rơi vào tay Cộng Sản. Nếu các nuớc thực dân Tây Phuơng không xâm chiếm Trung Ðông làm thuộc địa và không can thiệp vào Trung Ðông thì có thể tránh khỏi khủng bố A Rập. Việt Minh dùng khủng bố đánh đuổi Pháp, dân Algerie dùng khủng bố để dành độc lập, và dân Palestine cũng dùng khủng bố để mong có ngày đuợc độc lập. Việt Nam và Palestine đều tranh đấu giành độc lập sau thế chiến II, nhưng VN thành công là nhờ VN ruớc quỷ đánh ma, trở thành Cộng Sản để đánh thực dân. Nếu Palestine chịu bán linh hồn cho quỷ Cộng sản thì ho đã đánh đuổi đuợc thực dân dành đuợc độc lập như VN.
Mỹ đang bị cô lập vì 139 quốc gia trên thế giới thưà nhận Palestine rồi nay có thêm 3 quốc gia là Na Uy, Tây Ban Nha, và Ái Nhĩ Lan tham gia thưà nhận Palestine là quốc gia trong khi Mỹ không chịu thưà nhận cho Palestine độc lập. Theo luật sắc sắc không không, thực dân Tây Phuơng dù bị đưa ra toà án thế giới vì tội ác chiến tranh gây bể khổ nghiệp báo để làm giàu nhờ thuộc địa nhưng rồi sẽ mất hết thuộc địa và tài sản. Không có thuộc địa, Âu châu trở nên nghèo hơn các nuớc không thực dân như Úc, Canada, Hongkong, Singapore, và Ðài Loan.
Nhìn vào bang giao Mỹ Việt vàMỹ ào ạt đầu tư vào VN cho thấy rõ ràng Mỹ không chống Cộng sản, và Cộng Sản VN cũng không chống tư bản Mỹ, Hàn, Ðài Loan, bóc lột nhân công VN . Chỉ có dân VN bị Mỹ và Cộng Sản luờng gạt treo đầu dê bán thịt chó.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 410,463
Chúng tôi đến phim trường khoảng năm giờ chiều, một tiếng trước giờ quay. Khoảng ba mươi phút sau, đạo diễn chương trình bước lên sân khấu để giúp mọi người làm nóng chuẩn bị cho buổi quay. Ông đạo diễn dặn rằng nếu thấy cái bảng đèn điện có chữ "Applause", mọi người khán giả chúng tôi nhớ vỗ tay thật lớn. Nếu cái bảng "Noise" chớp đèn, chúng tôi nhớ la hét điên cuồng. Nếu bảng "Stand" chớp đèn, mọi người nhớ đứng lên. Vì là lần đầu tiên được tham gia chương trình ghi hình trực tiếp, tôi không hiểu tại sao đạo diễn dặn chúng tôi những điều này để làm gì. Tôi cảm thấy buồn cười khi đạo diễn ra hiệu cho nhân viên điều khiển ba cái bảng trên lần lượt chớp để chúng tôi thực tập. Chúng tôi ngoan ngoãn làm theo: hết vỗ tay đến la hét rồi đứng lên. Khi chương trình quay hình bắt đầu, cả ba cái bảng đều chớp lia lịa ngay lúc Dennis Miller bước ra sân khấu. Tất cả mọi người trong trường quay đều đứng lên, vừa la hét vừa vỗ tay long trời lở đất.
- Ôi, tội nghiệp quá. Rồi sao nữa chị? - Mẹ của Lộc muốn em làm theo ý của mình là học ngành điện toán hay khoa học, nhưng Lộc lại giấu mẹ theo học về hội họa. Sau khi mẹ em biết được, bà buồn, thất vọng và có thể chì chiết gì đó nên Lộc đã mua súng để tự bắn mình. - Chuyện xảy ra khi nào vậy chị? - Cách đây vài tuần. Sau lễ Thanksgiving. - Trời!
Thời gian vụt như thoi đưa ngoài khung cửa. Mới đầu Tết Quý Mão đó mà bây giờ đã sắp hết năm chuẩn bị đón xuân Giáp Thìn. Mấy hôm nay được nhiều nơi biếu lịch, tôi ngạc nhiên chỉ thấy in toàn hình con Mèo mà không phải con Rồng. Vào ông Google tìm hiểu thắc mắc của mình nhưng không thấy trang Web nào đề cập. Nhìn hình lịch toàn những con Mèo đen, trắng, xám, nâu thật xinh” thì ra con Mèo được người ta quý trọng như vậy. Tôi nghĩ đến ông chồng tuổi Mão, bất ngờ cảm hứng muốn viết đôi điều về người chồng đã chung sống với mình gần 40 năm...Xin phép cho tôi được gọi Chàng là con Mèo cho gọn. Con Mèo này không hề phá làng phá xóm hay làm mất lòng ai, nên được bà con thương mến cảm tình.
Năm 2023 đã qua đi và để lại cho thế giới cũng như Hoa Kỳ những hệ lụy, những biến động vì thiên tai, biến đổi khí hậu, tác động của Covid-19, lạm phát tăng cao, kinh tế trì trệ và cả chiến tranh, các cuộc xung đột của Nga - Ukraine và Palestine - Israel. Năm qua, bang California chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ của vấn nạn trộm cướp, đập phá, đặc biệt là những vụ bạo lực gây náo động xã hội. Các công ty, doanh nghiệp bán lẻ ghi nhận sự gia tăng đáng kể về tổn thất tài chính liên quan đến nạn trộm cắp. Các công ty, doanh nghiệp bán lẻ đã phải tăng cường đội ngũ an ninh, thuê thêm nhân viên bảo vệ, thay đổi sản phẩm, cất giữ hàng hóa có giá trị trong các hộp khóa, giảm giờ hoạt động hoặc buộc phải đóng cửa các cơ sở, cửa hàng.
Tổng Thống Abraham Lincoln đã có một câu nói nổi tiếng: You can fool all of the people some of time; you can fool some of the people all of the time, but you can't fool all the people all the time.” Tạm dịch: Bạn có thể đánh lừa tất cả mọi người một lúc nào đó; bạn có thể lừa dối một vài người nhiều lần, nhưng bạn không thể lừa dối tất cả mọi người mãi được”. Nhà Phật có thuyết nhân qủa, trong Thánh Kinh Thiên Chúa nói: Điều gì con không muốn người ta làm cho mình thì đừng làm cho người ta. Đó là những ràng buộc tâm linh về lẽ công bằng. Hướng dẫn mọi người hãy cố sống cho phải đạo.
Hôm nay tôi có họp và tiệc cuối năm với cấp trên, có cả màn ảo thuật đặc biệt giúp vui ở phần cuối nên buổi tiệc kết thúc hơi trễ, mãi 9 giờ tối mới lò mò về. Khi lái xe về gần đến nhà, tôi nhớ ra hôm nay cũng là ngày trong tuần County đi lấy rác. Mùa đông trời tối sớm. Thời tiết mấy hổm rày lại nhiều gió và lạnh âm độ C, nên thật nhát ra ngoài trời. Tôi tưởng tượng sau khi mang cặp giỏ đi làm vào nhà, tôi sẽ phải đẩy hai thùng rác vào trong. Nhưng khi đến nhà, tôi ngạc nhiên không thấy thùng rác của mình nằm bên lề đường đợi. Lái xe vào sâu bên trong driveway thì thấy thùng rác đã nằm ngay ngắn ở chỗ của chúng.
Tâm hồn đang mơ say với giấc mộng đẹp còn vương lại từ đêm hôm qua. Bỗng nghe tiếng gọi của dì Thu, tôi giật mình tỉnh giấc rồi mà lòng vẫn còn luyến tiếc mộng mị an lành vừa thoáng tan đi. Chợt nhớ lại, hôm nay Huấn sẽ đến đón hai dì cháu chúng tôi đi biển. Sau nhiều lần chàng mời, dì Thu cứ nấn ná mãi cho đến gần ngày lễ ra trường của tôi, dì mới nhận lời để cả hai dì cháu đi chơi chung với anh hôm nay, và dì cháu tôi cũng nhận lời mời sẽ đến thăm gia đình bên ấy nhân ngày đọc kinh giỗ cho cha của chàng vào thứ bảy tuần tới.
Anh Nghê Minh Hiệp sinh và lớn lên tại Saigon, trong một gia đình có thân phụ là một sĩ quan từng phục vụ các Sư Đoàn 7, 9, 21 Bộ Binh, với chức vụ sau cùng là Thiếu Tá thuộc SĐ 21 BB, và 3 người anh em cũng là quân nhân, với người anh cả phục vụ trong Tiểu Đoàn 35 Biệt Động Quân, người anh kế là một phi công trực thăng, và người em rể cũng là một phi công trực thăng vỏ trang – cả 2 người này đều tốt nghiệp phi hành từ Hoa Kỳ. Do sống gần thân phụ, Hiệp chuyển trường nhiều lần, học qua các trường trung học Vĩnh Bình và trung học Tống Phước Hiệp, ở Vĩnh Long. Sau khi đậu Tú Tài vào năm 1968, Hiệp tình nguyện đầu quân vào Không Quân VNCH khi anh vừa tròn tuổi 19. Vào năm 1969, Hiệp được gởi sang Hoa Kỳ học bay. Tháng 11, năm 1971, sau khi hoàn tất chương trình học lái máy bay phản lực trong một năm rưỡi, Hiệp trở về Việt Nam, và được đưa ra Đà Nẵng phục vu Phi Đoàn 516, lái khu trục phản lực A 37. Cuối năm 1972, Hiệp được điều vào Biên Hòa học lái chiến đấu cơ phản lực F5. Xong khóa học
Ngày đầu năm, năm đó, cả nhà cô Ba gồm mười mấy người lớn nhỏ ra tiệm ăn cơm Tàu. Đại gia đình sống trong một thành phố nhỏ, chỉ có mỗi nhà hàng Tàu này mà thôi. Tiệm đắc lắm, có món lạp xưởng hết sẩy, đang thèm mà. Trong tiệm đầy khách ăn nói xôn xao vui vẻ. Sự ồn ào y như mấy quán ăn hồi còn ở Việt Nam. Làm như tất cả những những người gốc Á Đông sống xung quanh đều tụ lại đây hay sao ta? Đang ăn, bỗng dưng cô Ba thấy quặn đau một cái, ngưng nhai, đợi, rồi tỉnh bơ nhai tiếp. Đau quặn thêm cái nữa, cũng đợi, ngừng tay gắp, làm thinh, chịu đau.
Những lời thằng Eddie chạm vào điểm nhạy cảm của Steven, điều nó nói cũng là ý nghĩ vốn có trong đầu Steven. Người Việt hải ngoại không còn mấy ai đọc sách, tầng lớp trí thức gốc Việt chỉ đọc sách tiếng Anh có liên quan đến vấn đề chuyên môn của công việc, lớp trẻ sanh ra hay lớn lên ở hải ngoại chỉ đọc sách tiếng Anh vì đâu đọc được tiếng Việt. Tầng lớp bình dân làm móng, lao động tay chân thì không đọc sách dù là tiếng Anh hay tiếng Việt, cả đời không đụng đến sách báo. May ra chỉ còn một số ít ỏi yêu thích văn chương là chịu đọc. Sách tiếng Việt ở hải ngoại coi như cùng đường, đang thoi thóp hấp hối. Sách có in ra thì cũng chỉ để tặng quanh quẩn một nhóm người trong giới viết lách, yêu thích văn chương. Sách phát hành trên Amazon cũng chỉ để khoe mẽ cho vui chứ có ma nào mua. Viết lách chẳng những không được gì mà còn phải tốn tiền làm bìa, tiền dàn trang, tiền in, tiền để được lên mạng Amazon… Một thực tế đen tối và phũ phàng nhưng người viết vẫn cặm cụi, vẫn miệt mài. Viết là nỗi
Nhạc sĩ Cung Tiến