Hôm nay,  

Giao Thừa

09/02/202400:00:00(Xem: 6213)

Giao Thưa_Ann Phong
Tranh Ann phong
 
Đến với đất nước này không chỉ có niềm vui, mà còn có dòng nước mắt.
 
Nhân vật trong câu chuyện tôi đã đổi tên. Nhưng giá mà, tôi có thể thay đổi được cả cuộc đời cho em.
 
Thả chiếc bánh tét cuối cùng vào nồi, mợ Hai phủi tay đứng dậy.

— Phần mợ xong rồi đó. Tụi bây chia nhau thức canh nồi bánh nghe.

Nhi dạ một tiếng đáp lời mợ. 

Quang tranh thủ chớp ngay thời cơ:

—  Có gì ăn để khỏi buồn ngủ không mợ?

Mợ hai cười dễ dãi:

— Cái thằng này chỉ ăn là giỏi. Nhi vào lấy đậu, đường trong bếp ra nấu chè cho tụi bạn ăn đi con.

Thà từ ngoài vườn bước vào, quăng mạnh bó tàu lá dừa xuống đất.

Thấy Nhi đang lúi húi nạo dừa, Thà đi đến giành lấy bàn nạo:

— Để tui làm cho. Nhi nghỉ tay đi.

Có tiếng Lài “e hèm“ liền sau câu nói của Thà.

Đang cúi xuống thổi lửa nấu chè, Linh cũng ngước lên:

— Nè, sao không ai giúp đỡ tui với Lài hết vậy?

Thà lúng túng giải thích:

— Tại tui thấy từ sáng tới giờ Nhi làm việc không ngơi tay, nên muốn làm giùm chút thôi.

Quang tỏ vẻ ga lăng:

— Mấy bà cần gì nói tui giúp cho.

Linh xua tay:

—  Thôi, nhờ ông nấu chè chắc tụi tui nhịn ăn luôn.

Mọi người cùng phì cười. Quang quê độ, cũng toét miệng cười theo.

Nồi chè chẳng mấy chốc đã chín, tỏa mùi thơm lừng. Mỗi người múc một chén, ngồi trên thềm nhà nhâm nhi.

— Năm nay nghe nói hội chợ lớn lắm.  Mồng hai tụi mình đi chơi nghe.

Câu chuyện sôi nổi hẳn sau câu nói của Lài. Ai cũng háo hức bàn tính về cuộc du xuân sắp đến mà không để ý đến sự vắng mặt của Quang, cho đến khi hắn ta trở về, khệ nệ ôm một đống bắp. 

Nhi hốt hoảng la khe khẽ:

— Mợ hai mà biết thì chết cả bọn đó.

Quang cười hì:

— Tết nhất mợ hai không chửi đâu.

Thà lắc đầu :

— Cái thằng này... Hết biết mày luôn.

Linh thực tế nhất:

— Thôi lỡ rồi. Mình nướng luôn đi.

Được lời như cởi tấm lòng, Quang xăng xái lấy que cời lửa, vùi bắp vào nướng.

Đêm ba mươi trời thật tối. Thấp thoáng bên hàng rào quây bằng những bụi cây kim quất , lung linh hàng trăm con đom đóm. Nhi vờn bàn tay theo một đốm sáng và khẽ khàng khép lại.  He hé qua kẽ tay Nhi, có vầng ánh sáng nho nhỏ lấp lánh.

Thà bước đến cạnh Nhi. Gió thổi những sợi tóc Nhi bay bay, vương trên vai áo, vương trên mặt Thà. Thoang thoảng hương hoa, không biết là từ mái tóc Nhi hay từ những hoa  bưởi nở trắng trong vườn.

— Hè này tui sẽ tốt nghiệp. Ba má hứa sẽ cho tui hai vuông tôm, để ứng dụng kiến thức vào thực tế.  Tiếng Thà cất nhẹ bên tai Nhi.

— Nếu thành công, tui sẽ đầu tư thêm hai, ba vuông tôm nữa...

— Nhiều việc lắm đó, Thà có kham nổi không?

Thà ngập ngừng:

— Lúc đó Nhi... có bằng lòng phụ tui không?

Nhi bối rối im lặng.  Mái tóc đong đưa theo cái gật đầu rất khẽ.

Thà nói tiếp những ước mơ mình ấp ủ:

— Rồi tui.... Rồi Thà sẽ dành dụm mua một mảnh vườn nhỏ, nhỏ thôi... Thà sẽ trồng một hàng rào kim quất như thế này, để Nhi có thể ngắm đom đóm mỗi đêm.

Nhi mở bàn tay ra, thả cho đom đóm bay lên. Chung quanh Thà và Nhi bây giờ là những tia sáng chấp chới lượn bay, ngỡ chừng như muôn vàn vì sao rơi lấp lánh.

Khói trầm hương quyện trong không gian ngào ngạt. Hình như đã sang giao thừa, thời khắc chuyển giao thiêng liêng của đất trời.
    
Mùng hai tết.

Mọi việc không như dự định, Nhi phải ở nhà để đón khách.

Tâm trạng không vui, Nhi chẳng buồn hỏi khách là ai, chỉ lẳng lặng giúp mợ hai chuẩn bị ấm nước, trà mứt bày ra bàn.
 
Chợt có tiếng con Mực sủa inh ỏi trước sân. 

Mợ hai đon đả bước ra :

— Suỵt, im nè Mực. 

— Dạ mời mọi người vào nhà. Con Mực coi vậy chứ khôn lắm. Nó không cắn bậy đâu.

Khách gồm hai người, một bà lớn tuổi và một ông trung niên.  Họ chưa vội vào nhà, vì còn bận ngắm khoảng sân đầy mai vàng. Những cành cây khẳng khiu vươn lên từ các cội mai như những cánh tay xoè ra đơm đầy hoa vàng rực rỡ. Nắng ban mai trải đều lên khoảng vườn một màu vàng óng ánh. Thỉnh thoảng ,ngọn gió xuân vờn qua làm rung khẽ những cánh mai.

Khách tấm tắc khen:

— Chà, mai nở đẹp quá. Điềm tốt lắm đó nghe.

— Dạ, cũng mong là như vậy. 

— Chắc chắn rồi chứ còn gì nữa. Mai nở rực là điềm đại hỉ rồi.

Khách khẳng định lại một lần nữa, trước khi theo mợ hai bước vào.

Mọi người vừa ngồi xuống, thì ông khách liền nhanh nhảu bày quà ra đầy bàn: 

— Dạ con có chút quà phương xa biếu gia đình. Hộp sâm này dành cho bà. Chai rượu phần cậu. Dầu thơm là phần mợ. Và khăn choàng là của em gái.

— Con chu đáo quá. Mà bày vẽ làm chi cho tốn kém.

— Đâu đáng gì đâu mợ. Con chỉ mua ước chừng thôi. Mai mốt quen rồi, con sẽ mua nhiều thứ khác nữa, đúng ý nhà mình hơn. Bên Mỹ hàng hoá thiếu gì.
Mợ cười hài lòng và quay vào gọi Nhi:

— Nhi đâu ra chào khách nè con. 

Nhi rón rén bước ra , cúi đầu:

— Con chào bà . Con chào chú.

Người đàn ông cười ngượng nghịu:

— Em cứ kêu anh là anh Thanh cho thân tình.

Bà khách nói đỡ vào:

— Thằng Thanh cháu tôi lành lắm. Từ trước tới giờ chỉ biết học rồi làm việc miết. Lần này ,gia đình bàn vô lắm mới chịu về tìm một chỗ ưng ý để gầy dựng đó.

Mợ hai cười bãi buôi:

— Anh đã nói vậy thì con gọi anh đi.

Nhi lí nhí:

— Dạ, chú lớn vậy, con gọi bằng anh thấy kỳ kỳ...

— Em cứ gọi riết rồi quen. Bên Mỹ người ta dễ xưng hô hơn bên mình. Cứ you và me là gọn bâng. Người đàn ông tiếp lời Nhi.

Mợ hai giục Nhi rót trà thêm cho khách. 

— Cũng thưa qua với dì Tư và cháu Thanh. Vợ chồng tôi hiếm muộn, thương con Nhi mồ côi mồ cút, nên nuôi như con. Bận cháu nó hết cấp ba, thì ngoại bệnh nặng, nên cháu phải ở nhà lo cho ngoại. Vì vậy việc học lỡ dở.

Thanh bắt chuyện với Nhi:

— Lúc đó em định thi vào đâu?

— Dạ... trường y. Nhi lúng túng trả lời trống không.

— Tưởng gì khó. Bên Mỹ ngành Nurse rất dễ kiếm việc. Em mà qua đó, anh sẽ lo cho em đi học lại mấy hồi.

Bà khách, dì Tư của Thanh hỉ hả:

— Hai đứa mà kết hợp thì cuộc sống ổn định luôn đó. Có nhà cửa, xe hơi, lại sống ở xứ Mỹ nè. Chồng là kỹ sư...

Chợt quên,  bà quay sang hỏi Thanh:

— Kỹ sư gì vậy con?

—  Dạ, Kỹ sư nông nghiệp .

— Ừ, thằng chồng là kỹ sư nông nghiệp. Con vợ làm y tá. Đố ai mà hơn tụi bây được.

— Dạ... Thanh nhìn Nhi rồi nhìn sang mợ hai:

— Dạ, hôm nay gia đình con qua đây chúc tết và tiện thể xin nhà mình cho ra mồng làm đám hỏi luôn. Xong con về Mỹ lo thủ tục bảo lãnh em Nhi liền.
Ngoại ngồi bên vạc bên kia thảng thốt:

— Cái gì cũng từ từ... Chuyện lớn mà hấp tấp quá vậy bây.

Dì Tư nói như phân bua:

— Gia đình con biết là cận ngày lắm. Nhưng cháu Thanh nó ở xa xôi . Xin nhà mình châm chước. Vả lại, làm sớm thì vợ chồng đoàn tụ sớm.

Cậu hai khoác tay:

— Thì biết vậy. Nhưng vợ chồng là chuyện cả đời, cũng phải để hai đứa tìm hiểu nhau trước đã.

Mợ hai kín đáo đá vào chân chồng, rồi hắng giọng:

— Hồi xưa tui với ông có biết trước đâu, mà cũng sống chung tới giờ này. 

Quay sang ngoại, mợ nhỏ nhẹ thuyết phục:

— Đàng trai họ có ý thương con Nhi, thì mình cũng thông cảm hoàn cảnh đi lại khó khăn của họ, cho mọi chuyện xuôi chảy nghe má. Với lại, ông bà mình vẫn nói, cưới vợ thì cưới liền tay mà.

Cả xóm, ai cũng biết trong gia đình này, mọi chuyện đều do mợ hai sắp đặt.  Nên chỉ cần nghe tới đó, Dì tư và Thanh cùng thở phào như trút được mối lo. 

Dì tư hớn hở ra mặt:

— Dạ, vậy xin cảm ơn bà và cậu mợ . Đầu năm đầu tháng hỉ sự hanh thông, là phước phần mấy đời của thằng Thanh nhà chúng  tôi.
 
*
 
Cuộc sống mới đầy ngỡ ngàng, khác xa những gì Thanh đã nói với gia đình Nhi.

Nơi vợ chồng Nhi sống là một basement, thuê lại của cô chú Linh, chủ nhà. Họ cho thuê với giá bốn trăm đô một tháng.

Thanh dành buổi sáng đầu tiên chở Nhi đi chợ.

Ngày hôm sau Thanh dậy sớm đi làm. Anh kêu Nhi lấy cái áo kaki và quần jean cũ.

Nhi ngạc nhiên nhìn chồng , thắc mắc nhưng không dám hỏi.

Thanh mở tủ lấy cuốc , xẻng, máy móc lỉnh kỉnh... cho vào cốp xe rồi dặn vợ:

— Anh đi làm , chiều mới về. Em tự ăn trưa một mình nghe.

Nhi gật đầu với chồng:

— Dạ, anh đi làm.

Nhi thờ thẩn trước sân, cho đến lúc xe chồng khuất sau ngã rẽ. Vừa định quay vào, thì cô chủ nhà đã vẫy tay gọi Nhi:

— Cháu mới qua hả, vào nhà chơi với cô một lát.

Nhi chào cô:

— Dạ, con tên Nhi. Còn cô là cô Linh phải không?

— Ừ. Ai ngờ thằng làm vườn như thằng Thanh mà có vợ trẻ đẹp thiệt.

Nhi ngạc nhiên hỏi lại cô:

— Ủa, anh Thanh làm vườn hả cô?

—Thì hồi nào tới giờ Cô biết nó làm vườn làm cỏ cho nhà người ta. Mà nó không nói với con sao?

Nhi bối rối cúi xuống nhìn những ngón chân của mình:


— Dạ, ảnh nói với nhà con ảnh là kỹ sư nông nghiệp.

— Kỹ sư cái gì thằng đó. Vậy là con bị nó gạt rồi.

Cô Linh chép miệng:

— Thôi, con qua đây,  thì liệu kiếm gì mà làm. Chứ trông nhờ đồng lương ba cọc ba đồng của thằng chồng con thì mùa đông có mà húp cháo.

Nhi lí nhí nói cảm ơn cô, rồi vào nhà.

Cả ngày, Nhi không thiết ăn uống gì. Cảm giác lẻ loi và xa lạ làm Nhi nhớ nhà quá đỗi.

Buổi chiều Thanh về.

Vừa bước vào nhà, nhìn Nhi ngồi ủ rũ, Thanh lớn giọng:

— Thấy chồng về mà không mừng, cái mặt như đưa đám.

Nhi lẳng lặng đứng dậy, hâm nóng lại đồ ăn, bày ra bàn.

Thanh lùa một loáng hết chén cơm. Thấy Nhi vẫn còn chống đũa, anh hất hàm :

— Ăn đi chứ.

Nhi đem thắc mắc hỏi chồng:

— Sao anh nói dối em?

— Chuyện gì?

— Anh làm cỏ cho người ta mà...

Thanh khó chịu, ngắt ngang :

— Ừ, tôi là thằng cắt cỏ đó. Xấu hổ cho cô lắm hả?

Nhi nhỏ nhẹ:

— Em không có ý như vậy. Nhưng vợ chồng mình nên thành thật với nhau.

— Nếu tôi không nói vậy sao nhà cô chịu gã cô cho tôi. Mà nè, tôi đi làm thì đóng cửa ở trong nhà. Đừng lê la tám chuyện với người này người nọ. Mấy người nhiều chuyện là biết tay tôi.

Câu sau anh cố tình hét lớn cho trên nhà nghe. Nhi co người lại trước thái độ hung hãn của chồng. Miếng cơm nghẹn trong miệng Nhi cùng nước mắt.
Dọn dẹp xong, thấy Thanh ngồi xem ti vi, Nhi rón rén lại gần.

— Anh cho em mượn điện thoại gọi về nhà.

Thanh quắc mắt nhìn vợ:

— Vừa mới qua mà đã đòi gọi về . Cô muốn gọi cho thằng nào đó thì nói thẳng ra đi.

Nhi rơm rớm nước mắt:

— Ngoại với mợ có dặn là đến nơi thì gọi về cho nhà yên tâm.

Thanh dằn giọng:

— Để đó bữa nào tôi nạp thẻ vào phone cho. Mà nhớ, hai ba tháng mới được gọi về một lần đó. Gọi về là phải có mặt tôi nghe chưa.

Nhi thảng thốt nhìn Thanh. Đây là người chồng Nhi sao, người mà Nhi sẽ gắn bó suốt cuộc đời là như thế này sao. Còn cả quãng đường dài trước mắt...
 
*
 
Làm nghề tự do, công việc không ổn định, bữa có bữa không, nhưng Thanh vẫn cho mình cái quyền được nghỉ 2 ngày cuối tuần như mọi người . Những ngày xả hơi đó, Thanh tụ tập bạn bè nhậu nhẹt từ sáng đến tối. Mùi bia và mùi khói thuốc nồng nặc trong nhà làm Nhi muốn ngộp thở.

Những ngày đó, Nhi bận rộn nấu nướng, bưng bê, dọn dẹp không ngơi tay. Để ra oai với bạn bè,Thanh luôn miệng sai Nhi. Tiếng anh lè nhè trong hơi men:

— Nhi đâu? Mang đá ra coi.

— Dạ.

—Nhi lấy gói thuốc nhanh lên.

—Dạ hết thuốc rồi.

— Hết rồi thì đi mua. Còn đứng đó mà trả treo nữa hả?

Có tiếng ai đó nói:

— Để tao xách xe ra cây xăng mua. Trời này mà bắt vợ mày lội bộ tội nghiệp.

Thanh gạt ngang:

— Kệ nó. 

— Ừ, thằng này được. Dạy vợ phải dạy từ thuở bơ vơ mới về như vầy nè.

Mỗi người một câu bàn ra góp vào. Nhi lặng lẽ bước ra khỏi nhà. Mùa đông, tuyết đổ lất phất. Thỉnh thoảng, một cơn gió lẻ thốc qua, cuốn mái tóc Nhi bay quật vào mặt. Thanh vẫn thường dấm dẳng mỗi khi thấy ánh mắt Nhi buồn xa xăm:

—  Mặt lúc nào cũng như đưa đám, còn tóc tai thì rũ rượi như ma.

Nhi đưa tay vuốt những sợi tóc phất phơ. Ngày xưa còn khỏe, ngoại vẫn hay nấu Bồ kết gội đầu cho Nhi. Thiếu bàn tay của mẹ, nhưng hương Bồ kết và sự chăm sóc của ngoại đã bù đắp cho Nhi những yêu thương.

Nhi lê bước chân trên tuyết. Tuyết rơi vào đôi ủng làm Nhi rùng mình vì lạnh.

Nhi ngơ ngác nhìn quanh. Không biết đâu là hướng quê nhà. Mà cho dù có định được hướng nào, thì biết bao giờ Nhi mới tìm được về nơi đó. 

Bỗng dưng Nhi tủi thân bật khóc. Tiếng khóc Nhi rưng rức, tức tưởi. Những giọt nước mắt vừa lăn xuống đã se lại trên má.

Giờ này đường vắng bóng người. 

 Ít ra,lúc này, Nhi có thể khóc thỏa thuê, mà không sợ Thanh la mắng hay sợ người nào nhìn thấy. Vì chung quanh Nhi chỉ  có tuyết và gió mịt mù.

Trong hoàn cảnh này, không cần chồng nói, Nhi cũng biết việc đi học lại là một điều xa vời lắm. Cho dù năm lần bảy lượt Thanh đã hứa với mợ hai ở quê nhà.

Nhờ cô Linh giúp đỡ, Nhi xin được chỗ làm ở tiệm Nails của cháu cô. Cuộc sống cũng tạm ổn, chỉ có nỗi buồn là mênh mang theo ngày tháng.
 
 Chờ vắng khách, Nhi lân la đến bên chị Ngọc bắt chuyện :

— Hôm nay là 30 tết mà sao cũng giống như mọi ngày hả chị.

Chị Ngọc vừa cho cơm vào microwave hâm nóng lại , vừa trả lời :

— Chỉ có bên Cali với mấy bang có nhiều người Việt ở mới có Tết thôi. Chứ mấy chỗ hẻo lánh như chỗ này, thì bói đâu ra Tết với nhất hả mày.

Thấy Nhi ngồi buồn hiu, chị giục :

— Sao mày không ăn cơm đi , để chút có khách còn làm nữa.

Nhi rụt rè :

— Em chưa đói . Hay là chị cho em mượn phone gọi về nhà đi . Rồi em trả tiền cước phí lại cho chị.

Chị Ngọc cằn nhằn :

— Tiền bạc gì, mậy. Chị em mà tính toán gì chút đỉnh đó.

Rút cái phone ra đưa cho Nhi, chị lắc đầu thở dài :

— Thiệt , thằng chồng mày hết biết. Tao chưa thấy ai vừa ghen vừa khó khăn như nó.

Nhi cúi đầu chớp chớp mắt. Đưa tay cầm lấy phone mà mặt Nhi vẫn cúi gằm. Chỉ cần chị Ngọc nói thêm một câu nữa là Nhi sẽ bật khóc. May mà chị biết tính Nhi mau nước mắt, nên chỉ dừng ở đó thôi.

Nhi bấm vào số phone card, rồi bấm vào số phone của mợ hai, như được hướng dẫn.

Tiếng chuông vang lên ba bốn lần. Tim Nhi như muốn nhẩy ra khỏi lồng ngực.

— A lô, ai đó ?

— Dạ, con đây. Nhi đây, mợ hai.

— Chèn ơi, Nhi đó hả con. Lâu nay cả nhà trông mày gọi về mà không thấy. Ngoại  cứ nhắc mày từ sáng tới tối, sốt cả ruột.

Mà lóng rày vợ chồng mày sao rồi? Tụi bây có khỏe không sao không thấy gọi về?

Mợ hai nói một hơi dài. Nhi chưa kịp trả lời thì mợ lại nói tiếp:

— Để mợ đưa điện thoại cho ngoại nói chuyện với bây nè.

Bên này, Nhi nghe tiếng mợ đặt phone xuống cái cụp. Dù mợ không trực tiếp nói trong phone, nhưng Nhi vẫn nghe tiếng mợ oang oang:

— Để con đỡ má ngồi dậy nghe. Con Nhi nó gọi về đó.

— Nè, má kê miệng vô chỗ này rồi nói lớn lên cho con Nhi nó nghe.

Hơi thở của ngoại phều phào qua máy:

— Nhi ơi ngoại nhớ con lắm...

Chỉ kịp nói câu đó, rồi ngoại nghẹn lời. Cả ngoại và Nhi cùng khóc nức lên.

Nhi nghe tiếng ngoại ho khúc khắc từng hồi. Lòng Nhi quặn đau.

Mợ hai càu nhàu:

— Thôi má nằm xuống đi. Cứ khóc vầy làm sao mà nói chuyện. Rồi lại bắt ho thêm.

Đặt ngoại nằm xuống xong, mợ hai mới cầm lại phone , nối tiếp cuộc gọi:

—  Ngoại mày kỳ cục vậy đó. Không thấy mày gọi thì ngóng, thì chờ. Mà đến lúc mày gọi lại không nói gì. Cứ khóc lóc đến rầu thúi ruột.

Nhi sụt sùi:

— Con cũng nhớ ngoại và nhà mình lắm. Nhất là những ngày tết nhất như thế này.

Mợ hai thở dài:

— Tết nhất gì con ơi! Ngoại thì bệnh rề rề. Lại thiếu bây, nhà thêm ảm đạm. Giao thừa năm nay mợ đâu có lòng dạ nào mà gói bánh chưng bánh tét nữa.

— À, mà thằng Thà nó sớ rớ đây nè. Bây nói chuyện với nó một tiếng đi. Cũng nhờ nó chạy qua lại với ngoại...

Nhi ngại ngùng, định nói thôi, mợ ơi. Nhưng mợ hai đã chuyển phone cho Thà rồi.

— Nhi à, tui Thà đây.

— Cảm ơn Thà nghe. Cảm ơn Thà đã phụ chăm sóc ngoại giùm Nhi.

— Có gì mà ơn với nghĩa. Tui coi ngoại Nhi cũng như ngoại tui mà.

Nhi nghèn nghẹn:

— Biết vậy. Nhưng Thà là người ngoài mà còn lo được cho ngoại. Còn con cháu như Nhi thì tệ quá chừng.

— Cũng là do số phận thôi. Chứ Nhi nào muốn vậy đâu.

Câu an ủi của Thà sao nghe xót xa vô cùng.

Nhi lãng sang chuyện khác:

— Ở nhà mọi người thế nào ? Có chuyện gì vui không Thà?

Tiếng Thà ngập ngừng như đứt từng quãng.

— Thì cũng vậy thôi. Mà có lẽ buồn hơn hồi đó...

Không khí như chùng lại. Hai chữ hồi đó làm cả Thà và Nhi cùng nghĩ đến giao thừa năm nào.

Nhi cố gượng cười :

— Thôi, tết nhất đừng nói chuyện cũ nữa. Nói chuyện Thà đi.

— .....

— Chừng nào Thà định cho mọi người uống rượu đây?

— Chắc là lâu lắm Nhi à. Đợi chừng nào tui quên được người ta thì mới tính.

Giọng Thà buồn thỉu buồn thiu. Bên đầu dây này, Nhi phải cắn môi giữ cho mình không bật lên tiếng khóc.

— Thôi Nhi cúp máy  đây. Thà mạnh giỏi nghe.

— Ừ, Nhi cố thu xếp công chuyện rồi về đây một lần đi. Ngoại yếu lắm rồi.

Nước mắt Nhi chảy xuống từng giòng mặn đắng trên môi. Bập bềnh, tiếng Thà lẫn trong tiếng sóng vỗ vào bờ rạch sau nhà. Gió thổi lao xao trên những rặng dừa nước, buốt trên vai Nhi lạnh ngắt. Ngọn gió lùa từ những ngóc ngách của ký ức Nhi về một đêm giao thừa năm cũ với tiếng củi cháy lép bép ấm nồng mùi bánh chín. Và cơ mang nào là những con đom đóm nhấp nháy sáng lung linh, chập chờn trong mắt Nhi nỗi nhớ.

Chỉ còn nỗi nhớ chảy tràn. Nỗi nhớ vượt qua thời gian và không gian, cho dù cuộc đời không thể nào thay đổi.
 
 Biển Cát

Ý kiến bạn đọc
22/02/202414:36:59
Khách
BC cảm ơn Phao Ng và Kim Dung đã đọc truyện và góp ý.
Mong cuộc đời sẽ không còn gian dối và mong cô gái đó sẽ tìm được lối thoát cho đời mình.
19/02/202404:03:35
Khách
Vài năm sau cô Nhi đi làm, quen cuộc sống ở Mỹ, nếu gặp bạn tốt, vẫn có thể thoát khỏi tên chồng gian manh này, hoặc mua vé máy bay về lại VN. Đâu phải cùng đường đâu?
09/02/202417:25:15
Khách
Dân VN bị mang tiếng gian dối với nhau như ông Thanh này, nhưng cái lỗi có lẽ do truyền thống văn hoá "thuợng bất chánh, hạ tắc loạn" của VN, lãnh đạo thuờng xuyên gian dối với dân để thủ lợi nên đa số dân ai cũng nói láo để gạt nguời khác. Lãnh đạo CS luờng gạt hưu chiến Mậu Thân 1968 máu đổ thịt rơi, sau đó thì dân miền Nam không còn huởng Tết hơn 20 năm sau vì sau khi hết chiến tranh thì không ai còn tiền để ăn Tết, ai cũng "chà đồ nhôm", tài sản hết sạch gạo khoai còn không có lấy gì ăn Tết? Sau đó thì miền Nam bị Mỹ nói láo hưá cuội luờng gạt qua hiệp định Paris. Ðến 1975 thì ông Duơng Văn Minh nói láo là mình thuơng thuyết đuợc với Cộng Sản để giành chức TT rồi ra lệnh đầu hàng. Nếu ông Minh nói thẳng là mình sẽ đầu hàng thì TT Huơng đã không giao chức TT cho ông Minh . Vừa nhậm chức xong ông Minh lật lọng ra lệnh đầu hàng làm hàng triệu quân cán chánh không kịp trở tay, đa số quyết đinh ở lại không di tản để bị tù tội hay chết trong tù vì bị ông Minh gạt là Hoà Giải Hoà Hợp với nguời "anh em phía bên kia" rồi Trịnh Công Sơn cũng lên đài phát thanh hát bài "Nối vòng tay lớn" luờng gạt, nhưng vòng tay lớn lai trở thành "còng tay lớn" tống vào trại tu` cải tạo rừng sâu nuớc độc. Rồi nguời dân bị luờng gạt đổi tiền 3 lần, mua trái phiếu mà không lấy lại đuợc, bỏ nhà cửa đi lên rừng sâu mà họ gọi là kinh tế mới để mong nguời thân đuợc sớm ra khỏi trại cải tạo. Tù cải tạo ra khỏi nhà tù nhỏ lại đi vào nhà tù lớn bị công an quản chế. Những mỹ từ chỉ là tro` luờng gạt như Giải Phóng có nghiã là bị nghèo đói ăn ngô khoai, mỗi năm chỉ mua đuợc 1 mét vải cho mỗi nguời. Tự Do có nghĩa là bị công an phuờng kiểm soát, ăn nói linh tinh là bị tù, biểu diễn xe mô tô là 1 năm tù. Hạnh phúc là trả tiền đi vuợt biên ra khỏi VN, đi xuất khẩu lao động hay lấy chồng Ðài Loan, hay du học không trở về. Ðế quốc Mỹ thâm độc, tư bản dẫy chết có nghĩa là ta phải xài Internet, email, facebook, hàng xịn cuả Mỹ, và đút lót để đuợc đi qua Mỹ du học, du lịch, hay cư trú bất hợp pháp. Cả thế hệ trẻ em VN lớn lên thấy ai cũng nói láo, luờng gạt lẫn nhau, thấy thầy cô phải giả đò khóc Hồ Chí Minh trong giờ lịch sử thì nghĩ rằng ai lớn lên cũng phải dối trá, luờng gạt, ăn hối lộ mới sống đuợc. Khi ra nuớc ngoài sống thì ngupời VN vẫn sống dối trá luờng gạt trộm cắp. Chỉ có trẻ em lớn lên đuợc giáo dục tại Âu Mỹ mới ít bị lây nhiễm bệnh dối trá. Nhiều tác giả đã viết về nguời Việt xấu xí, nên đây là căn bệnh ung thư của dân tộc VN. Nguời Tàu tin nhau vì họ có chữ tín nhưng nguời Việt không ai tin ai cả, ngay cả con cái cũng luờng gạt cha mẹ lấy nhà cửa rồi tống vào duỡng lão.
Ðây là cái nghiệp báo mà dân VN phải trả có lẽ vì xưa kia ông cha tàn ác với nguời Chiêm Thành, Chân Lạp, Miên, và với tù cải tạo. Như một đại lão Hoà Thuợng (Thich Huyen Quang?) đã nói là cả nuớc VN phải thành tâm sám hối mới ra khỏi cái nghiệp mà cả dân tộc đang chịu.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 411,017
Trong xã hội, từ thuở dựng nước, tiền nhân đã đặt người làm thầy vào vị trí rất cao trọng, chỉ sau vua, trong thứ tự Quân Sư Phụ. Với tôi, người làm thầy mang một thiên chức cao cả, vì người làm thầy có thể giúp định hình tương lai cho nhiều thế hệ tiếp nối. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có thân mẫu là người cả đời chỉ biết đến phấn trắng, bảng đen, có thân phụ vừa là sĩ quan quân đội vừa là huấn luyện viên của Cục Chính Huấn, trực thuộc Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, nên tình yêu dành cho việc giảng dạy đến với tôi thật tự nhiên, thật nhẹ nhàng....
Hồ sơ bảo lãnh cho gia đình tôi, chú Khải gửi về từ năm 1978, nhưng mãi đến cuối năm 1982, khi ba tôi được thả ra khỏi "trại cải tạo" Vĩnh Phú, thì má tôi mới xúc tiến việc nộp đơn xin xuất cảnh, diện đoàn tụ gia đình. Ở vào thời điểm đó, khi những chuyến bay chính thức rời Sài Gòn đi Mỹ, Pháp, hay Canada hãy còn lác đác như lá mùa thu, thiệt tình mà nói ai trong nhà tôi cũng đều không thấy nhen nhúm một tia hy vọng nào cả. Đi vượt biên tốn năm ba cây vàng cho một đầu người mà còn bị bắt lên bắt xuống, đằng này cả gia đình tôi lại trông mong vào tờ giấy bảo lãnh để được đi chính thức cả nhà, nghe qua như chuyện thần thoại nghìn một đêm lẻ!
Phải chăng khi ta viết về một người chết là ta giúp cho người chết không bị thời gian lãng quên?! Là cho phép người chết sống lại, cho dù trên trang giấy trừu tượng, để cảm nhận người chết đang hiện hữu với ta, gần gũi với ta trong thương nhớ mà đôi khi lúc còn sống ta lại phần nào hững hờ vì không gian và thời gian không cho phép. Tuy chết là hết, nhưng có những cái chết bi hùng, chết “đẹp” đáng ngưỡng mộ. Là những cái chết khác lạ trong đời thường. Như của Harakiri, coup de grâce/phát súng ân huệ ngoài chiến trường, tự vận của những tướng quân hay tự sát tập thể với trái lựu đạn nổ giữa niềm uất hận không muốn buông súng. Nhiều cái chết rất bình thường xẩy ra trong giấc ngủ hay đột ngột do tai nạn, và thường nhất là cái chết do các bệnh nan y, đến từ từ, với nỗi sợ hãi và đau đớn cả thể xác lẫn tinh thần, cho người bệnh và thân nhân.
Những con vật được nuôi trong nhà, gọi chung là gia cầm thì con chó được loài người thuần hóa sớm nhất từ loài sói xám và được nhắc đến nhiều trong văn học từ cổ chí kim, từ đông sang tây với những từ ngữ ngọt ngào: trung thành, tình nghĩa, khôn ngoan, thân thiện... Nhưng không hiểu tại sao người Việt mình khi giận hờn nhau thường đem con chó ra chửi: “đồ chó,” “cái mặt chó,” “cái đồ chó đẻ!”. Lúc bực bội những chuyện ngoài đường, về nhà con chó chạy ra ngoắc đuôi mừng rỡ, ông chủ lại cho nó một đá cho hả giận… mặc dù nó chẳng có tội tình gì - nó cúp đuôi, tiu nghỉu chạy trốn - chẳng hiểu tại sao (?). Trong nhà vợ chồng cãi nhau, chó là con vật đầu tiên bị mang tai họa. Vì không biết làm sao cho bớt ấm ức, bèn đá con chó, chửi con mèo… Bởi thế, mới có thành ngữ “mắng chó chửi mèo” hay “chỉ chó mắng mèo” là vậy. Thật khốn khổ cho cuộc đời con chó!
Bạn bè rủ đi “Cruise” gần nửa tháng qua ba thành phố của tiểu bang Alaska và Canada. Tôi cảm thấy ông xã không được khỏe và bản thân mình cũng vậy, nên đang còn lưỡng lự. Nhưng L (ông xã) thúc giục tôi cố gắng chuyến này bởi khó có cơ hội đi cùng với bạn bè, còn ông thì không thích đi du lịch. Hèn gì mấy năm trước hai người đến bưu điện làm thẻ passport, ông nhất định không chịu làm nhưng lại thúc giục tôi tiến hành.
Hắn mỉm cười một mình. Hắn vừa nghĩ tới hai chữ “vu vơ” mà một tác giả dùng làm tựa đề cho loạt bài viết về văn chương trong một website văn học có uy tín. Lý do là vì hắn cũng đang vu vơ về việc viết văn. Bản thân hắn không quan trọng nên những gì thuộc về hắn cũng không quan trọng. Tất cả chỉ là...vu vơ.
Lần đó gia đình chúng tôi bay qua Texas để dự lễ ra trường High School của Kevin, thằng cháu, con trai út của ông anh Tư. Đại gia đình đi thành một phái đoàn, kéo đến hội trường của trường học, nhìn đám trẻ tưng bừng nhốn nháo, hớn hở vui cười, gọi tên nhau í ới, lòng tôi cũng vui theo. Chương trình bắt đầu, cả hội trường im phăng phắc, sau các thủ tục ban đầu, các bài phát biểu của các thầy cô giáo, hiệu trưởng, là phần phát biểu cảm tưởng của người thủ khoa, valedictorian. Đó là một cậu bé Mỹ da trắng, cao ráo, khuôn mặt sáng sủa, có nụ cười thật dễ mến...
Hồi mới qua Mỹ, tiếng Mỹ dở ẹt mà Bách cũng lấy được bằng lái xe hơi trong vòng ba tuần từ ngày đặt chân xứ này. Tuần đầu lo thủ tục giấy tờ thẻ an sinh, thẻ căn cước. Tuần thứ hai đậu viết, tuần thứ ba đậu lái. Nhanh thần tốc. Thế mà sau 30 năm ở Mỹ, hắn phải thi viết hai lần, thi lái bốn lần mới đậu bằng lái xe mô-tô 1.000 phân khối Harley-Davidson. “Anh mướn cái mô-tô nhỏ 300 cc thôi cho dễ thi. Có $20 một ngày à,” người giám thị DMV vừa khuyên vừa an ủi hắn. “Hoặc anh vào trường học có $400 đô một khoá ba tuần rồi thi ở đó luôn cho dễ.” “Thank you chị nhưng đậu bằng xe nhỏ rồi chạy xe lớn chỉ có chết sớm. Tôi sẽ thi lại cho đến khi đậu.”...
Ông bà có cả thảy 9 người con. Không may, anh Tư và anh Tám mất sớm. Chị Bảy lúc nhỏ, hay bị giật kinh phong. Càng ngày, biến chứng càng trầm trọng, trở thành thần kinh, phải cho vào bệnh viện tâm thần. Cũng may, những người con còn lại đều thành đạt, nên ông bà cũng được an ủi, và đỡ cảm thấy bứt rứt khi nghe miệng đời dèm pha: “Nhà đó chắc thất đức lắm, nên con cái mới bị vậy.”
Tôi chẳng rõ hình ảnh chiếc Xích Lô len vào tâm trí tự hồi nào; lại khiến lòng tôi xao xuyến trong lần đầu nhìn loại xe đạp ba bánh này trưng bày bên ngoài một cửa hàng chuyên bán nước mía, trong khu thương mại khá sầm uất tại Little Saigon quận Cam, sau bao năm sống xa đất nước. Sau này tôi thấy ở nhiều nơi khác nữa, như ở khu mua sắm Hong Kong, trên đường Bellaire, tên Việt là đại lộ Saigon bên Houston Texas. Nơi đây có tới hai chiếc Xích Lô đặt trang trọng trước một siêu thị thật lớn, người đi qua đi lại thường dừng bước nhìn ngắm, hay chụp vài tấm ảnh. Rồi còn bao nhiêu chiếc Xích Lô sáng loáng, nhỏ nhắn xinh xinh được trưng bày ngày một nhiều thêm nơi phòng khách trong các ngôi nhà bạn hữu tôi từng có dịp ghé thăm. Tôi cảm thấy Xích Lô giống một thứ gì thân thương của người Việt Nam như lũy tre làng, con trâu, luống cày, chiếc xuồng ba lá,…
Nhạc sĩ Cung Tiến