Hôm nay,  

nhớ mùa nước nổi…

04/11/202301:00:00(Xem: 3329)

Phan

Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. 


***

Sáng nay không phải đi làm vì thứ bảy, đương nhiên nghĩ đến việc đi câu như đi tập thể dục cuối tuần. Nhưng nhớ lại cuối tuần trước, ra hồ nhìn nước cạn tới đau lòng. Năm nay hạn, cả tháng tám không có cơn mưa nào hết, sang tháng chín trời còn nóng trên dưới trăm độ F, sân cỏ trước nhà cháy nắng vàng hoe dù đã bấm bụng tưới cỏ mỗi ngày vì tiền nước tính lũy tiến, càng xài nhiều giá tiền nước càng cao. Hoá đơn tiền nước tháng tám hết nửa tháng lương mà cỏ vẫn cháy vàng từng khóm, nhìn sân cỏ như tóc nhuộm thời nay: khóm xanh, khóm vàng… Tuần trước ra hồ nhìn nước cạn khô, hồ trơ đáy như người bệnh hấp hối. Đi bộ xuống hồ câu cá, câu được vài con cá ốm tong, chỉ có cái đầu to với da bọc xương, thả chúng lại hồ rồi về. Nhưng tuần này không đi câu thì làm gì cho hết thời gian hai ngày cuối tuần? Ngồi nhà khó tránh cảnh nhàn cư vi bất thiện vì cứ ngồi không thì đầu óc lại nhớ những chuyện xưa, nhớ về chốn cũ, càng ngồi lâu nỗi nhớ càng nhiều. Xa mù mịt trong ký ức mênh mông mùa nước nổi ở quê nhà. Năm nay từ giữa tháng chín nước đã về đồng bằng sông Cửu long, nước không cao nên những người làm nghề đánh bắt hải sản cứ phải ngồi đợi nước ngập đồng chừng tới đầu gối trở lên mới đánh bắt được. Mấy người đàn ông hành nghề đánh bắt nhưng mớ cá linh đầu mùa họ thu hoạch được chỉ đủ nồi canh chua cho bữa cơm chiều của họ. Ngồi xem channel Nét Quê trên YouTube, tôi ước gì tivi có mùi để đỡ thèm khi nhìn họ gắp cá linh với bông súng trong nồi canh chua nấu trên ghe, chấm nước mắm giằm ớt, đưa cay chung rượu lạt… cả đất trời dồn vào một đũa thì Ngọc hoàng ngồi tựa ngai vàng, thấy ngư dân nhậu hai hàng lệ rơi, thèm chết ông trời luôn.

   Bên đây trời đang hạn ở tiểu bang này, nhưng mưa bão, lũ lụt ở tiểu bang khác. Trời đất trái khuấy, thất thường, ngày nào cũng thấy cảnh lũ lụt trên tivi, khắp nơi trên địa cầu. Nhưng ký ức không thay đổi thất thường như thời tiết, ký ức vẫn quay về mùa nước nổi ở quê nhà, về miền tây quê em. Cả xóm làng vui mừng đón mùa nước nổi tràn về. Nước lên chậm càng vui vì cá nhiều, phù sa lắng đọng, hứa hẹn mùa lúa bội thu, trái cây đầy ghe xuôi ngược thương hồ. Nước sông Mekong cứ từ từ về sông Cửu long của Việt nam để ra biển. Năm nào mùa nước nổi cũng về nhưng năm nào nước về chậm là trúng cá dữ lắm vì cá có thời gian sinh trưởng nên sản lượng cá nhiều, con cá cũng có thời gian để tăng trưởng nên mập ú, bụng đầy trứng, ăn béo ngậy tới trong mơ. Sống dưới miền tây mùa nước nổi đúng là làm chơi mà ăn thật vì dồi dào tôm cá, năm nào nước chậm là muốn nghèo cũng khó, lại không phải chạy lũ như những năm nước về ồ ạt với lưu lượng lớn.

   Đánh bắt cá linh mùa nước nổi là đặc trưng, đặc thù của sông nước miền tây. Con cá linh đi vào đời sống người dân miền sông nước từ khai hoang lập địa, từ mở cõi phương nam. Mùa cá về ăn tươi đủ món như kho lạt ăn với rau đồng đủ loại mà dân dã gọi là rau tập tàng, rau gì ăn được thì hái chung vô một rổ rau đủ loại, màu sắc hấp dẫn. Chấm nước cá linh kho lạt nên cứ chấm cho ngập rau mà không sợ mặn, mỗi rau mỗi vị tạo nên mùi tập tàng nên gọi là rau tập tàng. Người xưa đơn giản như từ ngữ mộc mạc họ dùng nhưng nghe là thấy thương, nhớ tới cũng còn thương…

    Cá linh mùa nước nổi không thể nào ăn hết nên người dân miền sông nước Cửu long đem về làm mắm để dành ăn quanh năm. Mắm cá linh nhận vào khạp sành, nút lá chuối khô. Tới khạp mắm lên dầu là ăn được, mỡ cá lúc ấy chuyển sang màu nâu hồng, giỡ nút lá chuối khô thì mùi mắm thơm lừng. Ăn luôn con mắm sống với bún, thịt ba chỉ luộc, tôm hấp nưc dừa, rau tập tàng, xà lách, dưa leo… Nhớ những ngày thương hồ trên sông, trải lá chuối thay chiếu nhậu trên ghe; người tứ xứ thương hồ là anh em hết khi chiều buông, đêm về; năm ba cái ghe thương hồ neo lại với nhau thành xóm nhỏ trên sông… vui biết mấy quãng đời phiêu bạt.

   Sáng ra hũ mắm còn nhiều thì bắc nồi bún mắm trên ghe là nhà, trên sông là xóm làng của người sông nước. Dì Hai, cô Út, chú Ba; thằng Đực, con Gái… không chung ông bà nhưng như người nhà ơi ới gọi nhau ăn bún mắm từ tờ mờ sáng. Bờ sông xa xa còn sương phủ, mái tranh an hoà ẩn hiện dưới tàn cây, tia nắng đầu ngày chao đi con thuyền không bến cho kịp nước, “em về Trà vinh mấy bữa em lên…” tô bún mắm ngọt lừ lời tạm biệt, tiếng cười giòn như da heo quay mà sao thấy buồn buồn như con tôm đỏ au nằm chơ lơ trong ổ rau tập tàng, trong tô bún mắm còn bốc khói. Không biết người nấu vội để đi cho kịp nước có tỏ lòng người chờ, “vắng cơm ba bữa còn no/ vắng em một bữa anh giở giò không lên…” thì làm sao chèo chống nổi chiếc ghe thương hồ cho tới ngày gặp lại…

   Con cá linh như ơn trời ban phát nên vô tận ở miền tây, nhiều đến làm không kịp để gài mắm thì lấy mỡ thắng dầu để đốt đèn, xác cá đi bón cây ăn trái nên trái gì ở miền tây cũng ngon ngọt. Nhưng mùa nước nổi đâu chỉ có cá linh, còn vô vàn đặc sản tràn về theo mùa nước nồi. Cha mẹ ơi nhớ tới quặn lòng những năm nước chậm, có thời giờ đi chặt chà bỏ lên mấy cái gò ngoài ruộng, ngoài đồng. Đợi nước lên thì chuột đồng hết ở dưới hang của chúng được. Chuột rút lên gò, sống dưới đám chà mà người dân đã bỏ chà trước đó cho chuột ở. Nước lên trắng đồng thì chuột đói nên người dân đem lúa ra gò rải cho chuột ăn, con nào con nấy mập ú như củ khoai mỡ. Người dân quê tôi chờ cho nước đứng một hai ngày, nước bắt đầu rút là bủa lưới quanh gò. Chờ nước rút thêm vài ngày nữa, tới lũ chuột có thể rời gò đi kiếm ăn thì cả xóm kéo nhau đi giỡ chà bắt chuột, cả làng vui như tết với tiếng nói cười tới trăng lên, mùi chuột nướng lan toả không gian tới ngút trời… Ôi, những đêm dài nằm nuốt nước miếng ở hải ngoại mới thấy cái giá của chăn ấm nệm êm không hề rẻ. Cái thương khó của người thương hồ một nắng hai sương, sông to gió lớn nhưng niền vui bất tận… Người an phận với miếng ruộng, con trâu; bán mặt cho đất bán lưng cho trời nhưng đêm về ngon giấc nhờ cọng rau tươi ngoài đồng, con cá tươi dưới sông. Đời sống không cần tủ lạnh thật đáng sống.



   Không như năm ngoái, tôi có ông bạn về thăm quê hương ở miền tây. Ông thấy người trong xóm ngày ngày đi câu, đi bắt lương đồng được bộn. Ông nhờ con gái ông thu mua, về nhà làm sạch, bỏ đầu, bỏ xương… ướp chút muối rồi hấp chín, để đông lạnh cho ông đem về Mỹ. Nhờ vậy tôi được ăn một bữa lươn xào lăn với lẩu lương, lươn chiên giòn chấm nước mắm me ở Mỹ mà cứ tưởng mình đang ở quê nhà. Ngậm mà nghe, ngon từng miếng thịt lươn đồng, sướng toàn thân từ đỉnh đầu tới ngón chân út với món ngon dân dã tưởng rằng đã quên.

   Trời ơi, lươn đồng chiên giòn trong nhà hàng lớn ở Sài gòn không ngon bằng quán cóc ở bắc Mỹ thuận, bắc Cần thơ ngày xưa đâu. Ngồi chờ con nước để qua phà vì xe vận tải nặng phải nhường cho những phương tiện nhỏ hơn đi trước. Vậy là mấy tay tài xế thờ chung thần Lưu linh, chỉ cần nói chị chủ quán là có ngay. Chị thả con lươn đồng mập ú ù u vào chảo mỡ, ụp cái nón lá của chị lên chảo làm nắp đậy chứ mỡ văng chịu sao nổi. Dưới chảo lửa than cứ liu riu chập chờn, hồi hết nghe da lươn nổ lốp bốp trong chảo là xong một mặt. Giỡ nón lá ra trở mặt con lươn khoanh tròn như lò xo bếp điện, chiên một hồi không lâu nữa là con lươn chiên giòn lên dĩa, bưng ra bàn cho khách. Phải khâm phục người phụ nữ miền tây, bán cái quán cóc lề đường thôi mà chị làm món nhậu ngon tuyệt, trình bày đẹp mắt như đầu bếp năm sao: con lươn vàng ruộm, khoanh tròn trên cái dĩa sứ trắng phau; dưới nó là rau răm như chơi như thật, bỏ chơi cho vui nhưng đẹp mắt như tranh trừu tượng, bởi màu xanh lá cây đậm của rau răm với màu vàng cánh gián, vàng óng của lươn chiên thật hài hoà, gợi cảm. Chị bưng ra bàn chén nước mắm me nữa thì xin nghỉ tu năm phút để thưởng thức vì nước bọt cứ tứa ra trong miệng. Làm chung nước mắt quê hương vừa cay vừa nồng xuống tới bao tử, mùi rượu nếp xông lên khoang mũi lâng lâng, ngất ngây, xua đuổi muộn phiền; gió sông Tiền, sông Hậu làm nhẹ đi cái đầu cơm áo gạo tiền ở Sài gòn. Bẻ khúc lươn chiên giòn chừng hai lóng tay, chấm vô chén nước mắm me tam bảo: vị cá trong nước mắm hơi tanh nhưng ngọt ngào nhờ vị mặn của muối trong nước mắm làm trung hoà; vị cay của ớt giằm bao giờ cũng ngon hơn ớt xay hay ớt xắt lát; vị bá chủ của chén nước mắm me là vị me dốt chua chua ngọt ngọt, chua thanh, không chua hỗn như chanh; ngọt hậu, không ngọt hỗn như đường. Cái gì cũng một nửa thôi mới nhớ hoài như tình chỉ đẹp khi còn dang dở. Mùi me quên cả lối về vì nó thơm đặc biệt… Làm chung nước mắt quê hương chạy tới đâu nghe nóng tới đó, gắp khúc lươn chiên giòn khi da còn rôm rốp như bánh tráng, chấm vào chén nước mắm me diệu kỳ, ăn kèm lá rau răm để quân bình âm dương trong ẩm thực Việt nam… Toàn những hương vị độc đáo của đất trời phương nam hoà tấu bản giao hưởng đã đời trong miệng với da lươn giòn mà béo ơi là béo, thịt lươn ngọt thanh lại giai giai, nước mắm me đã là hợp chất không đối thủ lại thêm vị cay nồng nhẹ của lá rau răm thì Ngọc hoàng ngồi tựa ngai vàng, xem tài xế nhậu hai hàng lệ rơi, thèm chảy nước miếng ông trời xuống thành mưa nên ở miền tây mưa nhiều…

   …

   Mùa này xa lắm quê ơi, mùa nước nổi ở quê nhà đang ngập bờ để khoe bắp chân con gái, nhưng bên trời ngồi nhớ cố hương thì con gái đã lơ thơ tóc trắng, bay về phía quê nhà mùa cá linh, cá rô, ba khía, chuột đồng… giá có con khô chuột nhậu rượu tây cũng đỡ buồn xa xứ. Ngày xưa đi chà chuột về đâu nhà nào ăn hết nên người ta chỉ nhúng nước muối rồi xỏ dây kẽm phơi khô thành từng xâu, từng xâu. Ngày mưa gió không đi chợ, đi đồng bắt cá tôm được thì nướng khô chuột ăn cơm, lai rai ba sợi, đờn ca tài tử tới lên đèn, -thành âm vọng còn mãi nỗi nhớ quê, nhớ mùa nước nổi trong lòng người xa xứ…

   Mùa này ăn cơm hàng xóm ngon hơn cơm nhà vì nước trắng đồng thì gặp đâu ăn đó, người miền tây dễ thương nhất với hai từ “gặp bữa” - gặp bữa ở ăn cơm cho vui, có gì ăn nấy mùa nước nổi. Nói nghe bình dân, tưởng chừng thương khó. Ai dè toàn món ăn ngon, lại vừa chín tới nên ăn cơm hàng xóm ngon hơn cơm nhà. Canh chua cá linh bông súng, cá rô kho nồi đất chấm đọt nhãn lồng trụng nước sôi là ở rể miền tây được rồi. Nào còn ba khía ướp tỏi ớt, chút dấm đường ăn với cơm nguội cũng ngon. Đặc biệt là ăn bốc, cứ bưng nồi cơm nguội ra ngoài mái hiên, ngồi xem con gái miền tây xé ba khía, mút ngón tay hít hà là đi biệt xứ tới chết cũng không quên…

   …

   Chuột đồng khìa nước dừa là món ngon dân dã, chưa chắc người giàu trên thành phố có mà ăn. Mùa nước nổi tôm cá đầy chợ, tươi rói, rau đồng xanh non, sắc màu vạn dã với bông điên điển vàng chanh diệu mắt mát lòng, hẹ nước ăn như rong biển, giòn ngọt lại bổ dưỡng, theo thuốc nam thì hẹ nước là thuốc ông uống bà khen…, Bông súng, sầu đâu, đọt choại, bồn bồn… rau nào cũng ngon, làm nên mùa trăm rau khoe sắc nhờ nước nổi mang phù sa về sông rạch, ruộng đồng mát mắt rau xanh bạt ngàn. Rau dại ngoài ruộng đồng ăn không hết lại toàn rau ngon, trái rừng ăn không hết cũng toàn trái vừa ngon vừa có vị thuốc nam như trái giác, Tía má ơi, canh cá nâu, cá ngác nấu trái giác là một thức canh chua đã ăn một lần là nhớ tới già hương rừng Cà mau.

   …

   Cần chi cá lóc cá trê/ chuột đồng rắn nước nhậu phê hơn nhiều. Đã là người miền tây thì đi hết biển cũng nhớ mùa nước nổi, Mùa của yêu thương len lẻn vào lòng sau những buổi tát đìa, vây bắt chuột ngoài gò đông vui như hội chợ, cúng đình. Làm sao quên được cây đèn dầu cá linh những đêm buồn tỉnh lẻ, ngang ngõ nhà ai còn học bài thi tới khuya lắc khuya lơ, muốn ghé vào thăm nhưng sợ ba má em xách chổi chà ra tiếp khách… Làm sao quên kỷ niệm khi tìm được cớ sang phụ nhà hàng xóm gài cả trăm hũ mắm linh để dành ăn, cho bà con xa gần... Tình ca con mắm theo bước người đi nên nhớ mãi chốn quê nhà theo từng mùa nước nổi. Cơn ác mộng cũng tràn về theo mùa nước nổi trắng đồng như dải khăn tang từ em cũng không còn ở lại, nhưng mùa nước nổi còn mãi trong nhau hương vị quê nhà…

Phan

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 554,506
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam. Bà tên thật Nguyễn thị Ngọc Hạnh, trước 1975 đã là giáo sư trung học đệ nhị cấp tại Saigon. Cùng gia đình tới Mỹ từ 1979., hiện hưu trí tại miền Đông và vẫn tiếp tục viết. Sau đây là bài bà mới viết về chuyến đi chơi Virginia Beach.
Tôi thật ngỡ ngàng khi anh đưa tôi đến chỗ cha anh đang làm việc, là một ga tàu điện trong downtown. Cha anh đang làm công việc ăn xin với cây gậy và cái nón rách. Một ông lão người Ấn độ lưng đã còng, râu tóc bạc phơ, ăn mặc cũ kỹ nhưng sạch sẽ. Ông lão vui mừng về việc con trai ông đã mua cho ông một phần ăn trưa, là món ông ưa thích nhất nữa chứ.
Giữa cao điểm của “đại ôn dịch” Covid-19, tôi tình nguyện làm việc tạm thời, đáp lời kêu gọi các nhân viên hồi hưu chia sẻ gánh nặng quá tải của bệnh viện. Sau nhiều năm không hành nghề, bỡ ngỡ ban đầu cũng qua. Gặp nhiều đồng nghiệp mới, đa số còn rất trẻ. Trong đó, có một vị luôn luôn tìm cơ hội tiếp cận với tôi. Hơi lạ.Chúng tôi hàn huyên đủ chuyện, dịch bệnh, công việc mới cũ, gia cảnh ...Dần dần trở nên thân thiết.
Nhớ ngày xưa ...liên quan về chuyện buôn bán. Khi tuổi thiếu nữ mười tám trăng tròn, tụi tôi không có tiền, nhịn ăn sáng chắt chiu từng đồng vì mơ ước có chiếc áo dài màu đầu đời…
Người Việt nam tại các tiểu bang khác sau khi thăm California thường hay nói câu Cali đi dễ khó về. Sở dĩ được ca ngợi như thế là vì California cái gì cũng có. Khí hậu thì dễ chịu. Ai thích tắm biển thì chỉ cần lái xe trong vòng từ 5 phút đến 2 tiếng đồng hồ, tùy theo ở gần bờ biển hay trong thung lũng sa mạc. Ai thích đi trượt tuyết thì cũng chỉ cần lái xe trong vòng hai tiếng đồng hồ là lên tới núi. Vì điều kiện thời tiết dễ chịu cho nên rất nhiều người chọn California làm nơi lập nghiệp. Một cái California có mà hầu như không ai muốn, đó là động đất. Tuy vậy tôi có quen một vài người thích động đất. Khi còn ở Vietnam vào thập niên 1980 để chờ đi Mỹ, tôi hay nghe đài tiếng nói Hoa kỳ, VOA, hằng đêm. Năm 1987, khi VOA đưa tin động đất tại Whittier miền nam California, tôi cảm thấy lo lắng không biết người thân có bị hề hấn gì không. Tôi lo lắng cũng cả tháng cho đến khi nhận được thư của ba gửi về báo rằng mọi người bằng an vô sự.
Khi tôi kể câu chuyện này cho các chị trong một nhóm Văn Thơ, mọi người xúm lại đưa ra những giả thuyết khác nhau về sự “biến mất” của Don, thậm chí các chị còn rủ nhau “viết tiếp đoạn kết” cho câu chuyện “tình” vượt đại dương giữa tôi và Don.
Tuổi già được hiểu một cách đơn giản là tuổi về hưu, không còn làm việc nữa. Gần suốt đời theo đuổi công danh sự nghiệp, đấu tranh xây dựng xã hội, kế đến lập gia đình, lo cho con cái, giờ chúng đã trưởng thành và yên bề gia thất, nhiệm vụ xem như đã hoàn thành. Thời gian dành cho tuổi già, cho bản thân không được bao nhiêu. Vấn đề còn lại là sống thế nào cho có ‎‎ ý nghĩa và hạnh phúc trong những năm tháng cuối đời?
Một giọt nước mắt rỏ xuống làm nhòe một chữ trên trang thư. Tôi có lầm lỗi không, khi nói hết sự thực cho Amelia? Không, trước khi nói điều đó, tôi đã suy nghĩ 8 năm trời đằng –đẵng. Bây giờ tôi đang ngồi trên một ghế xếp bên cầu đọc thư con gái; nhưng suốt tám năm, tôi chỉ đứng bên cầu nhìn giòng nước chảy, một tiếng đồng hồ mỗi sáng chủ nhật.
Chồng tôi bị bạo bệnh qua đời được vài năm thì tôi quyết định bán căn nhà cũ và văn phòng địa ốc của anh ấy để dời đi nơi khác, cố quên đi môt dĩ vãng đau thương. Tôi đã quá mệt mỏi với công việc làm ăn mà xưa kia anh ấy luôn gánh vác những phần nặng nhọc nhất. Chồng tôi là một người hiền hòa, hoạt bát rất lo cho vợ con, cho nên sự ra đi của anh ấy đã mang theo không những một chỗ dựa vững chắc cho mẹ con tôi mà cả linh hồn và thể xác của tôi.
Tác giả sinh năm 1929 tại Quảng Trị, Cựu Trung Tá QLVNCH, cựu tù cải tạo. Định cư tại Sacramento, Cali. Năm 1991; Hội trưởng sáng lập Hội Thơ Tài Tử Việt Nam Hải Ngoại từ 1994; Sách đã xuất bản: Truyện ký "Người Trai Thời Chiến"; tập thơ "Chuyện Ngày Xưa"; Từng nhận “Certificate of Recogni-tion do The Sacramento International Poetry Hall of Fame tại Đại Hội Thi Ca Quốc Tế Sacramento 2006; Tác giả hiện là cư dân thành phố Garland, Texas và là Hội Trưởng Hội Người Việt Cao Niên Dallas nhiệm kỳ 2016-2017.
Nhạc sĩ Cung Tiến