Hôm nay,  

Nâng Bước Tuổi Bóng Xế

01/08/201900:00:00(Xem: 15709)
Nâng Bước Tuổi Bóng Xế
Tác giả: Châu Hà
Bài số: 5751-20-31558-vb5080119

Tác giả là cư dân tiểu bang Oregon, làm nghề chăm sóc người già và tàn tật của Washington County ở Salem, Oregon. Với bài viết về nước Mỹ đầu tiên, "Ông ngoại của Thu đi lấy vợ", tác giả đã nhận giải thưởng đặc biệt năm 2010, và tiếp tục lui tới với Viết Về Nước Mỹ. Bài mới nhất kể về công việc của tác giả cho thấy sự chín chắn và tiến bộ vượt bậc trong cách viết. Mong tác giả tiếp tục.
 
***

Năm đó, tôi theo bạn dự lễ ở nhà thờ, tình cờ ngồi bên cạnh một ông cụ trông ốm yếu, ho hen. Tan buổi lễ, ông cụ quay sang tôi cười hiền hòa và hỏi:

“Cô có biết ai muốn chăm sóc người ốm? Vợ tôi sức khoé kém rồi.”

“Thưa bác, con đang muốn tìm thêm công việc trong mấy ngày nghỉ trong tuần đây ạ.”

“Vậy thì bà nhà tôi may mắn quá.”

Ông cụ mừng rỡ ra mặt, vội trao đổi số điện thoại với tôi và đồng thời đưa tôi số điện thoại liên lạc với Sở Xã hội để làm hẹn nộp đơn cho dịch vụ chăm sóc người già và tàn tật.

Đến hẹn, tôi đến Sở Xã hội để điền đơn, ký giấy tờ và được yêu cầu tham gia huấn luyện cách chăm sóc. Buổi hướng dẫn rất chi tiết, học viên phải thực hành cho người huấn luyện xem các thao tác chăm sóc có đúng cách không trước khi được cấp giấy chứng nhận làm việc. Chẳng hạn như tôi phải biểu diễn thuần thục cách nâng người bệnh từ giường qua ghế ngồi và ngược lại bằng cách xốc nách, một chân của mình giữ tư thế cho người bệnh thẳng lưng để còn xoay người họ đặt lên giường.

Do đã có đề nghị từ ông cụ tôi gặp ở nhà thờ nên tờ hợp đồng chăm sóc bà cụ được thực hiện không lâu sau với chữ ký của cán sự xã hội, con gái của ông bà cụ, và tôi. Trong hợp đồng có ghi rõ số giờ do Sở Xã hội qui định khách hàng được nhận sự chăm sóc và nội dung công việc tôi cần phải làm cho khách hàng.

Ngày đầu tiên đến nhà ông bà cụ, tôi bấm chuông mãi không thấy ai ra mở cửa, tôi đành đi vòng bên hông nhà vì nghĩ chắc hai cụ ngồi ở vườn sau. Bất chợt có tiếng la khiến tôi hoảng kinh: “Trời ơi! Sao tôi không đứng lên được?”

May mắn là cánh cửa gỗ vào vườn không khoá nên tôi đẩy cửa bước nhanh vào. Tôi nhìn thấy bà cụ ngã sõng soài lên người ông cụ và không thể tự đứng lên được trong khi ông cụ thở dốc cố đẩy bà ra khỏi thân hình ốm yếu của ông. Tôi chụp vội cái ghế gần đó kéo sát lại, đoạn xốc nách bà cụ nâng lên để bà ôm chân ghế nhằm có tư thế chống hai chân mà tự đứng dậy. Công việc chăm sóc tại tư gia của ông bà cụ bắt đầu là như vậy. 

Thỉnh thoảng người cán sự xã hội đến thăm bà cụ, cô luôn gọi điện thoại và gửi giấy tờ báo trước cho biết ngày, giờ đến thăm. Có một lần, người cán sự xã hội thấy tôi khệ nệ vác cái máy hút bụi lên lầu, cô nhẹ nhàng nhắc:

“Chị nên đọc lại nội dung hợp đồng. Công việc của chị là chỉ giúp dọn dẹp trong phòng riêng của bà cụ ở dưới nhà mà thôi, không phải dọn phòng các con của bà.”

À, thì ra là vậy. Tôi thầm cám ơn cô cán sự xã hội đồng hương đã nhắc nhở tôi ngay lúc bỡ ngỡ vào nghề chăm sóc người già. Hiểu rõ giới hạn của nhiệm vụ mình được giao đã giúp tôi cân đối giữa nghỉ ngơi và làm việc.

Càng trụ lâu với công việc chăm sóc người già tôi càng hiểu được tầm quan trọng của quyền lợi người làm việc vì một số khách hàng đã lợi dụng giao cho tôi làm thêm những việc không nêu trong hợp đồng.

Bữa ăn trưa của bà cụ được chương trình Meals on Wheels tài trợ, không những miễn phí mà còn được mang đến tận nhà. Tôi ngạc nhiên thấy mấy ông cụ già người Mỹ còn khỏe mạnh tình nguyện lái xe đến từng nhà những người già yếu để giao thức ăn. Cung cách của họ rất lịch thiệp, áo quần thì đẹp, gọn gàng. Lần đầu tôi thấy điều này và thán phục vô cùng.

Đến khi ông bà cụ theo các con chuyển qua tiểu bang khác, tôi nghỉ việc và đồng thời cũng thất nghiệp từ công việc chính do biến cố khủng bố toà tháp đôi World Trade Center năm 2001. Tôi ghi danh học ở một đại học cộng đồng gần nhà.

Một buổi chiều từ trường về nhà, tôi nhận một cú điện thoại từ một phụ nữ cần tìm người giúp mẹ của cô ta. Cô ấy gọi đến tôi qua sự giới thiệu của văn phòng Sở Xã hội, họ cho cô danh sách những người chăm sóc. Sau khi xem danh sách, cô quyết định chọn tôi. Tôi thu xếp thì giờ của mình: buổi sáng đến trường, buổi chiều trông chừng bà cụ.

Khách hàng của tôi lần này là bà cụ tên Nancy,  bà người Hoa và không biết tiếng Việt nhưng tôi và bà có thể chuyện trò qua lại bằng tiếng Anh. Thời đó phương thức giải trí thịnh hành là những cuốn băng video. Bà Nancy xem đi xem lại cuốn phim “Gone with the Wind” mà không chán. Bà thích nhất đoạn bà quản gia da màu đứng nơi cửa sổ gầm gừ gọi nhân vật chính về dùng bữa. Trong khi nhân vật chính là cô nàng Scarlett O’Hara đỏng đảnh chưa chịu về thì bà cụ Nancy đã kịp gầm gừ trước. Bà lập lại nhiều đoạn trong phim một cách chính xác, chứng tỏ bà thuộc lòng từng câu nói của từng nhân vật để đủ biết sự nhập vai tài tình của bà.

Lần đầu gặp bà Nancy, tôi còn nhớ bà khen cái áo màu hồng tôi mặc. Ấy vậy mà vài tháng sau bà đã không phân biệt được các màu, ngay cả màu đen trắng trên tấm hình gia đình treo trên tường mà bà quý nhất. Tôi nghe bà lẩm nhẩm trong miệng điều gì đó, nếu lắng nghe thì ra đó là địa chỉ căn nhà bà đang ở và số điện thoại của cô con gái trực tiếp lo cho bà nhưng các con số lộn xộn, không chính xác. Thường thì bà lẩm nhẩm gọi đủ, nhớ đủ hết tên của chín người con. Vậy mà sau này bà chỉ còn gọi được tên người con trai út.

Đến một hôm, tôi đang loay hoay dọn giường cho bà thì bất chợt thấy hai ông cảnh sát cao to đang lù lù tiến vào nhà. Thì ra bà gọi 911 báo tin có người lạ trong nhà bà nên cảnh sát vội đến ngay lập tức. Họ nhìn khắp nhà xem xét có bàn ghế bị xô đẩy không rồi yêu cầu tôi ra ngoài để lấy lời khai. Sau đó hai viên cảnh sát buộc tôi phải ra khỏi nhà bà ngay lập tức vì chủ nhà báo cáo với họ rằng tôi là người lạ. Họ đồng thời liên lạc với con gái của bà yêu cầu cô phải đến ở tạm với bà trong ngày. Tối cùng ngày, con gái của bà gọi tôi xin lỗi và yêu cầu tôi tiếp tục công việc chăm sóc bà.
Ngày hôm sau, tôi thấy các ngăn tủ bếp phải dán kín hết lại như niêm phong. Nghe kể rằng đêm hôm trước con gái bà ngửi mùi khét, chạy ra kịp phát hiện bà đặt nồi cơm điện rồi bật bếp. Những nắm vặn bật tắt lò bếp cũng được gỡ ra và dấu luôn. Cô con gái bà cũng đồng ý cho tôi giữ điện thoại trong người để gọi khi có trường hợp khẩn cấp.

Sang ngày hôm sau nữa thì bà cụ Nancy không tự mở cửa cho tôi vào nhà. Dù tôi bấm chuông nhiều lần và thấy bà cụ từ trong nhà nhìn qua cửa kính thấy tôi nhưng bà nhất định không mở cửa. Bà nhìn tôi lẩm bẩm điều gì như chửi rủa và nét mặt bà dữ tợn. Tôi đành gọi cho con gái của bà, cô cho mã số của nhà để xe. Khi cửa nhà xe mở, tôi bước vào, đi qua phòng giặt rồi vòng ra cửa chính chào bà.

Vừa khi bước đến cửa chính, tôi sững sờ kinh ngạc khi thấy bà nhìn tôi trừng trừng. Nơi bà đang đứng được chắn bởi một hàng ghế xô-pha ở phòng khách. Làm sao một mình bà có thể kéo, đẩy những thứ đồ đạc nặng nề này? Lại còn chất chồng lên cao để che chắn cửa chính không cho ai vào nhà bà. Tôi hiểu tâm bệnh của bà là sợ. Bà sợ ai đó ám hại mình. Bà bị ảo giác, nhìn nhầm người nhà, bạn bè hay người thân.

Đối với tuổi già, mới ngày hôm trước và ngày hôm sau đã khác nhau xa. Bệnh lú lẫn ở người già đã khiến bà không còn khả năng suy nghĩ một cách bình thường. Bà bắt đầu không tự chủ trong vệ sinh cá nhân nữa. Bà không tự nhấc chân lên để bước vào bồn tắm. Sau khi nằm nghỉ trên giường và đến lúc thức giấc thì bà không thể tự ngồi dậy được. Nghe tôi thuật lại sự việc, các con bà bàn nhau đưa bà vào Viện dưỡng lão vì xem ra tình trạng của bà càng ngày tệ hại thêm.

Ngày đến tiễn bà Nancy qua “nhà mới”, tôi ngậm ngùi nhìn bà ôm khư khư thứ đồ vật mà bà thích nhất. Đó là chiếc đèn kéo quân nhỏ gọn. Nhớ ngày đầu đến giúp việc cho bà, tôi đã được nghe tiếng kính coong vui tai phát ra lúc bà vặn nút cho chiếc đèn quay. Tôi mường tượng đến viễn cảnh bà phải đối diện với sự cô đơn trong Viện dưỡng lão. Biết đâu chiếc đèn kéo quân với đoàn ngựa giấy và quân lính xung trận chạy vòng quanh cùng tiếng kính coong có thể giúp bà khuây khỏa phần nào. 

Xem ra tôi có duyên với nghề chăm sóc người ốm vì vừa thôi việc là nhận ngay một cú điện thoại tìm người chăm thân nhân. Người con gái của vị khách hàng tương lai tâm sự với tôi qua điện thoại:

“Con tiếc quá cô ơi, má của con bệnh mà cả nhà không hay biết nên cứ trách má con là tửng tửng để má con thêm buồn. Bây giờ con hối hận quá khi bác sĩ nói má con bị bệnh Alzheimer, bệnh lú lẫn. Cô ráng đến giúp tụi con nhen cô.”


Tôi là người dễ xúc động. Câu trả lời của tôi với cô con gái không gì khác hơn là sự đồng ý. Ngày đầu đến chăm sóc, tôi thấy khách hàng của mình là người rất vui tính. Bác cười rổn rảng, nói ngay:
“Cứ gọi tui là Chế đi nhen vì tui thích ca sĩ Chế Linh, ổng hát bài gì đó như là… để tui nhớ… À, bài “Thành Phố Buồn”, mà ông chồng tui lại tên Linh nữa chớ.”

Bác Chế sống một mình trong căn apartment nhỏ gọn. Bác nói chuyện rất có duyên. Bệnh của bác là luôn quên và hay đòi ăn. Bác cứ nhắc tôi liên tục: “Sáng nay tui chưa ăn mà” dù mới vừa ăn xong.

Một ngày nọ, khi tôi dọn dẹp mâm cơm trưa bác Chế vừa ăn xong thì nghe tiếng gõ cửa. Tôi nhìn qua cửa sổ thì thấy một bà cụ lạ hoắc, ngoắc tôi lại gần và nói oang oang:

“Cô ơi, tui là bà Năm Sa-Đéc. Ngày xưa tui ở đây nè. Tui đi xe Bớt ngang qua đây ngó thấy quen quen nên tui nói ông tài xì-tốp cho tôi xuống.”

Thời trước năm 1975 tôi đã từng xem qua màn hình ti-vi đen trắng một số thoại kịch và cải lương có bà Năm Sa-Đéc đóng. Nhưng sao tôi không thấy bà cụ này có vài nét tương tự bà Năm Sa-Đéc. Tôi ngờ ngợ, xin bà chờ chốc lát vì phải gọi điện thoại hỏi ý kiến cô con gái bác Chế: 

“Cô ơi, có một bà xưng tên bà Năm Sa-Đéc nói là người hàng xóm cũ của bác Chế vậy cô có đồng ý cho bà vào thăm bác Chế không?”

“Dạ, đúng là có bà Năm hàng xóm. Bả khoái bỏ thêm cái tên Sa-Đéc chớ không phải là bà Năm Sa-Đéc thiệt đâu cô. Cô làm ơn cho bà Năm vô để gợi nhớ chuyện cũ cho má con vui.”

Gác máy điện thoại, tôi mở cửa mời bà Năm vào. Bà Năm tay bắt mặt mừng với bác Chế rồi đi loanh quanh trong nhà, nhìn khắp mọi nơi, đoạn dừng lại ở chậu cây kiểng và đọc to tờ giấy “Cây già đừng tưới” gắn trên cây. Bà cất giọng sang sảng:

“Chèng ui, ai mà chê bà già dzậy nè bà Chế?”

Bác Chế trả lời:

“Kệ mẹ nó đi, ai chê tui già nhưng tui vẫn thích tưới cây, kệ tui!”

Tôi đâm tò mò, tiến lại gần chậu cây xem “cây già” như thế nào mà không cho tưới và không thể nhịn được cười. Hóa ra đó là cây kiểng giả. Các con của bác Chế biết bác thích tưới cây, nhưng dặn hoài bác cứ quên nên phải gắn lên cây tờ giấy “Cây giả đừng tưới”. Bác Chế cũng chẳng đọc tới, cứ tưới mãi thành thử màu viết lông phai và nhoè, biến dấu hỏi thành dấu huyền.

Quay trở lại ghế ngồi, bà Năm và bác Chế nói chuyện rôm rả:

“Chèng ơi, bà không nhớ tui sao? Tui là bà Năm Sa-Đéc nè.”

“Vậy hả, hồi xưa trên tidi đài chiềng hình có kịch, có phim bà đóng, tui thích bà đó nghe bà, nhưng nghe đâu bả chết rồi.”

“Dzậy hả, mà bà bi nhiêu tuổi rồi?”

“Tôi trả lời bà rồi mà. Tui hỏi bà nhen, bà tên gì dzậy?”

“Chèng ơi tui nói tên tui rồi mà, sao bà hay quên dzậy?”

“Tui chưa ăn cơm, bà ăn cơm chưa?”

“Chèng ơi, tui nói cho bà nghe, thằng con trai tui nó sợ tui lắm bà ơi. Nó không cho tui dẫn con trai của nó đi đâu hết, nó sợ tui làm lạc mất con nó đó bà.”

“Dậy hả tui hỏi bà là bà tên gì dzậy, bi nhiêu tuổi rồi? Bà ăn cơm chưa?”

“Chèng ơi tui nói tên tui rồi mà…”

Hai bà cứ chuyện trò không đầu không đuôi, nhớ nhớ quên quên. Tôi vui lây với câu chuyện ngây ngô của hai bà. Bác Chế nhờ tôi đem rác ra đổ vào cái thùng rác to đùng cho cả khu chung cư này. Bất chợt tôi giật mình thấy một người cảnh sát dắt tay thằng nhỏ khoảng năm, sáu tuổi. Thằng nhỏ vừa khóc vừa chỉ tay vào khu chung cư. Tôi linh tính thằng bé có người thân ở đây. Rồi khi nghe tiếng nói oang oang của bà Năm vọng ra từ căn nhà bác Chế, nó vụt giật tay ông cảnh sát chạy ào vào căn apartment mà tôi vừa mở cửa để đi ra đổ rác.

Tôi vội đi nhanh theo thằng bé và ông cảnh sát cũng bước nhanh kịp vào nhà lúc thằng bé chạy đến ôm chầm lấy bà Năm òa khóc. Hóa ra là bà Năm xuống xe buýt cùng với cháu nội để đi chợ Việt ngay bên cạnh khu chung cư nhà bác Chế. Khi bà Năm mơ hồ nhận ra khu phố quen mà bà từng ở trước đây thì liền đi xăm xăm đến nhà bác Chế. Bà quên bẵng thằng cháu nội còn ở trong chợ.

Ông cảnh sát nhờ tôi hỏi bà có số điện thoại liên lạc của người thân để họ gọi đến đón hai bà cháu về. Bà Năm luýnh quýnh lấy cái thẻ đeo trên dây cổ có ghi các thông tin cần thiết để trình cho cảnh sát. Tôi thở phào mừng cho bà Năm. Rất may hai bà cháu gặp lại nhau, còn không thì hậu quả khó lường.

Khi bệnh của bác Chế đến giai đoạn nặng, bác té ngã nhiều lần hơn và không thể nhớ đã té ngã ở đâu. Sau một lần ngã nguy hiểm bầm tím đen trên mặt, Sở Xã hội quyết định tăng giờ chăm sóc cho bác nên tôi có dịp ở với bác lâu hơn và nghe bác tâm sự nhiều thêm. Bác luôn kể về những ngày sau biến cố đau buồn 1975.

“Căn nhà của tui bị Việt cộng chiếm đoạt, tui tiếc và tức quá đi. Sau này khi tui trở về Việt Nam thăm bà con, đi qua căn nhà cũ, tui khóc quá chừng, khóc ơi là khóc.”

Rồi bác khóc thật sự. Bác khóc mùi mẫn, nhắc đi nhắc lại căn nhà của một đời cơ cực mà bác cùng chồng gầy dựng lo toan. Tôi an ủi bác rằng gia đình bác đã may mắn có được một số tiền và vòng vàng nên hùn hạp đóng tàu vượt biển với bà con. Mà bác lại còn may mắn hơn vì tàu đi xuôi rót đến bến bờ tự do an toàn trong khi biết bao thân phận bất hạnh khác còn là nạn nhân của hải tặc hoặc làm mồi cho cá mập.

Đang kể về chuyến tàu vượt biển thuận buồm xuôi gió thì tự dưng bác nắm tay tôi và nhắn nhủ một lời chắc nịch như phải làm theo bác ngay:

“Nè, nhớ nhen, nếu có đi vượt biển nữa thì đừng bao giờ mặc quần sa-teng đó.”

Tôi buồn cười quá, muốn hỏi bác Chế là đã sang đến Mỹ mà còn vượt biển đi đâu nữa? Chưa để tôi nói lên ý nghĩ của mình thì bác nói một hơi:

“Quần sa-teng khi bị sóng biển bắn vô là nó rít chịt à. Ù mẻ nó ơi, sao mà hồi đó tui ngu dữ dội, điệu như con gái nên diện quần sa-teng và đeo vòng vàng nữa chớ. May mà không bị hải tặc mần thịt đó nghen.”

Tôi luôn cười vui với lối kể chuyện của bác Chế. Tuy vậy, không phải luôn luôn tôi được vui như vậy. Khi con trai của bác bị vợ ly dị, anh ta không còn nhà nên về ở với mẹ. Mỗi khi chủ nhà đến kiểm tra (có báo trước), anh ta nhờ tôi dọn hết áo quần vật dụng của anh ta cất vào ngăn tủ đóng khoá lại. Nhớ đến hợp đồng làm việc, tôi từ chối không làm theo yêu cầu của anh ta.

Chưa hết, anh ta nhờ tôi nhuộm tóc, lại còn nhờ “bạo” hơn nữa là muốn tôi đứng trên lưng của anh ta để mát-xa. Thật là quá quắt! Tôi từ chối tất cả.

Gã con trai của bác Chế bắt đầu khó chịu và sinh sự với tôi. Một hôm tôi vừa tắm cho bác Chế xong, hai bác cháu đến ngồi xô-pha xem ti-vi. Lúc đó hắn đang đứng ở bàn ăn, nhìn tôi và nói như ra lệnh:

“Cô phải mát-xa cánh tay cho má tui nữa.”

“Trong hợp đồng chăm sóc mà tôi đã ký cùng em gái của anh và cán sự xã hội thì tôi không có nhiệm vụ phải mát-xa và cũng không có chuyện giúp ai khác ngoài bác Chế.”

Hắn xem chừng nổi điên khi nghe tôi đáp trả, đứng phắt lên cầm cái điện thoại treo ở góc tường và lớn tiếng:

“Tôi gọi hỏi cán sự xã hội của má tui liền cho cô biết tay.”

Tôi yên lặng xem hắn hành động. Không rõ nghĩ sao đó mà hắn lại đặt điện thoại vào vị trí cũ, không gọi. Phần ngày còn lại của hôm đó tôi cứ nhìn đồng hồ mong cho hết giờ chăm sóc bác Chế.
Về đến nhà tôi gọi điện thoại ngay cho con gái út của bác, kể mọi chuyện ấm ức bấy lâu nay tôi phải chịu đựng về anh trai của cô ta và  yêu cầu nghỉ việc. Bên kia điện thoại tôi nghe tiếng thở dài não ruột. Biết rằng thuyết phục cách mấy tôi cũng không quay lại chăm sóc bác Chế, con gái bác đành khẩn khoản nhờ tôi đến lần cuối để chỉ dẫn người thay thế tôi cách chăm sóc má cô.

Trong hợp đồng chăm sóc người già không có khoản bắt buộc người chăm sóc trước phải huấn luyện người đến sau vì Sở Xã hội đã chịu trách nhiệm huấn luyện cho những ai nhận nghề này rồi. Nhưng vì tôi cũng quí bác Chế và muốn nói lời chia tay nên đồng ý. Ngày hôm đó tôi đem đến bánh mì thịt là món khoái khẩu của bác Chế. Bác bịn rịn nắm tay tôi không nỡ rời xa.

Nhiều năm sau tôi tình cờ gặp con gái bác Chế khi đi chợ và biết tin bác đã mất. Tôi nghe mắt mình cay cay khi thầm chào bác Chế: “Vĩnh biệt bác ra đi thanh thản. Con nhớ mãi những câu chuyện vui của bác.”

Vui buồn lẫn lộn khi ôn lại những kỷ niệm với những người tôi đã chăm sóc. Tôi đã có thể đổi một nghề an nhàn hơn nhưng nếu ai cũng như tôi thì những con người với tâm trí lãng đãng và thể lực héo mòn sẽ như thế nào đây, tôi tự hỏi. Thôi thì tôi phải đến với họ bằng trái tim như đối với người thân của tôi. Họ đáng thương hơn là đáng giận. Họ đáng được chăm sóc hơn là bị ruồng bỏ. Tuổi xế chiều luôn cần những bàn tay nâng bước.

Đó là lý do tôi vẫn chờ các cuộc gọi của khách hàng với nụ cười và cái gật đầu vui vẻ.

Châu Hà

Ý kiến bạn đọc
02/08/201918:47:27
Khách
Hay lắm chị Hà! Đọc mà tức cười cho những cái ngớ ngẩn dễ thương của người già đồng thời cũng ngậm ngùi cho kiếp con người khi trượt xuống con dốc sinh tử. Chị kể có duyên lắm!
02/08/201906:29:00
Khách
Châu Hà viết về công việc của cô ấy với một tâm tình đôn hậu.Mạch văn xuôi chảy tự nhiên,cuốn hút người đọc không ngừng lại cho đến chữ cuối cùng.Tác giả viết dễ dàng như công việc cô làm hàng ngày,với sự dịu hiền ,nhẫn nại.
01/08/201923:34:34
Khách
Châu Hà ơi,
Bài viết hay và cảm động quá.
Chị còn nhớ có một lần CH nói là khi thấy bài Đón Xuân Này Nhớ Xuân Xưa của chị nói về những món ăn trong dịp Tết như xôi vò, thịt đông, canh miến, em đọc cho bà cụ người miền Bắc mà em đang chăm sóc nghe, rồi em cùng hát bài Ly Rượu Mừng với bà cụ, khiến bà cụ nhớ lại những mùa xuân ở Việt Nam một cách vui vẻ, chị cảm thấy tràn đầy cảm xúc và ngưỡng mộ lòng nhân ái của em đối với "người dưng" đang nhờ vào sự tận tụy và dịu dàng của em. Em là điều mơ ước của những người có tuổi đó.
Ráng giữ gìn sức khỏe để còn có sức giúp người, giúp đời nghe em.
01/08/201923:16:22
Khách
Xã hội cần những người từ tâm và độ lượng như Châu Hà.
01/08/201922:38:46
Khách
Công việc chăm sóc người già rất cần những người có lòng nhân hậu như tác giả. Rất tiếc ràng trong thực tế, cả người chăm sóc lẫn người bệnh đều có những trường hợp lạm dụng: đúng như tác giả kể, tôi cũng có nghe nhiều câu chuyện trong đó người bệnh (và cả người nhà của họ) lạm dụng bắt nhân viên chăm sóc làm thêm các việc khác trong nhà.
01/08/201919:51:34
Khách
Tác giả Châu Hà viết hay quá, rất tự nhiên, những câu chuyện mà người đọc tin là không thêm hay bớt. Chị em mình cũng đang thay phiên nhau săn sóc cho má, tánh người già hay sợ sệt, sợ bị bỏ rơi, sợ bị mất mát, tội nghiệp quá!!!
01/08/201919:31:29
Khách
Lời văn thật trong sáng vẽ nên một công việc đáng quý biết bao...
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,611,286
Tác giả tự sơ lược tiểu sử: Tôi tên là Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westminster.
Mùa Vu Lan đã chính thức bắt đầu, mời đọc một bài viết sống động và xúc động về Mẹ. Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng; Cựu nữ sinh NTH Hồng Đức ĐN từ 1969- 1975.
Tác giả là một nhà giáo, nhà báo, nhà hoạt động xã hội quen biết tại Little Saigon. Là một sĩ quan VNCH từng du học Mỹ và về nước làm chiến binh, sau 1975, ông biết nhà tù cộng sản,
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn trong một gia đình công chức người Bắc di cư. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh).
Tác giả Hồ Nguyễn, cư dân Buffalọ NY. đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước Bài viết đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà có tới hơn 400 người tử vong...
Với bút hiệu Xuân Đỗ và bài "Hắn và cuốn Nhật Ký Đặng Thuỳ Trâm..." tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2008. Ông định cư tại Mỹ theo diện H.O. và hiện là cư dân Riverside, nam California.
Tác giả hiện là trưởng ban Tuyển Chọn Chung Kết giải Việt Báo từ năm 2017. Tham gia Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, bà nhận giải chung kết VVNM 2001, với bài “32 Năm Người Mỹ Và Tôi” và vẫn tiếp tục viết.
Tác giả họ Trần, trước 1975 là công chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện hưu trí tại Westminster.
Tác giả là một kỹ sư công chánh, cư dân Torrance, California, đã góp một số bài Viết Về Nước Mỹ từ năm 2002. Ông cũng đã xuất bản một số du ký “Á Châu Quyến Rũ”, tập 1 & 2 và “Đi Cruise Bắc Mỹ”
Tác giả tên thật Trần Thanh Hiền, sinh năm 1955 tại Thạch Hãn, Quảng Trị, định cư tại Tulsa, Oklahoma từ 1977. Sau 35 năm làm Engineering Designer trong ngành Safety Technology – Fire Protection
Nhạc sĩ Cung Tiến