Hôm nay,  

Học Văn Việt Trên Đất Mỹ

17/07/201900:00:00(Xem: 10775)
Tác giả: Tố Nguyễn
Bài số: 5740-20-31547-vb4071719

Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017,  cô đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX và hiện là cư dân Los Angeles, công việc: làm tax accountant. Bước sang năm thứ 20 của giải thưởng,  tác giả  tiếp tục cho thấy một  sức viết mạnh mẽ khác thường. Sau đây, thêm một bài viết mới.

***

Tôi có một kỷ niệm về ngôn ngữ thật khó quên khi còn làm việc với chị "sếp" người Đại Hàn. Chị ấy đã sống ở Mỹ gần 30 năm,  bằng cấp treo đầy phòng,  viết email cho khách hàng rất hay và nhanh. Vậy mà thỉnh thoảng tôi vẫn thấy vài mẩu giấy ghi nắn nót bằng chữ Đại Hàn dán bên dưới màn hình máy tính của chị.

Một ngày đẹp trời,  thấy chị có vẻ "dịu hiền" hơn thường lệ,  tôi mới rụt rè hỏi: "Chị ơi,  cái “note” chữ Đại Hàn có ý nghĩa  là: "Tuần sau sẽ xử đẹp A Tố" nên chị mới không viết ra bằng tiếng Anh phải hôn?" Chị cười ha hả bảo tôi “đa nghi" quá,  đó là cách chị giữ tiếng "mẹ đẻ" của mình,  vì những chữ “tượng hình" kiểu Tàu,  Nhật hay Đại Hàn nếu không dùng thường sẽ quên mất cách viết. Tôi thật cảm phục tinh thần dân tộc của người Đại Hàn, lại thấy chút hổ thẹn khi tôi đã từng quay lưng với "tiếng nước tôi"...  

Năm nào cũng vậy,  những giây phút ngắm ánh pháo hoa sáng rực giữa bầu trời mừng ngày Lễ Độc Lập July 4th của nước Mỹ,  tôi lại nhớ về quê cũ mà "luống những ngậm ngùi”. Người Do Thái giữ được tiếng nói nên khôi phục lại quê hương,  ngày lễ Độc Lập năm nay tôi thấy đôi chút an ủi là mình cũng đang học hỏi,  giữ gìn  tiếng Việt. Tôi xin kể câu chuyện học lại "tiếng nước tôi" của một "em- không còn bé",  ngày ngày đi làm với những người Mỹ,  người Mễ Tây Cơ.  

Tôi sớm có tâm hồn "mộng mơ" khi còn bé xíu,  từ những năm tháng ấu thơ nơi miền sông nước Hậu Giang. Trước nhà ngoại tôi là con sông với chiếc cầu khỉ "lắt lẻo gập ghềnh", cạnh bên nhà có chiếc xuồng ba lá neo đậu trong cái xẻo nhỏ um tùm những rặng ô rô,  dừa nước.

Tuổi thơ miền thôn quê không có đồ chơi như trẻ nít thị thành,  tôi hay quẩn quanh nghe ông bà kể chuyện đời xưa,  sớm sớm chiều chiều tha thẩn ra sân ngóng coi "nước ròng nước lớn"…

Thuở đó,  xong bữa cơm trưa  là bà Ngoại đặt tôi lên trên chiếc võng giăng ngang bộ ván kê cạnh khung cửa sổ to. Khi nằm trên võng,  những ngày nắng đẹp,  tôi có thể thấy những nhánh hoa bần trắng dập dềnh theo sóng nước ngoài sông,  thấy bụi chuối xanh rào rạt ở  góc sân trong tiếng gà trưa xao xác. Những lúc mưa dầm,  tôi có thể ngắm những giọt nước mưa long lanh chảy dài từ trên mái lá trước hiên nhà, thấp thoáng sau màn mưa là mặt sông trắng xoá…

Dù ngày nắng hay mưa,  bà Ngoại luôn hát ru cho tôi ngủ giấc trưa. Lắm khi cơn buồn ngủ đã về kéo sụp cả bờ mi,  mà tôi cứ cố gượng mở mắt ra nhìn Ngoại,  để bà lại phải tiếp tục đong đưa chiếc võng và ngân nga ví dầu ầu ơ suốt cả buổi trưa hè.

Rồi tôi dọn lên tỉnh,  bên phải nhà tôi là ông “cán bộ”,  luôn có khách đến tiệc tùng,  hát hò những bài kiểu như "đường ra trận mùa này đẹp lắm…”  Tuy 'quàng khăn đỏ’ nhưng tôi không thích nghe những bài hát ấy chút nào,  vì lời nhạc  nó cứ 'sao sao’ ấy. (Sau này tôi thật là  "tâm đắc" khi biết được tận bên kia trời Úc,  nhà báo Đoàn Xuân Thu cũng  viết đại ý là: đường ra trận mà đẹp nỗi gì khi “tên bay đạn nổ ầm ầm ba bên bốn phía!".

Bên trái là nhà của ông bà Hai,  trạc tuổi ông bà ngoại tôi. Ông bà Hai có tới mười ba người con cả gái lẫn trai. Nhà bà Hai rất to,  sống theo kiểu "tứ đại đồng đường", ông bà, con  cái,  dâu rể cùng chung dưới một nóc gia. Các ông con trai khi lấy vợ đều rước về làm dâu,  các cô con gái cũng về nhà ngoại mỗi khi sinh cháu, nên nhà bà Hai hầu như không dứt tiếng hát ru con.

Bà Hai có cả "kho" hát ru vô tận,  bà có thể ngồi ru cháu cả hơn nửa giờ mà không hát trùng lại câu nào. Giọng bà lảnh lót,  vang rền khắp xóm. Tôi vẫn có thể nghe được tiếng bà ru giữa những cơn mưa tháng sáu rào rào đổ trên mái tôn nhà. Nhờ vậy, cho dù đã qua tuổi được đưa  võng ngủ,  tôi vẫn được  ru "ké" từ nhà bà Hai. Trưa trưa tôi vẫn trèo lên võng,  đong đưa theo những lời ru ngọt ngào từ nhà bà Hai vọng vang sang.

Tôi xa tuổi thơ êm đềm nơi miền sông nước,  rồi cũng  cách biệt với  những con đường cây xanh rợp bóng xứ Trà Vinh. Tâm hồn tôi khô cằn và mệt mỏi với những bài luận "rập khuôn" từ năm này qua tháng nọ,  những câu kết  giống nhau cho tất cả các đề văn "Em may mắn được lớn lên khi 'đất nước đã sạch bóng quân thù’,  và "là học sinh dưới mái trường XHCN,  em xin hứa..."

Buồn thay,  tôi biết rằng hầu hết "học sinh XNCN" như tôi chỉ có niềm khao khát “làm giàu”,  phải lăn lộn chèn ép nhau để kiếm tiền bằng mọi giá. Viết ra một đằng,  nhưng tâm tư thì nghĩ về một nẻo,  tôi ngày càng xa rời  văn chương chữ nghĩa.

Mải mê với giấc mơ "nhà lầu xe hơi" nơi phồn hoa đô hội,  tôi quên hết những buổi trưa bên cánh võng kẽo kẹt chốn quê nghèo...  

Rồi tôi sang Mỹ,  phải học hành,  cố gắng bằng mọi cách để đi "làm hãng Mỹ", ráng sao để nói tiếng Mỹ hàng ngày. Đến khi tôi có con gái đầu lòng,  tôi bỗng nhiên muốn hát ru con bằng Tiếng Việt. Lúc ấy tôi mới buồn bã nhận ra tôi đã quên hết rồi những lời ru đã nuôi lớn khôn tôi.

Dù rất muốn,  nhưng câu chữ cứ chạy đi đâu mất hết,  lại thêm lần đầu làm mẹ,  tôi còn rất ngượng miệng nên chưa từng ru bé một câu nào.

Một buổi trưa hè Seattle gió hiu hiu mát,  lác đác vài cánh hoa lê,  hoa táo cuối mùa xen lẫn những chùm trái xanh non đong đưa ngoài khung cửa sổ. Không gian êm ả vậy mà bé con cứ quấy khóc nhè nhè,  nhìn qua nhìn lại không thấy bóng ai,  tôi bỗng thấy mình cất giọng:

"Ầu ơ,  Chim đa đa đậu nhánh đa đa,  
Chồng gần không lấy em lấy chồng xa. .
Lỡ mai cha yếu mẹ già
Chén cơm đôi đũa bộ kỷ trà ai dâng... "

Bé con đang khóc bỗng dưng im bặt,  ngước đôi mắt to tròn ngạc nhiên nhìn tôi thích thú như thầm nói "hát nữa đi, mom." Giây phút ấy,  bao nhiêu câu ru con của bà Ngoại và bà Hai thuở nào bỗng tuôn ra dào dạt như dòng suối mới được khơi nguồn.

"Ầu ơ. Thò tay mà bứt ngọn ngò
Thương anh đứt ruột giả đò ngó lơ...

Má ơi đừng đánh con đau
Để con bắt ốc hái rau má nhờ...

Trồng trầu thì phải khai mương
Làm trai hai vợ phải thương cho đồng...

Mẹ mong gả thiếp về vườn
Ăn bông bí luộc dưa hường nấu canh

Ví dầu tình bậu muốn thôi
Bậu gieo tiếng dữ cho rồi bậu ra  
….
Đèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ
Đèn Mỹ Tho ngọn tỏ ngọn lu
Anh về anh học chữ nhu
Mấy trăng em cũng đợi ngàn thu em cũng chờ...

Càng hát,  tôi càng nhớ thêm nhiều bài ru con với nhiều vần điệu. Rồi cả vùng sông nước tuổi thơ như hiện về lung linh màu sắc trước mắt tôi.  Ngoài sân nắng,  hoa lê cũng chợt trắng mỏng manh như  những cánh hoa bần nơi quê ngoại...  Tôi mơ màng thấy bụi chuối  sau hè,  luống khoai bên dậu. Tôi thấy đàn cá lìm kìm lội trong mương nước,  tôi nghe con chim vịt kêu chiều trên cánh đồng xa…

Bé đã chìm vào giấc ngủ,  tôi vẫn say sưa ngồi hát ru… Hôm đó bé con ngủ một giấc trưa thật dài,  dài nhất từ trước đến giờ. Hậu quả là buổi tối đó bé cũng trằn trọc lăn qua lộn lại vì… ban ngày ngủ quá nhiều. Vậy là tôi lại phải cất tiếng ru con,  kỳ này tôi không còn mắc cỡ nữa,  mà cứ ru khe khẽ cho bé chìm vào giấc ngủ với những “cánh cò bay lả bay la...”

Bé lớn lên dần, tôi không còn phải hát ru con ngủ. Rồi cuộc sống tôi lại bộn bề với những vất vả mưu sinh,  tôi tưởng đã quên đi những rung cảm ngọt ngào từ thơ văn tiếng Việt. Cho đến ngày tôi tình cờ đọc được những dòng văn từ Mục Viết Về Nước Mỹ trên Việt Báo. Những dòng văn viết từ trái tim của những cây bút “tài tử" mà làm tôi xao động đến lạ kỳ. Tôi say sưa đọc,  cùng khóc cùng cười với những lời văn khi thì trau chuốt,  khi thì mộc mạc,  đơn sơ.


Rồi tôi "lang thang" đến những trang báo khác,  tôi đọc truyện của giáo sư  Nguyễn Văn Sâm,  tôi đọc thơ của của cố thi sĩ Bùi Giáng,  thơ của thi sĩ Trần Dạ Từ,   biết thêm nhiều nhà văn nhà thơ mà tôi  chưa từng được học ở trường lớp khi xưa... Tôi ngỡ ngàng như lạc vào một khu vườn đầy hoa thơm cỏ lạ sau bao năm chỉ cắm cúi đi về trên một con đường tẻ nhạt.

Thời còn ở quê nhà, tôi và nhiều bạn bè đồng trang lứa luôn được dạy phải "học theo Miền Bắc". Mỗi khi viết bài luận văn tôi cứ phải cố tìm cho ra những ngôn từ trau chuốt theo như  những “bài văn mẫu”. Tôi đâu biết rằng nơi tôi sinh ra cũng có một kho tàng văn chương đã bị người ta cố tình "vùi dập". Rồi khi ở giữa xứ người,  tôi lại thấy lòng xao động trước những dòng văn Miền Nam của giáo sư Nguyễn Văn Sâm. Đọc văn của ông,  tôi mơ màng ngỡ như bà Ngoại  đang ngồi cạnh bên mình,  rì rầm kể chuyện "đàn kêu tích tịch tình tang... ", thấy chàng Thạch Sanh oai hùng trong giấc mơ ngày thơ bé. Tôi như ngửi được mùi phù sa trên những chuyến đò Đại Ngãi,  thấy tôi về  giữa xóm chợ bên bến sông quê xôn xao hàng quán  thởu nào...

Sau này tôi lại được đọc những bài  của nhà báo Đoàn Xuân Thu. Văn thơ của  ông thật gần gũi với những ngôn từ Nam Bộ bình dân phóng khoáng,  những tên đất tên vùng gắn liền với tuổi thơ tôi... Rồi tôi đọc được thêm nhiều thơ của cố thi sĩ Bùi Giáng,  để những khi đi giữa  LA  tấp nập mà nhớ về Seattle ngày tháng cũ,  tôi thấy mình cũng như ông “Chiều thu ngồi đếm lá rơi,  Bên đèn phố thị nhớ nơi núi đồi...” Tôi ngồi giữa biển trời mênh mông xứ Mỹ,  lòng bồi hồi mênh mang theo những tự tình về “hồn đất hồn quê”,  lật từng trang thơ ông viết  mà nghe  nức nở “Bây giờ điệu cũ bay xa,  Nguồn trôi nước bạc đổ ra vô cùng. . .”

Rồi tôi cũng muốn viết,  chỉ mong khi viết xong,  đọc lại,  tôi thấy thích câu chuyện của mình và độc giả sẽ không thấy "phiền lòng" khi đọc  câu chuyện của tôi.

Tôi ngồi trên chiếc máy bay êm ái để đến xứ cờ hoa,  không phải trải qua những nỗi lo sợ tuyệt vọng giữa bao cơn sóng gió đầy trời như những những "thuyền nhân" trên  Việt Báo. Những vất vả ngày đầu nơi xứ lạ của tôi đâu có thấm gì với những bậc cha chú mất nước mất nhà phải gạt nước mắt ra đi. Tôi bỏ lại Sài Gòn với chút rung động nhẹ nhàng của thời  sinh viên khờ dại,  nên tôi cũng không có đau thương chia lìa để viết nên những chuyện tình ngang trái  của kẻ ở người đi.  

May thay,  tôi được sống ở Seattle,  xứ sở của mưa và mây mù mà nữ thi sĩ Trần Mộng Tú đã viết "Nắng ở đây hiếm hoi như hạnh phúc,   Anh có về  gửi chút nắng cho em!" Nên bài đầu tiên,  tôi  viết về những ngày tháng ở  Seattle,  thành phố mộng mơ của tôi. Tôi viết về những ân tình ấm áp mà tôi nhận được từ những người bạn,  người chủ,  viết về nỗi buồn khi phải xa Seattle để "mưu sinh" nơi miền nắng ấm.  

Không ngờ 'tổ đãi kẻ khù khờ',  bài viết đầu tiên của tôi trên Việt Báo,  dù câu chữ nhiều vụng về vì đã lâu lắm rồi tôi không viết văn tiếng Việt,  tôi đã nhận được sự khích lệ bao dung từ độc giả và ban giám khảo Viết Về Nước Mỹ. Tôi cảm giác như mọi người đang mở rộng vòng tay đón đứa con "đi lạc" trở về nhà.

Vậy là tôi "hăng hái" viết thêm nhiều bài nữa,  có những từ ngữ Việt đã lâu không dùng đến,  bây giờ tôi phải ráng lục lọi trong trí xem có phù hợp hay không. Tôi cũng thích đọc mục "Comment" - ý kiến bên dưới những bài Viết Về Nước Mỹ để hiểu thêm "tâm tư tình cảm" của những độc giả khắp mọi miền. Như các tác giả đồng trang lứa,  tôi không có nhiều vốn từ ngữ theo nguyên bản của Tiếng Việt như các bậc cha chú thời xưa.  

Ví dụ như khi còn ở Việt Nam,  tôi chưa từng được biết về chữ "diễn hành",  nên khi viết,   tôi cứ dùng là "diễu hành",  hay tôi thật sự không biết chữ "liên hệ" thì phải viết đúng là "liên lạc".

Và cũng may mắn thay,  tôi được xem một bảng so sánh giữa tiếng Việt nguyên bản và tiếng Việt bị "biến đổi" sau này,  nên mỗi lần viết xong tôi hay lọ mọ mở ra xem để thay đổi ngôn từ cho đúng. Tôi cũng nghe theo một lời khuyên trong mục ý kiến độc giả,  tránh đọc những bài văn,  bài báo trong nước để không bị cuốn vào cái vòng chữ nghĩa thay đổi theo "thời đại" ở bên nhà.  

Tôi luôn chạnh lòng với hình ảnh nghèo khó của những nhà văn,  thầy cô giáo dạy môn văn ở Việt Nam. Sau này sang Mỹ,  có cơ hội làm kế toán thuế vụ cho những "writers"- nhà viết kịch bản đã nổi danh hay "tài năng" vẫn còn  "trong lá ủ" của Hollywood,  tôi thấy giỏi văn chương ở xứ Mỹ thật là "đáng công đáng sức”.

Luật lệ minh bạch của của Mỹ luôn bảo vệ quyền lợi cho những người “artist”-nghệ sĩ." Hollywood Writers luôn được trả tiền hậu hĩnh từ lúc nộp bản "script"- kịch bản phim cho đến nhiều năm sau đó,  khi bán được bản quyền phim hay mỗi lần thu thêm được tiền lời từ việc chiếu phim.

Khác hẳn khi ở Việt Nam,  chỉ được học những bài văn sáo rỗng,  phần nhiều là hư cấu có nguồn gốc từ miền Bắc,  nay ở trên đất Mỹ mà tôi lại được học được "văn" của ba miền Bắc,  Trung,  Nam của bao tác giả trên Việt Báo. Những bài văn Viết Về Nước Mỹ có giọng hò mênh mang  nơi cuối dòng sông Hậu,  có nắng lung linh trên từng góc phố Sài Gòn,  có tiếng chuông Thiên Mụ ngân nga trên dòng Hương Giang xứ Huế,  và có những chìm nổi thâm trầm của người từ đất Bắc phải lìa bỏ làng que...

Tôi học được rằng người Việt Nam ta,  dù khác biệt văn phong,  thổ ngữ vùng miền, vẫn mang chung nét đẹp kiêu hùng của dòng giống con Hồng cháu Lạc. Qua những bài Viết Về Nước Mỹ,  tôi biết được những câu chuyện thương tâm thời tao loạn,  biết được cuộc sống muôn màu của bao người Việt ly hương. Những gương cần cù,  chăm chỉ “dựng cơ đồ" từ hai bàn tay trắng,  những bà mẹ ngồi suốt đêm bên chiếc máy may,  còng lưng  trong tiệm nails,  tiệm giặt... những người cha áo quần lem luốc,  ướt đẫm mồ hôi bên chiếc máy cắt cỏ,  bên những khu nhà xây cất dở dang giữa trời hè nắng nóng chói chang...  Những hy sinh lặng thầm của ông bà nội,  ngoại đã không quản nhọc nhằn để giúp chăm sóc cháu,  cho nước Mỹ có thêm nhiều kỹ sư,  bác sĩ gốc Việt hàng năm. Tôi cũng thấy những sai sót, lầm lỗi của mình nhờ đọc văn về  chuyện đời của người khác.  

Lớn lên từ những lời ru Nam Bộ ngọt ngào, tâm hồn tôi từng được tưới mát như những rặng dừa xanh bên dòng sông êm ả phù sa. Nhưng rồi con sông quê xưa oằn mình với bao nhiêu hoá chất,  những rặng dừa quay quắt héo tàn theo vận sông,  vận nước điêu linh...

May mắn hơn những rặng dừa quê cũ,  tôi được ra ngoài biển lớn mênh mông. Giữa "đại dương" văn hoá trên xứ Mỹ,  tôi đã được "về lại" ngôi nhà "waterfront" của tuổi thơ êm đềm nơi miền quê ngoại,  nhờ những  câu hát ru đã ăn sâu trong tiềm thức,  nhờ vào những trang văn thơ Việt được viết ra giữa xứ người.

Cám ơn Việt Báo và quý cô chú anh chị đã dốc lòng dốc sức cho chương trình Viết Về Nước Mỹ,  cám ơn bao tấm lòng của người viết,  người đọc khắp mọi miền. Tôi luôn tin tiếng  Việt mến yêu của dân tộc ta sẽ mãi trường tồn,  những lớp Việt Ngữ sẽ mọc lên thêm nhiều trên khắp xứ cờ hoa.

Và tôi luôn tin dẫu có xa cách ngàn khơi,  những người con đất Việt vẫn mơ về một ngày "gió đưa gió đẩy về rẫy ăn còng,  về sông ăn cá về đồng ăn cua." Mong lắm thay vài mươi năm nữa,  những đứa cháu được sinh ra trên đất Mỹ sẽ biết thương câu ầu ơ ví dầu của người bà luôn đau đáu nỗi nhớ quê...

Tố Nguyễn

Ý kiến bạn đọc
11/08/201923:12:17
Khách
A Tố nè, anh vui lắm!
A Tố nhớ viết bài kể chuyện giống như năm trước nha. Anh tin chắc sẽ có nhiều trái tim... rụng rơi! Vì năm nay A Tố được giải cao hơn. Chuyện đặc biệt là A Tố tới nhà chị Annie phụ chuẩn bị đón tiếp những tâm “hồn thiên cổ”.
Anh nghĩ nhà chị Annie đích thực là... “Động hoa vàng, chốn đi về của (những tấm lòng và) hồn thiên cổ” 🌼🌾🌻...
09/08/201918:02:37
Khách
Anh Từ Huy làm Tố xúc động quá. Dạ đúng rồi, hai buổi họp mặt cuối tuần này nhất định sẽ rất vui, tràn đầy kỷ niệm. Em A Tố sẽ được hội ngộ với quý vị huynh trưởng, được "tay bắt mặt mừng" với toàn người đẹp- đẹp từ trong tâm hồn đến dáng vẻ bên ngoài. Những món ăn thì chắc chắn sẽ rất "thắm đượm tình quê", cả "tinh thần" và "thể chất" đều được chăm sóc đầy đủ, còn niềm hạnh phúc nào bằng hén anh Từ Huy.

Tố mến chúc anh và gia đình một cuối tuần an vui nha.
07/08/201923:32:13
Khách
Anh chúc cho A Tố cuối tuần này được tràn đầy hạnh phúc. Cho và nhận được thật nhiều... thật trọn vẹn yêu thương💐🥳‼️
Hổm rày cứ quên. Hy vọng A Tố đọc được trước đêm Chúa nhật nghen🤓‼️
Thân mến.
30/07/201914:04:10
Khách
Văn của A Tố lúc nào cũng hay và vào lòng người! Cám ơn em nhiều lắm. Chị cũng thích những bài hát rủ em đó lắm, ❤️
24/07/201900:25:28
Khách
Anh Từ Huy ơi,

Mỗi khi đọc được hay nghe được tiếng ầu ơ là Tố lại nhớ quê.Tiếng Việt của mình bổng trầm réo rắt đầy hình ảnh như vậy,không thương không nhớ làm sao được..Cám ơn anh Từ Huy luôn nhiệt tình chia sẻ khích lệ các tác giả VVNM và em A Tố.

Xin bật mí một chút: Khi nào anh Từ Huy mở youtube coi cô ca sĩ Hương Thuỷ hát và "nói chiện" nha, A Tố hát thì không được như cổ nhưng nói thì "y chang" vậy đó.

Mến chúc anh Từ Huy và gia đình luôn vui khoẻ nha.
22/07/201921:25:18
Khách
A Tố làm anh... “rụng tim” với bài viết này của A Tố! Ở phần đầu sau khi nhắc về quê hương và ngoại, có đoạn anh đọc tới đọc lui năm bảy lần mà chẳng nhớ mình đọc cái gì. Trong suốt bài viết anh lại có những lần giống y vậy nữa!
Trong lúc đọc bài viết này của A Tố, hình như là lần đầu tiên trong đời, anh cảm giác được mình yếu ớt, mềm nhũn ra khi đọc một bài viết. Lạ quá heng🤔⁉️
Khi vừa mới đọc xong bài viết này của A Tố biết anh nghĩ gì không?
Anh ước khi nào gặp A Tố, anh được ngồi nghe A Tố nói suốt chừng hai tiếng đồng hồ... bằng ngôn ngữ và âm điệu của bài viết này.
22/07/201917:33:05
Khách
Dạ Tố Nguyễn cám ơn chú Michael rất nhiều,

Giờ thì Tố nhận ra là dùng chữ "cố" rất thừa thãi khi nhắc đến những tài năng nổi tiếng. Mến chúc chú Michael một tuần thật vui nha.
21/07/201903:02:54
Khách
Thi sĩ, văn sĩ, nhạc sĩ, ca sĩ...bất tử với khán giả, độc giả, người ái mộ...Từ xưa cho tới nay, không nghe nói: ngâm mấy câu kiều của "cố văn hào" Nguyễn Du.
19/07/201918:05:26
Khách
Tố Nguyễn cám ơn Chú Lê Như Đức, bác Jane, cô Hoàng Chi Uyên cùng quý độc giả Lmai, Hoan Huynh và Houston đã viết lời ngợi khen và chia sẻ cảm xúc cùng Tố Nguyễn. Tố mến chúc Bác,Cô,Chú và quý độc giả có một mùa hè thật an vui bên gia đình và bè bạn.

Khi xưa mỗi lần đọc văn miền Bắc thì Tố rất là "ghen tỵ", vì nghĩ không cách nào người miền Nam như Tố có đủ ngôn từ sâu sắc,tinh tế để mà viết ra như vậy.Sau này Tố mới biết được văn chương miền Nam cũng có cái hay riêng,cái hay đơn sơ mộc mạc như người miền Nam vậy.

Xin kính chào độc giả Lmai, biết đâu "bạn Oanh'' của Lmai cũng đang ở trên đất Mỹ mà nhớ về con đường hàng sao, đường hàng me xanh lá ,nhớ mùi bún nước lèo "nồng nàn" mỗi có khi lễ hội ở Ao Bà Om thơ mộng,nhớ khi qua cầu Long Bình, qua bến sông xuồng ghe tấp nập để xuôi về bên phía 'đầu bờ"...
19/07/201904:08:15
Khách
Mê văn T.N, phục lòng yêu nhớ quê hương của tác giả . Tôi say đắm , phải lòng nhiều tác giả trẻ trong VB nhiều lắm . Viết nhiều cho tôi đọc để khâm phục thêm . Tôi o có quê ! Chỉ biết mình là con dân VN mà thôi !! văn TN hay lắm , mê không chịu nổi . Sao có nhiều lớp trẻ tài ba vậy kìa .
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,000,727
Tác giả đã góp nhiều bài viết đặc biệt và đã được trao tặng giải thưởng Việt Về Nước Mỹ. Ông sinh năm 1951, du học Nhật trước 1975. Đến Mỹ năm 1981. Hiện là cư dân Irvine, Nam California. Công việc: Kỹ Sư Điện tại một hãng trong cùng thành phố. Đây là bài viết mới nhất
Bà cho biết tên thật Jeanne Bùi, sinh năm 1945. Từ trước 1975, dạy học ở Saigon. Sang Pháp từ 1982, đi học lại rồi làm việc cho Mairie de Paris (Tòa Thị Chính), hiện đã nghỉ hưu.
Tác giả là một nhà giáo tại Việt Nam. Sang Mỹ, bà có 10 năm làm việc trong ngành du lịch, hiện là cư dân Little Saigon. Với sức viết mạnh mẽ, Phùng Annie Kim đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2016.
Tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Năm 2019, Tác giả nhận thêm giải Chung Kết Vinh Danh Tác Giả Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ hay còn gọi là giải Hoa Hậu. Tốt nghiệp Y Khoa Huế, thời chiến tranh Bác sĩ Vĩnh Chánh đã là Y Sĩ Trưởng binh chủng Nhảy Dù.
Tác giả là cư dân Huntington Beach. Những Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của cô là “Chuyện Vui Sầu” ký bút hiệu Khánh Doãn đã được phổ biến từ tháng Tư 2011.
Nguyễn Cao Thăng là tên thật của tác giả, 52 tuổi, dân gốc Kinh 5 Rạch Giá, một cựu thuyền nhân, hiện là kỹ sư cơ khí của hãng máy bay Beechcraft tại Wichita, Kansas.
Tác giả hiện sống ở thành phố Victorville California, đã từng tham gia VVNM năm 2018
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ kèm theo hình ảnh hoặc tài liệu do ông thực hiện hoặc sưu tập.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Bà sinh năm 1948 tại Biên Hòa, cựu học sinh Ngô Quyền.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ 2004. Võ Phú sinh năm 1978 tại Nha Trang-Việt Nam; định cư tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth University.
Nhạc sĩ Cung Tiến