Hôm nay,  

Chú Lion King Đáng Yêu

19/05/201900:00:00(Xem: 9167)
Tác giả: Hoàng Chi Uyên

Bài số  5692-20-31499-vb8051919

 
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bà là một chuyên viên xã hội, từng nhiều năm làm việc tại Trung tâm Cao niên một thành phố tại Bắc California. Bà cho biết  muốn tham gia viết về nước Mỹ từ lâu, nhưng phải chờ tới khi về hưu mới thực hiện được ý nguyện. Bài viết đầu tiên của bà là "Bà Ngoại Khác Chủng Tộc". Sau đây là bài viết thứ ba của tác giả.

 
Cho Lion King

Chú Lion King tên Simba

 
***



Elsie nằm thiêm thiếp, ba mẹ gọi mãi cũng nhất định không chịu dậy ăn uống gì.

Đã hơn một tháng kể từ sau cái ngày kinh khủng ấy, không chỉ Elsie mà cả nhà đều bị xáo trộn trong mọi sinh hoạt thường ngày, không còn thấy tiếng cười đùa ầm ĩ, tiếng chọc phá nhau và tiếng chân chạy rầm rầm đuổi bắt nhau từ phòng này qua phòng nọ như mọi lần của mấy anh em Ken. Riêng Elsie dường như bị ảnh hưởng nặng nhất, ăn uống rất thất thường, mà chuyện bỏ bữa thì hầu như ngày nào cũng xảy ra. Ken, anh trai, và Don, em út của Elsie, thì bề ngoài nhìn tưởng bình thường nhưng thật ra hai cậu dấu nỗi đau sâu hơn mọi người có thể tưởng được.

Từ hôm nhà trường loan báo tin đoàn sinh viên đi cắm trại chung với nhau, có hai người bị tai nạn thiệt mạng, trong đó có chị Thuỷ Tiên của mấy anh em Ken, ba mẹ và cả nhà đã phải trải qua những ngày tháng ảm đạm đau buồn nhất trong cuộc đời họ.

Cả nhà đều phải đi gặp bác sĩ tâm lý để giúp trị liệu về chấn thương tinh thần, hầu giúp họ quay trở lại cuộc sống bình thường. Elsie thì dường như càng ngày càng trầm cảm hơn, sức khỏe sa sút thấy rõ; về mặt tinh thần thì không ai có thể khuyên em được chút nào, kể cả ba mẹ, chú bác, các thầy cô trong trường và cả bạn bè thân thiết.

Ai cũng lo là cứ cái đà này chắc Elsie phải nghỉ học vì không thể nào qua nổi năm học lớp 8 để chuẩn bị chuyển trường lên trung học. Cả nhà cũng tổ chức chuyến đi nghỉ hè, ra ngoạn cảnh thiên nhiên với sự mong ước của ba mẹ là Elsie sẽ khá hơn, nhưng rồi đâu lại vào đấy; lại còn tệ hơn vì cứ đi chơi chung cả nhà là mọi người đều thấy thiếu vắng Thuỷ Tiên. Những mảng mây u ám lại phủ đầy trong lòng mỗi người; nó ngăn chặn lại những nụ cười chưa thành tiếng, nén lại những tiếng nói đùa đã chực bung ra. Lồng ngực mỗi người cứ như bị khối sắt nặng nề vô hình dìm xuống...

Trong lúc mọi người đang chán nản tuyệt vọng như vậy, cô Lynn, em gái út của ba mang đến tặng cho mấy anh em Ken một chú chó con. Cô giải thích: "Trong các trang mạng, họ nói rằng giống chó Chihuahua (thuần chủng) có thể  giúp chữa trị được chứng bệnh trầm cảm, vì nó có một linh tính nhạy bén và biết an ủi người bệnh, nên cô tìm thử cho Elsie chú chó này!"

Tuy đang uể oải nằm ườn trên sofa, nhưng thấy chú chó, Elsie lại ngồi dậy và muốn bồng nó.

Chú chỉ khoảng 5 pounds hoặc nhỉnh hơn một chút, cặp mắt to tròn như mắt nai, nhưng lại không quá lồi như cặp mắt của giống Chihuahua, bộ lông vàng nhạt có mảng trắng từ giữa mũi chạy dài, trải rộng ra xuống trước ngực, hệt như bờm của một chú sư tử con. Bốn chân của chú tận cùng bằng lớp lông trắng, y như thể chú đang mang bốn chiếc vớ trắng.

Được Elsie ôm trong lòng, chú dụi đầu vào lòng em như tìm sự che chở giữa khung cảnh còn lạ lẫm, mà từ lúc mới vào nhà, chú đã đưa mắt nhìn quanh khắp nơi như một bé con khi bước chân vào nhà người lạ. Thật là lạ lùng kỳ diệu, Elsie và chú chó nhỏ ngay lập tức đã có sự quyến luyến đặc biệt, như định mệnh đã an bài từ trước; Elsie đi đâu là chú quấn theo, một bước không rời. Vì thấy chú chó nhỏ giống y hệt như hình ảnh chú sư tử khi còn nhỏ trong bộ phim "Lion King", cả nhà quyết định đặt tên cho chú là Simba.

Từ khi có Simba làm bạn, Elsie như được gặp thuốc tiên: em nhỏm dậy khỏi giường vào lúc trời chưa hửng sáng, để huấn luyện cho Simba cách đi ra sân sau nhà "làm vệ sinh cá nhân", cho chú chó nhỏ ăn sáng trước khi em chuẩn bị bữa điểm  tâm để đến trường.

Sau khi tan học vừa về nhà, thay vì uể oải nằm trên giường như vài tuần trước, Elsie lo ôm ấp nựng nịu chú chó và tắm rửa, lo cho chú ăn uống, dạy các trò trình diễn vui vui, lạ mắt. Chỉ sau vài ngày, Elsie thay đổi hẳn sắc diện, tươi tắn và hồng hào trở lại; không biết có phải đúng như các thông tin trên những trang mạng mà cô Lynn cho biết, hay là với tinh thần trách nhiệm phải chăm sóc và có tình thương với một sinh vật nhỏ bé khác, mà Elsie thay đổi lạ lùng như vậy chăng?

Không phải chỉ riêng với Elsie, mà trong nhà nếu bất kỳ ai có chuyện lo nghĩ, buồn phiền- chẳng hạn công việc làm của ba mẹ, hoặc Ken căng thẳng lo nghĩ về chuyện chọn trường đại học..v..v.. thì tự khắc tối hôm ấy, Simba sẽ tự động nhảy lên giường người đó, dụi đầu vào lòng hoặc áp thân mình như cuộn bông gòn ấm áp của chú vào sát bên mình của chủ nhân... những lo lắng ưu phiền của mọi người rất dễ dàng tan biến.

Simba thông minh vô cùng, chỉ cần dạy qua vài lần là chú biết được những màn trình diễn khéo léo: bắt tay, giơ tay "Hi Five", khi được yêu cầu "dancing" là chú vừa giơ hai chân trước, vừa múa xoay tròn trên hai chân sau như những vũ công múa ba lê thật đẹp mắt!

Chú đã thành thạo việc chạy ra sân sau đi vệ sinh, gọi người mở cửa bằng cách đứng trước cửa kêu ủng oẳng- nhưng nếu gọi vài lần êm dịu mà không ai nghe thấy thì chú sẽ gọi to hơn, còn nếu lờ chú đi thì chú sẽ gắt nhặng xị lên, như một ông già khó tính, nghe rất là tức cười!

Thỉnh thoảng có những hôm cả nhà quên, đi vắng suốt ngày nên chú không ra ngoài đi vệ sinh được, lúc về nhà tìm chú khắp nơi không thấy: thì ra là chú đã lỡ tè ở ra một góc khuất nào đó; rồi do mặc cảm tội lỗi nên chú cứ đứng núp trong gầm bàn mà không dám ló đầu ra ngoài. Những lúc biết mình làm lỗi như thế, hoặc như lúc ăn vụng món gì, ánh mắt chú lấm lét thấy rõ, và chú tránh không dám nhìn thẳng mặt người đang hỏi tội chú. Ai bảo rằng các chú chó không biết nhận ra lỗi, phải?

Mẹ thì nhất định cho rằng Simba có tính cách như các "gian thương" ngày xưa: là vì khi lục lọi được thức ăn trong phòng Ken hoặc Don (con trai vốn ưa mang thức ăn vào phòng), Simba biết cách dấu ở nhiều nơi: dưới thảm chùi chân phòng tắm, dưới chăn trên giường của Elsie, kẽ nệm ghế sofa, hoặc dưới ổ nằm của chú.

Thú vị một điều là chú nhớ đúng các nơi này để lục lại sau đó để tìm, thu tóm lại của cải từ từ.. Mẹ gọi đích danh đây là tính cách "tẩu tán tài sản". May mà chú Simba được sống trong nền tự do của Hiệp Chủng quốc, chứ nếu sinh ra chẳng nhằm thời, rủi ro trúng vào chế độ Xuống Hố Cả Nước (Xã Hội Chủ Nghĩa) thì chắc chú đã bị đánh tư sản tan tác tấm thân gầy từ lâu!

Simba giữ của cho chủ cũng rất tài: Có một lần cô Loan hàng xóm sang chơi, cô ngồi trên sofa chỗ Elsie thường ngồi, rồi vì Elsie có việc chạy vào phòng trong, nên em mở sẵn máy laptop ra cho cô Loan xem. Simba thấy vậy, cứ đứng ngay dưới chân cô Loan; không sủa nhưng chỉ ngẩng nhìn cô và ư ử hỏi, ra cái điều rằng: sao cô lại ngồi chỗ này, lại còn dùng máy này của Elsie? Cô Loan thì chẳng hiểu gì hết, đem thắc mắc này hỏi mẹ và được mẹ "thông dịch" cho ý nghĩa câu hỏi của Simba...

 Coi vậy chứ Simba cũng được việc, mẹ nhờ được khối chuyện:

Hôm mẹ đứng quét ngoài sân trước, đến lúc muốn hốt rác và gọi Elsie đem bịch rác ra, mẹ gọi hoài mà Elsie không nghe. Thấy chỉ có mỗi mình Simba đứng quanh quẩn gần đó, mẹ liền sai bảo: "Simba chạy vào gọi Elsie ra đây đi!" Thế là chú chó nhỏ chạy ngay vào nhà, tìm Elsie và sủa vang rồi lại chạy ra trình diện mẹ, ra cái điều chú đã làm xong lệnh!

Tương tự như vậy, một ngày cuối tuần mẹ làm bánh paté chauds cho cả nhà dùng bữa sáng, làm xong rồi, mọi người có mặt gần đầy đủ trên bàn ăn, chỉ còn thiếu Don. Simba thì rất nóng lòng muốn được ăn ngay, cứ quẩn bên chân mẹ chờ đợi; nhưng mẹ lại yêu cầu:"Simba vào gọi anh Don ra ăn sáng đi nhé!" Thế là chú chó nhỏ quay đi, mẹ theo sau thử xem chú làm sao: Chú vào phòng Don, nhảy phóc lên giường, vừa sủa vang vừa kéo tay áo Don. Xong công tác, chú nhảy xuống khỏi giường, quay ra bếp lại, nhìn mẹ như chờ đợi được thưởng. Mẹ lại bảo: "Chưa thấy Don đâu mà, Simba vào gọi nữa đi chứ!" Chú lập lại động tác y hệt như lúc trước một lần nữa và mẹ giữ lời hứa, thưởng cho chú phần paté trong hộp thức ăn riêng của chú.    

  Khi ra công viên đi bộ hàng ngày, chú biết dừng lại trước khi băng qua đường, nhìn chủ nhân chờ đợi, khi thấy chủ gật đầu thì chú mới tiếp tục băng qua lộ.

Cũng nhờ dẫn Simba đi dạo hàng ngày, mà Elsie và mẹ thắt chặt thêm mối liên hệ thân thiết với mọi người trong khu vực của mình: biết khi nào bà cụ Mary bị cảm không đưa chó đi bộ được, biết hàng xóm mới xin thêm cô nhỏ loại Bichon Frise, biết chú lính về hưu bị bệnh tâm thần nhẹ, có chú Boston Terrier dẫn đường, biết gia đình cô cậu của Kevin vừa bị mất con chó Moshi khôn ngoan vì bệnh ung thư...v..v... nên việc hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau trong tình hàng xóm cũng nhanh chóng và hữu hiệu hơn.

Từ ban đầu còn sợ khi ra ngoài đường chốn đông người, nhưng nhờ đi bộ trong công viên thường xuyên mà Simba và cả nhà dễ dàng hoà nhịp tim cùng nhịp đập với cộng đồng. Chú dạn dĩ hơn, còn biết tìm bạn mới, chào hỏi các bạn quen bằng cách hít hít mũi nhau...

Thường thì Simba ngoan lắm, biết vâng lời khi ở nhà cũng như lúc ra công viên. Tuy vậy cũng có lúc chú làm mọi người lên ruột: Hôm ấy Mẹ nghỉ làm, lái xe chở Elsie và Simba đi một vòng, rồi ghé vào văn phòng làm việc của mẹ chơi. Sau khi thả mẹ và Simba vào sở mẹ, Elsie lái xe qua nhà băng gần đó. Mẹ bồng Simba vào chơi, các đồng nghiệp ai cũng trầm trồ, khen chú đẹp trai và ai cũng muốn nựng chú một chút. Simba vốn nhát nên cứ rung rung trong vòng tay bế ẵm của mọi người. Mẹ thấy vậy nên đem Simba vào phòng làm việc của mẹ, vừa thả chú xuống cho chú tự do chạy nhảy, thì thật bất ngờ, chú chạy vùng ra cửa, rồi tự động theo hướng tự đánh hơi mà tìm lối ra cửa trước! Mẹ hoảng hốt chạy theo chú, vừa chạy vừa réo: "Simba, đứng lại!" Nhưng chú chỉ ngần ngừ, quay lại ngó mẹ trong tích tắc rồi lại quyết định chạy thẳng ra cửa. Vì là cửa kính tự động mở khi có người ra vào trong giờ làm việc nên Simba lợi dụng lúc dòng người ra vào, cửa mở để chạy ra.

Mẹ điếng hồn vì ra khỏi cửa, là đường xe ra vô tấp nập, nên tìm cách ngăn cản Simba. Mặc kệ, chú cứ chạy! Qua ngưỡng cửa, Simba dừng lại một chút để định hướng, rồi rẽ trái chạy tiếp. Đúng lúc đó có một chiếc xe đang lùi ra khi Simba đang cắm đầu chạy đến. Trong cơn gần như tuyệt vọng, mẹ la lớn: "NOOOOOOO!!!!" Tiếng la của mẹ đã khiến người phụ nữ lái xe thắng lại kịp. Đồng thời Simba cũng ngừng lại nơi đó.

Chạy ra bồng Simba trên tay mà tim mẹ còn đập thình thịch vì hoảng sợ, vừa lúc Elsie đang cho xe trở lại: thì ra đó chính là chỗ Elsie đã đậu xe trước khi vào toà nhà, và Simba chạy ra đúng nơi ấy để tìm lại chủ.

Suốt cả ngày hôm ấy, khi về đến nhà, Simba cứ quay mặt nhìn sang chỗ khác, tránh ánh mắt buồn rầu của mẹ, có lẽ chú hiểu việc cứng đầu của chú đã gây ra tai hại và lo lắng như thế nào cho mẹ! Vậy đó, nhưng lúc ba mẹ có chuyện phải về Việt nam lo cho đám tang bà nội lại nhớ Simba vô cùng. Nhất là khi gọi điện thoại sang Mỹ xem mấy anh em Kenny thế nào, Simba nghe tiếng nói của ba mẹ là bắt đầu kêu lên ư ử rồi chạy quanh khắp nhà tìm kiếm. Cuối cùng khi không thấy, chú đứng lại rồi kêu to hơn như một đứa trẻ đang khóc; làm mềm cả trái tim cứng rắn của ba, còn mẹ thì không dấu được vẻ sụt sùi...

Như các chàng hiền lành bảnh trai khác, Simba cũng có một cô bạn gái: cô nàng Priscilla bên cạnh nhà cũng nhỏ nhắn cùng cỡ. Hai cô cậu hay ra ngoài hàng rào thò mũi sang ngửi ngửi (hôn hít?) nhau mỗi ngày giống như cảnh nàng thơ và chàng Nguyễn Bính: "Giá đừng có dậu mùng tơi, Thế nào tôi cũng sang chơi bên nàng".

"Đôi trẻ" cùng hoà tiếng sủa vang khi có tiếng chân người lạ đi gần đến; nhưng đối với những người quen thuộc như nhân viên phát thư, Priscilla chỉ sủa một hai tiếng rồi chạy vào nhà, trong khi Simba cứ hăng tiết sủa hoài khiến nàng Priscilla bực mình. Nàng ta nhìn Simba và gắt gỏng như muốn nói: "Thôi đi ông tướng, đủ rồi, ngưng đi chớ!" Có vậy Simba mới chịu im...

Chỉ đáng buồn là thời gian ngắn sau đó, Priscilla bị biến chứng của nhiều bệnh nên mù mắt, yếu dần rồi mất. Thương cảm cho việc Simba bị mất bạn, ba mẹ và cả nhà đã nghĩ đến chuyện nuôi thêm một con chó khác trong nhà để Simba đùa giỡn cho khuây khoả. Vừa lúc bạn của ba, chú Hiền (mọi người quen gọi chú là Mr. EDD- vì chú làm trong sở này) có bạn đồng nghiệp về hưu, dọn đi xa nên muốn cho cô chó nhỏ, cũng loại Chihuahua. Ba mẹ lên xin cô chó này về, cũng đem đi chích ngừa và sau đó hân hoan đem về tặng Simba.

Trái với dự đoán của mọi người: thay vì làm quen với bạn mới, Simba lại gầm gừ mỗi khi cô nàng Suki bén mảng lại gần chú. Thấy Elsie bồng ẵm Suki, Simba rầu rĩ ra mặt, có lẽ vì ganh tỵ. Mà cô nàng Suki cũng tai quái lắm: thấy bất kỳ ai ẵm Simba, cô nàng cũng chạy đến, níu chân chủ đòi được ẵm cho bằng được!

Vì sợ rằng Suki còn lạ nhà, nhớ chủ cũ nên Elsie ra sức chiều chuộng cô chó nhỏ và bớt lo cho Simba. Simba bắt đầu bỏ ăn, không còn chơi đùa như mọi lần, chỉ nằm trên sofa giương cặp mắt ai oán nhìn cô chủ Elsie nựng nịu Suki. Nhìn Simba trong tình cảnh càng ngày càng bị trầm cảm nặng hơn, cả nhà không thể chịu nổi nên quyết định đem Suki cho một gia đình cô bạn của mẹ.

Sau khi thấy chắc chắn không còn sự hiện diện của Suki, Simba mới chịu ăn uống và dần dần trở lại như trước. Tuy nhiên, sau đó, mỗi khi anh em Ken muốn đùa thử, lên tiếng gọi Suki, Simba giựt mình và ngó dáo dác, làm như cơn ác mộng (bị bỏ rơi) sắp sửa trở lại!

"Phước bất trùng lai, hoạ vô đơn chí"- Không biết có phải là "năm tuổi" của Simba hay không, mà cái xui cứ liên tiếp đến với chú: thời gian ba mẹ đang đi công việc ngoài tiểu bang, trong khi Elsie dẫn Simba đi dạo sau bữa cơm chiều như thường lệ, Simba bị tấn công bởi một con chó lớn hung dữ loại Pitbull.

Chủ của con chó này là một thanh niên người Nam Mỹ, anh ta chạy xe đạp và con chó Pitbull này chạy theo sau, không có đeo hàm miệng gì cả. Elsie đang dẫn Simba tung tăng  thì đột nhiên con chó hung hăng nhảy chồm lên từ phía sau, ngoạm một miếng lớn vào lưng Simba. Vì con chó quá lớn nên Elsie chỉ biết hét lên mà không biết ứng phó thế nào, mà chủ của con chó kia cũng không hề có hành động gì ngăn cản nó. May sao có một người thanh niên đi đường kịp nhảy chụp vào, bóp mạnh cổ con Pitbull; đau quá nó mới chịu nhả Simba ra với máu me đầm đìa.

Elsie chỉ kịp  hỏi tên và số điện thoại của người chủ Pitbull (anh ta hứa sẽ trả tiền thuốc men, bác sĩ trị liệu cho Simba), rồi đưa chú chó nhỏ đến bác sĩ. Qua một đêm nguy kịch vì mất nhiều máu (phải để Simba qua đêm trong nhà thương chuyên chăm sóc thú vật),  bác sĩ cho biết tình trạng Simba đã tạm ổn định, các cơ quan nội tạng không bị thương tổn nhiều ngoại trừ hai vết cắn lớn trên lưng và đùi.

Mang Simba về nhà, chú thiêm thiếp nằm vì còn đau và còn yếu mệt, không ăn uống được gì cho đến hôm sau. Dần dần, Simba cũng hồi phục tuy cần thời gian. Elsie cũng tìm cách liên lạc với người chủ của Pitbull, nhưng lúc đó mới biết anh ta cho số điện thoại sai lạc.

Nhờ giỏi tìm kiếm, Elsie đã khám phá ra nơi làm việc và địa chỉ điện thư của anh ta. Anh ta cứ lần lữa trong việc bồi hoàn chi phí chăm sóc y tế cho Simba, khiến ba mẹ phải quyết định tường trình sự việc lên cảnh sát thành phố: trước hết vì sự an toàn cho nhiều người khác, và thứ nhì, vì lẽ phải cho Simba.

Qua mạng liên lạc xã hội của những người cùng thành phố, Elsie và ba mẹ biết được rằng người chủ chó Pitbull này đã bị ít nhất là 3 người khác than phiền về chuyện thả chó chạy rông, không chịu đeo hàm miệng và còn có thái độ thách thức khi có người góp ý.

Cảnh sát thành phố tiếp nhận thư khiếu nại của Elsie và gửi giấy phạt người thanh niên kia vì vi phạm luật an toàn (không đeo hàm miệng, không có dây dẫn để kềm chế chó)  gây nguy hiểm đến sinh mạng của mọi người và thú vật chung quanh. Cảnh sát cũng chuyển hồ sơ anh ta sang Sở Quản Trị Thú Vật; nơi đây đã buộc anh ta phải theo học khoá an toàn cho thú nuôi, phải tuân thủ các quy định của thành phố..v..v..

Sau khi bị những giấy mời từ chính quyền và biết sẽ phải đối mặt với những ràng buộc pháp lý, anh ta mới chịu thương lượng, bắt đầu "ca bài con cá sống vì nước" (than thở) để xin ba mẹ giảm tiền bồi hoàn chăm sóc y tế cho Simba. Nghĩ rằng dù sao cũng là vận rủi, vả lại Simba cũng sẽ hồi phục, nên ba mẹ bằng lòng chịu một nửa phí tổn ($800) và anh ta trả phần còn lại.

Đây cũng là một chuyện rút kinh nghiệm cho gia đình: luật lệ tuy có sẵn, rất rõ ràng, nhưng có những người vẫn ỳ ra không tuân thủ. Nếu chúng ta cương quyết đối phó theo luật lệ, sẽ khiến cho những người cố tình vi phạm phải suy nghĩ hai lần trước khi làm bậy; dù vậy, cũng vẫn theo truyền thống ông bà ta xưa nay: giơ cao đánh khẽ. Người thanh niên ngạo mạn và ẩu tả kia  sẽ không còn làm hại được người khác bằng con chó hung dữ của anh ta nữa.

Hoàng Chi Uyên

Ý kiến bạn đọc
19/05/201922:43:12
Khách
@Hà Nội: Xin cám ơn lời chúc Simba bình phục của Người Hà Nội. Dạ đúng là loài chó Chihuahua này rất khôn, và dễ thân thiết với người nào yêu thương chúng, và biết đoán ý người trong gia đình. Mong được đọc truyện của người Hà Nội về cô chó cưng Daisy.
19/05/201922:38:15
Khách
@ Tới Nguyễn: Dạ đúng vậy ạ. Sở Quản Trị Thú vật có thể cho nhân viên điều tra sự việc và nếu cần thì họ phối hợp với Sở Cảnh Sát thành phố để thi hành luật. Cô Loan hàng xóm trong câu chuyện trên đây cũng bị một con chó hung dữ xông từ trong nhà (cùng khu phố )ra cắn cô ấy (do chủ thả lỏng). Nhờ gọi cho Animal Control mà họ đến điều tra và đem chó đã cắn người đi thử xem có vi trùng bệnh dại hay không. Trước đó thì người chủ chó đã chối biến vụ chó cắn người. Mình thương chó nhưng cũng giữ gìn an toàn cho những người xung quanh, phải không ạ? Tên chó Shasa cũng dễ thương quá!
19/05/201918:51:47
Khách
Trước đây, gia đình tôi cũng nuôi một con cho Chihuahua đặt tên Daisy, nặng chưa đầy 5 pounds.
Loại Chihuahua như con Simba trong truyện, rất thân thiện và chỉ một thời gian ngắn nó đã biết được ý của mọi người trong gia đình, ai thích nó thì nó hay nhẩy vào trong lòng và dụi dụi tỏ vẻ yêu thương, cón ai khộng thích nó là nó tránh xa. Nó cũng đánh hơi rất giỏi, khi nào xe của gia chủ gần về đến nhà nó đã sủa báo cho mọi người biết.
Rất mừng là Simba đã bình phục sau tai nạn.
Cám ơn tác giả đã cho đọc một truyện rất lý thú về Simba, chú bạn thân nhất của loài người.
19/05/201917:37:46
Khách
Cám ơn tác giả HCU, giờ mới biết thêm là mình có thể kiện kẻ xấu với sở quản trị thú vật. Nhưng chắc là nhiêu khê lắm. Nhà tôi cũng có một nàng Yorkie tên Shasa, khôn lắm, biết kêu khi cần đi ngoài. Mỗi tội hơi ham ăn nhưng rất thân tình với mọi người.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,014,850
Tác giả là một cây bút nữ kỳ cựu tham gia Viết Về Nước Mỹ từ nhiều năm qua. Năm 2017, với bài viết “Ba Người Đàn Bà Tuổi Dậu”, bà nhận giải Vinh Danh Viết Về Nước Mỹ. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ 20. Bà tên thật Trần Ngọc Ánh sinh 1955, sau khi đi tù gần 11 năm về tội chống Cộng Sản từ đầu 1979 đến cuối 1989, đã tốt nghiệp Đại học năm 1995 ngành Quản trị kinh doanh tại VN. Sang Mỹ định cư theo diện kết hôn năm 2007, hiện đang sống tại thành phố Victorville, miền Nam California. Nghề nghiệp nội trợ. Sau đây, thêm bài viết mới của bà.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ khi tuổi ngoài bát tuần. Bà tên thật là Nguyễn thị Ngọc Hạnh, cùng gia đình tới Mỹ từ 1979, hiện là cư dân hưu trí tại miền Đông. Bài viết đầu tiên là thư kể về mùa đông băng giá khác thường tại vùng Thủ Đô Hoa Kỳ. Bài viết thứ tư của bà kể về nỗ đau của “những ngày tháng Tư xưa ào ạt dày vò.”
Cuối tuần này, 20 và 21/04/2019, chương trình thăm viếng và an táng “Ó Đen” Lý Tống được tổ chức tại nghĩa trang Westminster Memorial Park, Orange County.
Cuối tuần này, 20 và 21/04/2019, chương trình thăm viếng và an táng “Ó Đen” Lý Tống được tổ chức tại nghĩa trang Westminster Memorial Park, Orange County. Xin mời đọc bài viết đặc biệt của Sapy Nguyễn Văn Hưởng.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westmister. Tham dự Viết về nước Mỹ từ tháng 8/2015. Đã lần lượt nhận giải Đặc Biệt 2016, giải Danh Dự VVNM 2017 và giải Vinh Danh Tác Phẩm 2018.
Tác giả một mình vượt biển giữa thập niên 80 khi còn tuổi học trò. Dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, cô nhận giải danh dự 2001. Bốn năm sau, nhận thêm giải vinh danh tác phẩm 2005. Sau đây là bài viết mới nhất của cô cho mùa Phục Sinh và Tháng Tư 2019.
Tác giả quê gốc Kinh 5 Rạch Giá, hiện là cư dân Seattle, dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2010. Ba bài đã viết là chuyện 30 năm của gia đình bà: Vượt biển tới đảo tị nạn, sau 7 năm chờ đợi, bị buộc phải hồi hương. Nhờ chương trình ROV, gia đình vẫn tới được nước Mỹ, và với sức phấn đấu chung, tất cả đã đứng vững.
Tác giả sinh năm 1957, cư dân Santa Ana, đã nhận giải Viết Về Nước Mỹ với những bài viết cho thấy tình thương yêu và ý chí của một gia đình Việt Nam trên đất Mỹ. Sau đây là bài viết mới nhất.
Tác giả tham dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2004. Võ Phú là tên thật. Sinh năm 1978; sinh quán Nha Trang-Việt Nam; định cư, tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth Uni-versity. Hiện đang làm việc và học tại Medical College of Virginia. Sau 12 năm bặt tin, tác giả lại tiếp tục Viết về nước Mỹ từ 2016, với sức viết mạnh mẽ và thứ tự hơn. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Nhạc sĩ Cung Tiến