Hôm nay,  

Nhớ Má Tôi Ở Mỹ!

16/05/201900:00:00(Xem: 10810)
Tác giả: Dong Trinh
Bài số  5690-20-31497-vb5051619

Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, hiện là cư dân Arkansas. Bà sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Tới Mỹ vào tháng 8, 1985, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016 và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, Dong Trinh có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả.


Ma okA
Má tôi.


***

Bốn mươi chín năm sống bên má, tôi vô tình một cách đáng ghét khi không nhận ra mình có cái phước thật lớn lao.  Còn nhỏ, mỗi ngày ăn, chơi với con nít hàng xóm. Lớn lên tới tuổi cắp sách đi học, má bắt đầu lo cho từng bộ áo bà ba, áo dài vải trắng đồng phục, má cặm cụi may phù hiệu trường lên ngực áo. Giúp tôi hoàn thành những cái gối nhỏ, cái khăn thêu, những mũi xương cá, chữ thập...trong giờ nữ công để con luôn được điểm mười đem về khoe bạn mà không nghĩ đó là công sức của má.

Dần theo tháng ngày, tôi lập gia đình nhưng vẫn không ở riêng, vẫn cứ bám lấy má và coi như chuyện bình thường. Tôi không biết tại sao tôi không thể rời ngôi nhà thân thương với ba, má, anh chị em.

Mấy tháng trời hai mẹ con tôi, nay nhà này, mai nhà kia sau khi má và mấy anh chị em rời khỏi Bình Dương để đi Mỹ. Tôi một thân một mình bươn chải nuôi con, túng hụt, bị công an khó dễ vì không nhà phải tạm trú đỡ với người quen, tôi chỉ biết phải rán trong những ngày chờ đợi. Cho đến một ngày, phải - đêm ba mươi trừ tịch, nhà nhà vui vẻ đón giao thừa, mai vàng khắp nẻo. Mẹ con tôi coi đốt pháo, đón mừng năm mới “ké” với nhà một người bạn- Pháo nổ đì đùng, khói cay xè đôi mắt. Đột nhiên , thằng con tám tuổi của tôi vụt chạy thiệt lẹ vô nhà. Hoảng hồn, tôi chạy theo coi chuyện gì xảy ra. Thằng con đang nằm trên giường khóc nức nở. Tôi hoang mang ôm con vỗ về, miệng hỏi chuyện gì vậy con.

- Mẹ ơi, con nhớ ngoại quá!

Trời ơi! Câu nói ngắn, gọn của con đã làm tôi giựt mình! Thằng cháu ở bên ngoại từ lúc mới chào đời, được ngoại thương yêu, chăm sóc còn nhiều hơn mẹ nó. Đêm giao thừa, nhà nhà sum họp, nói cười bên nhau, thằng con dù cũng đang cạnh mẹ vẫn không quên ngoại. Tôi sững sờ, khói pháo cay không làm nước mắt tôi chảy, câu nói của con lại làm nước mắt tôi rơi! Hai mẹ con ôm nhau khóc, cảm nhận được cái tủi, cái buồn của cảnh tết không nhà, không thân bằng quyến thuộc. Câu nói của con đã làm cho tôi nhớ ra rằng tôi vẫn còn có một bà má tuyệt vời nhứt trên trần đời. Lâu nay, tôi chỉ biết đón nhận tình yêu thương của má mà tôi không hề thấy được cái hạnh phúc thiêng liêng mà mình đang được hưởng! Tôi vô tình quá, tôi thua cả cái thằng con tám tuổi của tôi nữa mà!

Rồi những ngày buồn cũng chậm chạp trôi qua. Mẹ con tôi vui mừng không bút mực nào tả xiết khi gặp lại má và các anh chị em bên Mỹ. Tôi được anh tôi mướn cho một căn appartment gần bên má. Tuy rằng có chỗ ở riêng nhưng tất cả sinh hoạt của chúng tôi cũng vẫn như những năm tháng nơi quê nhà. Tôi chỉ về nhà mình buổi tối để ngủ, chờ sáng hôm sau mẹ con lại dắt nhau qua nhà ngoại. Một thời gian sau, mấy chị em tôi mua nhà trong một khu mới cất. Lại cũng san sát bên nhau, cũng là ăn uống chung ban ngày, tối nhà ai nấy về. Dường như đó là thói quen của chị em tôi từ hồi xửa hồi xưa, hồi chúng tôi từng đứa được má sanh ra, chung đụng nhau, không thể thiếu nhau.

Bệnh tiểu đường sanh biến chứng, hai mắt má từ từ không còn nhìn thấy con cháu xung quanh. Vậy mà tai má thính lắm, nghe tiếng mỗi đứa, má biết ngay là đứa nào. Má không cần chống gậy, dù đêm hôm vẫn một mình, mò mẫm từng bước đi vô nhà vệ sinh. Sáng dậy má tự đi đánh răng rửa mặt rồi men theo vách nhà, đếm đúng mấy chục bước chưn để ra phòng khách mà không cần đứa nào dẫn đi.

Hai má con tôi ngày ngày ngồi trên sofa, má tay lần chuổi, miệng kể tôi nghe chuyện đời xưa. Chuyện má kể bây giờ không phải là Tấm Cám, không phải là Bạch Tuyết bảy chú lùn. Chuyện má kể tôi nghe giờ là những tấm gương hiếu thảo của các dì cậu, tôi thích thú khi biết dược các cậu dì, chú cô nội ngoại , bà con xa gần có mối liên quan ra sao. Má có trí nhớ thiệt tốt dù tuổi đã ngoài tám chục. Mỗi khi nhớ đến một người bà con xa dù phía nội hay ngoại, tôi hỏi người đó bà con sao với mình, má cắt nghĩa ngọn nguồn. Nhờ vậy mà tôi biết được khá nhiều về thân tộc hai bên.

Má tôi xuất thân trong gia đình nông dân chơn chất, quê mùa. Nhà ông bà ngoại tôi cách chợ Trảng Bàng khoảng 5 cây số, nằm ngay quốc lộ số 1 đi thẳng lên Tây Ninh, Camboge. Sát nhà ngoại là trường học, ngăn cách bởi giậu tre xanh. Má tôi kể, hồi nhỏ mấy anh em đều được cho đến trường. Sáng sớm ăn ba hột lót bụng xong, nghe tiếng trống nổi lên là mấy cậu, dì với má lật đật chạy ra sân, vạch hàng rào chui qua trường chứ không đi vô bằng cỗng chánh.

Má tôi học cho đến đậu bằng Tiểu học thì nghỉ ở nhà để phụ giúp công việc cho gia đình. Thời xưa, ở tuổi má mà được đi học tới đó thì cũng được kể như là giỏi rồi.

Tôi luôn nhớ hình ảnh má ngày hai mắt còn sáng, mỗi tối trước giờ ngủ, má cầm cuốn kinh ngồi trước bàn thờ Phật đọc thật nhanh, trôi chảy. Lúc đó, tôi không hề có ý niệm gì về kinh kệ, nghe má đọc những chữ gì lạ lắm mà cuối câu cứ là “ta bà ha”.  Tôi lại nhớ hồi nhỏ, ham chơi thường về nhà trễ cơm, đầu tóc tôi nhuễ  nhoại mồ hôi mồ kê, mặt mày đỏ ké vì dang nắng. Má lấy khăn nhúng nước lau cho tôi, nhỏ nhẹ nói:


-Sao mà con cứ đi ta bà hoài, hỏng biết giờ giấc gì hết!

Lúc đó, tôi không hiểu ta bà là gì, nghe má nói riết thành quen. Rồi sau này, trong sách kinh má đọc cũng có chữ ta bà! Hai chữ trên đã ăn sâu vào tâm khảm tôi từ lúc nào không hay, giờ đây, mỗi lần đi chơi đó đây, tôi thích nói đi ta bà, nghe sao mà dễ thương quá đi thôi!

Sau này, qua Mỹ má vẫn có thói quên đọc kinh mỗi tối trước bàn thờ. Dầu là đã thuộc từ lâu nhưng như đó là bản năng và thói quen, má vẫn cứ cầm quyển kinh đọc, cho dù hai mắt không còn thấy đường nữa.

Mỗi tháng, tiền trợ cấp an sinh xã hội của má được chánh phủ chuyển thẳng vô nhà băng. Mỗi khi cần ký check, tôi cầm tay má để đúng vị trí chỗ ký tên, xong buông ra cho má ký. Má cẩn thận viết tên, chữ lót, họ theo thứ tự và thật tài tình, dù không thấy gì nhưng má vẫn nhớ viết hoa những chử đầu, tuy rằng không được ngay ngắn lắm.

Khi mới qua Mỹ, anh tôi dặn dò má từng chút một như tắm trước khi đi bác sĩ (má tôi có thói quen tắm tối trước giờ ngủ). Anh chỉ má biết nói “hello “ khi gặp người Mỹ, nói “bye” để chào. Anh còn cẩn thận dặn má khi mình đến một văn phòng làm việc nào đó, sau khi chào xong, đợi người ta mời thì mới ngồi chứ đừng tự động ngồi xuống ghế. Đó là những lịch sự tối thiểu mình nên làm. Cũng là một cách để cho người ta cảm tình và cái nhìn tốt đẹp với mình.

Má tôi nhớ rất kỹ những gì anh tôi dặn, nên khi đưa má đi đâu, tôi cũng rất vui và hãnh diện khi các bác sĩ, nhân viên ở các văn phòng hành chánh khen ngợi má tôi.

Khi được gọi đi thi quốc tịch, vì má bị mù nên chỉ cần trả lời về lý lịch và được dịch lại bằng tiếng Việt, miễn phần lịch sử Hoa Kỳ.

Vô tới văn phòng, má nói “hello” với ông phỏng vấn rồi đứng yên chờ. Sau khi ông mời ngồi, tôi nói lại với má và kéo ghế giúp má ngồi xuống, tôi thấy ông mỉm cười gật đầu tỏ vẻ hài lòng. Ông chỉ hỏi loa qua tên, tuổi , sanh quán, và nơi ở hiện tại là nước nào. Má trả lời bình tĩnh, lưu loát. Ông đứng lên bắt tay má chúc mừng, tôi lập lại cho má hiểu và kêu má cảm ơn ông bằng tiếng Anh. Ông phỏng vấn cười thiệt lớn và khen má tôi thông minh lắm.

Ngày đi tuyên thệ, cũng như lần đi thi trước đó, chị Ba lại mua cho má một bộ đồ thật đẹp. Má tôi vui lắm, không biết vui vì tấm lòng hiếu thảo của chị dâu tôi hay vui vì giờ được một quốc gia giàu mạnh cưu mang và đón nhận thật nhân ái với những quyền lợi vật chất, tinh thần như chính công dân của họ. Tôi nghĩ má tôi đang thật sự hạnh phúc với cùng hai niềm vui trên.

Tôi và má vẫn ngày ngày bên nhau. Tôi luôn say sưa nghe má từ từ kể chuyện xưa, luôn là những tình cảm thân thương giành cho bên mình cũng như bên chồng. Những ngày còn ở quê nhà, mỗi năm má tôi cúng cho tất cả ông bà nội và cô chú, bác của tôi rất đàng hoàng, điều đó đã làm cho họ hàng bên nội tôi rất kính trọng má tôi.

Năm 1999, những ngày cuối sắp bước qua một niên kỷ mới, nhiều tin đồn khiến dân chúng hoang mang, nào tận thế, nào thế chiến sắp bùng nổ...rồi lại trữ nước, trữ thức ăn vì lo sợ những bất trắc có thể xãy ra...má tôi thình lình trở bệnh. Má không còn đi đứng bình thường, cơ thể yếu dần, đầu óc không còn minh mẩn. Cũng từ đó, ngày ngày tôi ẩm má vô nhà tắm, thay tả, đút má ăn...tôi ứa nước mắt thấy má không nhận ra đứa con, đứa cháu nào hết. Lạ một điều, từ những ngày đó đến cuối đời, má chỉ luôn kêu tên hai đứa con tôi:-Khương ơi, Bình ơi!

Rồi cái ngày không chờ cũng phải tới. Một sáng mùa đông, má ra đi thật êm ái, nhẹ nhàng sau một đêm ngon giấc.

Hồi đó, ngôi chùa nơi tôi ở nhỏ lắm, không có sư trụ trì. Chúng tôi đưa tro cốt của má và ba, anh Sáu đã mất lâu rồi từ bên Việt Nam, sau đó được thiêu đưa qua Mỹ và được thờ ngay trong nhà tôi qua tiểu bang Oklahoma cách chỗ tôi ở ba giờ chạy xe. Khi đó, anh chị ba tôi hay đi Oklahoma thăm con cháu. Một năm, nhân ngày Mother’s Day, chị Ba tôi mua bánh và bông ghé chùa để cúng má. Chiều về tới, chị còn đem bánh qua nhà để lên bàn thờ má tôi và nói cho tôi nghe hôm nay chị đã đi chùa thăm ba má . Tôi nghe qua thật cảm động vô cùng. Từ xưa đến giờ, cả nhà chúng tôi luôn coi chị Ba như chị ruột vì chị rất thân tình, gần gủi với chúng tôi.

Hôm nay, ngày của mẹ, chợ búa bán đầy những bó hoa tươi thắm, nhà hàng tắp nặp những đôi vợ chồng già với áo quần thật đẹp, khập khễnh, chậm chạp dìu nhau đi để mừng cho các bà mẹ.  Trên gương mặt đầy vết nhăn của các ông bà lộ rõ nét hân hoan vì họ vẫn còn có nhau bên đời. Tôi cũng đang thật hạnh phúc với đứa con trai yêu quý. Tuy vậy, niềm vui vẫn không trọn vẹn vì đứa con gái thì lại không có một bên.

Đọc lại bài cũ năm rồi, nhớ má quá. Không phải chỉ hôm nay mà là mỗi ngày. Tôi và má luôn có sợi dây vô hình buộc chặt. Mỗi đêm, má vẫn về với tôi trong giấc ngủ với ánh mắt nhìn thiết tha, với giọng nói ngọt ngào.

Má ơi...những ngày còn bên má, con chưa bao giờ một lần ôm má và nói-“ má ơi con thương má quá!” Đâu phải tại con không thương má mà chỉ gì con không biểu lộ được tình cảm đaó cho má qua lời nói thôi. Con cũng tin chắc chắn là má hiểu được con phải hôn má?

Con nhớ má lắm, rồi má con mình lại sẽ gặp nhau mà!

Kansas City (MO)
05-11-2019
Dong Trinh

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,200,017
Tên thật: Trịnh Thị Đông. Sanh quán: Bình Dương, Việt Nam. Nghề nghiệp: Giáo viên cấp 2, môn Anh Văn. Hiện cư ngụ tại thành phố Fort Smith, tiểu bang Arkansas, Hoa Kỳ.
Trần Nguyên Đán là bút hiệu của Mục sư Lữ Thành Kiến, từng quản nhiệm Hội Thánh Maryland, miền Đông, rồi Fort Worth, Texas. Sau giải vinh danh tác giả Viết Về Nước Mỹ năm 2007, ông nhận thêm giải Việt Bút 2009 và là thành viên Ban Tuyển Chọn Chung Kết Viết Về Nước Mỹ từ 2010. Ngoài Việt Báo Online, nhiều thơ và truyện của ông hiện có trên tạp chí văn chương trên mạng internet, như da mầu, tiền vệ. Sau đây là bài viết mới nhất.
Anne Khánh Vân, sinh năm 1974 tại Saigon, tốt nghiệp kinh tế tại Pháp, hiện sống và làm việc tại miền Đông Hoa Kỳ. Năm 2007, cô nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ với tự truyện “Duyên Nợ Với Nước Mỹ.” Chỉ ít tuần sau đó, cô “chạy” đủ giấy tờ đón ba má từ Việt Nam dự lễ phát giải. Sau chuyến du lịch, hồ sơ bảo lãnh gia đình được hoàn tất và từ 2011, ba má, và vợ chồng người em trai đã chính thức định cư, đoàn tụ. Hiện nay, cô là một thành viên trong ban điều hành Mount Vernon, di sản của vị Đệ nhất Tổng Thống Hoa Kỳ George Washington, tại Alexandria, Virginia.
Tác giả là một cựu chiến binh Mỹ từng đóng quân ở Biên Hoà và kết hôn với một phụ nữ Việt. Viết Về Nước Mỹ, ngày 18 -12-2012 phổ biến bài viết trực tiếp bằng tiếng Việt đầu tiên của ông, kể chuyện tình 40 năm trước giữa chàng thuỷ quân lục chiến Hoa Kỳ và một cô gái Việt. Với bài "Hành Trình Tiếng Việt của Một Người Mỹ", Sáu Steve Brown đã nhận Giải Việt Bút mang tên Bà Trùng Quang năm đầu tiên, 2013. Ông bà nay có 7 người con, hiện ở Ohio. Sau đây, thêm một bài mới của ông Sáu.
Tác giả một mình vượt biển giữa thập niên 80 khi còn tuổi học trò. Dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, cô nhận giải danh dự 2001. Bốn năm sau, nhận thêm giải vinh danh tác phẩm 2005.
Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà hiện có tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ mười chín, 2017-08. Sau đây là bài viết thứ 12 trong năm.
Tác giả Tâm Chánh là người con gái của Trung Tá Từ Tôn Khán, Tỉnh Đoàn Trưởng Tỉnh Đoàn Cán Bộ Xây Dựng Nông Thôn, Huế, thời 1968. Ông bị Việt Cộng bắt và sát hại trong Tết Mậu Thân tại Huế. Hiện nay Tâm Chánh là Vice President of the Real Estate Entitlement Development Incorporation tại Southern California.
Tác giả là cư dân Minnesota, đã nhận giải vinh danh tác giả Viết Về Nước Mỹ 2008. Với những bài viết thuộc nhiều thể loại đề tài, cô là một tác giả rất được bạn đọc yêu mến.
Chủ Nhật tuần này là Father’s Day 2018 tại Hoa Kỳ. Mời đọc bài viết về thân phụ của một nhà giáo. Với bài “Hành Trình Văn Hóa Việt tại UC Irvine”, tác giả đã nhận Giải Việt Bút Trùng Quang 2016. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và trở thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt tại UC Irvine từ năm 2000 cho tới nay. Sau khi nhận giải Trùng Quang 2016, tác giả vẫn tiếp tục góp thêm bài viết về nước Mỹ.
Chủ Nhật tuần này là Father’s Day 17-6-2018. Mời đọc bài của Phan, nhà báo trong nhóm chủ biên một tuần báo tại Dallas, đã góp bài từ nhiều năm, từng nhận giải Vinh Danh Tác Giả Viết Về Nước Mỹ. Ông cũng là tác giả Viết Về Nước Mỹ đầu tiên có nhiều bài đạt số lượng người đọc trên dưới một triệu.
Nhạc sĩ Cung Tiến