Hôm nay,  

Tù Mỹ, Tù Việt

14/05/201900:00:00(Xem: 11496)
tu tay
Nhà tù county, bên trong trại giam.


***

Tôi có một ông anh bà con xa, đang làm việc cho Pima County Sheriff Department với công việc là cảnh sát gác tù (Correctional Officer), mà tôi vẫn đùa gọi anh là Tù trưởng, còn tù nhân kêu anh là Xi-Ô (C.O).

Công việc, theo anh nói, so với việc làm trước đây, thì không cực nhọc tuy đôi khi căng thẳng vì tù nhân hay làm reo, nhưng lương lậu thì không tệ (bắt đầu khoảng $44,400/1 năm), hưu bổng, và quyền lợi thì không chê vào đâu được. Thêm nữa, việc này không cần có bằng cấp hay kinh nghiệm, họ sẽ huấn luyện mình.

Làm việc cho chính phủ tiểu bang thì rất bền, nhưng công việc gác tù này không phải ai cũng làm được vì cần đức tính kiên nhẫn và chăm chỉ. Cái này thì anh có thừa trong nghề gõ đầu trẻ trước đây. Chỉ mình đuổi việc chủ, chứ chủ chẳng bao giờ đuổi mình, anh tâm sự như thế.

Được gia đình bên vợ bảo lãnh qua Mỹ lúc tuổi xuân vừa tròn 4 bó. Qua xứ lạ, anh không còn được gọi là ông, mà thằng cũng chẳng ra thằng. Ngày còn trong nước, anh đi dạy, giờ bị “mất dạy”, thêm phần “bất lương” (không có lương) nên chẳng làm được trò trống gì. Sau mấy năm làm assembler trong một hãng kiếng ở địa phương, mỗi ngày dập mấy trăm cái khung sắt, xương cốt rã rời, về nhà, vợ thương quá, tối nào cũng cứ dầu nóng bóp cổ, bóp vai mãi mà “long thể” vẫn bất an, “long sàng” vẫn cứ có rệp.

Đêm nào cũng đấm bóp và an ủi nhau nên thằng út Ráng ra đời trong hoàn cảnh ấy. Anh kể: Ngày thằng cu chào đời, chẳng thấy vầng hào quang chói lọi, chẳng có một ngôi sao sáng nào xẹt vào nhà (như Kim Jong Un), chẳng hoa hồng ngát hương hay tiếng nhã nhạc du dương báo tin lành gì hết, mà chỉ thấy hai vợ chồng nổ đom đóm mắt vì tuổi già việc nặng mà lại thêm con nhỏ khóc đêm.

Thấy tương lai chắc sẽ tối như đêm 30 vì công việc bầm dập mà sức khỏe ngày một yếu đi, anh quyết định “ôm cầm sang thuyền khác” bằng cách ghi danh thi tuyển làm cảnh sát gác tù vì nghe nói nghề này nhàn nhã mà phúc lợi (benefits) cao, bảo hiểm sức khỏe tốt, không sợ bị đuổi việc, dù kinh tế lên hay xuống, cũng vẫn có đủ… tù để coi, thêm nữa, sẽ được vào ngạch chính thức là viên chức chính phủ tiểu bang (State government) chứ không phải thứ “dóp” loại cờ lờ mờ vờ ma dê in VN.

Anh khoe trước ngày đi Mỹ, một ông thày bói phán rằng hậu vận anh sẽ vô cùng sáng lạn vì anh sẽ cai quản cả mấy chục người dưới quyền của mình. Ôi, lời thày phán ứng nghiệm như thần!

Tôi và anh thân nhau, dù trẻ hơn tôi cả 10 tuổi và lớn lên trong thời “cắt mạng”, chúng tôi hay kể nhau nghe vui buồn nghề nghiệp trong những buổi trà dư tửu hậu: anh uống rượu, ít ăn mồi, còn tôi chuyên ăn mồi mà không uống rượu. Tuy khác nhau một trời một vực, nhưng vẫn là cặp tri kỷ vì rượu anh, anh uống, mồi tôi, tôi cứ ăn, người này không đụng chạm “quyền lợi” người kia nên tình anh em luôn bền vững như “môi hở răng lạnh”. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy sẽ… từ từ thay đổi. Bên đây sứt môi, họ vá được, mất hết hàng tiền đạo, họ vẫn làm cho một hàm răng mới, mỗi lúc cười lên là sáng cả một bầu trời. Tôi vẫn thường đùa với anh là ông nội anh với ông nội tôi là …hai ông nội, nên anh em mình họ hàng cũng còn gần lắm.

Sau khi trải qua 6 tuần quân trường thụ huấn về thể lực, bao gồm các lớp học về luật pháp cần thiết cho công việc, vài thế võ nghệ căn bản như Jiujitsu để đối phó với các tình huống hiểm nguy khi tù nhân nổi loạn, gian khổ gần như lính, anh tốt nghiệp được gắn huy hiệu ngôi sao tiểu bang. Anh than thở rằng sợ nhất là ngày phải đấu võ đài, có qua khỏi mới đủ điểm đậu làm cảnh sát gác tù. Họ bắt chúng tôi phải đánh nhau thật với huấn luyện viên.

Chú nghĩ coi thân tôi nhỏ bé thế này mà phải đối đầu với 1 thằng Mỹ to gấp đôi. Khỏi nói thì chú cũng biết kết quả ra sao rồi. Tôi bị một trận bầm dập nhưng cũng rồi cũng qua. Sau đó chúng tôi phải bắn súng điện lẫn nhau coi sức chịu đựng ra sao trong trường hợp giả định bị tù nhân nổi loạn, lỡ bắn nhầm vào nhau. Mà đâu phải 1 lần. Họ bắt chúng tôi, 4 người quàng vai nhau thành hàng ngang, một học viên khác bắn súng taser với 20,000 volts, làm cả 4 chúng tôi hét lên, cứng đơ cả người, rồi tất cả ngã vật xuống, có sẵn hai học viên khác đỡ trước khi chúng tôi té nằm ngay cán đơ cán cuốc trên sàn nệm. Mất vài chục giây sau, chúng tôi mới có thể lồm cồm bò dậy, rồi nhăn răng ra cười hềnh hệch, và đập tay (high-five) lẫn nhau.

Trận cuối cùng mới đáng sợ và không bao giờ quên: Chúng tôi cứ 2 người bắt cặp, người kia cầm hộp xịt hơi cay chĩa thẳng vào mặt tôi, trong khi tôi đứng thẳng, không nhúc nhích, mắt phải mở to, không được chớp mắt, để đối thủ xịt chất lỏng cay vào mắt. Sau tiếng kêu “fight” (đánh), cả hai phải lao vào nhau, dùng hết các thế võ đã học, để hạ địch thủ. Đây là cảnh giả dụ nếu chúng tôi lỡ tay xịt hơi cay vào mặt nhau trong lúc đánh nhau, khống chế tù nhân, thì chúng tôi phải chiến đấu tới cùng cho đến khi được cứu.

Trong lúc chúng tôi đánh thì họ quay phim. Sau này coi lại, tôi mắc cỡ quá chú ơi, vì người bạn kia, lao vào quật tôi ngã xuống sàn. Tôi lồm cồm bò dậy, nắm một chân anh ta, mà nước mũi, nước dãi của tôi chảy lòng thòng, nhiểu nhảo tùm lum, hơi thở hào hễn, tôi vẫn không chịu buông, dù mắt cay xè không mở ra được. Họ phải tách chúng tôi ra và hét “fight again”.

Qua làn nước mắt cay xè, tôi lờ mờ thấy địch thủ, tôi lại lao vào quần thảo với anh ta cho đến khi tiếng kêu “stop”, người ta kéo chúng tôi ra và một người dẫn tôi ra vòi nước xả lên đầu tôi cho đỡ nóng và đỡ cay. Sau bữa đó, về nhà, hai ngày weekend, mắt tôi sưng húp và cái nóng cay vẫn còn đó cho đến hết ngày hôm sau. Tôi thề rằng thà bị taser còn hơn bị pepper spray.

Chưa hết, đoạn đường “chiến binh” cuối cùng mà học viên nào cũng phải vượt qua trước khi được gắn lon. Tất cả mặc đồng phục cảnh sát, giầy, và mọi trang bị cần thiết, bắt đầu chạy bộ 15 dặm lên núi để được làm lễ gắn ngôi sao trên đó. Trong khi chạy, có vài học viên ngã gục, ói mửa tùm lum, họ cấp cứu, rồi bắt đứng dậy, đi tiếp, không cần chạy, cho tới khi chinh phục được đỉnh núi. Riêng tôi, tuy không khỏe nhưng dẻo dai, tôi cũng lết được lên đỉnh núi và tới đích. Bài học họ muốn chúng tôi nhớ nằm lòng là phải kiên nhẫn, bền bỉ, không bỏ cuộc, thì sẽ thành công. Từ đây, tôi chính thức được gọi là C.O., cảnh sát cải huấn, trực thuộc bộ cải huấn tiểu bang: DOC, Department Of Corrections.


Anh hay tò mò hỏi tôi về những tháng năm tôi nằm bắt rệp trong hô teo Chí Hòa ra sao để anh rút tỉa kinh nghiệm mà đối đãi với tù Tây.  

Anh bắt đầu kể về công việc anh làm hằng ngày nơi trại giam. Sau đây là lời kể của anh và của tôi, xen kẽ nhau, để bạn đọc có thể hình dung ra được “sự ác độc, bất nhân” của chế độ tư bản đế quốc Mỹ đối đãi với tù nhân của họ ra sao khi so sánh với “sự khoan hồng, nhân đạo” của đảng và nhà nước với chính đồng bào của mình.

Chuyện nhà tù Mỹ

Đi làm mỗi ngày, tôi phải ăn mặc chỉnh tề như một cảnh sát thực thụ, chỉ khác là tất cả chúng tôi không được mang súng. Áo quần khaki vàng được ủi thẳng nếp, không một vết nhăn, áo bỏ trong quần với tên họ bên túi trái, giày bốt đen đánh xi-ra láng cóng, đầu đội nón baseball-cap với huy hiệu cảnh sát. Dây lưng quần được trang bị một cặp còng tay, một lọ Pepper-spray xịt chất lỏng cay, một súng điện Taser, và một máy radio liên lạc được nối qua cầu vai trái lên tới hai lỗ tai bằng một cặp tai nghe (ear-plugs) để khi liên lạc và hành động thì còn rảnh hai tay mà làm việc. Tác phong nghiêm chỉnh như trong quân đội.

Mỗi sáng đến nơi làm việc, phải điểm danh, chào cờ, và kiểm tra quân phục. Nếu ông xếp (captain) không hài lòng vì đường ủi không thẳng nếp, hay áo trong quần lệch một bên, giây giày thắt không đều thì bị bắt hít đất (Push-up). Xong xuôi, tan hàng, quẹt thẻ vào cửa trại, và một ngày làm việc bắt đầu bằng cuộc họp ngắn ngủi (brief) về tình hình chung của trại giam. Nếu không có gì mới cần chú ý thì ai về chỗ làm của người nấy.

Bắt tay người đồng nghiệp của ca làm việc trước, anh cho tôi biết vắn tắt về tình hình trong phòng giam. Tôi bước vào trong phòng làm việc của mình được bao quanh bằng kính dày để có thể quan sát tất cả mọi phòng (pods) của tù nhân được thiết kế như hình rẽ quạt gồm hai tầng. Sau khi đóng cánh cửa sắt sau lưng lại, tôi coi danh sách tù nhân có tổng cộng bao nhiêu người, phòng nào ở đâu, tên gì, và phòng nào chỉ có 1 người.

Lại dùng thẻ của mình mở cửa phòng từ bên trong, đi ra ngoài để tuần tra các phòng giam tù nhân để chính mắt mình điểm danh, và quan sát được tình hình, thái độ, sinh hoạt của họ. Phòng giam rộng 3 mét, dài 5 mét, gồm 2 tầng, mỗi tầng 15 phòng, Tất cả được xây bằng gạch, trang bị hệ thống điều hòa không khí, và cửa sắt có 2 tấm kiếng dầy theo chiều dọc để cảnh sát có thể nhìn vào bên trong. Một giường đôi hai tầng (bunk-bed) bên tay trái, gồm nệm, tấm trải giường, gối, và một cái mền và hai cái bàn nhỏ bằng sắt không rỉ (stainless steel) dùng làm bàn viết. Cuối phòng là bàn cầu giật nước cũng bằng sắt không rỉ, một kệ nhỏ rất sạnh sẽ, với đầy đủ dụng cụ vệ sinh cá nhân như kem và bàn chải đánh răng, khăn mặt. Một cái bồn rửa mặt (lavatory) và phòng tắm (shower) với vòi nước, tất cả đều sạch sẽ, cũng bằng sắt không rỉ. Tất cả tù nhân (inmates) đều mặc đồng phục màu cam.

Chuyện Nhà tù Việt

Khám Chí Hòa: Mỗi buổi sáng tôi đều bị dựng dậy bởi tiếng loa phát thanh the thé của mụ xướng ngôn viên đọc tin tức. Toàn tin tốt đẹp về xây dựng xã hội chủ nghĩa, về độc lập, tự do, no ấm, và hạnh phúc. Tôi tin rằng ở đâu thiếu cái gì, người ta hay nói về cái đó ra rả cả ngày. Một lúc sau, tiếng chìa khóa lẻng kẻng vang lên, một người tù trật tự mở cánh cửa sắt nặng nề kêu ken két, theo sau là tên công an quân phục màu xanh cứt ngựa, cuốn sổ trên tay, chân mang dép lốp xe lẹp xẹp đi đến từng phòng điểm danh. Khi hắn đọc tên ai, người đó phải hô to “báo cáo cán bộ, có tôi”.

Khám Chí Hòa là một trại giam rất lớn chia làm 4 khu theo hình bát giác (8 dãy nhà). Được xây dựng từ thời Nhật chiếm Việt Nam, đang dang dở thì người Pháp trở lại và tiếp tục hoàn thành. Trung tâm nối liền 8 góc là một tháp nước (Château d’eau/water tower) hình dáng một thanh gươm tròn cắm xuống đất. Muốn đi từ khu này qua khu kia, phải đi ngang qua dưới tháp nước đó.

Khu ED chính trị và kinh tế là khu tôi bị nhốt, gồm 4 tầng lầu, mỗi tầng có 4 phòng. Mỗi phòng rộng khoảng 10 thước, dài 25 thước, nhốt 60-70 tù nhân mà chỉ có duy nhất một bàn cầu khô ở góc phòng, loại ngồi chồm hổm, không có vách ngăn. Tù nhân cần “trút bầu tâm sự” đành phải phơi bày mọi sự cho thế gian coi khơi khơi. Kế bên là một thùng phuy nước vừa để dội cầu và phát tiêu chuẩn cho tù nhân xài. Mỗi ngày, người tù được lãnh 1 lít nước để vừa uống, rửa mặt, đánh răng, vừa rửa cái “bàn tọa” sau khi nỗi buồn đã được “giải phóng”. Vâng, đúng 1 lít nước không hơn không kém. Mỗi tuần được xuống sân của khu, nơi có 1 bồn nước xi măng để tắm, giặt trong 5 phút. Có người mới xát xà bông, chưa kịp xả nước thì hết giờ, phải trở lại phòng mà vẫn còn bong bóng đầy đầu. Đây là cơ hội duy nhất cho ai có can đựng nước riêng nhà gởi vô, lo lấy thêm nước mà xài.

Ngày được thăm nuôi thì đúng là ngày khổ nhất và ngày dài nhất cho những người tù mới bị “nhập kho”. Là ma mới nên chỗ nằm ngủ ưu tiên sẽ là kế bên “cầu biên giới”. Kinh tế cộng sản, xã hội chủ nghĩa, luôn nói có đầu vô thì cần phải có đầu ra, quả không sai: Có ăn vô thời phải có đi ra. Ở trong tù, ngày thăm nuôi là ngày cái bàn cầu trở nên bận rộn nhất, người ra vô tấp nập, phải xếp hàng. Khổ nỗi, “sự cố” này luôn kèm theo âm thanh réo rắt lẫn mùi hương lan tỏa rất xa, mà những người khốn khổ cũng lại là những tên ma mới đang nằm kế bên, đành phải ca bài “lãnh trọn đêm mưa”.

Ai có nhu cầu “xả nước cứu thân” (không phải xả thân cứu nước) thì không đến nỗi nào, còn thực hành cái đệ Tứ khoái, thì tất cả mọi người trong phòng đều ngậm ngùi nín thở. Đã vậy, mỗi một trái “bom rơi” đều kèm theo một tiếng động âm vang ngân dài trong phòng vì hơi dội ngược lên, nghe cái đoong.

Giường là sàn xi măng. Khi quá đông tù nhân, mỗi người chỉ có 30 -50 cm bề ngang để nằm. Hè nóng, Đông thì lạnh buốt xương. Tôi vốn con bà phước nên vô sản chuyên chính: tối ngủ, xin được hai giỏ bện bằng cói rách te tua, một cái trùm đầu, một cái trùm hai chân cho ấm và bớt bị muỗi cắn, nằm co như con tôm trên nền xi măng lạnh tê tái. Còn rệp thì khỏi nói, xin cứ “vô tư” (nói theo kiểu người trong nước), ngửi được hơi người, chúng bò ra đông như quân Nguyên, chỉ nhìn thôi cũng đủ nổi da gà, rợn tóc gáy, mùi hôi đến lợm giọng.

(Còn tiếp một kỳ)
Nguyễn Văn Tới

Ý kiến bạn đọc
16/05/201902:43:56
Khách
Một bài viết so sánh rất hay, nhà tù Mỹ đầy tình người, trái lại với nhà tù Việt. Chúc mừng tác giả đã thoát được cuộc sống khổ ải trong hỏa ngục Cộng Sản. Mong tác giả tiếp tục cống hiến cho bạn đọc những bài viết ý nghĩa.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 843,993,714
Tác giả định cư tại Pháp nhưng thường lui tới với nước Mỹ, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, bà đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả -thường được gọi đùa là giải Á Hậu. Bài mới của Đoàn Thị viết nhân Ngày Lễ Mẹ 2019.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bà là một chuyên viên xã hội, từng nhiều năm làm việc tại Trung tâm Cao niên một thành phố tại Bắc California. Bà cho biết muốn tham gia viết về nước Mỹ từ lâu, nhưng phải chờ tới khi về hưu mới thực hiện được ý nguyện. Bài viết đầu tiên của bà là "Bà Ngoại Khác Chủng Tộc". Sau đây là bài viết thứ ba của tác giả.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Ông cho biết tên là Dương Vũ, sang Mỹ từ năm 1975, khởi đầu định cư tại tiểu bang SC, và hiện đang sống ở Sacramento. Bút hiệu ông chọn là VuongVu (viết liền, không dấu.) Bài đầu tiên là hành trình di tản từ 30 tháng Tư, 1975, với nhiều chi tiết sống động chưa từng được ghi nhận. Mong tác giả sẽ tiếp tục viết. Bàà đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Ông cho biết tên là Dương Vũ, sang Mỹ từ năm 1975, khởi đầu định cư tại tiểu bang SC, và hiện đang sống ở Sacramento. Bút hiệu ông chọn là VuongVu (viết liền, không dấu.) Bài đầu tiên là hành trình di tản từ 30 tháng Tư, 1975, với nhiều chi tiết sống động chưa từng được ghi nhận. Mong tác giả sẽ tiếp tục viết. Bà đăng 2 kỳ.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, hiện là cư dân Arkansas. Bà sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Tới Mỹ vào tháng 8, 1985, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016 và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, Dong Trinh có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả.
Tác giả là một cựu tù cộng sản, hiện sống ở Vail, Arizona, làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi. Với bài viết của một dân sự gốc Việt từ căn cứ Mỹ tại Afganistan, ông nhận giải Danh Dự VVNM 2018. Bài viết mới của tác giả được đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ 2019 khi gần 90 tuổi. Bà tên thật là Nguyễn thị Ngọc Hạnh. Trước 1975, là giáo sư đệ nhị cấp tại Trung học Nguyễn Trãi. Cùng gia đình tới Mỹ từ 1979, hiện là cư dân hưu trí tại miền Đông. Bài viết thứ năm của bà được ghi là “Viết tặng các bà Mẹ và những người làm con nhân Ngày Từ Mẫu”
Bài viết cho Ngày Lễ Mẹ 12 tháng Năm 2019. Tác giả là một cây bút nữ kỳ cựu tham gia Viết Về Nước Mỹ từ nhiều năm qua. Năm 2017, với bài viết “Ba Người Đàn Bà Tuổi Dậu”, bà nhận giải Vinh Danh Viết Về Nước Mỹ.
Ngày mai, Chủ Nhật 12, 2019 sẽ là Ngày Lễ Mẹ. Mời đọc bài viết của Lê Xuân Mỹ, một kỹ sư, làm việc tại Kia-Tencor San Jose, California. Qua Mỹ năm 1998. Cha học tập cải tạo chết trong trại Vĩnh Phú năm 1979, lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ.
Năm nay, tháng Năm ngày 12, sẽ là Ngày Lễ Mẹ. Mời đọc bài viết của Pha Lê. Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79. Đi học lại gần 6 năm mới ra trường với bằng BS engineer năm 85. Hiện là cư dân ở Lafayette, Louisiana, còn vài năm nữa sẽ ... ăn tiền gìa. Bút hiệu Pha Lê, theo chú giải vui của tác giả, không phải là trong veo như Pha Lê, mà là... Pha trò và Lê la! Sau đây là bài viết thứ năm của bà.
Nhạc sĩ Cung Tiến