Hôm nay,  

Tháng Tư, Tre và Măng

05/05/201900:00:00(Xem: 13896)
Tác giả: Khôi An

Bài số  5681-20-31488-vb8050519

 
Khôi An định cư ở Bắc California. Cô là một kỹ sư từng làm việc ở hãng Intel hơn hai mươi năm. Sau đó, Khôi An trở lại trường lấy bằng Master về Ngôn Ngữ Học rồi đi dạy tiếng Việt ở các trường đại học vùng Vịnh San Francisco. Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2008, cô đã nhận giải Chung Kết 2013. Sang năm 2015, thêm giải Việt Bút Trùng Quang, dành cho những nỗ lực phát huy văn hóa Việt trên đất Mỹ. Từ 2016, cô là thành viên Ban Tuyển Chọn Giải Thưởng Việt Báo. Bài đăng 2 kỳ.

 

Khoi An_30-4 Stanford 18
Nhóm sinh viên gốc Việt ở Đại học Stanford và khách tham dự ngày Nhớ Về Tháng Tư Đen  30 tháng Tư, 2017.

 
**
 

Những nhánh cây thấm đẫm mưa từ mùa Đông năm trước đã đến lúc đẩy bung sức sống ra thành những chồi non. Nắng hây hây cho hoa đào hồng tươi, hoa mận hồng tím, hoa lê hồng phớt lung linh nhảy múa trên khắp nẻo đường.

Tháng Tư về, để khách đi bộ dừng chân, ngỡ ngàng nhìn con đường quen thuộc đã biến thành một bức tranh. Tháng Tư về, để tôi, một lần nữa, chiêm ngưỡng thiên nhiên diễm lệ ngay trong vườn nhà và bâng khuâng nhớ câu nói của một người bạn cũ, “Nếu tôi không phải là người gốc Việt thì hiện giờ tôi đang hoàn toàn hạnh phúc.”

Câu nói đó thường được đáp bằng “???” hoặc một cái nhướng mắt hàm ý “tại sao”.  Tuy nhiên, với một số người, chỉ cần nói vậy là đủ. Là thấm thía.

 

Anh ạ! Tháng Tư mềm nắng lụa

hoa táo hoa lê nở trắng vườn

quê nhà hun hút sau trùng núi

em mở lòng xem lại vết thương

(Trần Mộng Tú)

 

Đó là những người, giống như nhà thơ Trần Mộng Tú, cưu mang trong lòng một vết thương chưa kín miệng dù họ đã trải qua mấy mươi năm học, làm, xây dựng, đóng góp, và thành đạt – ít nhiều - ở quê hương thứ hai. Nằm trong góc khuất của tâm hồn, vết thương đó đôi khi trở mình, nhức nhối, dù đang ở giữa cảnh vui.

Thường thì chúng tôi hay “xem lại vết thương” khi tháng Tư về. Nhắc những khổ sở, đau đớn, cay đắng, sững sờ, phẫn uất của thời đổi đời đen tối. Nhắc để tưởng niệm ngày quê hương thứ nhất, Việt Nam, bị đẩy vào một chuyến tàu lao xuống dốc mà đến giờ vẫn chưa thấy dấu hiệu ngừng lại.

Tháng Tư đến rồi đi đã mấy chục lần. Thế hệ tị nạn đã già đi, và thế hệ con cháu - mang quốc tịch của quê hương thứ hai từ lúc chào đời - đã lớn.

Họ đã lớn và rất thông minh, hiểu biết, với vóc dáng thanh xuân vững chãi và tay chân hết sức lẹ làng. Muốn biết điều gì, họ rút smart phone ra, bấm lia lịa và nhận tin tức từ “thầy Google” nhanh như chớp trong khi cha mẹ, chú bác, còn đang ngẩn mặt ra ngẫm nghĩ.

Trong gia đình tôi, lớp trẻ còn được nghe rất nhiều điều chúng tôi đã trải qua. Khi nào có dịp chúng tôi đều kể chuyện người Việt đổi mạng sống đi tìm tự do, chuyện tù chính trị, chuyện kiểm kê tài sản, chuyện chiến tranh, chuyện đấu tố… Tôi tin rằng con cháu tôi, cũng như lớp trẻ gốc Việt ngoài kia, rất giỏi giang, lỗi lạc nên hiểu rằng Cộng Sản quả thật “sinh ra từ đói nghèo và ngu dốt, lớn lên bằng dối trá và bạo lực” (Đức Dalai Lama). Tôi nghĩ rằng nếu tôi biết chống sự độc ác, dã man của phát xít dù chưa từng sống qua thời Thế Chiến Thứ Hai thì lớp con cháu cũng biết rằng chống Cộng chính là chống sự gian ác, vì thế chống Cộng là một điều tất nhiên đúng. Và tôi nghĩ  họ cũng hiểu rằng nhờ có sự hy sinh xương máu của quân đội Việt Nam Cộng Hòa trong hai mươi năm, thế hệ của tôi và các thế hệ sau mới có cuộc sống ngày hôm nay.

Nhưng, không hẳn là như vậy. Đó là điều tôi nhận ra trong hai năm 2017, 2018.

Tháng 9, 2017 nhiều người gốc Việt ở Mỹ đã háo hức chờ xem phim Việtnam War của Ken Burns. Cuốn phim ra đời bốn mươi hai năm sau cuộc chiến Việt Nam, sau khi vô số tài liệu được giải mật đã vạch rõ âm mưu đánh cầm chừng ngay từ đầu và nhẫn tâm bỏ rơi Việt Nam trong giai đoạn cuối của đồng minh Mỹ. Cho tới lúc đó, những phim về cuộc chiến Việt Nam đều có luận điệu một chiều với tài liệu cũ rích, nhằm xóa hết công sức của quân đội Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) để kết luận rằng đồng minh Nam Việt hèn yếu là một trong những lý do chính đưa đến của sự thất bại của Mỹ. Lần này, mọi người chờ đợi những chi tiết mới, chính xác và công bằng. Gia đình tôi khuân cả cái Tivi đến cạnh bàn ăn để ngày nào ăn tối trễ cũng vẫn xem phim được.

Sau một, hai tập đầu tôi đã thấy Vietnam War cũng chỉ dùng những lập luận cũ như những phim trước nhưng tinh xảo hơn nhiều về cả kỹ thuật làm phim lẫn cách dàn dựng và xử dụng những đòn phép tâm lý. Nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục vì hy vọng phần sau của cuốn phim sẽ khá hơn và cũng vì muốn tìm hiểu thêm trước khi kết luận.

Tôi kiên nhẫn xem đến tập bảy, tập tám, cho đến khi cuốn phim nhắc đến vài tướng VNCH buôn lậu, tham nhũng, và đóng bằng lời nói của một nhân vật Mỹ rằng: quân đội VNCH “dột từ nóc dột xuống” (“leak from the roof”). Lúc đó, tôi biết là tôi đã cho cuốn phim Vietnam War nhiều hơn thì giờ cần cho.

Tôi phiền vì cuốn phim chọn lọc dữ kiện để bôi nhọ quân dân miền Nam. Tôi phiền vì có vẻ lớp trẻ đã nghe và nhớ nhiều điều về chính phủ và quân đội VNCH từ những tài liệu, sách báo, phim ảnh ngoài xã hội hơn là những chuyện họ nghe kể trong gia đình, vì thế, họ nhanh chóng bảo là Vietnam War nói lên sự thật. Tôi phiền nhiều hơn nữa vì có những người không còn trẻ cũng chẳng thấy được sự khập khiễng, một chiều của những điều được trình chiếu, cũng gật gù bảo rằng phim nêu lên sự thật qua tài liệu, nhân chứng.

Tôi đáp lại, “Một nửa cái bánh vẫn là bánh, nhưng một nửa sự thật thường là sự dối trá lợi hại” (dựa theo Benjamin Franklin).

Một nửa sự thật là nhắc đến những vị tướng VNCH tham nhũng nhưng không có một lời về năm vị tướng VNCH đã tuẫn tiết ngày miền Sài Gòn thất thủ, trong đó có một vị đã lấy quân đội làm gia đình, không giữ lại gì cho chính mình, kể cả mạng sống mà ông tự kết liễu.

Một nửa sự thật là nhiều lần mượn lời lính Mỹ nói rằng quân Cộng Sản thiện chiến nhưng gần như không nói về những người lính miền Nam đã từng chiến đấu và chiến thắng.

Một nửa sự thật là nhắc đi nhắc lại Điện Biên Phủ mà không nói gì đến những chiến thắng Quảng Trị, Kontum, An Lộc...

Một nửa sự thật là phỏng vấn nhiều chỉ huy của Bắc quân mà không thấy những vị tướng, tá miền Nam một thời sát cánh với đồng minh Mỹ, đã từng hy sinh sự an toàn của cả gia đình họ để ở lại đánh những trận cuối cùng năm 1975 cho Washington D.C. có thì giờ di tản người.

Một nửa sự thật là chọn dùng lời của nhiều nhân vật Mỹ nhắc tới những hành động xấu của vài cá nhân trong quân đội miền Nam nhưng không chọn những người Mỹ nào từng tham chiến và cảm phục các chiến hữu Việt Nam, chẳng hạn như ông tướng bốn sao Mỹ, người từng nói với một vị chỉ huy Thủy Quân Lục Chiến VNCH “Bạn chiến đấu rất cừ và là một người lãnh đạo giỏi. Tôi không thể có một chiến hữu tốt hơn bạn.”

Một nửa sự thật là nói về số bom đạn và chất độc da cam Mỹ đã dùng để phá con đường mòn Hồ Chí Minh như là một hành động dã man nhưng cố tình không nói rằng hành động này là Mỹ bắt buộc phải làm để triệt phương tiện vận chuyển khí giới và quân lính để đánh phá miền Nam. Con đường này do Cộng Sản Bắc Việt lợi dụng địa thế hiểm trở dọc theo biên giới Lào, ngoài vùng kiểm soát của chính quyền VNCH, để ngoan cố chĩa vòi vào khắp nơi trong miền Nam, trắng trợn xâm lăng.

Một nửa sự thật là chiếu một gián điệp Cộng Sản kể chuyện bị chính quyền VNCH đánh đập mà không có một lời nào về những quân nhân Cộng Hòa bị bắt khi nhảy dù xuống miền Bắc, bị hành hạ dã man và chết lõa lồ trong hầm biệt giam.

Một nửa sự thật là giành thì giờ cho một nữ bộ đội kể về cuộc tình của cô ta trong chiến tranh, nhưng không có giờ cho những người vợ và những góa phụ của quân nhân miền Nam.

Một nửa sự thật là phỏng vấn những nữ thanh niên xung phong từ miền Bắc đi mở con đường xâm lược nhưng không có một lời về những hy sinh đẹp hơn cổ tích của vợ các quân, cán, chính miền Nam sau khi bị Mỹ bỏ rơi, những “cái cò lặn lội bờ ao, bán giọt máu đào nuôi dưỡng đàn con, thân em lội suối trèo non, vùng kinh tế mới nuôi con thay chồng, cái cò lặn lội bờ mương, vét cống đào đường giá rét lạnh căm, chồng em giặc bắt biệt tăm, tù Nam tù Bắc biết thăm đường nào ” (Nguyệt Ánh).

Một nửa sự thật là nói về cô gái miền Bắc đọc văn hào Hemingway trong hầm trú bom, rồi tả cảnh miền Nam bằng hình ảnh các cô gái bán bar. Thủ đoạn bôi nhọ ở đây quá rõ ràng, quá đểu cáng!

Trên hết, sau hơn bốn mươi năm, Ken Burns và những người cộng tác vẫn không dám nói lên một điều đơn giản rằng trong suốt thời gian từ 1954-1975, miền Bắc đã liên tục xâm lăng miền Nam. Bao trùm trên tất cả sự đau khổ, chịu đựng, mất mát của người miền Bắc là một sự lừa dối được thu gọn bằng khẩu hiệu “giải phóng miền Nam”. Những oan khiên người dân hai miền Nam Bắc phải chịu và cả những tang tóc của các gia đình Mỹ - điều được khai thác triệt để trong phim, đã không xảy ra nếu Bắc Việt không liên tục tấn công Nam Việt dưới sự thúc đẩy của Tàu và Liên Sô.

“Nhưng đã gần năm mươi năm rồi, và hận thù – dù là đối với những người hết sức tàn ác – cũng nên bỏ chứ không nên buộc. Các tôn giáo đều nói như thế, chẳng đúng hay sao?” Một người trẻ trong gia đình đã nhìn tôi và nói như thế.

Không, cháu đã hiểu lầm rồi. Những điều tôi nghĩ và làm bây giờ hoàn toàn không phải vì thù hận, cũng không bắt nguồn từ thời khổ cực của riêng tôi.

Thật ra, những gì tôi phải trải qua không thấm thía vào đâu so với rất nhiều hoàn cảnh khác. Cha tôi không là quân nhân nên ông không bị bắt đi tù, không bị hành hạ tới điên loạn hoặc chết trong đói khát. Tôi đi vượt biên không phải vì dựa lưng nỗi chết, nhưng vì nhà cầm quyền Cộng Sản tước đi quyền tự định đoạt tương lai và quyền làm người tử tế của tôi.

Hơn nữa, tôi thoát qua Mỹ đã hơn ba mươi năm. Đời sống ở đây đầy đủ, thanh bình nên sự nghèo khổ ngày xưa không còn làm tôi đau lòng. Đời tôi sẽ vui hơn nếu tôi quên đi hai chữ cuối trong cái thân thế “người Mỹ gốc Việt”. Lòng tôi sẽ nhẹ hơn nếu tôi nghĩ rằng Việt Nam chỉ là một quá khứ buồn, và tôi sẽ không khắc khoải dù nơi đó có bị Tàu chiếm như Tây Tạng.

Nhưng tôi cảm thấy mình có một bổn phận đạo đức với nơi mình sinh ra và tim tôi cũng không cho phép tôi vô cảm trước những sự kiện quan trọng có thể có ảnh hưởng đến sự sống còn của miền đất đó.

Lần đó, tôi và đám trẻ nói chuyện khá lâu. Cuối cùng, họ cũng công nhận rằng Vietnam War là tác phẩm của những tay phù thủy truyền thông dùng sự -thật-được-chọn-lọc để xóa bỏ mọi đóng góp của VNCH và giải thích một phần cho sự thất bại của Mỹ.

Tôi thấy được an ủi phần nào. Dù sao, những người trẻ này vẫn có lòng với Việt Nam nên mới bỏ thì giờ xem phim và thảo luận với tôi.

 

*

Chỉ vài tháng sau đó, tôi lại có dịp nói chuyện với một nhóm người trẻ khác. Lần này là những sinh viên gốc Việt tại Đại học Stanford trong một chương trình có tên là “Nghỉ Xuân Cách Khác” (Alternative Spring Break).

Được tính như một lớp học ngắn, mười mấy sinh viên gốc Việt dùng tuần lễ nghỉ Xuân để gặp gỡ và tìm hiểu về cộng đồng Việt ở vùng Vịnh San Francisco. Nhà tôi là trạm dừng chân của các em trong ngày đầu tiên.

Tôi hì hục dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị chỗ ngủ cho mười mấy em, nấu bữa tối với những món “homemade” sở trường, và mời thêm khách để các em thấy được những cái nhìn khác nhau trong cuộc nói chuyện.

Tối hôm đó, chúng tôi nói về nhiều lãnh vực, nhưng các em có vẻ quan tâm nhất tới đề tài sức khỏe tâm thần của người Việt tị nạn.

Các em hỏi về quan niệm của cộng đồng Việt đối với bệnh tâm thần và hội chứng rối loạn sau ác biến (post traumatic stress disorders). Tôi trả lời rằng cộng đồng Việt Nam rất đa dạng nên quan niệm về sức khỏe tâm thần thay đổi tùy theo người. Có những người rất hiểu biết về lãnh vực này và coi đây là một khía cạnh bình thường của con người, nhưng cũng có người nghĩ bệnh tâm thần là điều ghê gớm hay đáng xấu hổ. Một số người có ít nhiều vấn đề về tâm thần sau những biến cố khốc liệt như chiến tranh, tù tội, hay tai nạn trên đường vượt biên. Tuy vậy, khi nhìn chung, tôi nghĩ rằng cộng đồng người Việt không có gì quá khác biệt so với các cộng đồng khác trên phương diện sức khỏe tâm thần.

Riêng với tôi, bệnh tâm thần cũng là bệnh chung của con người giống như những bệnh khác, chúng cần được chẩn đoán và chữa trị xác đáng. Tôi chia sẻ thêm là tôi rất thích nói chuyện với những chuyên gia về tâm lý vì đó là dịp để nhìn kỹ lại mình, để ôn lại những điều đã biết nhưng chưa thực hành được và học hỏi những điều mới để làm cho tâm hồn mình cân bằng, lạc quan, và rộng lượng hơn.

Người khách mời hôm đó cũng nêu lên những suy nghĩ đúng đắn, vững vàng, và phóng khoáng về sức khỏe tâm thần. Không biết tôi có tưởng tượng hay không, nhưng tôi cảm thấy các em hơi ngạc nhiên khi nghe chúng tôi bày tỏ, có vẻ như các em đã dự đoán chúng tôi sẽ phản ứng khác và nói đến những cảm xúc khác.

Ngày hôm sau, các em ăn bữa sáng rồi lên đường đi viện Bảo Tàng Thuyền Nhân ở San Jose theo lời tôi giới thiệu.

Trước khi đi, chúng tôi chụp hình lưu niệm và tôi nói rằng cửa nhà tôi luôn mở để chào đón các em.

(Còn tiếp một kỳ)

Khôi An

Ý kiến bạn đọc
09/05/201920:03:47
Khách
Bài viết của Mark Moyar (PhD, Cambridge), Director of the Project on Military and Diplomatic History at the Center for Strategic and International Studies (CSIS) in Washington, DC.
Ông Moyar viết về những điều mà phim Vietnam War cố tình bỏ sót trên góc nhìn của người Mỹ. Bài viết chú trọng Vietnam War veterans và nước Mỹ hơn nhưng có ý tương tự rằng phim Vietnam War là cái mà tác giả Khôi An gọi là "một nửa sự thật"

https://providencemag.com/2018/05/ken-burns-omits-vietnam-war/
08/05/201905:40:38
Khách
Hải quân thiếu tá Lê Anh Tuấn - Chỉ Huy Trưởng Giang Đoàn 43 Ngăn Chận - em út của trung tướng Lê Nguyên Khang tự sát ngày 30 tháng Tư năm 75. Trung tướng Lê Nguyên Khang từng đã là tư lệnh Quân đoàn III, tư lệnh thủy quân lục chiến.

Đại Tá William LeGro - người đã ở lại đến những ngày cuối cùng với DAO (Cơ Quan Tùy Viên Quốc Phòng): Tham nhũng không làm cho Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ. Sự giảm thiểu viện trợ Hoa Kỳ đến con số không là đáp số.
08/05/201902:19:21
Khách
Con ông cháu cha trong cuộc chiến (tiếp theo) :

Việt Nam Cộng Hòa : Phi công Phan Quang Tuấn tử trận năm 1972. Anh là con của bác sĩ Phan Quang Đán - Quốc vụ khanh về Định cư và Tỵ nạn .

Ngày Oan Trái -Blog Trần Hồng Tâm ( ở Bắc Việt nam) : Ở quê tôi, những gia đình mà không có liệt sỹ chỉ rơi vào một trong hai hoàn cảnh: Hoặc neo đơn góa bụa, hoặc gia đình cán bộ cộng sản. Bạn thử nhìn vào gia đình tướng Võ nguyên Giáp. Con ông đi bộ đội, nhưng đóng ở sân bay Gia Lâm hay làm trong viện nghiên cứu. Làm sao ông hiểu được nỗi đau của người mất con. Bản thân của chính ông thì chưa đặt chân vào đến chiến trường, chỉ quanh quẩn trong hầm chỉ huy ở Hà Nội, nhưng ông lại tắm gội trong ánh hào quang của chiến thắng.
07/05/201914:41:11
Khách
Cảm ơn Khôi An.
06/05/201917:53:54
Khách
Tham nhũng có đưa Việt Nam Cộng Hòa đến sụp đổ không? Nếu không , thì tại sao?

Sử gia, tiến sĩ Hoa kỳ Lewis Sorley: Có tệ trạng tham nhũng, nhưng không đáng kể để quy tội đưa đến hệ quả sụp đổ miền Nam.

*** Tai “Hội Nghị Thượng Đỉnh về Chiến Tranh Việt Nam” tháng tư, năm 2016, cựu ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger phát biểu : “Sự thất bại cơ bản là sự chia rẽ ở nước ta, không có sự chia rẽ đó chúng ta có thể quản lý nó. Đó là một bi kịch lịch sử mà nước Mỹ tìm thấy chính mình quá chia rẽ.” Ông cho rằng thất bại của Hoa Kỳ ở Việt Nam là do chính người Mỹ tự gây ra, và trước hết là đã đánh giá thấp sự kiên trì của giới lãnh đạo Bắc Việt. *** Trong cuốn No More Viet nam, tác giả là tổng thống Nixon :“Quốc Hội (Mỹ) đã biến thắng lợi thành thảm bại … Sự cắt giảm viện trợ quân sự làm tiêu tan khả năng tự vệ của Miền Nam. Quân Bắc Việt sửa soạn trận tấn công chót đúng vào lúc quân Miền Nam đang ở vào vị thế suy yếu nhất chưa hề có trong năm năm cuối cùng cuộc chiến: Họ bị trói tay vì không đủ săng dầu, đạn dược, do việc Quốc Hội bác bỏ các ngân khoản viện trợ.” Sử gia Hoa kỳ Bill Laurie: Đến giữa năm 1974 thì việc Hoa Kỳ cắt giảm viện trợ bắt đầu từ từ siết cổ quân lực Việt Nam Cộng Hòa, và đạo quân này chỉ còn nước xuống dốc dần dần từ khi ấy…Một cách tổng quát, cứ bị đói như quân lực Việt Nam Cộng Hòa đă bị thì không một quân đội nào có thể chống lại cuộc tấn công cuồng bạo của quân đội Bắc Việt, vói thừa ứ những khẩu pháo, xe tăng, vũ khí, nhiên liệu, xe tải quân, đạn dược, do khối cộng sản cung cấp. Tác giả Mỹ Louis Ạ Fanning trong cuốn “Sự phản bội tại VN” (Betrayal in Vietnam) viết rằng : “Trong khi quân lính Bắc Việt được tăng cường chiến cụ thì quân đội Nam Việt Nam lại bị cắt giảm thật nhiềụ. Thống tướng Westmoreland – cựu tư lệnh quân đội Hoa Kỳ tại Việt Nam : “Chúng ta đã tham dự một cuộc chiến mà bị (chính trị) trói một tay, một cuộc chiến tranh chỉ được hòa mà không được phép thắng “. Thống tướng Westmoreland cũng nói rằng vì mục tiêu chiến lược của Mỹ, nên ông ta không được tiến quân ra Bắc, không được phá hủy đường mòn Hồ chí Minh.
06/05/201917:39:10
Khách
Tham nhũng ở Việt Nam Cộng Hòa khi trước chắc chắn là không kinh khiếp, lộng hành như dưới chế độ Cộng sản hiện nay , vậy sao chúng nó vẫn chưa bị lật đổ nhỉ?! Bọn truyền thông Hoa kỳ và một số cá nhân mỗi khi thấy có vẻ khó thắng được đối phương thì lại đổ lỗi cho chính quyền tại quốc gia đó tham nhũng - Việt Nam Cộng Hòa, Afghanistan, Iraq là những thí dụ điển hình :

Một trong những tạp chí tài chánh lớn ở Mỹ Forbes hôm 13/3/17- dựa trên phúc trình về tình trạng tham nhũng ở Á châu của Tổ chức Minh Bạch Quốc Tế (Transparency International) – xếp hạng Việt nam tệ hại hạng nhì về tham nhũng nhất ở Á châu, chỉ sau Ấn Độ. Tổng bí thư đảng Cộng sản Nguyễn Phú Trọng : "Hiện tượng hư hỏng, tham nhũng, tiêu cực đúng là lắm lúc nghĩ hết sức sốt ruột, nhìn vào đâu cũng thấy, sờ vào đâu cũng có…". Phó Chủ Tịch Nước Nguyễn Thị Doan :" Bây giờ người ta ăn của dân không từ một cái gì . Từ tiền thương binh- liệt sĩ đến tiền trẻ em vùng cao , tiền dành cho người nghèo….ăn hết ". Chủ tịch Nước Trương tấn Sang :"Trước đây chỉ một con sâu làm rầu nồi canh, nay thì nhiều con sâu lắm. Nghe mà thấy xấu hổ ". Thủ tướng Phan Văn Khải: "Tôi hết sức day dứt trước tệ nạn quan liêu, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực, đục khoét của công. v...v...
06/05/201917:00:05
Khách
Con ông cháu cha Việt Nam Cộng Hòa toàn trốn lính?! Thế những quân nhân điển hình dưới đây là con ai nhỉ?:

Phan Huy Bách- con của thủ tướng Phan Huy Quát ; Hà Thúc Việt - con của Hà Thúc Ký , lãnh tụ đảng Đại Việt, tổng trưởng bộ Nội Vụ ; Con của ông Trần Quốc Bửu -chủ tich Tổng Liên Đoàn Lao Công Việt Nam Cộng Hoà kiêm phó chủ tịch Tổng Công Đoàn Công Giáo Quốc Tế - tử trận năm 1974; Trần Minh Chánh - con của đề đốc Trần Văn Chơn ,tư lệnh Hải Quân ; Lê Văn Danh- con thượng nghị sĩ Lê Văn Thinh; Hồ văn Anh Tuấn - con hoặc cháu của nhà văn nổi tiếng Hồ Biểu Chánh…; v.v..

Miền Bắc dễ thường không có nạn con ông cháu cha hay sao? Hãy đọc những tiết lộ của cựu đại tá Bắc Việt Bùi Tín dưới đây :

Bùi Tín: Cộng sản đưa ra Luật nghĩa vụ quân sự, tuyên truyền về vinh quang trai thời loạn là sinh Bắc tử Nam, cưỡng bức các cháu bỏ học cầm súng, bắt ký các bản tình nguyện nhập ngũ, buộc bố mẹ phải ký tên «vinh dự hiến con cho Tổ quốc», trong khi con cháu các quan lớn hầu hết đều được xuất ngoại học tập ở Liên Xô, Trung Quốc , Ba lan, Đông Đức, Tiệp… Một sự bất công khổng lồ.

Bùi Tín: Chính tướng Đinh Đức Thiện, em ruột của Lê Đức Thọ gặp chúng tôi ở Câu lạc bộ quân nhân, nói bỗ bă rằng :’’ Hăng máu vịt, nhưng con cái các ông lớn có ai vào chiến truờng đâu. Sinh Bắc tử Nam toàn là con cháu nông dân thấp cổ bé họng ’’.
06/05/201916:52:06
Khách
Gởi bạn Hungry Jack
Bạn nghĩ rằng nhiều người chỉ thích sống theo châm ngôn và triết lý của vĩ nhân và bạn chỉ sống theo cảm tính. Đó là lựa chọn và sự thiệt thòi của bạn, tất nhiên người chịu học hỏi sẽ không tán thành. Tôi không sống theo châm ngôn triết lý của ai, nhưng sẽ nghiên cứu để học hỏi từ kinh nghiệm của tiền nhân và những người đi trước, điều đó luôn luôn hữu ích. Chiến tranh Việt Nam đã khiến bao nhiêu người phải hy sinh oan uổng, ở cả hai đầu chiến tuyến, nhưng quân đội VNCH không hy sinh lính của họ như quân Bắc Việt,nên đã yếu thế hơn nhiều. Quân đội VNCH không nghe theo Pháp, Mỹ răm rắp như quân Bắc Việt nên mới bị bỏ rơi, bạn lấy cảm tính để nghĩ rằng họ là con ruột của Tây của Mỹ, là mất mát của riêng bạn, không có nghĩa là những người muốn hiểu sự thật, và muốn học hỏi tính chính xác của lịch sự phải sống cảm tính như bạn, để tiếp tục cuộc sống thiếu lý trí và thiếu văn minh, bạn ạ.
Gởi độc giả Liêu trần
Bạn nhắc tác giả Khôi An, trước khi trách nhóm trẻ thì nên đi thăm và phỏng vấn Tướng Lâm Câm, bạn có thấy mình nói chuyện hài hước quá không? Khi CS đã rắp tâm làm bộ phim này, họ cũng đã lên kế hoạch rõ ràng, dùng tiền và những mối quan hệ ra sao, để chơi trò "cherry pick" chọn lọc những thông tin, chọn ai để phỏng vấn và cắt bỏ phần phỏng vấn ra sao, mà tác giả gọi là "một nửa sự thật" để đánh lạc hướng sự thật của lịch sử. Đúng là quân lực "VNCH cũng có tham nhũng, có thành phần lính ma lính kiểng"...vậy là bao nhiêu phần trăm...mà bạn phụ thuộc vào câu nói của một kẻ không đủ liêm sỉ và uy tín để làm ví dụ. Óc phán đoán của bạn ra sao để mà nói câu "tiên trách kỷ, hậu trách nhân"...Bạn nói chuyện hơi giống luận điệu của lối biện minh vô cớ, chẳng hạn như "ở Mỹ cũng có tham nhũng, cũng có hối lộ..." mà so với tình trạng tham nhũng và hối lội ở Việt Nam" bây giờ sao. Lối phân tích và so sánh của bạn thật hài hước. Bạn lại còn kêu tác giả đi thăm và phỏng vấn Tướng Lâm Câm để xác định ông ta có nói những câu nói đó trong tình trạng minh mẫn không à? Bạn nghĩ ở Mỹ này muốn liên lạc và nói chuyện với một người dễ như ăn bánh chăng? Không khéo họ lại nói mình "thấy người sang bắt quàng làm họ" nữa đấy, mà họ có phải người sang đâu. Hay bạn thử đi thăm và kiểm chứng giùm nhé. Bạn hãy tạm xem lại Cựu đại sứ Bùi Diễm, người có đủ kiến thức, uy tín và tấm lòng với Việt Nam nói về bộ phim nhé...rồi suy nghĩ lại cũng chưa muộn đâu ạ. Tất cả những anh hùng vị quốc vong thân, vẫn còn sống mãi trong lòng những người yêu nước, hậu duệ quân lực VNCH, và những người lính liêm khiết anh hùng, dù thầm lặng nhưng không hề bị bỏ quên, nếu chúng ta chịu tìm hiểu sự thật và cùng nhau truyền đạt thông tin, thay vì trách cứ vô cớ.
https://www.youtube.com/watch?v=2Zj3KstZNfE
Mong hai vị nghĩ lại...
06/05/201913:16:19
Khách
Trong phim The Vietnam War, khi được phỏng vấn, cựu Tướng Lâm Câm đã xác nhận : QLVNCH có tham nhũng, nhất là "tình trạng lính ma lính kiểng" xảy ra ở nhiều đơn vị.
***.
Tiên trách kỷ, hậu trách nhân.
Cũng trong cuốn phim này, và những cuốn khác nữa, khi người Mỹ mần phim phỏng vấn các tương tá VC thì những người này ca tụng hết mình, nổ hết cỡ về tinh thần chiến đấu quân sĩ của họ, còn "tướng ta" nói cái gì?
Tụi "đểu cáng" vồ được ranh ngôn "lẩm cẩm" phun ra từ mồm ông tướng thì đám đểu cáng có bằng chứng làm phim đề sỉ nhục các tướng lãnh QLVNCH, trong đó có chính bản thân ông! Sự thật là mồm ông đã xác định. Tụi đểu cáng nó không biết đến một nửa kia là những danh tướng liêm khiết, can trường và biết liêm sỉ chết theo thành như "Ngũ Hổ Tướng Quân" thì đã đành, còn ông? Ông không nhìn thấy những "đồng tướng" với ông có nhiều ngôi sao sáng hay sao?Chắc chắn ông biết, nhưng khi được "đóng phim", làm "tài tử xi cà la ma" thì ông quên cái liêm khiết của người khác mà chỉ nghĩ cho mình, nghĩ về chính mình là người có quyền nuôi 'lính ma lính kiểng".
Trước khi phiền trách tuổi trẻ thì...
Thì tác giả Khôi An nên tìm đến thăm và phỏng vấn ông Lẩm Cẩm xem ông phát ngôn như thế trong tình trang sức khõe như thế nào? Nếu ông nói trong lúc bị ảnh của thuốc "en-giai-mơ" thì mới trach tuổi trẻ và gọi đám làm phim xuyên tạc là đểu cáng.
Tiên trách kỷ, hậu trách nhân.
06/05/201901:44:09
Khách
Tài liệu nào nói VNCH là con của bà Tây với ông Mỹ hả ?

Còn những tài liệu dưới đây của chính cái Đảng Cộng sản Hà nội đã viết rõ những đứa nào chối từ Tồ quốc, dân tộc, những đứa nào lấy đít các đổ tể ngoại bang Lenin, Stalin, Mao trạch Đông đội lên đầu thờ làm cha, làm thày đây này :

Trên tờ báo Thanh Niên phát hành ở Quảng Châu ngày 20/12/26, Hồ chí Minh viết :”Cái danh từ tổ quốc là do các chính trị gia đặt ra để đè đầu nhân dân, để buộc những người vô sản phải cầm vũ khí bảo vệ tài sản của địa chủ và quyền lợi của giai cấp tư sản. Thực ra, chẳng có tổ quốc, cũng chẳng có biên giới”.
Và rằng: “Dân tộc chỉ là màu sắc chứ không phải bản chất , và chủ nghĩa ái quốc là một điều nguy hiểm”.

Khi Lenin qua đời, Hồ chí Minh viết trên tờ báo Pravda ngày 27/1/1924 của Liên Xô:“Khi còn sống, Người là cha, là thày, là đồng chí của chúng ta. ”

Khi Stalin qua đời, phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Cộng sản Tố Hữu làm thơ :
Ông Stalin ơi, Ông Stalin ơi!
Hỡi ơi, Ông mất! Đất trời có không?
Thương cha, thương mẹ, thương chồng
Thương mình thương một, thương Ông thương mười

Hồ chí Minh : Ai có thể sai chứ đồng chí Stalin và đồng chí Mao trạch Đông không thể sai được.

Trần Đĩnh ở Việt nam – tác giả cuốn Đèn Cù : "Lòng trung của Hồ chí Minh đối với Lê Nin, Stalin, Mao Trạch Đông là vô bờ".
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,170,024
Tác giả là cư dân Buffalo, NY. đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước Bài viết đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi có hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà có tới hơn 160 người tử vong... Hiện ông đang là cư dân Orlando, FL. và sau đây là bài viết mới nhất. Con số vượt biển chính xác là 1.300 dân kinh 5 vượt biển đến nơi. Sau đó bảo lãnh nhau hiện đã có 5 hay 6000 dân gốc kinh 5 ở Mỹ.
Với bài “Hành Trình Văn Hóa Việt tại UC Irvine”, tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và trở thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt tại UC Irvine từ năm 2000 cho tới nay
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo. Ông cũng là tác giả sách "Hành Trình về Phương Đông" do "Xây Dựng" xuất bản năm 2010. Mới nhất, là cuốn "Within & Beyond" do tác giả viết bằng Anh ngữ và tự xuất bản. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả hiện là cư dân Arkansas, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Bà tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016, và luôn cho thấy sức viết mạnh mẽ và cách viết đơn giản mà chân thành, xúc động. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả. Là cư dân Minnesota, Thanh Mai đã nhận giải vinh danh tác giả Viết Về Nước Mỹ 2008. Với những bài viết về nhiều thể loại đề tài, cô là một tác giả rất được bạn đọc yêu mến.
Tác giả là một nhà thơ, sĩ quan hải quân, từng tu nghiệp tại Mỹ. Sau năm 1975, ông trở thành người tù chính trị và định cư tại Hoa Kỳ theo diện H.O. Ông góp nhiều bài tham dự Viết Về Nước Mỹ ngay từ những năm đầu tiên và đã nhận giải Danh Dự.
Chào mừng tác giả lần đầu góp bài Viết Về Nước Mỹ, mong ông tiếp tục viết và bổ túc mấy dòng sơ lược tiểu sử cùng địa chỉ liên lạc.
Là nhà báo trong nhóm chủ biên một số tuần báo tạp chí ở Dallas. Phan cũng là tác giả Viết Về Nước Mỹ từng nhận giải và có nhiều bài trên dưới một triệu lượt gõ để đọc bài. Sau đây là bài viết mới nhất.
Tác giả sinh quán tại Hội An, Quảng Nam, tốt nghiệp Đốc Sự Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, Cựu tù chinh trị, hiện định cư tại Virginia. Ông góp bài Viết Về Nước Mỹ từ nhiều năm qua và đã ấn hành 4 tập truyện ngắn. Nhà văn Võ Phiến nhận xét về các nhân vật truyện của Phạm Thành Châu đã phải kêu là “Tuyệt vời. Sao mà họ chung tình đến thế.” Sau đây, thêm một truyện ngắn Phạm Thành Châu.
Tác giả dự Viết về nước Mỹ từ năm 2000, Tám năm sau, ông nhận giải chung kết Viết Về Nước Mỹ 2019. Tác phẩm đã xuất bản: “Lá Số Vượt Biên”. Đây là bài viết cho năm mới của ông.
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến