Hôm nay,  

Chuyện Người Mình

23/10/201800:00:00(Xem: 16010)
Tác giả: Phan

Bài so á5527-20-31334-vb3102388

 

Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và vừa chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới  của ông.

 
***
 

Sáng thứ bảy nên không phải đi làm, tôi chỉ ngồi đọc báo cuối tuần như thường lệ. Bỗng người bạn trẻ mới vô làm chung hãng với tôi được chừng tháng nay, anh ta gọi sớm nên tôi chỉ nghĩ được là anh rủ rê tôi đi uống cà phê.

Ai dè, lại chuyện người mình!

Nhớ tuần trước, anh có hỏi tôi lúc giờ nghỉ ngoài bãi đậu xe, (vì anh mới qua Mỹ định cư được vài năm, nên anh tin tôi là người đã định cư lâu, hiểu biết!)

Anh nói, “Em hỏi anh chuyện này! Xe của bà xã em là xe mới, chưa trả hết tiền góp cho nhà băng nữa. Nhưng tối hôm qua, cô bạn làm chung với bà xã em vội về nên de xe hơi ẩu, lấy hết lái sớm quá nên quẹt vào xe bà xã em. Nhưng cô ấy là người lái xe không có bằng lái, không có bảo hiểm… vì mới qua!”

Tôi nói, “…nên chồng cô ấy gọi và nói qua điện thoại, đề nghị và rất mong vợ chồng em thông cảm, đừng báo cảnh sát. Họ sẽ chịu hết tiền sửa xe cho vợ em phải không?”

“Sao anh biết hay vậy?”

“Chắc chắn là có nhiều người làm chung trong tiệm neo mà vợ em làm đã thấy, biết vụ việc. Nhưng ai chịu làm chứng cho biên bản của cảnh sát lại là chuyện khác, vì người mình ngại dính vô luật pháp, phải đi hầu toà, chẳng được gì lại mất buổi làm, là chưa nói đến chuyện làm chứng cho vợ em thì mếch lòng bên kia, cũng là người Việt lại đang làm ăn chung với nhau…”

“Vậy em phải làm sao?”

“Theo anh, ngay bây giờ em gọi cho hãng bảo hiểm của em, báo cho họ biết vụ việc, mở hồ sơ về tai nạn xe cộ ngay. Và chiều nay tan hãng, em chịu khó chạy đến tiệm neo mà vợ em làm. Em gọi cảnh sát tới lập biên bản vụ va quẹt trong bãi đậu xe. Dù sự việc đã qua ngày, việc tìm nhân chứng khó khăn như anh đã nói. Bởi cảnh sát hỏi ai thì người nấy sẽ không biết tiếng Anh, không thấy tai nạn… Người mình ở Mỹ là vậy! Cuối cùng người chủ tiệm phải lên tiếng để cảnh sát không cản trở việc làm ăn của tiệm. Hiểu chưa?”

“Làm vậy có kỳ quá không anh? Quen biết không mà…”

“Nhưng đó là những việc phải làm để có được cái biên bản của cảnh sát là cần thiết. Vì cuối tuần em mới có thời giờ đưa xe đi giám định sửa chữa. Theo anh, những hư hại như em kể thì sửa chữa không dưới hai ngàn đô la. Người chồng của cô bạn làm chung với bà xã em sẽ trở mặt!”

   “…”

Nhưng anh bạn trẻ mới qua Mỹ chưa có kinh nghiệm với người mình trên nước Mỹ nên không làm theo hướng dẫn của tôi. Riêng tôi thấy lòng buồn như phải làm một việc ngoài ý muốn nhưng không có cách khác vì người mình có uy tín, biết phải trái thì mình không có nhiều may mắn được gặp; còn người mình khẩu phật tâm xà, người mình nói một đàng làm một nẻo…, ngươì mình đó, nhưng không phải ai cũng vậy thì hằng hà.

Nên sáng nay anh vừa hối hận, vừa tức giận, cho tôi biết, “Chiều qua, em liên lạc với người chồng của cô lái xe không bằng lái, không bảo hiểm để cho anh ấy biết tiền giám định sửa xe là ba ngàn năm trăm đô la. Anh ta trả lời là số tiền quá nhiều, để chính anh ta sẽ đi tìm chỗ sửa rẻ hơn cho cái xe của vợ em. Anh nghĩ sao?”

   Cả nửa đời sống ở Mỹ của tôi hiện về. Tôi hiểu đó là cách hoãn binh, để anh ta báo cảnh sát và bảo hiểm trước bạn tôi. Nên sáng nay bảo hiểm của bạn tôi đã gọi cho bạn tôi để hỏi thăm có phải xe của vợ anh đã quẹt vào xe của người ta trước cửa tiệm neo không? Người ta báo cảnh sát mà sao anh không cho bảo hiểm của mình hay gì hết vậy?

Nội dung vụ việc không phải không có cách giải quyết mà kết quả là người ngay vẫn thắng ở xứ sở luật pháp nghiêm minh, nhân viên điều tra không ăn hối lộ. Chỉ không hiểu nổi người mình là biết việc làm của mình là sai trái, (đụng xe người ta mà lại đi báo cảnh sát là người ta đụng mình)! Ai cũng biết rõ là không qua mặt được pháp luật ở Mỹ, và đôi mắt chuyên nghề giám định của cảnh sát, những hãng bảo hiểm, lại không ăn hối lộ. Họ chỉ nhìn hai cái xe bị tai nạn là biết ai lỗi ai phải. Nhưng sao người mình vẫn cố giả điên, giả khờ cho đến khi bị vạch mặt mới cam chịu; tới sợ đi tù mới ri rí nói câu xin lỗi, “tôi tưởng là…”   

Tôi không muốn kể chuyện mình cho những người mới qua định cư nghe, vì giúp người mới qua định cư có nhiều cách hay hơn là làm cho họ sợ, dẫn tới đối xử thẳng thừng với đồng hương khi hữu sự dính tới luật pháp. Nhưng tôi đã có lỗi với anh bạn đồng nghiệp mới mẻ là hướng dẫn anh cách giải quyết mà lại không cho anh ví dụ cụ thể nào đủ thuyết phục để anh làm theo hướng dẫn của mình.

Có lẽ đây là câu chuyện chung, trường hợp chung của những người đã định cư lâu năm đều ít nhiều đã trải qua sự đau lòng của việc trở mặt với chính những người cùng nói tiếng Việt với nhau. Cái cảm giác rất khó chịu khi bị đồng hương trở mặt vì thẳng tay theo luật pháp Mỹ thì thấy lòng áy náy với đồng hương như một kẻ đã hết tình đồng bào, quên bài học vỡ lòng: bầu ơi thương lấy bí cùng/ tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn. Cái lấn cấn trong xử sự với đồng hương trở nên gánh nặng còn hơn cơm áo gạo tiền trên nước Mỹ. Thẳng tay với nhau thì đau lòng, mà nương tay thì bị trở mặt…

Chuyện từ hồi tôi mới định cư ở Mỹ được vài năm. Nhất định nhớ bài học về người mình để giữ thân, nhưng có làm được đâu!

Hôm đó tan hãng, mấy anh em Việt nam còn đứng hút thuốc, tán dóc ngoài bãi đậu xe vì trời quá nóng nên ai cũng đề máy xe, mở máy lạnh để đó một lát cho xe bớt nóng rồi mới lái về nhà. Có hai vợ chồng người Việt nọ mới qua định cư nên còn đi làm chung với nhau bằng cái xe cũ nát. Thấy họ đề máy xe không nổ nên ai cũng đến giúp! Gặp anh chồng như người kẻ chợ, dân đầu đường. Anh đuổi hết mọi người tránh ra cho anh sửa xe vì anh là thợ máy lừng danh Phan Thiết, hỏi tên anh ở bến xe đò Phan Thiết - Sài gòn thì ai cũng biết!

Những người đã sống ở Mỹ, theo thời gian hội nhập thường dị ứng với ai tự cao tự đại, thích nói quá. Thật ra vợ anh đã nói với vài người trong hãng, anh làm lơ xe đò Phan Thiết - Sài gòn cho người ta, chị bán gánh hàng rong ở bến xe Phan Thiết trước khi đi Mỹ. Nhưng anh luôn nói anh là tài xế, là thợ máy lừng danh Phan Thiết. Cuối cùng là vợ không (chưa) biết lái xe nhưng ngồi vào ghế tài xế để đề máy cho chồng đang sửa máy xe. Đầu xe chỉ cách vách tường vừa đủ cho anh đứng sửa xe, mà xe hồi xưa lại số tay nên cô vợ (chắc vô tình đụng chạm vào cần số). Nên khi cô đề máy xe theo lệnh chồng, cái xe chồm tới như con khủng long nổi giận; làm gãy, bề cả hai đầu gối của người chồng.

Đến mãi về sau, những người chứng kiến đều mang lòng hối hận là đã không giúp đỡ đồng hương khi cần thiết, nhất là người mới qua Mỹ định cư. Còn chuyện hay nói quá sự thật của anh sẽ tự hết theo thời gian hội nhập vào xã hội Mỹ. Sự vô tình nhất thời của những người chứng kiến đã để lại lòng hối hận dài lâu theo tiếng đôi nạng gỗ mỗi ngày anh phải chống để đi làm sau đó. Và đúng là theo thời gian sống ở Mỹ, cả hai vợ chồng đều đã thay đổi nhiều.

Riêng bài học đáng nhớ với người mình về vợ chồng ấy lại nhức nhối tâm can những người ở lại, những người bỏ hãng ấy đi làm hãng khác theo đồng lương không phải chứng kiến sự trở mặt của họ, nhưng dù chỉ nghe anh chị em còn ở lại hãng cũ chỉ kể lại thôi cũng thấy thẹn lòng cho người mình.

 Nguyên là sau tai nạn không đầy một phút, có người lính cũ qua Mỹ từ 1975 nên kinh nghiệm đầy mình. Anh vội trở vô hãng báo tin cho ông sếp hay, và xin ông giúp đỡ. Thực ra là cả đám Việt nam chỉ có anh là đủ tiếng Anh lúc đó để thuyết phục ông quản lý giúp đỡ cho một cặp vợ chồng người Việt mới qua định cư trong tai nạn ngoài ý muốn. Thậm chí họ còn chưa được vô chính thức để có quyền lợi chút đỉnh ở hãng…

Tôi nhớ mãi ông sếp Mỹ đen tốt bụng đó! Ông ra xem hiện trường và đuổi hết mọi người ra về liền tức khắc để không ai biết cách giải quyết của ông!

Về sau mới biết chỉ mình anh lính cũ được ở lại để làm thông dịch. Ông sếp Mỹ đen làm việc với viên cảnh sát (may mắn hôm ấy) cũng là người Mỹ đen nên tai nạn được lập biên bản là xảy ra trong hãng chứ không phải ngoài bãi đậu xe. Thế là xe cứu thương đến, làm việc theo biên bản của cảnh sát đã đến trước.

Hãng chi trả hết tiền viện phí, cho nghỉ ăn lương 100% tới khi người chồng đi làm lại được. Hãng lại cho một khoản tiền bồi thường tai nạn lớn đến đủ mua nhà riêng để ở, mua xe mới để đi làm, không phải ở mướn phòng trong chung cư, lái xe cũ nữa…

Nhưng mười năm sau tai nạn mà ai cũng cho là trong rủi có may, chính vợ chồng họ đã hiến câu chuyện gian lận với hãng của ông sếp Mỹ đen là tai nạn ngoài hãng mà lại cho lập biên bản trong hãng để hãng phải trả tiền bệnh viện, tiền bồi thường tai nạn lao động… Họ hiến câu chuyện cho người muốn hất cẳng ông sếp đen tốt bụng ra khỏi hãng.

Cái ghế manager director dĩ nhiên không thuộc về vợ chồng họ, nhưng phò sếp mới thì vợ chồng họ trở thành cánh tay đắc lực của sếp mới. Nghe anh chị em còn làm hãng cũ cho biết, “bây giờ vợ chồng nó hét ra lửa trong hãng. Người mới qua, mới vô làm hãng đều khiếp vía với vợ chồng họ…”

Bài học lạnh xương sống với lòng dạ người mình đền ơn đáp nghĩa người bản xứ. Ông sếp Mỹ đen đã già, có về hưu sớm vài năm cũng không chết đói. Nhưng ông nghĩ gì về người di dân Việt nam trong quãng đời còn lại của một người bản xứ?

Những bài học cảnh giác với người mình ở Mỹ, ở hải ngoại, cứ như khúc xương khó nuốt, nhưng bỏ thì thương mà vương thì tội. Nên đến một đêm mưa bão ở thành phố Plano, không có tuyết rơi, nhưng trời trút nước đá li ti như nước đá bào làm trắng đục cả bầu trời đêm như bình sữa khổng lồ, không thấy đường lái xe. Tôi lái rị mọ chừng mười dặm/ giờ trên đường Custer Rd. Thấy thấp thoáng mấy ngọn đèn vàng trên xa lộ President George Bush Turnpike trước mặt đã mừng thầm là lên đường trả tiền thì có rải muối. Không bị trơn trượt bánh xe tới hú vía nhiều phen như dưới đường Custer…

Bỗng có cái xe Toyota 4 Runner màu xanh lá cây đậm, là mốt của người Việt đầu thập niên ‘90 ở Dallas. Xe qua mặt tôi cái vèo vừa lúc chui vô dạ cầu George Bush Turnpike để quẹo trái, lên xa lộ. Ai dè dưới dạ cầu thì mặt đường đóng đá, cái xe lại chạy nhanh, quẹo gắt trước đầu xe tôi để lên xa lộ trước… Cái xe bị lật tới bốn, năm vòng như ném củ khoai tây vào bãi cỏ hoang khi ấy còn chưa xây hãng Alcatel ở đó!

Tôi đậu xe lại lề đường, chong mắt nhìn hoài cũng không thấy ai chui ra khỏi cái xe bị lật. Suy nghĩ đến chín mươi phần trăm xe ấy, màu ấy, lái xe kiểu ấy trong thời tiết xấu thì chắc là một trự Việt nam mới mua xe mới. Thôi thì khó ưa cũng phải ngậm bò hòn làm ngọt với khúc xương khó nuốt là tình tự dân tộc bên ngoài lãnh thổ. Tôi bấm điện thoại gọi cảnh sát.

   Cảnh sát bảo tôi vui lòng đợi ở hiện trường. Nên tôi đợi xe cảnh sát đầu tiên quay đèn, hụ còi tới, rồi vài xe cảnh sát nữa, xe cứu hoả, xe cứu thương… Bốn, năm người cảnh sát đến chiếc xe bị lật cùng với nhân viên cứu hoả để cứu người. Một viên cảnh sát ở lại phỏng vấn tôi, ghi biên bản.

   Thì có sao tôi tường thuật lại y như chứng kiến. Viên cảnh sát ghi xong biên bản với tôi, lấy cả số bằng lái, ghi số xe tôi. Xin số điện thoại để liên lạc khi cần. Viên cảnh sát cũng rất cẩn thận rọi đèn pin xem xét xe tôi tứ phía để xác định là không có cọ quẹt gì nhau giữa xe tôi và cái xe bị lật. Ông cho tôi đi, cảm ơn tôi đã gọi, chúc tôi ngủ ngon…

Ba hôm sau, tôi còn suy nghĩ về tinh thần trách nhiệm và cách làm việc của cảnh sát Mỹ và đội cứu hoả trong đêm mưa bão. Thầm cảm tạ ơn trên đã cho mình được sống ở xứ sở đóng thuế nhưng biết tiền thuế của mình đóng được xài xứng đáng vào những việc chính đáng. Thì bảo hiểm của tôi gọi tôi cho hay, có người báo tôi đụng bỏ chạy ở ngã tư đường Custer & George Bush Turnpikr trong đêm mưa bão…

Tôi nói với bảo hiểm, “Xin hãy liên lạc với cảnh sát thành phố Plano. Vì tôi đã gọi cảnh sát báo tin một tai nạn trên đường mà tôi chỉ thấy chứ không va chạm gì.”

Một thời gian sau, tôi nhận thơ của bảo hiểm gởi về nhà cho hay, người báo tôi đụng bỏ chạy là người Việt vì họ Nguyễn. Cái xe bị nạn đúng là Toyota 4Runner đời ’94, màu xanh lá cây đậm. Nhưng cảnh sát Plano đã trả lời bảo hiểm là tôi không có lỗi gì hết. Chỉ là người qua đường, thấy tai nạn thì gọi báo cảnh sát…

Anh, ông hay bà Nguyễn nào đó đã trả ơn người đồng hương tôi thật khó quên. Thời ấy mà lái cái xe ấy thì đồng hương của tôi không chủ cũng đồng sáng lập ra cái công ty gì đó mới đủ thu nhập để mua xe đắt tiền, sao xử sự vậy trời?

Rồi năm 2000. Ông anh vợ tôi mới qua định cư ở Mỹ. Cũng gọi tôi thình lình để biết phải làm sao khi con bé Việt nam mới mười bảy tuổi, không bằng lái, không bảo hiểm. Chỉ vì mẹ bận tay làm bếp nên sai nó lái ẩu ra chợ mua đồng hành. Con bé không thắng xe trước bảng STOP vào chợ.

Cha nó bỏ làm để chạy ra hiện trường tai nạn ngay. Hết lời van nài ông anh tôi thương cháu! Vì gọi cảnh sát là nó mất hết tương lai, mất cả học bổng đi đại học mà nó vừa xin được…

Rồi cũng y chang, rập khuôn xin trả hết tiền sửa chữa xe cho anh tôi.

Y chang hơn nữa là hai hôm sau, anh tôi cũng được bảo hiểm của mình gọi cho hay, người ta báo anh tôi đụng bỏ chạy…

Bài học cho ông anh mới định cư khá chua cay. Nên chả trách việc hội nhập của anh về sau không có bạn bè người Việt. Sống khép kín với anh chị em ruột trong gia đình chứ chẳng giao tiếp với đồng hương…

Người mình.

Từ ngữ nghe thân thương như ruột thịt với nhau. Cũng không ai phủ nhận được cộng đồng người Việt trên nước Mỹ, ở hải ngoại là cộng đồng non trẻ nhưng phát triển mạnh, thành công hơn nhiều cộng đồng thiểu số khác.

Người mình.

Như bàn tay có ngón ngắn ngón dài, không phải ai cũng tán tận lương tâm, mắt trắng như ngân nhũ. Nhưng song hành với thành công của người Việt hải ngoại vẫn còn nhiều mảng tối về đạo đức căn bản. Sự hội nhập không nên chỉ tính những thành công mà nhìn từ nhiều phía, lật mặt trái của nhung lụa mới thấy tì vết.

Những trang báo Việt ngữ bây giờ, ngày càng nhiều tin xấu về cộng đồng người Việt ở Mỹ và hải ngoại hơn tin lành. Một trang báo mà tôi thấy từ cái laptop tôi thường đọc báo vì màn hình hiển thị được sáu mẩu tin thì năm mẩu tin là tin xấu… “Lái xe ẩu gây chết người, người gốc Việt đối diện bản án 8 năm tù”; “San Jose: Một phụ nữ gốc Việt bị chổng bạo hành đến chết”; “Chủ nhà hàng gốc Việt nổi tiếng dính 38 cáo buộc gian lận thuế”; “Bi kịch gia đình gốc Việt: Mẹ bị con trai bắn trọng thương đã qua đời”; “Hà Mai Việt: Việt Nam và Hoa Kỳ trong chiến tranh lạnh”; “Ba mẹ con gốc Việt chết trong vụ cháy nhà ở Vallejo: Giết người tự sát”…

Có thể nào chúng ta bớt thành công, chậm phát triển lại một chút để củng cố, chỉnh đốn lại đạo đức, lòng tự trọng của người Việt để người bản xứ có cơ hội được xem trọng người Việt như những thành công và sự phát triển cộng đồng của người Việt hải ngoại trong bốn thập niên qua?

Phan

Ý kiến bạn đọc
01/11/201822:27:37
Khách
Sao Nam Trần Ngọc Bình
Chào Ông Phan
Cứ thấy bài viết của Ông la tôi phải đọc.Đọc dể thấy văn tài của Ông.Riêng bài này thì lại có thêm tình thương và lòng nhân ái muốn giúp đỡ ‘người mình’ nhưng khi giúp xong thì lại xa váo cảnh ‘làm phúc phải tội’ thế nhưng nhờ vào sự cẩn thận đề phòng từ đầu nên Ông đã giúp người mà không bị hại.
Tôi có cô em gái hay chở cô bạn thân đi chơi,chẳng may xẩy ra tai nạn sơ sơ không hề hấn gì nhưng cô bạn này vẫn trở mặt đi kiện cô em gái tôi để lấy tiền bồi thường từ công ty bảo hiểm của em gái tôi như ‘người mình’ vẫn thường đối xử với nhau.
Thấy ‘người mình’ sao mà kỳ quá trời nhưng có lẽ không phải chỉ người mình mới như thế.
Vấn đề là người khác có như thế không hay là tại bên Mỹ này lấy tiền bồi thường từ các hãng bảo hiểm dễ quá nên ‘máu tham hễ thấy hơi đồng thì mê’ chăng?
Thăm Ông và gia đình khỏe.Trân trọng
25/10/201821:10:49
Khách
Kỳ thị có rất nhiều mặt khác nhau: người giàu kỳ thị người nghèo, người đẹp kỳ thị người xấu, người Nam kỳ thị người Bắc, người đạo này kỳ thị người đạo khác, người tị nan đến trước kỳ thị kẻ đến sau, v.v.

Tôi chính mắt thấy tai nghe có người Việt Nam tị nạn ở Hoa Kỳ lại kỳ thị người bản xứ. Đó là một điều thật là vô lý! Con người có ăn học hay có óc suy nghĩ sẽ không bao giờ làm như vậy.
25/10/201818:24:52
Khách
vô tình đọc được bài này cũa chú Phan tui phãi cãm ơn chú thật nhiều nhờ chú viết những bài như vậy mà tui có thêm nhiều bài học và thêm kinh nghiệm khi lái xe ....... chú dùng chữ < người mình > vì những gì xãy ra với chú hay nghe người nhà , bạn bè kễ lại toàn người mình thôi .... ai có tật thì giật mình
tui tin chú , không rãnh mà ngồi đặt chuyện ra ,dân giống nào cũng có tốt có xấu .... nhưng khi đụng vào quyền lợi của họ thì tình đồng hương xếp sau cùng
thôi , có va quẹt xe với bất cứ dân nào , nuớc nào thì cứ kêu cãnh sát lập biên bãn cho chắc ăn , khõi trở mặt ......lúc đó vừa tức , vừa mệt hơn
24/10/201819:18:43
Khách
Một bài viết hay cảnh giác mọi người nên đề phòng những thói hư tật xấu của một số những người Việt bất lương.

Theo Wikipedia,vào năm 1975, chỉ có khoảng 125000 người Việt tỵ nạn cộng sản ở Hoa kỳ. Nhưng tính cho đến năm 2012, dân số trong cộng đồng người Việt đã tăng lên đến 1259000, gồm 75 % đến trước năm 2000, 20% vào giữa năm 2000 và 2009, và 5% sau năm 2010. Trong những năm cuối của thập niên 1970, đến Hoa kỳ, phần lớn là dân ở vùng nông thôn và người gốc Hoa chạy trốn cuộc đàn áp ở Việt Nam. Trong suốt những năm 1980 và 1990, hàng ngàn người con lai Việt Nam và các tù nhân chính trị, rồi đến thành phần tái định cư để đoàn tụ với người thân ở Hoa Kỳ.

Và cũng theo theo thống kê, tính đến đầu năm 2012, có khoảng 160000 người Việt đang cư trú bất hợp pháp.

Đọc những con số thống kê trên, ta có thể thấy có một số lượng rất đông đảo người Việt ở Hoa kỳ, trong thời gian còn sống với lũ khỉ Trường sơn hang Pắc Bó ở Việt nam, không nhiều thì ít, đã bị tiêm nhiễm "văn hóa cách mạng" độc hại, những sản phẩm xã hội đáng ghê tởm của Cộng sản. Và nay tuy đã được sống ở xứ Hoa kỳ, nhưng những thói hư tật xấu này không gột bỏ được.
24/10/201806:10:03
Khách
đại khái củng như anh Phan kể đây : https://vvnm.vietbao.com/p246787a247011/thien-dang-ao
cái tụi phản phé nói theo kiểu du côn nầy ở VN nhiều lắm , giờ có dịp đi ra ngoài vẩn tánh nào tật đó , không giống ai , bên Âu châu củng đầy rẩy ra , phần đông phải nói thiệt là dân di cư 2 nút . Không có tài viết văn nên cám ơn anh Phan đả viết lại kinh nghiệm rất hay có thể cảnh tỉnh được chút tâm hồn dân Việt ở ngoại quốc . Anh Phan viết người mình là quá lịch sự , người mình trước 75 củng có vậy nhưng ít hơn nhiều . Ở VN thì khỏi nói rồi .
23/10/201819:56:21
Khách
Tác giả có lẻ tưởng tượng hơi quá dẫn đến chổ cực đoan khi mô tả "người mình" bằng một bức tranh tâm lý hết sức bịnh hoạn, phi luân bất nghĩa, không ra cái giống gì cả, chả lẽ "người mình" kinh tởm đến thế sao, vì chưa bao giờ gặp thứ "người mình" như vậy nên chẳng biết hư thực thế nào. Nhưng có lẽ mang trong mình một thứ thành kiến đã chai sạn với thời gian, tác giả đã xây dựng cốt truyện nặng tính quyết đoán gần như vô lý nhất là trong trường hợp chiếc xe bị lật, đã có cảnh sát tới làm biên bản thì làm sao người kia còn dám "vu khống", về nhà gọi bảo hiểm nói sai sự thật để hòng "kiếm chút cháo", họa chăng chỉ là kẻ không tim óc nhưng đã lái xe thì không thể thiếu hai thứ cơ bản này, xin lỗi nếu là sự thật trăm phần trăm bằng không thì đừng tiếp tục ác ý. Trong xã hội thì nhìn chung ai cũng như ai, Việt, Mỹ, Mễ hay Trung đông, Trung cọng...thì cũng chả có gì khác nhau cả, thiên nhiên vốn không biên giới, loài người chỉ một tổ tiên, ai cũng có chút lo sợ, chút lương tâm, chút tự trọng và chút tự vệ, tất cả quyện vào nhau và tùy trường hợp, tùy đối tượng, tùy cá nhân hay hoàn cảnh mà một trong những thứ tâm lý kia vượt trội hơn để dẫn tới hoặc là "dĩ hòa vi quí", "tứ hải giai huynh đệ", "no problema", "never mind", hoặc là theo kiểu Tào Tháo "thà mình phụ người còn hơn để người phụ mình" hay nôm na là "tiên hạ thủ vi cường". Nói chung là rất phức tạp, khó nói, không thể phân biệt là người nước nào, bởi vậy rất là cay nghiệt nếu dùng hai chữ "người mình" như một sự nhất thể hóa hiện trạng tâm lý tệ hại chung của con người mà chỉ có người Việt mới cư xử như vậy, còn các giống khác thì...tuyệt vời. Chúng ta cần phải tiếp xúc với nhiều chủng tộc khác để thấy có thật họ khác chúng ta không, hay là họ xét cho cùng thì cũng như ta? Có một điều đáng tiếc khiến cho "người mình" cư xử với nhau hơi đặc biệt là do tính nghi kỵ của người mình (với nhau) hơi cao so với các dân tộc khác. Hiện tượng tâm lý này có lẽ là do dân tộc mình bị đô hộ quá lâu, một ngàn năm nô lệ giặc tàu và một trăm năm nô lệ giặc tây, và bọn tàu, tây này thì chúng rất tinh ma, luôn luôn tìm cách chia rẻ dân tộc mình để chúng dể bề cai trị. Một phương pháp phổ biến là chúng "dùng người Việt để trị người Việt", bằng cách ban phát phẩm trật, quyền lợi, cho một số người Việt nào đó và cho họ quyền đè đầu cỡi cổ những người Việt khác miễn sao họ phải bảo đảm sự trung thành tuyệt đối với thiên triều hay mẫu quốc. Đây là một hình thức cai trị rất hiểm độc và kết quả rất khả quan vì người Việt nào có quyền hành thì bởi miếng đỉnh chung cho cá nhân và gia đình thường ra sức phục vụ đắc lực cho ngoại nhân bằng cách rất cạn tàu ráo máng với người đồng bang, số người này sẳn sàng lường gạt, hiếp đáp đồng bào mình chẳng thiếu món gì, lâu dần người Việt đâm ra sợ người Việt, ghét người Việt, nghi kỵ lẫn nhau dẫn đến tình dân tộc bị tổn thương trầm trọng, tính đoàn kết bị phá vỡ nặng nề, nội lực dân tộc bị suy yếu cùng cực mới khiến cho một giống nòi vốn khá thông minh lại phải chịu cảnh nô lệ trên dưới hơn cả ngàn năm. Tâm lý độc hại này đã trở thành một thứ "gene" di truyền, thấm vào tới tận từng tế bào xương tủy, rất khó cải thiện. Thậm chí đến ngày nay, tình trạng nô lệ đã lùi rất sâu vào dĩ vãng nhưng cái thứ tâm lý đáng tiếc kia vẫn còn tồn tại rất vững vàng bền bỉ trong tâm cang của gần như đa số những người con Việt dù đang ở trên quê hương hay đang lưu lạc bốn phương trời. Sự nghi kỵ dẫn đến tách rời nhau, mặc dầu nói cùng ngôn ngữ, có cùng tập quán, tình trạng nầy dẫn đến việc rút lui vào vỏ bọc gia đình và xem đồng hương nếu không phải bà con mình là một thứ "người ta" rất xa lạ, không chút dính líu, sống chết mặc bây, nhưng cũng nên nhớ cho rằng, ngoài cái gọi là "nhà mình" còn có cái lớn hơn, thiêng liêng hơn đó là "nhà Việt nam" mà tất cả chúng ta đều biết là cần phải giữ gìn cẩn thận vì nếu "căn nhà lớn" này mà mất thì nhà ta ắt cũng chẳng còn, mà muốn căn nhà chung này tiếp tục tồn tại thì cần phải tin tưởng lẫn nhau, sự thật đã từng xãy ra trong quá khứ, chẳng biết bài học nô lệ tàu tây "người mình" có còn nhớ hay không.
23/10/201818:50:06
Khách
Trong tai nan giao thong ,nguoi` nao` cung~ the' , khi co' co* ho^i se~la^t. long.
Ly' do : accident at fault se~ anh? huong? nhieu` dden' gia' mua bao? hiem? trong tuong lai
Luon nho` dden' phap luat trong moi truong ho*p dde? bao? ve^. quyen` loi ca' nhan " But' sa ga` moi' che^t' "
Kim Ho
PS: Nuoc' da trang', dden . vang` & ddo? ddeu` co' nguoi` tot' xau' Hay? cho minh` va` nguoi` co' co* hoi tiep' xuc' . Tot thi` ban. xau' thi` tranh' the' thoi .
23/10/201818:26:54
Khách
Người Mình vụng tu lắm, nên cứ khổ hoài. Mình nên học ở người hàng xóm rất khéo tu đó là người Lào. Họ nghèo nhưng tôi tin họ không khổ như mình.
23/10/201813:26:19
Khách
Người mình, người ta nơi nào cũng có người tốt và xấu không phân biệt chủng tộc. Tôi hiểu được thông điệp của tác giả nhưng khi nêu ra đây không ăn nhằm gì đến những kẻ vô tâm. Còn đối với những người yêu dân tộc Việt, muốn gìn giữ văn hoá Việt và thương quí những người Việt ly hương thì lại làm cho họ hụt hẳn và muốn xa lánh những người Việt đồng hương...

Vì xa nhà, xa quê hương từ nhỏ nên tôi yêu quí người Việt, tiếng nói Việt và tất cả những gì gợi lại cho tôi cái quê hương Việt Nam yêu dấu mà tôi đã bỏ lại. ❤️
23/10/201812:17:39
Khách
Tôi bị hai nàng Mỹ trắng lái xe quẹo từ đường lớn vào đường nhỏ nơi tôi đang ngừng chờ hết xe để quẹo phải đụng móp hông.
Họ cũng xin tôi đừng gọi cảnh sát để không bị ticket. Tôi thấy không đáng nên lấy bảo hiểm của họ và gọi cho bảo hiểm của mình. Vài ngày sau, hãng bảo hiểm của tôi báo họ kiện tôi lái xe từ đường nhỏ chạy chắn đường lỡn nển lỗi 100%.
PS. Theo tôi biết thì lái xe quẹt nhau trong bãi đậu xe, cảnh sát không tới lập biên bản vì bãi đậu xe thuộc tư nhân. Không biết bây giờ luật có thay đổi không?
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,230,970
Tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016 và thêm Giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt từ năm 2000 cho tới nay.
Tác giả quê gốc Kinh 5 Rạch Giá, hiện là cư dân Seattle, dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2010. Ba bài đã viết là chuyện 30 năm của gia đình bà: Vượt biển tới đảo tị nạn, sau 7 năm chờ đợi, bị buộc phải hồi hương. Nhờ chương trình ROV, gia đình vẫn tới được nước Mỹ, và với sức phấn đấu chung, tất cả đã đứng vững.
Tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên 2001 và đã liên tục góp bài. Sau nhiều năm tham gia ban tuyển chọn, từ 2018, Trương Ngọc Bảo Xuân hiện là Trưởng Ban Tuyển Chọn Viết Về Nước Mỹ. Bài sau đây trích từ báo xuân Việt Báo Tết Kỷ Hợi 2019.
Tác giả là một cựu tù cộng sản, hiện sống ở Vail, Arizona, làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung. Với bài viết của một dân sự gốc Việt từ căn cứ Mỹ tại Afganistan, ông nhận giải Danh Dự VVNM 2018. Sau đây là bài viết mới của ông.
Tác giả tên thật là Trần Văn Hai, hiện đã là cư dân hưu trí tại Nashville, TN. Thư kèm bài, ông viết: “Tôi thường xuyên theo dõi và đọc bài viết trên trang Việt báo online. Đây là bài viết tôi gởi về cho tòa soạn đầu tiên, mong nhận được sự góp ý. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông là bước khởi hành tốt: gọn nhẹ, giản dị và thành thực. Saui đây là bài viết thứ hai.
Tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ năm 2010. Ông là một Linh mục Dòng Truyền giáo Ngôi Lời thuộc tỉnh dòng Chicago. Nhiều năm qua, ông lãnh việc truyền giáo tại Alice Springs, Northern Territory, vùng sa mạc đất đỏ Úc Châu. Từ 2016, nhiệm sở truyền giáo mới của Linh mục là một thành phố vùng cao nguyên Tagaytay,Philippinnes. Truyện ngắn sau đây của tác giả, trích báo xuân Việt Báo Tết Kỷ Hợi. Bài đăng 2 kỳ.
Tác giả lần đầu tiết về nước Mỹ từ tháng 11, với bài “Tình người hoa nở”, tháng 12, “Mùa kỷ niệm” và “Chị em trung học Nữ Thành Nội.” Cô tên thật là Nguyễn thị Minh Thuý sinh năm 1955. Qua Mỹ năm 1985, hiện là cư dân thành phố Hayward thuộc Bắc Cali và còn đi làm. Sau đây là bài viết thứ tư của cô.
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014, ông tên thật Trần Phương Ngôn, đã sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm, hiện là cư dân Dayton, Ohio. Sau đây, thêm bài viết đầu năm mới Kỷ Hợi của ông.
Trước 1975, tác giả là một hạm trưởng hải quân VNCH, sau đó là 10 năm tù cộng sản. Ông định cư tại Mỹ theo diện H.O., dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, đã nhận giải bán kết 2001, thêm giải Việt Bút 2008. Từ hơn 10 năm qua ông là thành viên Ban Tuyển Chọn Chung Kết, và vẫn tiếp tục góp bài mới. Sau đây là bài trích từ báo xuân Việt Báo Tết Kỷ Hợi.
Tác giả sinh quán tại Hội An, Quảng Nam, tốt nghiệp Đốc Sự Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, Cựu tù chinh trị, hiện định cư tại Virginia. Ông góp bài Viết Về Nước Mỹ từ nhiều năm qua và đã ấn hành 4 tập truyện ngắn. Nhà văn Võ Phiến nhận xét về các nhân vật truyện của Phạm Thành Châu đã phải kêu là “Tuyệt vời. Sao mà họ chung tình đến thế.” Sau đây, thêm một truyện ngắn Phạm Thành Châu.
Nhạc sĩ Cung Tiến