Hôm nay,  

Cái Chuốt Viết Chì…

07/10/201800:00:00(Xem: 13028)
Tác giả: Phan

Bài số 5516-20-31323-vb8100718

 
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và vừa chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới  của ông. Bài đăng 2 kỳ.

VVNM_Cai Chuot Viet Chi
Hình do tác giả chụp.
 

***

Sáng nay vô phòng sách lấy cái bấm giấy, bấm mấy tờ giấy rời lại với nhau cho thành hồ sơ lưu về thuế năm ngoái, cái bấm giấy không biết đã lạc đi đâu mà lại thấy cái chuốt viết chì của Mỹ lặng lẽ trên kệ sách như quê nhà lặng lẽ trong tâm tư người dạt trôi.

Nhớ hồi mới qua Mỹ, sáng cuối tuần lang thang garage sale để mua những thứ cần dùng cho người mới định cư. Tôi đã mua cái chuốt viết chì vì trông thấy nó là nghĩ và nhớ ngay tới bác Ba nên mua chứ không có nhu cầu. Mua hai mươi lăm xu, và đã ba mươi năm chưa xài tới, nhưng bây giờ bán lại bao nhiêu cũng không vì bác Ba đã sống bên Mỹ với tôi ba mươi năm lạc mất quê hương.

Cứ mỗi khi làm không hết việc trong phòng sách cũng là phòng làm việc. Những lúc chán đời nô lệ đồng đô la bất hạnh. Tôi nhìn cái chuốt viết chì mà xấu hổ với bác Ba cực khổ, lam lũ cả đời, nhưng vẩn giữ mãi được gương mặt hiền lành, ánh mắt nhân từ, nụ cười bao dung tới khi qua đời..

*

Tôi nhớ tôi biết đọc báo từ năm 1968, năm có tết Mậu thân. Vì lần đầu tiên đọc báo đã in đậm vào ký ức tôi. Chuyện là gia đình tôi và gia đình bác Ba bên hàng xóm đều là người bắc di cư. Khoảng cách giữa hai nhà thì phía bên nhà bác Ba có bà ngoại nên ngoại trồng rau đay để nấu canh ăn, vài gốc cà pháo để ngoại muối chua, ăn với canh rau đay. Phía bên nhà tôi là cỏ dại, có lối mòn do người xóm trong thường đi tắt ngang qua nhà tôi để ra sông gánh nước cho gần…

Bọn trẻ chúng tôi đá banh ny-lon dữ quá nên rau đay của ngoại cứ bị chúng tôi giẫm nát. Bác Ba trai bỏ ra mấy ngày phát cỏ, cuốc đất sau nhà bác để bà ngoại trồng rau, trồng cà. Còn cua đồng thời ấy thì trẻ con chúng tôi vừa chơi vừa bắt trên đồng cũng dư cho ngoại giã nấu canh rau đay và ram mặm để ăn cơm. Nhớ ngoại cứ chọn con to, gạch nhiều, cho vào cái nón sắt của lính, rồi bắt chúng tôi giã tới mồ hôi mồ kê nhễ nhại. Những con non, tuy nhỏ nhưng khi ram mặn thì ăn khỏi lừa xương, nhai rau ráu, nuốt hết, vị mằn mặn của nước mắm và vị béo của gạch cua đồng thì ăn một lần sẽ nhớ một đời; ăn hết thời chân đất, trường làng thì đi mô cũng nhớ về bà ngoại…

   Bác Ba trai là người rất siêng năng trong mắt tôi suốt thời tuổi nhỏ ở xóm làng. Bác đi làm nhà máy từ sáng sớm tờ mờ đã đạp xe đi với giỏ cơm bác Ba gái hoặc bà ngoại giỡ sẵn cho bác trai. Chiều về thì bác Ba không ghé nhậu ở nhà ai hết như những người lớn đi làm về thường nhậu nhẹt ở nhà ai đó trong xóm. Bác Ba đi làm về là quần quật chăm sóc nhà cửa, ruộng vườn. Hôm nào bác Ba lãnh lương là các con bác có quà, luôn cả tôi cũng có cái bánh bò hấp nhét trong cái bánh tiêu mà cắn miếng nào là tiếc đứt ruột miếng đó vì thấy cái bánh trên tay mình cứ nhỏ dần đi mà xót ruột…

Rồi thì bác Ba tráng xi măng phần đất mà trước đó bà ngoại trồng rau đay với cà pháo cho đám con gái có chỗ chơi cò cò, đánh banh đũa cho sạch sẽ. Nhưng bọn con trai chúng tôi lại cứ giành mảnh sân xi măng đó để chơi tạt lon, tạt bao thuốc lá, tạt nắp khoéng… Thế là bác Ba đề nghị với cha tôi cho bác được tráng xi măng phần đất cỏ và lối mòn bên hông nhà tôi để làm sân chơi cho bọn con trai.

Cha tôi là người hào phóng đến mức ông mua tới mấy xe cát, cả xe xi măng, cả xe sắt lớn, sắt nhỏ nhiều cỡ để bác Ba muốn tráng xi măng ở đâu cũng được trên phần đất nhà tôi và nhà bác.

Lũ trẻ chúng tôi được vui vì lần đầu trong đời được trông thấy những chiếc xe cam nhông to lớn, chở cả núi cát, chở không biết bao nhiêu bao xi măng nặng ơi là nặng mà nó vẫn chạy nổi… Chúng tôi chơi với núi cát mấy tháng trời, đã đời. Cuối cùng là hai nhà đều có sân xi măng bên hông nhà, trước nhà, sau nhà rộng mênh mông để phơi lúa mùa lúa, trẻ con tha hồ chơi quanh năm. Khi xong việc tráng sân xi măng thì xi măng và cát dư thừa, bác Ba mua gạch về tự xây bồn hoa bên nhà tôi, bác trồng hoa vạn thọ cho mẹ tôi cúng Phật, vì như bác nói với mẹ tôi, “ông nhà lo việc quốc gia đại sự, lại các anh con trai của bà lớn đến đâu thì đi lính đến đó nên bà cần hoa vạn thọ để dâng hương cầu Phật bà Quan âm phù hộ cho ông nhà và các anh…”  Bác Ba xây bồn hoa bên nhà bác thì trồng hoa huệ trắng cho bà ngoại với bác Ba gái dâng hương lên bàn thờ Đức mẹ để xin ơn trên che chở cho anh con trai trưởng của hai bác là lính không quân, anh lái trực thăng ở phi trường Cần Thơ.

Nhưng hôm căn cứ lính Nhảy dù ngoài bờ sông dọn đi, Trại lính bỏ hằng hà cọc sắt và dây kẽm gai. Lính cho dân ai muốn bao nhiêu thì cứ lấy về nhà mà rào chuồng gia súc, rào vườn hoa màu… chỉ yêu cầu dân phải đợi lính tháo hết mìn từng khu vực thì hẵn nhổ cọc sắt và cuộn kẽm gai đem về nhà dùng.

   Bác Ba nghĩ sao lại đi đục sân xi măng giữa hai nhà. Bác thả hàng cọc sắt thẳng tắp trong ngày để hôm sau căng dây kẽm gai. Tôi nhớ, chiều hôm đó cha tôi làm việc tại nhà nhưng muộn lắm vì hội họp với ông thiếu tá quận trưởng, ông thiếu tá tiểu đoàn trưởng Nhảy dù, ông đồn trưởng đồn Nghĩa quân ở địa phương, mà có cả cố vấn Mỹ vì việt cộng đã đêm đêm về quấy phá xóm làng, giết người không chịu nộp tiền hay theo chúng vô bưng. Tôi nghe cha nói với mẹ tôi thế thôi khi ông không chịu ăn cơm mà mẹ đã dọn ra bàn ăn. Cha tôi sang nói chuyện với bác Ba bên hàng xóm rất lâu. Tôi nhớ cha tôi nói với bác Ba, “Bác không thấy là lính Nhảy dù của mình đã phải nhổ trại để ra miền trung tăng quân chống cộng sản bắc việt đang tràn vào miền nam của chúng ta. Bác rào giậu ngăn sân làm gì nữa cho mất tình hàng xóm, nhạt tình di cư với nhau, bọn trẻ thiếu chỗ chơi khi xe nhà binh đã phải chạy ầm ầm ngoài ngõ…” Bác Ba nắm tay cha tôi bằng cả hai bàn tay của bác. Bác xin lỗi cha tôi vì bác cũng biết Việt cộng đã tràn vào miền nam rồi nên bác mới rào giậu ngăn sân, để không cho việt cộng vào nhà bác… Tôi nhớ, cha tôi móc túi áo, mời bác Ba điếu thuốc. Bác không từ chối cha tôi châm lửa quẹt cho bác, nhưng bác ho đến cha tôi lấy lại điếu thuốc vì bác không hút thuốc.

Nhưng từ đó, vài hôm cha tôi lại đưa cho tôi tờ báo Trắng Đen, Đại Dân Tộc, Bút Thép… của thời đó. Cha ra lệnh cho tôi: “Con cầm tờ báo này sang nhà bác Ba, đọc bài báo này cho bác Ba nghe tình hình chiến sự…” Nên tôi nhớ lần đầu tôi đọc báo là năm Mậu thân 1968, đọc cho bác Ba hàng xóm nghe về tình hình chiến sự.

   Thường là đọc xong, tôi đi chơi. Bác cẩn thận xếp tờ báo lại, đem cất. Nhưng có một hôm giáp tết, tôi đọc báo cho bác Ba nghe xong. Bác cho tôi món quà qúy nhất đời tôi. Nguyên là bác mua được từ đâu không biết! Chỉ biết một hôm thằng con bác là bạn thân với tôi, nó cho tôi biết một tin bí mật: “Ba tao mua được một cái chuốt viết chì của Mỹ. Ba tao gắn lên cột nhà cho không ai lấy được. Tao chỉ nói cho mày biết, cho mày được xài chung với tao. Nhớ đừng nói với ai, nhưng mày phải làm toán dùm tao đó nha…”

   Thế là từ đó tôi với nó mê cái chuốt viết chì của Mỹ, không có cái chuốt viết chì nào chuốt được cây viết chì nhọn hơn và đẹp hơn cái chuốt viết chì của Mỹ. Chúng tôi siêng học ra nhưng cây viết chì không chịu mòn nhanh để chúng tôi được chuốt viết chì. Làm toán thì nhức đầu, viết chữ thì mỏi tay mà cây viết chì cứ không chịu mòn, đến chúng tôi phải nghĩ ra những cách vô tình làm cho nó gãy chứ chúng tôi không cố ý, để được quay quay cái chuốt viết chì của Mỹ như làm ảo thuật! Trời ơi, một cây viết chì bị gãy than trước đó thì phải chạy đi kiếm cái ô trầu của bà ngoại để mượn con dao cau, rồi gọt cẩn thận cỡ nào thì cũng xấu hoắc. Mà có được gọt bút chì bằng dao cau đâu khi bà ngoại thấy vì bà ngoại sợ chúng tôi bị đứt tay nên để ngoại gọt cho, mà ngoại gọt thì xấu hơn cả cái gọt bút chì bán ở tiệm tạp hoá của ông tàu.

Nhớ bấy giờ viết chì gãy than là mừng, được làm ảo thuật. Chỉ cầm cây viết chì cho ngay, xỏ vào lỗ đúng kích cỡ của cây viết chì, quay tay quay nhẹ hều mà ngọn bút nhọn hoắc, láng cón hơn hết những cái đồ chuốt bằng nhựa mua ở tiệm tàu; lưỡi thì lụt, nhựa thì xấu ơi là xấu, chuốt ra cây viết chì không bao giờ nhọn được như mũi kim…

Thế mà có một hôm giáp tết. Tôi đọc báo cho bác Ba nghe xong về tình hình chiến sự. Bác thở dài, rồi nói với tôi, “Cháu ạ! Chiến loạn đến non nước này thì phải chạy giặc thôi. Rồi làng xóm mình ai mất ai còn với đạn bom, ai về lại được xóm làng này như xưa để lại chòm xóm với nhau như cũ nữa. Bác biết cháu rất thích cái chuốt viết chì này nên bác cho cháu trước khi mình chạy giặc. Mai này nếu gia đình bác hay gia đình cháu không về lại xóm làng này nữa thì cháu cũng cứ giữ lấy nó để chuốt viết chì mà học làm toán, viết chữ. Ráng học nha cháu, không biết chữ như bác thì khổ lắm!”

Tôi nhìn lên cây cột nhà chỉ còn ba lỗ đinh vít, thấy lòng bất an như chiếm đoạt của thằng bạn thân một báu vật. Nghĩ suy là nó còn lớn hơn tôi một tuổi, nhưng học bằng lớp với tôi. Thế mà không đọc được báo cho ba nó nghe thì nó không đáng là người giữ báu vật. Nhưng tình bạn bè như anh em đi học chung, về chung, phá làng phá xóm chung, cây mía, trái xoài do bày mưa lập kế với nhau mới có được đều chia đều cho nhau. Tôi không đành lòng nhận cái chuốt viết chì của thằng bạn là anh em hàng xóm mà như ruột thịt với nhau từ nhỏ. Dù tôi nhận từ tay bác Ba đã chính thức cho tôi nhưng tôi trao lại cho nó trước khi hai nhà chạy giặc tết Mậu thân.

 

Sau Tết Mậu thân. Gia đình tôi ở lại căn nhà trên Sài gòn vì căn nhà ngoại ô đã mất an ninh nên không về nữa. Gởi nhà nhờ bác Ba chăm sóc dùm như người bà con trong họ. Nhiều năm sau tôi mới hiểu câu nói của bác Ba, “Nếu gia đình cháu hay gia đình bác không về nữa…” Thật là bác Ba khả kính ở điểm không biết chữ nên diễn tả chuyện súng đạn vô tình thật tài tình. Thời gian với người lớn dạo ấy là tình hình chiến sự khắp miền nam như vết dầu loang của cộng quân xua quân vào cưỡng chiến miền nam. Đàn anh ra trận đến hết thanh niên trong xóm vào mùa hè đỏ lửa 1972. Những đứa trẻ như chúng tôi đã phải cáng đáng việc nhà thay thế lớp đàn anh. Hôm tôi đạp xe đạp về lại căn nhà xưa với cả xấp báo trên tay để đọc cho bác Ba nghe là hôm bác suy xụp tinh thần tới tưởng chết vì anh con trai lớn của bác Ba bị rớt trực thăng dưới miền tây, không chết nhưng phải vào nằm trong Quân y viện. Bác Ba trai với bác Ba gái đang khăn gói lên đường về miền tây thăm con…

   Tôi với thằng bạn nhỏ phải chẻ củi cho bà ngoại, sửa lại bờ rào vườn sau bị trâu bò hàng xóm húc xập… Tôi ăn cơm bên nhà bác Ba tới mòn đũa hồi nhỏ, ăn bao nhiêu cái bánh tiêu bánh bò của bác Ba không kể con đẻ hay con nhà hàng xóm. Sao hôm đó về lại mái nhà xưa, ăn cơm với bà ngoại và thằng bạn thân từ nhỏ không thấy ngon như thuở tranh ăn, giành giựt nhau cái trứng kho thịt vì thịt ngán mỡ, mỡ ngán thịt tới ứ họng. Hay chúng tôi không còn nhỏ nữa bởi bộ đồng phục của học sinh đã lên bậc trung học, hay bởi thời thế tao loạn đến con nít cũng âu lo.

   Cái chuốt viết chì là báu vật của tuổi nhỏ được gắn lại đúng ba lỗ đinh vít cũ trên cột nhà bác Ba, nhưng hôm đó đóng váng nhện như bằng chứng chúng tôi đã qua tuổi nhỏ ở trường làng.

Ăn cơm xong. Ngoại đi cắt vội mớ rau đay, mấy trái mướp, bảo tôi đem về Sài gòn cho mẹ tôi. Nắng chiều vàng võ cái khăn mỏ quạ trên đầu ngoại bạc thếch, tóc ngoại bạc trắng theo hoả châu đêm nào cũng đọc kinh cầu nguyện cho cháu ngoại lái trực thăng được ơn trên che chở…

Về thành, về nhà, mẹ tôi cũng đêm đêm đọc kinh cầu nguyện Phật bà Quan âm che chở cho đàn anh tôi ngoài trận… Đứa ở lại với ông bà ngoài bắc không biết còn hay mất, hay nó đang vác súng vào nam bắn giết tương tàn với anh em ruôt thịt. Đứa thất thủ Phước Long không biết còn sống hay chết, thằng Bình Long, An lộc cả năm không nhận được lá thơ gởi về nhà… các anh Hải quân của tôi thì lênh đênh trên biển thời đó nên chỉ khi thấy mặt về tới nhà thì biết là còn sống… làm mẹ tôi héo hon như những bó hoa vạn thọ mua ngoài chợ, không đủ linh khí để dâng hương Phật bà như hoa nhà ta… Tôi đã đủ lớn để hiểu mẹ, nên càng trân qúy những người xưa.

Mẹ tôi lại mua vài ký thịt, vài chục trứng, bảo tôi đạp xe đem về nhà cũ cho ngoại. Dặn ngoại cho bọn nhỏ ăn thoả thích, rồi mẹ lại mua cho, không cần ăn dè…

Mùa hè đỏ lửa qua, hai nhà không mất đứa con lính trận nào. Nhưng những tháng năm buồn sau hoà bình 1975 làm trắng tóc bác Ba thỉnh thoảng lên Sài gòn thì ghé tạt qua nhà tôi để tiếp tế cho mẹ tôi vài ký gạo cho tụi nhỏ ăn. Lời thăm hỏi của bác không thay đổi đến tôi thuộc lòng, “Ông nhà bà nay có khoẻ không? Chúng đưa ông nhà tới trại tù nào rồi? Bà ngoại nhà tôi với vợ chồng tôi luôn đọc kinh cầu nguyện hằng đêm cho ông nhà và các anh con bà trong tù được tai qua nạn khỏi…”

   Trong đời tôi chưa bao giờ được thấy cái nắm tay nào ý nghĩa hơn mẹ tôi nắm tay bác Ba hàng xóm khi hai người không khóc mà chia nhau hết khổ nạn đời này hôm bác Ba già sọp đi khi báo tin cho mẹ tôi hay: Gia đình bác bị cưỡng bức hồi hương.

   Mẹ tôi ít nói, nên khi nói thường được xem trọng. Mẹ tôi nói với bác Ba, “Không về bắc bác nhé! Đã di cư thì coi như mất quê từ đó. Bác đưa gia đình về lại Cái Sắn là nơi tạm cư hồi mới vô nam. Bác còn người bà con bên vợ định cư luôn ở đó nên bác về miền tây cũng còn có người thân. Còn có cái ăn, con tôm con cá dưới ấy không hiếm. Bác cũng không đi kinh tế mới lên miền rừng thiênh nước độc…”

   Sau đó. Thỉnh thoảng, bác Ba lại lặn lội từ Cái Sắn lên Sài gòn thăm gia đình tôi với vài ký gạo, mấy con cá khô để gởi cho cha tôi trong tù. Gói trà cám khô khốc trong tủ đồ khô, tôi pha trà cho mẹ ngồi uống trà với bác Ba, đâu biết những đêm cúp điện đó ở quê xưa đã khiến tôi biết suy nghĩ về ân tình.

   Tới hôm bác Ba bước vào nhà như lần trước lên Sài gòn thăm gia đình tôi, vẫn cái giỏ đệm có vài ký gạo, mấy con cá khô thì bác buộc vào người bác cho bọn lưu manh ngoài bến xe không giật được, bác mặc áo màu đen lại rộng bên ngoài để che mắt bọn quản lý thị trường không chụp mũ con buôn cho bác, rồi tịch thu. Bác cởi áo ra cho tôi gỡ khô, mẹ tôi khóc người hiền lương đã bị chế độ lưu manh hoá, nhưng bác cứ hiểu nhầm là mẹ tôi thương bác gầy trơ xương… Bác cứ hứa nhăng hứa cuội với mẹ tôi là lần này về quê, bác sẽ chịu ăn cho mập mạnh lại như xưa. Mẹ tôi lại cười khi nước mắt chưa khô. Tôi hiểu nên cười hùa, làm quái gì có cái ăn nên mới gầy trơ xương mà còn nói sang. Tôi lớn rồi nên mới hiểu, mà hiểu được thì tôi cũng muốn rớt nước mắt với bác Ba. Đó là quà cho cha tôi trong tù, nước mắt, mồ hôi người thân, chí tình, chí nghĩa đều có cả. Nhưng phần phước cha tôi vắn vì lần ấy bác Ba đã muộn. Bác nhìn di ảnh cha tôi trên ban thờ theo tay chỉ của mẹ tôi. Bác ngất xỉu hồi lâu mới tỉnh. Thắp nhang cho cha tôi như người anh em hết lòng thương tiếc người anh em vắn số. Bác còn nước mắt đâu để khóc vì lần đó bác lên Sài gòn là để báo tin cho mẹ tôi hay bà ngoại và bác Ba gái đã mất vì quá cực khổ trong vùng kinh tế mới dưới Cái Sắn nên sinh bệnh mà không có thuốc men.

Những lần sau bác lên Sài gòn thăm mẹ tôi như một người đã đi qua hết khổ đau nên không khổ đau nữa! Bác vui như trẻ nhỏ khóc cười tự nhiên nhiên nhiên. Bác báo tin người con trai lớn lái trực thăng của bác không chết, anh đã định cư bên Úc. Bác lên thăm mẹ tôi lần cuối rồi về chết vì bà ngoại và bác Ba gái cứ thường về trong giấc mộng, rủ bác đi chơi. Lần nào bác cũng lên thăm mẹ tôi lần cuối như thế. Chỉ khác là con cái không cho bác đi một mình nữa thì họ đưa bác lên Sài gòn thăm mẹ tôi. Chúng tôi gặp lại nhau như anh chị em trong nhà khi ai cũng đã trưởng thành từ đổ nát nên càng qúy tình nghĩa.

Khi bác Ba trai mất, các chị vẫn lên Sài gòn là ghé thăm mẹ tôi như những đứa con cháu trong nhà. Cho đến bây giờ, mỗi lần giỗ mẹ tôi, các chị dẫn con cháu của các chị lên Sài gòn ăn giỗ mà tụi nhỏ thắc mắc là giỗ bà nội hay bà ngoại? Nên anh tôi giải quyết là con của thằng bạn nhỏ của tôi thì nói là giỗ bà nội còn con của các chị thì gọi mẹ tôi là bà ngoại…

   Các cháu mà tôi chưa từng gặp mặt đã yêu thương bọn chúng vì chúng luôn nhắc chú bánh tiêu bánh bò sao không về ăn giỗ bà nội, bà ngoại của tụi con? Vì bác Ba lên Sài gòn thì tôi có bao nhiêu tiền trong túi sẽ đi mua hết bánh tiêu bánh bò về cho bác Ba ăn. Có lần bác hỏi tôi, “Mày không biết mua gì khác cho bác Ba ăn hả thằng bánh tiêu bánh bò?” Tôi sung sướng trả lời bác. “Hồi cháu còn nhỏ, bác lãnh lương là các con của bác được ăn bánh tiêu bánh bò. Chỉ có bác không được ăn vì bác đã nhường phần bác cho cháu. Nên bây giờ cháu mua lại bánh tiêu bánh bò cho bác ăn vì bác thích món đó nên tháng nào lãnh lương cũng mua bánh tiêu bánh bò cho con cháu, nhưng chưa bao giờ bác được ăn…” Bác Ba không biết đọc chữ nên giỏi đọc lòng người, bác gọi tôi là thằng bánh tiêu bánh bò tới thành tên riêng trong nhà…

 

*

 Rồi thì biệt xứ đã bằng tuổi đời lúc ra đi. Nếu mai tôi chết thì nửa đời xa quê còn nguyên nỗi nhớ nửa đời được sống ở quê nhà; có bác Ba hàng xóm tận tụy với gia đình, tận lòng với trẻ nhỏ, tận tình với láng giềng…

Từ bà ngoại bên hàng xóm mà tuổi nhỏ của tôi đã vô tư gọi ngoại như bà ngoại ruột của mình. Đến bác Ba trai, bác Ba gái, cha mẹ tôi đều đã theo ông bà. Những người ngày xưa không giỏi giang như bây giờ ngồi một chỗ mà biết hết chuyện gì đang diễn ra trên thế giới, nhưng ân tình của họ lại truyền tới đời sau là anh chị em tôi với các con của bác Ba như một gia đình. Sài gòn - Cái Sắn đã là ruột thịt của nhau tự bao giờ, giỗ tết đều ơi ới gọi nhau về thắp hương cho người xưa không còn hiện hữu nhưng mãi hiện diện trong lòng con cháu tấm lòng của họ.

Thật là xấu hổ với tiền nhân khi nhìn lại cái chuốt viết chì của Mỹ. Mua rồi không xài đã ba mươi năm, sẽ không xài tới cuối đời ở Mỹ. Nhưng con cháu không bao giờ hiểu ý nghĩa của nó trong lòng người cha biệt xứ này.

 

Phan

Ý kiến bạn đọc
10/06/202403:21:30
Khách
<a href=https://cialis.lat/discover-the-best-prices-for-cialis>cialis 5 mg best price usa</a> SMC specific Alk5 deletion induces aortic aneurysm formation with phenotypic penetrance differing between genders
30/06/202323:33:33
Khách
<a href=https://levitrax.pics>levitra grossesse</a> Of course, being stopped by Liu Chengyou, not all things that are labor intensive and costly, but this situation is southflaortho
16/03/202308:44:31
Khách
But it s not as does running slim you down good as a man with a plan <a href=http://clomid.buzz>how to buy clomid over the counter</a>
19/10/201821:39:46
Khách
Thể lệ tham dự Viết Về Nước Mỹ ngay từ khởi đầu, năm 2000, có ghi rõ: "Mục tiêu của giải thưởng là cổ võ việc ghi lại những kinh nghiệm hội nhập của người Việt vào dòng sống nước Mỹ, càng nhiều chi tiết sống thực càng hay. Bài tham dự có thể là truyện ký, truyện ngắn, tạp bút... Người viết có thể gửi nhiều bài tham dự, hoàn toàn tự do chọn đề tài, miễn là liên quan tới nước Mỹ."

Đây là cái link: https://vvnm.vietbao.com/a239020/hop-mat-viet-ve-nuoc-my-16-thang-8-2015-20-tac-gia-se-nhan-giai-nam-thu-xvi
11/10/201808:28:38
Khách
Cám ơn anh Phan đã đưa mình phiêu du quá khứ của mấy chục năm trước. Dù thua tác giả đến cả chục tuổi, nhưng vẫn thấy thấp thoáng trong bài viết hình ảnh xưa quá đỗi thân thuộc của mình với các thế hệ trước, ông bà cha mẹ mình đã sống trọn câu: "bán anh em xa, mua láng giềng gần";
08/10/201821:29:27
Khách
Cám ơn tác giả với một bài viết hay và cảm động. Tuổi trẻ Việt Nam trong thời chiến tranh sao nhiều đau thương quá anh ơi. Mới có năm bảy tuổi mà đã chứng kiến cảnh chia ly rồi...
08/10/201814:35:11
Khách
Một bài viết hay. Thời tuổi trẻ trôi nổi theo những biến chuyển buồn bã của thời cuộc.

Thời đó, ba tôi cũng mua một cái chuốt bút chì này, tuy nhiên, chúng tôi rất ít khi dùng đến, vì lúc đó bút mực Parker, Pilot, bút nguyên tử Bic,...được ưa chuộng hơn. Tôi nhớ rằng cái chuốt bút chì này có nhiều lỗ vừa vặn cho những kích thước khác nhau của bút chì - nào là bút chì đen, bút chì xanh đỏ v...v...
07/10/201820:40:42
Khách
Tuổi thơ và kỷ niệm. Bài viết thật hay mà cũng buồn quá!
07/10/201814:37:58
Khách
Hay và cảm động quá. Cám ơn tác giả.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,265,615
Tác giả sinh tại Saigon năm 1962, hiện cư trú tại Tulsa, Oklahoma. Nghề nghiệp: kỹ sư cơ khí, làm cho hãng Boeing, OKC. Học vấn: cao học. Gia đình: vợ và ba con: hai gái, một trai. Góp bài Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, Lê Như Đức là một tác giả rất được quí trọng. Mừng ông tiếp tục viết.
Tiếp theo chuyện “Saigon 68” đây là một hồi ức Mậu Thân về khu Thành Nội Huế. Định cư tại vùng Bắc Cali từ 20 năm trước, Deborath Tường Vân là nhân viên Sở Xã Hội San Jose và từng chăm sóc Bà Trùng Quang -vị niên trưởng của giải thưởng Việt Báo- liên tục hơn 6 năm cuối đời. Cô đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2012. Hồi ức Mậu Thân của Tường Vân là chuyện kể về khu Tây Lộc trong thành nội, nơi phải gánh chịu nhiều tang tóc nhất trong địa ngục Huế Tết Mậu Thân.
Capvanto là một bút hiệu khác của Philato, có lẽ do lối viết cách điệu từ Tô Văn Cấp, tên thật tác giả. Ông sinh năm 1944, từng là một đại đội trưởng thuộc TĐ2/TQLC, đơn vị có biệt danh Trâu Điên. Với nhiều bài viết giá trị, ông đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bài viết mới của ông là một hồi ức về trận chiến năm Mậu Thân, khi Đại Đội TQLC do ông chỉ huy được biệt phái theo tướng Nguyễn Ngọc Loan trong trận chiến Mậu Thân tại Saigon 1968.
Tác giả là cư dân Garden Grove, California, lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2018. Ông qua Mỹ trong một gia đình H.O. từ tháng Sáu năm 1994, vừa làm vừa học và tốt nghiệp kỹ sư điện tử. Sau đây là bài viết về nước Mỹ thứ ba của ông.
Tác giả là cư dân Minnesota, đã nhận giải vinh danh tác giả Viết Về Nước Mỹ 2008. Với những bài viết thuộc nhiều thể loại đề tài, cô là một tác giả rất được bạn đọc yêu mến.
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014 và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westminster. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 8/2015. Đã nhận giải đặc biệt 2016. Nhận giải danh dự VVNM 2017.
Nhân thời điểm 50 năm sau trận chiến Mậu Thân 1968 Viết Về Nước Mỹ 2018 sẽ có thêm giải thưởng đặc biệt về “Hồi Ức Mậu Thân”. Sau đây, xin mời đọc một bài viết cũ của tác giả Võ Trang, một kỹ sư điện làm việc cho Bộ Hải Quân Hoa Kỳ tại San Diego, kề từ hồi ức đau thương về người cha bị cộng sản chôn sống trong trận Tết Mậu Thân 1968 tại Gia Hội, Huế, khi tác giả còn là cậu bé 15 tuổi. Bài viết đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2009.
Tác giả sinh năm 1929 tại Quảng Trị, Cựu Trung Tá QLVNCH, cựu tù cải tạo. Định cư tại Sacramento, Cali. Năm 1991; Hội trưởng sáng lập Hội Thơ Tài Tử Việt Nam Hải Ngoại từ 1994; Sách đã xuất bản: Truyện ký "Người Trai Thời Chiến"; tập thơ "Chuyện Ngày Xưa"; Từng nhận “Certificate of Recogni-tion do The Sacramento International Poetry Hall of Fame tại Đại Hội Thi Ca Quốc Tế Sacramento 2006; Tác giả hiện là cư dân thành phố Garland, Texas và là Hội Trưởng Hội Người Việt Cao Niên Dallas nhiệm kỳ 2016-2017. Cho tới nay, với tuổi 89, ông cũng là vị tác giả cao niên nhất trong năm 2018 dự Viết Về Nước Mỹ. Kính chúc ông vui khỏe.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ đầu năm 2018. Ông tên thật là Chu Văn Huy, hiện là cư dân San Jose, cựu tù, vượt biển, đã nghỉ hưu sau 37 năm làm việc cho các hãng điện tử tại Silicon Valley - Thung lũng Hoa Vàng, California. Sau đây là bài viết thứ hai. Mong tác giả sẽ tiếp tục viết. Bài đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.
Nhạc sĩ Cung Tiến