Hôm nay,  

Tuổi Chó Tuổi Mèo

28/02/201800:00:00(Xem: 12055)
Tác giả: Đoàn Thị

Bài số 5325-19-31170-vb4022818
 

Như mọi năm, báo xuân  Việt Báo Tết Mậu Tuất 2018 đã bán hết, ngay trước tết, đã phải dành dụm kỹ mới giữ lại được một số lượng nhỏ cho hai hội chợ Tết. Sau đây, thêm một bài Viết Về Nước Mỹ được trích từ báo xuân. Tác giả là cư dân Paris, bà tham gia Viết Về Nước Mỹ từ năm 2000, năm 2011, và nhận giải  chung kết Vinh Danh Tác Giả VVNM. Với cách viết duyên dáng, Đoàn Thị là một trong những cây bút  được nhiều độc giả yêu mến.

 
***
 

Anh Tín, anh hàng xóm cũ của chị em tôi thập niên sáu mươi, anh nhập ngũ sau khi đậu tú tài, ngày tốt nghiệp khóa sĩ quan Thủ Đức anh được cả xóm chào đón trong bộ quân phục rất oai.

Anh thích chị tôi nhưng không dám ngỏ lời vì chúng tôi chơi với anh từ nhỏ coi nhau như người nhà, chị và em tôi gọi anh là “anh Cả”.

Tôi tặng anh biệt danh “Cả Tin” và chỉ một mình tôi gọi anh như thế, có lần anh véo tai tôi, nói:

- Con Ty này lém lắm, ý mi nói anh dễ dụ đấy à?

Đúng vậy, tôi hay dụ anh bao chúng tôi ăn cà rem, kẹo kéo… những thứ mẹ tôi nghiêm cấm vì tôi bị sâu răng từ nhỏ, anh thì lúc nào cũng hào sảng chiều chị em tôi, vòi anh cái gì cũng được.

Anh là con độc nhất của bác Dự, gia đình anh di cư năm 54, cũng đạo Công Giáo nên hai gia đình rất thân, hơn nữa bố tôi từng sống ngoài Hà Nội thời trẻ nên thỉnh thoảng bố cũng “đánh chén” với ba anh.

Trước ngày nhận đơn vị ngoài Nha Trang, anh gặp riêng chị tôi trao bức thư tỏ tình, ngắn ngủn.

 

Sàigòn, ngày…tháng…  1970

Hương thương,

Anh ra đơn vị rất xa Sàigòn, lần đầu tiên xa nhà anh sẽ nhớ gia đình và nhớ em lắm, chắc em không nghĩ anh thương em nhưng không dám lên tiếng vì anh em mình thân như người nhà, ước gì anh đủ tự tin để nói với em điều này.

Trong lúc anh vắng nhà, anh nhờ em thỉnh thoảng qua nhà trò chuyện với má anh cho bà bớt buồn nhớ anh, anh nghĩ việc này không khó với em.

Vài hàng để em rõ lòng anh, tùy em quyết định, hãy hứa với anh là em sẽ hồi âm những lá thư của anh sau này nhé.

Anh Tín.

 

Đọc thư của anh xong, chị đưa cho tôi và nói:

- Mi nghĩ sao, tao coi anh Tín như anh thôi.

Tôi không trả lời chị vì lúc đó ông anh rể tương lai của tôi đang ve vãn chị, chị đang chìm đắm trong tiếng đàn réo rắt của anh, “anh cả Tin” cù lần quá làm sao chinh phục nổi bà chị đang yêu cuồng si của tôi.

­Sau đó thỉnh thoảng về phép anh Tín đều có quà tặng chị tôi, mấy chiếc vòng đeo tay bằng vỏ ốc, đặc sản Nha Trang…, anh trở về đơn vị, chị “bàn giao” mớ quà đó cho tôi tùy nghi sử dụng.

Năm 72 chị tôi sang ngang, từ Nha Trang anh Tín gửi thiệp mừng, tôi hơi tiếc anh Tín vì tính hào phóng, hiền lành, nhất là mối tình đầu anh dành cho chị, nhưng lựa chọn của chị lại khác.

Những lần về phép sau này anh mang đặc sản Nha Trang như nem chua Ninh Hòa, cá khô, mực khô để ba anh và bố tôi nhâm nhi, chả cá chiên má anh nấu bún cá Nha Trang mang sang cho mẹ tôi.

Vòng đeo tay bằng vỏ ốc giờ đây là kỷ vật một thời anh mộng mơ, tôi luôn cảm kích mối tình trong veo của anh, tình chỉ đẹp khi còn dang dở, không sai một ly ông cụ.

Năm 73 anh mang cô Thoa từ Nha Trang về nhà ra mắt ba má anh, cô có nước da bánh mật rất duyên dáng, tóc xõa bờ vai dáng thục nữ, tôi nhìn cô còn thích, anh không mê mới lạ.

Tôi khen:

- Anh cả khéo chọn, chị Thoa xinh thật, chắc hiền ngoan lắm đây.

Anh cười cười:

- Mi khéo đoán mò, trông mặt bắt hình dong y như thầy bói dỏm.

Tôi chất vấn anh:

- Không hiền ngoan, xinh đẹp dễ gì anh mang về đây trình làng.

Anh buông một câu làm tôi suy tư:

- Ừ, tới tuổi thì lấy vợ đó thôi.

Anh đi rồi má anh than thở với mẹ tôi:

- Thằng Tín nhà tôi khờ quá, chọn ngay đứa tuổi Tuất, bà nghĩ xem thể nào con Thoa chả vồ thằng Mão của tôi.

Mẹ tôi giải hòa:

- Thời nay mà bà còn tin mấy con giáp đó sao, nếu có duyên phận thì chúng nó thành vợ chồng, mình có can cũng không được, mà thằng Tín quyết cưới cô Thoa?

Bác Dự khó chịu:

- Bà bảo không cưới được à, chúng nó... , mà con Thoa tự nguyện chứ thằng Tín có ép uổng chi đâu, đấy Chó vờn Mèo đấy, tôi sợ sau này nó nhai xương thằng nhỏ.

Tôi cũng nghĩ như má anh Tín vì tôi biết anh lành như cục bột, mà cô Thoa này lém lắm, nhìn mắt môi cô lia lịa tôi tin tính lém lỉnh của tôi không bằng một góc của cô, chỉ mong cô có thế nào thì anh cũng sẽ hạnh phúc bên cô.

Sau đám cưới anh ở luôn ngoài Nha Trang không trở về xóm cũ, mỗi lần chị Thoa sinh con, má anh khăn gói ra ngoài đó thăm nuôi cháu nội.

Hai gia đình chúng tôi bặt tin nhau ngày Sàigòn bị đổi tên, sau đó từ San Diego ba anh viết thư cho bố tôi kể chuyện ba má anh ra Nha Trang những ngày Sàigòn hấp hối, rồi cùng gia đình chị Thoa theo tàu Hải quân lên chiến hạm Mỹ ngoài hải phận quốc tế.

Sau này khi chị tôi định cư bên Mỹ, hai gia đình liên lạc với nhau, đúng hơn là bác Dự gái điện thoại nói chuyện với chị Hương chứ anh Tín không hề lên tiếng.

Bác gái cho biết bác trai đã mất vài năm nay, hai anh chị vẫn ở San Diego, bác ở nhà housing gần đó nhưng ít qua lại tránh gặp chị Thoa.

Vừa rồi bác lên Vegas để dự Đại Hội La Vang Las Vegas, ghé nhà chị tôi chơi, chị nấu món thịt bò xào lá quế, món chị mới chế biến từ vườn rau thơm sau hè, thịt bò xào gần chín cho rổ rau quế vào đảo sơ đổ ra dĩa là xong.

Món lạ miệng bác ăn hai chén cơm và khen:

- Món đơn giản mà ngon, bác ăn tham đến hai bát no cứng bụng, ăn không nổi chén chè đậu, bác ăn quả chuối tráng miệng là đủ rồi.

Bên tách trà nóng, bác gái tâm tình:


- Tội nghiệp thằng Tín ăn chay trường mấy năm nay từ lúc nó về hưu, khổ thật, bác đã can ngay từ đầu mà nó có nghe đâu, cả đời bị con vợ vồ bầm dập, đã bảo Chó – Mèo không sống chung với nhau được mà nó không tin.

Chị tôi  ngạc nhiên, hỏi:

- Có chuyện gì nghiêm trọng mà anh Tín ăn chay, mình Công giáo mà bác.

Giọng bác buồn hiu:

- Thế mới khổ, ngay từ đầu thằng Tín giấu bác, con Thoa xấc láo hỗn xược lắm, nó mà giận lên là mày tao với chồng ngay, lại có tật ghen bóng ghen gió bạ đâu chửi đó.

Vì lỡ ăn ở với con Thoa trước nên phải cưới, mà có phải lỗi thằng Tín đâu, con Thoa cứ cơm nước mang sang trại lính, rồi lửa gần rơm, cái thằng cục mịch đờ đẫn khi con Thoa tấn công, thế là xong đời. Cưới rồi nó mới nhe nanh, hồi còn ở Nha Trang, con Thoa tìm thấy mấy bức thư thằng Tín viết cho cháu lúc trước mà không dám gửi, thế là thành chuyện ầm ĩ ỏm tỏi. Lâu lâu nó lại mang ra hạch tội rồi cấm thằng Tín, không cho  về Sàigòn sợ nó gặp lại cháu.

À, thì ra đó là lý do hồi sau đám cưới chúng tôi không còn thấy anh Tín lai vãng. Chị tôi hơi choáng khi nghe bác tới mấy lá thư anh Tín viết cho chị mà không dám gửi.  Bác gái được thể kể  tiếp:

- Ôi dào, ngay thời còn ở Nha Trang, sau khi sinh hai đứa con, nó ăn uống vô chừng, người béo phì như bà bành, thế mà cứ tự mãn, nghĩ mình xinh mình giỏi mới chết chồng con. Nhân một bữa tiệc thăng chức của Long, thằng bạn thân, Tín uống rượu say mèm đêm đó ngủ lại nhà Long. Sáng hôm sau con Thoa sục sạo tung toé cư xá sĩ quan, thấy thằng Tín mặc đồ lót ngái ngủ trên giường vợ chồng Long, chưa rõ đầu đuôi nó nổi cơn lôi đình ngay. Trở ra phòng khách, nó chỉ mặt vợ thằng Long, lớn giọng hỏi sao chị dám để chồng tôi ngủ trong phòng anh chị mà không ngượng.  Sao chị không gọi tôi sang đưa chồng tôi về nhà, chị tệ quá.

Một  lần khác, có anh phi công trong cư xá bồ bịch lăng nhăng với một cô ở Sàigòn, rồi cô ta ra Nha Trang du hí với anh. Tội nghiệp bà vợ, con nhà gia giáo, lại sợ đánh đấm ồn ào “xấu chàng, hổ nàng”, chỉ biết than thở với con Thoa cho vơi sầu. Vậy là con Thoa cũng nhảy dựng lên. Nó rình rập, bày binh bố trận, lôi vợ anh phi công   đi đến bắt tại trận.  Tới nơi, bà vợ  ú ớ muốn xỉu chưa biết phản ứng ra sao thì con Thoa bay vào quán. Trận đánh ghen nổ lớn đưa nhau đến cảnh sát. Vậy là từ đó cả cư xá sĩ quan cạch mặt vợ chồng thằng Tín.

Sang định cư bên này mười mấy năm đầu vợ chồng bù đầu ca đêm ca ngày ít gặp mặt, chỉ cuối tuần gia đình mới sống chung với nhau. Vậy mà rồi chứng nào vẫn tật nấy.

Thấy bác Dự miên man chuyện dài nhà anh Tín  chị Hương sốt ruột:

- Cháu không ngờ anh Tín quá khổ. Nhưng anh Tín đã ăn chay trường, mọi chuyện rồi sẽ yên mà bác.

Bác thở dài:

- Thì bác cũng tưởng thế. Nhưng khổ lắm. Nếu chúng  yên được thì thì đâu đến nỗi bác  phải sống lủi thủi  cả năm rồi không thể về thăm con thăm cháu.

- Ô hay, mình đang ở nước Mỹ mà bác. Chị Hương kêu.

Bác Dự ngao ngán:

- Thì nước Mỹ chớ sao. Ly dị là việc nhà có đạo không thể chấp nhận. Mục đích thằng Tín khi ăn chay chắc là để cố có một đời sống chay tịnh riêng. Nó dọn sang phòng thằng Tiến, ăn  ở luôn trong đó. Nhưng con Thoa  đâu có chịu buông tha. Có lần thằng chồng đóng cửa không mở, nó  đập cửa ầm ầm  rồi vật mình vật mẩy, tự  làm cho xây xát đổ máu rồi la hét nói thằng Tín muốn giết nó, rồi dọa gọi 911. Đến nước này thì thằng Tín  đành thua.  Sau này cứ thế mà nó sách nhiễu  rồi thằng Tín nhắm mắt chịu trận. Luật lệ nước Mỹ mà. Ở cái xứ văn minh này đàn ông thiệt thòi thế đấy, bị bạo hành mà lên tiếng có được đâu. Bố bảo thằng Tín cũng không dám gọi 911 xin cứu giúp vì bị vợ “hành xác”. Vậy đó, bác nói từ đầu rồi, thằng tuổi mèo sức bao lăm mà kham nổi con vợ tuổi cho. Cháu bảo bác phải làm gì bây giờ.

- Ông tuổi mèo muốn chắc ăn bác phải kiếm cho anh vợ tuổi chuột, bác há. Tôi chọc bác Dự.

Cả chị Hương lẫn tôi phải khó khăn lắm mới dỗ  cho Bác ngừng được câu chuyện về nàng dâu tuổi chó. Khi Bác về rồi, hai chị em bùi ngùi thương ông anh hàng xóm thời tuổi thơ. Chị Hương nói:

- Lành như anh ấy, tao e có kiếm được bà vợ tuổi Tý, con vợ chuột nó vẫn leo lên đầu anh chồng mèo như thường.

Nghe chị nói, tôi thấy  tội ngiệp anh Tín, đời trai năm chìm bẩy nổi, bèo dạt mây trôi, mười hai bến nước, anh xấu số tắp vào bến có “chó dữ” bị “xơi tái” dài dài, đành chịu cho hết kiếp này vậy.

Tôi vốn không tin chuyện mấy con giáp choảng nhau như ông bà ta nói. Đâu phải chỉ bên Mỹ mà cả bên mình ngày xưa, đâu thiếu cảnh chó mèo cùng ở chung một nhà. Tôi có cô bạn quen tuổi Tuất, năm nay đã quá tuổi trung niên mà vẫn mình hạc xương mai, yểu điệu thơ mộng, vợ chồng hạnh phúc.

Chẳng hiểu anh chồng cô bạn tuổi gì, nhưng hôm sinh nhật nó năm kia, tôi thấy anh chồng ôm đàn hát mừng vợ bài  “Hạnh phúc lang thang”.

 
Ngày ấy em như hoa sen

Mang nhiều dáng hiền
 

Ngày ấy em như cung tơ

Cho đời thẫn thờ, cho tôi dệt mơ
 

Vừa hát, anh ta vừa cười tươi nhìn bà vợ tuổi Tuất.

Năm nay lại thêm một năm Tuất, năm tuổi của chị Tín. Mong Chó thôi không vờn Mèo, mà giống  như mấy chú thú cưng bên này chung sống vui vẻ với nhau. Mong ông anh tuổi Mão của chúng tôi gặp hên, không còn lang thang đi tìm hạnh phúc,

Mong tất cả các anh chị tuổi Tuất quanh năm hạnh phúc.

Xin Chúc Mừng Năm Mới Mậu Tuất.

Đoàn Thị

Ý kiến bạn đọc
01/03/201807:50:41
Khách
Cảm ơn chị Hằng, anh Tran Van góp ý cho bài viết.
Thân chúc hai vị và bạn đọc năm Mậu Tuất thật nhiều May Lành, Vạn Sự Như Ý.
01/03/201803:52:32
Khách
Nghe nói tuổi Tuất (chó) và tuổi Mẹo/ Mão ( mèo) thường không hợp nhau. Tuy nhiên, nam tuổi Canh Tuất lại hợp với tuổi Ất Mẹo. Nam tuổi Mậu Tuất hợp với tuổi Quý Mẹo. Và nam tuổi Bính Tuất hợp với tuổi Tân Mão.
28/02/201817:11:53
Khách
Một bài viết rất hay và thật ý nhị.
Cầu mong chị Thoa bớt ăn hiếp chồng trong năm tuổi của chị và những năm về sau để cho ông "anh rể hụt" hiền lành của ĐT được mọi sự yên ổn an lành phần còn lại của cuộc đời.
Chúc tác giả dồi dào sức khỏe và hạnh phúc bên gia đình.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,345,312
Tác giả là một huynh trưởng Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, nhận giải bán kết - thường được gọi đùa là giải á hậu 2001. Từ nhiều năm qua, ông là thành viên ban tuyển chọn chung kết. Sách đã xuất bản: Chuyện Miền Thôn Dã.
Stephen Paddock, kẻ vừa xả súng tàn sát ở Las Vegas ngày 01 tháng 10, đã đặt phòng tại khách sạn Blackstone cao 21 tầng, nhắm xuống lễ hội âm nhạc Lollapalooza ở Chicago trong tháng 8 vừa qua. Đó là nội dung bài viết mới của Nguyễn Anh Nguyên. Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ. Ông là con của một sĩ quan Võ Bị Đà Lạt, ra đời trong mùa hè đỏ lửa, từng có hơn một năm sống tại Chicago. Bài viết mới của ông đề cập tới việc
Tác giả định cư tại Mỹ 24 năm, tốt nghiệp đại học tổng hợp, hiện đang là cộng tác viên của một đài truyền hình nhưng chỉ mới bắt đầu dự viết về nước Mỹ từ Tháng Bảy 2017, với bút danh Như Nguyện, bài “Nước Mẹ, Nước Con.” Bài viết thứ ba của cô là chuyện dân Mỹ tự nguyện xếp hàng hiến máu, sau vụ thảm sát tại Las Vegas.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westminster. Tham dự VVNM từ tháng 8/2015. Đã nhận giải đặc biệt 2016. Vừa nhận thêm giải danh dự VVNM năm 2017. Vẫn với cách viết cẩn trọng, chu đáo, bài mới của tác giả mo tả nhiều chi tiết sống động, hữu ích.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Thăm dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016, bài viết thứ ba của ông là một chuyện tình nhẹ nhàng.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng; Cựu nữ sinh NTH Hồng Đức ĐN từ 1969- 1975. Đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ. Sau đây là bài viết mới nhất.
Bài viết mới của tác giả nói lên đời sống chật vật của những người Việt tị nạn đầu tiên trên đất Mỹ, đồng thời đề cao tình yêu và sự ngưỡng mộ của mình đối với nước Mỹ. Bài nầy là chuyện tiếp nối cho tự truyện “Du Học Mỹ Năm 1975”. Tác giả tham dự VVNM năm 2015, được giải Danh Dự năm 2016 và giải “Á khôi” Vinh Danh Tác Giả năm2017. Lúc còn trẻ tác giả là một chuyên viên kỷ thuật. Khi về hưu ông tiêu khiển với thú viết truyện. Ông đang định cư ở Orange County.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông đã nhận giải Vinh Danh VVNM 2016, đồng thời, cũng là tác giả Viết Về Nước Mỹ đầu tiên có nhiều bài đạt số lượng trên dưới một triệu người đọc. Bài Phan mới viết là tùy bút về một ngày thu, cảm tác lúc giao mùa.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Với cách viết như nói chuyện trực tiếp, bà vui vẻ tự sơ lược về mình: Đinh Nguyễn Thi ở nhà gọi là The. Có chồng hai con. Năm nay mới 61 tuổi. Học xong lớp 9 trường làng. Ở nhà được cha mẹ nuôi. Qua Mỹ năm 1985, sau đó 3 năm có người đòi rước về nuôi đến nay.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông sinh năm 1952, dân Sài Gòn, cựu sinh viên Văn Khoa, cựu Sĩ quan Quân đội Miền Nam, một trung đội trưởng tác chiến. Hồi cuối cuộc chiến, chàng là một thương binh và buổi sáng ngày 1 tháng Năm 1975, bị đuổi ra khỏi quân y viện... Bài viết mới là chuyện về cơn bão Irma tại vùng quê mới của tác giả Tampa, Florida.
Nhạc sĩ Cung Tiến